Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 29 mai 2018 12:49

Té ghế ba bốn lần !

Đọc BBC thấy có bài giật tin "Đảng Cộng sản Việt Nam ‘thông minh, tinh tế’ hơn Đảng Cộng sản Pháp", thiệt tình té ghế ba bốn lần !

pcf1

Một cuộc biểu dương lực lượng của đảng cộng sản Pháp thời còn vinh quang - Ảnh minh họa

Bà con thử đọc đoạn sau đây :

"Đảng Cộng sản Việt Nam rất thông minh và tinh tế hơn là Đảng Cộng sản Pháp, bởi Đảng Cộng sản Việt Nam lúc nào cũng tự chuyển mình, tự điều chỉnh, tự thay đổi, để đáp ứng với tình thế, với những gì tác động ở bên ngoài, để mà tồn tại. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại đến ngày hôm nay.

"Ngược lại Đảng Cộng sản Pháp vẫn còn bị ‘nhốt’ ở trong ý thức hệ của mình, cứng nhắc cho tới ngày hôm nay, họ không biết thay đổi, vẫn dùng những tranh đấu như cách đây vài chục năm, những năm 1940, 1950, 1960, vì vậy Đảng Cộng sản Pháp ngày nay không còn một cán cân nào, không còn một trọng lượng gì ở trong chính trường của Pháp và ngay cả ở châu Âu".

Tôi cho rằng người trả lời phỏng vấn không hiểu lịch sử cũng như bản chất "cách mạng" của hai đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Pháp.

Đảng cộng sản Pháp chưa bao giờ là "đảng cầm quyền" và đảng này hoạt động công khai, đúng theo hiến pháp và pháp luật. Đảng cộng sản Pháp không phải là "đảng cách mạng", theo ý nghĩa "chuyên chính vô sản". Đảng này cũng không chủ trương "đấu tranh giai cấp" và sử dụng "bạo lực cách mạng" để cướp chính quyền.

Đảng cộng sản Pháp, cũng như tất cả các chính đảng ở Pháp, chinh phục quyền lực, một cách bình đẳng trên nền tảng "dân chủ tự do", mỗi người dân là một lá phiếu bình, tất cả có quyền lợi và trách nhiệm như nhau trước hiến pháp và pháp luật.

Ta không biết là nếu đảng cộng sản Pháp nắm được quyền hành bằng lá phiếu, sau đó sửa đổi hiến pháp, thêm vào đó một điều tương đương với điều 4 của Hiến pháp Việt Nam để "độc quyền lãnh đạo". Nhưng điều ta biết chắc, nếu sự việc xảy ra như vậy, dân chúng Pháp sẽ không ngồi yên để đảng này muốn làm gì thì làm.

Trong khi đó đảng cộng sản Việt Nam từ trước đến nay là một "đảng cách mạng", họ chủ trương "chuyên chính vô sản", sử dụng "đấu tranh giai cấp" và "bạo lực cách mạng" để cướp chính quyền. Quyền hành họ có hôm nay là do "cướp được chính quyền bằng vũ lực".

Tất cả các đảng cộng sản trên thế giới, ngoại trừ ở 4 nước Việt Nam, Trung Quốc, Cuba và Bắc Hàn, đều có số phận như nhau là sự "tàn phai". Thực tế đã chứng minh, chủ nghĩa cộng sản không thể áp dụng thành công. Sau khi hy sinh trên 100 triệu nhân mạng, mục tiêu "làm theo năng suất hưởng theo như cầu" chỉ là giấc mơ phía trước.

Các đảng cộng sản ở các nước Đông Âu sụp đổ, mặc dầu tất cả đều chủ trương "chuyên chính vô sản" và "bạo lực cách mạng", nhưng không trụ được vì khủng hoảng địa chính trị, khối liên minh Varsovie tan rã.

Đảng cộng sản Pháp đã có những cố gắng để thích hợp với thời đại "kinh tế toàn cầu", ngay cả đảng Xã Hội, nhưng cả hai đều không thể đưa ra được một chương trình "kinh bang tế thế" để thu hút cử tri. Cả hai đảng "cánh tả" của Pháp hầu như không còn hiện hữu trên chính trường Pháp nữa.

Sự tồn tại của các đảng cộng sản ở 4 nước Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn, mỗi trường hợp có một cách giải thích khác nhau.

