Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 15 janvier 2019 11:59

Đảng hóa mọi hoạt động ?

"Đảng của chúng ta là Đảng lãnh đạo, chỉ đưa đường lối chứ không quyết định. Khi đưa ra đường lối, Đảng phải thuyết phục Nhà nước có đồng ý hay không ?". Tài liệu tuyên truyền chính trị hay lập luận như vậy khi nói về tính dân chủ ưu việt trong nền pháp chế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

danghoa1

Theo quyết định của Bộ Chính trị, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nghỉ hưu từ ngày 1/1/2019.

Sáng 14/01, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc nghỉ hưu của cán bộ. Theo quyết định được ông Trần Quốc Vượng - thường trực Ban bí thư - thay mặt Bộ Chính trị ký ngày 29/10/2018, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nghỉ hưu từ ngày 01/01/2019.

"Mấy em sinh viên thực tập hỏi tôi là họ không tìm thấy quy định nào trong Luật tổ chức chính quyền địa phương về điều khoản cho phép Bộ Chính trị can thiệp vào vấn đề lựa chọn nhân sự của Hội đồng nhân dân. Vấn đề tuổi nghỉ hưu của đại biểu Hội đồng nhân dân cũng không thấy nêu ở điều luật nào tương ứng… Nói chung là sinh viên thắc mắc rất nhiều quanh chuyện tuổi hưu, kể cả vì sao bà Nguyễn Thị Kim Ngân sinh năm 1954 vẫn đương chức, còn bà Nguyễn Thị Quyết Tâm sinh năm 1958 lại phải nghỉ hưu…". Luật sư Nguyễn Thu Trang, chuyên trách về tham vấn lao động, cho biết như vậy.

Cùng chia sẻ câu chuyện, luật gia Lê Đức Du, cựu hội thẩm nhân dân, nói rằng ông đã đọc nhiều lần Chương III "Chính quyền địa phương ở đô thị" của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, thì thấy rằng ở Điều 39 có hai ý liên quan :

1. Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở thành phố trực thuộc trung ương bầu ra.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân và Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương. Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Liên quan đến việc chọn ai sẽ là người đứng đầu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 ghi rõ là tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân theo giới thiệu của chủ tọa kỳ họp.

Kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, cấp tỉnh, thành phố phải được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Luật cũng quy định nếu người được Hội đồng nhân dân bầu nếu vì lý do sức khỏe, hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức. Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Không có bất kỳ điều khoản nào cho phép sự can thiệp của Bộ Chính trị vào các hoạt động nhân sự của Hội đồng nhân dân các cấp. Do vậy nên với việc báo chí đưa tin ông Trần Quốc Vượng - thường trực Ban bí thư - thay mặt Bộ Chính trị ký quyết định ngày 29/10/2018 để bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nghỉ hưu từ ngày 01/01/2019 chỉ đúng có một vế về chức vụ ‘phó bí thư Thành ủy’, còn chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lại là vấn đề của "Đảng hóa" ; có nghĩa Đảng đã trực tiếp can thiệp vào bộ máy hoạt động hình thành trên cơ sở dân cử (mặc dù chỉ là dân cử về mặt hình thức theo dạng 'Đảng cử - dân bầu').

"Một đảng cầm quyền, ở bất cứ đâu cũng phải thâu tóm quyền lực công. Đó là mục đích cơ bản mà sinh ra đảng chính trị. Chính điều này giải thích vì sao những người giữ trọng trách trong các cơ quan Chính phủ khi bị đại biểu Quốc hội chất vấn, thường đưa lý do "đã báo cáo với tổ chức Đảng" để khước từ trả lời, hoặc giải thích cho những cách giải quyết vượt ra ngoài nguyên tắc tôn trọng pháp luật của mình. Khi ấy cử tri có quyền nghĩ rằng, những quan chức đó là đảng viên nên được hưởng một quyền lợi riêng, có quyền hành động và được xử lý ngoài phạm vi của pháp luật. Trường hợp cho bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nghỉ hưu có lẽ nằm trong cách hiểu đó…". Luật gia Lê Đức Du đặt vấn đề.

Một cách dè dặt, luật sư Nguyễn Thu Trang nói rằng trên cương vị là một đảng viên, bà thấy rằng mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước dù chặt chẽ đến mức "hóa thân" vào nhau, nhưng vấn đề đặt ra vẫn là không nên Đảng hóa Nhà nước, và cũng tránh Nhà nước hóa Đảng.

"Không để 'nhầm lẫn' giữa quyền lực của Đảng và quyền lực Nhà nước, không để Đảng trùm lên Nhà nước, hay Nhà nước trùm lên Đảng bằng phương thức "nhất thể hóa". Nếu xảy ra tình trạng đó, hệ thống quyền lực sẽ bị rối loạn, tê liệt, mặc dù nhìn bên ngoài có vẻ rất tiện dụng…", Luật sư Nguyễn Thu Trang chia sẻ.

Thế nhưng cách nhìn này của luật sư Trang lại lấn cấn với ‘phản biện’ của các sinh viên đang thực tập tại Văn phòng luật của bà. Nguyên lý của giới hạn quyền lực nhà nước là nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Ở Việt Nam hiện nay, "Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ". (Điều 8, Hiến pháp năm 2013).

Vậy thì cần phải trả lời là cơ sở pháp lý nào để ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư của Bộ Chính trị, có thể ký quyết định cho bà chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nghỉ hưu ở tuổi 60 ; trong khi bà chủ tịch Quốc hội đã 65 tuổi thì vẫn đương chức ? Nói không gọi "Đảng hóa mọi hoạt động", thì tên gọi của sự độc tài chính trị, độc tài Nhà nước ấy là gì ?

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 15/01/2019

Published in Diễn đàn