Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hôm 27/8/2024, tại cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị, đã yêu cầu thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sau 40 năm đổi mới. RFA phỏng vấn Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên Giảng viên Bộ môn Lịch sử Trường Đại học Cần Thơ, nguyên Giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM chuyên ngành Đông Nam Á học và quan hệ quốc tế về vấn đề này.
Ngày 22/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc phiên họp Ban Chỉ đạo Tổng kết 40 năm Đổi mới tại Hà Nội - Ảnh : TTXVN
RFA : Thưa ông, người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam mới đây yêu cầu phải thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Ông bình luận gì về điều này ?
Đinh Kim Phúc : Là người thường xuyên theo dõi tình hình chính trị trong và ngoài nước, phải nói rằng tôi hết sức ngạc nhiên trước tuyên bố của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Bản thân tôi cho rằng đây là một cái tuyên ngôn mà dàn lãnh đạo mới phát pháo ra để kêu gọi toàn dân, toàn Đảng phát huy tinh thần của chính sách đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1986 đến nay.
Tổng kết 40 năm được và không được của chính sách đổi mới của Việt Nam nó nằm ngay vào năm 2026. Đó là năm khởi điểm của Ban chấp hành trung ương mới của Đại hội 14. Tôi thấy đây là một tuyên ngôn hết sức quan trọng. Các vị lãnh đạo đã xong nhiệm vụ, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, thì công - tội, thành tích hay khuyết điểm nên để lịch sử xử. Còn chúng ta phải nhìn tương lai đất nước sẽ như thế nào trong những năm tới để đưa Việt Nam phát triển, đưa Việt Nam vào guồng máy văn minh của thế giới. Đấy mới là chuyện đáng nói.
RFA : Theo ông, ông Tô Lâm nhấn mạnh bây giờ là "khởi điểm lịch sử mới" có ý nghĩa gì, và đổi mới lần này khác đổi mới 40 năm trước như thế nào và nội dung gì là quan trọng nhất, thưa ông ?
Đinh Kim Phúc : Thời điểm lịch sử mới là thời điểm bắt đầu từ Đại hội 14 sắp tới với nhiệm kỳ của một ban lãnh đạo mới trẻ hơn, khỏe hơn, có năng lực hơn nhưng dựa trên chính sách đổi mới từ năm 1986. Trước khi nói cái đổi mới năm 1986 là gì, xin quý vị tham khảo các đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024, môn Lịch sử, có một câu hỏi về đường lối đổi mới đất nước từ tháng 12 năm 1986 của Đảng cộng sản Việt Nam, và đáp án họ cho rằng chủ trương là thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Tôi cho đây là một đáp án phản động và vô trách nhiệm, vì Bộ giáo dục là nơi tập trung nhiều giáo sư, tiến sĩ mà không biết gì về chính sách đổi mới. Câu trả lời này chống lại cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1930. Chẳng lẽ cương lĩnh của Đảng từ năm 1930 đến 1986 không có chính sách đại đoàn kết dân tộc à ?
Nếu không có đoàn kết dân tộc thì làm gì có cuộc Cách mạng tháng 8 ; làm gì có chiến thắng Điện Biên Phủ ; làm gì có ngày 30 tháng 4 ? Không có đoàn kết dân tộc thì làm sao chiến thắng được các cuộc xâm lược sau 1975 ?
Đổi mới là gì ? Nếu ai quan tâm đến thông tin quốc tế trong thời gian Việt Nam tiến hành chính sách đổi mới từ Đại hội 6 thì thấy, người ta không dịch chữ "đổi mới" của Việt Nam ra tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, mà trong các bài bình luận quốc tế người ta giữ từ gốc "đổi mới". Đổi mới của không phải là một cuộc cách mạng, cũng không phải là một Perestroika của Liên Xô lúc bấy giờ, mà chúng ta thường hay gọi là cải tổ. Cái đổi mới của Việt Nam nó rất quan trọng. Nhiều người nhìn những biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam lại coi đó là linh hồn của công cuộc đổi mới. Không phải. Cái tư tưởng chủ đạo, cái linh hồn của chính sách đổi mới của Đại hội 6 là đổi mới tư duy.
