Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vì sao nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách nói sẽ 'tuyệt thực đến chết' trong tù ?

Mỹ Hằng, BBC, 16/05/2023

Trong khi tin 'anh hùng khí hậu' Ngụy Thị Khanh được trả tự do sau 16 tháng tù làm nức lòng giới hoạt động môi trường, ba đồng nghiệp khác của bà vẫn đang thụ án tù. Trong đó, Đặng Đình Bách là người duy nhất trong 'Bộ Tứ' kiên quyết không thỏa hiệp và chịu mức án nặng nhất - 5 năm.

bach1

Nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách bị bắt năm 2021

"Bộ tứ Việt Nam" - The Vietnamese Four - là cái tên mà Dự án 88 (Project88)  gọi bốn nhà hoạt động môi trường tiêu biểu bị bỏ tù từ 2021-2022, gồm Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hồng Dương, Ngụy Thị Khanh với tội danh "trốn thuế", sau khi họ tham gia hoạt động nhằm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiệt điện than.

Trước khi bà Khanh được trả tự do, bà và ông Lợi, ông Dương sau khi nộp đầy đủ tiền bồi thường đã được giảm án. Trong khi đó án tù cho ông Bách vẫn giữ nguyên.

Ông Bách là người duy nhất trong bốn người kiên quết nói mình vô tội trong cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm.

Ông đang tuyệt thực từ hồi giữa tháng Ba để 'yêu cầu công lý được thực hiện'.

"Trong lần gia đình vào thăm gần đây. Anh Bách đã sút 10kg. Anh nói "Tôi sẽ tuyệt thực đến chết, yêu cầu trả lại công lý và tự do cho tôi ngay lập tức và vô điều kiện", bà Trần Phương Thảo, vợ ông Bách, nói với BBC News tiếng Việt từ Hà Nội.

Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội yêu cầu truy thu số tiền cáo buộc trốn thuế 1,381 tỷ đồng, nhưng ông Bách nói : "Tôi không đồng ý với bản án sơ thẩm và phúc thẩm".

Ông cũng cho rằng gia đình đang trong quá trình minh oan cho ông nên mọi hoạt động cưỡng chế 'cần cân nhắc trước khi tiến hành'.

Từ vụ bắt giữ bất ngờ

Bà Thảo vẫn nhớ như in hôm đó, một ngày tháng 6/2021, lực lượng hùng hậu gồm công an, cảnh sát khu vực, tổ trưởng khu phố, dân phòng… bất ngờ ập vào nhà. Họ bắt ông Bách đưa đi trong sự ngỡ ngàng của gia đình.

"Đoàn người vào khám nhà, tịch thu thiết bị các nhân viên và của mọi thành viên trong gia đình. Họ mang đi máy tính, điện thoại, thẻ ngân hàng, hồ sơ công ty, toàn bộ hệ thống máy tính của công ty và nhân viên", bà Thảo nói.

Tuy nhiên, đoàn người không mang theo quyết định tống đạt hay bất ký văn bản nào nói lý do vì sao ông Bách bị bắt và ông sẽ bị giam ở đâu.

Cho tới khi ra tòa, bản thân ông Bách và gia đình chưa từng nhận được văn bản nào như vậy.

"Thời gian đó, cả gia đình tôi sống trong hoang mang tột độ về tính mạng của anh Bách. Cảm giác như anh bị bắt cóc. Không biết anh bị giam ở đâu, bao giờ được gặp luật sư, bao giờ được gặp gia đình. Không có bất cứ một thông tin nào", bà Thảo nói với BBC.

Cả hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm ông Bách đều là xử kín, người nhà không nhận được giấy mời, cũng không được vào dự tòa.

Theo lời bà Thảo, luật sư của ông Bách không được mang máy tính, điện thoại, máy ghi âm vào tòa, cũng không được đứng gần thân chủ, không được sao chụp hồ sơ vụ án.

Từ khi bị tạm giam tới khi kết thúc điều tra, luật sư chỉ được gặp ông Bách ba lần và không được chủ động lên lịch gặp, không được gặp riêng mà phải đợi có lịch của bên điều tra, phải đi cùng điều tra viên và chỉ được ngồi nghe điều tra viên trao đổi với ông Bách còn bản thân luật sư không được trao đổi gì, theo lời bà Thảo.

