Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ông ngoại tôi là nhà nho, một thời là hội viên của Hội Trí Tri (tồn tại ở Hà Nội trong thời gian 1982-1945), có lần nói với tôi đại ý : Đừng giữ nước như đười ươi giữ ống ! Tôi hồi ấy còn nhỏ, nên lúc đầu không hiểu gì cả, về sau mẹ tôi giảng cho nghe tục ngữ "đười ươi giữ ống", tôi mới vỡ lẽ điều ông ngoại tôi gửi gắm. Mẹ tôi còn giảng giải cho nghe từ tục ngữ này : Phải sống sao đừng để bị lừa ! Tục ngữ này vẫn đồng hành với tôi suốt cuộc đời mình cho đến hôm nay, thế mà trên đường đời tôi vẫn vô khối lần bị lừa - chưa thể nói là hôm nay đã nên khôn ! Quả thật đây là bài học khó !

trahison2

Trong cả nước rộ lên nhiều tiếng nói cùng nỗi lo mất đất ở những vị trí hiểm yếu vào tay người Trung Quốc... - Ảnh minh họa

Vài hôm nay, có thể nói cả nước quan tâm đến ý kiến của Bộ Quốc Phòng lưu ý Quốc Hội về tình trạng người Hoa mua được những dẻo đất quan trọng ven biển và nhiều nới khác tại những vị trí có liên quan đến an ninh quốc phòng của nước ta, tính đến ngày 30/11/2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc (92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành biên giới (khu vực biên giới đất liền 24, khu vực biên giới biển 125) [1]. Nhân dịp này trong cả nước lại rộ lên nhiều tiếng nói cùng nỗi lo mất đất ở những vị trí hiểm yếu vào tay người Trung Quốc..., trong đó nguyên thứ trưởng Đặng Hùng Võ có bài viết "Người Trung Quốc tậu đất [2], v.v…

Chiều 19/9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Đà Nẵng, khẳng định không có chuyện người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ở Đà Nẵng. Bởi theo quy định của Luật đất đai thì người nước ngoài không được phép đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là sổ đỏ) [3] Đọc xong mẩu tin này, tôi buột mồm kêu lên : Trời đất ơi, lời của ông Tô Văn Hùng nên được hiểu là sự thú nhận công khai : Ta giữ cái vỏ là không cấp sổ đỏ, còn người Trung Quốc nắm cái ruột là trên thực tế vẫn chiếm hữu được và sử dụng được những mảnh đất ở những vị trí quan trọng đến an ninh quốc phòng của nước ta vào những việc họ muốn làm ! Đây chính là chuyện đười ươi giữ ống 100% !

Rất đau lòng xin nói ngay tại đây, trong quan hệ Việt - Trung nước ta không thể đếm xuể những sự việc, sự kiện… cho thấy trên thực tế ta chỉ là đười ươi giữ ống -nghĩa là bị lừa và chỉ giữ cái vỏ ! Chuyện đất đai nêu trên tuy rất bức xúc, nhưng có lẽ vẫn là những chuyện nhỏ, thậm chí rất nhỏ so với những gì đã và đang xẩy ra.

Chưa nói đến những thao túng khác trên lĩnh vực tài chính tiền tệ và trên mọi lĩnh vực kinh doanh khác, nhất là các vấn đề chính trị càng không. [Tuy nhiên, sẽ có lúc trước sau chúng ta phải bàn cho ra nhẽ đất nước ta đã rơi vào tình trạng đười ươi giữ ống trong những lĩnh vực này như thế nào.]

