Ngược đãi tù chính trị
Trúc Giang, VNTB, 22/06/2019
Nếu so những gì mà người tù có tên Hồ Chí Minh đã viết bằng thơ chữ Hán "獄中日記"- Ngục trung nhật ký" mô tả cảnh nhà lao của tù chính trị, thì xem ra với những người tù hôm nay ở Việt Nam, họ thảm hại hơn nhiều.
Trách nhiệm của Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong thực thi công vụ
Tình cảnh của nhiều ‘tù chính trị - tù nhân lương tâm’
Những người lên tiếng phản biện mạnh mẽ thể chế chính trị độc tài toàn trị ở Việt Nam, thường phải chịu án hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, theo Bộ Luật hình sự 2015. "Tù nhân lương tâm" là cụm từ quen dùng thay cho "tù chính trị" trong những bản án đó.
Trong một chia sẻ trên trang facebook tài khoản của bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của nhà báo Trương Minh Đức [1], thì tình cảnh hiện tại ở chốn lao tù của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức là khốn cùng vì bị ngược đãi.
"Anh Đức nói em về kêu gọi nhờ mọi người và em làm đơn lên Bộ Công an, lên các cơ quan nhân quyền, các Đại sứ Quán trong và ngoài nước... gấp. Bây giờ các anh em trong này toàn là lớn tuổi, bệnh nhiều mà nắng nóng khắc nghiệt thế này, quạt điện thì không có, số anh em bị huyết áp tim mạch, dễ chết bất cứ lúc nào... Tôi nhìn thấy chồng đi mà đau lòng nước mắt không cầm được. Anh đi không nổi…". Trích chia sẻ của bà Nguyễn Kim Thanh. Theo lời bà Thanh, các quản giáo nơi đây đổ thừa hoàn cảnh do quạt bị hư hỏng, thêm vào đó là tiền điện lại tăng cao nên tất cả phải tiết kiệm điện.
"Anh Đức kể anh cùng nhiều bạn tù khác nói với quản giáo là sẳn sàng phụ với trại giam khoản tiền điện cho sử dụng quạt, nhưng họ vẫn không đồng ý. Anh Đức cùng một số người tù đã tuyệt thực phản đối trại giam ngược đãi, họ vẫn không đáp ứng về quạt ở mùa nắng nóng đầy khắc nghiệt của miền bắc". Bà Thanh thuật lại, và kể thêm rằng bà cùng bè bạn sẽ hùn tiền để mua quạt máy gửi vào tặng nhà giam để tù nhân có cái để xài ở mùa nắng nóng, nhưng thiện ý này cũng bị công an nơi đây từ chối.
Đó là tra tấn
Ngày 28/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13, về thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn).
Ở Điều 1 của Công ước chống tra tấn, cho biết thuật ngữ "tra tấn" có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn, hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba ; hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện ; hoặc để đe dọa hay ép buộc người đó hay người thứ ba ; hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức.
Khái niệm tra tấn không bao gồm những đau đớn hoặc đau khổ xuất phát từ, gắn liền với hoặc có liên quan đến các biện pháp trừng phạt hợp pháp.
Điều 2 của Công ước chống tra tấn, ghi : "Không có bất kỳ hoàn cảnh ngoại lệ nào, cho dù là trong tình trạng chiến tranh, hoặc đang bị đe dọa bởi chiến tranh, mất ổn định chính trị trong nước hoặc bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào có thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn. Mệnh lệnh của quan chức hay của cơ quan có thẩm quyền cấp trên không thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn".
Trách nhiệm của Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong thực thi công vụ
Ông Trương Minh Đức hiện thi hành án tại trại giam số 6, Thanh Chương, Nghệ An. Với những gì mà bà Nguyễn Kim Thanh tường thuật, trước mắt có thể thấy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong thực thi điều khoản của Công ước chống tra tấn : "Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng giáo dục và tuyên truyền về nghiêm cấm hành động tra tấn được đưa đầy đủ vào chương trình đào tạo các quan chức thực thi pháp luật, các nhân viên dân sự, quân sự, y tế, công chức và những người khác mà có thể liên quan đến việc giam giữ, thẩm vấn hoặc đối xử với bất kỳ cá nhân nào bị bắt, giam giữ hay cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào" (Điều 10.1).
