Báo VnExpress ra ngày 2/7/2024 đưa tin [1] : "Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) bị đóng cửa trong 12 tháng", bắt đầu từ ngày 1/7/2024. Ngôi trường này được thành lập vào năm 2006, trụ sở tại huyện Nhà Bè. Năm học vừa qua, trường có hơn 1.310 học sinh, phần lớn theo chương trình IB. Học phí của AISVN là 280-725 triệu đồng một năm, tùy bậc học. Tức là hơn 10.000 USD đến 30.000 USD cho mỗi học sinh theo học. Chi phí học chưa tính : tiền ăn trưa, xe đưa đón v.v.
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam ở Nhà Bè. Nguồn : internet
Với thông tin trên đủ kết luận, trường chỉ dành cho con nhà giàu, theo tiêu chuẩn thời nay cùng "tiếng Anh như gió". "Tiếng Anh như gió" là nhu cầu chánh đáng cho người Việt Nam, với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Giàu có không đi đôi với hiểu biết
Ngày nay - tại xứ thiên đàng - thiên hạ rất ưa chuộng những chữ : đại gia, hào môn v.v. để ca tụng những người giàu có. Thậm chí báo giới sẵn sàng dùng chữ "nữ đại gia" trong bài "Nữ đại gia kêu oan cáo buộc hủy hoại tài sản 23 triệu đồng" [2]. Trong bài cho biết "nữ đại gia" đã hành động hồ đồ bằng cách kêu "gia nhân" chặt cây và đập tường trên khu đất, đang tranh chấp với hàng xóm. "Đại gia" hành động ngang ngược, bằng cách dựa vô sự giàu có hơn là trông cậy vào "pháp luật... xã hội chủ nghĩa" như vậy sao ?!
Nữ đại gia kêu oan cáo buộc hủy hoại tài sản 23 triệu đồng
Trong bài báo khác - ra ngày 19/4/2024 - VnExpress cho biết [3] : Hai "nữ đại gia" đang cư trú tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng "bị lừa đảo" tới hơn 1.200 tỷ đồng, tức tương đương 50 triệu USD. Số tiền khủng khiếp như vậy, không chỉ khiến người ta giựt mình về con số mà cao hơn, với câu hỏi của người bình dân : "đại gia" sao ngu dữ thần vậy trời ?! Quả thật, làm sao có thể hình dung "đại gia" thành đạt - giỏi giang, giữa thương trường xứ thiên đàng đầy dối trá - lọc lừa (mới) kiếm ra nổi số tiền khổng lồ, lẽ nào đầu óc ngớ ngẩn đến độ "bị lừa" dễ dàng như vậy ?!
Câu chuyện thứ nhứt cho thấy, "đại gia" không hề hiểu biết về "pháp luật xã hội chủ nghĩa". Câu chuyện thứ hai cho hay, "đại gia" giàu sụ chứ không phải giàu sang. Cả hai câu chuyện cho thấy họ "phú" nhưng không hề "quý".
Lòng tham đi đôi với mù quáng chắc chắn sa lầy
Phàm ở đời, không ai không có lòng tham. Lòng tham theo nghĩa xấu đã được nói nhiều, ít người nói về lòng tham theo nghĩa tốt. Thí dụ lòng tham theo nghĩa tốt :
- Chắc chắn xã hội khộng thể phát triển, vì sẽ không có các khái niệm : "phát minh", "sáng tạo", "phát hiện" (trong các ngành khảo cổ học - thiên văn học - y học v.v.).
- Xã hội không hình thành khái niệm "làm giàu" hay các khái niệm : "tích lũy tài sản", "di chúc", thừa kế", "cho - biếu - tặng". Tại sao khái niệm "cho - biếu tặng" được đưa vô phạm vi "lòng tham" ? Thưa rằng, con người cũng dành những gì tốt đẹp nhứt để đưa cho những người mà mình thương yêu (vợ chồng - con cháu - cha mẹ - người yêu v.v.).