Việc chồng đột ngột bị bắt đã khiến gia đình bà Thảo rơi vào cảnh kiệt quệ về tài chính trong khi bà đang phải gồng gánh nuôi hai con nhỏ.

Trung tâm Pháp luật và Chính sách Nghiên cứu Phát triển Bền vững (Law & Policy of Sustainable Development-LPSD) do ông Bách làm giám đốc bị đóng cửa đột ngột khiến nhiều dự án trong và ngoài nước đang triển khai phải ngưng lại, nhân viên phải nghỉ việc. Tiền đền bù hợp đồng và dự án chồng chất.

Dở dang các dự án cộng đồng

Trước khi tiếp quản LPSD, ông Bách từng làm việc tại Bộ Nội vụ, sau đó làm việc tại Thời báo Kinh tế trực thuộc Bộ Công thương.

LPSD bắt đầu như một tổ chức hỗ trợ chính phủ Việt Nam soạn thảo, chỉnh sửa, và thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, sau khi ông Bách trở thành giám đốc vào năm 2013, LPSD 'biến đổi'.

Chán ngấy với tốc độ chậm chạp trong việc thực hiện chính sách của chính phủ, ông Bách đã lãnh đạo LPSD làm việc theo hướng 'cung cấp các hỗ trợ pháp lý cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các dự án pháp triển và sự tàn phá môi trường', đồng thời trao quyền cho người dân để họ đòi hỏi các quyền lợi của mình.

LPSD đã làm việc với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc xả thải chất thải công nghiệp, việc trồng cây cao su, các dự án điện than, cũng như với những người bị mất nhà bởi các dự án thủy điện hoặc các dự án phát triển đô thị.

Các tài liệu nội bộ tiết lộ rằng LPSD tin rằng họ đã tiên phong thực hiện một cách tiếp cận bền vững và an toàn để làm việc độc lập với chính phủ và Đảng cộng sản Việt Nam bằng cách trở thành người đại diện cho cộng đồng chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam', theo báo cáo mới công bố của Dự án 88 .

Bà Thảo kể lại những ngày cùng ông Bách tới thăm tới thăm làng ung thư ở Thanh Hóa. Đây là nơi người dân sinh ra tỷ lệ quái thai vào bậc nhất cả nước.

"Đây cũng là nơi anh Bách đã tới làm việc và gắn bó từ năm 2014. Bà con coi anh như người nhà. Sau này, qua các cuộc điều tra, người ta mới biết được việc một công ty hóa chất đã chôn hàng chục ngàn tấn hóa chất dưới lòng đất, làm ô nhiễm, đầu độc nguồn nước và đất".

Hay các chuyến đi thăm cộng đồng người dân ở Sơn La bị mất nhà và đất vì dự án thủy điện. Nhiều người rơi vào cảnh đói ăn do không còn đất cày cấy.

Ông Bách đã vận động pháp lý để mượn đất của một dự án để cho người dân được trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, ông cho soạn và phát sổ tay về quyền công dân để nâng cao nhận thức về pháp luật cho bà con, để họ có thể nâng cao hiểu biết, chủ động giải quyết được vấn đề của mình.

Ông Bách đồng thời là điều phối viên quốc gia của mạng lưới Pháp luật Mekong nhằm bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực lên môi trường của các tập đoàn quốc tế.

Ông Bách, cùng ông Mai Phan Lợi, là thành viên của Dự án Chính phủ Mở, một mạng lưới không chính thức dành riêng cho xã hội dân sự, dân chủ hóa, minh bạch... cùng một số mạng lưới khác.

Trong số đó, một diễn biến quan trọng được coi là có thể liên quan đến việc ông Bách bị bắt giữ, là việc ông đang vận động để tham gia vào Nhóm Tư vấn Trong nước (DAG) nhằm yêu cầu chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm cho các tiêu chuẩn lao động và bền vững mà họ đặt ra trong hiệp định thương mại với Liên minh Châu Âu (EU).

'Trốn thuế'

Vợ ông Bách cho hay cảnh sát khi đến vây bắt ông Bách chỉ đưa ra thông báo miệng rằng ông vi phạm điều 200 (trốn thuế) của Bộ luật Hình sự 2015.