Trong một chia sẻ với giới truyền thông quốc tế, điều phối viên Hội Cựu tù nhân Lương tâm, ông Phạm Bá Hải nhìn nhận Việt Nam luôn luôn nói rằng họ tuân thủ các tiêu chuẩn cư xử nhân đạo với các tù nhân trong hệ thống nhà tù Việt Nam.
"Nhưng đặc biệt với kinh nghiệm, chúng tôi thấy rằng đối với những tù chính trị có sự phân biệt đối xử và sự ngược đãi rất rõ ràng. Những tù nhân chính trị không nhận tội đều bị giam giữ ở một điều kiện rất khắc nghiệt. luôn luôn dễ dàng bị vi phạm, bị kỷ luật ; và ép buộc những người tù này nếu muốn có môi trường sinh hoạt trong tù thoải mái hơn, muốn có điều kiện gặp gỡ thân nhân thoải mái hơn thì phải nhận tội. Hoặc những người tù này khi bị bệnh tật sẽ được điều trị tốt hơn nếu nhận tội. Đây là việc làm hoàn toàn vi phạm một cách trắng trợn tiêu chuẩn cư xử nhân đạo đối với tù nhân, đặc biệt là tù nhân lương tâm".
Những địa chỉ cần biết để ‘gõ cửa’
Phản biện về thể chế chính trị độc đảng toàn trị, kêu gọi sự cạnh tranh công bằng trong quản trị quốc gia… là những điều mà các tù nhân lương tâm luôn tin rằng đó không thể là điều có tội, không thể là điều vi phạm pháp luật.
Trên quy mô toàn cầu, bên cạnh hoạt động của các tổ chức NGO (non-governmental organization – tổ chức phi chính phủ) về quyền con người, như Amnesty International, HRW, FIDH (thường bao gồm cả hoạt động trong lĩnh vực chống tra tấn), có những tổ chức, mạng lưới tổ chức chỉ tập trung vào chống tra tấn hoặc bảo vệ nạn nhân của tra tấn như Hiệp hội Quốc tế phòng chống tra tấn (Association for the Prevention of Torture – APT), Tổ chức thế giới chống tra tấn (World Organisation Against Torture – OMCT), Hội đồng quốc tế tái hòa nhập nạn nhân tra tấn (International Rehabilitation Council for Torture Victims – IRCT), Liên minh các NGO quốc tế chống tra tấn (Coalition of International NGOs Against Torture – CINAT), REDRESS…
Đó là những địa chỉ mà gia đình, thân nhân hoặc bè bạn của các tù nhân, đặc biệt là đối với ‘tù chính trị - tù nhân lương tâm’, có thể tìm đến để lên tiếng cho quyền lợi của người thân đang bị ngược đãi, bị tra tấn trong chốn lao tù.
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 22/06/2019
*****************
Các chính quyền Đông Nam Á, gồm Việt Nam, hợp tác bắt các nhà hoạt động lưu vong ?
VOA, 22/06/2019
Ba cảnh sát Thái Lan tới gặp Nguyễn Văn Chung, một người tị nạn Việt Nam ở Bangkok hồi tháng 1 và hỏi ông có liên lạc với một người Việt Nam khác, tên Trương Duy Nhất, mới trốn sang Thái Lan hay không.
Có tin ông Trương Duy Nhất bỏ trốn sang Thái Lan nhưng bị bắt và đưa về Việt Nam
Ông Chung trả lời là không, ông nói chưa bao giờ gặp ông Nhất mà chỉ biết đến ông qua những bài ông Nhất đăng trên Facebook.
Trương Duy Nhất là một cây viết thường chỉ trích chính quyền cộng sản Việt Nam, đã từng ngồi tù 2 năm vì tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ".
Nhưng trong một cuộc thẩm vấn sau đó, ông Chung rất ngạc nhiên khi nhận ra một người đàn ông có vẻ là một giới chức Việt Nam, cảnh sát Thái Lan sau đó xác nhận rằng ông ta quả thực đến từ Việt Nam.