Còn vô số vấn đề tốt - xấu xoay quanh khái niệm "THAM", bất cứ ai cũng có thể suy ngẫm và dẫn ra. Như vậy, đủ để khẳng định chắc nịch, con người còn tồn tại trên địa cầu, tức là lòng tham còn tồn tại. Tuy nhiên, lòng tham đi đôi với mù quáng chắc chắn khiến con người ta sa lầy và chính vì vậy, Việt Nam mới có tục ngữ "lòng tham vô đáy", với những câu chuyện cổ tích từ Đông sang Tây, dành cho trẻ em, kể cả những câu chuyện có thật nhưng người lớn vô tri học mãi vẫn không bao giờ thông suốt.
Giàu có không chắc trở thành "đồng vốn" cho tri thức.
Bằng chứng ư ? Hãy nhìn lại hơn 900 phụ huynh với số tiền hơn 3.900 tỷ đồng thượng dẫn, để thấm thía thêm về "lòng tham vô đáy" từ các "đại gia" - chính "lòng tham vô đáy" dần dần hủy hoại hết mọi hiểu biết căn bản về pháp luật. Bởi báo VnExpress nói rõ "...Khoản này không tính lãi, không tài sản thế chấp, chủ trường hứa hoàn lại sau khi con em ra trường...". Đây là giao dịch dân sự mà tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã yêu cầu [4] "Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế", do bào Tuổi Trẻ đưa tin ngày 13/6/2024. Cũng bởi "lòng tham vô đáy" của hơn 900 phụ huynh - vừa muốn con mình học trường danh tiếng nhứt vừa muốn chi phí bỏ ra thấp nhứt, với lời hứa - sẽ được hoàn trả trọn vẹn số tiền đã cho nhà trường "vay không có lãi". Chắc chắn số tiền này được quy ra đô la Mỹ. Chính "lòng tham vô đáy", hơn 900 phụ huynh đã trực tiếp đẩy con mình vào cảnh dở dang và buộc phải tìm những ngôi trường mang tên "quốc tế" tương đương và nhứt định tốn thêm khoản tiền khổng lồ - đúng theo tục ngữ "mất cả chì lẫn chài".
Kết
Hơn 1.300 học trò con nhà giàu và 2 trường hợp với "3 nữ đại gia" kể trên cho thấy, xã hội xứ thiên đàng ngày nay, hầu như toàn bọn trọc phú, vốn giàu sụ nhưng không thể giàu sang ; vốn đầy "quyền" nhưng không hề "uy" ; vốn "phú" nhưng không tài nào "quý" cho nổi !
Tại khoản 1 điều 4 trong Hiến pháp 2013 chỉ rõ : "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Người dân quèn xứ thiên đàng trông mong gì vào "đội ngũ trọc phú giàu sụ" như vậy để lãnh đạo "tiến lên chủ nghĩa xã hội" (?).
Nam Gia
Nguồn : RFA, 02/07/2024
[1] https://vnexpress.net/truong-quoc-te-my-bi-dong-cua-12-thang-4765029.htm...
[2] https://vnexpress.net/nu-dai-gia-keu-oan-cao-buoc-huy-hoai-tai-san-23-tr...
[3] https://vnexpress.net/hai-nu-dai-gia-sai-gon-bi-chiem-doat-hon-1-200-ty-...
[4] https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-khong-hinh-su-hoa-cac-quan-he-dan-su-ha...
Theo dõi những vụ bắt bớ, khởi tố các quan chức, đại gia "Đỏ" trong thời gian qua, dù vô tâm, bàng quan trước thời cuộc, trước những vấn đề nổi cộm về chính trị-xã hội của đất nước đến đâu, có lẽ đa số người dân cũng phải nhận ra những sự thật hiển nhiên và cay đắng chỉ có trong một xã hội độc tài như VN.
Lâu đài 4 mặt tiền, 5 triệu đô trên đất thiêng của đại gia Phủ Lý
Thứ nhất, chỉ có trong một xã hội mà luật pháp không hề được tôn trọng, mà đảng đứng cao hơn luật pháp (và trên cả Hiến pháp) thì mới có chuyện các quan chức, đại gia lộng hành dễ dàng như vậy trong suốt bao nhiêu năm trước khi bị "sờ gáy". Trong khắp các lĩnh vực, ngành nghề, từ ngân hàng cho tới dầu khí, công thương, giao thông... từ trung ương tới địa phương, những tệ nạn như tham ô, hối lộ và nhận hối lộ, móc nối, lợi dụng tài sản chung để trục lợi cá nhân, những tội danh như "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" thực chất là cố tình làm sai, cố tình vi phạm pháp luật, làm thất thoát tiền bạc, tài sản của dân của nước... diễn ra đầy dẫy.
