Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dường như lần này ‘chuông nguyện hồn ai’ đang ngân lên điệu ru tiễn biệt bà bộ trưởng sức khỏe về đâu đó, để nhằm làm dịu dư luận trước thềm Đảng chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới.

Từng ‘bịt miệng’ cả Nguyễn Phú Trọng ?

Ngày 23/09/2019, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố Quyết định số 656 của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế : mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao : đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, Bảo hiểm y tế và một số bệnh viện thuộc Bộ này, cũng như tại một số Sở Y tế địa phương.

chuong1

Bộ trưởng 'kim tiêm' Nguyễn Thị Kim Tiến

Quyết định thanh tra số 656 được cho rằng thực hiện theo chỉ đạo hồi đầu năm 2019 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, về yêu cầu làm rõ một số vấn đề nóng trong ngành y tế gây bức xúc trong dư luận hiện nay.

Đáng chú ý là vào hai năm trước, ngày 07/09/2017, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc phát hành văn thư yêu cầu hàng loạt tổng biên tập báo phải giải trình về việc đăng tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘chỉ đạo xử nghiêm vụ Việt Nam Pharma’. Điều này tương tự như vụ đưa tin cần có luật biểu tình mà ông Trần Đại Quang (1956 – 2018) đã nói vào ngày 19/06/2018, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3, quận 4 Thành phố Hồ Chí Minh, và sau đó dẫn đến việc đình bản báo Tuổi Trẻ điện tử trong 3 tháng.

Sáng 24/09/2019, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên tổng giám đốc Việt Nam Pharma và 11 đồng phạm trong vụ buôn lậu thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty cổ phần Việt Nam Pharma. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vẫn chưa có mặt theo triệu tập của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ở ngày đầu tiên này.

Như vậy xem ra có một độ trễ về việc thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong liên quan đến yêu cầu ‘xử nghiêm vụ Việt Nam Pharma’.

Bộ trưởng nào lên mà vẫn ‘ngoan ngoãn’, thì mọi chuyện vẫn vậy thôi !

chuong2

Trong lãnh vực đấu thầu thuốc ở bệnh viện, hiện tại nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng nguyên nhân của các sai phạm đến từ bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng người tiền nhiện là cựu bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu.

"Tôi nghĩ với hệ thống luật lệ liên quan chuyện đấu thầu như hiện nay, nếu không có những thay đổi thích hợp, thì bộ trưởng nào lên nếu vẫn cam phận con cừu, thì mọi chuyện sẽ không gì thay đổi hết.

Ở đây tội ác của những công bộc như bà Nguyễn Thị Kim Tiến trong chuyện đấu thầu thuốc bệnh viện, cũng chỉ là chuyện của việc tận dụng quyền lực và vô số bất cập của luật đấu thầu, để tạo những tham nhũng phe nhóm từ dược phẩm độc quyền dưới màu áo đấu thầu. Nó chẳng khác mấy trong các áp phe nhà thầu bên giao thông". Dược sĩ Ng.X.L., cựu giám đốc công ty dược có trụ sở tại quận 4, Sài Gòn, nhận xét trong một trao đổi với người viết tại bên lề sân Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sáng 24/09/2019.

Dược sĩ Ng.X.L. nhắc tới vụ Công ty Zuellig Pharma, một doanh nghiệp phân phối dược phẩm như nhiều công ty khác tại Việt Nam, nhưng bất ngờ trở thành công ty duy nhất được hưởng đặc quyền trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu, từ đó có cơ hội làm mưa làm gió trên thị trường tân dược. Sự việc diễn ra trong thời gian dài ở những năm đầu 2000, hai đời bộ trưởng là Nguyễn Quốc Triệu và Nguyễn Thị Kim Tiến.

"Nếu như dưới thời bộ trưởng y tế Trần Thị Trung Chiến đã từ chối Zuellig về dự án liên doanh với Tổng công ty Dược Việt Nam trong lĩnh vực phân phối dược phẩm, lý do Luật đầu tư nước ngoài quy định trong lĩnh vực phân phối, chỉ có thể hợp đồng, hợp tác kinh doanh chứ chưa thể đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh.

Đầu năm 2000, Zuellig đã được Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội cấp cho giấy phép đầu tư vào lĩnh vực phân phối dược phẩm có tên Zuellig Pharma Việt Nam (ZPV) tại Khu công nghiệp Sài Đồng B, Gia Lâm. Về luật thì không sai, vì Zuellig chọn đầu tư vào dự án dưới 5 triệu USD, vốn của Zuellig đầu tư tại Việt Nam trên 2,5 triệu USD và ban quản lý nói trên được quyền cấp phép.

Khi đó, các công ty nước ngoài vào Việt Nam chỉ được mở văn phòng đại diện, không được trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Hoạt động xuất nhập khẩu thuốc hoàn toàn do các doanh nghiệp trong nước đảm nhận. Khi đã có giấy phép trong lĩnh vực phân phối dược phẩm, Zuellig trở thành công ty đầu tiên và duy nhất được trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu tại Việt Nam. Lần lượt 27 nhà sản xuất nước ngoài, trong đó có nhiều công ty hàng đầu thế giới, đã quay sang... chọn Zuellig là nhà phân phối duy nhất tại Việt Nam.

