Dư luận thắc mắc việc bổ nhiệm lại cán bộ bị ông Đinh La Thăng cách chức vào vị trí cũ được minh bạch và đúng quy trình hay không ?
Nguyễn Viết Hiệp - Tổng giám đốc đường sắt bị ông Đinh La Thăng cách chức quay lại ghế cũ
Trong những ngày phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng diễn ra, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin về một số cán bộ từng bị ông Thăng cách chức nay được bổ nhiệm trở lại. Thắc mắc của dư luận là việc bổ nhiệm như thế được minh bạch và đúng quy trình hay không ?
Lên tiếng với truyền thông trong nước liên quan cán bộ từng bị cách chức được bổ nhiệm lại, Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định đây là chuyện bình thường.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông còn cho biết trường hợp của ông Nguyễn Viết Hiệp, nguyên Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, trước đây bị ông Đinh La Thăng trong cương vị Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải cách chức, vừa được điều vào ví trí cũ là do công ty có nhu cầu về mặt nhân sự và cấp thẩm quyền của công ty quyết định, chứ Bộ giao thông vận tải không can thiệp.
Xin được nhắc lại, ông Nguyễn Viết Hiệp, trong thời gian còn giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, đã đề xuất mua 164 toa tàu cũ của Trung Quốc hồi tháng 2 năm 2016 và đã bị Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải lúc bấy giờ là ông Đinh La Thăng cách chức vì đề xuất vừa nêu. Ông Nguyễn Viết Hiệp được chuyển công tác làm Trưởng ban Kế hoạch-Kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Vào ngày 1/1/2018, tức chưa đầy một tháng sau ngày ông Đinh La Thăng bị bắt, ông Nguyễn Viết Hiệp được giới chức quản lý của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bổ nhiệm về vị trí Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội.
Qua lời giải thích của Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Viết Hiệp, nhà báo tự do Võ Văn Tạo nói với RFA quan điểm cá nhân của ông rằng :
"Thời ông Đinh La Thăng làm bộ trưởng thì ông kỷ luật nhiều người thẳng tay, nhiều khi không đúng quy trình, cũng có phần oan cho một số cán bộ. Thế nhưng, dù sao cơ bản việc ông Thăng kỷ luật thì cũng đúng thôi. Bởi vì thường là ù lì, làm việc không có hiệu quả…Chính ông Đinh La Thăng có bốc đồng nhưng việc một cán bộ bị kỷ luật được người ta phục chức, trong thời điểm bây giờ ông Thăng bị lâm nạn và bị kỷ luật rồi ra tòa, thì tôi thấy chuyện đó rất kỳ cục. Không chỉ một mình tôi nhận thấy như vậy đâu. Thế cho nên, ông Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời như thế thì tôi cho là không thể chấp nhận được".
Không chỉ riêng Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho là việc bổ nhiệm ông Nguyễn Viết Hiệp đúng quy trình. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Vũ Anh Minh cho biết đã xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng việc lựa chọn và bổ nhiệm ông Nguyễn Viết Hiệp là phù hợp nhất và thủ tục bổ nhiệm ông Hiệp được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp ông Nguyễn Viết Hiệp được bổ nhiệm vào vị trí cũ không phải là duy nhất. Một trường hợp khác có thể kể đến là trường hợp của ông Phạm Tuấn Anh.
Ông Phạm Tuấn Anh, sinh năm 1982 là con trai của nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam, ông Phạm Đình Vận. Hai ngày trước khi ông Vận nhận được quyết định nghỉ hưu vào ngày 21 tháng 2 năm 2014, ông Vận đã ký quyết định bổ nhiệm con trai Phạm Tuấn Anh giữ chức Phó Tổng giám đốc của công ty này. Vào tháng 4 năm 2014, Bộ trưởng Giao thông vận tải thời điểm đó là ông Đinh La Thăng ra lệnh cho Tổng công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam thu hồi quyết định bổ nhiệm này. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 2015, ông Phạm Tuấn Anh được phục hồi chức vụ Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam.
Trước những thắc mắc của dư luận cho rằng không có minh bạch trong việc bổ nhiệm lại hai cán bộ Nguyễn Viết Hiệp và Phạm Tuấn Anh vào chức vụ mà từng bị ông Đinh La Thăng cách chức, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, Đại biểu quốc hội Bùi Văn Xuyền giải thích không thể vì bị "án" kỷ luật mà cán bộ vĩnh viễn không còn cơ hội phát triển, vì thế sau một thời gian những cán bộ từng bị kỷ luật được bổ nhiệm vào những vị trí mới, thậm chí là vị trí cũ hay những vị trí cao hơn là câu chuyện rất đỗi bình thường trong công tác cán bộ từ trước đến nay ở Việt Nam.
