Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lộ Diêu : Dân chọn hay chính quyền đã chọn ?

Tuấn Khanh, RFA, 31/05/2023

Câu chuyện bãi biển Lộ Diêu đẹp mê hồn ở xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, nay mai rồi sẽ bị san, dời để làm chỗ cho nhà máy luyện gang thép đồ sộ Long Sơn, đang khiến khắp nơi người dân Việt ai nấy biết đến đều nhói lòng. Cái tên Lộ Diêu bắt đầu ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, được tò mò bàn tán về địa danh và thắng cảnh đẹp nguyên sơ : bởi lâu nay biển Lộ Diêu chưa được chính quyền dùng đến, quảng bá như một địa danh du lịch đặc biệt của Bình Định.

qua1

Bãi biển Lộ Diêu đẹp mê hồn ở xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định

Vùng biển nhỏ, hẻo lánh ở Bình Định có thể không tạo nhiều ấn tượng trên các dòng tin, về một đổi thay sống còn của thiên nhiên Việt Nam, và cả vận mệnh của hàng trăm con người đã chia nhau sống và gìn giữ từ hàng trăm năm trước. Thế nhưng, chỉ cần ví von, nếu đặt một nhà máy thép ở Đà Lạt hay Sapa, ắt mọi người sẽ hình dung của sức nặng ham muốn làm kinh tế, để đánh đổi cả quá khứ và tương lai của một địa danh là như thế nào.

Trước đây, Dự án nhà máy gang thép Long Sơn định đặt ở huyện Phù Mỹ, nhưng rồi lại đổi ý, chọn Lộ Diêu. Trong công văn của nhà đầu tư gửi tỉnh Bình Định, số 1219-1/LSPM-KHTT, điểm quan trọng nhất được nêu trong báo cáo là do Lộ Diêu địa hình đất gần núi, khối lượng san và lấp không nhiều phí tổn, so với Phù Mỹ. Bên cạnh đó còn nhiều thuận lợi chuẩn, hướng ra biển. Nói trắng ra, có nghĩa là nếu dựng ở Phù Mỹ thì tốn kém cho nhà đầu tư, hơn là ở Lộ Diêu.

Ngôn luận của nhà đầu tư, đem lại một sự lo sợ ngấm ngầm cho bất cứ ai có suy nghĩ nhạy cảm, đồng nghĩa là bất cứ bờ biển nào có lưng là núi, mặt là biển, đều là cơ hội cho các nhà máy thép. Trong đại lộ chen nhau chạy về phía trước để làm ra tiền của ở Việt Nam lúc này, bất chấp các dự báo và ưu tiên dân sinh, dường như mọi thứ đều đang nằm trong tầm ngắm của các nhóm đại tư bản tầm thu hoạch nhiệm kỳ.

Nhưng đáng sợ, là sự ủng hộ tha thiết đến khó tin của những người lãnh đạo tỉnh Bình Định, được nhìn thấy đến mức như đem tính mạng của mình ra đặt cược, dù trong ngôn luận bảo đảm của các quan chức, không có gì thuộc luận cứ khoa học được giới thiệu.

Trước đây vài tháng, cái tên Hồ Quốc Dũng là một cái tên xa lạ, hầu như với cả nước chẳng ai biết. Chỉ đến khi câu chuyện dự án lập một nhà máy thép khổng lồ ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn trở nên ồn ào, và ồn ào hơn nữa với các tuyên bố "bán mạng" của ông, thì mới rõ : Hồ Quốc Dũng, bí thư tỉnh ủy Bình Định.

Câu nói của ông Hồ Quốc Dũng chắc nịch, tuyên bố rằng sẽ không thể có ô nhiễm. "Người dân Lộ Diêu cứ yên tâm. Vì nhà máy thép có công nghệ tuần hoàn, nước thải không xả trực tiếp ra môi trường biển và có hệ thống lọc, khói bụi". Dĩ nhiên, là ông nói, chứ không hề là nhà đầu tư ra mặt nói. Nhưng cũng không có gì bảo đảm cho những ngôn luận đó, bởi ông Dũng chưa từng có trong tay một báo cáo thẩm định an toàn, nghiên cứu khoa học về tác động môi trường nào của nhà máy thép đó được đưa ra trước công luận và đưa ra cho các nhà khoa học mọi nơi góp ý.

Trong công văn trình cho Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Định, nhà đầu tư liệt trong mục 7, mười điểm liệt kê bảo vệ môi trường cũng chỉ là dự đoán, vì mọi thứ không có chi tiết hoạt động, công suất cụ thể, nguồn thải và cũng không có ai kiểm tra văn bản đó là bao nhiêu phần trăm xác thực. "Nếu sau này nhà máy thép có m3 nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Dự án sẽ bị dừng khi ảnh hưởng môi trường", ông Hồ Quốc Dũng nói và cho biết khói bụi của nhà máy cũng được thu gom để phục vụ cho lĩnh vực khác – tuy nhiên, ông không cho biết lĩnh vực khác, là lĩnh vực nào cần đến khói bụi. Mọi cam kết chắc nịch của ông, cũng mông lung như trong văn bản của nhà đầu tư.

