Đảng cộng sản Việt Nam tung 15 bước nắm lấy Việt kiều
"Tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam".
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói như thế
trước các doanh nhân Mỹ tại Hoa Thịnh Đốn ngày 12/05/2022. Ông Chính có mặt ở Hoa Thịnh Đốn để dự Hội nghị thượng đỉnh nhằm kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ-ASEAN (The Association of South East Asian Nations, Hiệp hội các nước Đông Nam Á).
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng nguyên Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN
Trong phát biểu, người cầm đầu Chính phủ nói : "Chúng tôi mong các đối tác, doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội. Tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta cởi mở, chân thành để làm việc. Khi hợp tác với nhau thì lợi ích hài hoà mà rủi ro phải cùng nhau chia sẻ".
Đối tượng của ông Chính trong câu nói này nhằm vào nước Mỹ nói chung và cộng đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng. Lập trường giữa Mỹ và Việt Nam về nhân quyền vẫn tồn tại những khác biệt, mặc dù hai nước duy trì các cuộc thảo luận định kỳ hàng năm hoặc bất thường. Theo ước tính của các Tổ chức nhân quyền thế giới thì có từ 100 đến 300 tù nhân lương tâm (hay tù chính trị) đang bị giam giữ ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam bác bỏ cáo buộc này, cho rằng ở Việt Nam "không có tù nhân chính trị mà chỉ có những phần tử vi phạm luật pháp bị giam giữ".
Nhưng tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền) báo cáo năm 2021 cho biết ở Việt Nam : "Có ít nhất 150 người đã bị kết tội vì thực hiện các quyền tự do biểu đạt hay tự do lập hội hiện đang ở trong tù".
Ai cũng biết những người bị bắt giam đều đã tham gia đấu tranh dân chủ và nhân quyền, tiêu biểu và nổi tiếng như Phạm Đoan Trang (tên đầy đủ là Phạm Thị Đoan Trang, sinh ngày 27/05/1978 tại Hà Nội).
Theo Bách khoa toàn thư mở thì bà là một "tác giả, blogger, nhà báo, và nhà hoạt động dân chủ người Việt Nam. Bà đã viết một số ấn phẩm và là một trong những người thành lập trang web Luật Khoa tạp chí với tư cách là một hình thức báo chí độc lập tại Việt Nam. Bà bị chính quyền sở tại bắt giam nhiều lần.
Kể từ tháng 3/2018, Phạm Đoan Trang đã phải trốn và ẩn náu ở nhiều nơi bí mật trong chính nước mình sau khi cuốn sách Chính trị bình dân của bà được phát hành. Vào ngày 6/10/2020, bà bị bắt giữ tại Sài Gòn.
Ngày 14/12/2021, Phạm Thị Đoan Trang bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù giam về tội tuyên truyền chống nhà nước".
Người tù nổi tiếng thứ hai là ông Trần Huỳnh Duy Thức, một kỹ sư – doanh nhân Việt Nam. Theo Bách khoa toàn thư mở thì ông "là cựu Tổng Giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI và cũng là một nhân vật bất đồng chính kiến. Ông bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giam và Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20/01/2010 và kết án 16 năm tù với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Người nổi tiếng thư ba là ông Phạm Chí Dũng (sinh năm 1966) là một nhà báo, nhà văn, tiến sĩkinh tế, nhà hoạt động chính trị bất đồng chính kiến.
Bách khoa toàn thư mở viết : "Phạm Chí Dũng từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trong 20 năm (1993–2013), và là cán bộ tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trước khi tự viết đơn xin ra khỏi đảng năm 2013.
Ông viết báo và viết văn nhiều năm nay, với nhiều bút danh khác nhau như Việt Thắng, Viết Lê Quân, Thường Sơn.
Ngày 21/11/2019, Phạm Chí Dũng bị Cơ quan an ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố và bắt tạm giam, và khám xét về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 – Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ông bị kết án 15 năm tù tại phiên tòa của nhà nước Việt Nam ngày 05/12/2020".
Như vậy, chỉ riêng 3 tù nhân lương tâm này, đã nhận 40 năm bị giam.
