Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lào đang xúc tiến việc xây dựng con đập thứ ba trên dòng chính sông Mekong là đập Pak Beng, tiếp theo hai con đập gây tranh cãi đang được xây dựng của Lào là Xayaburi và Don Sahong cũng trên dòng chính của sông Mekong.

lao0

Đập thủy điện Lào đe dọa nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Giới chuyên gia quốc tế và trong nước cho rằng các con đập của Lào kết hợp với những con đập đã được xây trước đó từ thượng nguồn sông bên Trung Quốc đang và sẽ có tác động tiêu cực lớn lên nông nghiệp và đánh bắt cá ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước hạ nguồn sông.

Chỉ hai tháng sau khi Lào chính thức thông báo lên Ủy Hội Sông Mekong (MRC-Mekong River Commission) vào tháng 11 năm ngoái về dự kiến xây dựng đập thủy điện Pak Beng trên dòng chính sông, vào hồi giữa tháng 1 vừa qua, MRC cho biết đã chọn ngày 20 tháng 12 năm 2016 là ngày đầu tiên cho quá trình tham vấn chính thức toàn vùng về đập Pak Beng. Đây là bước đi khiến các chuyên gia quốc tế quan ngại vì cho rằng việc xúc tiến xây dựng đập quá nhanh trong khi các bên liên quan vẫn chưa nhận đủ thông tin về dự án cũng như những đánh giá ảnh hưởng về môi trường của dự án lên dòng sông.

Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của thủy điện dòng chính sông Mekong đưa ra vào hồi năm 2010 của MRC kết luận nếu tất cả các con đập dự kiến được xây dựng trên trong chính sông Mekong được thực hiện thì các dự án này đóng góp khoảng 8% năng lượng cho toàn vùng nhưng làm tổn thất các ngành thủy sản và nông nghiệp 500 triệu đô la một năm, hơn 100 loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Ảnh hưởng lên nông nghiệp và thủy sản

lao1

Vận chuyển lúa gạo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, đoạn ngang Cần Thơ hôm 10/12/2014. AFP photo

Theo MRC, các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia đã quy hoạch trên 20 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Trung Quốc đã triển khai xây 8 đập ở thượng nguồn. Các nước Lào, Campuchia có kế hoạch xây 11 đập ở hạ nguồn.

Bà Maureen Harris, Giám đốc chương trình khu vực Đông Nam Á của tổ chức International Rivers, nhận định :

Các con đập này sẽ làm giảm lượng phù sa của sông và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự màu mỡ của đất, ảnh hưởng đến nông nghiệp dọc dòng sông và sẽ có ảnh hưởng rất lớn lên nông nghiệp của Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Me Kong.

International Rivers là một tổ chức phi chính phủ chuyên lên tiếng về môi trường các dòng sông ở nhiều nước trên thế giới.

Theo tiến sĩ Dương Văn Ni thuộc trường đại học Cần Thơ, người đã có nhiều năm nghiên cứu về tác động môi trường của các đập thủy điện và biến đổi khí hậu lên vùng đồng bằng sông Cửu Long, các đập thủy điện của Trung Quốc, Lào, và Campuchia làm giảm lượng phù sa thô và phù sa mịn bù đắp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

THAILAND-SEASIA-ENVIRONMENT-DAM

Ngư dân gỡ cá đánh bắt được trên sông Mekong, khu vực Lào hôm 29/5/2013. AFP photo

Nếu đúng kế hoạch Lào tiếp tục 11 đập ở Lào và cả ở Campuchia thì có thể nói chắc chắn là lượng cát thô nằm trong phù sa sẽ không còn về đồng bằng sông Cửu Long nữa. Kéo dài thêm là các loại cát mịn cũng bị ảnh hưởng. Bây giờ đã bị ảnh hưởng lượng cát thô rồi nhưng nếu 11 đập đó xây nữa thì kể cả cát mịn cũng bị ảnh hưởng…

Hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long các công trình làm đường làm lộ, làm nền nhà thì cát mịn là vật liệu người ta san lấp mặt bằng, tôn tạo nền lộ. Nếu các đập thủy điện ở Lào và Campuchia xây dựng nữa thì lượng cát mịn còn giảm sâu hơn nữa.

