Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đại diện Tổng công ty Xây dựng cảng Trung Quốc (CHEC), Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) bày tỏ mong muốn làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam của Việt Nam.

CCCC và CHEC hoạt động tại Việt Nam từ năm 1996, đến nay đã thực hiện hơn 20 dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng như : Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải, nhiệt điện Vĩnh Tân - Bình Thuận và một số dự án điện gió.

caotoc1

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang ngày càng hiện hữu.

Đầu tư vì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng

Trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và Con đường, tại Trung Quốc, ông Bạch Ngọc Chiến - giám đốc CHEC, kiêm đại diện CCCC, cho biết trong thời gian tới tập đoàn mong muốn được tham gia các chương trình, dự án phát triển hạ tầng lớn ở Việt Nam như : Kế hoạch phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam ; đầu tư, thi công các dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương mở rộng, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Đồng Đăng - Trà Lĩnh và các dự án phát triển điện gió.

Tháng 7/2019, sau hơn 2 tháng chào bán và nhận hồ sơ sơ tuyển, toàn bộ 8 dự án PPP của tuyến cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành việc mở thầu. Các dự án đã nhận được 60 bộ hồ sơ với tư cách độc lập và liên danh. Theo thống kê, có 16 nhà đầu tư Trung Quốc đến sơ tuyển tại cao tốc Bắc - Nam. Trong đó có nhiều công ty thuộc các tập đoàn đường sắt như Tập đoàn Cục 16 đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn Cục 21 đường sắt Trung Quốc, China Railway Construction Investment Group Co, China Railway Construction Corp...

Hàn Quốc xếp sau với 5 nhà đầu tư, trong đó có các tên tuổi quen thuộc như Daewoo, Lotte... Chỉ có hai doanh nghiệp đến từ Pháp. Singapore và Philippines, mỗi quốc gia có một đại diện tham dự.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm số lượng đông nhất với 29 đơn vị. Tuy nhiên, không nhiều hồ sơ độc lập. Đa số doanh nghiệp chọn cách liên danh với nhau hoặc với nhà đầu tư Trung Quốc.

Sau đó, vào năm 2022, trong lần gặp gỡ và hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là đã nhấn mạnh "Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường Trung Quốc và hoan nghênh, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam".

Giờ đây có lẽ quan điểm chiến lược cấp quốc gia và tư tưởng đó của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu được hiện thực hóa được trong thực tế.

Đo ni đóng giày cho nhà thầu Trung Quốc

Theo nhìn nhận của giới chuyên môn thì trong chuyện gọi thầu làm đường cao tốc, với quy định mà phía Việt Nam đưa ra là "có kinh nghiệm xây mới đường cao tốc với quy mô tương đương trong 3 năm gần đây", thì gần như sân chơi chủ yếu chì dành cho các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.

Lý do – như giải thích từ phía nhà thầu đến từ Đức : từ 8 năm nay nước Đức không có dự án đường sắt hay đường bộ cao tốc nào mới, mà chỉ đại tu và sửa chữa. Do đó, muốn doanh nghiệp Đức tham gia đấu thầu xây dựng dự án đường cao tốc Việt Nam nhưng lại đòi hỏi họ có kinh nghiệm xây mới đường cao tốc với quy mô tương đương trong 3 năm gần đây, thì doanh nghiệp Đức khó thể đáp ứng.

Ghi nhận có ba nguyên nhân chính khiến người Việt quan ngại về các nhà đầu tư Trung Quốc. Một trong số đó là việc một số nước đã tham gia vào sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc và bây giờ "bị mắc nợ rất nặng", ví dụ như Sri Lanka, Lào và Campuchia, những nước đã cho Trung Quốc sử dụng cảng biển và giờ đây đang là những "con nợ" lớn của Trung Quốc.

Thứ hai, cao tốc Bắc-Nam có ý nghĩa chiến lược và có liên quan đến vấn đề về an ninh, quốc phòng. Qua những điều mà báo chí thế giới nêu lên, nhiều nước lấy làm lo ngại về việc đầu tư của Trung Quốc có thể liên quan đến những tham vọng về bá quyền, chủ quyền và những tham vọng khác về an ninh quốc phòng.

Một mối lo ngại khác là nếu nhà đầu tư Trung Quốc thắng thầu, họ sẽ lại sử dụng hoàn toàn lao động Trung Quốc mà không sử dụng lao động Việt Nam như đang diễn ra ở nhiều dự án về nhiệt điện.

Nói thêm, hồi trung tuần tháng 9/2023 trong chương trình công tác tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ hoan nghênh doanh nghiệp Trung Quốc tham gia triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam với hình thức phù hợp, và ông đã "đề nghị tập đoàn trao đổi với các cơ quan chức năng phía Việt Nam để tìm phương án làm ngay, bảo đảm khả thi, có hiệu quả cụ thể".

Thạch Hãn

Nguồn : VNTB, 21/10/2023

Additional Info

  • Author Thạch Hãn
Published in Diễn đàn