Phần 1
Phá 15.000 tỷ đồng = án treo !
Khi Đặng Thanh Bình - quan chức cựu phó thống đốc Ngân hàng nhà nước - không giấu được cái nhếch môi mãn nguyện lúc được Tòa án cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi hình phạt tù 3 năm sang 3 năm tù treo với lý do 'cao tuổi' vào ngày 5/12/2018, mạng xã hội đã sôi sục phản ứng : không thể nói gì hơn về một bản án bất công ghê gớm trong một 'nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa' khi kẻ gây thiệt hại đến 15.000 tỷ đồng thì được hưởng án treo, còn những đứa trẻ tuổi vị thành niên chỉ vì ăn cắp vào ổ bánh mì thì lại bị một chế độ - bị nhiều người dân tố cáo 'có một rừng luật nhưng chỉ tồn tại luật rừng' - giáng xuống đầu hàng chục năm tù giam.
Ông Đặng Thanh Bình nghe tuyên án chiều 2/7/2018. (Ảnh chụp màn hình từ Tuổi Trẻ)
Ngay cả một tờ báo nhà nước là Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải rút tít 'Tòa sai khi cho cựu phó thống đốc hưởng án treo' khi Hội đồng xét xử (Hội đồng xét xử) 'vận dụng' Luật Người cao tuổi.
Theo mổ xẻ của Luật sư Trịnh Văn Hiệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam, điều kiện cho người bị kết án phạt tù, được hưởng án treo được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm, phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo hướng dẫn này thì tình tiết người cao tuổi không phải là cơ sở xem xét cho hưởng án treo…
Luật Người cao tuổi cũng không có quy định nào nói về việc người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) sẽ được ưu tiên hưởng án treo. Trong khi điểm o khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự quy định : Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên và được coi là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… Hội đồng xét xử có quyền cho các bị cáo hưởng án treo nhưng phải dựa vào các quy định của Bộ luật hình sự, việc tòa vận dụng thêm Luật Người cao tuổi để cho hưởng án treo là sai.
Trước đó, phiên tòa xử sai phạm của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước do Đặng Thanh Bình phụ trách (đặt tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, sau là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam VNCB) dù liên đới mật thiết đến sai phạm của Phạm Công Danh của Ngân hàng Xây Dựng mà Danh đã phải nhận án tù giam vài chục năm trời, nhưng ngay cả bản án sơ thẩm 3 năm tù giam đối với Đặng Thanh Bình vẫn là quá nhẹ so với tội trạng mà quan chức này đã tàn phá trên quê hương của y.
Đặng Thanh Bình được thế lực nào bảo kê ?
Bản án mà về thực chất là 'trả tự do ngay tại tòa' cho Đặng Thanh Bình xảy ra trong bối cảnh chiến dịch 'đốt lò' của quan chức vừa trở thành chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng - đang một lần nữa được tuyên rao 'chống tham nhũng không có vùng cấm'. Theo đó trong năm 2018, khá nhiều quan chức như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ 'Nhôm', Út 'Trọc', Phạm Công Danh, Trầm Bê, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa… đã phải nhận án từ 'vừa nặng' đến' mút mùa'.
Bản án với lý do giảm nhẹ hiếm có 'cao tuổi' đối với Đặng Thanh Bình xảy ra trong bối cảnh tại phiên tòa này, đại diện Ngân hàng nhà nước 'nêu ý kiến đề nghị không xử lý hình sự nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình'.
Nhưng trong thực tế pháp đình ở Việt Nam, không thể xảy ra một nghịch lý theo kiểu Đặng Thanh Bình, nếu không có một sự bảo kê đủ mạnh, nếu không muốn nói là một lực bảo kê từ những cấp rất cao mà có thể chi phối và thậm chí thao túng cả các cơ quan tư pháp như viện kiểm sát và tòa án trung ương.
Thế lực nào và những quan chức cao cấp đã bảo kê cho Đặng Thanh Bình ?
