Việt Nam củng cố căn cứ ở Trường Sa nhằm "tạo hao tổn" cho Trung Quốc
Gregory Poling, Giang Nguyễn, RFA, 22/02/2021
Trong những năm qua Việt Nam đã tiếp tục xây dựng củng cố các thực thể ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm đóng. Đó là kết luận phân tích các hình ảnh vệ tinh mới nhất do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải, một dự án của CSIS của Hoa Kỳ, cùng với công ty Simularity công bố gần đây .
Hình ảnh vệ tinh Đá Tây của Việt Nam ở Trường Sa - Courtesy of CSIS-AMTI
Phóng viên Giang Nguyễn có cuộc phỏng vấn với tác giả của bản kết luận, ông Gregory Poling, về ý nghĩa của các hoạt động này. Ông Greg Poling là Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI).
Giang Nguyễn : Cảm ơn ông Gregory Poling đã dành thời gian để chia sẻ về phân tích mới nhất của AMTI và Simularity. Ông có thể mô tả cho thính giả của chúng tôi về những gì ta có thể thấy được qua những hình ảnh vệ tinh của Simularity ?
Gregory Poling : Các ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã tiếp tục những hoạt động mà chúng tôi gọi là nâng cấp khiêm tốn ở quần đảo Trường Sa, chủ yếu là đối với khả năng phòng vệ tại các đảo lớn ở đây. Việt Nam có 10 thực thể mà chúng ta có thể gọi là đảo, mà không phải là chỉ đá trồi lên mặt nước. Trên tất cả các thực thể đó, Việt Nam đang tiếp tục nâng cấp các hệ thống phòng vệ bờ biển, hệ thống phòng không, cũng như rất nhiều cải tiến về hành chính và chất lượng cuộc sống, boong ke, trụ sở và những thứ tương tự.
Giang Nguyễn : Các ảnh vệ tinh này được chụp vào khoảng thời gian nào ?
Gregory Poling : Các hình ảnh mà chúng tôi công bố đều được chụp vào năm 2019 và 2020. Chủ yếu chúng tập trung tại đảo Đá Tây và Đảo Sinh Tồn, hai nơi được xây dựng nhiều nhất trong thời gian đó. Còn có những nâng cấp nhỏ tại những cơ sở khác mà chúng tôi nêu ra ; nhưng ở hai đảo Đá Tây và Sinh Tồn là nhiều nhất. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các mô hình như đã thấy trên tất cả 10 đảo nhỏ của Việt Nam. Tất cả các đảo đều được cải tạo mở rộng đất ở một mức độ nào đó. Việc này cơ bản đã được hoàn thành vào năm 2016. Bây giờ chúng ta thấy những bước hoàn thiện xây dựng tại những nơi cải tạo đó.
Giang Nguyễn : Ông có thể cho biết thêm về khả năng của những việc nâng cấp này ? Theo tôi hiểu, một số là để phòng vệ, nhưng cũng có một số có khả năng, có thể gọi là chủ động hơn ?
Gregory Poling : Trong mọi trường hợp, điều mà Việt Nam có vẻ chú trọng trong những năm gần đây là việc xây dựng, làm kiên cố các đảo và cả các tiền đồn nhỏ hơn của mình. Về cơ bản đây chỉ là các hầm trú ẩn, boong ke được xây dựng trên các đảo để dễ tiếp nhận cung ứng hơn, dễ phòng vệ hơn, khó có thể bị Trung Quốc phong tỏa hơn, và để họ có khả năng đánh lại Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột trong tương lai. Mục đích là để ngăn chặn sự gây hấn.
Trung Quốc đã xây dựng 3.200 mẫu Anh mới từ cuối năm 2013 đến năm 2016. Việt Nam đã phản ứng rất dè dặt, vì ngân sách và khả năng có hạn, bằng cách phát triển khoảng hơn một trăm mẫu Anh và sau đó là các loại phương tiện phòng thủ.
Chúng ta đang thấy các ụ phòng không có thể chứa những hệ thống phòng không cũ hơn nhưng vẫn có khả năng chống lại tấn công. Chúng ta thấy các ụ pháo, bệ bắn bê tông dành cho pháo binh bờ biển sử dụng nhằm phòng vệ trước một cuộc đổ bộ. Chúng ta thấy ở hầu hết các đảo đều được trang bị khả năng radar tình báo và tín hiệu quan trọng để Việt Nam có thể quan sát các vùng biển xung quanh đảo. Cộng lại với những báo cáo của năm 2016 về các hệ thống pháo tên lửa được gọi là hệ thống EXTRA do Israel chế tạo, mà Việt Nam đã triển khai tại một số đảo giúp mở rộng khả năng tấn công vào một số hòn đảo Trung Quốc xung quanh.
Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi không thực sự nhìn thấy được những hệ thống đó vì nó nhỏ và dễ dàng bị che giấu. Mục tiêu của nó là thế. Nhưng rõ ràng chúng có thể được triển khai và bắn từ bất kỳ cơ sở nào mà chúng tôi đã xác định. Nói tóm lại, dù Việt Nam đã không tiến hành mức độ tinh vi của chiến dịch quân sự hóa của Trung Quốc (tại Biển Đông), nhưng Việt Nam đã phản ứng bằng nâng khả năng phòng vệ của các hòn đảo của họ.
Giang Nguyễn : Ông có thể phân tích thêm, chúng ta có thể rút ra kết luận gì từ những diễn biến này về cách tiếp cận của Việt Nam đối với những căng thẳng ở Biển Đông ?
Gregory Poling : Việt Nam biết rằng họ không thể thắng trong cuộc đua với Trung Quốc để xây dựng các đảo lớn nhất, nâng cấp chúng với nhiều cơ sở hạ tầng quân sự nhất, hoặc đóng nhiều tàu cảnh sát biển và hải quân nhất. Những gì Việt Nam có thể làm được là hiện đại hóa năng lực của mình đủ để có thể áp đặt tốn kém lên Trung Quốc. Việt Nam có lẽ trên thực tế sẽ không bao giờ có thể nâng cấp đến mức độ mà có thể thực sự thắng một cuộc đối đầu tại Trường Sa. Nhưng họ có thể làm cho cuộc đụng độ ở đây trở nên rất tốn kém đối với Trung Quốc. Và như vậy, họ đã tạo ra một sự răn đe. Trung Quốc luôn phải biết rằng nếu quyết định bước qua ngưỡng cửa đó và sử dụng bạo lực với Việt Nam, thì Việt Nam có thể đánh vào tàu Trung Quốc trên biển, Việt Nam có thể tấn công các đảo của Trung Quốc tại Trường Sa. Có thể không diễn ra trong một thời gian kéo dài, nhưng có thể gây tốn thất (đối với Trung Quốc) trong một thời gian. Và tôi nghĩ là Hà Nội tính toán rằng những tổn thất đó có lẽ sẽ khiến Trung Quốc phải suy nghĩ lại.
Cũng theo logic tương tự, tôi nghĩ Việt Nam cũng đã cải tổ hải quân của họ. Việt Nam đã đầu tư vào các tàu ngầm lớp kilo của Nga, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, tên lửa tấn công đất liền và chiến hạm nâng cấp. Công nhận đó là chỉ một số ít nhưng có khả năng khá tân tiến. Điều đó cung cấp cho họ một số khả năng giữ vị trí trong cuộc chiến và chống trả ít nhất trong một thời gian.
Hình ảnh vệ tinh Đá Tây cho thấy có thêm những xây dựng mới như hệ thống phòng vệ bờ biển, các tòa nhà hành chính, các bãi bê tông và boong ke. Courtesy of CSIS-AMTI
Giang Nguyễn : Vậy thì Trung Quốc có những phản ứng gì trước những nâng cấp này ?
Gregory Poling : Hiện giờ thì chúng ta chưa thấy một phản ứng nào về các cấu trúc ở các đảo. Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch quân sự hóa của riêng mình. Về cơ bản, họ đã hoàn thành việc xây dựng các hòn đảo của họ vào năm 2016 và đã hoàn thành hầu hết các cơ sở hạ tầng chính vào năm 2018. Từ đó, họ đã tiến hành chế độ triển khai tối đa trong vòng hai năm nay. Nghĩa là triển khai nhiều máy bay tuần tra hơn, nhiều máy bay vận tải hơn, nhiều tàu Hải quân, hải cảnh và các tàu bán quân sự hơn cũng như nhiều bệ tên lửa hơn.
Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc thay đổi kế hoạch nâng cấp hoặc triển khai các đảo họ chiếm vì những gì Việt Nam đang làm. Chắc chắn Trung Quốc biết rõ về những nâng cấp này. Trung Quốc cho đến nay có hệ thống radar và khả năng cảm biến tốt nhất ở Biển Đông. Họ thấy hết những gì xảy ra trên Biển Đông. Họ biết Việt Nam đang làm gì.
