Cuộc xâm lược của Nga đang phản ánh lịch sử bi thảm, bị chiến tranh tàn phá của Ukraine
Một cái nhìn kỹ lưỡng hơn vào lịch sử Ukraine, vùng đất mà các cường quốc thường xuyên đụng độ, sẽ tiết lộ tham vọng khôi phục Đế chế Nga của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong thời kỳ đế chế cho đến giai đoạn đầu thế kỷ 20, người Nga, người Ukraine, và người Belarus không được phân biệt rõ ràng. Kyiv, thủ đô của Ukraine, vẫn được coi là cội nguồn của nền văn hóa Nga, kết hợp ba dân tộc kể từ thời Đại Công quốc Kyivan Rus trung cổ. Nhiều người Nga ngày nay xem Ukraine là nước nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga.
Có nhiều khả năng khiến Putin nghĩ rằng cuộc xâm lược Ukraine không phải là cuộc tấn công vào một quốc gia có chủ quyền, mà là cuộc can thiệp vào một khu vực vốn dĩ thuộc quyền sở hữu của Nga. Do đó, thế giới nên tìm hiểu cách Putin diễn giải lịch sử và những hành động sau đó của ông ta, bất chấp sự lên án gần như ở khắp mọi nơi. Nếu bỏ qua việc này, chúng ta có thể đánh giá sai ý định thực sự của ông ta, cũng như khả năng chống lại sự xâm lấn của Nga.
Để hiểu lập trường của Putin về Ukraine, sẽ hữu ích nếu so sánh ông ta với Pyotr Stolypin (1862-1911), người trở thành Thủ tướng Nga vào năm 1906, khi chế độ Sa hoàng bắt đầu suy yếu. Putin coi Stolypin – một quan chức có năng lực, nhưng lại kiên định dùng ‘bàn tay sắt’, thậm chí từ trước khi đảm nhiệm chức vụ hàng đầu nước Nga – là hình mẫu để quản lý chính phủ và thường đề cập đến ông khi phát biểu trước Quốc hội.
Stolypin được cho là người đã tái thiết nước Nga sau Cách mạng Nga lần thứ nhất, nhưng cũng là người chứng kiến thất bại của đất nước trong Chiến tranh Nga-Nhật. Song song với việc tàn nhẫn đàn áp yêu cầu tự trị của các nhà cách mạng và các dân tộc không phải người Nga, Stolypin đã thực hiện nhiều cải cách trên phạm vi rộng lớn, chẳng hạn như bãi bỏ chế độ nông dân công xã và tăng quyền sở hữu đất tư nhân.
Stolypin tiếp quản chính phủ sau khi Nga thua Nhật. Chứng kiến đế chế đa sắc tộc dần sụp đổ, ông tìm mọi cách để ngăn chặn sự tan rã của nó, sử dụng nhóm dân Nga chiếm đa số làm nền tảng cho mình. Ông đã kiềm chế nguyện vọng tự trị của Phần Lan, đàn áp các mục tiêu tương tự ở Ukraine, khi đó cũng đang yêu cầu quyền tự trị.
Stolypin muốn đoàn kết người Nga, người Ukraine, và người Belarus dưới ngọn cờ chung của người Slav, tạo thành một thực thể thống nhất, mạnh mẽ do đa số người Nga lãnh đạo. Các cựu lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin và Leonid Brezhnev đã chia sẻ tầm nhìn này, cùng với các chiến thuật mạnh tay của Stolypin, mà đến lượt mình, Putin cũng đã áp dụng.
Ký ức về Thế chiến II
Việc quản lý một quốc gia đứng đầu là người Nga và bên dưới còn nhiều nhóm sắc tộc khác gắn với nhu cầu tập thể của người Nga đối với một cơ quan trung ương mạnh mẽ, với chủ nghĩa quân phiệt và chiến tranh là nền tảng cho sự thống nhất quốc gia. Điều gắn kết bền chặt nhất các nhóm người Nga với nhau xuất hiện dưới thời Liên Xô – điều vẫn còn hiển hiện đến tận hôm nay – chính là chiến thắng của đất nước trong Thế chiến II. Cảm giác rằng "lúc đó chúng ta đã chiến đấu hết mình" đã trở thành luận điểm để tập hợp dân chúng cho đến ngày nay.
Putin bị thúc đẩy sâu sắc bởi các sự kiện của Thế chiến II và hậu quả của nó. Đối với ông, từ bỏ những vùng đất mà Liên Xô giành được là hành động vượt quá giới hạn, đến mức không thể chấp nhận được. Suy nghĩ khác biệt về một nhóm đảo ngoài khơi Hokkaido, mà người Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc, giữ vai trò khá lớn trong việc định hình quan hệ Nga-Nhật.
