Cựu bộ trưởng bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án dựa cột. Tiêm thuốc một thượng thư tham nhũng triệu đô, phá hoại quốc khố gần vạn tỷ là đương nhiên không còn gì để bàn cãi. Có bàn cãi hay không là chuyện tòa tuyên án tử hình anh Đặng Văn Hiến, một nông dân sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình để tiêu diệt bọn cướp đất của anh.
Nguyễn Bắc Son, cựu bộ trưởng bộ Thông tin và truyền thông tham nhũng triệu đô - Đặng Văn Hiến, một nông dân sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình để tiêu diệt bọn cướp đất
Nếu chiếu theo án lệ vụ án Đồng Nộc Nạng thời thực dân Pháp, người nông dân Việt Nam lúc ấy cũng dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để giết chết nhiều tên cướp đất, bao gồm cả lính Pháp. Nhưng tòa án thực dân Pháp thay vì bênh vực người Pháp, họ đã xử theo đúng công lý, biện giải rằng nếu bọn cướp đất không đến cướp đất của nông dân thì có cho vàng người nông dân cũng không giết người. Vì lẽ đó tòa án Pháp phán quyết người nông dân Việt Nam sử dụng quyền tự vệ chính đáng để giết chết bọn cướp đất nên không có tội và được thả tự do ngay tại tòa.
Vậy lẽ nào pháp luật Việt Nam không bằng pháp luật của bọn xâm lược Pháp ? Người đáng bị truy tố là thằng chủ doanh nghiệp chủ mưu cướp đất của anh Hiến thì lại vô can, người tự vệ chính đáng thì bị tử hình. Vậy đã đến lúc nhà nước phải xem xét lại, đừng để pháp luật của một chế độ được tự hào là văn minh nhất lại không công bằng bằng pháp luật của một chế độ thực dân cướp nước.
Nhà nước nên thả tự do cho anh Đặng Văn Hiến để chứng minh nhà nước xã hội chủ nghĩa công bằng và văn minh hơn nhà nước xâm lược Pháp. Thả tự do cho anh Hiến còn là nguyện vọng của nhân dân (nếu nghi ngờ có thể trưng cầu dân ý để biết gần như tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam đồng tình thả tự do cho anh Hiến). Pháp luật là để phục vụ nhân dân nên nhà nước phải lắng nghe nguyện vọng của nhân dân. Thả tự do cho anh Hiến thì bản án tử hình cho cựu bộ trưởng bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son mới có ý nghĩa. Bởi nếu tên tham nhũng triệu đô, tàn phá gần vạn tỷ quốc khố mà đồng án tử với người nông dân giết bọn cướp đất của mình, thì chẳng ra làm sao cả, tội của Nguyễn Bắc Son sẽ trở nên quá nhẹ, phải xử hắn tội tru di mới may ra…
Vị quan tòa xử vụ Nguyễn Bắc Son lên lớp bị can Son là ngẫu hứng thái quá, không nên chút nào. Bởi khi nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để xét xử thì phải bảo đảm tính khách quan, đánh giá trên cơ sở chứng cứ chứ không phải cảm tính, tòa án không cần lên lớp, chỉ cần phân xử và tuyên án công bằng theo đúng những quy định của Pháp luật đã là một sự giáo dục tốt nhất rồi. Bởi khi chưa tuyên án thì bị can chưa phải là tội phạm nên phải được đối xử chừng mực chứ không dùng cảm tính chì chiết theo kiểu bỏ xó chó chê, không nên giành quyền công tố của Viện Kiểm sát hay giành quyền biện hộ của luật sư, mà phải lắng nghe luật sư và viện công tố tranh tụng để tìm ra sự thật cho những phán quyết công tâm của mình.
Công bằng mà nói, không ai mà không căm ghét bọn đại quan tham nhũng cấu kết lợi ích nhóm với tên tư bản Phạm Nhật Vũ để ăn cắp gần vạn tỷ tiền thuế của nhân dân, muốn tử hình tất cả bọn chúng cho hả giận. Song, là một xã hội văn minh không có chỗ cho sự đấu tố cảm tính, rừng rú, phải xét xử công bằng trước tòa án là hoàn toàn đúng đắn. Và khi xét xử trước tòa thì căn cứ vào hành vi phạm pháp với những chứng cứ cụ thể chứ không suy diễn theo hướng có tội. Tỉ như việc dùng cảm tính để làm nhẹ tội cho tên đầu sỏ nguy hiểm nhất cho xã hội là Phạm Nhật Vũ là không thể chấp nhận được. Bởi làm băng hoại xã hội kinh khủng nhất hiện nay là bọn tư bản lợi ích nhóm hối lộ các đại quan để thao túng nhà nước gây bất công, bất ổn và bất bình nhất cho xã hội nên cần phải nghiêm trị theo hướng gia trọng chứ không phải giảm khinh vô lý mà bị can Phạm Nhật Vũ được hưởng một cách khó hiểu. NR không rõ cựu bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nhận hối lộ 200.000 USD, tương đương hơn 4,6 tỷ Việt Nam đồng, đã đủ khung dựa cột hay chưa mà công tố mức án không cao ?
Mà thôi, NR chỉ chạnh lòng nghĩ đến thân phận bọt bèo của anh Đặng Văn Hiến, vì mãnh đất của anh lọt vào lòng tham của bọn tư bản lợi ích nhóm, đẩy anh vào án tử hình không đúng chút nào, tha thiết kêu gọi Tổng Bí thư – Chủ tịch nước phóng thích cho anh Đặng Văn Hiến.
