Sao không học tập các đảng chính trị ở nước bạn ?
Nguyễn Huyền, VNTB, 24/09/2020
"Mục đích của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết" – Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Báo điện tử VietnamNet có bài "Trăn trở của Tổng bí thư về Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII" (*)
Tư cách là đảng viên, tôi muốn qua bài viết này được chia sẻ những trăn trở của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước.
Thứ nhất, tôi chọn trang Việt Nam Thời Báo để gửi bài cộng tác đây, vì qua đó tôi muốn nhấn mạnh với đồng chí Tổng bí thư rằng trong mọi trường hợp, Đảng cần biết lắng nghe ý kiến đa chiều từ các kênh truyền thông khác nhau. Nếu đồng chí Tổng bí thư chỉ đọc mỗi mấy trang giấy A4 về những báo cáo tóm tắt báo chí hàng ngày được đặt trên bàn làm việc của đồng chí, thì xin hãy nhớ đó là những tin tức được định hướng để báo cáo cho đồng chí đọc.
Thứ hai, đồng chí Tổng bí thư hãy bình tâm giải thích vì sao lâu nay, và dường như đến tận lúc này đồng chí vẫn khăng khăng vào hình mẫu quản lý tương tự với Trung Quốc. Theo đó, đồng chí trung thành cơ cấu bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, công an phải là ủy viên Bộ Chính trị.
Đồng chí nghĩ như thế nào khi lâu nay trong chính nội bộ Đảng đã bất bình ra mặt, khi có sự phân biệt quyền lực chính trị giữa bộ trưởng ngoại giao – quốc phòng – công an, với các bộ tài chính, giáo dục, công thương, nông nghiệp, văn hóa, giao thông, tư pháp…
Không thể nói rằng bộ nào quan trọng hơn hẳn bộ nào trong việc gìn giữ Đảng. Giả dụ nếu bộ trưởng tài chính khiến nợ nần quốc gia đầm đìa, thì cách nào Đảng cũng phải chống đỡ khó khăn trong việc tồn tại, đặc biệt là lòng tin của dân chúng.
Đất nước phải có không gian phát triển bình thường như các quốc gia văn minh khác để lấy phát triển là ưu tiên số 1, chứ không phải là Ban Chấp hành Trung ương – Bộ Chính trị – Ban Bí thư. Chỉ có phát triển dân giàu, nước mạnh thì an ninh quốc phòng theo đó mà bền vững, bè bạn tôn trọng theo đó ngoại giao chỉ việc chào mừng…
Thứ ba, đồng chí cần xem lại về việc độc quyền quy hoạch cán bộ của chính đồng chí, tức của Đảng. Một đơn cử, thật khó hiểu khi đồng chí Tổng bí thư đã chọn một Trưởng Ban Tuyên giáo mà hôm rồi có huấn thị, đại ý rằng qua việc phát triển từ "Thế lực thù địch" mà đồng chí Tổng bí thư hay nhắc đến trong các diễn văn, để tiến đến "Triết học thù địch". Đây là một chuyển biến về chất rất đáng lo ngại của ngành Tuyên giáo Đảng ta.
Thứ tư, đồng chí Tổng bí thư có tính thử học hỏi kinh nghiệm về các đảng chính trị ở nước bạn ?. Theo tôi biết, không chỉ Hoa Kỳ, mà nhiều quốc gia khác cũng có đảng cộng sản. Việc bầu cử ở những nơi này là phổ thông đầu phiếu với sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các đảng phái chính trị trong cơ cấu ghế quyền lực ở Quốc hội, cũng như nội các Thủ tướng hay Tổng thống.
Đồng ý Việt Nam vẫn theo mô hình quốc gia đơn đảng, song ngay cả trong đơn đảng, thì quyền phổ thông đầu phiếu của các đảng viên cũng cần tôn trọng.