Trong báo cáo công bố mới đây của Dự án 88 (Project88), tác giả - Tiến sĩ Ben Swanton chỉ ra rằng bốn nhà hoạt động Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương bị bỏ tù không phải vì án kinh tế mà có "động cơ chính trị".

Theo Tiến sĩ Ben Swanton, một trong những điều bất thường là ông Bách bị giam trước khi bị đưa ra xét xử. Điều này hoàn toàn bất bình thường so với các trường hợp khác cũng bị kết tội trốn thuế. Chỉ 1% người bị án trốn thuế bị giam trước khi ra tòa. 12,8% bị giam sau đó được thả. 86% chỉ bị quản thúc tại gia.

Báo cáo của Tiến sĩ Swanton cũng chỉ ra rằng vụ việc của ông Bách do cơ quan điều tra an ninh Hà Nội điều tra. Trong khi theo luật về các cơ quan điều tra hình sự quy định rõ Cơ quan An ninh điều tra chỉ có thẩm quyền điều tra 'tội phạm an ninh quốc gia', tội phạm chiến tranh và tội phạm nghiêm trọng, các loại tội phạm không bao gồm trốn thuế.

Cũng theo luật này, cơ quan này chỉ được điều tra các tội hình sự khác nếu bộ trưởng bộ công an cho phép trường hợp ngoại lệ.

Bởi tội trốn thuế không nằm trong thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Hà Nội, không có lý do gì để cơ quan này hành động vượt ra ngoài quy định của luật pháp.

Như vậy chỉ có thể hiểu rằng cơ quan này đã tiến hành điều tra vụ việc của ông Bách dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng Tô Lâm, theo Tiến sĩ Ben Swanton.

Các con số thống kê chỉ ra rằng chỉ có 2% các cá nhân phạm tội trốn thuế bị điều tra bởi Cơ quan An ninh điều tra Hà Nội, trong khi 98% là do cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện

"Việc này chứng tỏ rằng vụ việc này đã bị chính trị hóa bởi nó rất có khả năng được thực hiện dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo một cơ quan chính trị hàng đàu của Việt Nam", Tiến sĩ Ben Swanton viết trong báo cáo.

Bên cạnh đó, báo cáo chỉ ra rằng việc chính quyền Việt Nam không công khai báo cáo điều tra hình sự liên quan đến ông Bách và ba cộng sự của ông cho thấy sự thiếu minh bạch, vốn rất phổ biến ở Việt Nam. Việc này vi phạm quyền tự do biểu đạt, trong đó bao gồm quyền tiếp cận thông tin, như được ghi trong Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.

Tiến sĩ Swanton cũng có trong tay bản copy báo cáo điều tra tội phạm, cáo trạng và quyết định của tòa án liên quan đến trường hợp của ông Bách. Bản báo cáo điều tra tội phạm đưa ra các con số thuế mà ông Bách đã 'trốn' không nộp. Nhưng không đưa ra một bằng chứng nào tại sao họ lại đưa ra được các đánh giá này. Bất chấp sự thiếu minh bạch, báo cáo kết luận rằng ông Bách trốn không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 58.237 USD.

'Tuyệt thực'

Từ 24/5 - 24/6 ông Bách quyết định sẽ tuyệt thực hoàn toàn.

Ông Bách, thông qua gia đình, gửi tới chính quyền những lời sau :

"Tôi khẩn thiết yêu cầu Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam cân nhắc lại việc coi các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội là mối đe dọa an ninh chính trị để từ đó dừng việc bắt bớ vô cớ và khép tội oan sai. Đồng thời đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững một cách thực chất và có trách nhiệm, bao gồm và không giới hạn về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và quyền con người".

Trao đổi với BBC về trường hợp của ông Bách, bà Kate Holcombe, luật sư môi trường từ tổ chức Elaw, một trong những cơ quan từng hợp tác với tổ chức LPSD nói rằng tổ chức của bà tin ông Bách vô tội.

"Anh ấy đã luôn khẳng định mình vô tội và chúng tôi biết rằng anh ấy đáng tin cậy. Anh ấy đã luôn làm việc trong khuôn khổ pháp luật và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chỉnh phủ trong nhiều năm.

"Án tù của anh ấy đặc biệt dài hơn những người bị tuyên với cùng tội danh.

