Tháng 10/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương di dời Dinh Tỉnh trưởng, bằng cách nâng công trình kiến trúc này lên đỉnh đồi cao hơn vị trí hiện hữu 28 mét và xây dựng tổ hợp khách sạn, thương mại trên toàn khu Đồi Dinh.
Theo Quyết định số 47 ngày 8/12/2017 cũng của UBND tỉnh Lâm Đồng về quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt, thì Dinh Tỉnh trưởng được xếp vào danh sách biệt thự nhóm 1 - là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, có giá trị điển hình về kiến trúc. Việc quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc nhóm 1 không được làm thay đổi kiểu dáng kiến trúc, công năng.
Quyết định này là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư và những người bảo vệ di sản viện dẫn nhằm bảo vệ nguyên trạng khu vực Đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng - được xem là một "viên ngọc xanh" còn sót lại trong "rừng bê tông" đang lan rộng ở trung tâm thành phố Đà Lạt. Đáng tiếc là UBND tỉnh Lâm Đồng đã có động thái mới : xem xét lại chủ trương và sửa đổi Quyết định số 47 của chính mình về phân loại bảo tồn biệt thự. Như vậy, số phận của Dinh Tỉnh trưởng và Đồi Dinh đang đứng trước nguy cơ bị biến đổi hoàn toàn !
Từ đầu thế kỷ XX, người Pháp quy hoạch và xây dựng nhiều đô thị ở Việt Nam theo kiểu phương Tây. Dinh Tỉnh trưởng là công trình công sở quan trọng nhất tại đô thị - tỉnh lỵ của một tỉnh. Khảo sát một số Dinh Tỉnh trưởng còn lại ở phía Nam như Dinh Xã Tây (trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay), Dinh Tỉnh trưởng ở Bến Tre, Gò Công, Quảng Trị hay Đà Lạt... có thể nhận thấy đây là những công trình trung tâm của khu vực trung tâm đô thị. Do mỗi đô thị có cảnh quan tự nhiên, địa hình và yếu tố văn hóa khác nhau nên khu trung tâm thường mang những đặc trưng riêng. Ngày nay, khu vực trung tâm đô thị luôn được xem là "khu vực di sản" vì đã tích lũy trong nó giá trị lịch sử, giá trị văn hóa - xã hội, giá trị khoa học. Chính vì vậy, hầu hết quốc gia đều xem trọng việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc khu vực trung tâm các đô thị. Việc tích lũy giá trị lịch sử - văn hóa khu vực trung tâm đô thị cũng là tích lũy giá trị kinh tế (bao gồm đất đai, thương mại, dịch vụ). Không có ba giá trị kể trên thì khu vực này không có chức năng trung tâm để có giá trị kinh tế cao.
"Hiện đại hóa" đô thị bằng cách thay đổi diện mạo khu vực trung tâm, hủy hoại di sản đô thị chính là sự phá hủy "nguồn vốn xã hội" đã được tích lũy lâu dài.
Một đô thị đặc sắc về quy hoạch và kiến trúc như Đà Lạt, việc bảo tồn toàn bộ khu vực trung tâm (và phải chỉnh trang vì hiện nay rất nhếch nhác, xô bồ do quản lý yếu kém), bảo tồn từng công trình cụ thể như rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, các dãy nhà phố hay Đồi Dinh, hồ Xuân Hương... chính là bảo toàn nguồn vốn văn hóa một cách an toàn và bền vững, bảo vệ lợi ích của cộng đồng.
Khu vực di sản được các nhà đầu tư xem là "đất vàng". Lợi ích của nhà đầu tư là "tiền tươi thóc thật", ngay và luôn, còn lợi ích của cộng đồng là lâu dài, bền vững, giá trị vật chất kinh tế cùng với giá trị văn hóa tinh thần. Chọn lựa, ưu tiên giá trị và lợi ích nào thể hiện tâm và tầm của chính quyền, thể hiện quan điểm quản lý và phát triển đô thị hướng đến mục tiêu nào, từ đó chính quyền và nhà quản lý "ra đề bài" cho nhà đầu tư thực hiện. Nếu chính quyền không nhìn thấy giá trị di sản hoặc cố tình bỏ qua giá trị này mà chỉ hướng đến lợi nhuận kinh tế từ "đất vàng", tất yếu dẫn đến việc nhà đầu tư sẽ tận dụng từng mét vuông đất và sẽ hủy hoại di sản và giá trị di sản.
Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28 mét so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ. Tuy nhiên, công trình cổ bị đẩy lên chơ vơ giữa đỉnh đồi, ra khỏi rừng cây cao xanh ngát và thoáng đãng quanh năm, bị vây quanh bởi tổ hợp khách sạn, khu thương mại dày đặc thì giá trị kiến trúc của Dinh Tỉnh trưởng, giá trị cảnh quan "viên ngọc xanh" Đồi Dinh chẳng còn gì.
Với những di tích chưa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa như trường hợp Khu Hòa Bình và nhiều công trình ở trung tâm Đà Lạt, cần thấy rằng đó là do nhà quản lý chậm trễ trong nhận thức và hành xử. Giá trị của di sản đô thị là khách quan, vì vậy việc định vị và tái định vị giá trị di sản của khu vực này và những công trình ở đó cần khẩn trương thực hiện. Nhưng trước khi các di sản có được sự công nhận bằng văn bản hành chính thì việc quy hoạch khu vực này tác động thế nào đến các công trình cổ xưa ở đây là điều chính quyền phải cẩn trọng xem xét.
Thành phố Đà Lạt đang hướng đến việc tạo nên thương hiệu là một "đô thị di sản". Bản sắc của Đà Lạt nằm ở hệ thống di sản đô thị độc đáo, "hồn vía" của Đà Lạt được hình thành và lưu giữ từ mối liên hệ chặt chẽ của các đặc trưng : thành phố ngàn hoa, thành phố du lịch, nghỉ dưỡng, nghệ thuật, thành phố của quy hoạch và công trình kiến trúc đặc sắc, thành phố trung tâm cao nguyên. Đó là những "ADN" cần được "bảo tồn để Đà Lạt vẫn là chính nó ! Dinh Tỉnh trưởng, cảnh quan Đồi Dinh và những công trình kiến trúc đặc sắc đã trở thành một "dấu chỉ" tạo nên thương hiệu của Đà Lạt, thu hút du khách và góp phần phát triển kinh tế - du lịch bền vững.
Nguyễn Thị Hậu
Nguồn : Doanh Nhân, 13/11/2021
Dự án xây dựng khách sạn tại Đồi Dinh, thành phố Đà Lạt đang gặp sự phản đối ngày càng mạnh ở Việt Nam, đặc biệt là từ giới kiến trúc sư.
Từng là nơi ở và làm việc của các tỉnh trưởng trước đây, nằm trên một ngọn đồi ở trung tâm thành phố, Dinh tỉnh trưởng là một trong những kiến trúc do người Pháp xây dựng sớm nhất và được xem là một trong những công trình đẹp ở Đà Lạt. Khu vực Dinh tỉnh trưởng này rộng gần 17.000m2, riêng dinh tỉnh trưởng là một kiến trúc đẹp với diện tích hơn 1.500m2. Đồi Dinh có thể nói là nơi duy nhất ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt có diện tích đất lớn, vị trí cao và đẹp nhất. Đồng thời, đây cũng là không gian xanh quan trọng bên cạnh đồi Cù.
Trả lời phỏng vấn RFI qua điện thoại ngày 23/09/2020, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, một luật sư có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại Châu Á và Bắc Mỹ, nêu lên giá trị lịch sử và kiến trúc của khu Hòa Bình nói chung và Đồi Dinh nói riêng :
"Thành phố Đà Lạt phát triển từ cuối thế kỷ 19 và đến khoảng những năm 1930-1940, bắt đầu hình thành hai khu trung tâm : khu trung tâm phố Pháp, nằm dọc theo đường Yersin, bây giờ là đường Trần Phú và khu trung tâm phố Việt, nối liền khu Hòa Bình và ấp Ánh Sáng. Đến nay, hai khu này là hai khu di sản.