Ở đây chỉ xin tập trung nói tiếp về vấn đề FDI : Sự thật là hầu như không có một dự án FDI nào của Trung Quốc ở Việt Nam, kể cả những dự án lớn, rất lớn - như bauxite Tây Nguyên, Formosa Hà Tĩnh, Đường sắt trên cao ở Hà Nội, các nhà máy nhiệt điện than… mà không làm đúng mọi thủ tục và quy trình pháp lý của Việt Nam… Song tham nhũng vẫn xảy ra, lách luật vẫn xảy ra, biết bao nhiêu tệ hại kinh tế và những tác hại đối với môi trường vẫn xảy ra, sự lệ thuộc và sự can thiệp gây ra từ phía Trung Quốc vẫn xảy ra và ngày càng nguy hiểm… - tất cả đã và đang làm trầm trọng thêm tình trạng lạc hậu và tụt hậu của đất nước - nghĩa là đã góp phần đáng kể vào việc làm cho đất nước ta không thể hoàn thành chiến lược công nghiệp hóa vào năm 2020 (trong đó có vấn đề hàng thập kỷ liên tiếp toàn bộ xuất siêu hàng năm của Việt Nam đi cả thế giới không đủ bù cho nhập siêu hàng năm từ Trung Quốc !). Cũng không có một dự án FDI lớn nào của Trung Quốc ở Việt Nam mà không có sự phản biện khách quan, khoa học và nhìn chung là chuẩn xác và xây dựng, có nhiều cảnh báo quyết liệt trong nước của giới trí thức và những giới có hiểu biết khác… Song toàn bộ sự phản biện này chỉ có tác dụng như nước đổ đầu vịt - nghĩa là không bao giờ được lắng nghe, chưa nói đến đã xảy ra những trấn áp trực tiếp hay gián tiếp để bác bỏ, để lấn át…

Nghĩa là hiện tượng đười ươi giữ ống mạnh đến nỗi gần như đủ sức vô hiệu hóa luật pháp và lẽ phải của đất nước !

Mới gần đây thôi cả nước đã phản đối quyết liệt dự án lập 3 đăc khu kinh tế. Thế nhưng vừa qua Chính phủ đã có Quyết định về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn ; Quảng Ninh đã tổ chức lễ công bố quyết định này ngày 15/05/2020 - giữa lúc cả nước gồng mình chống đại dịch covid-19 và trong khi Trung Quốc đang leo thang uy hiếp Việt Nam trên Biển Đông. Báo Nhân Dân giải thích Khu kinh tế Vân Đồn là khu duy nhất nằm trong khu vực hợp tác "Hai hành lang - một vành đai" Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh… - nghĩa là nằm trong chiến lược "Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc. Sự việc này đã dấy lên trong cả nước nhiều nỗi lo. Tiến sỹ Tô Văn Trường trong bài viết "Bàn tay ma quỷ và vấn đề thể chế chính trị xã hội" nêu rõ : Mưu đồ của Trung Quốc là khống chế toàn diện Việt Nam về chính trị - tư tưởng, về kinh tế, văn hóa - xã hội, về quan hệ đối ngoại, cô lập, lấn chiếm gây sức ép từ phía biển và trên đất liền… để cưỡng chế Việt Nam phải thuận theo chiến lược của họ, thực chất là (muốn) biến Việt Nam thành chư hầu, phụ thuộc, không bao giờ ngóc đầu lên được. Đây là điều không thể mơ hồ… Việt Nam càng nhún nhường thì họ càng lấn tới. Đó chính là bàn tay ma quỷ của Trung Quốc, là điều người Việt từ nhà cầm quyền đến dân thường phải nhận thức và có hành động thống nhất.

Bàn sâu về vấn đề đầu tư, bài báo lưu ý về phía ta có đủ các nguyên nhân : vừa tham nhũng, năng lực quản trị quốc gia yếu kém, vừa không hiểu hết Trung Quốc, vừa sợ Trung Quốc… Tác giả cho rằng : "Nếu rà soát có hệ thống và khách quan có thể trả lời câu hỏi đó là sự "thông đồng" có hệ thống hay chỉ là sự "ngẫu nhiên đáng ngờ" của từng dự án riêng lẻ, nên làm rõ bản chất của từng vụ tham nhũng này". Bài viết đi tới kết luận : "Phải cải cách thể chế chính trị và xã hội, dựa trên bài học rất thành công của chống dịch covid 19 để lấy lại lòng tin của nhân dân, dựa vào sức mạnh của cả dân tộc và sức mạnh của thời đại để bảo vệ chủ quyền quốc gia và phát triển bền vững của đất nước [4] ".

