Thanh Phương, RFI, 01/02/2022
Theo hãng tin AFP hôm 31/01/2022, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Noeleen Heyzer đã đề nghị một "cuộc họp nhân đạo" với phần lớn các bên có liên quan đến xung đột ở nước này.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Noeleen Heyzer (trái) gặp thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-ocha (phải) tại Bangkok, ngày 17/01/2022 để bàn giải quyết khủng hoảng ở Miến Điện, AP
Theo bà Heyzer, từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, bạo lực "đã không ngừng gia tăng và lan rộng". Trong một cuộc họp báo trực tuyến, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện cho biết, tính đến cuối năm 2021, hơn 320.000 người vẫn còn tản cư trong nước để lánh nạn. Từ đó đến này, con số này đã lên tới 400.000. Bà đề nghị một thời gian tạm ngưng "vì lý do nhân đạo" tại các vùng có xung đột để quốc tế "có thể vận chuyển khẩn cấp viện trợ nhân đạo một cách hiệu quả và chắc chắn".
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc nhận định, chuyến thăm đầu tháng 1 của ông Hun Sen, thủ tướng Cam Bốt, quốc gia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã góp phần vào việc phát triển ý định tổ chức một "cuộc họp nhân đạo" nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo, như được dự trù trong bản "Đồng thuận 5 điểm" mà ASEAN thông qua vào tháng 4 năm ngoái để giải quyết khủng hoảng Miến Điện.
Cho tới nay, kế hoạch này của ASEAN hầu như không được thực hiện và đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện cũng không nói là cuộc họp "nhân đạo" nên được tổ chức khi nào và ở đâu.
Trong khi đó, trao đổi với đài truyền hình Nhật NHK hôm qua, đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc Kyaw Moe Tun đã kêu gọi sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc.
Ông Kyaw Moe Tun đã được bổ nhiệm làm đại diện tại Liên Hiệp Quốc của chính phủ Miến Điện được bầu lên một cách dân chủ. Sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, tập đoàn quân sự Miến Điện đã tìm cách bãi nhiệm ông, nhưng các lãnh đạo Liên Hiệp Quốc vẫn xem ông là đại diện chính đáng của Miến Điện ở Liên Hiệp Quốc, nên cho phép ông ở lại chức vụ đại sứ.
Theo ông Kyaw Moe Tun, thế giới không quan tâm nhiều đến Miến Điện, trong khi tình hình tại đây nghiêm trọng không kém gì ở Ukraine hay Afghanistan. Đại sứ Kyaw Moe Tun khẩn cầu các lãnh đạo quốc tế can thiệp để cứu người dân Miến Điện.
Thanh Phương, RFI, 01/02/2022
Một năm sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, quốc tế gia tăng áp lực với chính quyền quân sự Rangun. Nhưng áp lực đó sẽ vẫn không đủ để buộc được các tướng lãnh đang cầm quyền chấm dứt bạo lực đối với thường dân.
Một năm sau đảo chính, chính quyền quân sự Miến Điện bất chấp trừng phạt quốc tế tiếp tục dùng vũ lực trấn áp trong nước. Ảnh : Tướng đảo chính Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền Miến Điện phát biểu trước chính phủ, ngày 1/02/2022. AP
Theo hãng tin AFP, Hoa Kỳ, phối hợp với Anh Quốc và Canada, hôm qua đã ban hành các trừng phạt tài chính đối với 7 nhân vật và 2 thực thể "có liên hệ với chế độ quân sự Miến Điện". Theo thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ, trong số những nhân vật này có các quan chức cao cấp nhất của ngành tư pháp Miến Điện, như chưởng lý Thida Oo, chánh án Tòa án Tối cao Tun Tun Oo và người đứng đầu ủy ban chống tham nhũng Tin Oo.
Trong một thông cáo khác, tổng thống Joe Biden đã mạnh mẽ tuyên bố : "Khi nào mà chế độ vẫn còn tước bỏ tiếng nói dân chủ của người dân, chúng tôi sẽ còn buộc phe quân sự và những người ủng hộ họ phải trả giá đắt".
Về phần mình, trong một thông cáo, ngoại trưởng Anh quốc Liz Truss cũng cam kết Luân Đôn "sẽ luôn bảo vệ quyền được tự do, dân chủ và Nhà nước pháp quyền. Cũng như những quốc gia khác chia sẻ các giá trị đó, chúng tôi sẽ buộc chế độ tàn bạo, áp bức này phải trả giá đắt".
Bên cạnh các trừng phạt của Hoa Kỳ và Anh Quốc, Liên Hiệp Quốc cũng gia tăng áp lực lên tập đoàn quân sự qua bản thông cáo của ông Nicholas Koumjian, người đứng đầu Cơ chế Liên Hiệp Quốc điều tra độc lập về Miến Điện. Trong thông cáo được hãng tin AFP trích dẫn, ông Koumjian khẳng định : "Những thông tin nhận được vào năm ngoái cho thấy hơn 1.000 người đã bị giết trong những hoàn cảnh có thể được xem là tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh".
