'Bạo hành' với các nạn nhân vì lý do tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ‘ngày càng tệ đi’
Nguyễn Đình Thắng, Quốc Phương, RFA, 21/08/2023
Tình hình bạo hành với các nạn nhân vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam những năm gần đây ngày một trở nên xấu đi, một nhà vận động cho nhân quyền tại Hoa Kỳ nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 20/8/2023.
Ngay sau sự kiện truyền thông đánh dấu tuần lễ có ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của các hành vi bạo lực dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng (22/8/2023) do một tổ chức phi chính phủ ở hải ngoại tổ chức hôm 20/8/2023, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức Ủy ban cứu Người vượt biển (BPSOS) nói với RFA tiếng Việt trên quan điểm riêng vào cùng ngày từ Washington DC, Hoa Kỳ :
"Theo cái nhìn của chúng tôi dựa trên những thông tin và những bản báo cáo mà chúng tôi nhận được ở trong nước, trong cỡ khoảng hai năm trở lại đây, tình hình này càng ngày càng tệ đi, nhưng quốc tế không biết, bởi vì nó xảy ra ở những nơi mà ít có sự chiếu rọi của ánh sáng văn minh của nhân loại để mà quốc tế theo dõi".
"Ví dụ như ở những vùng xa xôi của người H'mông ở tại tỉnh Nghệ An chẳng hạn, hoặc ở tại Tây Nguyên, ở Đắk Lắk, ở Gia Lai, ở tại Phú Yên, là những nơi ít có phái đoàn quốc tế đến thăm, hoặc là ở Tiền Giang, những vùng xa khỏi Sài Gòn, thành ra quốc tế không biết, nên những nạn nhân phải cam chịu và càng ngày càng nghiêm trọng với tình trạng bị ép bỏ đạo : người H'mông theo đạo Tin Lành là bị ép bỏ đạo, bị trục xuất khỏi nhà, khỏi làng của mình, khỏi tỉnh của mình, và họ trở thành người vô gia cư, vô tổ quốc của họ, giấy tờ tùy thân cũng bị tịch thu hết, con cái của họ không được ăn học".
Theo Nguyễn Đình Thắng, người tham gia chủ trì từ phía BPSOS cuộc Hội luận hôm Chủ nhật nhân ngày quốc tế tưởng niệm nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo và niềm tin với sự tham gia của đại diện cơ quan Liên Hiệp Quốc và nhiều nhân chứng, nhà hoạt động từ Việt Nam và hải ngoại, cho hay vấn nạn này còn diễn ra ở nhiều nơi khác tại Việt Nam, vẫn trên quan điểm cá nhân ông nói tiếp :
"Rồi người Tây Nguyên, tức là người Thượng, cũng vậy, gần đây có vụ nổ súng ở tại Đắk Lắk thì chính quyền nhân thể gia tăng ép những người Tây Nguyên, những người Thượng theo đạo Tin Lành mà gọi là Hội Thánh Tư gia, tức họ không trực thuộc bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo mà do nhà nước cấp phép cho hoạt động, họ bị ép bỏ đạo và có những người đã bị tra tấn, đã bị đánh đập. Và có những nhóm mà chúng tôi biết là có trên 130 tín đồ, bây giờ chỉ còn có 30 người thôi, còn hơn 100 tín đồ quá sợ hãi mà phải tham gia vào Hội thánh Tin lành miền Nam Việt Nam chẳng hạn. Và ở những nơi khác cũng tương tự như vậy, đối với người Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa v.v…, tình trạng tệ hơn là trước đây".
Lên tiếng tại Hội luận trực tuyến do BPSOS tổ chức hôm 20/8, Tiến sĩ Nazila Ghanea, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tôn giáo và niềm tin, chia sẻ :
"Có điều gì đó đã xảy ra nhiều trên khắp thế giới và chúng tôi lại được nghe hôm nay, nhưng có điều gì đó đã chưa được chú ý đầy đủ, đó là sự cấm đoán tuyệt đối. Cũng như sự cấm đối tuyệt đối về chính tự do tôn giáo và tín ngưỡng qua mọi áp lực buộc phải thay đổi tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc ép buộc cải đạo, và qua mọi hành vi cưỡng bức để cố tìm cách, ngăn chặn hay ép buộc việc thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng. Do đó, đấy là một sự cưỡng bức kép. Và có một điều khác xuất hiện trong khá nhiều vấn đề được nêu là thực tế rằng Chính phủ (Việt Nam) có một danh mục rất ngắn những tôn giáo và tín ngưỡng được thừa nhận".