Nguyễn Khan
Nguồn : facebook.nguyenkhan, 21/12/2019
Ông Nguyễn Thanh Sơn, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Đắk Nông, cựu Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan cấp tỉnh của Đắk Nông đang xin cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với bảy lô đất rừng, diện tích mười héc ta ở huyện Đắk Song (1).
Tử tù nông dân Đặng Văn Hiến ôm con thơ trong nước mắt.
Cuối năm 2017, sau khi ông Sơn bị Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam "cảnh cáo" vì gian lận trong việc lập hồ sơ, xin nhận đất rừng theo "chương trình 135" của chính phủ, chính quyền huyện Đắk Song đã thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với bảy lô đất rừng này.
Theo tờ Người Lao Động, từ đó đến nay, chính quyền huyện Đắk Song chỉ thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với bảy lô đất đã cấp cho ông Sơn, còn trên thực tế, vợ chồng ông Sơn vẫn đang sử dụng bảy lô đất ấy. Giờ, vợ chồng ông Sơn đã chuyển hộ khẩu về huyện Đắk Song. Bởi đã hội đủ "căn cứ", ông Sơn xin nhận đất theo đúng… "qui định pháp luật".
Một lãnh đạo của Phòng Tài nguyên và môi trường tỉnh Đắk Nông giải thích, chính quyền huyện này chỉ thu hồi bảy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Song, không tổ chức thu hồi mười héc ta đất ông Sơn đang khai thác, sử dụng vì "chưa có hướng giải quyết tài sản gắn liền trên đất thành ra phải xin ý kiến và đang chờ chỉ đạo của tỉnh".
Khoan bàn đến chuyện tại sao chỉ "cảnh cáo" ông Sơn trong nội bộ đảng, không truy cứu trách nhiệm hình sự dù đương sự gian lận trong việc xin nhận – sử dụng công thổ, chỉ đối chiếu chuyện hai năm vừa qua, ông Sơn vẫn khai thác và sử dụng đất rừng trái phép, với trường hợp ông Đặng Văn Hiến cũng đủ thấy chính phủ thích… đùa !
***
Năm 2008, chính quyền tỉnh Đắk Nông cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 héc ta đất rừng. Hai năm sau (2010), Sở Tài nguyên và môi trường mới hợp thức hóa quyết định ấy bằng hợp đồng cho thuê đất và năm sau nữa (2011), Công ty Long Sơn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giống như nhiều vùng khác ở Tây Nguyên, Tuy Đức là túi chứa di dân tự do – những cá nhân dắt díu nhau đi tìm đất mới, khai hoang với hi vọng có thể thoát khỏi khốn cùng. Ở Tây Nguyên, đất mới là những khu rừng nguyên sinh đã bị khai thác đến cạn kiệt rồi bỏ hoang… và di dân chính là những người "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" để phục hóa.
Sau khi được thuê rồi được giao 1.079 héc ta "rừng", chủ Công ty Long Sơn đã bán cả công ty lẫn quyền khai thác – sử dụng đất cho gia đình ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu. Kể từ đó, gia đình ông Sửu – chủ mới của Công ty Long Sơn bắt đầu tiến trình xua đuổi di dân tự do ra khỏi khu vực mà công ty toàn quyền… khai thác, sử dụng.
Vườn, rẫy – cơ hội đổi đời của hàng trăm gia đình bị chặt phá, bị đốn hạ, nhà cửa bị giật sập. Sau vài thập niên dốc hết sức lực, vốn liếng vào việc khai hoang, định cư, hàng trăm gia đình đối diện với viễn cảnh vừa trắng tay, vừa vô gia cư… Họ bắt đầu tất tả ngược xuôi xin cứu xét.
Chỗ này, chỗ kia bắt đầu đặt vấn đề, khai phá – sử dụng công thổ để mưu tìm cơm no, áo ấm có thể là sai nhưng gạt bỏ thực tế khai thác - sử dụng công thổ cũng như tất cả những tình tiết có liên quan khác để cho phép Công ty Long Sơn phủi tay, không bồi thường, không hỗ trợ dường như không… ổn.
Nếu giao đất, cho thuê rừng nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tại sao "chương trình 135" của chính phủ không cho những gia đình di dân tự do thuê lại phần đất họ đã khai hoang mà lại chỉ dành quyền thuê cả thổ cư, vườn, rẫy của họ cho một số cá nhân hoặc doanh nghiệp như Công ty Long Sơn ?...
Hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không đếm xỉa tới điều đó. Do vậy, Công ty Long Sơn liên tục điều động các loại xe chuyên dụng và "công nhân" dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt những vườn tiêu, vườn điều, vườn cà phê,… trên phần đất mà chính quyền tỉnh Đăk Nông đã giao.
Trong quá trình tự do tổ chức các đợt "cưỡng chế - thu hồi đất", "công nhân" của Công ty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người dân ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chỉ vì họ "dám" bảo vệ nhà cửa, vườn tược vốn là nơi họ từng "đổ mồ hôi, sôi nước mắt".