Khu Hòa Bình là khu trung tâm phố Việt, còn Đồi Dinh là một trong những điểm chính của khu Hòa Bình, là đồi cao nhất ở khu vực này, có tầm nhìn thoáng ra các phía của Đà Lạt. Thứ hai, trên đây người ta có xây một dinh cho tỉnh trưởng, rất nhiều đời tỉnh trưởng, từ thời Pháp, cho đến thời Việt, cho đến năm 1975. Bây giờ dinh này là một công trình di sản.
Cụm thứ hai là khu chợ Đà Lạt. Lúc trước có chợ cũ, nằm trên rạp Hòa Bình hiện nay, sau đó xây khu chợ mới ở phía dưới thì chợ cũ này biến thành rạp hát Hòa Bình. Rạp này cũng có quảng trường chung quanh, với những khu phố chợ dọc theo khu Hòa Bình. Về khu chợ mới ở phía dưới thì ban đầu chỉ là một chợ mới. Khi cha tôi là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ về nước, thì một trong những công trình đầu tiên mà ông đóng góp cho Việt Nam, đó là công trình ở Đà Lạt. Thứ nhất là chỉnh trang lại khu Hòa Bình, trong đó chợ là cái điểm nhấn, thành ra ba tôi đã có điều chỉnh một số kiến trúc bên ngoài và bổ sung một số căn phố lầu chung quanh, thiết kế thêm quảng trường dẫn vào chợ và những cầu nối từ khu trên cao, qua chợ và xuống dưới thấp. Ba cụm này có ba chức năng và liên kết với nhau, hình thành khu trung tâm của Hòa Bình và có tầm nhìn thoáng về phía Hồ Xuân Hương.
Đồi Dinh có vai trò rất quan trọng. Thứ nhất đây là nơi có những rừng cây long não, rừng cây thông chung quanh và có một công trình di sản. Bản thân Đà Lạt đã từng công nhận đây là một biệt thự loại một, tức là phải bảo tồn nguyên trạng như là một di sản. Thứ hai, trong mấy chục năm qua, khu Hòa Bình đã phát triển rất là mạnh, chung quanh đã xây nhà bê tông mái bằng, trắng xóa hết rồi, thì đây là không gian xanh còn sót lại của khu trung tâm Hòa Bình, cần phải giữ lại. Nó có tiềm năng trở thành một khu vực phục vụ cho người dân, có thể cải tạo Dinh tỉnh trưởng thành một cụm gồm có bảo tàng, nhà cộng đồng, những chổ để ngắm cảnh, nối xuống những khu đường đi bộ, nối xuống những khu vực như chợ Đà Lạt, rạp Hòa Bình, những khu phố".
Tuy Đồi Dinh có giá trị như thế, trong khuôn khổ kế hoạch quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình, chính quyền thành phố Đà Lạt lại dự kiến sẽ xây một khách sạn và tổ hợp thương mại trên đồi này. Kể từ ngày 14/08/2020, 3 phương án kiến trúc khách sạn có quy mô đến 10 tầng tại khu vực Đồi Dinh được trưng bày để lấy ý kiến rộng rãi của người dân ở thành phố Đà Lạt, nhưng nhiều kiến trúc sư, trong đó có ông Ngô Viết Nam Sơn, đã có ý kiến không đồng tình với cả 3 phương án nói trên. Ông giải thích lý do :
" Các nhà đầu tư có những đề xuất mà mình cảm thấy hấp dẫn, hiện đại hơn, xây dựng những công trình mới thì có thể đem lại lợi ích. Nhưng từ góc độ chuyên môn của một kiến trúc sư, tôi thấy những chuyện mà các nhà đầu tư đề xuất thì mình hoàn toàn có thể đạt được : nâng cao đời sống, đem lại thu nhập và cải thiện bộ mặt của trung tâm. Những công trình cao tầng, có khối tích lớn như vậy trên đỉnh đồi sẽ phá hỏng hết cảnh quan mà thành phố Đà Lạt đã đạt được trong hơn 100 năm qua.