Thời gian qua, cá nhân tôi thấy rằng nhân danh Bộ Chính trị, đồng chí và nhóm thân hữu của đồng chí, dường như cho mình các đặc quyền chọn lựa thay nhân sự cả về mặt Đảng, lẫn dân sự như các chức danh giám đốc sở, chủ tịch tỉnh vốn thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các địa phương đó.
Thứ năm, nếu thực sự trăn trở và mong muốn tìm được hướng phát triển tốt nhất cho Đảng trong nhiệm kỳ tới, tôi cho rằng đồng chí Tổng bí thư cần có một báo cáo tổng kết thật sòng phẳng về chính cá nhân đồng chí đã làm được gì cho Đảng, cho dân trong suốt thời gian rất dài đồng chí ở đỉnh cao chót vót quyền lực : từ chủ tịch Quốc hội cho tới Tổng bí thư, rồi Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Đồng chí Tổng bí thư đã có trách nhiệm cụ thể ra sao khi đồng chí đã phân công cán bộ, mà một số cán bộ ấy về sau lại là ‘củi’ được chính đồng chí ‘đốt lò’ ?
Riêng cá nhân tôi cho rằng thật tâm thì đồng chí Tổng bí thư vẫn thủ cựu quan điểm về nhân sự. Một dẫn chứng gần nhất, vào chiều ngày 22/9/2020, báo chí đưa tin Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã triệu tập phiên họp bất thường kiện toàn nhân sự, bãi nhiệm chức chủ tịch UBND thành phố với ông Nguyễn Đức Chung, bầu ông Chu Ngọc Anh, phó bí thư Thành ủy, giữ chức chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Ông Chu Ngọc Anh là bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, được Bộ Chính trị của đồng chí Tổng bí thư điều động, phân công, chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ và giữ chức phó bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 vào chiều 18-9 ; và đây là bước thủ tục để ông Chu Ngọc Anh ngồi vào ghế chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Lời thật mất lòng, rất mong được đồng chí Tổng bí thư lắng nghe để Đảng của chúng ta thật sự làm tốt vai trò là tôi tớ của nhân dân như di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyễn Huyền
Nguồn : VNTB, 24/09/2020
Chú thích :
(*)https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tran-tro-cua-tong-bi-thu-ve-ban-chap-hanh-trung-uong-khoa-xiii-675476.html
********************
Cần chấm dứt dân chủ hình thức
Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 24/09/2020
Trong thực tiễn nền chính trị Việt Nam hiện nay, người dân phải chấp nhận vai trò của Bộ Chính trị đảng cộng sản đối với việc lãnh đạo đất nước. Từ góc nhìn đó, xin được "xía vô chuyện nội bộ đảng".
Dưới đây là một số ý kiến ghi nhận chung mà người viết tổng hợp được từ những lần gặp gỡ với một số thân hữu từng giữ trọng trách trong bộ máy quản lý nhà nước.
Thứ nhất, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam không thừa nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Như vậy trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" đòi hỏi phải có cơ chế pháp lý bảo đảm sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực của Đảng.
Để làm tốt được những yêu cầu tối thiểu kể trên, cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành luật về sự lãnh đạo của Đảng – tức luật về Đảng, luật giám sát xã hội, luật phản biện xã hội, luật về hội… Khi có những hành lang pháp lý minh bạch sẽ giúp phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội trong kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền lực của Đảng, quyền lực nhà nước, góp phần khắc phục những hạn chế của cơ chế một đảng cầm quyền như hiện nay.
Thứ hai, việc bầu cử lựa chọn nhân sự lãnh đạo của tổ chức đảng, của các cơ quan nhà nước như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, và trong các tổ chức chính trị – xã hội cần được thay đổi đồng bộ theo hướng có cạnh tranh – tức tranh cử một cách thực chất, bảo đảm loại trừ dân chủ hình thức, tiêu cực, lợi ích nhóm dẫn đến suy giảm uy tín, vai trò của Đảng đối với quần chúng nhân dân, làm tổn hại đến bản chất dân chủ của chế độ, và làm cho hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước qua bầu cử trở nên hình thức.