Cuba và Bắc Hàn cố gắng giữ "nguyên trạng", dùng hệ thống công an với chính sách "khủng bố" để bảo vệ quyền lực. Về kinh tế họ không thể "mở cửa", hay "dò đá qua sông", vì bị Mỹ cấm vận. Việt Nam thì rập khuôn Trung Quốc. Từ đầu thập niên 90, lãnh đạo Việt Nam đã có quyết định dựa vào Trung Quốc để "bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa". Trung Quốc "dò đá qua sông", mở cửa buôn bán với các nước để phát triển. Việt Nam bắt chước y chang, với chủ trương "đổi mới".

Đảng cộng sản Việt Nam không có một sáng kiến gì để gọi là "thông minh và tinh tế". Tất cả những thay đổi Việt Nam đều bắt chước 100% mô hình Trung Quốc. Nếu khen "thông minh" và "tinh tế" thì nên khen Trung Quốc (mà thực sự nên khen Đặng Tiểu Bình) !

Đến nay đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn là một "đảng cách mạng", vẫn chủ trương "chuyên chính" (tức độc tài) và "đấu tranh giai cấp".

Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng "nhà nước pháp quyền", theo đó "nhà nước" được xây dựng trên mô hình nhà nước Xô Viết cũ cùng với một hệ thống pháp luật mà mọi bộ luật đều thể hiện "ý chí của đảng".

Người ta nói chỉ có thể so sánh những gì có thể so sánh được.

Đảng cộng sản Pháp và đảng cộng sản Việt Nam, môi trường sinh hoạt chính trị khác nhau, như cá nước ngọt với cá nước mặn. Một bên chủ trương bạo lực để cướp chính quyền, một bên sử dụng lá phiếu để giành quyền lực. Một bên chú trương "chuyên chính", bên kia chủ trương "đa nguyên". Hai đảng khác nhau một trời một vực, như nước với lửa, như trắng với đen.

So sánh như vậy không ổn chút nào.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : nhantuan.truong, 29/05/2018

Published in Diễn đàn

Đảng Cộng sản Việt Nam tỏ ra 'thông minh' và 'tinh tế' hơn đảng bạn ở Pháp và nhờ khả năng 'linh hoạt, thích nghi' được xem là cao hơn sẽ có khả năng tồn tại tốt hơn, theo chia sẻ của một chủ biên tạp chí điện tử chuyên về chính trị và thời sự từ Paris với BBC trong dịp quốc tế đánh dấu 200 năm sinh Karl Marx.

Trong khi đó, theo một nhà nghiên cứu Phật học và tôn giáo từ Vitry-sur-Seine, nếu Đảng Cộng sản Pháp chủ trương 'chiếm chính quyền bằng bạo lực', thì những gì đã xảy ra với các quốc gia cộng sản ở khối Liên Xô và Đông Âu xã hội chủ nghĩa cũ cũng đã xảy ra tại Pháp.

Về tương lai của Chủ nghĩa cộng sản, một nhà nghiên cứu và nhà báo từ Marne-la-Vallée trong dịp này cho rằng chừng nào con người còn có 'ước mơ' về 'bình đẳng', thì lý tưởng này rất khó 'trút bỏ' trong đầu óc nhiều người, tuy chủ nghĩa cộng sản 'có nhiều điểm dở hơn là điểm hay'.

Trước hết, nhà báo Võ Trung Dung, Tổng biên tập Tạp chí Châu Á - Thái Bình Dương từ Paris đưa ra so sánh giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Pháp :

"Tôi đã sống hai quốc gia là ở Việt Nam và ở Pháp, tôi thấy Đảng Cộng sản Việt Nam rất thông minh và tinh tế hơn là Đảng Cộng sản Pháp, bởi Đảng Cộng sản Việt Nam lúc nào cũng tự chuyển mình, tự điều chỉnh, tự thay đổi, để đáp ứng với tình thế, với những gì tác động ở bên ngoài, để mà tồn tại. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại đến ngày hôm nay.

dcs1

Nhà báo Võ Trung Dung (phải) từ Paris so sánh Đảng Cộng sản ở Pháp với Đảng Cộng sản ở Việt Nam ngày nay.