Những tù nhân lương tâm Việt Nam : Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy
Báo cáo Mỹ
Trong báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2021, Bộ Ngoại giao Mỹ viết : "Những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm các báo cáo đáng tin cậy về : việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền ; tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt dã man, vô nhân đạo hoặc đê hèn bởi các nhân viên chính phủ ; bắt và giam giữ người tùy tiện ; tù nhân chính trị ; các hành động trả thù vì động cơ chính trị đối với các cá nhân ở quốc gia khác ; những vấn đề nghiêm trọng về tính độc lập của tư pháp ; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư ; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt và tự do báo chí, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự ; hạn chế nghiêm trọng tự do Internet ; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội ; hạn chế tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động ; công dân không có khả năng thay đổi chính quyền một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng ; hạn chế nghiêm trọng sự tham gia chính trị ; các hành vi tham nhũng lớn ; buôn bán người ; hạn chế đáng kể quyền tự do lập hội của công nhân ; sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức".
Từ chối đối thoại
Thực tế tình hình nhân quyền (Hà Nội gọi là "quyền con người") ở Việt Nam là như thế, nhưng đảng và chính phủ không bao giờ nhìn nhận và từ chối đối thoại với những người hoạt động dân chủ và đòi các quyền tự do như đã quy định trong Điều 25 Hiến pháp, theo đó : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Chính phủ Việt Nam thường lấy lý do chưa có luật nên những cuộc biểu tình đòi công lý, lên án bất công, kể cả biểu tình phản đối Trung Quốc, đồng minh của Việt Nam, có âm mưu xâm lược Việt Nam, là bất hợp pháp và có âm mưu chống "chính quyền nhân dân" và gây rối an ninh trật tự.
Nhà nước cũng không cho tư nhân ra báo, không cho phép lập đảng chính trị, chưa nói đến đối lập với đảng cầm quyền.
Nhà nước cũng từ chối đối thoại với những ngưởi bất đồng ý kiến về đường lối và chính sách cai trị độc tài và độc đảng của mình. Do đó, mỗi khi có lãnh đạo nêu lên vấn đề đối thoại thì lập tức có câu hỏi : Tại sao Đảng và Chính phủ chỉ muốn đối thoại với nước ngoài mà từ chối nói chuyện phải trái với người trong nước.
Đó là lý do đã xẩy ra nhiều vụ dân oan biểu tình và khiếu kiện dài ngày trong các vụ tranh chấp đất đai có dính dáng đến cán bộ và doanh nghiệp nhà nước. Tại Hội nghị Trung ương 5 mới kết thúc ngày 10/5 (2022), Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã than phiền có tới 70% vụ kiện trong thời gian qua liên quan đến vấn đề sử dụng đất đai.
Những vụ thu hồi đất ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên năm 2012 và Đồng Tâm (Hà Nội) năm 2017 đã gây đổ máu trong dân là bằng chứng dối thoại không được thi hành nghiêm chỉnh ở Việt Nam.
Nguyên do gây khiếu kiện và tranh chấp vì Điều 53 Hiến pháp quy định không rõ rệt, theo đó : "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".
Như thế rõ ràng quyền được sử dụng đất không thuộc về dân mà do nhà nước giành quyền "quản lý" để độc quyền "trao quyền sử dụng đất" cho người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Thế mà có ai muốn tranh luận với Nhà nước về điều bất công này thì liền bị đàn áp thẳng tay. Đó là về mặt vật chất, còn về tinh thần và lương tâm thì chính quyền cộng sản Việt Nam đã kiểm soát cả cách nghĩ và ý chí của người dân nên đã từ chối nói chuyện về những vị phạm quyền con người với người trong nước. Ngược lại, đảng cộng sản Việt Nam không từ khước một cơ hội nào để bảo vệ "thành tích" nhân quyền của mình trước các diễn đàn quốc tế để bảo vệ các quyền lợi về chính trị, ngoại giao và kinh tế như đã diễn ra với Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và các nước khác.
Trong năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói văng mạng rằng : "Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất, phát huy tối đa yếu tố con người" (VOV, ngày 06/12/2021).
