Cái này các bác đi hỏi cụ Trọng giúp. Chứ tôi, xem xong Nghị quyết của cụ về đảng viên trong giai đoạn mới thì tôi nhất quyết đảng viên (Việt Nam) không phải là người.
AFP
Chứ người gì mà chả thấy cho ăn. Toàn bắt chống đẩy, à quên, là chống các biểu hiện suy thoái, đẩy lùi các biểu hiện "tự chuyển hóa, tự diễn biến", mất sức chiến đấu, phai nhạt lý tưởng cách mạng…
Trọn vẹn nội dung nghị quyết (số 21/NQ-TW ngày 16/6/2022) dài hơn 6.000 chữ. Lọc ra được mấy ý như sau :
- Đảng viên cần ra sức học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng.
- Tổ chức Đảng cần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và uy tín.
- Cần quản lý đảng viên nghiêm ngặt về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, ý thức. Không được để "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Hết (Hơn 6.000 chữ).
Tự dưng tôi thấy thương đảng viên đứt ruột.
Đảng ở các nước phát triển, hễ ai tán thành quan điểm chính trị, đáp ứng một số điều kiện cơ bản thì đánh trống ghi tên, vào thoải mái. Năm nay thích đảng này, sang năm bỗng thấy nó chả như mình mong đợi, chuyển sang thích đảng kia. Thì ra đảng này, vào đảng kia, không ai cấm. Các "bí thư" còn phải vác phèng la đi rao đầu làng cuối xóm khoe đảng tôi toàn làm các chuyện có lợi cho anh chị, cho đất nước như này như này, anh chị vào nhanh vào nhanh, ghi tên sớm được khuyến mãi… đại loại thế.
Là vì đảng, theo từ điển tiếng Việt, được định nghĩa là một nhóm người gắn bó với nhau trong một tổ chức chính trị có mục tiêu, có điều lệ chặt chẽ. Hoặc là "phe, nhóm của nhiều người cùng một chủ nghĩa, một lý tưởng, một hành động chung, thường là nhằm mục đích chính trị".
Bản chất là một nhóm người có cùng mục đích, nên đảng nào cũng cần lôi kéo thêm người. Tục gọi là "phát triển đảng viên".
Nhưng mà ở ta nó khác. Muốn được phát triển đảng viên, phải phấn đấu nhé.
Vẫn theo từ điển tiếng Việt thì phấn đấu nghĩa là gắng sức bền bỉ nhằm đạt tới mục đích cao đẹp.
Từ phấn đấu được dùng phổ biến và chính thức trong các văn kiện Đảng, đồng nghĩa với việc mặc nhiên xem được kết nạp vào Đảng chính là một mục đích cao đẹp.
Ngày trước, được kết nạp vào Đảng, hay tuyệt vời hơn nữa là được kết nạp vào Đảng trong độ tuổi mười tám hai mươi chính là một cột mốc lịch sử, một bằng chứng thành công trong đời một người. Được kết nạp Đảng tức là không còn ở trong đội ngũ vô danh mang tên "quần chúng" mà đã bước hẳn lên bục cao trong xã hội, có mặt có mũi. Trở thành đảng viên cũng giống như Tôn Ngộ Không đã trút kiếp khỉ (dù là khỉ thần). Từ nay thành bồ tát, mắt soi ngàn dặm, hào quang khắp người. Đảng viên có trách nhiệm phải tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục, làm gương cho quần chúng. Không có chiều ngược lại. Báo chí ca ngợi một cá nhân có thành tích nổi bật mà viết thêm một câu "được kết nạp vào Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường" tức đã ngầm trưng một bằng chứng về đạo đức, gương mẫu, sự hơn hẳn của cá nhân đó với những người khác. Đảng cũng hay dùng biện pháp này làm phần quà tối cao thưởng cho các cá nhân xuất sắc, như được kết nạp Đảng rất sớm (ngay trên ghế nhà trường), hay được mời đi gặp các vị bí thư các cấp chẳng hạn. Các huy hiệu ghi nhận thời gian dài ở trong Đảng như huy hiệu 30 năm, 40 năm tuổi Đảng cũng đi kèm với một phần thưởng và thường được trao tặng rất trang trọng. Nó có bằng chứng nhận và được các lãnh đạo cao nhất tại địa phương đích thân trao tặng tại một buổi lễ.