Nói với Reuters từ một nước thứ ba, nơi ông tới ẩn náu không lâu sau đó, ông Chung nói : "Bằng cách nào đó, một cách kín đáo, cảnh sát Việt Nam và cảnh sát Thái Lan đã làm việc cùng nhau và họ biết tất cả mọi thứ".
Cuộc tiếp xúc đó rất đáng lưu ý bởi vì ông Nhất, cây viết mà cảnh sát truy lùng, mất tích hai ngày sau đó từ một trung tâm mua sắm ở Bangkok.
Ông Nhất xuất hiện trở lại ở một nhà tù Việt Nam.
Trong các bức thư gửi đến Việt Nam và Thái Lan, các đại diện của Liên Hiệp Quốc nêu ra nghi vấn về một vụ "mất tích có bàn tay của chính quyền" và bày tỏ "quan ngại sâu sắc". Cả Thái Lan lẫn Việt Nam đều từ chối bình luận.
Trường hợp ông Nhất không phải là một vụ đơn lẻ trong những tháng gần đây.
Cùng lúc các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên họp vào cuối tuần này tại Bangkok, các nhà vận động nhân quyền công khai lên án điều mà họ gọi là sự tăng cường hợp tác trong việc cưỡng bức hồi hương những người tị nạn hoặc xin quy chế tị nạn.
Kể từ năm ngoái, đã có ít nhất 8 trường hợpchính quyền các nước Đông Nam Á bị cáo buộc là bắt giữ chính thức hoặc hợp tác với nhau để bắt cóc những người tị nạn chính trị đến từ các nước ASEAN.
"Một số quốc gia trong khu vực đang đổi chác những người bất đồng chính kiến và các cá nhân chạy trốn đàn áp, trong một liên minh ma quỷ để giúp củng cố các chế độ của nhau", ông Nicholas Bequelin, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế chuyên trách Đông và Đông Nam Á, phát biểu.
Cực kỳ đáng lo ngại
Nhà chức trách Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái Lan bị cáo buộc đã giam giữ và bắt hồi hương những người chỉ trích chính phủ các nước láng giềng, bất chấp họ được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn chính trị, trong một số trường hợp.
Ông Charles Santiago, một nhà lập pháp Malaysia, chủ tịch Nhóm các Nghị sĩ vì Nhân quyền ASEAN, nói : "Xu hướng ngày càng tăng là các chính phủ Đông Nam Á hồi hương những người bất đồng chính kiến, khiến họ có thể đối mặt với nguy hiểm là điều vô cùng đáng lo ngại".
Thái Lan, nước chủ nhà hội nghị ASEAN tổ chức vào cuối tuần này, từ chối bình luận về những khiếu nại của các tổ chức nhân quyền.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết : "Chúng tôi không có thông tin gì về những trường hợp này".
Thái Lan từng được coi là địa điểm an toàn cho các nhà hoạt động chạy trốn các cuộc đàn áp của các chính phủ độc tài.
Nhưng kể từ cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014, Thái Lan đã yêu cầu các nước láng giềng trao trả những người chống đối của chính nước họ - và cũng tuân thủ các yêu cầu tương tự từ những nước kia, theo những người chỉ trích.
Tháng trước, Malaysia đã bắt giữ và hồi hương một nhà vận động chống chế độ quân chủ Thái Lan sau khi bà đăng ký xin tị nạn với cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc.
Người phụ nữ có tên là Praphan Pipithnamporn đang chờ xét xử về tội phản loạn và tội phạm có tổ chức ở Thái Lan.
Nhà lãnh đạo Malaysia Mahathir Mohamad bào chữa cho việc dẫn độ, nói rằng đất nước của ông là "một nước láng giềng tốt".
Có qua có lại ?
Năm ngoái, chính quyền Thái Lan đã bắt giữ hai người Campuchia và bắt họ hồi hương.
Sam Sokha, một nhà hoạt động bênh vực người lao động, đã ném một chiếc giày vào một tấm áp phích in hình Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Bà đang thụ án 2 năm tù vì tội "xúc phạm quan chức nhà nước".