"Ngược lại Đảng Cộng sản Pháp vẫn còn bị 'nhốt' ở trong ý thức hệ của mình, cứng nhắc cho tới ngày hôm nay, họ không biết thay đổi, vẫn dùng những tranh đấu như cách đây vài chục năm, những năm 1940, 1950, 1960, vì vậy Đảng Cộng sản Pháp ngày nay không còn một cán cân nào, không còn một trọng lượng gì ở trong chính trường của Pháp và ngay cả ở châu Âu".

'Cách mạng và sử dụng bạo lực'

Từ Vitry sur Seine, nam Paris, ông Thành Đỗ, Trưởng ban Nghiên cứu Phật học thuộc Học viện Phật giáo Linh Sơn, bình luận về Chủ nghĩa Marx và Đảng Cộng sản tại Pháp nhân dịp này :

"Chủ nghĩa Marx đã có những cái rất hay, rất đúng nhưng cho cái nhìn của một xã hội phương Tây cách đây ít nhất phải là 150 năm... Năm nay là 200 năm sinh của Karl Marx, tôi xin nói là 150 trước, học thuyết của Karl Marx hay lắm, có thể đem đến một số thay đổi vào thời đó, từ chính trị, kinh tế cho đến vấn đề sắp xếp [tổ chức] xã hội.

"Ở châu Âu, bất cứ thời buổi nào, ngay ngày hôm nay cũng vậy, cái lực kéo xã hội đi về một hướng nào đó như một tam giác có ba cái đỉnh, một bên là chủ, một bên là thợ và một bên kia là chính quyền.

"Chủ mà mạnh quá - là vào thời của Karl Marx - những người chủ bóc lột thợ rất nhiều, ba lực đó cùng kéo về phía trung tâm ở chính giữa, khi chủ được sự giúp đỡ của chính quyền kéo mạnh quá quyền lợi về hướng của họ, thì ta biết sự việc xảy ra là sẽ có một cuộc cách mạng...

dcs2

Ông Đỗ Thành (phải), nhà nghiên cứu Phật học từ Học viện Phật giáo Linh Sơn tại Paris bình luận về Chủ nghĩa Marx và Đảng Cộng sản tại Pháp.

"Chính quyền và chủ kéo quyền lợi về một hướng, kết quả là những người thợ làm cách mạng, mà lúc đó họ có thêm một vũ khí cực kỳ quan trọng là sự đi theo lý thuyết cộng sản của Karl Marx, tuy vậy tiếc có một điểm là họ sử dụng bạo lực, chính vì vậy có thuyết Marx - Lenin với chiếm chính quyền, ở Pháp chuyện đó không xảy ra, không đáng tiếc lắm.

"Bởi vì tại Pháp, Đảng Cộng sản Pháp không có chủ trương chiếm chính quyền bằng bạo lực, nhưng nếu họ đã chiếm chính quyền bằng bạo lực, thì tất cả những gì đã thấy xảy ra ở những nước cộng sản [Liên Xô, Đông Âu XHCN cũ] cũng sẽ xảy ra tại nước Pháp mà thôi tại vì Đảng Cộng sản Pháp đã có lúc rất mạnh...

Cánh tả 'gặp khó khăn'

Từ Marne-la-Vallée, nhà nghiên cứu, nhà báo Nguyễn Văn Huy, cũng trong dịp này chia sẻ về cánh tả tại Pháp ngày nay và tương lai của Chủ nghĩa cộng sản :

"Nói về cánh tả bên Pháp phải phân biệt thế nào là tả, vì có ba phe. Phe cực tả cho tới ngày nay vẫn tồn tại nhưng rất yếu. Phe thiên tả đang chuyển mình để lôi kéo những đảng phái cộng sản hay tổ chức khuynh tả về phía mình, gọi là 'La France Insoumise'. Trước quần chúng, lãnh tụ của phe này là Jean-Luc Mélenchon sử dụng những ngôn tử rất cực tả, nghĩa là phải loại bỏ mọi áp bức từ phía chính quyền và người giàu có, nhưng trong hoạt động tranh cữ họ đã tỏ ra không quá cực đoan và cũng không quá ôn hòa. Phe này đang được mọi người cho là đại diện cánh tả.