Tôi làm việc với quốc tế, có nhiều kinh nghiệm nên có thể đưa ra những điển cứu, ví như khu phố cổ Montréal, Canada hay khu phố cổ thành phố Quebec, Canada,... Những khu đó được bảo tồn, chỉnh trang, với mức vốn đầu tư không cao, nhưng đã trở thành khu hấp dẫn nhất thành phố. Đà Lạt cũng như vậy : nếu chúng ta coi trọng việc bảo tồn và chỉnh trang khu Hòa Bình, thì nó sẽ đem lại những giá trị bền vững hơn cho Đà Lạt.
Từ tháng 3/2019, thành phố Đà Lạt im lặng cho đến nay, thì mới đây, hơn một tháng rồi, lại đưa ra triển lãm 3 dự án mới trên Đồi Dinh, giống như là bước hai của quy hoạch mà năm ngoái đã bị phản đối, coi như không nói gì hết, cứ im lặng mà làm, cho nên đã làm dấy lên một làn sóng phản đối thứ hai, còn mạnh hơn lần trước. Rất hy vọng là lần này lãnh đạo địa phương sẽ lắng nghe nghiêm túc hơn".
Nhưng nếu không thể chấp nhận dự án xây khách sạn và các công trình cao tầng khác trên Đồi Dinh, thì khu vực này nên được chỉnh trang như thế nào để bảo toàn được di sản kiến trúc, nhưng vẫn tạo ra được một khu trung tâm khang trang hơn, tương xứng với tầm vóc của một thành phố du lịch ? Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn so sánh cái mà ông gọi là tư duy "bảo tồn, chỉnh trang" với tư duy "địa ốc" :
"Thứ nhất, về mặt pháp lý, tư duy "địa ốc" sai với quy hoạch chung của Đà Lạt mà thủ tướng đã phê duyệt, gọi là quy hoạch 704. Quy hoạch 704 nói rất rõ đây là khu đô thị trung tâm lịch sử. Có chữ "lịch sử", thì phải hiểu là bảo tồn, chứ không phải là hiện đại hóa nó, xóa trắng nó.
Thứ hai, về tác động lịch sử, dự án này xóa bỏ giá trị của khu phố Việt và trân trọng khu phố Pháp. Nếu như chỉ được chọn một trong hai, thì thà là giữ phố Việt, bỏ phố Pháp.
Thứ ba là tác động môi trường. Hạ tầng cơ sở của khu Hòa Bình đang rất là yếu kém, chỉ đủ phục vụ cho mật độ xây dựng và tầng cao như hiện trạng. Chúng ta có thể nâng cấp lên chút ít. Nhưng với dự án địa ốc, chúng ta sẽ nâng mật độ lên gấp nhiều lần, tạo nên gánh nặng mới cho hạ tầng. Việc bê tông hóa nhiều, xây dựng nhiều nhà kính sẽ làm thay đổi hoàn toàn tác động môi trường ở đây. Có thể thấy trước là sương mù sẽ mất luôn, khu vực sẽ nóng lên và có nguy cơ trở nên ngập. Chuyện ngập ở Đà Lạt xưa nay chưa bao giờ có, nhưng bây giờ đã xảy ra rồi, đó là do việc xây dựng xóa sạch những khu vực có cây xanh tự nhiên để bê tông hóa.
Đề xuất hiện nay là chặt gần hết cây trên Đồi Dinh để xây khách sạn, giảm mạnh không gian xanh. khu quảng trường ở dưới cũng chặt nhiều cây cổ thụ, xây tầng hầm để xe cá nhân, cũng sẽ làm bít hết các ngõ thoát nước. Như vậy, trong tương lai khu này có thể sẽ bị ngập. Khi chúng ta chỉnh trang thì sẽ không tạo ra áp lực này.
