Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhân quyền yếu thế trước các cơ hội kinh tế ?

Đối thoại nhân quyền thường niên giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Việt Nam diễn ra hôm 9/6, chỉ vài ngày sau khi Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Hoàng Thị Minh Hồng.

nhanquyen1

Một số tù nhân chính trị đang bị giam cầm trong các nhà tù tại Việt Nam

Giới nhân quyền nhận định rằng vụ bắt giữ này cho thấy Việt Nam không thực sự coi trọng cuộc đối thoại này.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khu vực Châu Á nói với BBC trước thềm cuộc đối thoại rằng ông không chắc EU có thể đưa ra được một tuyên bố cứng rắn nào với Việt Nam vì nhân quyền nay đã trở thành 'vấn đề thứ yếu' trong chính sách của EU đối với Hà Nội.

"Điều này là do hiện các quốc gia thành viên EU và các công ty đang đổ xô đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam.

"Chính vì thế, phía chính phủ Việt Nam tin rằng họ có thể ngăn chặn EU [đưa ra bất cứ tuyên bố cứng rắn nào] trong cuộc đối thoại này mà không phải chịu những hậu quả tiêu cực lâu dài.

Ông Robertson chỉ ra rằng "EU tuyên bố Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) năm 2020 sẽ khuyến khích Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền, nhưng điều ngược lại đã xảy ra".

Ngay sau khi ký EVFTA năm 2020, Việt Nam đã tăng cường đàn áp bằng cách kết án thêm nhiều nhà hoạt động với án tù dài hạn, hạn chế các quyền tự do dân sự và chính trị, vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, theo báo cáo của HRW gửi EU.

Ông Robertson cho rằng vấn đề chính ở đây là một phần là do các cấp cao hơn của EU quan tâm hơn tới các vấn đề khác, như lập trường chống Trung Quốc của Việt Nam, hoặc thúc đẩy đầu tư của các công ty Châu Âu tại Việt Nam, thay vì nhân quyền.

Các vụ bắt giữ điển hình gần đây

Thông qua việc thành lập Nhóm tư vấn Trong nước, EVFTA cũng được cho là sẽ thúc đẩy sự tham gia của các nhóm xã hội dân sự độc lập để giúp giám sát việc thực hiện chương thương mại và phát triển bền vững của hiệp định.

Tuy nhiên, trong hai năm 2021, 2022, công an Việt Nam đã bắt giữ bốn nhà hoạt động môi trường, khép họ vào tội trốn thuế, gồm Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách, Bạch Hồng Dương, Ngụy Thị Khanh, là những nhà lãnh đạo tích cực muốn đóng góp cho Nhóm tư vấn Trong nước.

Thay vì thế, chính phủ Việt Nam chấp thuận bảy thành viên khác tham gia Nhóm Tư vấn trong nước, trong đó có ít nhất bốn thành viên là đảng viên cấp cao thuộc các tổ chức có liên hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, theo báo cáo của HRW.

Chưa dừng lại ở đó, chỉ hai tuần sau khi trả tự do cho Anh hùng khí hậu Ngụy Thị Khanh do sức ép của quốc tế, Việt Nam bắt giữ một Anh hùng Môi trường khác, bà Hoàng Thị Minh Hồng, cũng với tội danh trốn thuế.

Vào ngày 6/6, ba ngày trước cuộc đối thoại nhân quyền, Việt Nam kết án một nhà vận động nhân quyền khác, giáo viên dạy nhạc Đặng Đăng Phước, tám năm tù giam và bốn năm quản chế vì ông ủng hộ dân chủ, đa đảng, và công khai bày tỏ quan điểm phê phán của ông về các vấn đề xã hội, môi trường và chính trị.

222222222222222222222222

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực Châu Á

Bên cạnh đó, hồi tháng 4/2023, một phái đoàn thuộc Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu đã thăm Việt Nam để đánh giá tình hình nhân quyền tại đây.

Sau chuyến thăm, phái đoàn bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam, đặc biệt về không gian cho xã hội dân sự bị thu hẹp, việc lạm dụng Bộ luật Hình sự để đàn áp những tiếng nói phản biện, sách nhiễu các nhà hoạt động, đàn áp quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là trên không gian mạng, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng".