Người dân cứ đi từ cú sốc này đến cú sốc khác khi nghe đến những món quà, những khoản tiền "khủng" được các quan chức trao cho ông lớn này ông lớn kia để bôi trơn mọi việc ; những số tiền thất thoát lên tới hàng trăm triệu USD cứ như trò đùa. Mà hầu hết đều là doanh nghiệp nhà nước, là quan chức cộng sản và đại gia "đỏ", mới có cơ hội nắm những lĩnh vực, những ngành gọi là "mũi nhọn", "trọng yếu" của nền kinh tế nước nhà.
Thứ hai, cũng chỉ có quan chức cộng sản, đại gia "Đỏ" mới có cơ hội sở hữu, mua bán, kinh doanh, sang nhượng bao nhiêu lô đất vàng, đất kim cương như trong vụ án Vũ "nhôm" và các quan to quan nhỏ ở Đà Nẵng. Và thực tế là không có một tay nào có thể làm ăn hay phất lên nhanh trong một xã hội như ở Việt Nam mà không có phe cánh, hay cụm từ thường hay được sử dụng trong thời gian qua là "nhóm lợi ích".
Đại gia Vũ "nhôm" đang bị truy nã, đất đai, tài sản đang bị nhòm ngó, thanh tra. Nhưng còn bao nhiêu Đinh La Thăng, Vũ "nhôm" khác đang thao túng, phá hoại đất nước này ? Một ví dụ nhỏ, một trong những nhóm lợi ích như vậy là "nhóm Him Lam" (Him Lam Group) sở hữu rất nhiều đất đai, biệt thự, nhà hàng, khu căn hộ, khách sạn… từ Nam ra Bắc trong đó có sân golf Tân Sơn Nhứt, bảo đảm khi đụng vào cũng có khối chuyện, vì như vừa nói, ở nước này làm sao có chuyện làm ăn chân chính mà giàu nhanh và sở hữu được bao nhiêu khu đất ngon lành như vậy. Bao giờ thì Him Lam Group bị sờ gáy để trả lại sân bay Tân Sơn Nhất cho dân ? Nhưng nói thật, sân bay Tân Sơn Nhất là coi như mất luôn đất, chúng chả trả lại đâu, phải lấy cớ sân bay chật chội, quá tải để xây sân bay Long Thành, riêng chuyện đầu tư đất đai chung quanh khu sân bay mới này đã đủ để ăn thêm một mớ tiền "khủng" rồi. Tân Sơn Nhất sau này chỉ còn là sân bay nội địa, mất luôn thương hiệu một thời của một trong những sân bay hiện đại, nhộn nhịp hàng đầu khu vực và cả thế giới những năm 70…
(Báo Tuổi Trẻ từng có loạt bài kỷ niệm 100 năm sân bay Tân Sơn Nhất : Kỳ 1 : Những cánh bay đầu tiên trên bầu trời Sài Gòn, Kỳ 2 : Người phi công Việt Nam đầu tiên, Kỳ 3 : Đường băng đất đỏ, Kỳ 4 : Phi đạo 3.000m và sân bay hạng nhất, Kỳ 5 : Tân Sơn Nhất - Phi trường nhộn nhịp hàng đầu thế giới v.v…).
Cứ một đại gia, quan chức ra tòa là khai ra bao nhiêu mối quan hệ móc nối dây mơ rễ má chằng chịt, cũng chính vì vậy mà chống tham nhũng ở Việt Nam trở nên khó khăn vì bứt dây động rừng, lắm khi đụng tới cả hàng chóp bu trong Bộ Chính trị, dù đương nhiệm hay đã là "nguyên", là "cựu". Phía sau Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Đinh La Thăng, Vũ "nhôm", Trịnh Xuân Thanh…là những Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Bá Thanh, Hoàng Trung Hải, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng…và cả Nguyễn Phú Trọng, chẳng tay nào "sạch" trong bộ máy đảng cộng sản, trong một chế độ tạo nên và dung dưỡng cho nạn tham nhũng, phá hại này.