Trong đó quan trọng nhất là tư duy chính trị quốc tế, là Việt Nam tuyên bố "thêm bạn, bớt thù", không đi với nước này để chống nước khác. Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên nguyên tắc độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Tư tưởng chỉ đạo đổi mới tư duy chính trị quốc tế đã đưa Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận, bị đói, bị khó khăn trăm bề trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo, xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới chỉ sau vài năm. Việt Nam thoát bao vây, cấm vận của Mỹ và quốc tế.
Ngay thời điểm khai mạc Đại hội đảng lần thứ 6 năm 1986, tôi ra Hà Nội tham gia khóa học cao học tại Đại học sư phạm 1 Hà Nội. Đến cuối năm 1988 tôi mới về lại miền Nam, tôi nhận thấy ba năm tiếp theo sau Đại hội 6, các biện pháp thực hiện chính sách đổi mới được thực hiện rất chậm. Có thể vì các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, đang mày mò và đang thực hành.
Nhưng từ thập niên 1990, phải nói đấy là cái bản lề bùng nổ của chính sách đổi mới của Việt Nam. Từ một quốc gia quan sát viên của ASEAN, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN năm 1995. Rồi năm 1995 Việt Nam làm được một việc vô cùng quan trọng là bình thường quan hệ với Mỹ. Một việc nữa cũng rất quan trọng là Việt Nam ký được hiệp định khung với Liên minh Châu Âu. Ba sự kiện vào năm 1995 đó làm bản lề cho Việt Nam phát triển đến hôm nay.
RFA : Thưa ông, chính sách ngoại giao của Việt Nam hiện nay có phù hợp cho tiến trình đổi mới không, và theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để ổn định và phát triển theo tinh thần đổi mới ?
Đinh Kim Phúc : Nếu theo dõi sâu sắc tình hình chính trị của Việt Nam, chúng ta thấy có mặt này, mặt khác nhưng nhìn chung, Việt Nam đã làm rất nhiều việc để đưa đất nước phát triển trong điều kiện ổn định và hòa bình. Và phải nói rằng, cái thành công trong thời gian qua là thành công của chính sách đối ngoại và nền ngoại giao của Việt Nam. Nhiều tờ báo trong nước ca ngợi đó là thành quả của chính sách ngoại giao cây tre. Cá nhân tôi cho rằng, ngoại giao của Việt Nam trong thời gian vừa qua không có cây tre cây trúc gì cả, mà ngoại giao Việt Nam là ngoại giao HCM, là dĩ bất biến ứng vạn biến được đề ra từ năm 1946.
Dĩ bất biến là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ với CNXH. Ứng vạn biến là tùy theo sự thay đổi của thế giới, tùy theo mối quan hệ quốc tế, sự thay đổi chiến lược toàn cầu của các siêu cường tác động đến Việt Nam và khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam có những sách lược phù hợp để tồn tại và phát triển trong điều kiện hòa bình.
Theo tôi, các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế khi nghe đến thuật ngữ "ngoại giao cây tre" họ đều nghĩ đến nền ngoại giao của Thái Lan từ thời kỳ Quốc vương Mongkut và tiếp tục đến thời kỳ Vua Chulalongkorn. Thái Lan đứng trước sức ép của hai siêu cường là đế quốc Anh và thực dân Pháp. Thái Lan rất sợ chiến tranh và muốn giữ vững nền độc lập nên Thái Lan phải "uốn theo chiều gió".
Điểm tích cực là Thái Lan giữ được nền độc lập của đất nước, nhưng chính vì "uốn theo chiều gió" mà Thái Lan bị mất một số lãnh thổ vào tay thực dân Pháp, bị mất ảnh hưởng ở một số tiểu quốc trong thế giới Mã Lai đa đảo vào tay thực dân Anh.