Đảng viên, tóm lại là một đẳng cấp cao hơn, ưu tú hơn về mọi mặt, đặc biệt về những phẩm chất cao đẹp nhất của con người như hy sinh, cống hiến, trong sạch, trung thực…
Với Đảng cộng sản Việt Nam, nơi ghi hẳn vào Hiến pháp nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, thì gia nhập Đảng cũng có nghĩa là có tiềm năng bước chân vào giai cấp lãnh đạo. Các vị trí chủ chốt của tất cả các tổ chức, thậm chí doanh nghiệp đều quy định bắt buộc phải là đảng viên.
Đã là lãnh đạo thì sẽ có có quan hệ, có vị trí xã hội, có thông tin (để ra tiền) và có quyền lực. Tóm lại, tất cả đều có thể đẻ ra tiền.
Còn nếu là quần chúng, tức không được vào Đảng hoặc đã ra khỏi Đảng, thì mãi mãi không có cơ hội làm lãnh đạo. Cho dù giỏi chuyên môn bao nhiêu đi nữa, cùng lắm cũng chỉ được cho chức phó là kịch kim.
Mà phó là chó trưởng, tục ngữ quan trường có câu như thế. Tức nai lưng làm tất tật mọi việc, như con chó. Quyền lợi thì trưởng hưởng trọn.
Đảng viên lãnh đạo được đặc quyền đặc lợi như vậy nên quy trình vào Đảng ở Việt Nam mới khó khăn và cần người ta phấn đấu. Bàn chuyện phải sống như thế nào với những người này là điên rồ. Họ ăn đủ thứ, đất, cát, thép, dầu, khí, sông, biển, khoáng sản, tiền mai táng, tiền tuất thương binh liệt sĩ, tiền tiêm vắc-xin cho các cháu học sinh nghèo dân tộc thiểu số, tiền mổ mắt của người nghèo, tiền mua tã cho bà đẻ… "Ăn của dân không từ một cái gì"- bà Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước đã nhận xét như thế trong một phiên họp của Quốc hội năm 2013.
Thế còn đảng viên bình thường ?
Thì họ là thánh hết. Nghị quyết quan trọng nhất về Đảng và đảng viện dẫn ở trên không có dòng nào nói về đời sống kinh tế của đảng viên.
Thông tin trên báo chí Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng sáu tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng thời điểm năm 2021. Lạm phát tăng 1,25%. Trong khi đó, lương của cán bộ công chức vẫn như cũ. Sinh viên, công nhân phải tìm nhà trọ rẻ hơn, chuyển sang đi xe buýt thay vì xe máy, nấu cơm mang theo khi đi làm, giảm đi chơi hay du lịch, mua sắm đồ cũ, đồ hạ giá…
Vậy, đảng viên bình dân có thể làm việc gì để tăng thu nhập ?
Nếu có tiền và khả năng kinh doanh, họ có thể kinh doanh. Trồng cây gì, nuôi con gì, bán hàng online cũng có thể sống. Nhưng nếu không có, họ vẫn có thể kinh doanh mà còn dễ dàng hơn : kinh doanh bằng chính "vốn tự có" của mình. Chính là vị trí, mối quan hệ, thông tin có được từ công việc họ đang được giao. Một con dấu đóng vào, chút ngúng nguẩy trì hoãn khi nhận hồ sơ của người dân hay doanh nghiệp, xíu thông tin rỉ tai về quy hoạch, cân nhắc giữa hai người kiện tụng kiểu "Mày phải nhưng nó lại phải bằng hai mày"… đủ khiến họ làm giàu nhanh, mạnh, vững chắc và năm sau cao hơn năm trước.
Vẫn có những đảng viên trong sạch thật sự, không đớp những gì dơ dáy, không chung chi trong đường dây nào, không phe nhóm lợi ích với anh ba, anh bảy, chị tám, không dùng quyền thế hạch sách hoạnh họe bóp chẹt dân, độc lập tự chủ sống bằng bàn tay và khối óc của chính mình. Cơ mà họ sắp tuyệt chủng hết cả rồi.
À mà quên ! Như thế thì đoạn này mâu thuẫn với đoạn trên rồi nhỉ. Đoạn tôi nói đảng viên là loại người gì mà không thấy (cụ Trọng) nhắc đến việc cho họ ăn ấy !