Vị Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, trong buổi hội luận cũng đã đưa ra một thông điệp, khi đề cập điều mà bà gọi là chuẩn mực quốc tế. Tiến sĩ Nazila Ghanea nhấn mạnh :
"Và chuẩn mực quốc tế về điều này rất rõ ràng rằng việc thừa nhận không nên được sử dụng để vi phạm chính tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Bất cứ các yêu cầu của bất cứ chính phủ nào về thừa nhận tôn giáo hay tín ngưỡng không được có tính phân biệt đối xử, và phải là một quá trình có thể tiếp cận một cách tối thiểu hơn là một phương tiện để kiểm soát tôn giáo hoặc tín ngưỡng và việc thể hiện điều đó. Tôi cảm ơn những nhân chứng đã lên tiếng, tôi lấy làm tiếc về những đau khổ mà quý vị đã phải trải qua, nhưng các nhân chứng đã đưa ra những bằng chứng trong suốt quá trình dài lâu, nhưng cũng mới gần đây về khá nhiều loại hình vi phạm nhân quyền (ở Việt Nam)".
Về khía cạnh các nạn nhân Việt Nam bị bạo hành do tôn giáo và tín ngưỡng như đã đề cập ở trên hiện đang có nhu cầu được giúp đỡ gì, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành tổ chức BPSOS nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Họ cần hai lĩnh vực trợ giúp, lĩnh vực thứ nhất vô cùng quan trọng là sự chú ý của quốc tế chú ý đến họ, bởi vì nếu không có ánh sáng của quốc tế chiếu rọi vào, thì Nhà nước Việt Nam, nhất là ở cấp địa phương, tha hồ vi phạm những điều ước quốc tế mà nhà nước trung ương đã cam kết với Liên Hiệp Quốc, đã cam kết với nhiều chính phủ như là với Hoa Kỳ, Anh quốc, Canada, Úc, Liên Âu v.v…, nhưng rồi ở địa phương không thực thi, thì không ai biết. Cần phải chiếu rọi ánh sáng, cần phải tập trung, cần phải để ý".
Việc thứ hai, mà ông Thắng muốn nói đến đó là các cộng đồng ở trong nước cần phải biết cách để nhận diện, thu thập chứng cứ và báo cáo các vụ vi phạm về quyền tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung.
"Đó là hai nỗ lực mà chúng tôi đang cố gắng, một mặt là vận động quốc tế và mặt kia là đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn một cách rất đơn giản và thực tiễn để những nạn nhân và cộng đồng của họ có thể báo cáo được cho quốc tế". TS Nguyễn Đình Thắng kết luận.
Theo truyền thông chính thống của Việt Nam, Đảng cộng sản và Nhà nước CHXHCN Việt Nam khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo cùng tồn tại trong lòng dân tộc và bình đẳng trước pháp luật. Chính sách nhất quán, những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được khẳng định trên nguyên tắc Hiến định tại các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013. Vẫn theo truyền thông chính thống của Nhà nước Việt Nam, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay. Song, thế lực xấu chưa bao giờ từ bỏ âm mưu "diễn biến hòa bình". lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, móc nối với số bất mãn chế độ, có tư tưởng định kiến với Đảng, Nhà nước ta, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo.
Bình luận về quan điểm này của chính quyền Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Ai nói gì, chúng ta cũng tạm tin, nhưng đồng thời phải phối kiểm, thì Liên Hiệp Quốc cũng như quốc tế nói chung cũng tuân thủ nguyên tắc đó, nhà nước Việt Nam báo cáo một đằng nhưng cần phải phối kiểm thực hư ra sao. Trước đây thì tương đối khó khăn để LHQ có thể phối kiểm những bản báo cáo từ một phía – đó là Nhà nước Việt Nam, bởi vì người dân không có tiếng nói. Tuy nhiên từ năm 2015, chúng tôi bắt đầu một kế hoạch, chương trình để đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn cho chính những nạn nhân, cũng như cộng đồng của họ làm báo cáo theo đúng thể thức, tiêu chuẩn đòi hỏi của Liên Hiệp Quốc. Thành ra từ đó đến giờ, chúng tôi đã nộp khoảng trên 500 bản báo cáo vi phạm, bao gồm vài nghìn trường hợp vi phạm. Do đó, quốc tế càng ngày càng phối kiểm được từ những nguồn độc lập.