Việt Nam không uốn theo bất cứ một siêu cường nào trên thế giới mà Việt Nam luôn ứng xử để phù hợp trên nền tảng ổn định, hòa bình và phát triển. Đó là điều kiện tiên quyết của Việt Nam. Chúng ta thấy rõ một hành động bất thành văn từ năm 1986 là Việt Nam chủ trương không để một siêu cường nào mất quyền lợi ở Việt Nam và Ðông Nam Á. Đó là điều kiện để Ðông Nam Á tránh được chiến tranh, để các nước trong khối ASEAN ổn định và phát triển trong hòa bình.
RFA : Thưa ông, ông Tô Lâm yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc những tư tưởng chỉ đạo của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vậy cần đổi mới như thế nào về nhân sự, vì sau 40 năm đất nước vẫn chưa phát triển mạnh so với bạn bè quốc tế ?
Đinh Kim Phúc : Bất cứ vị lãnh đạo Việt Nam nào cũng muốn Việt Nam hùng mạnh, đổi và phát triển. Nhưng trong thời kỳ này, thời kỳ khác có những vấn đề cản trở tiến trình đổi mới của Việt Nam bởi những lực lượng bảo thủ trong Đảng ; bởi có những người không thích đổi mới ; bởi có những người nhìn Việt Nam đi với phương tây là nghĩ rằng Việt Nam đầu hàng đế quốc, thực dân. Họ luôn luôn có lập trường chống lại các cường quốc mà hiện nay Việt Nam đang có quan hệ. Những tư tưởng đó cần phải bị phê phán. Theo tôi, Việt Nam không cần phải có một chính sách gì mới so với Đại hội 6 năm 1986, mà chỉ cần căn cứ trên những tư tưởng chủ đạo của Nghị quyết Đại hội 6 mà triển khai trong tình hình mới. Triển khai một cách cụ thể, thực chất, có kết quả.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Ban chấp hành Đại hội 14 sắp tới, các ông đừng nói nhiều mà phải hứa là trong bao nhiêu năm các ông đưa Việt Nam từ hàng thứ sáu trong thu nhập bình quân đầu người lên hàng nhất, nhì, ba của khu vực Đông Nam Á. Đó là số liệu cụ thể để đánh giá sự thất bại hay thành công của sự tiếp tục đổi mới.
Ngoài ra, Việt Nam do những điều kiện đặc thù, do thể chế vận hành hiện nay mà tham nhũng hoành hành, trở thành hệ thống từ trên xuống dưới đến nỗi hàng loạt cán bộ cấp cao phải từ chức, phải tra tay vào còng, phải ở tù. Vậy muốn cho Việt Nam phát triển thì phải kiên quyết chống tham nhũng. Không có chuyện tuyên bố không có vùng cấm mà cán bộ cao cấp sau khi thành khẩn nhận khuyết điểm lại được hạ cánh an toàn, còn khối tài sản tham nhũng thì con cái xài mười đời cũng chưa hết.
Về nhân sự, tôi yêu cầu ban lãnh đạo mới của Đảng cộng sản Việt Nam hãy mạnh dạn tin tưởng thế hệ trẻ và phải giao việc cụ thể cho trí thức trẻ. Vấn đề này có một bài học kinh nghiệm ở Đông Timor. Năm 2016, khi tôi đi dự hội nghị các nước ASEAN ở Đông Timor, trong hoàn cảnh Đông Timor và Úc đang tranh chấp về lãnh hải, chính phủ Đông Timor đã mạnh dạn sử dụng lực lượng trí thức trẻ cùng chính phủ thảo luận những vấn đề tối ưu để dành lấy phần thắng về mình. Cuối cùng, một luật sư rất trẻ mới 36 tuổi đã cầm đầu một nhóm nghiên cứu, ủng hộ chính phủ đưa vụ kiện ra tòa án công lý quốc tế. Sau cùng, với phán quyết của tòa án quốc tế vào năm 2016, Đông Timor đã đạt được những gì mình mong muốn. Tức là có khu vực lãnh hải để phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền.
Qua bài học đó, tôi thấy lực lượng trẻ bao giờ cũng là lực lượng xung kích để bảo vệ và phát triển đất nước.
RFA : Cám ơn Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đã dành thời gian cho RFA.
Nguồn : RFA, 29/08/2024