Qua vụ việc hai cán bộ, bị nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng cách chức, được bổ nhiệm vào vị trí cũ, những người quan tâm mà Đài RFA tiếp xúc cho biết cả ông Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và ông Đại biểu quốc hội Bùi Văn Xuyền đã không trả lời câu hỏi của dư luận đặt ra rằng việc bổ nhiệm những người bị sai phạm có liên quan đến yếu tố lợi ích nhóm hay không ; đồng thời lời giải thích của hai ông còn khiến cho sự nghi ngờ về tệ trạng "mua quan bán chức" trong việc điều hành cán bộ bị kỷ luật, cách chức vào các vị trí cấp cao hơn của hệ thống chính quyền, đã gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua. Có người còn nói với chúng tôi rằng họ không có niềm tin những cán bộ như ông Nguyễn Viết Hiệp và ông Phạm Tuấn Anh sẽ làm tốt trong chức vụ vừa được bổ nhiệm lại, như một nông dân ở Cần Thơ chia sẻ :
"Có gì đâu mà hiệu quả. Thực tế thì chính quyền của Cộng sản làm thì cán bộ chỗ này chức nhỏ được thuyên chuyển sang chỗ khác chức lớn. Từ xưa tới giờ biết bao nhiêu vụ rồi, chứ đâu phải vụ này đâu. Mua (chức) chỗ này không được thì mua (chức) chỗ khác. Bán (chức) chỗ này không được thì bán (chức) chỗ khác. Giống như bạn hàng buôn bán vậy, bán chợ này không được thì bán chợ khác".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận số đông dân chúng tại Việt Nam lên tiếng bởi vì hệ thống công quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo đầy dẫy nạn tham nhũng tràn lan từ trung ương đến địa phương nên mới dẫn đến tình trạng chỉ định, bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ không có tài lẫn không có tâm. Họ nói rằng công tác cán bộ chỉ là việc điều động nhằm mục đích tạo ra quyền lực cho các nhóm lợi ích, mà chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu "nghe râm ran có chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển ; rồi chạy ‘đi’, chạy ‘về’". Dư luận còn chỉ ra quy trình luân chuyển cựu cán bộ Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang là minh chứng rõ ràng nhất.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng bị Chính phủ Việt Nam truy nã và được nói là bị công an Việt Nam bắt cóc về nước trong lúc ông Thanh đang xin tỵ nạn chính trị ở Đức. Ông Trịnh Xuân Thanh cùng với ông Đinh La Thăng và 20 người khác ra tòa trong vụ đại án liên quan Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Việt Nam (PVC). Ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố hai tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước" và "tội tham ô tài sản". Nếu bị tòa xác nhận có tội tham ô tài sản, ông có thể đối mặt với án tử hình.
Trong khi người đứng đầu Đảng Cộng sản là ông Nguyễn Phú Trọng đang nỗ lực bằng mọi giá để làm trong sạch hàng ngũ đảng viên, qua việc nhanh chóng xét xử vụ án Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh, thì không ít người dân nói với RFA sự lo lắng của họ được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nêu lên trong bài viết của ông, với tựa đề "Làm gì để dân tin" rằng "Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Đảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu ?" khi mọi tiêu cực, bất cập mà dân chúng phản ảnh đều được lý giải bằng cụm từ "đúng quy trình".
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 10/01/2018
"Bà đỡ" cho một rừng sai phạm trong nhiều lĩnh vực suốt thời gian qua là cụm từ nghe quá quen : "đúng quy trình", hễ bị truy là bật lại "đúng quy trình".
"Thời gian qua, công tác cán bộ ở nhiều nơi có tình trạng đưa ra tiêu chuẩn điều kiện gì cũng thấy đáp ứng.
Quy trình lựa chọn, bổ nhiệm thì cũng làm đủ, lấy phiếu đều trên 50%, thông qua các cấp đầy đủ hết.
Vậy mà vẫn có trường hợp bổ nhiệm xong một năm, một năm mấy là thấy bị kỷ luật, bị bắt đi tù. Quy trình, thủ tục làm đúng hết, chỉ có chọn người là không đúng" [1].