Một điều mà chúng ta đã thấy diễn ra trong ít nhất hai năm qua là nỗ lực ngày càng tăng của các tổ chức quốc doanh hoặc có liên quan tới chính quyền Trung Quốc nhằm tạo ra hình ảnh là Việt Nam mới là vấn đề thực sự ở Biển Đông. Chúng tôi thấy điều này từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, các trường đại học, các nhà trí thức Trung Quốc và các viện nghiên cứu có liên hệ với nhà nước Trung Quốc. Họ nỗ lực để lập luận rằng Việt Nam thực sự là kẻ xâm lược, rằng Việt Nam có nhiều đảo nhất, rằng Việt Nam có nhiều ngư dân đánh cá bất hợp pháp nhất. Họ luôn tung tin có một phần đúng, vừa đủ để thuyết phục những người vốn đã muốn tin Trung Quốc. Tôi nghĩ chiến dịch này chỉ có tác động hạn chế bên ngoài Trung Quốc. Nhưng đó là một hoạt động tuyên truyền đáng ghi nhận.
Giang Nguyễn : Cá nhân ông chú ý điều gì trong mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai gần ?
Gregory Poling : Phần lớn, cái mà tôi đang quan sát thấy không phải là về các hòn đảo. Tôi nghĩ rằng cả Việt Nam và Trung Quốc đều không có ý đối đầu ở Trường Sa. Điểm mấu chốt thực sự của cuộc xung đột lúc này là ở vùng biển gần bờ Việt Nam, quyền khai thác dầu khí và quyền đánh cá. Sau những bế tắc thực sự căng thẳng mà chúng ta đã chứng kiến về các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, ở phía tây nam Trường Sa, theo tôi đây mới là nơi có nhiều khả năng xảy ra xung đột nhất trong một, hai năm tới. Rosneft của Nga, các công ty khác, ví dụ như của Nhật Bản vẫn còn mỏ ở đây. Họ vẫn muốn khoan các giếng dầu khí mới. Và Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm bất thường với các tàu Cảnh sát biển và tàu dân quân của họ cố ý gây nguy cơ đụng chạm, thách thức Hà Nội tiếp tục hoạt động ở đây.
Giang Nguyễn : Trong các cấu trúc của Việt Nam tại Trường Sa, còn điều gì ông muốn lưu ý không ?
Gregory Poling : Tôi chỉ muốn nói rõ ràng Việt Nam kiểm chế hơn nhiều (so với chiến dịch quân sự hóa Biển Đông) của Trung Quốc. Khả năng, nguồn năng lực của Việt Nam không bằng Trung Quốc, không gian (xây dựng) cũng không có như họ. Việt Nam đã không xây dựng mở rộng ba nghìn mẫu Anh đất (như Trung Quốc đã làm). Tất cả những gì chúng ta thấy đều được triển khai hoặc xây dựng rõ ràng có tính chất phòng vệ. Ngay cả khả năng tấn công của Việt Nam, như qua các hệ thống pháo phản lực EXTRA nói trên, thực sự có tầm bắn khiêm tốn để tấn công các đảo Trung Quốc gần nhất, như một hình thức răn đe.
Việt Nam đã không đặt tên lửa chống hạm tầm xa trên các đảo của mình như Trung Quốc đã làm. Họ đã không xây dựng nhà chứa máy bay chiến đấu trên các đảo như Trung Quốc đã làm. Không có bằng chứng nào cho thấy Việt Nam đang nâng cấp các hòn đảo ở Trường Sa để làm bàn đạp để thể hiện sức mạnh tấn công. Thay vào đó, tất cả các xu hướng đều cho thấy rằng đây là những nâng cấp phòng thủ để tăng tổn phí cho bất kỳ hành động xâm lược nào của Trung Quốc.
Chúng ta có thể gọi đó là quân sự hóa nếu muốn, nhưng rõ ràng hoạt động đó không cùng chất lượng hoặc sắc thái quân sự hóa giống như những loại nâng cấp có tính cách gây hấn hơn mà Trung Quốc đã thực hiện.
Giang Nguyễn : Cảm ơn ông Gregory Poling rất nhiều.
Giang Nguyễn thực hiện
Nguồn : RFA, 22/02/2021
***********************
Trọng Nghĩa, RFI, 24/02/2021
Trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục rầm rộ thị uy về mặt quân sự trong vùng Biển Đông, củng cố các tiền đồn mà họ đã xây dựng trên các đảo nhân tạo nắm trong tay, Việt Nam vẫn kín đáo cố gắng cải thiện và nâng cấp các cơ sở quân sự của mình trên một số đảo ở vùng quần đảo Trường Sa.