Ông Phil Robertson cho rằng việc Việt Nam coi thường các quyền con người cho thấy EU cần có các biện pháp cứng rắn hơn thay vì chỉ đưa ra các tuyên bố và hi vọng.

"Nghị viện Châu Âu phải đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong việc đòi hỏi tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam, và tuyên bố của Tiểu ban chính là điều cần phải được đưa ra để khuyến cáo Hà Nội.

"Nghị viện EU nên bắt đầu xem xét cách gây áp lực lên Ủy ban Châu Âu để thực thi một số điều khoản nhân quyền trong EVFTA, và thực sự bắt đầu gây áp lực lên Việt Nam thông qua mối quan hệ thương mại này", ông Phil Robertson nói với BBC.

Ba vấn đề nhân quyền nhức nhối của Việt Nam

Trước thềm đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam năm nay, HRW đã có báo cáo gửi lên EU, thúc giục EU ưu tiên tập trung vào ba khía cạnh nhân quyền đen tối nhất tại Việt Nam hiện nay.

Tù nhân chính trị

Hiện Việt Nam giam cầm hơn 150 nhà hoạt động.

Sau đối thoại nhân quyền năm ngoái, chỉ nửa đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục cho bắt và xử tù hơn 20 nhà hoạt động khác, trong đó có một số nhà hoạt động môi trường được quốc tế công nhận vì những đóng góp không mệt mỏi của họ cho một thế giới sạch hơn, dễ thở hơn.

HRW đề nghị EU nên công khai và riêng tư kêu gọi chính phủ Việt Nam :

- Trả tự do ngay lập tức cho tất cả các tù nhân chính trị và những người bị giam giữ vì thực hiện các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ.

- Sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị (ICCPR).

- Sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều 74 và 173 của Bộ luật Tố tụng Hình sự và cho phép bất kỳ ai bị cáo buộc vi phạm, kể cả tội phạm an ninh quốc gia, được tiếp cận ngay với luật sư khi bị bắt.

Vi phạm quyền tự do xuất nhập cảnh và đi lại

HRW đề nghị EU nên công khai và riêng tư kêu gọi chính phủ Việt Nam :

- Ngay lập tức chấm dứt những hạn chế tùy tiện quyền tự do đi lại, bao gồm quản thúc tại gia, giam giữ tùy tiện, quấy rối, giám sát và cấm đi lại trong nước và quốc tế, được áp dụng đối với các nhà hoạt động và những người chỉ trích chính phủ.

- Bãi bỏ hoặc sửa đổi điều 14 và điều 15 của Hiến pháp cho phép hạn chế quyền con người vì lý do an ninh quốc gia vượt quá những gì được phép theo luật nhân quyền quốc tế.

- Bãi bỏ hoặc sửa đổi các quy định của Luật Xuất Nhập cảnh vốn cho phép các cơ quan có thẩm quyền tùy tiện cấm công dân Việt Nam ra nước ngoài hoặc trở về Việt Nam trên cơ sở các điều khoản an ninh quốc gia được xác định một cách mơ hồ.

Đàn áp quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng

HRW đề nghị EU nên công khai và riêng tư kêu gọi chính phủ Việt Nam :

- Cho phép các tổ chức tôn giáo độc lập tự do hoạt động tôn giáo và tự quản lý. Các nhà thờ và giáo phái không chọn tham gia hệ thống tôn giáo do chính phủ quản lý nên được phép hoạt động độc lập.

- Chấm dứt sách nhiễu của chính quyền, ép buộc phải từ bỏ đức tin, bắt bớ, truy tố, bỏ tù và ngược đãi người dân vì họ là tín đồ của các tôn giáo không được nhà nước công nhận ; và trả tự do cho bất kỳ ai hiện đang bị giam giữ vì thực hiện ôn hòa quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, biểu đạt và hiệp hội.

- Cho phép các quan sát viên bên ngoài, bao gồm các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và các nhà ngoại giao nước ngoài, được tiếp cận không bị cản trở và không có người đi cùng đến Tây Nguyên, đặc biệt là các xã và làng có người Thượng và các nhóm yếu thế khác sinh sống. Đảm bảo không có sự trừng phạt hoặc trả đũa đối với bất kỳ ai nói chuyện hoặc giao tiếp với đoàn

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 10/06/2023

Published in Diễn đàn