Đó là những tóm tắt hết sức gãy gọn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu trong buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh : Tuoitre.vn)
"Bà đỡ" cho một rừng sai phạm trong nhiều lĩnh vực suốt thời gian qua là cụm từ nghe quá quen : "đúng quy trình", hễ bị "truy" là "bật" lại "đúng quy trình".
Lắm lúc chiêu tung hỏa mù lập lờ đánh lận con đen này làm thiên hạ chẳng biết đâu mà lần, chẳng hạn như việc xả lũ lúc nửa đêm, hậu quả là dân chết, vật nuôi chết, làng mạc tiêu tan, phê duyệt dự án gây ô nhiễm môi trường, bổ nhiệm "ABC" sau đó bị "sờ gáy"… nhưng vẫn nhất quyết "đúng quy trình" ! Vậy sai ở đâu ?
Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả đều "đúng quy trình" nhưng quy trình đi đến sai phạm chứ không phải quy trình mang đến điều hay lẽ phải.
Dĩ nhiên hối lộ tham nhũng, tiêu cực… cũng phải có "bài vở" của nó chứ một mình ông A bà B sao che được cái nơi trăm ngàn con mắt dán vào !
Bổ nhiệm đúng nhưng sau đó người được bổ nhiệm đi "bóc lịch" thì tính như thế nào ?
Liệu người giới thiệu, đề bạt, cấp ra quyết định có phải chịu trách nhiệm gì hay không ?
Việc người được bổ nhiệm bị "lòi đuôi" thì ai cũng biết nhưng còn nhiều cái "đuôi bố", "đuôi mẹ" dài ngoằng khác đã chịu đúng trách nhiệm do mình gây ra hay chưa ?
Sinh thời Bác Hồ rất coi trọng công tác tổ chức cán bộ, theo Bác có 3 loại cán bộ quan trọng nhất đó là cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ làm công tác dân vận và cán bộ làm công tác Mặt trận.
Trong 3 loại cán bộ này Bác xếp cán bộ làm công tác tổ chức lên vị trí đầu tiên.
Nói như Bộ trưởng Tân "Quy trình, thủ tục làm đúng hết, chỉ có chọn người là không đúng", vậy là vô ích.
Quy trình thủ tục suy cho cùng chẳng qua chỉ là đống giấy loại, vì sao người ta không căn cứ vào hiệu quả công việc mà cứ ngó ngiêng vào mảnh bằng, chứng chỉ, thâm niên "nhảy cóc" để bổ nhiệm ?
Ngày xưa Bác Hồ sang Pháp mời cụ Trần Đại Nghĩa về cống hiến cho đất nước có cần quy trình giấy tờ gì đâu mà ai cũng thấy đó là việc làm đúng đắn.
Còn bây giờ chúng ta quá trọng chủ nghĩa bằng cấp, tạo ra một cuộc chạy đua kiếm cho bằng được tấm bằng, chứng chỉ để bổ nhiệm.
Thậm chí nhiều vị sính bằng cấp trong khi trình độ thực lực có hạn nên sa chân ngã ngựa.
Không biết chủ nghĩa bằng cấp, chứng chỉ còn tồn tại đến bao giờ, ngày nào thứ chủ nghĩa lạc loài này còn tồn tại thì ngày đó còn nhiều vấn đề để nói.
Để tạo ra một quy trình gồm phiếu tín nhiệm đạt 50% trở lên, giơ tay biểu quyết kiểu chung chung và những cái gật đầu lặng lẽ thì không khó và cũng không cần thiết, cái khó nhất và cần nhất của người được bổ nhiệm là hiệu quả công việc, tầm nhìn chiến lược.
Vấn đề sâu xa cũng chưa phải nằm ở thói quen giấy tờ mà mắc mớ chính ở khâu đánh giá con người.
Cố nhiên đánh giá con người chưa bao giờ là công việc dễ dàng, có lẽ đây là lý do mà Bác Hồ luôn coi trọng công tác tổ chức, cán bộ.
Trong một xã hội mà mọi thứ đều phục tùng trước sức mạnh của đồng tiền và sự giả dối, đạo đức giả tràn lan thì những tấm bằng khen, giấy khen, phiếu biểu quyết không có nhiều ý nghĩa.
Việc khen thưởng được thực hiện hầu hết thông qua động thái "xin khen" chứ không phải "tìm khen".