Cơ chế điều tra độc lập về Miến Điện đã được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lập ra vào tháng 09/2018, với nhiệm vụ lập các hồ sơ để tạo điều kiện dễ dàng cho việc tiến hành các thủ tục truy tố hình sự những kẻ gây các tội ác nói trên. Trong bản thông cáo, ông Koumjian cảnh cáo tập đoàn quân sự Miến Điện : "Tư pháp quốc tế rất khó quên và một ngày nào đó, các thủ phạm của những tội ác quốc tế trầm trọng nhất ở Miến Điện sẽ phải trả lời trước pháp luật".
Nhưng những trừng phạt mới, cũng như những tuyên bố của các lãnh đạo phương Tây hay của các quan chức Liên Hiệp Quốc không chắc là sẽ buộc được tập đoàn quân sự ngưng đàn áp dã man những người phản đối đảo chính. Lý do đơn giản chỉ là vì giới tướng lãnh cầm quyền tại Miến Điện đã quá quen với các trừng phạt của quốc tế, cho nên quân đội vẫn cảm thấy họ có thể phạm bất cứ tội ác nào mà không sợ bị đưa ra pháp luật.
Những trừng phạt, những tuyên bố nói trên của phương Tây và của Liên Hiệp Quốc không che lấp được sự bất lực, hay nói đúng hơn là sự thụ động của cộng đồng quốc tế trước khủng hoảng Miến Điện.
Một năm sau cuộc đảo chính quân sự, những lời kêu gọi hành động của quốc tế ngày càng khẩn thiết, đặc biệt là từ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, tập hợp các chính khách của chính quyền bị các tướng lãnh lật đổ. Tuyên bố với đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera hôm nay, ngoại trưởng của chính phủ này, ông Zin Mar Aung, tỏ vẻ bất bình : "Thế giới chẳng làm gì cả ngoài việc ngồi và nhìn". Theo lời ông Zin Mar Aung, bạo lực ngày nay ở Miến Điện còn kinh khủng hơn cả những thập niên đen tối dưới các chế độ quân sự thời những năm 1980 và 1990.
Ông tố cáo : "Sự tàn ác không giảm đi, mà lại gia tăng. Bây giờ họ không còn làm lén lút nữa, mà làm công khai. Nếu không có một sự can thiệp thực tiễn và hiệu quả của cộng đồng quốc tế, bạo lực sẽ tiếp diễn".
Ngay chính Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet hôm qua cũng đã chỉ trích phản ứng của quốc tế là "không hiệu quả", "không mang tính chất khẩn cấp tương ứng với tầm mức của khủng hoảng". Theo bà Bachelet, đã đến lúc thế giới "phải cấp tốc có nỗ lực mới để tái lập nhân quyền và dân chủ ở Miến Điện và đưa ra xét xử những kẻ vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống".
Theo đài Al Jazeera, Fortify Rights, một tổ chức hoạt động ở Miến Điện từ năm 2013, đã kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành lệnh cấm vận vũ khí đối với Miến Điện, nhưng giám đốc khu vực của tổ chức này Ismail Wolff cho rằng rất khó mà có sự đồng thuận của Hội Đồng Bảo An, do Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực, chắc chắn sẽ sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ một nghị quyết như vậy.
***********************
Trọng Thành, RFI, 01/02/2022
Chính quyền quân sự Miến Điện đàn áp ngày càng khốc liệt, nhưng dân chúng vẫn tiếp tục tìm ra các hình thức phản kháng mới. Tròn một năm cuộc đảo chính, hôm 01/02/2022 những người phản kháng đã tổ chức một cuộc "đình công thầm lặng" tại nhiều thành phố.
Một trục phố ở Rangoon vắng lặng trong này 01/02/2022 vì đình công. AP
Trước dịp kỉ niệm hôm nay, chính quyền đã đe dọa bắt các doanh nghiệp đình công phải đóng cửa, và cảnh báo là những người tham gia vào các cuộc tập hợp ồn ào hoặc các hoạt động "tuyên truyền" chống quân đội có thể bị cáo buộc tội phản quốc hoặc khủng bố. Cách đây ít hôm chính quyền quân sự ra luật đe dọa khép vào tội "phản quốc" đối với những người tham gia biểu tình chống quân đội.
Tuy nhiên, lời kêu gọi đình công do các lực lượng chống tập đoàn quân sự đã được dân chúng khắp nơi nghe theo, từ bang Shan (miền đông) đến bang Kachin (miền bắc) hay ở thành phố Mandalay (miền trung), thành phố lớn thứ hai đất nước. Hôm nay, Rangoon, thủ phủ kinh tế Miến Điện, hoang vắng, rất nhiều cửa hàng đóng cửa. Một cư dân Mandalay cho AFP biết, "tại khu tôi ở, không ai ra ngoài, các lực lượng an ninh tuần tiễu khắp nơi". Một nhà đối lập viết trên Twitter : "im lặng là tiếng kêu mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có thể đưa ra để chống lại quân đội và các đàn áp đẫm máu của họ".