"Bách bị điều tra bởi lực lượng an ninh quốc gia, chứ không phải là cục thuế, điều này đặc biệt không bình thường.

"Chúng tôi cũng biết rằng tòa án đã từ chối không nghe bào chữa của anh ấy.

"Sự bất công trong thủ tục tố tụng và bản án hà khắc khiến chúng ta không khỏi thấy rằng anh ấy đã bị nhắm tới vì những lý do nào khác chứ không phải vì thuế".

Bà Kate cũng cho hay tổ chức của bà cùng một số tổ chức quốc tế khác đã sẵn sàng tuyệt thực để ủng hộ ông Bách từ ngày 24/5 - 24/6.

"Trong tình đoàn kết với Bách, chúng tôi sẽ cùng các đồng nghiệp trên khắp thế giới thực hiện một chiến dịch tuyệt thực 'tiếp sức' trong một tháng, từ 24/5 - 24/6. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các cơ quan quốc tế, như UN, được thông về việc Bách bị đối xử ra sao và tình trạng của anh ấy".

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 16/05/2023

***************************

Đặng Đình Bách sắp vào cuộc "tuyệt thực đến chết", đề đòi công lý

Trần Thị Thảo, Tuấn Khanh, RFA, 14/05/2023

Đặng Đình Bách là một cách tên mới trong danh sách những người tranh đấu cho môi trường và sự phát triển của Việt Nam và thế giới mới. Cùng với những người bạn như Ngụy Thị Khanh, Bạch Hùng Dương và Mai Phan Lợi, Bách hình thành những tổ chức xã hội dân sự, hoạt động với sự yểm trợ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế để xây dựng một đất nước không ô nhiễm, kiến tạo các hành lang pháp lý cho việc phát triển xã hội và con người Việt Nam.

bach2

Luật gia Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tân Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LSPD)

Bất ngờ, tháng 6/2021, hầu hết những người quen biết với Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (Law & Policy of Sustainable Development-LPSD), đều hoang mang khi nghe tin Bách bị khởi tố và bắt giam. Phiên tòa xử Đặng Đình Bách không được nhiều người chứng kiến, mà chỉ biết qua tin trên báo chí nhà nước loan đi vắn tắt, rằng "Bách bị cáo buộc "trốn thuế" liên quan đến các khoản tài trợ cho các dự án thực hiện bởi LPSD. Trong phiên tòa vào cuối Tháng Một năm ngoái, Đặng Đình Bách bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án năm năm tù giam và nộp phạt khoảng 1,3 tỷ đồng mà tòa xác định là số tiền trốn thuế.

Mọi người đều bất ngờ, bởi án tù dành cho Đặng Đình Bách là vấn đề luật pháp, trong khi Bách là luật gia, ông sẽ phải là người hiểu rõ hơn ai hết rằng mình có phạm luật hay không.

Không chỉ Bách, mà nhóm 4 người Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Bạch Hùng Dương và Mai Phan Lợi đều bị án "trốn thuế", một tội danh dễ gây tai tiếng, được giăng đều cho những người vốn đang dấn bước vào con đường muốn minh bạch hóa phát triển đất nước. Án tù với 4 nhân vật này, gây xôn xao không ít trên trường quốc tế.

Đặng Đình Bách là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA. Mạng lưới này bao gồm bảy tổ chức xã hội dân sự và hình thành vào tháng 11/2020. Mục đích của Mạng lưới VNGO-EVFTA là nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Âu- Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các xã hội dân sự Việt Nam, và Ban Tư vấn trong nước (DAG). DAG được thiết lập theo qui định tại Chương Mậu dịch và Phát triển Bền vững của EVFTA.

Trò chuyện với bà Trần Thị Thảo, vợ của Đặng Đình Bách, bà luôn khẳng định chồng mình vô tội. Ngày 17/3, trong buổi thăm nuôi chồng tại trại Nghệ An, bà Thảo được chồng nhờ chuyển thông điệp ra ngoài, với nguyên văn "Tôi khẩn thiết yêu cầu Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam cân nhắc lại việc coi các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội là mối đe dọa an ninh chính trị để từ đó dừng việc bắt bớ vô cớ và khép tội oan sai. Đồng thời bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững một cách thực chất và có trách nhiệm, bao gồm và không giới hạn về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, và quyền con người".