Kết quả của tám năm toàn bộ hệ thống công quyền từ xã đến tỉnh ở Đắc Nông án binh bất động là có người ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức bị "công nhân" của Công ty Long Sơn dùng rựa vạt mất gần nửa hộp sọ và đang sống với cái đầu bị móp ấy cho đến hết đời. Có phụ nữ bị trụy thai do "công nhân" của Công ty Long Sơn đạp vào bụng,…
Bất nhẫn, một số tờ báo bắt đầu lên tiếng. Đến năm 2015, chính quyền tỉnh Đắk Nông mới quyết định thu hồi 265/1.097 héc ta đã giao cho Công ty Long Sơn vì phần đất này vốn là nơi cư trú, vườn, rẫy của hàng trăm gia đình nhưng quyết định này chỉ có hiệu lực trên… giấy.
Năm sau nữa (tháng 7 năm 2016), sau khi thị sát tại chỗ, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Việt Nam yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Nông ngăn chặn Công ty Long Sơn "cưỡng chế - thu hồi đất" để kiểm tra lại. Tuy nhiên hệ thống công quyền vẫn không làm gì cả, Công ty Long Sơn vẫn tiếp tục tổ chức "cưỡng chế - thu hồi đất"...
Đó cũng là lý do dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức quyết định tự cứu họ bằng cách tự vũ trang với súng tự chế. Sau khi bị 30 "công nhân" Công ty Long Sơn hành hung vì ngăn cản dỡ nhà, phá vườn của mình trong đợt "cưỡng chế - thu hồi đất" mà công ty này tiến hành vào ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Đặng Văn Hiến đã chạy về nhà lấy súng tự chế, bắn chỉ thiên để cảnh cáo… Bởi "công nhân" Công ty Long Sơn vừa lao đến, vừa ném đá… ông Hiến chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò…
Chỉ đến khi có ba người chết, 13 người bị thương, hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông mới chuyển động. Tuy nhiên những chuyển động ban đầu chỉ nhắm tới chuyện trừng phạt Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường vì "giết người", Đoàn Văn Diện vì "che giấu tội phạm"… Một tuần sau thảm án, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, chủ Công ty Long Sơn còn dọa sẽ kiện nhiều cơ quan truyền thông chính thức ra tòa vì thông tin sai sự thật, vừa chỉ dẫn báo chí "lên huyện, lên tỉnh" để tìm… "sự thật" !
Mũi dùi công lý chỉ chĩa vào Công ty Long Sơn khi công chúng sôi lên vì giận. Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó Giám đốc Công ty Long Sơn) và ông Phạm Công Thiện (Trưởng Ban Quản lý nhân sự) bị khởi tố vì "hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" và phải hầu tòa cùng với ông Hiến và ba người hàng xóm. Ở phiên xử sơ thẩm, ông Sửu bị phạt sáu năm tù, ông Thiện bị phạt bốn năm tù. Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên tử hình ông Hiến, phạt ông Bình 20 năm tù, ông Trường 12 năm tù, ông Diện chín tháng tù.
Dư luận lại dậy lên thành bão. Đến khi xử phúc thẩm, Tòa án Tối cao giảm cho ông Bình hai năm tù, giảm cho ông Trường ba năm tù, chuyển hình phạt 9 tháng tù giam của ông Diện thành án treo. Ông Sửu, ông Thiện cũng được giảm mỗi người hai năm tù nhưng Hội đồng Xét xử cương quyết giữ hình phạt tử hình dành cho ông Hiến.
Tháng 9 năm ngoái, Thanh tra tỉnh Đắk Nông chính thức thừa nhận, chuyện giao 1.097 héc ta đất rừng cho Công ty Long Sơn là sai pháp luật vì công ty này không đủ khả năng tài chính, không đủ cả nhân lực lẫn phương tiện, các giải pháp đầu tư mà công ty này trình bày khi xin nhận đất không khả thi. Trong 1.097 héc ta đất rừng được giao cho Công ty Long Sơn năm 2008, có 183 héc ta thật sự là rừng nhưng đã bị Công ty Long Sơn đốn sạch mà hệ thống công quyền cùng làm ngơ (2).
Chuyện để Công ty Long Sơn tổ chức các đợt "cưỡng chế - thu hồi đất", không bồi thường cũng chính thức được xác định là… sai. Thậm chí hệ thống công quyền đã làm ngơ để Công ty Long Sơn "cưỡng chế - thu hồi" phần đất mà từ năm 2015. chính quyền tỉnh Đắk Nông đã từng công bố quyết định thu hồi, không cho Công ty Long Sơn thuê nữa nhằm "giải độc dư luận"… Nếu hệ thống công quyền không làm ngơ, không có thảm án với ba người chết, 13 người bị thương, bốn người lương thiện bị phạt tù !
Nếu không nổ súng, gây ra thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Hiến đã trắng tay (mất cả nhà lẫn vườn tược như một số nạn nhân trong các vụ "cưỡng chế - thu hồi đất" trước đó của Công ty Long Sơn). Nếu ông Hiến không liều mạng thì nỗ lực kêu oan của ông và hàng trăm gia đình ở xã Quảng Đức, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông chẳng có ai thèm xem xét.
Một số luật sư và những người am tường luât pháp từng thắc mắc, với những tình tiết liên quan đến thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016 ở xã Quảng Đức vốn đã được bạch hóa từ lâu, tại sao hệ thống tư pháp (công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) từ địa phương tới trung ương không cải sửa tội danh của ông Hiến từ "giết người" thành "giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh" (hình phạt tối đa là bảy năm tù) ?