Từ đó thêm một sự thật đã phơi bày rõ ràng trước mắt người dân từ bao nhiêu lâu nay, chỉ có những ai cố tình mù lòa mới không thấy. Đó là không có một "cuộc cách mạng" nào mà đắt giá, vô nghĩa, làm thiệt hại cho dân cho nước nhưng lại làm lợi cho đảng và quan chức của đảng như "cuộc cách mạng" của đảng cộng sản để cướp chính quyền và kể từ đó "Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình…" Cả đất nước này, giang sơn này mà cha ông ta bao đời đổ mồi hôi, nước mắt và máu để xây dựng và bảo vệ, nay trở thành tài sản riêng của đảng cộng sản nói chung và quan chức cộng sản nói riêng. Đất đai nhà cửa, tài nguyên thiên nhiên, lãnh thổ lãnh hải cho tới 90 triệu sinh mạng dân đen, họ muốn sang nhượng, mua bán, thoái vốn, phá hại hoặc đem dâng cho giặc…thế nào là tùy ý.
Cho nên đừng hy vọng vào cuộc chiến chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng hay bất cứ cá nhân nào của đảng cộng sản. Không thể tiêu diệt được nạn tham nhũng khi nào còn chế độ độc tài độc đảng, khi quyền lực của đảng bao trùm tất cả, không bị hạn chế và kiểm soát bởi một hệ thống tam quyền phân lập cộng với sức mạnh của báo chí truyền thông độc lập và quyền tự do ngôn luận, tự do bỏ phiếu của người dân như trong một xã hội tự do, dân chủ.
Chống tham nhũng kiểu của đảng cộng sản lâu nay chỉ là phe này triệt phe kia, rồi tài sản của dân của nước đã bị thất thoát như ly nước đã đổ mười phần chỉ hốt được một, hai phần và lại chạy từ túi đám này sang túi đám khác mà thôi.
Song Chi
Nguồn : RFA, 25/12/2017 (songchi's blog)
Nhiều 'đại gia' Việt Nam làm giàu từ kinh doanh bất động sản
Nhận xét về một phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với dự án xây dựng chung cư ở Giảng Võ, ông Nguyễn Quang A nói trong thảo luận hôm 05/11 của BBC Tiếng Việt rằng, ông thấy "hơi lạ" với câu hỏi của đương kim Thủ tướng.
Trong phiên họp Chính phủ hôm 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới công trình cao ốc dự tính xây ở nơi từng là Trung tâm Triển lãm Giảng Võ và đặt câu hỏi : "Ai cho phép xây cao ốc 50 tầng ở Giảng Võ ?".
Ông Phúc nhấn mạnh : "Không có một lý thuyết quy hoạch nào mà tại Trung tâm Giảng Võ lại xây dựng chung cư 50 tầng, với mấy nghìn căn hộ, làm sao chịu được ?".
Nhà quan sát Nguyễn Quang A nhận xét : "Lúc đó ông ấy đang làm Phó Thủ tướng thường trực, thì phải đặt câu hỏi xem là : Phó thủ tướng thường trực lúc đấy là ai mà không biết ?
"Tôi nghĩ cái đáng lên án là lên án những người đương chức đương quyền, còn bản thân các doanh nghiệp họ chạy theo lợi nhuận, đừng đòi hỏi họ là phải có đạo đức, phải thế này thế kia.
"Vì họ chạy theo lợi nhuận và nếu mà họ có thể lũng đoạn được, mua chuộc được giới quan chức thì họ sẵn sàng làm, thì điều đáng chê trách nhất là thể chế này, chế độ này, quan chức đã tạo điều kiện cho sự lũng đoạn chính sách như thế và cái đó một số người gọi là tham nhũng chính sách".
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Quân, Tiến sĩ và là doanh nhân từ Ba Lan cho rằng cũng cần công nhận đóng góp của các doanh nghiệp bất động sản trong việc thay đổi diện mạo đô thị và cung cấp các dịch vụ như siêu thị, trường học, bệnh viện, bãi đỗ xe.