Không chỉ vậy, ông Đặng Đình Bách quyết tâm đòi công lý cho mình, bằng một chương trình tuyệt thực bằng sinh mạng của mình, bắt đầu từ ngày 24/6 (kỷ niệm hai năm ông bị bắt). Từ vài tháng nay, ông Bách khởi động cho chương trình tuyệt thực của mình, bằng cách chỉ ăn ngày một bữa, và nhắn gia đình đừng gửi thức ăn nữa, kể từ ngày 24/6.

Bà Thảo đã dành ít thời gian, nói về câu chuyện của chồng mình, dưới đây.

Tuấn Khanh : Trong 4 người bị bắt về tội "trốn thuế", có vẻ như ông Đặng Đình Bách là người bộc lộ rõ sự bất đồng với bản án đưa ra với mình. Từ đầu năm đến nay, ít nhất hai lần ông Bách đã lên tiếng, nói về việc "bắt bớ vô cớ và khép tội oan sai". Hơn nữa, ông lại có chương trình đòi tuyệt thực, thậm chí đánh đổi bằng sinh mạng của mình, để đòi sự phán quyết khác về trường hợp của ông…

Trần Thị Thảo : Từ ngày 17/3, anh Bách nói là sẽ chỉ ăn một ngày một bữa tối thôi. Anh đã từ chối các bữa ăn sáng và trưa của trại giam. Từ khi vào trại giam, tôi được gặp anh Bách mỗi tháng một lần vào ngày 15, sau đó cuối tháng thì được một cuộc điện thoại 10 phút về nhà. Từ đó, lần nào gặp gia đình, anh Bách cũng khẳng định quyết tâm của mình. Ngày 28/4/2023 vừa rồi, anh Bách vẫn nhắc lại rằng đến ngày 24/6 thì đừng gửi đồ ăn vào cho anh Bách nữa. Anh sẽ tuyệt thực hoàn toàn cho đến khi đạt được mục đích.

Từ lúc bắt đầu chọn ăn ngày một bữa, anh bị sút 4kg, và hôm nay chỉ còn khoảng 50kg. Tình từ ngày bị bắt, thì anh Bách đã sút hơn 10kg, nhưng anh nói sức khỏe và tinh thần của anh vẫn ổn.

Tuấn Khanh : Về phía trại giam, sau khi nghe tin ông Bách sẽ tuyệt thực thì họ có thái độ như thế nào ? Ông Bách có nói gì thêm cho bà biết về chuyện này ?

Trần Thị Thảo : Thật ra mọi tiếp xúc với anh Bách đều có công an trại giam kèm chặt. Công an ngồi cả hai phía, ghi chép rất chi tiết những gì tôi và anh Bách trò chuyện với nhau. Nên nói về chuyện biết ý định tuyệt thực của anh Bách, thì chắc chắn trại giam biết, nhưng thường họ không nói gì cả. Chỉ có một lần duy nhất, sau khi thăm anh Bách rồi ra về, có một nhân viên trại giam đi theo tôi, nói tôi nên khuyên anh Bách không nên tuyệt thực làm gì. Anh ta nói "chỉ thiệt thân, chứ không thay đổi được gì đâu". Tôi nghe xong thì chỉ im lặng chứ không trả lời.

Ngoài ra, tôi được biết là phía trại giam có yêu cầu anh Bách viết một xác nhận rằng việc anh chỉ nhận một ngày một phần ăn, là ý kiến cá nhân và phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm. Phía trại nói họ không muốn có chuyện gì xảy ra mà họ phải gánh trách nhiệm.

Tuấn Khanh : Như vậy là ông Bách đang rất nóng lòng muốn được xét lại vụ án của mình - - và có lẽ ông có đủ chứng cứ và niềm tin rằng đây không phải đơn giản là chuyện trốn thuế ? Ở bên ngoài, bà có vận động gì thêm để yểm trợ cho ý muốn của chồng mình ?

Trần Thị Thảo : Thật lòng, trong nước tôi không có cung cấp thông tin cho báo chí hay truyền hình, vì tôi biết họ không phải là truyền thông độc lập. Gia đình có mời luật sư yêu cầu giám đốc thẩm, tức kêu gọi xét lại ở cấp cao hơn. Báo chí trong nước, tôi hoàn toàn không biết kêu lên với ai. Chỉ có nhóm Luật sư Môi trường Toàn cầu ở nước ngoài, là đồng nghiệp lâu năm với anh Bách, thì đang vận động trực tiếp đến Liên Hợp Quốc và Liên Minh Châu Âu. Họ có liên lạc thường xuyên.