Yếu tố chính để xác định một cá nhân "giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh" là tinh thần đương sự bị kích động mạnh vì "hành vi trái pháp luật". Khăng khăng xác định ông Hiến "giết người" – phạt tử hình một thường dân – chẳng lẽ chỉ vì điều đó… đơn giản hơn điều tra, truy cứu trách nhiệm "hành vi trái pháp luật" của hàng loạt viên chức các cấp, với tình tiết tăng năng là hậu quả của thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016 ? Hoặc vì hình phạt tử hình dành cho ông Hiến còn có tác dụng răn đe ?
Khi công bố bản án phúc thẩm, các thẩm phán của Tòa án Tối cao từng nhắc đi, nhắc lại nhiều lần với ông Hiến rằng, ông nên xin Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tha tội chết. Vẫn chưa biết Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có tha tội chết cho ông Hiến hay không. Người đàn ông này vẫn bị biệt giam trong khu vực dành cho phạm nhân bị phạt tử hình, thắc thỏm chờ cả ân xá lẫn chờ đội hành quyết đến dẫn mình đi thi hành án…
***
Không may cho người Việt là ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp như Công ty Long Sơn luôn luôn sát cánh với hệ thống công quyền các cấp, cùng hệ thống từ trung ương tới địa phương này tổ chức quản trị công thổ như chính quyền tỉnh Đắc Nông. Sau thảm án Tuy Đức, cuối năm ngoái, Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Đắk Nông loan báo đã kỷ luật chín tổ chức đảng và 217 đảng viên vì sai phạm trong việc xin nhận đất theo "chương trình 135" của chính phủ hoặc sai phạm trong việc giao đất (3).
Cho dù ông Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực của Tỉnh ủy Đắk Nông cam kết : Từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ thanh lọc bộ máy, loại hết những đồng chí thoái hóa, biến chất để lấy lại niềm tin của nhân dân (4) - song trường hợp ông Sơn, sau khi bị "cảnh cáo", chuyển hộ khẩu về Đắk Song để có "cơ sở pháp lý" xin cấp lại bảy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là ví dụ mới nhất minh họa cho thành tâm, thiện ý của cam kết ấy.
Cần nhắc lại rằng, bốn năm trước khi ông Danh cam kết "thanh lọc bộ máy" ở Đắk Nông, hồi 2014, Tổng Thanh tra từng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch tỉnh Đắk Nông chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất và bảo vệ, phát triển rừng. Kiểm tra toàn bộ đất đai mà các công ty đang quản lý để thu hồi nếu sử dụng sai mục đích, bàn giao cho địa phương để bố trí cho các hộ dân thiếu đất, bảo đảm ổn định đời sống dân cư, an sinh xã hội, trật tự kỷ cương (5).
Nếu bộ máy "trong sạch, vững mạnh", đủ khả năng quản trị, điều hành, chắc chắn không có chuyện hai năm sau, Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường,… bị đẩy vào tuyệt lộ, phản kháng rồi bị bắt, bị phạt tù ! Cho dù các qui định hiện hành về đất đai đã gây ra vô số thảm nạn, thảm án nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không muốn cải sửa ngay các qui phạm pháp luật liên quan tới đất đai. Chính phủ Việt Nam vừa rút Dự luật sửa Luật Đất đai khỏi chương trình làm luật năm nay của Quốc hội
(6). Mồ hôi, nước mắt, thậm chí máu của lương dân vẫn chỉ là "đồ chơi" cho một chính phủ thích… đùa tung hứng ở cả hiện tại lẫn tương lai.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/04/2019
Chú thích :
(4) https://tuoitre.vn/nhieu-quan-chuc-dak-nong-chia-nhau-dat-rung-20180717092242606.htm
Hôm 12 tháng 7, nhân danh Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tòa án Tối cao chính thức xác định cần “cách ly vĩnh viễn” Đặng Văn Hiến với xã hội. Bởi bản án phúc thẩm là chung thẩm – hệ thống tòa án của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ không thẩm xét nữa - nên ông Hiến, 47 tuổi, chỉ có thể thoát cảnh bị hệ thống tư pháp hành quyết là xin và được Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ân xá.
Xử phúc thẩm vụ nông dân Đặng Văn Hiến.
Có một điểm đáng chú ý là cả hệ thống truyền thông chính thức lẫn dư luận đều không tán thành với quyết định tử hình ông Hiến – người được xác định là thủ phạm chính trong việc tạo ra thảm án vào ngày 23 tháng 10 năm 2016 ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, khiến ba người chết, 13 người bị thương. Thậm chí, các thẩm phán tham gia xét xử ông Hiến cũng áy náy với hình phạt tử hình do chính họ tuyên nên liên tục nhắc nhở để ông Hiến đừng bỏ lỡ cơ hội xin ân xá (1) !
***
Giống như nhiều vùng khác ở Tây Nguyên, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông là túi chứa di dân tự do – những cá nhân lìa bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn, dắt díu nhau đi khai hoang, lập nghiệp ở những vùng đất mới với hi vọng có thể thoát khỏi khốn cùng. Ở Tây Nguyên, đất mới là những khu rừng nguyên sinh đã bị khai thác đến cạn kiệt rồi bỏ hoang… Tuy hoang hóa nhưng đất rừng luôn là công thổ và tất nhiên chỉ hệ thống công quyền mới có quyền định đoạt công thổ.
Năm 2008, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Tiếng là rừng nhưng một phần không nhỏ trong 1.079 héc ta đó giờ chính là nơi cư trú, là vườn, là rẫy... đó không chỉ là sinh kế mà còn là tương lai của hàng trăm gia đình di dân. Sau khi được thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, chủ Công ty Long Sơn đã bán cả công ty lẫn quyền khai thác hàng ngàn héc ta đất cho gia đình ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu.