Tình cảm của Putin đối với Ukraine không thể tách rời khỏi lịch sử Thế chiến II. Ví dụ, dù Galicia – khu vực nằm giữa Ba Lan và Ukraine – là lãnh thổ của Ba Lan trước Thế chiến II, nhưng phần phía đông của Galicia, bao gồm thành phố lịch sử Lviv, là nơi sinh sống của nhiều người Ukraine. Liên Xô cuối cùng đã chiếm được đông Galicia từ tay Đức Quốc xã và sáp nhập nó vào Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraine.
Lịch sử của Galicia là chủ đề trung tâm trong các bài phát biểu của Putin; trong một bài phát biểu, ông còn tuyên bố rằng "vùng đất Ukraine này hoàn toàn do Nga tạo ra". Bán đảo Crimea, bị Nga sáp nhập vào năm 2014, được Nikita Khrushchev, nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó, nhượng lại cho Ukraine vào năm 1954.
Putin được lịch sử thúc đẩy
Ukraine không được Putin và những người ủng hộ ông coi là một quốc gia độc lập. Họ cảm thấy nước này là một phần không thể thiếu của Nga, và nền độc lập của nó chính là một mối đe dọa hằng hữu. Tuy nhiên, Ukraine đã thoát khỏi sự kiểm soát của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ.
Liên Xô vẫn giữ được mình nguyên vẹn ngay cả sau khi ba nước Baltic và các quốc gia khác nổi dậy chống lại Moscow. Nhưng cuối cùng thì liên bang cũng bắt đầu tan biến khi Ukraine quyết định ly khai. Putin và những người ủng hộ ông vẫn phàn nàn rằng không ai lắng nghe họ, dù 30 năm qua ông đã phải chịu đựng sự phớt lờ ông tự mình gây ra. Dù sự phản đối của họ có hơi hướng của việc tự cho mình là nạn nhân, nhưng quả thật họ nghĩ như vậy.
Không giống như cuộc xâm lược Bán đảo Crimea năm 2014, cuộc tấn công Ukraine hiện nay không được nhiều người dân Nga ủng hộ. Tuyên bố rằng các cư dân nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine đang bị đàn áp, theo các công dân Nga, là không thể biện minh cho cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Putin đã cố gắng hết sức để dập tắt làn sóng bất bình và chỉ trích trong nước.
Khu vực trung tâm Lviv vào ngày 15/2. Thủ phủ trước đây của miền Tây Ukraine có gắn kết văn hóa với Trung Âu mạnh hơn so với Nga.
Hành động phản đối và trừng phạt kinh tế từ cộng đồng quốc tế do Mỹ và Châu Âu dẫn đầu đã không cản trở được Putin. Ông dường như đã chấp nhận từ bỏ các lợi ích kinh tế của Nga để ủng hộ việc hồi sinh một Đế chế Nga được thúc đẩy bởi vấn đề tình cảm.
Hiện tại, thật khó đoán được những thay đổi nào trong khuôn khổ kinh tế và chính trị quốc tế sẽ làm hài lòng Putin. Ông ta có thể muốn trung lập hóa Ukraine bằng đường quân sự và biến đất nước này thành một vệ tinh của Nga. Hành động của Putin, nhìn nhận qua lối diễn giải lịch sử của ông, cho thấy quyết tâm trong việc tạo ra một nước Nga nơi sự thiếu tôn trọng sẽ bị đè bẹp.
Do đó, Tổng thống Nga hiện yêu cầu cộng đồng quốc tế – đặc biệt là Mỹ và Châu Âu – phải tôn trọng Nga nhiều hơn.
Chiến trường của các cường quốc
Ukraine là một vùng đất màu mỡ trải dài dọc phía bắc Biển Đen. Thật không may, nó cũng là nơi thường xảy ra xung đột giữa các đế chế hùng mạnh.
Miền tây Ukraine từng là một phần của Ba Lan. Vào nửa sau của thế kỷ 18, khu vực ngày nay là Ba Lan bị chia cắt giữa Phổ, Nga, và Đế chế Habsburg. Kết quả là, tây Ukraine trở thành một phần của Đế chế Habsburg đa sắc tộc, sau này trở thành Đế chế Áo-Hung.
Miền đông Ukraine, nơi có thủ đô Kyiv và các thành phố khác như Odesa và Kharkiv, từng thuộc về Đế chế Nga. Tại khu vực biên giới giáp ranh giữa Đế chế Habsburg và Đế chế Nga, các nhóm sắc tộc có gốc gác giống nhau sinh sống ngay cạnh nhau. Những người Slavơ cư trú tại Đế chế Habsburg đôi khi cố gắng thống nhất với những người Nga bên ngoài biên giới, và ngược lại.