Một người Campuchia khác, Rath Rott Mony, bị bắt tại Bangkok hồi tháng 12/2018 và bị cưỡng bức hồi hương. Ông này đang đối mặt với 3 năm tù vì tội "kích động phân biệt đối xử" do ông góp phần làm một bộ phim tài liệu về nạn mại dâm trẻ em. Phán quyết sẽ được đưa ra hôm 26/6.
Tuy một số nhà hoạt động bị dẫn độ thông qua các kênh hợp pháp, song cũng có tin về những vụ bắt cóc phi pháp, như vụ của ông Trương Duy Nhất.
Các đại diện Liên Hiệp Quốc gửi thư cho Việt Nam và Thái Lan hôm 18/4 với những lời lẽ thẳng thừng bày tỏ nghi vấn của họ. Họ nói họ tin rằng các giới chức di trú và cảnh sát Thái Lan, một "đại diện của một bộ Thái Lan" và các sĩ quan tình báo quân đội Việt Nam đến từ Hà Nội đã có dính líu trong vụ bắt cóc ông Trương Duy Nhất.
Hồi tháng 2, ba nhà hoạt động lưu vong người Thái chống chính quyền quân nhân sống ở Lào - tên là Siam Theerawut, Chucheep Chivasut và Kritsana Thapthai - bỗng dưng mất tích.
Họ đã bị nhà chức trách Việt Nam bắt giữ khi đang quá cảnh và bị giao lại cho Thái Lan, theo lời của Liên minh Nhân quyền Thái Lan có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Cả chính quyền Việt Nam lẫn Thái Lan đều không bình luận về tin vừa kể mà Reuters không thể kiểm chứng.
Dù vậy, thời điểm các nhà hoạt động mất tích đã làm dấy lên nghi ngờ, ông Bequelin thuộc Ân xá Quốc tế nói.
"Chuỗi những chuyện xảy ra với trường hợp ông Nhất cho thấy có thể có đổi chác giữa Thái Lan và Việt Nam", ông nói.
Hồi tháng 1 năm nay, thi thể của hai nhà hoạt động người Thái từng bỏ trốn sang Lào được tìm thấy ven bở sông Mê Kông, bên Thái Lan. Người họ bị mổ phanh ra buộc vào các tảng bê tông để dìm xuống. Không ai biết, hay nói ra, chuyện gì đã xảy đến cho các nạn nhân.
Theo Reuters
Nguồn : VOA, 22/06/2019
******************
Phúc trình của Mỹ : Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhóm tôn giáo chống đối
VOA, 22/06/2019
Chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhóm tôn giáo mà họ không thừa nhận hoặc có hoạt động chống đối, bản phúc trình về tự do tôn giáo thế giới trong năm qua do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố hôm 21/6 cho biết.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scott Busby gặp gỡ các thành viên Hội đồng Liên tôn tại chùa Giác Hoa, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13/5/2019. Photo Facebook Hội Bảo vệ Quyền tự do Tôn giáo
Phúc trình 2018 liệt kê một loạt các vụ việc mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho là bằng chứng cho thấy Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng đối với các nhóm tôn giáo từ Giáo hội Phật giáo Thống nhất, Công giáo, Tin Lành, đến Phật giáo Hòa Hảo ..v..v..
Thứ nhất, trong lĩnh vực đăng ký hoạt động, phúc trình thừa nhận Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng có hiệu lực đầu năm 2018 đã rút ngắn thời gian một nhóm tôn giáo chờ đợi để được công nhận ở cấp độ quốc gia và địa phương từ 23 năm xuống còn 5 năm.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói Luật này dù cho phép các tổ chức tôn giáo được các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo phù hợp với pháp luật nhưng vẫn tạo điều kiện để nhà nước kiểm soát các hoạt động tôn giáo và hạn chế các quyền tự do tôn giáo trên danh nghĩa ‘an ninh quốc gia’ và ‘đoàn kết xã hội’.
Các lãnh đạo tôn giáo, nhất là những giáo phái không có giấy chứng nhận đăng ký hay không được công nhận, tiếp tục bị nhiều hình thức đàn áp, từ tấn công bạo lực, bắt giữ, truy tố, giám sát hạn chế đi lại, tịch thu hay hủy hoại tài sản và nhất là bác bỏ hoặc không phản hồi hồ sơ xin đăng ký hay công nhận, phúc trình cho biết.