Kể từ đó, gia đình ông Sửu – chủ mới của Công ty Long Sơn bắt đầu tiến trình xua đuổi di dân tự do ra khỏi khu vực mà công ty toàn quyền… khai thác. Vườn, rẫy – cơ hội đổi đời của hàng trăm gia đình bị chặt phá, bị đốn hạ, nhà cửa bị giật sập. Sau vài thập niên đổ mồ hôi, sôi nước mắt, dốc hết sức lực, vốn liếng vào việc khai hoang, định cư, hàng trăm gia đình đối diện với viễn cảnh vừa trắng tay, vừa vô gia cư… Họ bắt đầu tất tả ngược xuôi xin cứu xét.
Khai phá – sử dụng công thổ để mưu tìm cơm no, áo ấm có thể là sai nhưng lẽ nào lại gạt bỏ thực tế khai thác - sử dụng công thổ cũng như tất cả những tình tiết có liên quan khác để cho phép Công ty Long Sơn phủi tay, không bồi thường, không hỗ trợ ? Nếu cho thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tại sao không cho những gia đình di dân tự do thuê lại phần đất họ đã khai hoang mà lại dành quyền thuê cả thổ cư, vườn, rẫy của họ cho riêng Công ty Long Sơn ?..
Không thể trả lời những thắc mắc ấy, năm 2010, chính quyền tỉnh Đắk Nông yêu cầu Công ty Long Sơn thảo luận với dân chúng địa phương về chuyện bồi thường. Năm năm sau, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định thu hồi 265/1.097 héc ta đã giao cho Công ty Long Sơn vì phần đất này vốn là nơi cư trú, vườn, rẫy của hàng trăm gia đình. Năm sau nữa (tháng 7 năm 2016), sau khi thị sát tại chỗ, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Nông ngăn chặn Công ty Long Sơn “cưỡng chế - thu hồi đất” để kiểm tra lại.
Song tất cả những động tác vừa kể chỉ có giá trị trên… giấy, trong thực tế, Công ty Long Sơn vẫn liên tục điều động các loại xe chuyên dụng và “công nhân” dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt những vườn tiêu, vườn điều, vườn cà phê,… trên phần đất mà chính quyền tỉnh Đăk Nông đã cho công ty này… thuê. Trong quá trình “cưỡng chế - thu hồi đất”, “công nhân” của Công ty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người dân ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chỉ vì họ “dám” bảo vệ nhà cửa, vườn tược vốn là của họ.
Suốt tám năm, toàn bộ hệ thống công quyền từ xã đến tỉnh ở Đắc Nông án binh bất động trước tất cả các đợt “cưỡng chế - thu hồi đất” mà Công ty Long Sơn thực hiện, bất kể dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, có người bị “công nhân” của Công ty Long Sơn dùng rựa vạt mất gần nửa hộp sọ, tuy may mắn không mất mạng nhưng sẽ sống với cái đầu bị móp ấy cho đến hết đời. Có phụ nữ bị trụy thai do “công nhân” của Công ty Long Sơn đạp vào bụng,…
Đó cũng là lý do dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức quyết định tự cứu mình bằng cách tự vũ trang với súng tự chế. Sau khi bị 30 “công nhân” Công ty Long Sơn hành hung vì ngăn cản Công ty Long Sơn dỡ nhà, phá vườn của mình trong đợt “cưỡng chế - thu hồi đất” mà công ty này tiến hành vào ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Hiến đã chạy về nhà lấy súng tự chế, bắn chỉ thiên để cảnh cáo, bởi “công nhân” Công ty Long Sơn vừa lao đến, vừa ném đá… ông Hiến có thêm sự hỗ trợ của hàng xóm chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò…
Chỉ đến khi có ba người chết, 13 người bị thương, hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông mới chuyển động. Tuy nhiên những chuyển động ban đầu chỉ nhắm tới chuyện trừng phạt Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường vì “giết người”, Đoàn Văn Diện vì “che giấu tội phạm”… Một tuần sau thảm án, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, chủ Công ty Long Sơn vừa dọa sẽ kiện nhiều cơ quan truyền thông chính thức ra tòa vì thông tin sai sự thật, vừa chỉ dẫn báo chí “lên huyện, lên tỉnh” để tìm… “sự thật” (2).
Mũi dùi công lý chỉ chĩa vào Công ty Long Sơn khi công chúng sôi lên vì giận : Chuyện doanh nghiệp này tự tổ chức cưỡng chế - thu hồi đất bằng cách trang bị dao, rựa, gậy gộc, khiên, đá,… để “công nhân” tấn công dân lành được xác định là “trái pháp luật”. Cũng phải tới lúc đó, đại diện chính quyền tỉnh Đắk Nông mới phân trần, rằng… quyết định giao đất cho Công ty Long Sơn chỉ dựa vào bản đồ, chưa đo đạc thực địa nên không rõ hoạt động cưỡng chế - thu hồi đất của doanh nghiệp này có chính xác hay không !
Cũng phải tới lúc đó, hệ thống công quyền Việt Nam mới thừa nhận một sự thật khác, trong 1.079 héc ta rừng mà chính quyền tỉnh Đắk Nông cho Công ty Long Sơn thuê có 539 héc ta là rừng tự nhiên, 540 héc ta là đất lâm nghiệp không còn rừng. Từ năm 2008 đến ngày xảy ra thảm án Quảng Trực, công ty Long Sơn đã phá trụi 501/539 héc ta rừng mà lẽ ra công ty này phải giữ, 38 héc ta còn lại không bị tác động chỉ vì đó là rừng… “nghèo kiệt” (3).