Thứ ba, để quyền lực nhà nước vận hành trong khuôn khổ, giới hạn hiến pháp, pháp luật quy định, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thì Đảng phải có cơ chế, phương thức lãnh đạo hữu hiệu hơn, trong đó thực hiện dân chủ trong đảng một cách thực chất là một giải pháp cụ thể.
Dân chủ trong Đảng là phải có sự đấu tranh thực chất trong nội bộ để khắc phục những yếu kém, hạn chế, khuyết tật về tổ chức bộ máy, trong đường lối, chính sách và năng lực cầm quyền nhằm bảo vệ, nâng cao uy tín, vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Tránh chụp mũ kiểu "diễn biến hòa bình – chuyển hóa tư tưởng".
Nội dung của dân chủ là đề cao tính công khai minh bạch về phân cấp, phân quyền trong công tác cán bộ và những quyết định về phát triển kinh tế, xã hội, khuyến khích đấu tranh, phản biện trong tổ chức ở mỗi cấp và các cấp với nhau ; đề cao, quy trách nhiệm cho người đứng đầu ; nghiêm trị mọi vi phạm và người bao che vi phạm ; khen thưởng, sử dụng, đãi ngộ cá nhân có năng lực, dám nói dám làm, dũng cảm đấu tranh với mọi vi phạm.
Dĩ nhiên để có thể làm được điều thứ ba kể trên, tiên quyết là phải có bằng được luật về sự lãnh đạo của Đảng – tức luật về Đảng, luật giám sát xã hội, luật phản biện xã hội, luật về hội… Một khi chưa có hàng rào pháp luật điều chỉnh, thì rất dễ xuất hiện việc chính trị hóa các quan hệ xã hội dân sự.
Nói một cách khác, thực hiện vai trò cầm quyền, Đảng phải dựa theo pháp luật để cầm quyền, mới tránh sự cầm quyền tùy tiện, "tân quan tân chính sách".
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 24/09/2020
**********************
Quản trị quốc gia theo luật hay theo đạo đức cách mạng ?
Mỹ Thuận, VNTB, 24/09/2020
Báo Tuổi Trẻ đã có bản tin tường thuật với giọng văn cứ như trong truyện diễm tình (*), và đã trình bày đóng khung lời của ông Nguyễn Phú Trọng :
"Lực lượng công an cần có chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, giữ cho được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ; tiếp tục chấn chỉnh tổ chức, kiện toàn bộ máy tinh, gọn, mạnh… ; xây dựng lực lượng, xây dựng tổ chức, xây dựng con người trong sạch, gương mẫu, liêm chính ; đừng vì chức, vì quyền, vì tiền mà làm việc xấu ; nội bộ phải đoàn kết, không được để mất uy tín, danh dự Công an nhân dân, bởi danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất".
Từ phần "đóng khung phát biểu" ở trên có thể thấy rằng trên cương vị Tổng bí thư – Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng đang kêu gọi vấn đề đạo đức – điều mà Nho giáo nói gọn qua 4 bước là "tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ".
Viết trong chương đầu tiên của cuốn sách mang tên Đại Học (nằm trong bộ Luận Ngữ : Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử), có đoạn như sau :
"Thời cổ đại, phàm những thánh nhân muốn phát huy tính thiện của con người đến khắp thiên hạ (bình thiên hạ), trước hết phải lãnh đạo tốt nước mình, bang mình (trị quốc). Muốn lãnh đạo tốt nước mình, bang mình, trước hết cần chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình (tề gia). Muốn chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình, trước hết phải tu dưỡng tốt phẩm đức bản thân mình (tu thân). Muốn tu dưỡng tốt phẩm đức bản thân mình, trước hết phải làm cho tâm tư của mình ngay thẳng (chính tâm), đoan chính. Muốn cho tâm tư của mình ngay thẳng, đoan chính, trước hết phải có ý nghĩ thành thật. (thành ý) Muốn có ý nghĩ thành thật, trước hết phải có nhận thức đúng đắn. (trí tri). Mà con đường nhận thức đúng đắn chính là nghiên cứu đến nơi đến chốn, lĩnh hội được cái nguyên lý của sự vật (cách vật)".