Tuấn Khanh : Nói về giám đốc thẩm, ắt hẳn luật sư hay ông Bách đã chỉ ra được những chi tiết áp tội không đúng, bà có thể nói thêm về điều này ?

Trần Thị Thảo : Thật ra thì việc định tội không có căn cứ, dựa trên cáo trạng đã có thể thấy. Phần bào chữa của luật sư và của cả anh Bách có đưa ra các điểm ấy, chất vấn với đại diện Viện Kiểm Sát thế nhưng không có phản hồi. Tóm lại là bản án không đưa ra được căn cứ xác đáng nào để khẳng định là nguồn tài trợ hoạt động từ các tổ chức quốc tế lại phải bị bắt phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cả.

Về nguyên tắc tài trợ cho hoạt động phi lợi nhuận, thì chính các nhà tài trợ cũng khẳng định nếu có luật rõ đúng như vậy, họ sẽ đóng từ đầu cho tổ chức hoạt động. Bởi nguồn tiền đó không phải là hoạt động kinh doanh hay sản xuất, mà nguồn tiền đó chỉ là giúp cho hoạt động nhân đạo hay bảo vệ môi trường.

Tuấn Khanh : Có lẽ trường hợp của Bách ít nhiều gì cũng đã gây xáo trộn trong suy nghĩ của cả hai gia đình Bách và của bà – vốn là những người sống và sinh hoạt mang tính "truyền thống" với nhà nước. Nhưng với những chứng cứ rất rõ là Bách không sai phạm gì mà bị kết án đến 5 năm, điều này có khiến gia đình mạnh dạn đồng lòng ủng hộ không ?

Trần Thị Thảo : Tôi chưa bao giờ nghĩ là chồng mình sẽ bị bắt, và đi tù vì việc anh ấy đang làm. Thật sự là vào ngày mà mà phía công an đến nhà em vào buổi sáng sớm ấy, tất cả gia đình không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra. Lúc ấy, anh Bách chỉ nói với em một câu, là "anh đã bị vu khống". Ngay sau đó, họ không cho anh ấy nói thêm điều gì.

Lúc đó, tôi bị sốc nặng, bên cạnh việc mới sinh con được có hai tuần. Tôi vẫn ngây thơ đến mức là nghĩ họ đã bắt nhầm thôi. Trên đường đi tìm hiểu sự việc, tìm luật sư… thế nhưng những luật sư tôi xin họ giúp đã từ chối và khuyên tôi rằng đây không phải là một vụ án kinh tế, hay sai phạm về luật. Bạn bè và thầy của anh Bách trong ngành luật rất nhiều, vì bởi anh Bách là luật gia, và đang làm luận án tiến sĩ luật. Khi tôi trình bày chuyện anh Bách, ai cũng biết và hiểu rõ việc anh Bách đang làm nhưng không ai dám tham gia vào hay chính thức giúp lên tiếng.

Đến phiên xử sơ thẩm – tôi không được quyền tham dự - nghe anh Bách có mức án 5 năm tù, cả tôi và luật sư đều không tin nổi vì sao lại có mức án nặng như vậy. Lúc đó, thế giới quan của tôi về xã hội mình đang sống hoàn toàn thay đổi. Tất cả mọi thứ trước mắt lâu nay như sụp đổ. Tôi mới hiểu được rằng một gia đình gặp vòng lao lý là ra sao. Tôi đi khắp mọi nơi để cầu cứu, gặp đủ các nhân vật từ về luật cho đến đang làm việc tại quốc hội, nhưng mọi thứ vô phương, không có tia hy vọng nào.