Trong các tuyên bố với báo chí, ông Hồ Quốc Dũng liên tục nói "Tôi chịu trách nhiệm nếu nhà máy thép xả thải ra biển". Thật khó đoán, ông Dũng sẽ tự mình chịu trách nhiệm như thế nào với một dự án quy mô đến hơn 53 ngàn tỷ đồng mà chắc chắn sẽ không có sai sót ? Trong các câu chuyện người xưa để lại, các vị quan liêm chính khi quyết chọn thi hành một phương sách, đã nhận đổi cả tính mạng của mình nếu thất bại. Ông Hồ Quốc Dũng liệu có đem tính mạng của mình đặt ra vào lúc đó ?

Các vị quan chức tỉnh Bình tuyên bố là nếu lòng dân không thuận, sẽ không làm. Thế nhưng buổi giáp mặt với những người dân Lộ Diêu, vào sáng 30/5/2023, chính quyền đã không tìm được bất kỳ một lời ủng hộ nào. Nhưng thay vì đó là ý kiến cuối, chính quyền lại nói sẽ tìm cách thuyết phục thêm người dân. Rõ là sự đồng thuận của các quan chức trong phòng riêng với nhà đầu tư đã mang tính quyết định hơn cả. Cũng từ đó, ai quan sát câu chuyện Lộ Diêu cũng cảm thấy ngạc nhiên : Điều gì đến mức khiến ông Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cả quyết đứng che cho cả nhà đầu tư, tuyên bố bảo đảm, thể hiện khát vọng muốn làm bằng được việc cho phép nhà máy thép hoạt động ?

Trong buổi gặp mặt lấy ý kiến dân sáng 30/5, một bà cụ được dân trong thôn Lộ Diêu, gọi là Dì Hương, đã phát biểu đanh thép "Tôi muốn hỏi là hiện có một Đảng cộng sản hay hai đảng, đảng nào trước kia nói dân Lộ Diêu phải giữ đất giữ làng, một tấc không đi một ly không rời. Giờ đây đảng nào lấy đất của dân Lộ Diêu giao cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án mà không thông qua người dân ? ". Câu hỏi này không được chính quyền tỉnh Bình Định trả lời, nhưng chìm trong tiếng vỗ tay tán thưởng rầm rộ cả khu thảo luận. Điều đáng nói, trong lúc Dì Hương nói những lời minh bạch vậy, micro của Dì đột nhiên lúc có lúc không, một cách dễ hiểu.

Một nguời khác, được giới thiệu là chú Minh, khẳng định : "Chúng tôi không thể rời đi. Đó là ý kiến của tôi và có khi là ý kiến của một số bà con chung quanh đây, có phải không ?", ông quay lại hỏi trong tiếng vỗ tay và lại tán thưởng rầm rộ.

Tỉnh Bình Định đã nghe, đã biết, vậy nay vẫn còn muốn tổ chức thuyết phục người dân "chọn thép hay chọn cá" đến như thế nào nữa đây ?

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 31/05/2023

**************************

"Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế" – Nói thì hay, nhưng…

Song Chi, RFA, 31/05/2023

Lòng tham của quan chức cộng sản Việt Nam là vô đáy. Họ chỉ nhìn thấy TIỀN. Bất chấp tất cả.

moitruong1

Dự án xây dựng Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu

Dư luận đang hết sức lo ngại trước dự án xây dựng Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), nhất là người dân tại đây. Bởi vì nếu dự án này được xây dựng thì dự kiến toàn bộ 566 hộ dân ở thôn Lộ Diêu sẽ bị di dời đi chỗ khác, đồng thời môi trường, cảnh quan tại vùng biển hoang sơ đẹp tuyệt vời này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đáp lại những lo ngại đó, ông Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu trước dân Lộ Diêu : "Công nghệ luyện thép của Long Sơn hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường. Nếu sau này nhà máy thép có m3 nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Khói bụi của nhà máy cũng được thu gom để phục vụ cho lĩnh vực khác". ("Bí thư Bình Định : 'Tôi chịu trách nhiệm nếu nhà máy thép xả thải ra biển', Express).