Trong bản báo cáo mới nhất công bố ngày 19/02/2021, tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington đã so sánh các hình ảnh vệ tinh chụp trong vòng hai năm gần đây để nêu bật nỗ lực của Việt Nam mà tổ chức này đánh giá là "khiêm tốn".
Dựa trên các bức ảnh vệ tinh mới nhất của hãng Simularity, AMTI đã đối chiếu với các không ảnh chụp trước đó, để xem xét các thay đổi trong hệ thống vũ khí phòng thủ mà Việt Nam bố trí trên một số đảo trong quyền kiểm soát của mình.
Kết luận của AMTI là Hà Nội tiếp tục tập trung vào việc củng cố hệ thống phòng thủ nhằm chống lại các các cuộc tấn công hoặc phong tỏa, đồng thời tăng cường năng lực răn đe bằng cách trang bị những loại vũ khí đủ sức tấn công vào các cơ sở của Trung Quốc trong khu vực
Nâng cấp rạn san hô Đá Tây (West Reef) và Đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island)
Ghi nhận trước tiên của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải là trong số tất cả các tiền đồn của Việt Nam ở vùng quần đảo Trường Sa, hai thực thể Đá Tây và Đảo Sinh Tồn đã có những thay đổi mạnh mẽ nhất trong hai năm qua.
Phần lớn trong số 70 mẫu (hay 30 ha) tạo thành diện tích của bãi Đá Tây hiên nay là kết quả quá trình cải tạo, bồi đắp từ năm 2013 đến năm 2016.
Trong hai năm qua, Đá Tây đã có công trình mới đáng kể, bao gồm một số công trình phòng thủ ven biển, các tòa nhà hành chính, các con đường và boongke bằng bê tông, và một cấu trúc lớn có hình tháp, mà theo AMTI, có lẽ dùng để liên lạc hoặc thu phát tín hiệu tình báo.
Tại khu vực mũi phía bắc và phía nam của hòn đảo, cũng có một mạng lưới đường hầm tương tự như các mạng lưới đường hầm khác của Việt Nam, cũng như một số điểm trồng cây xanh.
Đảo Sinh Tồn, theo AMTI, cũng được nâng cấp đáng kể trong hai năm qua, đáng chú ý nhất là việc xây dựng một loạt các công trình phòng thủ dọc theo bờ biển. Công việc này bắt đầu vào năm 2019 và tập trung trên khoảng 26 mẫu (10 ha) đất cải tạo từ năm 2013 đến năm 2016.
Khu vực đất mới ở phía bắc Đảo Sinh Tồn, có trong ảnh từ năm 2018, đã được dọn sạch để xây dựng các đường hầm mới và công sự ven biển. Một ảnh vệ tinh chụp vào tháng 11 năm 2020 cho thấy khu vực hiện đã bắt đầu được trồng trọt, cho thấy rằng phần quan trọng công việc lớn đã hoàn thành.
Việc nâng cấp ở Đá Tây và Đảo Sinh Tồn tuân theo các mô hình đã được thấy ở các tiền đồn khác của Việt Nam ở Trường Sa, với các công trình phòng thủ ven biển - các ụ bê tông được kết nối với các boongke - có mặt khắp nơi tại các tiền đồn lớn hơn của Việt Nam.
Nâng cao khả năng phòng không và phòng thủ bờ biển
Ghi nhận thứ hai của AMTI là liên quan đến ba loại cơ sở phòng thủ có đã được xây dựng trên hầu hết các căn cứ của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, với mục tiêu rõ ràng là nâng cáo khả năng phòng không và bảo vệ bờ biển.
Loại cơ sở thứ nhất là những cái ụ bao gồm một dải hình thuôn dài dường như dành cho các hệ thống phòng không, thường được sắp xếp theo hình tam giác với các boongke chuyên dụng. Các cơ sở này được thấy cả trên Đảo Trường Sa Lớn, lẫn trên một số tiền đồn thuộc loại nhỏ nhất, như Đảo Phan Vinh (Pearson Reef) nơi loại ụ này được gắn vào một bãi đáp trực thăng để tiết kiệm không gian.
Theo AMTI, thời điểm xuất hiện, kích thước và hướng của loại cơ sở này là dấu hiệu cho thấy công trình được thiết kế để sử dụng cho các hệ thống phòng không cũ có từ thời Liên Xô như S-125 Pechora-2TM (SA-3 Goa). Một số tấm bê tông hình thuôn dài này cũng nằm rải rác xung quanh mỗi hòn đảo, thường được kết nối với một boongke và hướng ra bờ biển như trên Đảo Sơn Ca (Sand Cay), Đảo Nam Yết (Namyit Island) hay Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay).