Hóa ra mình người trần mắt thịt, tầm nhìn xa vài cây lô mếch. Sai be sai bét. Cụ biết cả, hiểu cả. Cụ suy tính cả rồi. Cần gì tâm tư đến thu nhập, đời sống của đảng viên. Trừ một số (sắp tuyệt chủng) sống trong sạch, còn thì họ đều là cao thủ kiếm tiền cả.
Hóa ra, cụ chẳng nhắc gì đến việc đảng viên và gia đình họ phải sống ra sao giữa bối cảnh bão giá/mỗi sáng đi chợ như bị mất cắp, là do có thần nhãn này đây.
Hóa ra, nguy cơ lớn nhất đối với đảng viên (số đông) không phải là việc loay hoay kiếm sống như đám quần chúng. Mà là chống lại các cám dỗ, các cạm bẫy tiền tài vật chất. Như chú Lượm trong bài thơ cùng tên của đại nhà thơ cách mạng Tố Hữu:
"Vượt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo"
Nhưng đạn này vừa thơm, vừa ngọt, vừa béo. Chỉ hít một hơi đã giàu luôn ba họ. Thế thì vào lò hay không chẳng cần suy tính quá nhiều. Đã có các chú, các anh…
Thế thì thôi, tôi xin rút lại kết luận sai lầm ở đầu bài.
Đồng thời, xin các cụ kết nạp em vào đảng.
Em xin hứa (ăn đủ rồi) thì em sẽ không ăn của dân một ly một lai nào nữa.
Lê Minh Xu
Nguồn : RFA, 30/06/2022
Tham khảo :
https://baochinhphu.vn/ban-hanh-4-nghi-quyet-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-xiii-102220624192226791.htm
https://baomoi.com/6-thang-dau-nam-2022-chi-so-gia-tieu-dung-tang-2-44/c/43024917.epi
https://tuoitre.vn/an-cua-dan-khong-tu-mot-cai-gi-568432.htm
https://plo.vn/bao-gia-dan-buoc-bung-bot-mua-thit-ca-de-tranh-chay-tui-post686207.html
Hơn 10 năm trước Tiến sĩ Vũ Minh Khương có một bài viết ngắn ("Việt Nam : Chặt cầu để tiến lên ?") với nhiều câu hỏi dài nhưng rất khó quên :
1. Chúng ta có thấy xót xa hổ thẹn về vị thế hiện nay của dân tộc mình không ?
2. Chúng ta có thấy lo lắng cho tương lai của đất nước mình không ?
3. Nếu có cơ hội, thế hệ chúng ta có đủ sức đưa dân tộc mình đến một vị thế vẻ vang (hơn mức hiện nay rất nhiều) không ?
4. Cơ chế hiện thời có cho bạn làm được điều mà bạn hết lòng khao khát làm cho đất nước mình không ?
Cách nhìn, và đặt vấn đề, của Tiến sĩ Vũ Minh Khương cũng khiến cho nhiều độc giả phải "động tâm" vì hiện tình của xứ sở :
"Khó khăn trong quyết định của mỗi người chúng ta hôm nay không phải là làm cách gì để đất nước tiến lên mà là làm gì để chúng ta không lùi tiếp nữa, bởi đường lùi của chúng ta còn rộng rãi thênh thang lắm.
Ông cha chúng ta để lại cho chúng ta đất đai ở vị thế đẹp và nhiều tài nguyên quí giá. Thế giới lại thương cảm chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt. Thế hệ chúng ta chỉ cần cho nhượng thuê đất trong các dự án đầu tư dễ dãi, bán tài nguyên, và vay nợ quốc tế cũng đủ sống xênh xang được 20-30 năm nữa. Ta nhượng đất của ông cha làm sân golf và dân ta sẽ không thể đói nhờ nghề nhặt bóng và đánh giày".
Sau khi bị "rút" khỏi trang Tuần Việt Nam, bài viết thượng dẫn đã được đăng lại trên diễn đàn talawas (vào hôm 13/07/2009) và nhận được khá nhiều phản hồi sôi nổi :
- Hoài Quốc Việt : "Rất đáng khâm phục lòng quả cảm của những nhà báo chân chính, không sờn lòng trước bắt bớ, răn đe, thải hồi chức vụ đã xảy ra trước đây với các đồng nghiệp của các anh".
- Nguyễn Việt : "Một blog khá nổi tiếng khác từ Hà Nội cũng đăng bài này từ sáng sớm hôm nay. Sau khi tôi cảnh báo với ông bạn blogger là bài gốc bị xóa rồi, cậu ta cũng xóa ngay. Tuy nhiên hàng trăm ngàn người đã đọc đuợc trên các trang web như vậy trước lúc nó bị xóa. Kẻ thì hả hê đuợc ăn trái cấm, kẻ thì nhăn nhó hít hà vì ớt xanh cay quá".