Thế lực đó có móc xích gì với 'đại diện Ngân hàng nhà nước nêu ý kiến đề nghị không xử lý hình sự nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình " ?
Lê Minh Hưng - con trai của cựu bộ trưởng công an Lê Minh Hương, đương kim thống đốc Ngân hàng nhà nước và là quan chức chưa bao giờ dám thừa nhận về những sai phạm tày đình của hoạt động giám sát các tổ chức tín dụng dưới thời Đặng Thanh Bình - có phải là cái tên cần được gạch đậm bên dưới về những dấu hiệu bảo kê lộ liễu trên ?
Nhưng trên tất cả, dư luận xã hội đang dồn nghi ngờ vào Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương của 'Tổng chủ' Nguyễn Phú Trọng. Phải chăng ông Trọng thể hiện mối ưu ái 'phe ta' đối với Đặng Thanh Bình ?
Hay còn một cái bóng khác đang thấp thoáng sau tấm màn chính trị và cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xử Đặng Thanh Bình : Nguyễn Văn Bình - cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước, đang nghiễm nhiên là ủy viên bộ chính trị kiêm trưởng ban Kinh tế trung ương ?
'Tổ hợp' Nguyễn Văn Bình - Đặng Thanh Bình
Vào tháng Tám năm 2017, có một hiện tượng đáng chú ý và cần mổ xẻ trong đời sống chính trị và "chống tham nhũng" bất thần sôi sục ở Việt Nam : trùng với thời điểm đại gia Trầm Bê - nhân vật được dư luận đặt cho biệt hiệu "tay hòm chìa khóa" của Nguyễn Tấn Dũng thời ông Dũng còn là thủ tướng - bị Bộ Công an bắt vào đầu tháng Tám ấy, một số tờ báo nhà nước, trong đó đặc biệt là những "mũi xung kích" Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tổ Quốc… đã đặt thẳng vấn đề trách nhiệm của cơ quan Ngân hàng nhà nước trong mối liên quan mật thiết với các đại án ngân hàng như Ngân hàng Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước mỗi năm tiến hành hàng ngàn cuộc thanh tra lớn, bé và có quyền chủ động công bố về sai phạm liên quan của các ngân hàng, các cá nhân liên quan. Cơ quan này được phụ trách bởi một chánh thanh tra được xem là "người của Thống đốc Bình". Thế nhưng từ sau vụ Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) - một đại gia ngân hàng - bị công an bắt giam vào năm 2012, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước đã không phát hiện hay xử phạt được vụ việc thất thoát lớn nào tại Ngân hàng Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu - những ngân hàng mà vào năm 2015 Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo "mua lại với giá 0 đồng", nhưng bị rất nhiều dư luận nghi ngờ rằng ông Bình đã tìm cách rút rỉa một số tiền lớn của ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân, để cứu 3 ngân hàng sắp sụp đổ này.
Mặc dù dư luận nghi ngờ trên đã lan cả vào kiến nghị của một số đại biểu quốc hội từ năm 2015, nhưng cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ giải đáp minh bạch nào từ phía Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.
Nếu chỉ riêng đại án Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây dựng đã "nuốt " đến hơn 6 ngàn tỷ đồng, có thể mường tượng con số mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình dùng để "mua lại với giá 0 đồng" của 3 ngân hàng đại án có thể lên đến vài chục ngàn tỷ đồng. Và nếu trò ma quái này được chứng minh là có thật thì sau Thống đốc Bình, nhân vật mà nay là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đương nhiên phải chịu trách nhiệm vì khi đó đã chưa hề có ý định 'trở về làm người tử tế'.
Chỉ đến phiên tòa xét xử cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào đầu năm 2018, lần đầu tiên một con số mà Ngân hàng nhà nước đã dùng để 'mua giá 0 đồng' trong chiến dịch cứu vãn 3 ngân hàng trên mới được ông Thăng khai ra : khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng đây là chỉ là một phần chứ không phải tất cả số tiền dùng để 'mua giá 0 đồng'. Tuy nhiên từ khi lời khai đó hiện ra cho đến nay, giới quan chức Ngân hàng nhà nước và cá nhân cựu thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn câm như hến.