Tư duy khen theo kiểu phát đều khiến ai cũng nghĩ mình tốt mình hay, tham gia một cuộc thi từ huyện lên tỉnh giải thưởng được phát đều, không nhất thì nhì, không nhì, ba thì khuyến khích, đôi lúc không phải một giải nhất mà đến hai, ba giải nhất, bốn, năm giải khuyến khích… nhân tài khó phát lộ cũng chính vì tư duy đánh giá con người quá lạc hậu.
"Người tốt thường có lòng tự trọng nên không đi xin bằng khen. Chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời, các cơ quan chuyên môn phải làm việc này" [2].
Đây là lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương.
Trong trường học thầy cô chỉ quan tâm đến những người học giỏi các môn được cho là quan trọng như Toán, Lý, Hóa… chỉ giỏi các môn ấy mới được coi là tài năng, còn lại đều làm người thừa.
Dĩ nhiên giai đoạn này chúng ta cần chuyên gia kỹ thuật nên coi trọng các môn tự nhiên nhưng không có nghĩa tài mấy môn ấy là tài toàn năng toàn diện có thể thay đổi xã hội.
Chúng ta nói nhiều về trọng dụng nhân tài, trải thảm đỏ mời gọi nhưng chính chúng ta tự bó hẹp mình trong quan niệm về nhân tài.
Không phải chỉ có ông Giáo sư nổi tiếng mới được coi là nhân tài, ông Giáo sư có thể giỏi toán nhưng chắc gì chế tạo được tàu ngầm, anh Tiến sỹ nọ có công trình nghiên cứu hàng đầu thế giới nhưng chưa chắc cải tạo được cái máy gặt lúa…
Vị chuyên gia gốc Việt làm việc ở nước ngoài, dân trong nước chỉ biết ông là người Việt khi ông nổi đình nổi đám trên báo chí, rồi thì chỗ này trao bằng danh dự, chỗ kia tung hê người tài như vậy được gọi là thu hút, trọng dụng nhân tài ! ?
Nhưng thực tế đất nước chúng ta chưa hề được hưởng một chút gì từ chất xám của ông ta.
Trong khi đó "chân đất làm khoa học" lắm lúc bị nhìn bởi con mắt nghi kị, xin cái giấy phép mất cả tháng trời. Bao nhiêu nhân tài có sẵn không có cách dùng để rồi phải lót dép ngồi hóng thành tựu của nhân loại.
Thực tế cho thấy người làm tốt công việc chưa chắc thăng tiến nhanh bằng kẻ dẻo mồm dẻo mép, nếu cái gì cũng tốt, làm gì cũng hay, bằng gì cũng có nhưng không… bằng lòng thì sao ?
Nhân tài không ở ngay trước mặt mà phải đi kiếm tìm, nếu nhân tài mà "đi ngày đi đêm" để "lobby", vận động thì đó là "nhân tai".
Chúng ta đánh giá con người chưa khách quan chính xác nên mới có chuyện cái gì cũng đúng, thành tích đầy mình.
Khi bổ nhiệm chỉ sai duy nhất một chỗ mà chỗ đó lại nguy hiểm nhất. Hãy lấy con người làm chính chứ không phải mớ giấy lộn để làm bằng chứng. Thật sai lầm nếu coi năng lực trình độ, điều kiện bổ nhiệm chỉ nằm trong hồ sơ.
Chỉ có đổi mới cách đánh giá con người mới tránh được tình trạng đúng tất cả sai một chỗ, bản chất cốt lõi của bổ nhiệm con người là phục vụ xã hội chứ không phải phục vụ cá nhân ai đó nên hãy dẹp bỏ suy nghĩ "mày cũng được đấy nhưng phải biết điều".
Nói thẳng ra là tiêu diệt cơ chế xin cho, có thể sai tất cả quy trình nhưng chỉ cần đúng một chỗ thôi cũng được, có điều chỗ đúng ấy phải là đúng con người, đúng công việc, đúng với mong đợi của người dân thì mọi chuyện không ai thắc mắc.
Trương Khắc Trà
Nguồn : GDVN, 12/03/2017
Tài liệu tham khảo :
[1] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170310/quy-trinh-dung-ca-ma-bo-nhiem-xong-la-bi-ky-luat-di-tu/1278041.html
[2] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170223/nguoi-co-long-tu-trong-khong-di-xin-bang-khen/1269616.html