Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dọc các huyện nằm sát quốc lộ 1 qua tỉnh Nghệ An, có những ngôi làng được gọi bằng tên rất Tây : ‘làng Euro’. Nhiều người khi vô tình đi lạc vào các ngôi làng này đều choáng ngợp trước những ngôi nhà bề thế, không khác gì toà lâu đài. 

lang0

Làng euro ở Nghệ An

Không ít bình luận trên mạng xã hội rằng ‘làng Euro’ được xây dựng bằng đồng tiền xương máu của người Việt đang lao động tại phương Tây. Vụ việc 39 người Việt tử vong trong thùng container trên xe tải tại biên giới Anh quốc hôm 23/10 là một ví dụ đầy đau thương của hệ lụy đó.

"Tôi nghĩ rằng báo chí đưa tin theo hướng những căn biệt thự sang trọng ở nơi đây là từ đồng tiền của người lao động bán mạng kiểu như 39 nạn nhân, là cách đưa tin không trung thực. 

Trên thực tế, rất nhiều trai tráng nơi đây sang Lào để làm ăn, và những chuyến buôn gỗ từ Lào về Nghệ An đã giúp đời sống nơi đây sung túc. Bên cạnh đó, đúng là không ít dân nơi đây chọn Đông Âu cho chuyện khởi nghiệp tương tự như các đại gia nhà Phạm Nhật Vượng Vingroup, như Thái Hương của TH Milk, như Nguyễn Đăng Quang Masan…".

Ông Trần Ngọc Phong, một thương nhân ngành gỗ đang làm ăn tại thành phố Vinh, cho biết như vậy. Ông Phong cũng từng tham gia nhóm người Việt tổ chức sản xuất mì gói tại Nga trước đây.

Ông Phong kể ở Nghệ An sang Lào rất dễ. Nhà chức trách Lào khi biết đó là lao động bất hợp pháp, nghĩa là không qua các thủ tục hành chính theo luật định thì họ sẽ phạt, nhưng phạt không quá 100 đô la Mỹ, và thường phải làm thủ tục gia hạn visa bằng cách xuất cảnh sang Thái Lan, ngay sau đó nhập cảnh trở lại ngay trong ngày. 

"Hồi trước năm 2016, Chính phủ Lào chưa thắt chặt quản lý khai thác gỗ, những người Việt sang đây làm ăn đông đúc lắm, nghe đâu lên tới mức vài chục ngàn người mỗi năm. Đây là thời hoàng kim của dân làm gỗ giống như thời thanh niên xung phong thế hệ lãnh đạo Lê Thanh Hải, Lê Quang Thung, Lê Tấn Hùng phá rừng Tây nguyên, xuất khẩu gỗ đầy cảng Quy Nhơn…". 

Ông Phong kể và nói rằng trong chuyện người dân các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương sang Lào để làm gỗ có mối nguy ở chỗ là toàn mượn đường từ Việt Nam để sang Trung Quốc. Có nghĩa búa kiểm lâm ở đây là Việt Nam. Số gỗ này thường được xuất qua cảng Cửa Việt, và cảng Tiên Sa cho các ông chủ thực sự là người Trung Quốc.

Mấy năm gần đây việc buôn lậu gỗ gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng dân làm gỗ Việt Nam vẫn có những cách riêng vì lợi nhuận của việc này rất lớn. Nhu cầu thị trường nhiều nhất hiện nay là gỗ hương và gỗ trắc. Nếu vận chuyển trót lọt về Việt Nam, lợi nhuận của một khối gỗ như vậy có thể trên 10 lần giá gốc. 

"Thế người Việt sang Lào để làm ăn có gặp cảnh chết ở xứ người ?". Trả lời câu hỏi này, ông Trần Ngọc Phong cho biết người lao động Việt Nam sang đây bị chết thì đưa lên chùa ở bản xứ, nếu có báo với Đại sứ quán Việt Nam tại đây thì họ cũng không để ý. 

"Vụ 39 thi thể trong thùng container ở Anh sở dĩ công luận đăng dồn dập với đa chiều thông tin, vì đó là câu chuyện xảy ra tại Anh quốc, và số nạn nhân quá nhiều cùng lúc. Còn ở Lào thì người lao động Việt Nam chết khi làm việc xứ người chỉ là rải rác, và mạng xã hội lẫn báo chí địa phương đều không đăng nên ít ai thấy rõ mặt trái của chủ trương xuất khẩu lao động của Nhà nước Việt Nam". Ông Trần Ngọc Phong, giải thích. 

Vấn đề ở đây cần được tỉnh táo của các nhà lãnh đạo Đảng – Nhà nước Việt Nam. 

"Tôi thấy báo chí đăng tin là Quốc hội vừa quyết chỉ tiêu năm 2020 là tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, lạm phát dưới 4%. Tôi nghĩ rằng chỉ mới xét ở mỗi chuyện 39 nạn nhân người Việt ở Anh quốc, và thực tế trai tráng Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương vẫn tìm đường sang Lào để làm gỗ, trong khi một thị trường hơn 90 triệu dân thì lẽ ra Việt Nam phải là một môi trường lao động hấp dẫn. Đó là điều đáng phải suy nghĩ khi đặt ra các chỉ tiêu kinh tế để làm đẹp chính sách". Ông Trần Ngọc Phong chia sẻ.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 13/11/2019

Additional Info

  • Author Trúc Giang
Published in Diễn đàn