Trên Diễn đàn của những nhà quản trị - The Leader, giáo sư Trần Văn Thọ ngày 21/05/2020 có bài viết "FDI, Trung Quốc và kinh tế Việt Nam" [5]Nội dung : đánh giá (a) toàn diện tình hình FDI vào Việt Nam - những yếu kém và sai lầm, và (b) mối quan hệ giữa Trung Quốc và kinh tế Việt Nam từ khi Việt Nam mở cửa cho đến nay. Đây là một bài viết ngắn, súc tích, nêu rõ được những yếu kém chính về (a) thực trạng thu hút FDI nói chung của Việt Nam chủ yếu chạy theo số lượng, do đó không thể hình thành sản phẩm made in Vietnam - [cá nhân tôi cho rằng thực trạng này đã dẫn tới hình thành một nền công nghiệp gia công của một đất nước cho thuê và của những người đi làm thuê] ; và về (b) đặc thù của các tập đoàn Trung Quốc, trong đó có đến 81% số tập đoàn này được chính quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc chống lưng ; nhiều tập đoàn này làm kinh tế ở Việt Nam không chỉ vì kinh tế mà còn vì nhiều mục đích khác không phải là kinh tế, và hiện tượng Trung Quốc đang lợi dụng khủng hoảng kinh tế và đại dịch covid-19 đẩy mạnh thâu tóm kinh tế nhiều quốc gia dưới hình thức sáp nhập và mua lại (M & A - Merge & Acquivisation) ; ở Việt Nam loại họat động M & A này của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2020 tăng vọt - từ mờ nhạt nhẩy lên đứng vị trí thứ 2 sau Singapore… Tác giả lo ngại : Trong bối cảnh đại dịch Covid, nhiều công ty Mỹ và Nhật muốn di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác, nhưng tại Việt Nam chỉ thấy sự hiện diện của Trung Quốc là rõ nét…

[Trên thế giới hiện nay Úc là một trong những quốc gia thấm thía nhất những quả đắng trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc - với nhiều hệ quả : phân tán / chia rẽ trong nội bộ nước Úc, kinh tế và đất nước bị lũng đoạn... Và ngay giữa lúc còn đang phải chống đại dịch covid-19, Úc đã phải tìm cách thoát Trung, bất chấp mọi đe dọa chính trị, tẩy chay kinh tế và những áp lực khác rất quyết liệt từ phía Trung Quốc. Rất nhiều nước phát triển khác - trong đó có Mỹ và một số nước EU - đang phải rà soát lại toàn bộ quan hệ kinh tế đối ngoại với Trung Quốc…]

Giáo sư Trần Văn Thọ nhấn mạnh Việt Nam cần …khẩn trương đặt lại chiến lược FDI, ban hành các đạo luật có thể ngăn chặn được các dự án FDI có vấn đề.., … …cần đưa ra các chính sách đối ngoại và ban hành các đạo luật nhằm một mặt thu hút FDI trong các ngành công nghệ cao, giúp chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn, mặt khác tránh các ảnh hưởng liên quan an ninh kinh tế và an ninh quốc gia… 

Vân vân…

Có thể kết luận với câu hỏi : Không một giây phút nào và cho bất kỳ vấn đề gì quốc gia thiếu vắng những tiếng cảnh báo dứt ruột, nghiêm khắc về hiện tượng giữ nước như đười ươi giữ ống. Thế nhưng tại sao hiện tượng này vẫn ngang nhiên ngự trị hầu như toàn diện đời sống đất nước ?

Hiện tượng nguy hiểm chết người này ở mức độ và hoàn cảnh nào là do sự ngu dốt, ở mức độ và hoàn cảnh nào là do sự tha hóa về đạo đức - chính trị - tư tưởng, và ở mức độ nào và hoàn cảnh nào là do nguyên nhân bán nước hoặc có thể dẫn đến mất nước - nhất là trong bối cảnh quyết liệt của một thế giới thời hậu covid-19 ?

Điều có thể thấy ngay bây giờ : Bất chấp mọi nỗ lực rất lớn và những hy sinh trong những thập kỷ độc lập thống nhất vừa qua cả nước đã phải trả giá, nước ta cho đến hôm nay vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu và tụt hậu, quốc gia vẫn còn bị uy hiếp nhiều bề, trong đó có nguyên nhân quan trọng là đời sống đất nước có quá nhiều chuyện giữ nước như đười ươi giữ ống ! Giác ngộ được yếu kém này, cả nước sẽ có câu trả lời, và sẽ khai phá được con đường đất nước ta tất yếu phải đi./.