Sản phẩm do Zuellig phân phối đều là các mặt hàng chuyên khoa, đặc trị, khó có thể thay thế. Và họ đã khống chế toàn bộ thị trường dược phẩm ở tất cả các bệnh viện. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước thời kỳ đó là Nông Đức Mạnh – Nguyễn Tấn Dũng. Người trực tiếp phụ trách mảng y tế là phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao".

Dược sĩ Ng.X.L. nhớ lại, và ông nói theo trí nhớ, thì trong số 4.400 thuốc nước ngoài thuộc 900 hoạt chất được cấp số đăng ký tại Việt Nam, số hoạt chất do Zuellig phân phối gồm 180, trong số này có 97 hoạt chất chỉ có 1 số đăng ký, 18 hoạt chất có trên 5 số đăng ký nhưng... chỉ có Zuellig phân phối.

Theo chia sẻ của dược sĩ Ng.X.L., việc thao túng thị trường dược phẩm ở Việt Nam của Zuellig chắc chắn không phải từ chuyện ‘lãnh đạo ngu ngơ’, mà ở đây là việc đã có những khoản ‘bôi trơn’ chính sách trước đó, cùng như khoản ‘lợi quả’ hậu hĩnh cho nhiều tầng nấc từ quan chức cấp địa phương cho tới trung ương, không loại trừ cả Bộ Chính trị.

Hệ lụy tất yếu của thể chế chính trị thiếu tính cạnh tranh ?

Theo ghi nhận từ bệnh viện Bình Dân, đến nay, vẫn chưa có trung tâm kiểm soát độc lập giá thuốc trúng thầu cấp quốc gia, dẫn đến việc so sánh giá thuốc sau khi trúng thầu giữa các địa phương chưa có mức chuẩn để đối chiếu, gây tranh cãi giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế.

Giá thuốc biến động theo quy luật của thị trường, đặc biệt là nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc chủ yếu là nhập từ nước ngoài do vậy rất khó kiểm soát giá: chưa kể đấu thầu hiện nay chủ yếu là đấu về giá (70% về giá), khiến các nhà sản xuất, kinh doanh thuốc tìm mọi cách để hạ giá thành sản phẩm, dẫn đến chất lượng thuốc nguy cơ bị giảm khi sử dụng nguyên liệu giá thành rẻ, độ tinh khiết thấp.

"Nhà báo tin không, một viên thuốc sản xuất ở Hàn Quốc có giá thành chừng 2.000 đồng tiền Việt, khi công ty này bán lại cho một công ty phân phối tại Hàn Quốc giá lên tới 4.000 đồng/viên, do họ phải đóng thuế 5% cho nhà nước Hàn Quốc, và "các khoản giao dịch" nội bộ, nhưng đến tay công ty dược phân phối tại Việt Nam, thì công ty Việt Nam này thỏa thuận với công ty phân phối Hàn Quốc, làm sao để nâng giá viên thuốc lên giá 8.000 đồng.

Các công ty Việt Nam lời 2.000 đồng, còn 2.000 đồng nữa để thực hiện những động tác quà cáp cho bác sĩ, mời các bác sĩ đi du lịch, tham quan, hội thảo... Khi viên thuốc đó về Việt Nam, từ giá 8.000 đồng/viên bán vào bệnh viện nhà nước với giá 9.000 đồng/viên, bởi nếu bán với giá cao hơn, điểm chấm thầu sẽ thấp và sẽ bị loại ra khỏi vòng đấu thầu. 1.000 đồng tiền lời còn lại tại thị trường Việt Nam các công ty thực hiện chi phí trung chuyển.

Chính lẽ đó nên khi hay tin Việt Nam Pharma bỏ giá thầu quá thấp là chúng tôi nghi ngay, vì cùng một mặt hàng, đều phải nhập nguyên liệu như nhau thì giá khó thể chênh nhau quá nhiều… Làm gì có chuyện lơ là, sơ sót quản lý ở đây để mà lách luật như biện minh của các vị lúc hầu tòa !

Nói thêm, nếu không có yêu cầu của mấy vị nào đó của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh về việc ‘gia hạn tiếp gói thầu cung cấp thuốc’ của Việt Nam Pharma, thay vì phải đấu thầu mới hàng năm, thì có lẽ thuốc ung thư giả và nhiều loại thuốc khác không đúng hàm lượng mà Việt Nam Pharma đã cung cấp vào hệ thống bệnh viện công lập không hoành hành lâu đến thế". Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh N.T.Đ., bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết như vậy, trong trao đổi với người viết tại sân tòa án hôm xét xử sơ thẩm lần 2 vụ nhập thuốc trị ung thư giả của Việt Nam Pharma.

Theo quy định của Việt Nam, việc đấu thầu cung cấp thuốc vào hệ thống bệnh viện công lập chịu sự điều chỉnh của ‘rừng luật’, bao gồm : Thông tư 03/2019/TT-BYT, Thông tư 15/2019/TT-BYT, Thông tư 11/2016/TT-BYT, Thông tư 58/2016/TT-BTC, Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT, Nghị định 32/2019/NĐ-CP, Nghị định 155/2018/NĐ-CP, Nghị định 63/2014/NĐ-CP, Quyết định 08/2016/QĐ-TTg,…

Có lẽ nếu muốn sửa tận gốc, cần xem lại kỷ năng quản trị quốc gia của Đảng – Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 25/09/2019

Published in Diễn đàn