Phía chính quyền Việt Nam chỉ là một nguồn và họ đã bị đối chất bởi những nguồn thông tin khác đến từ chính nạn nhân. Và tôi tin rằng càng ngày càng khó để cho chính quyền Việt Nam có thể qua mắt được quốc tế… Thành ra, tháng 12/2022 vừa rồi, chính Bộ Ngoại giao, chính Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách phải theo dõi đặc biệt, mặc dù có nhiều người không thích chuyện đó, nhưng trước những chứng cứ rành rành ra như vậy, họ chỉ có thể làm gia giảm phần nào mức độ nghiêm trọng của đàn áp tự do tôn giáo ở Việt Nam, chứ không thể lờ đi được nữa, và chúng tôi sẽ tiếp tục như vậy".
Theo ông Nguyễn Đình Thắng hiện nay tại Hoa Kỳ và quốc tế đã có thêm những hình thức biện pháp mới như những công cụ có thể giúp chế tài các hành vi vi phạm nhân quyền, trong đó có vi phạm tự do, tín ngưỡng, niềm tin đối với các cá nhân quan chức ở trong một chế độ mà đứng sau hành vi vi phạm, ông nói thêm vẫn trên quan điểm riêng :
"Đặc biệt có nhiều đạo luật tương tự như Magnitsky, nhưng lại tập trung hơn, dễ khai thác hơn để áp dụng những biện pháp chế tài lên những cá nhân là thủ phạm đứng đằng sau các vụ vi phạm về quyền tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung một cách nghiêm trọng. Chúng tôi đã nộp khá nhiều báo cáo và chúng tôi đang tiếp tục nộp thêm nữa, khi Việt Nam đang ở trong danh sách phải theo dõi đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng, thì điều kiện, đòi hỏi của luật pháp là Bộ Ngoại giao hàng năm phải báo cáo cho Quốc hội Hoa Kỳ là đã áp dụng biện pháp chế tài cá nhân nào lên những thủ phạm nào đứng đằng sau những vụ vi phạm đã được báo cáo".
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 21/08/2023
*****************************
Việt Nam "quản chặt" tín đồ các tín đồ tôn giáo độc lập
RFA, 21/08/2023
Ở Việt Nam, những người muốn sinh hoạt tôn giáo một cách độc lập luôn đối mặt nguy cơ bị chính quyền ngăn cản, sách nhiễu. Nhiều tín đồ tôn giáo độc lập là người bản địa cho biết họ thậm chí bị đàn áp ngày càng nặng nề hơn.
Các Nhà sư Khmer Krom ở Campuchia biểu tình phản đối Việt Nam bắt một nhà sư người Khmer Krom - Reuters
Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên gần như tan rã
Nhân ngày Quốc tế Tưởng niệm các nạn nhân của các hành vi bạo hành dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng (22/8), RFA phỏng vấn một số tín đồ tôn giáo người bản địa để hiểu rõ hơn về những sinh hoạt tôn giáo của họ hiện nay.
Một người Thượng là tín đồ Tin Lành đấng Christ, hiện đang ở Đắk Lắk, yêu cầu giấu tên vì lý do an toàn, cho RFA biết :
"Trong bảy ngày qua, ngày nào công an cũng qua nhà, không cho mình sinh hoạt, nhóm lại với nhau thờ phượng Chúa. Công an qua nhà bảo là không được tổ chức tưởng niệm ngày 22/8.
Trong một tháng trở lại đây, chúng tôi không thể liên lạc với anh em vì chính quyền làm rất căng trong thời gian vừa rồi".
Người này cho biết thêm rằng từ ngày 8/4 cho đến nay, tất cả các điểm sinh hoạt tôn giáo của tín đồ Tin Lành Đấng Christ ở Đắk Lắk đều không thể nhóm họp lại với nhau nữa. Tình hình càng bị siết chặt hơn từ sau vụ tấn công hai đồn công an xã ở tỉnh này vào ngày 11/6 vừa qua. Người này nói tiếp :
"Mỗi tuần (Công an-PV) xuống ít nhất ba lần. Họ nhắc không được sinh hoạt tập trung nhiều người, nếu không là sẽ bắt và xử lý theo pháp luật nhà nước Việt Nam. Hội Thánh của chúng tôi bây giờ coi như là tan rã".