- Phùng Tường Vân : "Thứ Hai là ngày mà nhiều người cho là cái "ổ gà" (pothole) của đường đời, được đọc hai bài thật thích thú : bài này của Tiến sĩ Vũ Minh Khương và bài "Mọi" của Duy Ngọc, mỗi bài một vẻ nhưng đầy hàm súc, rất mong được quần hào phản hồi sôi nổi".
- Lê Điều : "Ông sinh năm 1959, vào Đảng năm 1981 (22 tuổi), nay đã có 28 tuổi Đảng, từng giữ nhiều chức vụ không nhỏ trong bộ máy lãnh đạo chính trị và kinh tế tại Việt Nam… Một đảng viên loại một nói ra những lời ấy thì trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam quả là còn có những lực lượng khác đang sôi sục !"
Vũ Minh Khương, rõ ràng, là một đảng viên nhưng mà tốt. Chỉ có điều đáng tiếc là ông không đủ can đảm để bỏ đảng chạy lấy người (như bao nhiêu nhân vật thức thời khác) nên không tốt được lâu, và cũng chả "sục sôi" được mãi !
Vũ Minh Khương hết "cay" (hay đã "nguội") tự lúc nào thì không ai rõ nhưng thiên hạ đều thấy là ông "sọc dưa" từ ngày 25/01/2021, hôm mà ông trả lời phỏng vấn BBC về vấn đề nhân sự của Đại Hội 13. Xin trích dẫn đôi câu để rộng đường dư luận :
BBC : Có một số học giả, nhà phân tích, và nhà quan sát chính trị Việt Nam đưa ra dự đoán, phỏng đoán về nhân sự "Tứ trụ" theo đó dự kiến đề xuất ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng bí thư, ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng và ông Vương Đình Huệ đảm nhận chức Chủ tịch Quốc hội. Trong trường hợp đây đúng là giải pháp cho bài toán nhân sự cấp lãnh đạo cao nhất thì theo ông phương án này có hợp lý hay không ?
Vũ Minh Khương : "Tôi cho đây là một phương án rất đặc sắc, có tính gây kinh ngạc cho thế giới. Cả bốn con người này tôi đều đã gặp rồi nên tôi hiểu rất rõ. Họ đều thể hiện khá rõ về tầm hiến dâng cho sự phát triển của đất nước. Họ đều có tư duy rất thực tế và có kinh nghiệm nhiều trong công tác Đảng cũng như lãnh đạo chính quyền".
Họ đều một lòng một dạ làm gì đó để có di sản để lại về sau. Nhiều khi người ta băn khoăn lo lắng về người lên chức lãnh đạo là tích lũy tài sản hay này khác nhưng lần này thì cả bốn người đều có phẩm chất hiến dâng rất cao thì đó là điều rất đáng quý. Tôi có tham khảo ở Việt Nam thì mọi người đều đồng thuận và phấn khởi với phương án này".
Những lời có cánh vừa ghi – tiếc thay – không được "mọi người đều đồng thuận và phấn khởi" gì cho lắm, nếu chưa muốn nói là ngược lại :
- Phạm Minh Vũ : "Đại hội đảng cộng sản ngoài phục vụ cho mục đích cai trị của đảng, cuộc hội tụ của những cá nhân tham quyền cố vị, bất chấp mọi thứ để đạt được mục đích bằng mọi giá, thì chẳng có mục đích nào khác. Những lời lẽ có cánh như vì dân, cho dân đều là dối trá".
- Võ Thị Hảo : "Tôi tin rằng việc sửa giới hạn nhiệm kỳ và tuổi tác trong điều lệ Đảng là để dọn đường cho những ông Vua Đỏ của Việt Nam, nắm mọi quyền lực trong tay".
- Jackhammer : "Xem bài trả lời BBC Việt ngữ của ông Vũ Minh Khương …, tôi cứ ngỡ bài của ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng trả lời. Tất cả là một màu hồng rực rỡ !"