***
Khi xét xử phúc thẩm thảm án xảy ra ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, Tòa án Tối cao đã quyết định giảm cho ông Ninh Viết Bình hai năm tù (còn 18 năm tù), giảm cho ông Hà Văn Trường ba năm tù (còn 9 năm tù) cùng về tội “giết người”, chuyển hình phạt 9 tháng tù giam dành cho ông Đoàn Văn Diện vì “che giấu tội phạm” thành án treo.
Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó Giám đốc Công ty Long Sơn) và ông Phạm Công Thiện (Trưởng Ban Quản lý nhân sự của Công ty Long Sơn) từng bị tòa án cấp sơ thẩm phạt sáu năm tù và bốn năm tù cùng về tội “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” cũng được Tòa án Tối cao giảm mỗi người hai năm tù.
So hình phạt chung thẩm mà hệ thống tư pháp mới dành cho ông Sửu và ông Thiện với quyết định khởi tố cả hai ông mà Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an công bố hồi tháng 12 năm 2016, người ta thấy hệ thống tư pháp Việt Nam đã tha, không lý giải tại sao không truy cứu trách nhiệm hình sự của cả hai ông về hành vi “phá rừng”.
Xét về tổng thể, mức độ “khoan hồng, nhân đạo” mà hệ thống tư pháp Việt Nam đã giành cho ông Sửu, ông Thiện có phần… nhỉnh hơn ông Bình, ông Trường, ông Diện. Ngay cả khi bị áp giải tới pháp đình, đối diện với công lý xã hội chủ nghĩa, ông Sửu, ông Thiện vẫn không mất ưu thế !
Liệu sự “khoan hồng, nhân đạo” mà ông Bình, ông Trường, ông Diện được hưởng có phải là một thứ “xái” từ sự “khoan hồng, nhân đạo” mà hệ thống tư pháp Việt Nam muốn dành cho ông Sửu, ông Thiện ? Nếu không, tại sao ông Hiến không được hưởng sự “khoan hồng, nhân đạo” ấy, cho dù các tình tiết có liên quan tới thảm án cho thấy, rõ ràng ông Hiến đã phạm tội trong tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của các nạn nhân và hình phạt không thể vượt quá bảy năm tù ?
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu có lý khi khuyên báo giới “lên huyện, lên tỉnh” tìm… “sự thật” ! Tiếc là báo giới không dụng công, hệ thống tư pháp Việt Nam cũng không thèm bận tâm nên tới giờ, những câu hỏi như : Tại sao lại giao cho Công ty Long Sơn 1.079 héc ta rừng, bất kể trong phần đất rừng ấy có đến vài trăm héc ta mà di dân tự do đã khai hoang, sinh sống ổn định, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương ? Tại sao những đợt “cưỡng chế, thu hồi đất” do Công ty Long Sơn tổ chức thực hiện là công khai “hủy hoại tài sản công dân”, xâm phạm tính mạng, sức khỏe nhiều người trong một thời gian dài, bất tuân cả yêu cầu của chính quyền địa phương (phải thương thảo về bồi thường, phải giao trả 265 héc ta đất), lẫn chỉ đạo của chính phủ (tạm ngưng thực hiện “cưỡng chế, thu hồi đất”) mà hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương không làm gì cả cho đến khi xảy ra thảm án ? Khắp Việt Nam, đã, đang và sẽ còn có bao nhiêu trường hợp như xã Quảng Trực, có bao nhiêu doanh nghiệp, cá nhân được giao đất, giao rừng, hành xử tùy tiện như Công ty Long Sơn... vẫn không có câu trả l ời.
Thiếu những câu trả lời làm nền cho một sự chấn chỉnh toàn diện, thỏa đáng trên diện rộng, các “dự án phát triển kinh tế - xã hội” vẫn chỉ là một vòng luẩn quẩn vấy mồ hôi, nước mắt và máu dân lành, những thảm án mà ngay cả thân nhân của các nạn nhân đã uổng mạng cũng cảm thấy bất an, bất phục khi chỉ có những nông dân vùng dậy phản kháng do bị đẩy tới đường cùng bị xác định là thủ phạm.
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/ong-dang-van-hien-bi-tuyen-y-an-tu-hinh-20180712145538175.htm
(2) http://plo.vn/thoi-su/chung-toi-chi-san-ui-phan-dat-bi-lan-chiem-661945.html
(3) https://news.zing.vn/vu-xa-sung-o-dak-nong-bat-pho-giam-doc-cong-ty-long-son-post708464.html
Sự việc và Nhận định
Vào hai ngày 2/1/2018 và 3/1/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã xét xử sơ thẩm vụ án nổ súng làm 16 người thương vong xảy ra vào ngày 23/10/2016 tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông liên quan đến Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Đầu tư Long Sơn.
Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã xét xử sơ thẩm vụ án nổ súng làm 16 người thương vong xảy ra vào ngày 23/10/2016 tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông
Được biết sự kiện bi thảm xảy ra do nông dân mất đất vô cùng bức xúc trước hành động của đoàn cưỡng chế đất do Công ty Long Sơn phái đến san ủi khu đất đang tranh chấp nhiều năm trước đó.