Một số tín đồ khác cho biết chính quyền địa phương sắp tới buộc họ phải phát biểu trước người dân trong bản làng rằng Tin Lành Đấng Chirst là một giáo hội phản động, chống nhà nước. Một người không muốn nêu tên nói :
"Sắp tới đây họ sẽ phát động quần chúng tại buôn làng, bắt chúng tôi phải nói trước dân là giáo hội Tin Lành Đấng Christ là giáo hội chống lại nhà nước Việt Nam. Họ nói sẽ viết sẵn một bản cam kết để những người theo Tin Lành Đấng Christ ký cam kết bỏ đạo.
Nếu mà tôi có nói vậy thì cũng vì nhà nước ép buộc, áp lực tôi phải nói như thế chứ tôi không muốn".
Phân biệt đối xử, đàn áp người Khmer Krom
Ông Tran Mannrinh, một người Khmer Krom, hiện đang ở bang Pensylavia, Hoa Kỳ cho biết, hơn 90% những người Khmer bản địa sống ở Đồng bằng Sông Cửu Long đều theo Phật giáo nguyên thuỷ, hay còn gọi là Phật Giáo Nam Tông.
Họ cũng không được thành lập Giáo hội riêng mà phải buộc gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam của chính phủ. Ông Tran Mannrinh nói :
"Không chỉ ban chủ trì của chùa mà phật tử muốn tổ chức sinh hoạt tôn giáo cũng phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Đó là một sự vi phạm hết sức trắng trợn tôn giáo của chúng tôi.
Ngày xưa, con dấu của mỗi ngôi chùa đều có chữ Khmer nhưng mà bây giờ họ (chính quyền - PV) tịch thu hết và phát lại cho chùa một cái mộc mới mà hoàn toàn không có một chữ Khmer nào".
Ông Mannrinh lấy ví dụ, năm 2020, một vị sư tên Thạch Chanh Đa Ra cùng một số sư sãi xây dựng một ngôi chùa ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 2021, người của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đến làm việc, yêu cầu các sư thầy ở đây phải sinh hoạt theo tôn chỉ của GHPGVN nhưng bị từ chối. Tháng 3/2021, chính quyền huyện Tam Bình, Vĩnh Long tiến hành cưỡng chế, di dời các tượng Phật ra khỏi ngôi chùa này.
Các trang tin thân chính phủ Việt Nam cáo buộc sư Thạch Chanh Đa Ra và các sư sãi cùng nhóm đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn nhằm bôi nhọ chủ trương, đường lối của Đảng đối với đồng bào dân tộc Khmer, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vu cáo Việt Nam đàn áp dân tộc, tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền…
Theo ông Mannrinh, việc chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử đối với người Khmer Krom là không thể chối cãi :
"Ở vùng bản địa Khmer Krom đang sinh sống không có một dự án nào quy mô. Từ Sài Gòn xuống Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có một quãng đường từ Sài Gòn đến Mỹ Tho có cao tốc tốt thôi, tất cả mọi thứ họ dồn hết cho miền Bắc.
Một mặt thì nhà nước nói ra rã ở trên đài rằng đề cao phong tục, ngôn ngữ và quyền của dân bản địa, nhưng mặt khác họ lại rỉ tai cho cha mẹ và giáo viên rằng nên cho trẻ em nói tiếng Việt. Cho nên, đại đa số trẻ em Khmer Krom không còn nói rành tiếng Khmer nữa".
Ngoài những "áp bức" trên, hồi năm 2021, chính quyền Việt Nam đã bắt ông Thạch Rine (61 tuổi), một tín đồ Cơ đốc giáo ở Trà Vinh và cáo buộc ông này đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để xúc phạm lãnh tụ Việt Nam, xuyên tạc lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ.
Ông Thạch Tha, một người Khmer Krom hồi tháng 10/2021 nói với RFA rằng những người bản địa theo đạo như ông chỉ đòi hỏi chính quyền Việt Nam để người dân tộc Khmer Krom thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, thờ phượng Chúa theo đúng pháp luật Việt Nam.
Nguồn : RFA, 21/08/2023