Ai cũng thừa biết chịu trách nhiệm kiểu quan chức Việt Nam là như thế nào ! Một khi dự án đã được thông qua, tiền đã vào túi họ, thì 5, 10, năm và hơn nữa, nếu có hậu quả gì xảy ra, họ có còn ngồi trên những cái ghế đó để chịu trách nhiệm hay đã leo lên những vị trí cao hơn hoặc hạ cánh an toàn ở nước ngoài ? Có bao nhiêu lời hứa, lời cam kết hùng hồn rồi cũng đổ sông đổ biển của quan chức nước này ?

moitruong2

ông Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu trước dân Lộ Diêu

Người dân chắc vẫn chưa quên những bài học đắt giá với những dự án "khủng" lợi ít hại nhiều trước đây. Như vụ khai thác Bauxite ở Tây Nguyên chẳng hạn. Năm 2001, dự án khai thác Bauxite ở khu vực Tây Nguyên được Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam chuẩn thuận thông qua, bao nhiêu kiến nghị, thỉnh nguyện thư cùng phản ứng gay gắt từ giới khoa học, các chuyên gia môi trường, cũng như các nhân sĩ trí thức trong nước, cho rằng không thể tiến hành dự án bởi nhiều mối nguy về môi trường, xã hội, quốc phòng. Song đảng và nhà nước Việt Nam vẫn quyết làm, cam đoan sẽ không lỗ. Nhưng sau hai mươi mấy năm có ai thống kê rõ ràng Việt Nam được gì, mất gì từ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên ? Những cái hại dai đẳng thì thấy rõ, từ tình trạng hóa chất xút bị rò rỉ ra môi trường, ô nhiễm về khí, về bùn đỏ, về nguồn nước. Còn cái lợi về kinh tế thì như thế nào, vẫn chưa có sự hạch toán rõ ràng, minh bạch để nhân dân được biết. Đó là chưa nói điều mà ai cũng lo lắng, cảnh báo từ đầu là mối nguy có những hồ chứa bùn đỏ lớn trên độ cao 750 đến 800 mét như vậy, nếu có động đất hay vỡ đập thì cả một cơn lũ bùn đỏ sẽ trào ra, tai hai vô cùng.

Hay vụ nhà máy thép Formosa với sự cố ô nhiễm môi trường biển gây hải sản chết hàng loạt bất thường tại một số tỉnh miền Trung vào đầu tháng 4/2016 đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt đối với 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…

Có rất nhiều ví dụ trong những năm qua về những dự án đầu tư trong hàng loạt ngành nghề chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn môi trường như thép, nhiệt điện, thủy điện, hóa chất… Lần nào các ông quan chức từ cấp địa phương cho tới trung ương cũng cam kết "không đánh đổi môi trường lấy dự án", "kiên quyết đóng cửa nhà máy nếu gây ô nhiễm"... Năm 2016 khi hàng loạt vu ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, chính ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục đưa ra thông điệp mạnh mẽ "Kiên quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt". ("Thủ tướng : Không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi môi trường", Thương hiệu & Công luận). Nhưng rồi đâu vẫn vào đó.

Có những quyết định không hẳn chỉ vì Tiền mà vì những tính toán mang tính chính trị, duy ý chí cũng gây hậu quả thiệt hại trong những quyết định về kinh tế. Ví dụ như vụ nhà máy lọc dầu Dung Quất, ngay từ đầu đã chịu nhiều chỉ trích của quốc tế về địa điểm và giá trị của nó, nhưng chính phủ của ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó vẫn kiên quyết làm.

Ngoài việc 7.000 hộ gia đình phải tái định cư ở nơi khác trước năm 2015 để có chỗ cho khu kinh tế Dung Quất, tiếng động từ nhà máy đã làm cho cá ở vùng này ít hơn như nhận xét của một số người làm nghề đánh cá, thì hiệu quả kinh tế của nhà máy lọc dầu Dung Quất đến nay vẫn còn là một đề tài gây bàn cãi. Người dân chỉ thấy kể từ khi được đưa vào hoạt động, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã phải nhiều lần đóng cửa để sửa chữa, bảo trì, rồi cứ than lỗ hết năm này sang năm khác…

moitruong3

Vùng biển Lộ Diêu có khí hậu rất trong lành và ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Ảnh : Hoài Luân

Ai cũng biết, đánh đổi môi trường, chịu cái hại trăm năm không thể phục hồi để lấy cái lợi trước mắt về kinh tế (mà đã chắc gì là có lợi ?), là một sự tính toán hoàn toàn không khôn ngoan.

Có nhiều cách để phát triển kinh tế lâu dài, vững chắc mà vẫn bảo vệ được môi trường, vừa thay đổi một cách căn bản cuộc sống của người dân như kinh tế xanh, du lịch xanh… vừa giữ gìn tài sản thiên nhiên của đất nước cho các thế hệ tương lai. Nhưng quan chức cộng sản Việt Nam chỉ chọn Tiền. Mà không phải là Tiền cho dân cho nước mà Tiền vào túi họ, và phe cánh của họ. Cứ vơ vét được gì của đất nước là họ vơ vét, ăn được cái gì của dân là họ ăn. Họ chẳng từ cái gì.

Hậu quả là một mai khi chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản cai trị sụp đổ thì đất nước này, dân tộc này chỉ còn lại một bãi Rác và một đống Nợ.

Song Chi

Nguồn : RFA, 31/05/2023

Additional Info

  • Author Tuấn Khanh, Song Chi
Published in Diễn đàn