Đây là vụ án mà dư luận đặc biệt quan tâm kể từ sau vụ án Đoàn Văn Vươn nổi tiếng vào năm 2012. Rất nhiều người dân địa phương đã sát cánh cùng thân nhân các bị cáo đến theo dõi phiên tòa sơ thẩm diễn ra trong hai ngày đầu năm mới.
Phiên tòa đã kết thúc vội vã vào chiều ngày 3/1/2018 với kết quả gây phẫn nộ lớn trong công luận nói chung và người dân địa phương có quyền lợi liên quan đến vụ án nói riêng. Ông Đặng Văn Hiến, 47 tuổi, bị tuyên án tử hình, các nông dân khác tham gia vào vụ nổ súng đều bị tuyên án nặng từ 9 tháng đến 20 năm tù giam.
Khi được nói lời sau cùng, ông Ninh Viết Bình, 35 tuổi, người bị tuyên án 20 năm tù, đã nói trong nước mắt rằng "nếu không có Công ty Long Sơn thì hôm nay các bị cáo đã không có mặt tại tòa và đã không gây ra tội lỗi".
Nói cách khác, dư luận theo dõi vụ xử án đều cùng chung nhận định rằng hành động của các bị cáo, đặc biệt ông Đặng Văn Hiến, đều xuất phát từ tâm lý phẫn uất do bị dồn đến đường cùng, và việc sử dụng súng để chống trả là việc làm bất đắc dĩ trước hành vi trái pháp luật ngay trước đó của những người bị hại.
Tuyên bố
Trước sự kiện bi thảm nói trên và bản án nặng nề dành cho các nông dân mất đất, chúng tôi tuyên bố như sau :
Thứ nhất, bản án sơ thẩm dành cho ông Đặng Văn Hiến là sự phỉ báng công lý, vì tội danh "giết người" hoàn toàn không phù hợp với diễn biến vụ án cũng như hành vi của các bị cáo, và hội đồng xét xử đã không xem xét thấu đáo, hợp tình hợp lý mọi tình tiết của vụ án, đặc biệt là hành động tự vệ trong trạng thái tinh thần bị kích động của các nông dân mất đất trước sự tấn công và cướp phá tài sản ngang ngược, bất chấp pháp luật của đoàn cưỡng chế đất do Công ty Long Sơn phái đến. Không ai cổ vũ giải pháp bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, nhưng rõ ràng tòa án đã không phân tích đầy đủ nguyên nhân và điều kiện phạm tội của các bị cáo trước khi tuyên án.
Thứ hai, sau hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng gây hậu quả nghiêm trọng, ông Đặng Văn Hiến đã ra đầu thú với mong ước hưởng sự khoan hồng của pháp luật, mà lẽ ra ông đương nhiên có quyền hưởng theo các quy định pháp lý hiện hành, bởi vì đầu thú là tình tiết giảm nhẹ hình phạt mà hội đồng xét xử nên cân nhắc khi lượng hình. Tuy nhiên giờ đây ông Hiến lại trở thành nạn nhân của sự đui mù công lý và phải chịu hình phạt nặng nhất trong khung hình phạt.
Thứ ba, chính quyền tỉnh Đắk Nông và huyện Tuy Đức rõ ràng hoàn toàn tắc trách trong việc giải quyết dứt khoát tranh chấp đất kéo dài tại địa phương, khiến người dân không an cư lạc nghiệp ; điều đó vừa thể hiện thái độ xem thường nguyện vọng chính đáng của nhân dân, vừa phần nào đó góp phần gây nên hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc nói trên.
Thứ tư, luật pháp và các cơ quan thực thi pháp luật lẽ ra phải bảo vệ công dân, bảo vệ quyền lợi và tài sản hợp pháp của họ, thì nay lại mặc nhiên trở thành và được sử dụng như công cụ đắc lực cho các nhóm lợi ích cướp đất của dân một cách trắng trợn. Ai đã cho phép Công ty Long Sơn tự lập đoàn cưỡng chế đất với quyền sử dụng vũ khí và quyền tấn công dân địa phương, nói cách khác ai đã trao thẩm quyền thực thi pháp luật cho một công ty tư nhân như vậy ? Câu hỏi này dứt khoát phải được làm rõ.
Thứ năm, nguồn gốc chính của sự kiện bi thảm tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông suy cho cùng là ở quan niệm và quy định pháp lý về chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai, bởi nó mặc nhiên trao cho các chính quyền địa phương một quyền lực nguy hiểm là tước đoạt đất của người dân để trao cho các nhóm lợi ích vốn thừa và sẵn sàng sử dụng tiền bạc trục lợi bằng cách hối mại quyền thế.
Thứ sáu, xã hội chắc chắn sẽ bất ổn và rối loạn khi người dân không còn đặt niềm tin vào pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật, bởi lúc đó họ sẽ tự ban phát công lý cho chính mình với hậu quả là xung đột xã hội sẽ gia tăng. Bản án tử hình nặng nề trong vụ án này hoàn toàn không giúp ngăn chặn tình trạng phản kháng của nông dân mất đất trong tương lai, mà ngược lại càng khiến người dân phẫn nộ vì công lý chẳng những không được thực thi, mà còn bị nhạo báng bởi những kẻ cầm cán cân công lý sai lệch.
Yêu cầu
Vì những lẽ nêu trên, chúng tôi yêu cầu Chủ tịch nước và Tòa án tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nghiêm túc xem xét lại vụ án và bản án này. Điều mà chúng tôi, trong tư cách là công dân Việt Nam, cần và đòi hỏi ở một nhà nước của dân, do dân và vì dân là : CÔNG LÝ.