Theo đánh giá của tiến sĩ Dương Văn Ni lượng cát thô hay còn gọi là phù sa thô ở đồng bằng sông Cửu Long vốn có tác dụng làm ổn định nền đáy sông, hạn chế xói lở trên đất liền, đã giảm đáng kể trong khoảng 8 năm trở lại đây. Ông ước tính khoảng 50% lượng cát thô đã mất đi từ phía các đập thủy điện ở thượng nguồn bên Trung Quốc sang đến đất Lào.

Đánh giá về tác động của phù sa mịn mất đi đối với nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiến sĩ Dương Văn Ni cho biết :

Có hai ảnh hưởng, thứ nhất là các đập làm giảm dòng chảy, các phù sa này bị lắng và không đi về được phía dưới đồng bằng sông Cửu Long. Thứ hai quá trình này cũng khá nguy hiểm là phần lớn đất đồng bằng sông Cửu Long là đất phèn, nếu thiếu một lượng phù sa bồi đắp, khi đất bị trơ ra hay khai thác, tức bị oxy hóa thì phèn nó xì ra, làm cho các phù sa này lắng đọng, làm mất khả năng phù sa tràn lên trên đồng bồi bổ đồng ruộng. Cộng thêm chuyện nữa là khi nước về ít đi thì các công trình tại chỗ, đê bao chẳng hạn càng làm cho phù sa lên đồng càng khó khăn hơn, cho nên lượng phù sa dinh dưỡng lên đồng giảm sút rất nghiêm trọng.

Hiện tại Lào đã cho tiến hành xây dựng hai đập Xayaburi và Don Sahong. International Rivers đánh giá khoảng 75% đập Xayaburi đã hoàn tất. Mặc dù hai đập chưa hoàn tất, nhưng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chịu những tác hại về mặt thủy sản theo đánh giá của tiến sĩ Dương Văn Ni :

Về các đập trên Lào đang khởi động xây dựng, hiện tại tác động đầu tiên là làm xáo trộn dòng sông, nó làm tăng độ đục của dòng nước, một số loài cá di cư, đặc biệt cá di cư từ biển Hồ lên hạ Lào giảm đáng kể. Quá trình xây dựng tạo độ đục trên dòng sông nên những vùng hố sâu chẳng hạn là chỗ đẻ cho nhiều loài cá vào mùa khô bị mất đi những chỗ đẻ đó thì trong năm 2015 và 2016, các chỗ chúng tôi quan sát thì các loài cá di cư giảm đáng kể khi về đồng bằng sông Cửu Long.

MRC đã quá vội vã

Bất chấp những lo ngại này, Lào vẫn đang xúc tiến chuẩn bị việc xây dựng đập Pak Beng ở miền Bắc Lào với dự đính bán đến 90% điện sản xuất từ đập thủy điện sang Thái Lan.

Ngày 16 tháng 1, tổ chức International Rivers, ra thông cáo bày tỏ thất vọng trước tuyên bố mới của MRC về quá trình tham vấn đối với đập Pak Beng vì cho rằng MRC đã quá vội vã với con đập mới trong khi những vấn đề được nêu ra với hai con đập trước của Lào là Xayaburi và Don Sahong vẫn chưa được nhìn nhận đầy đủ.