Thứ tư là tác động kinh tế. Làm dự án địa ốc này thì sẽ tăng diện tích sàn dịch vụ thương mại, đổi lấy cái giá là phá bỏ di sản.
Khi chúng ta chỉnh trang những khu vực, những khu phố chung quanh, thì chúng ta tạo điều kiện cho những khu phố này thành phố đi bộ và phía dưới có thể làm dịch vụ thương mại, phía trên có thể là nơi ở, hoặc nguyên tòa nhà có thể làm khách sạn.
Chúng ta vẫn có thể đạt được 1.000 phòng mà không cần xây khách sạn 10 tầng, mà làm các khách sạn mini, khách sạn homestay, thì nó phù hợp hơn với tỷ lệ của khu Hòa Bình.
Cao tầng hóa các khu nhà chung quanh sẽ tạo ra một áp lực rất lớn lên hạ tầng. Điện không đủ, sẽ bị cúp điện, nước không đủ cấp, thoát nước không kịp thì sẽ ngập. Như vậy, nó sẽ tạo ra một gánh nặng cho thành phố, sẽ phải chi rất nhiều cho việc nâng cấp hạ tầng. Thành phố không có lợi bao nhiêu hết, mà cái lợi chủ yếu rơi vào các nhà đầu tư.
Ngược lại, khi ta chỉnh trang thì cái lợi này cao hơn, nhưng rơi vào túi của người dân địa phương, tại vì khi họ làm các doanh nghiệp phát triển lên, tất nhiên là họ giàu lên và đóng thuế cho thành phố nhiều hơn, thành phố cũng được lợi.
Chưa nói đến chuyện là khi chúng ta cho phép xây dựng các khách sạn lớn, những trung tâm dịch vụ thương mại ở khu Hòa Bình, nó sẽ tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh. Có thể là tiềm lực của những nhà đầu tư lớn, họ có thể thậm chí hạ giá, làm cho các doanh nghiệp nhỏ chung quanh bị phá sản. Rồi họ sẽ thu góp những doanh nghiệp phá sản này. Dần dần, người dân địa phương đang là chủ bổng trở thành người đi thuê.
Rất nhiều thành phố Châu Âu, đặc biệt là những thành phố di sản, cấm xây dựng những khách sạn cao tầng, hiện đại, không cho xây các shopping mall trong khu trung tâm di sản, để bảo vệ doanh nghiệp địa phương, cũng như bảo vệ cảnh quan địa phương".
Chưa biết là chính quyền thành phố Đà Lạt có sẽ từ bỏ dự án khách sạn trên Đồi Dinh hay không, nhưng trước mắt họ đã nhờ Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế để lắng nghe các ý kiến các chuyên gia về việc điều chỉnh quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình. Hội thảo dự kiến diễn ra trong tháng 10/2020.
Trước mắt, giới chuyên môn ở Việt Nam trong nhiều tuần qua đã không ngớt bày tỏ nỗi lo âu về tương lai của Đà Lạt, một thành phố mà không gian xanh không ngừng bị thu hẹp. Nỗi bức xúc này đã được thể hiện qua cuộc tọa đàm do tờ báo Người Đô Thị và tổ chức Save Heritage Vietnam đồng tổ chức vào ngày 1/9, với sự tham gia của các nhà quy hoạch, kiến trúc sư, luật sư, nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện tổ chức/dự án về bảo tồn văn hoá, kiến trúc, di sản đô thị...., với nhiều tham luận của các diễn giả chuyên gia và khách mời có gắn bó và nghiên cứu sâu rộng về Đà Lạt. Bên cạnh nỗi lo bản sắc đô thị Đà Lạt tiếp tục bị hư hao sau những lần chỉnh trang, đô thị hoá..., là mối lo thành phố này đang đánh mất đi di sản, sẽ không còn đủ yếu tố để trở thành "đô thị di sản", nếu cứ tiếp tục phá bỏ những biệt thự có giá trị kiến trúc cần bảo tồn, như Dinh tỉnh trưởng.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 28/09/2020