- Dũng Lê Minh : "Tôi cũng đã đọc bài này trên BBC. Nói chung nền tảng tư tưởng không khác gì đồng chí Quang 'lùn' nhưng vì có bằng cấp lại ở cơ quan nghiên cứu của Singapore nên được BBC phỏng vấn. Trả lời trôi chảy, giọng văn 'thánh thót' hơn nhưng ý tưởng mang tính 'đột phá' có lẽ còn kém xa đồng chí Quang 'lùn'".
- Nguyễn Đình Cống : "Đó chẳng qua là ngụy biện của những kẻ nịnh hót, của những bồi bút, của những người quen quỳ gối, khom lưng, cúi đầu".
Khi chê bai hay chỉ trích Vũ Minh Khương không tiếc lời, có lẽ, không mấy ai nhớ đến tình cảnh của một vị trí thức khoa bảng khác – Tiến sĩ Phạm Chí Dũng. Nhân vật này đã bỏ đảng từ lâu, hiện đang bị giam cầm bởi một bản ác vô cùng khắc nghiệt chỉ vì tính tiết tháo và lòng chính trực.
Cái giá để làm một người tốt ở Việt Nam, xem chừng, hơi mắc. Do đó, khi một cá nhân quyết định lựa chọn cái vị thế rẻ rúng và khiêm tốn ("quỳ gối, khom lưng, cúi đầu") nhưng "vừa với khả năng của mình" thì chả phải là điều hoàn toàn đáng trách.
Thời gian và tuổi đời vẫn thường được ví như cái gạt tàn thuốc lá, càng đầy nó càng bẩn. Tuổi đảng lại còn bẩn hơn nhiều nên Tiến sĩ Vũ Minh Khương gắng gượng "tốt" được mãi đến hôm nay (tưởng) cũng đã là kỳ tích của một đảng viên cộng sản Việt Nam !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 31/01/2021 (tuongnangtien's blog)
Chưa qua thử thách
Đảng bộ trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu, tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức lễ kết nạp đảng viên cho 11 học sinh lớp 12 của trường. Một nam sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông số 1, tỉnh Lào Cai được Thường trực Thành ủy Lào Cai phê chuẩn kết nạp đảng vào tháng 6/2020. Một nữ sinh lớp 12, trường Trung học phổ thông Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh được chính thức được kết nạp đảng vào sáng 27/7/2020.
Lực lượng cảnh sát đặc biệt đứng gác bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, nơi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 25 tháng 1 năm 2016. AFP
Theo qui định tại Khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam điều kiện trở thành đảng viên phải là công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên ; thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng ; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào đảng.
Với việc kết nạp một loạt học sinh lớp 12 vào đảng, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương nói với RFA :
"Từ trước họ vẫn cho kết nạp học sinh chứ không phải không có. Nhưng bây giờ thì tôi cho rằng họ đang mua chuộc cái đám trẻ này vì đám trẻ hiện nay cũng đang cả nghĩ. Nó thấy trước mắt nếu vào đảng nó sẽ có những lợi quyền chính trị.
Thật ra thì cái đám này nó sẽ rất cơ hội. Nếu có cái chuyển biến gì thì nó ngả cờ nó theo thôi. Tôi nghĩ chúng nó chả có lý tưởng gì đâu. Đến lúc nào đó có một sự kiện đánh động được cái tâm thế của xã hội thì họ sẽ quay lại họ theo. Họ sẽ từ bỏ cái đảng ‘xôi thịt’ này. Đó là cái hy vọng !"
Về trình độ học vấn, người được xét kết nạp vào đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên. Như vậy, việc kết nạp những học sinh chưa hết lớp 12 không có gì đáng nói, có chăng là chất lượng của những đảng viên quá trẻ này như thế nào mà thôi.
Theo chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Đình Cống qua email với RFA tối ngày 3 tháng 8, thì trong số bạn bè quen biết của ông có một số được kết nạp đảng từ lúc còn học phổ thông. Ông thấy các bạn ấy cũng phát huy được tác dụng. Ông kết luận, nếu trong học sinh mà có một vài bạn có năng khiếu hoạt động chính trị, cơ sở đảng thấy cần kết nạp để tạo nguồn thì có thể vận động họ vào. Đó là trường hợp cá biệt. Còn nếu có phong trào hoặc chủ trương lôi kéo học sinh vào đảng thì không nên. Đa số học sinh chưa có đủ bản lĩnh.