MRC là tổ chức bao gồm sự tham gia của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Các nước này đã ký thỏa thuận sông Mekong vào năm 1995 theo đó các nước có liên quan được quyền đưa ý kiến về các dự án trong quá trình tiền tham vấn làm cơ sở cho việc ra quyết định sau cùng. Theo International Rivers, Lào đã không thực hiện tốt cam kết của mình khi tiến hành xây dựng hai đập Xayaburi và Don Sahong khi chưa có sự đồng thuận từ các nước. Bà Maureen Harris tỏ ra bi quan trước những cam kết mà Lào sẽ thực hiện với đập Pak Beng dựa trên những gì mà Lào đã và đang làm với các đập hiện tại.

Về cam kết của Lào trong quá trình tiền tư vấn đối với đập mới Pak Beng, chúng tôi dựa vào những gì đã thấy qua hai con đập trước mà Lào đã làm và cho đến giờ thì chúng tôi không thấy có dấu hiệu rõ ràng nào là Lào đã có những thay đổi đáng kể hay cải thiện có ý nghĩa nào trong quá trình lần này.

Đối với hai con đập trước là Xayaburi và Don Sahong, các nước trong khu vực đã nêu ra những quan ngại sâu sắc về cả hai dự án và đưa ra những đề nghị cụ thể như thêm các thông tin cơ sở về đánh giá những ảnh hưởng xuyên biên giới và họ cũng yêu cầu kéo dài thời gian quá trình tiền tư vấn để có thêm thông tin về ảnh hưởng lên các nước. Nhưng những lo ngại này chưa bao giờ được đề cập trong quá trình tiền tư vấn.

Trả lời báo Người Đô Thị hôm 22 tháng 2 vừa qua, ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban Thư ký của MRC cho rằng Lào đã lắng nghe những ý kiến quan ngại và đã có thay đổi trong thiết kế với hai con đập Xayaburi và Don Sahong, tạo điều kiện cho sự di chuyển của cá, cải thiện phù sa. Ông Phan cũng cho rằng đập Xayaburi có thể được coi như một đập kiểu mẫu cho tất cả các đập trên dòng chính sông Mekong. Bà Maureen Harris bày tỏ sự nghi ngờ về nhận định này.

Nói rằng đập Xayaburi có thể là kiểu mẫu thì rất đáng ngại đối với chúng tôi vì chúng tôi thấy những gì đã diễn ra trong quá trình xem xét đập là những quan ngại lớn từ các nước và tổ chức có liên quan nhưng những quan ngại này đã không được nhìn nhận một cách minh bạch. Cuối cùng thì chính phủ Lào và nhà đầu tư có thông báo là sẽ có thêm đầu tư để làm giảm ảnh hưởng của đập nhưng từ lâu rồi chúng tôi thấy là vẫn không có sự rõ ràng về thiết kế bổ sung và họ cũng không cung cấp các văn bản về những thay đổi thiết kế này.

Toàn bộ thiết kế của đập bao gồm những thay đổi vẫn chưa được công bố rộng rãi cho công chúng và không được đánh giá độc lập để biết được là những thay đổi này có hiệu quả thế nào trong việc làm giảm tác động của đập lên dòng sông.

Từ năm 2010 các chuyên gia quốc tế đã kêu gọi các nước nên ngưng việc xây dựng toàn bộ các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong trong 10 năm cho đến khi có thêm những nghiên cứu tổng thể về ảnh hưởng của các đập thủy điện lên dòng sông.

Tuy nhiên kiến nghị này đã không được thực hiện khi Lào đã cho tiến hành xây dựng hai đập và đang chuẩn bị cho đập thủy điện tiếp theo. International Rivers quan ngại quá trình phê duyệt từng đập thủy điện của MRC hiện tại quá nhanh và chưa đủ tính minh bạch. Chuyên gia Maureen Harris cho rằng ảnh hưởng của từng đập là nhỏ nhưng với đà phê duyệt như hiện nay, khi một loạt các đập được xây dựng, hậu quả về lâu dài lên dòng sông sẽ lớn hơn rất nhiều.

Việt Hà, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 23/03/2017

Additional Info

  • Author Việt Hà
Published in Diễn đàn