Ở đoạn trên, Khổng Tử nói rằng ai làm được 8 bước này thì người đó là thánh nhân.
Như vậy nếu không căn cứ vào hệ thống văn bản pháp luật để điều chỉnh các hành vi chức trách, thì để làm được những yêu cầu mà Tổng bí thư – Chủ tịch nước đặt ra, là "xây dựng con người trong sạch, gương mẫu, liêm chính ; đừng vì chức, vì quyền, vì tiền mà làm việc xấu ; nội bộ phải đoàn kết, không được để mất uy tín, danh dự Công an nhân dân, bởi danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất", thì họa chăng đó là bậc thánh nhân như Khổng Tử đề cập ở trên.
Quản trị quốc gia cần theo luật chứ không phải chỉ cần đạo đức cách mạng kiểu "bởi danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất".
Ở đây, nói theo lập luận của ông Nguyễn Phú Trọng, "bởi danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất", thì cần phải có sự tham gia của người dân trong quyền lực giám sát ngay trong bộ máy quyền lực của Đảng.
Mỗi người dân bị ảnh hưởng hoặc có sự quan tâm đều phải được lôi cuốn vào quy trình ban hành quyết định của Đảng, vì Hiến định ở Điều 4 là Đảng "chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Điều này có thể thực hiện bằng cách : người dân được cung cấp thông tin và được tham vấn ý kiến hoặc được tạo điều kiện để đưa ra khuyến nghị của mình, và trong một số trường hợp, được trực tiếp tham gia vào quy trình ban hành quyết định của Nhà nước và của Đảng. Việc làm này nhằm bảo đảm cho chính sách được thiết kế phù hợp với cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
Việc làm này cũng đồng thời nâng cao tính tích cực chính trị của người dân, biến họ trở thành những chủ nhân thật sự của đất nước. Chỉ khi người dân thật sự tham gia vào quá trình quản trị, họ mới tích cực ủng hộ và thực hiện những chủ trương, chính sách được đề ra.
Khi ấy, người dân chính là trọng tài công minh nhất cho phán xét ai đó có hay không việc xem trọng danh dự ; coi danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất !
Mỹ Huyền
Nguồn : VNTB, 24/09/2020
Chú thích :
(*)https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-dung-vi-chuc-vi-quyen-vi-tien-ma-lam-viec-xau-20200921161802186.htm
*********************
Hà Nguyên, VNTB, 24/09/2020
Hệ thống văn bản pháp luật ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có các luật như luật biểu tình, luật về quyền lập hội, luật về đảng chính trị…
Tuy chưa có luật về đảng chính trị, song có một nguyên tắc, hễ một viên chức là đảng viên đảng cộng sản bị đảng thi hành mức kỷ luật, thì người ấy dễ được coi là vi phạm pháp luật nào đó được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam – dĩ nhiên ở đây cũng có nhiều loại trừ như các đảng viên Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang… bị kỷ luật đảng, nhưng về "mặt chính quyền" lại vô can.
Tại cuộc họp giao ban báo chí quý 3 của cơ quan Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vào chiều 22-9, ông Trần Thanh Hải, phó chủ tịch Tổng liên đoàn khi đề cập đến vụ việc ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, có nói thế này (trích) :
"Việc đi đến một hình thức xử lý kỷ luật của Đảng là theo điều lệ Đảng, theo quy trình và cách làm của Đảng. Tổng liên đoàn tôn trọng quyết định ấy của tổ chức Đảng.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật và của Đảng, sau khi xử lý về Đảng sẽ tiếp tục xử lý về mặt chính quyền, và việc này đang tiếp tục xử lý theo quy định. Tôi hôm nay chưa nói được vì đang trong quá trình thực hiện, nhưng vài hôm nữa sẽ trao đổi đầy đủ hơn".