Nhưng ông Chính quên rằng con người không chỉ sống bắng vật chất như loài cầm thú mà đời sống tinh thần, tự do tư tưởng cũng quan trọng không kém. Do đó, mặc dù Nhà nước vẫn tuyên truyền đất nước do dân "làm chủ", nhưng lại giành quyền tổ chức chính quyền, bầu cử và cai trị một mình thì Nhà nước này của "ông Bình vôi" à ?
Võ Văn Thưởng
Nên nhớ vào ngày 18/05/2017, ông Võ Văn Thưởng, khi còn là Trưởng ban Tuyên giáo trung ương đã hồ hởi tuyên bố đảng sẵn sàng "đối thoại" với những người có quan điểm và ý kiến khác với Nhà nước.
Ông nói : "Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý".
Ông Thưởng còn cho biết : "Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
Tuy nhiên từ đó đến nay đã qua 5 năm mà vẫn chưa có bản hướng dẫn đối thoại của Ban Bí thư nên ý kiến này được coi như đã "chìm xuồng", mặc dù ông Thưởng bây giờ là Bí thư thường trực của khóa đảng XIII.
Kiều bào của ai ?
Cũng trong chuyến thăm Mỹ của ông Phạm Minh Chính, người đứng đầu Chính phủ đã có cuộc tiếp xúc với khoảng 70 "Việt kiều" ở miền Đông nước Mỹ ngày 14 /5/2022. Số Việt kiều này, tất nhiên là thân cộng sản Việt Nam, được phía Việt Nam tự phong là "đại diện cộng đồng người Việt ở khu bờ Đông Mỹ".
Thêm lần nữa, ông Chính khẳng định chính sách của đảng cộng sản Việt Nam là : "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam ; luôn tạo điều kiện để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giúp đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở nước sở tại và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước".
Tuy nhiên ai cũng biết số Việt kiều "yêu nhà nước cộng sản" này chỉ là con số rất nhỏ so với 2,2 triệu người Việt sống ở Hoa Kỳ, và càng nhỏ hơn so với 5,5 triệu người Việt Nam sống ở rải rác ở 130 nước trên thế giới. Tuy nhiên, riêng năm 2021, Việt kiều đã gửi về giúp gia đình trên 18 tỷ Mỹ kim, một khoản tiền không nhỏ giúp phát triển kinh tế.
Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi thấy ông Chính ca ngợi Việt kiều : "Cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ có vai trò là cầu nối trong quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ ; tham gia đóng góp thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước ; đóng góp vào phát triển của cả Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thành công của người Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng là thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, giá trị Việt Nam trên đất nước Hoa Kỳ ; thể hiện thiện chí của Việt Nam trong hợp tác với các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ".
Bề ngoại thì lạc quan như thế, nhưng trong lòng hẳn ông Chính cũng biết sự hiện diện yếu kém của hàng ngũ "Việt kiều yêu nước" như thế nào từ 47 năm qua, kể từ khi có làn sóng người Việt tị nạn cộng sản đến định cư tại Mỹ. Bằng chứng cho sức mạnh của người Việt chống Cộng ở khắp thế giới được thể hiện qua hình ảnh của lá Cờ Vàng 3 sọc đỏ và các lần tưởng niệm ngày Cộng sản chiếm Việt Nam Cộng Hòa 30/4/1975.
Kế hoạch "đỏ hóa kiều bào"
Vì vậy, trước ngày ông Chính gặp "Kiều bào miền Đông", Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận hàng đầu của Ban Tuyên giáo và Hội đồng Lý luận trung ương đảng đã phổ biến bài viết "Nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới".
Những bước sau đây đã được hoạch định :
1) Tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ hội đoàn, hội viên và người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là phải chú trọng việc quán triệt các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2) Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị.
3) Chú trọng, quan tâm nhiều hơn đến thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hoạt động thường xuyên, hướng về cội nguồn để nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó yêu mến quê hương, đất nước.