Đồng quan điểm với Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, ngoài bản lĩnh để quyết định có vào đảng hay không, các đảng viên tương lai còn phải trải qua nhiều thử thách. Môi trường học đường không là môi trường phù hợp. Ông nói :
"Tôi cho rằng cái gọi là tư duy chung, nếu đúng lý tưởng của đảng đặt ra thì chắc chắn nó phải có đủ thử thách. Đặc biệt là thử thách tập trung vào mục tiêu chung của cả dân tộc. Lấy mục tiêu chung làm trọng thì mới nên kết nạp vào đảng.
Trong môi trường học sinh thì chưa đủ thử thách, chưa đủ điều kiện để thể hiện bản chất của một con người. Về mặt lý thuyết, để lựa chọn những con người tiên tiến vào đảng thì chắc chắn là môi trường thử thách nó phải phức tạp hơn. Nó cần phải có môi trường khốc liệt thì thử thách để đánh giá con người mới chắc chắn".
Chất lượng đảng viên
Những năm vừa qua, nhiều đảng viên cộng sản rời bỏ đảng với lý do được họ nêu ra là đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, tự diễn biến thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước, như lời nhà văn Nguyên Ngọc từng nói với RFA vào tháng 10 năm 2018. Cùng thời điểm đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang cũng tuyên bố ra khỏi đảng bởi ông nhận thấy lý tưởng lúc vào đảng là đấu tranh cho đất nước được độc lập, tự do, người dân hạnh phúc. Thế nhưng đến năm 2000 thì đảng đi ngược lại lý tưởng đó.
Trước đó, nhà báo Phạm Chí Dũng, cán bộ tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh viết đơn xin ra khỏi đảng vào năm 2013. Bác sĩ, Trung tá Quân đội Đinh Đức Long tuyên bố ra khỏi đảng vào tháng 8 năm 2014.
Nói về chất lượng và lý tưởng đảng viên ngày nay, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng nó khác thời kỳ đầu rất nhiều. Ông giải thích :
"Trong thời gian Việt Nam phải giải phóng khỏi chế độ thực dân trong hoàn cảnh rất khó khăn, một sống một chết, thì chắc chắn là chất lượng đảng viên rất tốt. Họ là những người giác ngộ được nhiệm vụ giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của nước ngoài. Trong hoàn cảnh sinh tử đó thì tôi cho rằng cái tình đồng chí gắn kết con người cùng một mục tiêu rất là mạch lạc.
Thế nhưng đến khi chuyển sang thời kỳ hòa bình, tức là thời kỳ xây dựng đất nước thì lúc đó chắc chắn cái lợi ích nó sẽ làm hỏng con người. Trong đó có sự cân đối giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, nó làm hỏng phần đạo đức. Từ đấy nó có cái sự phân hóa về mặt nhận thức, về mặt tiếp cận công việc chung, về mặt xác định hành động".
Ông Đặng Hùng Võ nói thêm rằng, phong trào chỉnh đốn đảng hiện nay vẫn đang tiếp tục ở Việt Nam. Hy vọng là phong trào này có thể làm cho tư duy của mỗi một người trong đảng sẽ ‘ngay ngắn’ hơn, sẽ đúng hơn và đồng nhất hơn. Hiện nay trong những môi trường khác nhau thì tư duy của lãnh đạo đảng cơ sở, từng chi bộ một có những nhận thức khác nhau.
Ngoài hiện tượng nhiều đảng viên bỏ đảng, một số đảng viên đảng cộng sản vướng vòng lao lý như ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Trương Minh Tuấn…
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nêu sự khác biệt giữa những người vào đảng thời kỳ đầu với những người vào đảng sau này :
"Bây giờ không có đảng viên như ngày xưa đâu. Khác nhau rất nhiều. bậy giờ thì cái chính là để kiếm một chỗ đứng trong chính quyền hay là trong các bộ máy chính quyền thì phải vào đảng mới được thăng tiến. Bây giờ cái mục tiêu và lợi ích vào đảng khác trước rất xa. Bây giờ là vì những lợi ích rất cụ thể, thiết thực. Lý tưởng như ngày xưa thì chả có đâu. Hiếm lắm.
Việt Nam thời nay nó đang quay trở lại thời kỳ phong kiến. Nó siêu phong kiến nhờ có những phương tiện khoa học kỹ thuật mới nên nó làm rất mạnh. Do đó nói tuổi trẻ hiện nay gia nhập đảng vì lý tưởng thì đó chỉ là ảo tưởng thôi".