Vùng đá nứt
Khu vực đa sắc tộc, đầy biến động này từ lâu đã là nơi diễn ra các cuộc xung đột vũ trang kéo dài, chủ yếu vì lợi ích của các cường quốc lớn. Trong khoa học lịch sử, loại khu vực này đôi khi được gọi là "vùng đá nứt" (shatterzone) – một thuật ngữ được sử dụng trong địa chất học. Các khu vực tương tự bao gồm Bán đảo Balkan, nơi từng là thùng thuốc súng của Châu Âu, và Armenia, nơi đụng độ vũ trang đã liên tục xảy ra kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Dù xung đột có xu hướng chỉ giới hạn ở các khu vực biên giới, các nhóm sắc tộc địa phương vẫn liên tục tranh cãi về câu hỏi họ nên liên kết với quốc gia nào. Thêm vào đó là làn gió thường xuyên đổi chiều của chính trị quyền lực toàn cầu, và vì thế đã tồn tại một công thức cho sự phản kháng đẫm máu. Vào thế kỷ 20, miền tây Ukraine trở về thành lãnh thổ của Ba Lan sau Thế chiến I, rồi lại bị Liên Xô chiếm đóng sau Thế chiến II, để lại những khác biệt ngày càng sâu sắc về lòng trung thành.
Ngày nay, người tây Ukraine phần lớn là hậu duệ của những cư dân Đế chế Habsburg, nơi họ cùng sinh sống bên cạnh người Đức và người Hungary. Người đông Ukraine thì khác, họ có gốc gác là người Nga và người Belarus. Ở phần phía tây của đất nước, người dân nói tiếng Ukraine và có xu hướng liên kết với Tây Âu, trong khi các khu vực phía đông và nam nói tiếng Nga và thông cảm hơn với Moscow.
Để so sánh tình hình hiện tại với tình hình của thời kỳ đế quốc (thế kỷ 19 đến thế kỷ 20), chúng ta có thể ví Liên minh Châu Âu với Đế chế Habsburg, và Nga – dưới thời Tổng thống Putin – với Đế chế Nga, còn Ukraine bị kẹp giữa như một vùng đá nứt. Người Habsburg có xu hướng lựa chọn phong cách quản trị nghị viện giống với Anh và Pháp hơn là Đế chế Nga, đồng thời họ cũng nghiêng nhiều hơn về quyền của các nhóm sắc tộc.
Liên minh Châu Âu coi trọng dân chủ, chủ nghĩa nghị viện, và sự đa dạng xã hội, trong khi Nga từng có tham vọng trở thành một quốc gia hùng mạnh do những kẻ độc tài như Stolypin, Stalin, và bây giờ là Putin đứng đầu.
Cuộc đối đầu hiện tại vì thế là sự lặp lại của hai quan điểm khác nhau, đụng độ trên dải đất Ukraine một lần nữa.
Nỗ lực hội nhập
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc nêu bật sự khác biệt giữa miền tây và miền đông của Ukraine có thể bổ sung thêm một lý do cho cuộc xâm lược của Putin. Ông ta nhấn mạnh rằng khối dân Nga ở miền đông Ukraine đang phải chịu đựng sự phân biệt đối xử và áp bức của miền tây.
Nhưng tuyên bố này là sai.
Tại miền trung dân cư đông đúc của Ukraine, nơi thủ đô tọa lạc, hai nhóm đa dạng đã thành công trong việc cùng chung sống với nhau. Những nỗ lực nhằm duy trì sự gắn kết xã hội giữa miền đông và miền tây đã luôn hiện diện trong lịch sử. Trong một bài phát biểu giữa cuộc khủng hoảng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gửi một thông điệp xúc động tới Nga, nhấn mạnh bằng tiếng Nga rằng "Người Ukraine không đàn áp người Nga".
Cuộc sống ở khu vực Donbas, dọc theo biên giới phía đông Ukraine, nơi thực chất đang nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang Nga, cũng không hề thoải mái với người Nga. Nhưng cuộc xâm lược Ukraine hiện nay sẽ thúc đẩy ý thức về bản sắc dân tộc của người Ukraine.
Mối quan hệ thân thiết giữa các nhà tài phiệt giàu có và giới chính trị vẫn còn tồn tại ở Ukraine và góp phần vào sự trì trệ chính trị và kinh tế của nước này. Nhưng các nhà tài phiệt, vốn kiểm soát nền kinh tế địa phương và được cho là có liên hệ một phần với nước Nga này, đã bắt đầu rời khỏi đất nước.
Dù Nga đưa ra nhiều lý do cho cuộc xâm lược của mình, nhưng không có lý do nào chính đáng. Hành động của Nga nhiều khả năng sẽ chỉ thúc đẩy người Ukraine tập hợp lại và chống lại họ.
Yoshiro Ikeda
Nguyên tác : Reviving the empire: Putin follows path of Stolypin and Stalin, Nikkei Asia, 13/03/2022
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Yoshiro Ikeda là giáo sư tại Đại học Tokyo. Ông chuyên về lịch sử Nga hiện đại.