"Nhưng khu đô thị ở Triển lãm Giảng Võ xây đến 8 tòa nhà 50 tầng thì tôi quả thực thấy hoảng sợ. Tôi không đả phá hay ghét bỏ bất cứ doanh nghiệp nào và tôi đánh giá cao sự đóng góp của họ cho xã hội, nhưng điều rất đáng tránh là xây dựng chung cư cao cấp nội đô, mà hiện nay đều đang quá tải".
'Lũng đoạn chính sách' trong bất động sản Việt Nam
Tư duy 'đánh quả'
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về khả năng cạnh tranh ở nước ngoài của các 'đại gia' Việt Nam, doanh nhân, ông Trần Quốc Quân phân tích, với các doanh nhân bất động sản tận dụng được cơ chế ở Việt Nam, cơ hội làm giàu trong nước lớn hơn là đầu tư ra nước ngoài.
Khách mời từ Ba Lan nói trong Bàn tròn thứ Năm rằng, nếu các doanh nghiệp mang tài sản ra nước ngoài, thì có lẽ động lực là "vì một mục đích khác".
"Việc tận dụng cơ chế sở hữu tài nguyên là toàn dân, sở hữu nguồn nước đập thủy điện cũng toàn dân để biến sở hữu toàn dân đó bằng một giá rất rẻ chuyển thành sở hữu tư nhân thì chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc thì mới có thể làm giàu nhanh được.
"...Với cơ chế ở Việt Nam rõ ràng cơ hội làm giàu hơn là đầu tư ra nước ngoài," ông Quân nói.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Quang A, người cũng từng kinh doanh ở Việt Nam cho rằng nhiều đại gia bất động sản "hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh nếu ra bên ngoài" do nhiều doanh nghiệp giàu lên nhờ "ăn chênh lệch địa tô" - không mấy phổ biến bên ngoài Việt Nam.
"Nhưng nếu những người kinh doanh ấy thực sự có đầu óc kinh doanh, họ tận dụng cơ hội của họ là đã có lưng vốn rất lớn rồi, thì họ có thể nhảy sang các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin hay công nghệ cao thì họ có khả năng tiến nhanh.
"Còn với tư duy đánh quả, tận dụng cơ hội móc ngoặc với quan chức nhà nước thì sẽ không bao giờ lớn lên được".
Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình Hồng Nga về việc liệu bao giờ Việt Nam sẽ có những sáng chế, công ty khởi nghiệp vươn tầm thế giới, ông Quang A nói điều đó "hoàn toàn tùy thuộc vào bản thân những người Việt Nam chúng ta.
"Để có những người thành tỷ phú đô la, triệu phú đô la bằng tài năng riêng của mình, tôi nghĩ rằng ở Việt Nam không thể làm được.
"Nhưng với thế giới mở, với sự hội nhập, họ vẫn có thể ngồi ở Việt Nam mà làm ăn ở khắp thế giới, khả năng đó vẫn có với công nghệ, nhất là công nghệ thông tin hay những ngành mũi nhọn như công nghệ sinh học, công nghệ nano, với những người biết nắm bắt".
'Mừng cho người giàu'
Ông Phạm Nhật Vượng về Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sau một thời gian làm ăn ở Ukraine
Tiến sĩ Nguyễn Quang A tỏ ra không quá ngạc nhiên trước thông tin hơn một nửa số người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, và nói đây là "điều rất đáng mừng".
"Dư luận quá ồn ào có thể là về chuyện bất công về chuyện làm giàu quá nhanh, nhưng càng nhanh càng tốt chứ sao ?
"Có thể người ta e ngại về sự bất công. Tôi nghĩ đó là tàn dư của một thời mà người ta vinh danh khẩu hiệu rằng không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng. Tôi lại nghĩ chỉ sợ thiếu thôi, còn bản thân cuộc sống là không công bằng.
"Bây giờ chúng ta cố gắng làm sao để bớt cái bất công bằng ấy đi mà thôi, những chuyện khác tính sau. Tôi nghĩ là càng nhiều tỷ phú ở Việt Nam càng tốt, tôi chỉ mong là các tỷ phú ấy làm ăn một cách đường hoàng và nghĩ đến trách nhiệm xã hội của mình".