Báo cáo dẫn chứng trường hợp sáu tín đồ Phật giáo Hòa hảo độc lập ở An Giang bị kết án tù hồi tháng 2 về tội ‘chống đối người thi hành công vụ’ và những vụ sách nhiễu nghiêm trọng đối với các tín đồ Tin lành ở Tây Nguyên, những người H’mong theo đạo Tin Lành ở Tây Bắc và các tín đồ Công giáo ở tỉnh Nghệ An. Giáo dân ở tỉnh miền Trung này, theo phúc trình, bị các thành viên Hội Cờ Đỏ thân chính quyền, quấy rối.
Phúc trình cho biết các giới chức địa phương sử dụng các quy định của nhà nước và địa phương để làm chậm lại, tước đi tính hợp pháp, hay bóp nghẹt các hoạt động tôn giáo của những nhóm nào kháng cự lại sự can thiệp sâu của chính quyền vào việc sắp xếp lãnh đạo, các chương trình tập huấn, các buổi hội họp và các hoạt động khác.
"Chính quyền nói rằng họ tiếp tục giám sát hoạt động của một vài nhóm tôn giáo bởi vì những nhóm này hoạt động chính trị và viện dẫn các điều luật về an ninh quốc gia và đoàn kết trong Hiến pháp và Bộ Luật Hình sự để vô hiệu các điều luật và các quy định về tự do tôn giáo", phúc trình viết.
Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn chứng các trường hợp chính quyền địa phương ngăn trở các buổi tập hợp của tín đồ và ngăn không cho các nhóm Công giáo và Tin Lành truyền đạo cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Bắc.
"Truyền thông nhà nước và các trang web ủng hộ chính quyền đôi khi đánh đồng các giáo phái Công giáo là ‘tổ chức ly khai’ và buộc tội họ về những xáo trộn chính trị, kinh tế và xã hội, nhất là ở những vùng xa xôi nơi có đông đảo người dân tộc thiểu số. Các trang web này liên tục cáo buộc các nhóm tôn giáo này là ‘bình phong’ hay ‘công cụ’ của ‘các thế lực thù địch hoạt động chống lại nhà nước’, ‘phá vỡ tinh thần đoàn kết’, ‘hủy hoại nền văn hóa Việt Nam’ và cảnh báo công chúng đừng để bị ‘lường gạt’".
Vẫn theo phúc trình, những người tu tập theo Pháp Luân Công, một giáo phái xuất phát từ Trung Quốc, đã bị chính quyền sách nhiễu ở nhiều tỉnh và thành phố trên cả nước. Theo đó, chính quyền yêu cầu họ rời khỏi công viên hoặc những nơi công cộng mà họ tập hợp và họ còn bị người dân xung quanh ném mắm tôm vào người.
Chính quyền Việt Nam cũng bị cáo buộc là không cho tù nhân được quyền thực hành niềm tin tôn giáo của mình, với dẫn chứng là trường hợp trại giam Nam Hà thuộc huyện Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, tiếp tục không cho linh mục vào thăm viếng tù nhân Công giáo Hồ Đức Hòa viện lý do ‘không có cơ sở vật chất phù hợp trong trại giam để thực hiện nghi thức tôn giáo’
Tuy nhiên, phúc trình cũng chỉ ra những diễn biến tích cực như lầu đầu tiên kể từ năm 1998, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã về cư trú ở một ngôi chùa trực thuộc Giáo hội sau khi Ngài bị đuổi khỏi Thanh minh Thiền viện dưới sức ép của chính quyền. Ngoài ra, chính quyền cũng cho phép Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam sống những ngày cuối đời ở Tổ đình Từ Hiếu để thực hiện ước nguyện ‘lá rụng về cội’ của ông. Những vị khách đến thăm ông, bao gồm các nhà ngoại giao và các quan chức cấp cao, kể cả Đại sứ Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh, đều không gặp trở ngại gì.