Loại cơ sở thứ hai, được thấy ở Đảo Sơn Ca, Đảo Trường Sa Đông (Central Reef), và Đảo Trường Sa Lớn, là loại ụ có một bệ bê tông hình bán nguyệt rất có thể được dùng cho các hệ thống phòng thủ bờ biển. Các bệ này hầu như luôn hướng ra ngoài dọc theo bờ biển và thường được kết nối với các boongke.
Loại cơ sở thứ ba, hình tròn, được thấy ở Đảo Sơn Ca, Đảo Trường Sa Đông thì có miếng đêm trong nhỏ hơn, thường được hướng vào bên trong đất liền, kết nối với boongke nằm dọc theo bờ biển.
Hầu hết các tiền đồn lớn hơn của Việt Nam đã có những cơ sở đó từ nhiều năm qua. Theo AMTI các cơ sở này đã xuất hiện trên đảo Nam Yết ít nhất là từ năm 2006. Nhưng sau khi bồi đắp để mở rộng các thực thể lớn nhất, Việt Nam đã phải xây dựng thêm các ụ dọc theo các bờ biển mới được hình thành. Toàn bộ 10 thực thể có đá nổi trên mặt nước mà Việt Nam kiểm soát - đều có những ụ này.
Hệ thống vũ khí mới nhằm răn đe Trung Quốc
Việt Nam cũng được cho là có các hệ thống vũ khí mới hơn, tầm bắn xa hơn trên các tiền đồn của mình. Hãng tin Reuters đưa tin vào năm 2016 rằng Hà Nội đã triển khai hệ thống tên lửa pháo EXTRA mua của Israel tới 5 trong số các đảo Trường Sa.
Kích thước nhỏ gọn của các hệ thống này sẽ giúp việc triển khai và che giấu dễ dàng và nhanh chóng hơn. Các loại pháo phòng không này chỉ cần cơ sở hạ tầng hỗ trợ tối thiểu và có thể được bắn đi từ bắt kỳ loại bệ phóng nào được mô tả ở trên và cũng như từ bất kỳ bề mặt cứng, phẳng hợp lý nào khác.
Điều đó có nghĩa là loại vũ khí này có thể dễ dàng có mặt tại bất kỳ, hoặc tất cả, trong số mười đảo lớn nhất của Việt Nam ở Trường Sa.
Ngoài ra, như một chuyên gia từng nêu bật, với tầm bắn 150 km (80 hải lý), các hệ thống EXTRA của Việt Nam đã có khả năng tấn công tất cả các căn cứ ở Trường Sa của Trung Quốc. Và đó là khả năng răn đe đáng kể của Hà Nội.
Bên cạnh Đá Tây và Đảo Sinh Tồn, một số thực thể của Việt Nam đã được nâng cấp khiêm tốn hơn trong hai năm qua. Đảo Phan Vinh và Nam Yết đều nhận được một vòm ra đa bổ sung, chứa các hệ thống cảm biến hoặc liên lạc chưa được xác định, cũng như một số tòa nhà hành chính.
Tại đảo Trường Sa Lớn, Việt Nam đã hoàn thành công trình vòm radar nhỏ và xây dựng một số tòa nhà mới. Việt Nam cũng đã mở rộng hai trong số các cơ sở giống như một cái hộp trên rạn san hô Đá Đông gần như ngập dưới nước và Đá Tốc Tan (Alison Reef). Mỗi thực thể nhận được một cấu trúc thứ hai được kết nối với cấu trúc đầu tiên.
Kể từ năm 2013, Việt Nam đã nâng cấp 8 trong số 24 cở sở đặt trên bãi đá ngầm và 12 trong số 14 nhà giàn "DK1" trơ trọi ở vùng biển sâu hơn về phía tây nam.
Rachel Zhang, Nghiên cứu quốc tế, 24/02/2021
Báo cáo của một tổ chức nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Washington cho biết Việt Nam đã xây dựng hệ thống phòng thủ ở quần đảo Trường Sa trong hai năm qua để "đảm bảo có thể giáng đòn vào các cơ sở của Trung Quốc" tại quần đảo tranh chấp này.
Ảnh chụp từ trên không của Southwest Cay, do Việt Nam kiểm soát và một phần của quần đảo Trường Sa. Báo cáo cho biết các công trình gần đây tại Đá Tây và Sinh Tồn tuân theo "các mô hình đã được thấy ở các tiền đồn khác của Việt Nam ở Trường Sa". Ảnh : Reuters
Các hệ thống phòng thủ bờ biển và phòng không đã được lắp đặt trên hầu hết các căn cứ của Việt Nam ở Trường Sa, với những nâng cấp đáng kể nhất được thực hiện tại Đá Tây (West Reef) và Đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island), theo báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS).