Các thông tín viên của AFP và người dân địa phương cho biết, vào lúc 4 giờ 30 chiều, giờ địa phương, người dân tại thủ phủ kinh tế Rangoon và thành phố Mandalay đã đồng loạt vỗ tay. Loạt vỗ tay đánh dấu "cuộc đình công thầm lặng" chống đảo chính kết thúc.
Sáng hôm nay, truyền thông địa phương cũng cho thấy tại Rangoon và Mandalay, xuất hiện một số cuộc tập hợp chớp nhoáng. Người biểu tình giương biểu ngữ ủng hộ dân chủ, và đốt pháo sáng rồi giải tán.
Triển hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng
Theo trang mạng Nhật Bản NHK, chính quyền quân sự đã thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng, vốn đã hết hạn từ hôm 31/01. Theo NHK, với quyết định như trên, dự kiến tình trạng thiết quân luật có thể kéo dài đến cuối năm nay.
Giới tướng lĩnh dự kiến tổ chức bầu cử vào tháng 8/2023. Việc kéo dài này sẽ cho phép tập đoàn quân sự chuẩn bị kỹ càng hơn cho cuộc bầu cử, để hy vọng củng cố quyền lực.
Tuy nhiên, tình hình Miến Điện ngày một căng thẳng. Chuyên gia về dân chủ và nhân quyền ở Đông Nam Á Catherine Renshaw, giảng viên Đại học Sydney, cảnh báo nguy cơ "nội chiến trên quy mô lớn", "Miến Điện đang bên bờ sụp đổ", "mỗi tuần trôi qua, những thống khổ ngày một lớn, những oán trách tích tụ, ngờ vực giữa quân đội và đối lập gia tăng".
Liên Hiệp Quốc điều tra về "tội ác chống nhân loại"
Hôm nay, người đứng đầu cơ chế điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, ông Nicholas Koumjian, cho biết đang tập hợp nhiều bằng chứng liên quan đến các cáo buộc "tội ác chống nhân loại hoặc tội ác chiến tranh" tại Miến Điện. Lãnh đạo cơ chế điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, hơn 1.000 người bị giết hại, kể từ đảo chính đến nay, có thể là nạn nhân của các tội ác nói trên.
Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Thomas Andrews cáo buộc tập đoàn quân sự Miến Điện là "một cỗ máy giết người". Theo chuyên gia của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, việc Hội Đồng Bảo An không ra được nghị quyết cấm vận hoàn toàn vũ khí với Miến Điện trong năm qua, trong lúc các vũ khí vẫn tiếp tục được đưa vào Miến Điện, giết hại bao nhiêu người vô tội, "đây là điều không thể chấp nhận được".
Trọng Thành
**********************
Phan Minh, RFI, 31/01/2022
Ngày 01/02/2022, Miến Điện đánh dấu một năm cuộc đảo chính của quân đội do Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing dẫn đầu. Nhân dịp này, phong trào kháng chiến chống chính quyền quân sự đã kêu gọi dân chúng thực hiện một "ngày tĩnh lặng", tức là ở trong nhà để bày tỏ sự bất bình của mình một cách ôn hòa.
Người biểu tình trong cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự tại Rangoon, Miến Điện, 17/02/2021. Reuters - Stringer
Từ Rangoon, thông tín viên Juliette Verlin tường trình :
Đây không phải là "ngày tĩnh lặng" đầu tiên được tổ chức kể từ sau cuộc đảo chính, và mỗi lần kịch bản đều giống nhau : từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, cư dân ở nhà, đường phố vắng tanh, cửa hàng đóng cửa. Đây là thời điểm gây ấn tượng mạnh tại một thành phố lớn như Rangoon, nơi mà người dân đã quen với tắc đường, tiếng còi xe buýt và vô số chợ trên đường phố.
Mọi người sẽ tưởng rằng các nhóm kháng chiến có vũ trang, trong đó một số hoạt động ở Rangoon, sẽ lợi dụng sự vắng mặt của người dân để tấn công cảnh sát hoặc các định chế của chính quyền quân sự, nhưng trên thực tế đường phố vắng tanh và quân đội rất căng thẳng vào những ngày quan trọng như thế này . Do đó, nhìn chung, mọi người nên thận trọng làm theo hướng dẫn và ở nhà. Vào "ngày tĩnh lặng" gần đây nhất hôm 10 tháng 12 vừa rồi, một nhiếp ảnh gia tự do, Soe Naing, đã bị bắt khi đang chụp ảnh trên những con phố vắng, và anh ta là nhà báo đầu tiên bị giết trong lúc bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính.
Người ta có thể hiểu rằng tại sao mọi người sẽ quyết định ở trong nhà. Những người tôi đã gặp trong những ngày gần đây đều có cùng một suy nghĩ : rõ ràng là họ mong muốn có một điều gì đó xảy ra bởi ngày 1 tháng 2 là một ngày quan trọng, và một cuộc tấn công của phe kháng chiến vào ngày hôm đó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới quân đội rằng sau một năm, họ vẫn không hoàn toàn kiểm soát được đất nước - nhưng những người này cũng nói rằng họ không ngây thơ và họ biết rằng điều đó thực sự quá nguy hiểm.
Phan Minh