Trong khi đó, các nhóm Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài có đăng ký và được thừa nhận không gặp những khó khăn như thế, vẫn theo phúc trình. "Truyền thông đưa tin về các nhóm tôn giáo có đăng ký tổ chức những nghi lễ của họ mà không gặp trở ngại gì", phần trình bày về Việt Nam trong phúc trình tự do tôn giáo thế giới 2018 của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
Nguồn : VOA, 22/06/2019
******************
Tín đồ Phật giáo Hòa hảo không theo phái Nhà nước tiếp tục bị ngăn cản
Diễm Thi, RFA, 20/06/2019
Năm nay thêm một lần nữa những tín đồ Phật giáo Hòa hảo không theo phái do Nhà nước kiểm soát lại không được tự do tổ chức Đại lễ Ngày khai đạo 18/5 Âm lịch ; trong khi đó thì phái do Nhà nước lập nên được tổ chức lễ và đại diện chính quyền đến chúc mừng.
Cụ Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy - Courtesy of tintongiao.net
Thực tế này lặp đi lặp lại suốt nhiều năm nay.
Ngăn cản tổ chức đại lễ
Ông Lê Quang Hiển, Chánh thư ký Ban trị tự trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy, phái không chịu sự kiểm soát của Nhà nước, cho RFA biết năm nay an ninh, công an nhiều hơn năm ngoái và đóng chốt tại trụ sở tạm của Trung ương Giáo hội tại xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Còn tại nhà các trị sự viên thì an ninh theo dõi từ trước đó hai ngày.
"Bản thân tui ở Sài Gòn. Những ngày lễ như thế này thì không đi đâu được tuy không bị ngăn chặn lộ liễu như ở dưới quê. Dưới quê nó bắc ghế, che bạt chận không cho đi. Đó là vi phạm quyền tự do đi lại của người dân. Còn việc ngăn cản tín đồ Phật giáo Hòa hảo thuần túy hành xử quyền tự do tôn giáo của mình là một vi phạm rất trầm trọng và tôi có ra một bản tin về việc này".
Bản tin ông đăng tải trên facebook cá nhân của ông ngày 18/6/2019 có nội dung :
"Tại trụ sở tạm thời của Ban trị sự trung ương Phật giáo Hòa hảo thuần túy tọa lạc xã Long Giang, huyện Chợ Mới, An Giang vào lúc 06g sáng ngày 18/6/2019 nhằm 16 tháng 5 Kỷ Hợi, là còn 02 ngày nữa đến ngày 18/5, Đại Lễ kính mừng ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng tôn giáo Phật giáo Hòa hảo, nhà cầm quyền và công an tỉnh An Giang, huyện Chợ Mới và xã Long Giang đã triển khai đóng chốt mọi nẻo đường dẫn đến lễ đài tại trụ sở tạm thời của Ban trị sự trung ương.
Đây là một hình thức vi phạm trắng trợn quyền đi lại của công dân, vi phạm tự do tôn giáo, ngăn cấm tín đồ Phật giáo Hòa hảo hành xử quyền tự do tín ngưỡng của mình, trong khi Giáo hội Phật giáo Hòa hảo quốc doanh được tổ chức rầm rộ, và Đại Lễ 18/5 là 1 ngày lễ được nhà cầm quyền công nhận, điều đó chứng tỏ nhà cầm quyền luôn phân biệt đối xử, những tổ chức tôn giáo nào theo nhà nước, chịu sự chi phối của Mặt Trận Tổ Quốc thì cho tổ chức còn bằng trái lại thì cấm đoán với đủ mọi thủ đoạn".
Ông Nguyễn Ngọc Tân - Tổng vụ trưởng Vụ Truyền thông của Giáo hội thì cho biết năm nay theo dự định là sáng 18/5/2019 Âm lịch, tất cả trị sự viên các cấp của Phật giáo Hòa hảo thuần túy đều tề tựu về điểm lễ chính ở Chợ Mới, An Giang để dự đại lễ này, nhưng chính quyền đóng chốt hai đầu không cho ai đến dự lễ nên các trị sự viên đều cử hành với tư cách cá nhân hoặc từng nhóm nhỏ. Bản thân ông cũng phải làm lễ tại nhà. Còn tại tư gia của cụ Hội trưởng ban trị sự Trung ương Nguyễn Văn Điền thì hàng trăm công an bao vây từ mấy ngày trước không cho cụ ra khỏi nhà.