Báo cáo cho biết các công trình xây dựng gần đây nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam nhằm giúp cho các cơ sở của Việt Nam trong khu vực có thể chống chọi được trước Trung Quốc, và để đảm bảo các căn cứ của Trung Quốc cũng nằm trong phạm vi hỏa lực của Việt Nam.
Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan – và cả hai đều chiếm các tiền đồn ở đó. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và căng thẳng đã leo thang do sự quyết đoán ngày càng tăng của họ trong khu vực, vốn đã trở thành một điểm nóng xung đột tiềm tàng với Hoa Kỳ.
Theo báo cáo, những nâng cấp gần đây tại Đá Tây và Đảo Sinh Tồn "giống với mô hình đã được chứng minh ở các tiền đồn khác của Việt Nam ở Trường Sa".
"Các công trình phòng thủ ven biển – gồm các ụ bê tông thường được kết nối với boongke – được xây dựng ở khắp các tiền đồn lớn hơn của Việt Nam", báo cáo cho biết.
Trong hai năm qua, các tháp ăng-ten và các tòa nhà hành chính cũng đã được xây dựng trên khu đất rộng 28,3 ha tại Đá Tây, vốn được bồi đắp từ năm 2013 đến năm 2016, theo báo cáo.
Báo cáo cũng cho biết một loạt các công trình phòng thủ cũng đã được xây dựng trên 10,5 ha đất dọc bờ biển phía bắc Đảo Sinh Tồn, một dự án bắt đầu vào năm 2019. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các công việc chính đã được hoàn thành vào cuối năm ngoái.
Theo báo cáo, Việt Nam cũng đã xây dựng các công trình gần đây tại Đảo Phan Vinh (Pearson Reef) và Đảo Nam Yết (Namyit Island), nơi Việt Nam lắp đặt thêm các vòm chứa radar và một số tòa nhà hành chính.
Các tòa nhà hành chính cũng được xây dựng tại Đảo Sinh Tồn Đông (Grierson Reef) và Đảo Trường Sa Đông (Central Reef).
Ngoài ra, các hệ thống vũ khí mới hơn và có tầm bắn xa hơn đã được lắp đặt trên các tiền đồn của Việt Nam tại Trường Sa, bao gồm cả các hệ thống phóng rocket mua từ Israel.
"Kích thước nhỏ của các hệ thống này sẽ giúp chúng dễ dàng được triển khai và che giấu nhanh chóng. Chúng cũng yêu cầu các cơ sở hạ tầng hỗ trợ tối thiểu và có thể được bắn […] từ bất cứ bề mặt tương đối cứng và bằng phẳng nào", báo cáo cho biết. "Điều đó có nghĩa là chúng có thể dễ dàng có mặt tại mỗi thực thể hoặc tất cả 10 thực thể lớn nhất của Việt Nam".
Căng thẳng đã ngày càng gia tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông, nơi các tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa hai nước thỉnh thoảng chứng kiến sự đối đầu, với hai trận hải chiến ngắn vào năm 1974 và 1988. Gần đây nhất, Hà Nội đã lên tiếng phản đối Bắc Kinh vào tháng Tư khi một tàu cá Việt Nam bị chìm do bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã đâm vào tàu cá, trong khi Trung Quốc cho biết tàu cá này đã bất ngờ đổi hướng và va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc.
Rachel Zhang)
Nguyên tác : "South China Sea : Vietnam builds up defences against Beijing in Spratly Islands, report says", SCMP, 22/02/2021.
Trần Hùng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 23/02/2021
***********************
CSIS : Việt Nam xây dựng hệ thống phòng thủ ở Trường Sa để đối phó với Trung Quốc
VOA, 22/02/2021
Việt Nam đã xây dựng hệ thống phòng thủ ở Trường Sa trong 2 năm qua để "đảm bảo rằng họ có thể tấn công lại" Trung Quốc ở quần đảo có tranh chấp, theo báo cáo của một tổ chức nghiên cứu Mỹ có trụ sở ở Washington DC.
Các hình ảnh vệ tinh trong báo cáo mới nhất của CSIS, trong đó nói rằng Việt Nam đã xây dựng hệ thống phòng thủ ở quần đảo Trường Sa trong 2 năm qua để có khả năng tấn công lại Trung Quốc.