Niềm tin của tôi với chồng mình là bất diệt. Đã có lần anh Bách nói tôi rằng "nếu như một ngày nào đó anh ấy bị vu khống, bị hại, thì em vẫn phải tin anh vẫn đang làm điều đúng". Dường như anh ấy đã lường trước chuyện gì sẽ đến. Còn bố mẹ anh Bách thì vốn là đảng viên, cũng hơn 50 năm tuổi đảng rồi. Cả hai ông bà sống và làm việc yên ả đến lúc về hưu nên chuyện của anh Bách cũng là điều làm ông bà bất ngờ. Nhưng là người trong gia đình, tôi biết niềm tin của ông bà dành cho anh Bách không thể thay đổi. Chỉ có họ hàng thì chắc do không hiểu nên họ có phần xa lánh, thậm chí là cô lập.

Tuấn Khanh : Vậy thì, lần đầu tiên thấy chồng mình bị vào tù, và lại tuyên bố sẽ sẳn sàng tuyệt thực đến chết để đòi công lý, bà cảm thấy thế nào ?

Trần Thị Thảo : Bên cạnh việc thế giới quan và suy nghĩ của mình về xã hội này đang thay đổi, và cứ dần dần thay đổi sau hơn một năm anh Bách đi tù. Nhưng chính tuyên bố của anh Bách quyết liệt đòi phải được ứng xử đúng với công lý, thậm chí là sẽ tuyệt thực đến chết để chứng minh mình đúng, thì trong tôi còn có một nỗi sợ dấy lên, thúc hối tôi phải tiếp tục vận động cho anh. Là một người vợ, tôi thấy mình có trách nhiệm phải làm một cái gì đó, phải lên tiếng. Tôi hiểu anh Bách lắm. Tôi tôn trọng quyết định của anh ấy nhưng lo sợ (nói đến đây, bà Thảo khóc).

Tuấn Khanh : Nhưng đến lúc này, ắt hẳn bà cũng tối thiểu nhận ra được những người đồng hành hay ủng hộ việc xét lại bản án của ông Bách ? Nó có làm bà bớt sự cô đơn trên còn đường tìm kiếm công lý cho chồng mình ?

Trần Thị Thảo : Thật lòng, những sự kết nối và trợ giúp cho anh Bách hầu như chỉ đến từ phía nước ngoài. Nhóm Ilaw, tức luật sư môi trường toàn cầu rất tận tình hướng dẫn tôi nên làm gì, bên cạnh họ tự vận động bên ngoài. Qua những trao đổi đó, tôi càng nhận ra và hiểu anh Bách hơn những gì anh ấy đã làm bao nhiêu năm nay. Bên ngoài nói anh Bách là luật sư môi trường đầu tiên, từ năm 2010 đến nay đã cùng chung sức với nhiều nhóm trên thế giới. Trong hồ sơ nói về anh Bách, nhóm Ilaw còn liệt kê các quốc gia còn yếu kém về luật pháp, tham nhũng lan tràn… thì chính những nhà hoạt động môi trường là thành phần dễ bị truy bức, bị bưng bít thông tin. Qua những người bạn bên ngoài, tôi nhận ra được rằng từ những người không cùng màu da, tiếng nói… nhưng lại cùng tâm nguyện nên anh Bách tìm được chính mình trong công việc.

Tuấn Khanh : Cám ơn bà Thảo về cuộc trò chuyện này.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 14/05/2023

Tham khảo thêm :

Ông Bách bị bắt giữa năm 2021. Cáo trạng nêu rằng từ năm 2016 đến năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững, một tổ chức phi chính phủ có đăng ký hợp pháp với Nhà nước. Báo chí nhà nước nói ông Bách nhiều lần không nộp hồ sơ khai thuế, trốn thuế, bỏ ngoài sổ sách các khoản tiền nhận từ nước ngoài. Tổng số tiền bị coi là trốn thuế là hơn 1,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Bách khẳng định mình vô tội.

Ông Bách là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA. Mạng lưới này bao gồm bảy tổ chức xã hội dân sự và hình thành vào tháng 11 năm ngoái. Mục đích của Mạng lưới VNGO-EVFTA được cho biết nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Âu- Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các xã hội dân sự Việt Nam, và Ban Tư vấn trong nước (DAG).

DAG được thiết lập theo qui định tại Chương Mậu dịch và Phát triển Bền vững của EVFTA. Ban Tư vấn Liên Âu (EV DAG) đã được thành lập vào tháng 12/2020 và đã tiến hành hai lần hội nghị. Riêng Ban Tư vấn Việt Nam (VN DAG) đến nay vẫn chưa được thiết lập.

Published in Diễn đàn