Lập ngày 8 tháng 1 năm 2018
Danh sách những tổ chức và cá nhân đã ký tên
Tổ chức :
1. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng - Đại diện : Lê Thân, cựu tù nhân Côn Đảo
2. Ban Vận động Văn đoàn Độc lập - Đại diện : nhà văn Nguyên Ngọc
3. Diễn đàn Xã hội Dân sự - Đại diện : Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Cá nhân :
1. Huỳnh Kim Báu, cựu Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm danh dự Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng
2. Đào Công Tiến, cựu Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
3. Lê Thân, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Nha Trang
4. Lê Công Định, luật gia, Sài Gòn
5. Võ Văn Thôn, cựu Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh
6. Hoàng Hưng, nhà thơ, Sài Gòn,
7. Hoàng Dũng, phó giáo sư tiến sĩ, Thành phố Hồ Chí Minh
8. Huỳnh Sơn Phước, nhà báo, Hội An
9. Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An
10. Nguyễn Quang A, tiến sĩ, Hà Nội
11. Phan Tấn Hải, nhà văn-nhà báo, Hoa Kỳ
12. Võ Văn Tạo, nhà báo, Nha Trang
13. Nguyễn Thị Mười, hưu trí, Sài Gòn
14. Bùi Hiền, nhà thơ, Canada
15. Lưu Thủy Hương, nhà văn, Cộng hòa liên bang Đức
16. Nguyễn Thị Khánh Trâm, hưu trí, Thành phố Hồ Chí Minh
17. Trần Minh Thảo, viết văn, Bảo Lộc, Lâm Đồng
18. Vũ Thư Hiên, nhà văn, Cộng hòa Pháp.
19. Ngô Kim Hoa – nhà báo tự do, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng - Sài Gòn
20. Lại Thị Ánh Hồng- thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng - Sài Gòn
21. Nguyễn Thị Kim Chi, nghệ sĩ ưu tú, Sài Gòn
22. Thùy Linh, nhà văn, Hà Nội
23. Nguyễn Đăng Quang, nguyên cán bộ Bộ Công an, Hà Nội
24. Nguyễn Thanh Mai, nhân viên văn phòng, Cộng hòa Séc
25. Ý Nhi, nhà thơ, Thành phố Hồ Chí Minh
26. Bùi Minh Quốc, nhà báo, Đà Lạt
27. Lê Văn Sơn, nhà báo tự do, Nghệ An
28. Phạm Đình Trọng, nhà văn, Sài Gòn
29. Trần Tiến Đức, nhà báo độc lập, Hà nội
30. Mạc Văn Trang, Tiến sĩ Tâm lý học, Hà Nội
31. Anthony Đặng Hữu Nam, Linh mục Giáo phận Vinh
32. Nguyễn Thiện, tác giả chương trình Dân ta biết sử ta, Thành phố Hồ Chí Minh
33. Khổng Hy Thiêm, kỹ sư, Khánh Hòa
34. Hà Dương Tường, nhà giáo về hưu, Cộng hòa Pháp
35. Nguyễn Sĩ Thụy, 57 tuổi, giáo viên, Thành phố Huế
36. Phạm Toàn, nhà giáo dục, Hà Nội
37. Hà Quang Vinh, hưu trí, Thành phố Hồ Chí Minh
38. Lê Hồng Hà, công nhân, Hoa Kỳ
39. Nguyễn Hoành, hưu trí, TP. HCM
40. Vũ Quốc Ngữ, nhà báo tự do, Hà Nội
41. Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn, Hà Nội
42. Đặng Bích Phượng, hưu trí, Hà Nội
43. Đoàn Hòa, Cộng Hòa Séc
44. Đaminh Lê Thanh Trưởng, linh mục, Đồng Nai
45. Đặng Đăng Phước, giáo viên, Buôn Ma Thuột
46. Minh Đức Cao, thợ xây dựng, Cộng hòa liên bang Đức
47. Thị Diên Nguyễn, thợ xây dựng, Cộng hòa liên bang Đức
48. Nguyễn Minh Phát, công nhân, Canada
49. Nguyễn Trọng Bách, kỹ sư, Nam Định
50. Minh Huệ Bekker, kỹ sư hưu trí, Cộng hòa liên bang Đức
51. Phạm Tư Thanh Thiện, nhà giáo về hưu, Cộng hòa Pháp
52. Nguyễn Ngọc Giao, nhà giáo về hưu, Cộng hòa Pháp
53. Lê Thị Hồng Hạnh, hưu trí, Hà Nội
54. Nguyễn Thị Từ Huy, nghiên cứu sinh triết học chính trị, Đại học Paris 7, Cộng hòa Pháp
55. Nguyễn khắc Mai, nhà nghiên cứu văn hóa, Hà Nội
56. Dương Đình Giao, nhà giáo đã nghỉ hưu, Hà Nội
57. Nguyễn Thu Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh
58. Nguyễn Trần Hải : cựu sĩ quan Hải quân nhân dân Việt Nam đã nghỉ hưu, Hải Phòng
59. Giáng Vân, nhà thơ, Hà Nội
Xin mời quý vị hưởng ứng tuyên bố này tiếp tục ký tên, với họ tên, nơi cư trú (tỉnh/thành phố, quốc gia), và nghề nghiệp, chức danh (nếu có).