Các hệ thống phòng thủ bờ biển và phòng không đã được lắp đặt trên hầu hết các căn cứ của Việt Nam ở Trường Sa, với những nâng cấp đáng kể nhất tại Đá Tây và Đảo Sinh Tồn, theobáo cáo của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đưa ra hôm 19/2.
Báo cáo này cho biết những công trình xây dựng gần đây "nhấn mạnh" nỗ lực của Việt Nam tiếp tục làm cho các cơ sở của mình trong khu vực "kiên cường hơn trước sự xâm phạm hoặc bao vây của Trung Quốc" và đảm bảo rằng các căn cứ của Trung Quốc nằm trong phạm vi có thể tấn công được.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về báo cáo mới được đưa ra của CSIS.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông – chồng lấn với các tuyên bố của Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan – cũng như chiếm các tiền đồn tại đó. Bắc Kinh truyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và căng thẳng đã leo thang do các hàng động ngày càng gia tăng của họ trong khu vực, khiến Mỹ hồi tháng 7 năm ngoái phải ratuyên bố về Biển Đông cáo buộc chiến dịch hiếp đáp của Trung Quốc trên vùng biển giàu tài nguyên này.
Theo báo cáo của viện nghiên cứu Mỹ, những nâng cấp gần đây tại Đá Tây và Đảo Sinh Tồn "tuân theo các mô hình đã được thấy ở các tiền đồn khác của Việt Nam ở Trường Sa".
"Các công trình phòng thủ ven biển – các ụ bê tông thường được kết nối với boongke – có mặt ở khắp các tiền đồn lớn hơn của Việt Nam", báo cáo cho biết.
Theo CSIS, Việt Nam trong hai năm qua đã lắp đặt các tháp tín hiệu và tòa nhà hành chính trên khu đất rộng 28,3 ha tại đảo Đá Tây, được khai hoang từ năm 2013 đến năm 2016.
Báo cáo còn cho biết một loạt các công trình phòng thủ cũng đã được xây dựng dọc theo 10,5 ha đất của bờ biển phía bắc Đảo Sinh Tồn trong một dự án được bắt đầu vào năm 2019. Trích dẫn các hình ảnh vệ tinh từ hòn đảo này, báo cáo cho biết phần việc chính đã được hoàn thành vào cuối năm ngoái.
Theo nghiên cứu của CSIS, Việt Nam cũng đã tiến hành các hoạt động xây dựng gần đây tại Đảo Phan Vinh và Đảo Nam Yết, nơi họ lắp đặt thêm các cấu trúc hình mái vòm dùng để bảo vệ ăng-ten radar và một số tòa nhà hành chính.
Các tòa nhà hành chính cũng được xây dựng trên Đảo Sinh Tồn Đông và Đảo Trường Sa Đông, báo cáo cho biết. Ngoài ra, các hệ thống vũ khí mới hơn và tầm xa hơn đã được lắp đặt trên các tiền đồn của Việt Nam trong chuỗi đảo, bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không mua từ Israel.
Reuters hồi năm 2016 trích dẫn nguồn tin riêng cho biết Việt Nam đã củng cố sức mạnh cho một số hòn đảo của mình ở Trường Sa trên Biển Đông một cách "kín đáo" với các bệ phóng tên lửa di động mới mua từ Israel có khả năng tấn công các đường băng và cơ sở quân sự của Trung Quốc.
"Kích thước nhỏ của các hệ thống này sẽ giúp chúng dễ dàng triển khai và che giấu nhanh chóng. Chúng chỉ cần cơ sở hạ tầng hỗ trợ tối thiểu và có thể bắn đi được… từ bất kỳ bề mặt cứng, phẳng hợp lý nào khác", báo cáo của CSIS cho biết. "Điều đó có nghĩa là chúng có thể dễ dàng có mặt tại bất kỳ, hoặc tất cả, các hòn đảo trong số 10 đảo lớn nhất của Việt Nam".
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông gia tăng trong những năm gần đây, nơi mà các tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa hai quốc gia Cộng sản láng giềng lại thỉnh thoảng xảy ra, từ việc đưa giàn khoan hoặc tàu thăm dò vào vùng đặc quyền kinh tế cho tới việc đâm chìm tàu cá.
Gần đây nhất vào tháng 4 năm ngoái, Hà Nội đã gửi công hàm phản đối Bắc Kinh khi một tàu đánh của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu tuần duyên Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp. Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã đâm tàu đánh cá của mình trong khi Trung Quốc phủ nhận điều này.
Hải quân Việt Nam và Trung Quốc đối đầu nhau trong hai trận chiến ngắn vào năm 1974 trên quần đảo Hoàng Sa và 1988 trên quần đảo Trường Sa.