"Còn cánh tả lịch sử và ôn hòa là Đảng Xã hội, bây giờ đã gần như tan rã. Lý do là lập trường xã hội của họ trong suốt 30 năm qua vẫn không thay đổi, nghĩa là quá cứng nhắc không thích nghi với trào lưu toàn cầu hóa như ngày nay. Chủ trương bắt người giàu phải nuôi toàn xã hội, chia húc lợi đồng đều cho mọi người mà không có một cố gắng kêu gọi mọi người cùng đóng góp ngày nay không còn ăn khách nữa".

dcs3

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy nói về Chủ nghĩa toàn trị

Theo nhà nghiên cứu, nhà báo này, 'phe xã hội' của Pháp hiện đang gặp một số vấn đề, ông giải thích :

"Đảng xã hội không còn thuyết phục được dân Pháp phải hy sinh nhiều hơn nữa để nuôi những người mà họ cho rằng không đóng góp gì hết cho xã hội, nếu không muốn nói là ăn bám. Ý muốn nói chính sách trợ cấp của phe xã hội, theo đó nhân danh lý tưởng xã hội mọi người đều bình đẳng, người ít lợi tức thì được chính quyền trợ cấp để có cuộc sống ngang bằng người có lợi tức cao hơn, dân Pháp không chấp nhận tình trạng này nữa, có làm thì mới có ăn. Vấn đề nhập cư, di dân bất hợp pháp cũng vậy.

"Trở lại cánh tả hay thiên tả không quá cực đoan và cũng không quá ôn hòa, gọi là La France Insoumise, ngày nay là một sự kết hợp của các khuynh hướng cực tả, cộng sản cũ và những người cực tả bên cánh xã hội, tất cả đều gia nhập vào nhóm này. Mục đích và thực chấp hình thành của nhóm này là để tạo ra một thế lực đối lập với chính quyền hiện hữu. Trong lúc này, chủ đích của nhóm thiên tả này là gây tiếng vang, chuẩn bị giành thắng lợi trong những cuộc bầu cử sắp đến. Hiện nay tại Pháp, phong trào khuynh tả này đang khá tích cực.

"Mặc dù khuynh hướng xã hội vẫn còn âm ỉ trong tâm thức của mọi người Pháp, nhưng lý tưởng xã hội rất khó thực hiện vì chính sách trợ cấp tạo ra một tinh thần ỷ lại, chờ được chính quyền giúp đỡ chứ không tự cố gắng vươn lên. Trong thực tế, một số người làm chính trị lạm dụng danh xưng 'công bằng, bác ái' để khuyến khích người khác đòi hỏi những quyền lợi quá đáng vượt quá khả năng của quốc gia như mọi đều có quyền có nơi ăn ở, việc làm và lợi tức ổn định. Khi không được thỏa mãn, họ kích động dư luận và kích chính quyền để tranh phiếu trong các cuộc đầu phiếu. Tôi nghĩ những hành động này gần như là Chủ nghĩa dân túy, cái đó không được".

'Tương lai và ước mơ'

Về tương lai của Chủ nghĩa cộng sản, nhà nghiên cứu, nhà báo này nói tiếp :

"Chủ nghĩa cộng sản ngày nay là một thực tế mà người ta có thể kiểm nghiệm và nhiều dân tộc đã trải qua, có những điểm tốt và cũng có những điểm xấu, nhưng tôi thấy điểm xấu thì nhiều hơn. Mặc dầu vậy rất khó trút bỏ được tư tưởng cộng sản trong đầu óc nhiều người.

"Tại vì lý tưởng cộng sản được đưa ra lúc ban đầu là xây dựng một xã hội bình đẳng, không có người bóc lột người, đó là lý tưởng mà ai cũng ước mơ. Xã hội nào mà không có bóc lột, ở đây không phải là bóc lột kiểu nô lệ, nhưng trong sinh hoạt người ta có khuynh hướng lợi dụng người có khả năng cao hơn thì phải làm nhiều hơn, nhưng không được trả công xứng đáng, cái đó có thể hiểu là bóc lột...

"Tâm lý chống lại việc lạm dụng hoặc trục lợi khả năng làm việc của người lao động tại một số những quốc gia độc tài không dân chủ để làm giàu cho mình, thì tư tưởng của Karl Marx vẫn còn đất sống. Vì người cùng khổ nào cũng mơ ước được sống trong một xã hội bình đẳng, không có tình trạng người bóc lột người, một xã hội không có giai cấp...

"Tôi nghĩ đó chỉ là một ước mơ mà ai cũng có, nhưng rất khó thực hiện. Nhưng dù sao người ta vẫn có quyền ước mơ", Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy nói với BBC từ Marne-la-Vallée, miền nam Paris.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 28/05/2018

Published in Diễn đàn