Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Những ngày qua, thông tin về Giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB của Trung Quốc hoạt động tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ khiến cho nhiều ngư dân Việt Nam không tránh khỏi tâm lý lo lắng cho mỗi chuyến ra khơi sắp tới nếu bị phía tàu Trung Quốc gây khó khăn…

ngudan1

Một ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắn chết nhưng chính quyền Việt Nam vẫn câm lặng cho tới nay. 

Trước những thông tin đang "nóng" trên Biển Đông liên quan đến giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB hoạt động tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam Thời Báo (VNTB) có dịp tiếp xúc với một số ngư dân ở Đà Nẵng thì được biết tàu thuyền của bà con đánh bắt xa bờ chủ yếu là đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ. Nhìn chung hiện tại, chuyến ra khơi đầu năm của bà con đều gặp những thuận lợi nhất định, mỗi chuyến đi về có con cá, con mực… cũng đủ trang trải và có dư. 

Một thuyền trưởng tên Lại chia sẻ với VNTB, để chuyến đi đầu năm được thuận lợi thuyền của anh đã có khoảng thời gian chuẩn bị trước Tết Nguyên đán 2019 rất kỹ lưỡng từ khâu kinh phí, ngư cụ và lao động….

"Thuận lợi là lao động mình làm cả năm nên đã chuẩn bị tinh thần trước cho anh em. Đầu năm xuất quân là anh em lao động xuống đi với mình mà thôi".

"Cũng có khó khăn như kinh phí mình đi làm ăn, nhiều lúc lao động kinh tế thiếu hụt thì mình phải chuẩn bị hết để họ có tinh thần cho chuyến đi đầu năm được may mắn".

ngudan0

Đánh bắt cá xa bờ là điểm cần được nhấn mạnh trong tình hình căng thẳng trên Biển Đông do các hành vi ngang ngược của Trung Quốc, gây khó khăn cho hoạt động đánh bắt của ngư dân.

Khi VNTB hỏi một số bà con có theo dõi thông tin về sự kiện giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB hoạt động tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ vào mấy ngày nay hay không, nhiều bà con ngư dân nói có theo dõi qua báo đài và bày tỏ không ít lo lắng bởi vì bình thường những chuyến ra khơi của bà con cũng đã gặp không ít khó khăn, trở ngại từ tàu thuyền nước ngoài mà phần lớn là tàu thuyền đến từ Trung Quốc. Đó là chưa nói, vào tháng 5 tới đây thời điểm áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông do phía Trung Quốc đơn phương áp đặt từ hơn 10 năm nay chắc chắn thời gian tới, với sự hiện diện của giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ tuy hiện nay chưa cho thấy có chuyện đáng tiếc gì xảy ra nhưng bà con dự kiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn hơn trước. 

Ông T, một ngư dân đánh bắt gần bờ ở Đà Nẵng chia sẻ với VNTB là ông có người thân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa qua lời kể là những lần đánh bắt đã chứng kiến không ít lần tàu thuyền của bà con ngư dân Việt Nam bị tàu thuyền phía Trung Quốc ăn hiếp. Ông T chia sẻ :

"Ở ngoài ấy hả ? Tôi có người thân đánh bắt ở ngoài ấy, tàu của mình bị ăn hiếp hoài luôn. Đảo của mình mà họ tới đuổi đi, ví dụ chuyến đi gặp gió bão mình vào đảo tránh thì họ tới họ đuổi mình. Họ ăn hiếp mình, có hồi họ đòi đánh mình . Họ không cho mình tránh. Người thân của tôi về kể là tụi họ ghê lắm".

Và trong lần trao đổi với thuyền trưởng Lại, thuyền trưởng Lại nói nhìn chung là tàu thuyền Việt Nam và Trung Quốc cùng đánh bắt chung ở vùng Biển Đông, đôi bên cũng có những lần xâm phạm vùng biển đối phương nên có va chạm là không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc tàu thuyền Việt Nam bị tàu thuyền Trung Quốc ngăn cản, cắt lưới, đánh đập là chuyện xưa nay đã xảy ra quá nhiều. Thuyền trưởng Lại chia sẻ :

"Nhiều khi cũng có. Nhiều khi bất thình gặp vì họ cũng làm nghề như mình thôi nhưng họ có thể ngăn cản mình trong khu vực họ làm. Nhiều lúc họ vào vùng biển của mình, đường đi của mình nhiều lúc bị họ cản họ không cho làm. Phía Trung Quốc họ làm chủ yếu nghề rập, khi họ bủa là không có đích để mình tránh đi được hết. Nhiều lúc mình đang trên đường đi làm của mình thì họ đến cản không cho mình làm, cũng nhiều nghề bị cản lắm chứ không phải là không. Mình ít va chạm với họ bởi vì khi họ tới họ cản có thể họ cắt lưới của mình. Ghe thuyền của mình thì nó nhỏ hơn họ nên nhiều lúc mình phải tránh xa họ".

Mỗi chuyến ra khơi của bà con thường kéo dài từ 15-20 ngày hoặc một tháng, kinh phí nếu tính luôn dầu và ăn uống cỡ khoảng từ 100 triệu đồng trở lên. Nếu chuyến đi thuận lợi thì bà con còn lời lãi nhưng nếu kém may mắn gặp thời tiết không thuận lợi hoặc gặp khó khăn từ tàu thuyền nước ngoài thì thua lỗ thậm chí là tán gia bại sản, nợ nần.

Thuyền trưởng Lại và ông T ngư dân thừa nhận, lực lượng bảo vệ vùng biển Việt Nam cũng có giúp đỡ cho bà con khi đánh bắt xa bờ gặp khó khăn chứ không phải không có. Ông T nói :

"Giúp chớ. Mà những chuyện lớn, họ làm hung làm dữ thì mình mới đi nhờ lực lượng bảo vệ vùng biển Việt Nam chứ không làm hung làm dữ thì mình cũng thôi, điện nhờ giúp làm gì".

Trở lại sự kiện Giàn khoan khoan Đông Phương 13-2 CEPB của Trung Quốc hoạt động tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ, trả lời báo đài Việt Nam vào buổi họp báo ngày 11/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin về việc giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB của Trung Quốc sẽ được đưa vào Vịnh Bắc Bộ.

Giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB là giàn khoan ngoài khơi lớn thứ hai của Trung Quốc được sản xuất bởi Công ty kỹ thuật dầu khí Chu Hải COOEC của Trung Quốc. Trọng lượng nổi của giàn khoan là 17.247 tấn. Hiện tại vị trí Giàn khoan này được xác định là có mặt rất sát với đường phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Vào tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm vùng biển Việt Nam tại Biển Đông, người dân Việt Nam từ rất nhiều tỉnh thành đã xuống đường biểu tình phản đối rầm rộ.

Minh Hải

Nguồn : VNTB, 14/04/2019

Published in Diễn đàn