Các thủy thủ tàu ngầm gọi đáy biển là "dark sea", với những bí mật và những điều không thể gọi tên. Ở dưới đáy biển sâu, hầu hết mọi chuyện đều có thể xảy ra, nếu con người lặn xuống được dưới đó : biên giới không được kiểm soát, các quy định của thế giới cũng không được áp dụng.
Tàu ngầm tấn công của Hoa Kỳ. Ảnh minh họa US NAVY
Tuy nhiên, đáy đại dương lại rất giàu tài nguyên khoáng sản, khí đốt và dầu mỏ, vốn dĩ có thể khai thác được. Đáy biển sâu thăm thẳm, theo đúng nghĩa đen, cũng là nơi đặt các đường dây cáp viễn thông của thế giới.
Hơn 95% dữ liệu toàn cầu được truyền tải nhờ những tuyến cáp dưới đáy biển. Về mặt logic, quân đội của các cường quốc trên thế giới đều quan tâm và thấy cần kiểm soát những khu vực này. Trên đây là những nhận định trong bài viết "Đáy biển, chiến trường mới" của nhà báo Nicolas Barotte trên Le Figaro ngày 13/05/2021.
Mới đây, hồi tháng 01/2021, một khái niệm mới đã được cập nhật trong Tạp chí Chiến lược của Pháp : "Chiến tranh dưới đáy biển sâu", theo đó "Đáy biển ngày càng trở thành một địa bàn thể hiện tương quan lực lượng". Bộ trưởng Quân lực Pháp, Florence Parly, cũng đề cập đến vấn đề nói trên hồi đầu tháng 05/2021 và khẳng định quân đội Pháp sẽ đầu tư vào lĩnh vực mới dưới đáy biển, trước hết là về thiết bị không người lái thăm dò, giám sát và hành động. Trước đó, hồi tháng 04/2021, quân đội Anh thông báo một tàu giám sát mới của Hải quân Hoàng gia Anh dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024 để bảo vệ cáp ngầm và các cơ sở hạ tầng khác.
Le Figaro trích dẫn một sĩ quan hải quân cao cấp của Pháp, theo đó "Chiến tranh dưới đáy biển" không phải là chuyện mới, mà thực ra đã có từ Đệ nhất Thế chiến : một trong những hành động đầu tiên của Anh Quốc khi đó là cắt cáp điện báo của Đức. Nhưng điều mới bây giờ là các loại cáp có dung lượng khổng lồ, toàn bộ đời sống kỹ thuật số của con người dựa vào đó. Có rất nhiều tuyến cáp biển quan trọng nối Châu Âu và Hoa Kỳ và khu vực này đang bị đe dọa. Nga hoặc Trung Quốc ít bị tác động hơn bởi hai nước này đã phát triển các mạng lưới trên đất liền.
Nhiều quan chức quân đội nhận định các cuộc xung đột trong tương lai có thể sẽ diễn ra dưới đáy biển sâu, cũng như trong không gian mạng internet hoặc ngoài bầu khí quyển.
Một thuyền trưởng, chuyên trách chương trình Chof của Pháp về thủy lực và đại dương trong tương lai, giải thích giờ đây người ta đã ý thức được rằng "không gian biển không chỉ giới hạn ở các tuyến đường thương mại và không gian đánh bắt cá" và "nếu muốn làm chủ không phận và hải phận, cần phải mở rộng phạm vi xuống tận đáy đại dương", nhằm bảo vệ các lợi ích của quốc gia, chẳng hạn như cáp thông tin liên lạc, vận chuyển năng lượng hoặc hệ thống cáp của các hòn đảo nằm tách biệt.
Tuy nhiên, việc tiếp cận độ sâu hơn 2.000m đòi hỏi những năng lực kỹ thuật hiếm có. Cũng theo vị thuyền trưởng nói trên, các giếng dầu sâu nhất nằm ở độ sâu 3.500m, các hoạt động nghiên cứu khoa học thường diễn ra ở độ sâu khoảng 1.000-5.000m và nếu xuống đến độ sâu 6.000m là có thể bao quát được 97% đáy đại dương.