Trao đối với RFA về chất lượng đảng viên hiện nay, Giáo sư Nguyễn Đình Cống tạm phân đảng viên thành bốn hạng : Một là các đảng viên ở cương vị lãnh đạo. Hai là đảng viên trí thức. Ba là đảng viên bình thường. Bốn là đảng viên đã nghỉ hưu. Ông tiếp :
"Tôi có biết ít nhiều hạng một và hạng hai. Đáng lẽ họ phải là những tinh hoa, có phẩm chất cao, nhưng thực tế thì danh thực bất tương đồng. Các trí thức của đảng mà tiêu biểu là những thành viên của Hội đồng Lý luận Trung ương, ở Tạp chí cộng sản, ở Ban Tuyên huấn, phần lớn là hữu danh vô thực. Một số không ít là những phần tử cơ hội, kém trí tuệ, thiếu trung thực, thiếu dũng cảm nhưng lắm mưu mô, nhiều thủ đoạn.
Hạng ba tôi ít được tiếp xúc nên không tiện nêu nhận xét. Tôi biết nhiều và khá rõ hạng bốn. Có một số rất ít, tuy tuổi cao nhưng còn giữ được tính tích cực, gương mẫu, còn phần lớn thuộc loại vô tích sự. Không ít người đã sức cùng lực kiệt, cố giữ sinh hoạt đảng để khi chết, trong điếu văn được kể có nhiều năm tuổi đảng".
Ông kết luận rằng, đảng cố phát triển để có số đảng viên thật đông, nhưng chất lượng quá kém. Đây là một sai lầm về chủ trương của đảng cầm quyền.
Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức, xây dựng đảng khai mạc tại Hà Nội ngày 25 tháng 12 năm 2019, các tổ chức đảng trên cả nước đã kết nạp mới 143.000 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam lên 5,2 triệu.
Lâu nay, nhiều người trong nước thường có câu ‘ông/bà/người ấy đảng viên mà tốt’. Thực tế cho thấy đa số những đảng viên trong vị trí cầm quyền, có vai vế trong chính phủ các cấp không thực hiện đúng tôn chỉ ‘mỗi người vì mọi người’, ‘cán bộ là đầy tớ của nhân dân’.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 03/08/2020
Là đảng viên Cộng sản sẽ có thể không còn là lý do đuổi việc công chức tiểu bang California, theo một dự luật vừa được Hạ Viện tiểu bang California thông qua.
Nhiều người Mỹ gốc Việt phản đối Đảng Cộng sản
Dự luật AB-22 sẽ còn gửi lên Thượng Viện California chờ thảo luận và biểu quyết.
Nhiều người Mỹ gốc Việt tại tiểu bang đang phản đối việc này.
Luật ở tiểu bang California được đưa ra trong bối cảnh hồi thập niên 1940 có lo ngại phe cộng sản xâm nhập và lật đổ chính phủ Mỹ.
Nay, theo sửa đổi được hạ viện bang thông qua, ám chỉ 'cộng sản' được bỏ đi. Tuy vậy công chức vẫn có thể bị sa thải nếu là thành viên của những tổ chức muốn lật đổ chính phủ Mỹ bằng bạo lực.
Dân Biểu Rob Bonta (đảng Dân Chủ) đưa ra dự luật này, nói rằng luật cũ đã lỗi thời.
Cờ Mỹ Cờ Việt Nam Cộng Hòa trong Tiểu bang California - Ảnh minh họa
Nhưng dân biểu Cộng hòa Travis Allen nói : "Cộng sản đại diện cho những gì mà Hoa Kỳ chống lại".
Thượng nghị sĩ của bang Janet Nguyễn (đảng Cộng Hòa), đại diện Ðịa Hạt 34, bày tỏ sự chống đối dự luật này.
Bà nói : "Dự Luật AB-22 là một sự xúc phạm đáng kinh ngạc đối với hơn 500,000 người Mỹ gốc Việt gọi California là quê hương thứ hai của họ và đối với các chiến binh Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã chiến đấu và tử trận chống lại chế độ Cộng sản tại Việt Nam, một chế độ đã giết hàng triệu người Việt Nam, như gia đình tôi".
Ông Phát Bùi, phó thị trưởng Garden Grove, kiêm chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California, nói : "Tôi cực lực chống đối dự luật này. Ðây là sự mở đầu cho Cộng sản sang đây, thâm nhập vào guồng máy hành chánh tiểu bang".
Dự luật này nay sẽ do Thượng viện bang California xem xét tiếp.