Trước đó, ngày 18/9, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối đại học, cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố quyết định kỷ luật, và thông báo kết luận của Ban thường vụ Đảng ủy khối về việc xem xét, xử lý kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (đang bị tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng).
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã quyết định đình chỉ chức vụ bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, ban chấp hành đối với ông Lê Vinh Danh. Căn cứ vào quyết định này, ngày 25/8, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có quyết định đình chỉ chức vụ hiệu trưởng 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh.
Như vậy, quả thật đúng như lời của ông Trần Thanh Hải – người từng có thời gian được Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh phân công ông sang giữ chức Tổng biên tập báo Người Lao Động, thì mọi chuyện liên quan đến chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được phía Đảng xử trí mà không cần căn cứ vào Luật Giáo dục đại học ; và tiếp theo đó, dường như theo lời của ông Trần Thanh Hải, Đảng đã yêu cầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ‘đồng bộ’ xử trí ông Lê Vinh Danh, tránh tình cảnh sắp tới đây là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong vụ việc này.
Từ vụ việc cụ thể nêu trên, cho thấy nhân chuẩn bị nhiệm kỳ mới của Đảng và của Quốc hội Việt Nam, cần thiết đặt vấn đề nghiêm túc trong các văn kiện chính trị về luật đảng chính trị. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới chính trị, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả.
Để làm được điều trên từ vị trí của một quốc gia đi sau, chúng ta cần tự tin nghiên cứu sự tham gia của các đảng chính trị, các tổ chức xã hội ở một số nước trên thế giới vào hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước, qua đó có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.
Nếu chúng ta chọn tham khảo Trung Quốc, vì Trung Quốc cũng là nước xã hội chủ nghĩa, nhưng pháp luật của họ cho phép nhiều đảng chính trị được hoạt động. Tuy nhiên, các đảng đó phải chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Thay vì tranh giành ảnh hưởng, hợp tác nhiều đảng được coi là đặc điểm đặc thù của hệ thống chính trị – xã hội Trung Quốc.
Ngoài Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền, 8 đảng khác hoạt động với mục đích tồn tại cùng nhau, giám sát lẫn nhau và "giám sát dân chủ" đối với các cơ quan nhà nước, vì lợi ích của đất nước, nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động của các đảng chính trị ở Trung Quốc mờ nhạt, không có ảnh hưởng đáng kể trong đời sống chính trị – xã hội. Vì vậy, vấn đề các đảng phái chính trị kiểm soát quyền lực nhà nước ở Trung Quốc thực chất không có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn.
Trường hợp chúng ta vẫn trung thành với chủ nghĩa cộng sản và chọn tham khảo Hoa Kỳ thì sao ?
Giáo trình mà sinh viên trường luật được học cho biết như sau, Hoa Kỳ có hàng trăm đảng chính trị cùng hoạt động. Tuy nhiên, trong lịch sử nước Mỹ chỉ có đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa là thay nhau cầm quyền và việc cầm quyền được thông qua các cuộc bầu cử cạnh tranh quyết liệt, còn lại các đảng khác chỉ có thể tham gia vào đời sống chính trị – xã hội ở một mức độ hạn chế.
Mặc dù các đảng chính trị luôn cạnh tranh với nhau nhằm giành quyền kiểm soát bộ máy nhà nước, nhưng họ vẫn cùng nhau chia sẻ những cam kết chung và những giá trị cơ bản của xã hội : đó là chế độ nhà nước cộng hòa, tôn trọng Hiến pháp và các nguyên tắc của nó.
Hiến pháp, pháp luật ở Mỹ buộc mọi đảng chính trị, kể cả đảng cầm quyền, nhóm lợi ích phải tuân thủ, thực hiện pháp luật, hoạt động cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng và sự ủng hộ của cử tri phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật, của "luật chơi" đã thoả thuận. Mọi vi phạm đều xử lý theo quy định của pháp luật. Pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho các đảng chính trị đấu tranh giành và kiểm soát quyền lực nhà nước.
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 24/09/2020