Thuyền trưởng chuyên trách chương trình Chof của Pháp cho biết hầu hết các quốc gia đều tính đến chuyện phát triển khả năng xuống sâu hơn dưới lòng đại dương. Trung Quốc hiện là một đối thủ nặng ký trong cuộc đua dưới đáy biển : Bắc Kinh đã thành công trong việc đưa một con tàu xuống độ sâu 11.000m.
Hiện nay, các nhà khai thác không thể bảo vệ được hàng chục nghìn km cáp dưới đáy biển, cho dù họ có lắp đặt thiết bị giám sát để xác định sự cố trước khi điều tàu đến tận nơi khắc phục. Địa chấn, hoạt động của các tàu đánh cá, mỏ neo tàu vướng vào… thường xuyên làm hỏng cáp biển. Thế nhưng không phải nguyên nhân nào cũng có thể được xác định.
Ngoài ra, còn phải nói tới nguy cơ gián điệp nhắm vào đường dây cáp. Cho dù nhà nghiên cứu Camille Morel về địa chính trị dây cáp không mấy tin là các dữ liệu truyền tải qua cáp ngầm có thể bị đánh cắp bởi việc lưu trữ và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ đó khó có thể thực hiện mà không bị phát hiện, thế nhưng, hôm Chủ nhật 30/05/2021, truyền thông Đan Mạch và Châu Âu loan tin từ năm 2012 đến năm 2014, với sự trợ giúp của các cơ quan tình báo quân sự Đan Mạch, Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã dọ thám nhiều lãnh đạo chính trị cấp cao ở Châu Âu, trong đó có cả thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu ứng viên cho chức thủ tướng Đức hồi năm 2013 Peer Steinbrück và tổng thống đương nhiệm Frank-Walter Steinmeier.
Le Figaro ngày 30/05 trích dẫn kết luận điều tra của đài Đan Mạch DR, theo đó Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã kết nối vào đường cáp viễn thông dưới biển của Đan Mạch để theo dõi các quan chức cấp cao ở Đức, ở Thụy Điển, Na Uy và Pháp, thông qua việc truy cập vào các tin nhắn, cuộc gọi điện thoại và việc truy cập internet của người bị theo dõi, trong đó có cả các dịch vụ tìm kiếm, trò chuyện, nhắn tin.
Hoạt động gián điệp của NSA đã được đề cập trong một báo cáo nội bộ của một cơ quan của Đan Mạch có mã danh "Chiến dịch Dunhammer" và được trình lên lãnh đạo hồi tháng 05/2015. Cơ quan này bắt đầu điều tra vào năm 2013 sau tiết lộ gây rung động của Edward Snowden về các hoạt động nghe lén của NSA. Vào tháng 12/2021, cũng chính đài DR của Đan Mạch tiết lộ tình báo Mỹ đã xâm nhập vào các đường dây cáp viễn thông dưới biển của Đan Mạch để dọ thám ngành công nghiệp quốc phòng của Đan Mạch và các nước Châu Âu từ năm 2012 đến năm 2015.
Những gì ẩn sâu trong lòng đại dương
Trở lại với bài viết "Đáy biển, chiến trường mới" trên Le Figaro ngày 13/05/2021, tác giả dẫn các chuyên gia cho biết về mặt kỹ thuật, cáp ngầm cũng có thể cho phép nghe ngóng động tĩnh dưới đáy biển sâu. Thế nhưng, hiện tại cáp ngầm vẫn chưa cho phép vừa truyền thông tin vừa nghe ngóng các hoạt động dưới đáy biển cùng một lúc.
Thực ra, ý tưởng lắng nghe đáy đại dương đã cũ. Trong Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã phát triển một hệ thống nghe dưới biển được đặt tên là "Sosus". Chương trình này đang được hiện đại hóa. Nhưng Mỹ cũng không còn là nước duy nhất có thể hoạt động dưới đáy đại dương. Trung Quốc và Nga cũng được cho là đang phát triển các khả năng mới về định vị bằng sóng âm dưới nước với các dự án Vạn Lý Trường Thành hoặc Harmony ở Bắc Cực. Le Figaro trích dẫn một vị thuyền trưởng theo đó nếu những hệ thống này hoạt động thì sẽ làm phức tạp thêm chuyện các nước điều động tàu đến khu vực có liên quan.
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 02/06/2021