4) Các cấp hội đoàn cần tổ chức các hoạt động phù hợp với tâm lý, nhu cầu của thanh niên người Việt Nam ở nước ngoài, giúp thanh niên nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc rèn luyện, học tập và hướng về quê hương, Tổ quốc
5) Để giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ và cho cả cộng đồng, công tác dạy và học tiếng Việt cần tiếp tục được đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, như tăng cường đội ngũ giáo viên, cung cấp trang thiết bị, sách giáo khoa, hỗ trợ xây dựng trường lớp, tổ chức các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt...
6) Nâng cao hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động xây dựng cộng đồng, hướng về quê hương, đất nước ; chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người Việt Nam ở nước ngoài.
7) Đa dạng hóa các hình thức đoàn kết, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài ; phát huy quyền chủ động, sáng tạo của hội đoàn các cấp trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với đặc điểm nước sở tại.
8) Đa dạng hóa những hình thức, nội dung tổ chức, tạo mọi điều kiện để đồng bào tham gia nhiều hơn vào các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, gắn bó với cội nguồn, khơi dậy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, thu hút được nhiều thế hệ đồng bào ở khắp nơi trên thế giới hưởng ứng. Người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng ; góp ý kiến đối với các vấn đề lớn liên quan đến kinh tế - xã hội, chủ quyền lãnh thổ và "quốc kế dân sinh", các ý kiến đó phải được chuyển tới lãnh đạo cấp cao và các cấp có thẩm quyền.
9) Đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu được tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương. Các hoạt động phát huy nguồn lực tri thức, kinh tế của đồng bào cần được tiến hành thường xuyên hơn, như hỗ trợ các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam về nước làm việc, tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, giao lưu doanh nhân trong và ngoài nước.
10) Cùng với các phương thức hoạt động truyền thống, các cấp hội đoàn cần tiếp tục phát huy, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp tập hợp, đoàn kết và định hướng hoạt động hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trên không gian mạng.
11) Nghiên cứu thành lập quỹ tài chính kiều bào, cam kết các chính sách thuận lợi để thu hút nguồn kiều hối vào các dự án đầu tư, xây dựng ưu tiên, trọng điểm của đất nước.
12) Đổi mới và tăng cường công tác xây dựng tổ chức hội đoàn, công tác cán bộ hội đoàn và chăm lo xây dựng lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
13) Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức hội đoàn vững mạnh ; từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hội đoàn có chất lượng, trưởng thành từ phong trào quần chúng ; coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng tổ chức hoạt động đoàn kết, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài ; phát huy vai trò nhiệt tình, gương mẫu của cán bộ hội đoàn.
14) Chú trọng, chăm lo bồi dưỡng cán bộ trẻ ; phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc đồng hành, định hướng hoạt động của các hội sinh viên, hội lưu học sinh, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Những người Việt Nam sang học tập hoặc đi theo dạng lao động kỹ thuật cao cần được quan tâm, bởi đây là lực lượng nòng cốt trong việc thu hút và gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, vận động để thu hút thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hội đoàn trong cộng đồng.
15) Nghiên cứu xây dựng chính sách, hỗ trợ các tổ chức hội đoàn, lực lượng nòng cốt trong cộng đồng.
Với lộ trình 15 bước này, liệu Đảng cộng sản Việt Nam có làm nên cơm cháo gì không, hay vẫn bị Cộng đồng người Việt chống cộng "cầm chân và tẩy chay" như bấy lâu nay ?
Lý do Đảng cộng sản Việt Nam thất bại trong công tác "dân vận Việt kiều" vì Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nói nhiều đến "đại đoàn kết toàn dân, hòa giải và hòa hợp dân tộc", nhưng vẫn nuôi dưỡng chủ trương kỳ thị ngưởi Nam - kẻ Bắc, vẫn coi dân "bại trận" miền Nam là những người bị trị, đối xứ không công bằng từ trong học đường ra ngoài xã hội và trong guồng máy cầm quyền.
Như vậy thì dễ gì mà Đảng cộng sản Việt Nam có thể "đối thoại" được với người Việt Nam ở nước ngoài, nói chi đến chiến thuật mồi chài của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Phạm Trần
(17/05/2022)