Nguyễn Văn Bình lại được xem là "cánh tay mặt " của Nguyễn Tấn Dũng thời còn là thủ tướng. Ông Bình còn kinh hoàng hơn hẳn Trầm Bê về "thành tích " thao túng thị trường tín dụng, tiền tệ, vàng và các phi vụ thâu tóm ngân hàng.
******************
Phần 2
'Hồ sơ X'
Vào khoảng thời gian năm 2015 và trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, đã có nhiều tin tức không chính thức cho biết Nguyễn Văn Bình bị điều tra và sẽ phải rời khỏi chức vụ thống đốc Ngân hàng nhà nước, kể cả triển vọng có thể bị pháp luật sờ gáy. Trùng với thời gian này, Nguyễn Văn Bình bỗng dưng… biến mất. Người ta không còn thấy nhân vật này xuất hiện khá dày đặc như trước đó trong các cuộc họp, hội thảo được công khai của Ngân hàng nhà nước và ở các bộ ngành và địa phương. Những phương án nhân sự 'bê xê tê' cho đại hội 12 được tiết lộ cũng hầu như không đả động gì đến cái tên Nguyễn Văn Bình.
Ông Đặng Thanh Bình, từng là phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nghỉ hưu năm 2015.
Thế nhưng tại đại hội 12, một sự lộn ngược đã tạo ra cái hố khác biệt ghê gớm đến mức khó tưởng tượng giữa Nguyễn Văn Bình và 'ông chủ' Nguyễn Tấn Dũng : trong khi 'đồng chí X' như từ trên trời rơi xuống khi phải ngậm ngùi 'trở về làm người tử tế', thì 'Bình Ruồi' - cái tên mà dân gian đặt cho viên thống đốc mắn số kia, quả thực đã rời nhiệm sở Ngân hàng nhà nước nhưng không phải theo chân chủ cũ về vườn, mà được 'đá lên' tận Bộ Chính trị. Lý giải về hiện tượng chính trị kỳ lạ và ngược đời này, một số dư luận cho rằng chỉ bằng cung cách 'trở cờ' vào trước đại hội 12 và có lẽ đã phải dâng hiến cho Nguyễn Phú Trọng một 'hồ sơ X' nào đó - gồm nhiều tài liệu đắt giá về hoạt động tài chính bí mật của giới tài phiệt ngân hàng và quan chức chính phủ, Nguyễn Văn Bình mới thoát khỏi 'án tử' để được 'bế' vào cái ghế trưởng ban kinh tế trung ương, cho dù đây chỉ là một chức vụ vô thực quyền và nói chung là vô thưởng vô phạt, hoặc theo cách nói sính dùng thời đó của Tổng bí thư Trọng là 'nhốt quyền lực vào lồng'.
'Hồ sơ X' trên, nếu quả có tồn tại và xứng đáng như một trong những 'bí mật nhà nước' lớn nhất trong nền chính trị Việt Nam đương đại, ắt phải chứa đựng nhiều chi tiết và giá trị đến mức đủ cho Nguyễn Phú Trọng có cơ sở chỉ đạo bắt một người thân của Nguyễn Tấn Dũng là đại gia ngân hàng Trầm Bê vào tháng Tám năm 2017, cùng một kẻ được cho là tay hòa chìa khóa của gia đình Nguyễn Tấn Dũng là Trần Bắc Hà hơn một năm sau đó. Nếu không muốn nói là bộ hồ sơ này còn là cái chìa khóa mở tung cánh cửa vào thẳng tổ hợp tài chính Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng - con gái Nguyễn Tấn Dũng, thậm chí đến cả 'gót chân Asin' của Nguyễn Tấn Dũng.