"Từ sáng 16/5/2019 Âm lịch, an ninh theo dõi tất cả các trị sự viên của Phật giáo Hòa hảo thuần túy. Nếu có ai đi về hướng điểm lễ thì họ sẽ bám theo. Chính vì vậy năm nay các trị sự viên đều tổ chức lễ tại nhà. Còn phía Giáo hội Hòa Hảo quốc doanh thì được tổ chức rất rầm rộ".
Trị sự viên các cấp của Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy sau một cuộc họp tại tư gia ông Nguyễn Văn Thơ, Hội trưởng Ban Trị sự tỉnh Đồng Tháp ở xã Tân Hoà, huyện Lai Vung, tháng 1/2018. Courtesy of tintongiao.net
Theo truyền thông trong nước, sáng 20/6/2019, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 80 năm khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo. Dự lễ có đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ ; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh ; một số tôn giáo, đạo hữu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cùng hàng nghìn tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Ông Nguyễn Ngọc Tân nhận định sở dĩ có việc ngăn chặn như vậy là do chính quyền coi GHPhật giáo Hòa hảo thuần túy là một tổ chức bất hợp pháp, và với quan điểm đó thì chính phủ Việt Nam đã vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do tôn giáo của công dân Việt Nam căn cứ theo công ước về chính trị và dân sự.
Bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Ủy hội của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) trong một lần trả lời phỏng vấn RFA nói rằng :
"Ở Việt Nam, bạn phải theo sự sắp xếp và chỉ đạo của Nhà nước mà không được phép làm bất cứ chuyện gì ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ".
Ban Trị sự và Phật giáo Hòa hảo không theo Nhà nước
Phật giáo Hòa hảo ra đời tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) do Đức thầy Huỳnh Phú Sổ sáng lập với Giáo Lý Tu Nhân theo "Tứ Ân Hiếu Nghĩa", với phương pháp hành đạo đơn giản chủ yếu hướng tâm, chủ trương nhập thế cứu giúp nhân sinh, tu nhân tích đức, ăn chay niệm Phật.
Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (tức 4 tháng 7 năm 1939), Đức thầy Huỳnh Phú Sổ bắt đầu khai sáng đạo Phật giáo Hòa hảo. Tính đến nay là tròn 80 năm.
Khi Ban trị sự Phật giáo Hòa hảo, tức phái tuân phục sự chỉ đạo của Nhà nước được dựng lên ngày 26/5/1999, nhóm không chịu lệ thuộc chính phủ Hà Nội trở thành chân truyền tuân thủ hoàn toàn giáo lý mà Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ để lại. Ban Trị sự là Phật giáo Hòa Hảo quốc doanh. Phía nhà nước thì cho rằng tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy là ngoài luồng, là bất hợp pháp.
Ông Lê Quang Hiển, Chánh thư ký Ban trị tự trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy cho biết thêm một chi tiết khác nhau giữa hai Giáo hội :
"Phật giáo Hòa hảo Nhà nước có hai ngày lễ lớn là Ngày Khai đạo 18/5 Âm lịch ; Ngày Đản sanh Đức Huỳnh Giáo chủ 25/11 Âm lịch. Còn Phật giáo Hòa hảo thuần túy tụi tui có thêm một ngày lễ nữa là ngày 25/2 Âm lịch, ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ bị Việt Minh cộng sản ám hại".
Tín đồ chân truyền của Phật giáo Hòa hảo còn quả quyết rằng Việt Minh đã ám hại Đức thầy Huỳnh Phú Sổ và mỗi năm vào ngày 16 tháng 4 họ kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn Đốc Vàng, Ban Trị Sự thì chỉ nói kể từ ngày 16 tháng 4 năm 1947 (Nhằm ngày 25/2 Âm lịch năm nhuần Đinh Hợi) thì không ai rõ tin về Đức Thầy, các ngày lễ của Ban Trị Sự đương thời không có lễ 16 tháng 4 kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ nạn Đốc Vàng mà chỉ kỷ niệm sinh nhật của Đức Thầy ngày 25/11.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 20/06/2019