Ở các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia những năm trước, điểm trung bình môn lịch sử cũng báo động đỏ rồi : năm 2016 là 4,49, năm 2017 là 4,6, năm 2018 là 3,79. Điểm thi năm nay có cao hơn năm 2018, điểm trung bình là 4,3 với 70% số bài thi dưới 5 điểm.
Điểm liệt môn lịch sử cách mạng và tin tưởng đã có
Nói cho đầy đủ, thì điểm trung bình môn lịch sử cách mạng ở kỳ thi trung học phổ thông vừa qua là 4,3, "đội sổ" về kết quả thi năm nay. Môn lịch sử có 40 câu hỏi thi trắc nghiệm và hầu hết liên quan đến lịch sử đảng cộng sản Việt Nam.
"Không có bất kỳ động thái nào từ các bạn trẻ đoàn viên cho lời kêu gọi tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam. Ngày chủ nhật 21/7 đã trôi qua phẳng lặng, trái ngược với những cơn sóng dữ dội đang diễn ra ở bãi Tư Chính với người lính hải quân và cảnh sát biển Việt Nam. Tôi nghĩ đây là mối nguy trực diện với sự tồn vong của đảng cộng sản, khi đoàn thanh niên lâu nay vẫn được coi là cánh tay phải của đảng". Cô giáo Nguyễn Thu Dung dạy môn lịch sử ở một trường cấp 3, quận Tân Bình, Sài Gòn, cảnh báo.
Ở góc nhìn khác, thầy giáo Nguyễn Văn Lực (trường Trung học cơ sở Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) kể : Vừa rồi, khi kiểm tra bài cũ, tôi hỏi học sinh lớp 9 rằng "Em cho biết sự kiện lịch sử nào đánh dấu thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đạt đến đỉnh cao ?", thì không học sinh nào trả lời được.
Tôi tiếp tục gợi ý đó là ngày lễ Quốc khánh của nước ta, các em cũng lặng thinh. Cuối cùng, tôi tự trả lời đó là sự kiện ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Hà Nội, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi kết luận là học sinh không quan tâm, chứ câu hỏi không khó vì tôi mới dạy các em tiết học liền trước".
"Học sinh không quan tâm" đến lịch sử như lời của thầy Lực, nên lẽ đương nhiên các em cũng chẳng phải bận tâm đến thắc mắc vì sao những người trẻ trong màu áo Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lại thờ ơ, không chút biểu lộ gì của "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách".
"Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ cũng chẳng hề tin vào chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo. Bởi vừa rồi, bà Hằng ở Bộ Ngoại giao đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ. Kêu gọi giúp đỡ cũng có nghĩa Đảng và Nhà nước thật sự không tự lo nỗi nữa rồi. Thế nhưng giới trẻ vẫn bàng quang vận nước, không có biểu lộ gì, kể cả việc ‘chém gió’ trên mạng xã hội về thời sự này !". Cô giáo Nguyễn Thu Dung nhận xét.
Cùng góp câu chuyện liên quan trục thời sự : ‘điểm liệt lịch sử - thờ ơ chính trị’ của giới trẻ, nhà báo Nguyễn Hương Giang chuyên trách mảng giáo dục, nói rằng đây là lỗi hoàn toàn thuộc về ít nhất là hai quan chức ở hiện tại : Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 – 2021 ; Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Dạy môn học lịch sử, theo tôi là truyền cho học sinh tinh thần của dân tộc, cái hồn của núi sông, lòng biết ơn với tổ tiên qua những nhân vật lịch sử thì mới khắc sâu và đọng lại trong các em, chứ không phải những số liệu khô khan, diễn biến dài dòng của những trận đánh, những chiến dịch… kiểu ‘ta chết ba, địch chết mười’.
Sách giáo khoa môn lịch sử không hấp dẫn, quá nhiều con số, tranh ảnh nhiều khi chỉ mang tính minh họa, không sinh động, trực quan. Nhiều khi viết về một vấn đề lịch sử, học sinh chỉ được nhìn ở một chiều, chiến thắng của ta thường viết rất hân hoan, nhưng những thất bại, bài học lịch sử lại không được nói rõ như thế nào.
Nếu chúng ta không chịu nhìn đa chiều để tiệm cận nhất với sự thật lịch sử, thì đó chỉ là ngụy sử. Học sinh chán môn lịch sử và điểm liệt về ngụy sử, có lẽ là điều may mắn, vì ít ra cũng không phải là những con vẹt tuyên giáo. Nếu có lo lắng, thì những người ở Bộ Chính trị lo nhất, khi lực lượng lâu nay được cho là ‘cánh tay phải’ lại thờ ơ với chính trị…". Nhà báo Nguyễn Hương Giang chia sẻ.
Minh Châu (ghi chép)
Nguồn : VNTB, 22/07/2019