Hẳn là mối quan hệ mật thiết đến mức hữu cơ giữa Nguyễn Văn Bình và Đặng Thanh Bình có thể là cơ sở để Nguyễn Phú Trọng 'vẫn có vùng cấm' trong sự nghiệp được hô hào là 'chống tham nhũng' của ông ta.
Bởi một sự thật đơn giản là nếu xử nghiêm theo nguyên tắc 'đúng người đúng tội' đối với Đặng Thanh Bình, đương kim ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình cũng không thể thoát vòng lao lý.
Nếu đúng vậy, một lần nữa ông Trọng lại chỉ 'chống tham nhũng một bên' hay chỉ chăm chăm đốt 'củi rừng' chứ không phải 'củi nhà'.
Dấu hỏi lớn về Nguyễn Phú Trọng
Cho tới nay, bất chấp chiến dịch tấn công "đốt lò" thậm chí đã được cả quốc tế biết đến, người ta vẫn tự hỏi liệu Nguyễn Phú Trọng có "chống tham nhũng công bằng," hoặc phải "chống tham nhũng cả phe ta" như người dân mong mỏi và đòi hỏi hay sẽ không bao giờ ? Hay ông Trọng chỉ "chống tham nhũng một bên" nhằm thanh trừng nhân sự và thu hồi một phần tài sản tham nhũng nhằm kéo được ngày nào hay ngày nấy chế độ độc đảng của ông ta ?
Bởi tới nay vẫn có quá ít ví dụ để có thể chứng minh cho việc ông Trọng "chống tham nhũng cả phe ta."
Cho tới giờ này vẫn còn sờ sờ ra đó những Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng y tế liên đới trách nhiệm vụ nhập thuốc ung thư giả ; Võ Kim Cự, cựu bí thư Hà Tĩnh bị xem là tội đồ tiếp tay cho thảm họa môi trường Formosa ; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng tài nguyên môi trường liên đới trách nhiệm vụ thảm họa xả thải của Formosa ; Trịnh Văn Chiến - Bí thư Thanh Hóa bị quá nhiều dư luận về tài sản, làm ăn riêng và bồ bịch ; một bộ trưởng giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ với thành tích điều hành dưới cả mức tệ hại nhưng vẫn không bị cách chức, cùng hàng lô hàng lốc quan chức đầu tỉnh thành bị dư luận xem là "cánh hẩu" với những quan chức cận thần ở các ban đảng của Nguyễn Phú Trọng.
Bất chấp vụ "trảm" Đinh La Thăng và xử đường dây bảo kê đánh bạc công nghệ cao ở Bộ Công an đã phần nào gây được tiếng vang trong công luận, lôi kéo được sự ủng hộ của một số người dân và khiến nhiều người thỏa mãn tâm lý "cuối cùng thì cũng có thằng phải dựa cột," vẫn còn nhiều dư luận chê trách Nguyễn Phú Trọng về thái độ nể nang và thỏa hiệp của ông ta đối với giới quan chức "phe ta."
Một trong những dẫn chứng mang tính bằng chứng được dư luận trưng ra là vào cuối năm 2017, Thứ trưởng công an Lê Quý Vương đã nói thẳng với báo chí là "chống tham nhũng thời kỳ trước" - mà được dư luận hiểu là chiến dịch "đốt lò" của Nguyễn Phú Trọng chỉ nhắm vào "thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng" mà không phải là "thời kỳ này." Thêm một lần nữa, ông Trọng mất điểm trong con mắt đánh giá khách quan và công tâm của người dân.
Sau dẫn chứng trên còn lộ ra một bằng chứng sống động hơn nhiều : vào năm 2018, Trương Minh Tuấn - quan chức phải miễn cưỡng rời khỏi cái ghế bộ trưởng thông tin và truyền thông béo bở - được ông Trọng gấp rút và đặc cách chỉ định ngồi vào ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi âm mưu ăn cắp tiền gần 9 ngàn tỷ đồng từ phi vụ 'MobiFone mua AVG' còn chưa hoàn tất cái bi kịch lịch sử của nó.
Tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh La Thăng, dù Trương Minh Tuấn 'ứng' với Đinh La Thăng bởi tính chất 'rất nghiêm trọng' trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đó là nguồn cơn vì sao mà sau hai năm rưỡi phát động cuộc chiến 'chống tham nhũng', Nguyễn Phú Trọng vẫn bị những cựu thần và tướng lĩnh lão thành - giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến - chỉ trích nặng nề vì đã không xử nghiêm Trương Minh Tuấn và những quan chức khác thuộc 'phe đảng' để cân xứng và công bằng với các vụ xử 'phe Nguyễn Tấn Dũng'.
Scandal cựu phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình dù dính đậm trách nhiệm hình sự vụ làm thiệt hại đến 15.000 tỷ đồng nhưng vẫn được 'trả tự do ngay tại tòa' đã thêm một lần nữa, trong nhiều lần, khiến bùng lên làn sóng nghi ngờ về thái độ thiếu công tâm, hoặc còn lâu mới được xem là công bằng, của Nguyễn Phú Trọng trong công tác 'chỉ đạo án'. Ngay từ trước khi ông Trọng còn chưa là 'tổng chủ', có ít nhất hai cơ quan viện kiểm sát trung ương và tòa án trung ương đã răm rắp làm theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương. Còn khi đã làm 'vua' từ tháng 10 năm 2018, Nguyễn Phú Trọng không thể không biết và không thể không liên đới trách nhiệm về chỉ đạo án và cú trả tự do bất chấp pháp luật cho Đặng Thanh Bình.
Làn sóng chỉ trích trên, dù vẫn trong giai đoạn mang tính nội bộ mà chưa đi vào thời kỳ được công bố trên báo chí, đã và sẽ khiến 'uy tín' của Nguyễn Phú Trọng bị lao dốc không ít, chưa kể ước mơ tái hiện hình ảnh cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với 'Đổi Mới' ba chục năm về trước và 'lưu truyền sử xanh' của ông Trọng trong tương lai rất có thể sẽ tan vỡ như bong bóng xà phòng trong khi lịch sử vẫn còn đang ngái ngủ.
Một điểm tương hợp đáng chú ý : thông tin ngày 22/3/2018 về vụ cựu phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình bị truy tố xảy ra đồng thời với phiên tòa xử cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng về vụ "800 tỷ", trong đó nổi bật nội dung tranh cãi về vụ Ngân hàng nhà nước đã mua Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) với giá 0 đồng.
Ông Đặng Thanh Bình. Ảnh: Vneconomy.
Khác nhiều với sự cam chịu cùng nước mắt trong phiên tòa đầu tiên bị xử vào tháng Hai năm 2018, tại phiên tòa này ông Đinh La Thăng dường như chọn cho mình thái độ tung hê những ẩn khuất trong nội bộ công tác điều hành khi một lần nữa phải đối mặt với tội danh "cố ý làm trái" với mức án do Viện Kiểm sát tối cao giáng xuống là 18 – 19 năm tù, đẩy ông Thăng phải chịu nguy cơ nhận đến 30 năm tù cộng cả hai lần bị xét xử.
Phản bác đáng mổ xẻ của Đinh La Thăng là nếu thủ tướng và phó thủ tướng cho phép thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN (thời ông Thăng còn là chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn này) tại Ngân hàng Đại Dương, thì số tiền 800 tỷ đồng đã không mất trắng.
Dù từng được xem là một "cận thần" của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, Đinh La Thăng đã chọn cách khai báo trách nhiệm về "người tử tế" này.
Còn "phó thủ tướng" mà ông Thăng khai có thể là Vũ Văn Ninh hoặc Nguyễn Xuân Phúc dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Dấu hỏi bật ra là nếu đúng như lời khai của Đinh La Thăng, tại sao Nguyễn Tấn Dũng và "phó thủ tướng" đã không muốn PVN thoái vốn khỏi Ngân hàng Đại Dương, dù biết ngân hàng này đã âm vốn và tình hình tài chính rất xấu ?