Nguồn : VOA, 22/02/2021
*********************
Việt Nam tiếp tục mở rộng đảo, xây dựng các cấu trúc quân sự ở Trường Sa
RFA, 20/02/2021
Việt Nam trong các năm gần đây tiếp tục có những hoạt động cải tạo nhỏ ở quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, theo các hình ảnh vệ tinh và phân tích của trang Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) của Mỹ đưa ra hôm 19/2.
Hình ảnh vệ tinh Đảo Sinh Tồn do Việt Nam chiếm đóng tại Trường Sa - AMTI
Theo phân tích của AMTI, hoạt động này của Việt Nam cho thấy Hà Nội tiếp tục tập trung vào việc biến những thực thể do Việt Nam chiếm đóng ở Trường Sa thành các căn cứ kiên cố hơn, có thể chống lại được sự xâm lược hoặc ngăn chặn (từ bên ngoài), đồng thời tăng cường khả năng đánh chặn qua việc có thể nhắm tới các cơ sở của Trung Quốc.
Theo AMTI, hai thực thể có những thay đổi nhiều nhất trong hai năm qua là Đá Tây và Đảo Sinh Tồn. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy 70 acres đất mới được nhìn thấy trên Đá Tây là do việc mở rộng đảo từ năm 2013 đến 2016. Trong 2 năm qua, Đá Tây cũng có thêm những xây dựng mới quan trọng, bao gồm hệ thống phòng vệ bờ biển, các tòa nhà hành chính, các bãi bê tông và boong ke, một tháp lớn được dùng cho thông tin liên lạc và tín hiệu tình báo. Mũi nam và bác của đảo cũng có một hệ thống đường hầm tương tự như ở các thực thể khác mà Việt Nam chiếm đóng tại Trường Sa, thêm vào đó là có rau xanh được trồng tại đây.
Đảo Sinh Tồn cũng có những cải tạo đáng kể trong hai năm qua bao gồm một loạt các lắp đặt phòng thủ bờ biển. Việc xây dựng này, theo AMTI được bắt đầu từ năm 2019 và tập trung vào khoảng 26 acres đất được lấy thêm từ năm 2013 đến 2016. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng các đường hầm mới và công sự bờ biển được xây dựng trên đảo vào năm 2018. Hình ảnh vào tháng 11/2020 cho thấy rau xanh được trồng lại tại khu vực này, chứng tỏ việc xây dựng đã hoàn tất.
Theo đánh giá của AMTI, những xây dựng trên Đá Tây và Đảo Sinh Tồn là tiếp theo những gì Việt Nam đã làm với các tiền đồn trên các thực thể khác ở Trường Sa như Đảo Phan Vinh, Nam Yết, Đảo Sơn Ca, Đảo Song Tử Tây.
Hồi năm 2016, hãng tin Reuters cho biết Hà Nội đã triển khai các hệ thống pháo tên lửa EXTRA mua của Israel ra 5 thực thể ở Trường Sa. Theo AMTI, các hệ thống tên lửa này có thể giúp Việt Nam dễ dàng nhắm tới các căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa và đây được coi là khả năng đánh chặn của Hà Nội.
Hiện Hà Nội chiếm đóng 27 thực thể tại khu vực quần đảo Trường Sa, chưa kể 14 nhà giàn Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật (gọi tắt là DK) được dùng với mục đích dân sự ở đây.
Trung Quốc hiện chiếm đóng 7 thực thể với 20 tiền đồn tại Trường Sa. Từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã gia tăng các nỗ lực xây dựng các đảo nhân tạo tại đây và triển khai vũ khí quân sự ra các đảo. Theo các phân tích từ nhiều nguồn, từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã mở rộng thêm 3.200 acres đất mới cho các đảo nhân tạo ở Trường Sa, cộng thêm vào đó là việc mở rộng quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.
Hồi tháng 12/2020, Sáng Kiến Thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc trường Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc công bố các hình ảnh vệ tinh về các thực thể mà Việt Nam chiếm đóng ở Trường Sa. SCSPI "tố" Việt Nam đang cho mở rộng các thực thể này, mà cụ thể là ở Đảo Sơn Ca và Trường Sa Lớn.
Theo SCSPI, các hình ảnh vệ tinh cho thấy hai đảo này vẫn đang được mở rộng và xây dựng trên đó với chỗ đỗ máy bay và cầu cảng ở Đảo Sơn Ca, một trạm radar 3D và bãi phóng tên lửa ở Trường Sa Lớn.
Nguồn : RFA, 20/02/2021