Dù chưa biết Nguyễn Tấn Dũng và "phó thủ tướng" dính đến mức độ nào trong vụ "800 tỷ", nhưng một sự thật không thể chối bỏ là Ngân hàng nhà nước đã quyết định mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng – Ngân hàng Xây Dựng, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu và Ngân hàng Đại Dương.
Vào năm 2015, theo những tin tức đã từng được coi là "tuyệt mật" nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng.
Nhân vật quyết định mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng chính là Nguyễn Văn Bình – thống đốc Ngân hàng nhà nước vào thời gian đó.
Việc Ngân hàng nhà nước quyết định mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng đã khiến nảy sinh mối nghi ngờ rất lớn về những quan hệ đen tối nào đó giữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình với các ngân hàng được không cho phá sản, để sau này nhiều người lại muốn "hồi tố" về động cơ thật sự của ông Nguyễn Văn Bình, đặc biệt việc ông Bình luôn vận động và rất có thể đã dùng tiền ngân sách để "xử lý" các ngân hàng đã rơi vào tầm phá sản.
Từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền cho tới nay, bất chấp nhiều dư luận và cả đại biểu quốc hội nêu nghi vấn về việc Ngân hàng nhà nước lấy đâu ra tiền để mua 3 ngân hàng trên, vẫn không hề có câu trả lời từ phía Ngân hàng nhà nước và Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình. Tất cả đề "trốn biệt".
Kết nối với lời khai của Đinh La Thăng trong phiên tòa "800 tỷ" đang diễn ra, rất có khả năng chính Nguyễn Văn Bình đã tham mưu cho Vũ Văn Ninh và Nguyễn Tấn Dũng để không cho PVN thoái vốn khỏi Ngân hàng Đại Dương, dẫn đến hậu quả 800 tỷ đồng của PVN gửi vào ngân hàng này đã "biến sạch".
Lại có một mối liên đới được xem là mật thiết giữa Nguyễn Văn Bình và Đinh La Thăng. Vào thời Nguyễn Tấn Dũng còn tại vị thủ tướng mà chưa bị hề hấn gì, Thăng và Bình là những bộ trưởng và hàm tương đương bộ trưởng đầy quyền thế và cũng không kém dư luận đàm tiếu, đặc biệt là dư luận về "trùm tài phiệt Bình Ruồi".
Cựu phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình lại được dư luận xem là một thủ hạ đắc lực của "Bình Ruồi".
Vào tháng Chín năm 2017, Đặng Thanh Bình dù đã hưu nhưng vẫn bị Bộ Công an khởi tố. Tuy nhiên, quá trình điều tra ông bình có vẻ kéo dài quá lâu, để cho đến nay mới có quyết định truy tố.
Đặng Thanh Bình là quan chức cao cấp đầu tiên của Ngân hàng nhà nước bị Nguyễn Phú Trọng "sờ gáy", cho thấy "lò" của ông Trọng bắt đầu cháy lan đến cơ quan này.
Liệu vụ truy tố Đặng Thanh Bình có dẫn tới ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình, để cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước này sẽ phải nhận một cái "án" nào đó ?
Một hiện tương lạ là trong thời gian từ tháng 9/2017 đến nay, đặc biệt vào thời gian Đinh La Thăng – cấp phó của Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình – bị khởi tố và tống giam, ông Bình vẫn bình yên và còn đi công du một số nước.
Nhưng từ trước tết nguyên đán 2018, đã xuất hiện đồn đoán về khả năng Nguyễn Văn Bình có thể bị tống vào "lò" sau tết, để ông Bình có khả năng bị loại khỏi Bộ Chính trị tại Hội nghị trung ương 7 – dự kiến diễn ra vào tháng Năm năm 2018 hoặc sớm hơn.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 23/03/2018