Hà Nội - Võng Thị, ngày 22/05/2020

Nguyễn Trung

Nguồn : Viet-studies, 22/05/2020


[1] Tham khảo : Bộ Quốc phòng trả lời trước Quốc hội về việc người Trung Quốc thu mua đất khu vực trọng yếu

[2] Đặng Hùng Võ, Chuyên gia Quản lý tài nguyên, 'Người Trung Quốc tậu đất' (VnExpress, 20/05/2020) 

[3] Tham khảo : 'Không có chuyện người Trung Quốc đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất' (Tuổi trẻ online, 19/09/2019)

[4] Tô Văn Trường, "Bàn tay maquyr và vấn đề thể chế chính trị - xã hội" (boxitvn.net, 22/05/2020)

[5] Giáo sư Trần Văn Thọ - ,FDI, Trung Quốc và kinh tế Việt Nam (Leader, 21/05/2020)

Published in Diễn đàn

Người Trung Quốc tậu đất

Đặng Hùng Võ, VnExpress, 20/05/2020

Tôi từng bồn chồn về việc người Trung Quốc thuê những cánh rừng ở vị trí quốc phòng quan trọng. Họ thuê xong, rừng bị rào lại.

dat01

Khu đất vệt tường rào sân bay Nước Mặn, nơi được xác định có nhiều lô đất do người Trung Quốc núp bóng người Việt để sở hữu. Ảnh: Hoàng Sơn

Mươi năm trước, báo chí ồn ào bởi thông tin nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã được ủy ban nhân dân các tỉnh cho thuê những cánh rừng rộng lớn, có vị trí quốc phòng quan trọng. Họ rào kín đất thuê, cơ quan và dân ta đều không được vào, không biết cái gì đang diễn ra bên trong. Sự việc nổi lên rồi lại trôi đi, có lẽ con người ta rất chóng quên.

Trên thực tế là vậy, nhưng tôi luôn muốn tìm đến cùng của sự việc, không phải vì tò mò mà cái chính là lo xem đất nước phải làm gì, hiện tại và trong tương lai xa. Sự thực, pháp luật của ta coi trọng việc động viên mọi nguồn vốn để phát triển rừng và cũng rất cẩn thận về bảo đảm an ninh, quốc phòng. Các dự án đầu tư đều phải có ý kiến của bên quốc phòng, an ninh trước khi phê duyệt. Các tỉnh đều thực hiện đúng, cái sai là nhà đầu tự tư rào lại như đất của mình mà chính quyền địa phương lại ngại xử lý, tức là sai về thực thi pháp luật. Câu chuyện thời sự 8B Lê Trực giữa Thủ đô mà còn bị sai như vậy. 

Hôm qua, hơn chục phóng viên trong và ngoài nước gọi điện muốn phỏng vấn tôi về thực trạng nhiều thương nhân Trung Quốc đã núp bóng người Việt sở hữu nhiều loại bất động sản tại Việt Nam. Đó là các vị trí có lợi thế kinh doanh, thậm chí lợi thế quốc phòng. "Ta phải làm gì bây giờ ?", họ hỏi.

Ồn ào, rồi cũng lại rơi vào tĩnh lặng. Còn nhớ, nhiều vụ việc tương tự được nêu ra như các "tua du lịch 0 đồng" đưa rất đông du khách từ Trung Quốc tới Việt Nam, tiêu bằng Nhân dân Tệ tại các cơ sở du lịch Trung Quốc ở Việt Nam. Việt Nam không thu được gì cả, từ thuế, phí và dịch vụ, ngược lại còn chịu ảnh hưởng chẳng mấy vui vì hành vi của các du khách này. Hoặc như tình trạng nhiều dự án đầu tư FDI, ODA, cả dự án nội địa mà nhà thầu Trung Quốc thắng thầu xong, đưa người lao động từ nước họ vào làm việc bằng nhiều cách, trái với pháp luật đầu tư Việt Nam. Nhiều nơi tại Việt Nam, các xóm làng, dãy phố Trung Quốc tự mọc lên, ngôn ngữ, biển hiệu đều tiếng Trung... Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dùng vốn vay và nhà thầu Trung Quốc gần chục năm qua vẫn đứng yên, trầm mặc như một tượng đài giữa Thủ đô.

Những bức xúc trên tồn tại một phần do còn khoảng trống trong pháp luật, song phần nhiều do các quan chức địa phương không cương quyết thực thi đúng pháp luật. Người thì nói do ta ngại va chạm, sợ làm hỏng môi trường đầu tư nên chỉ xử lý cho qua chuyện. Người bảo "bị nhóm lợi ích chi phối rồi". Chỉ những công dân có trách nhiệm với đất nước vẫn khắc khoải khôn nguôi.

Có những người lo lắng, "thôi đừng đầu tư phát triển, hội nhập nữa, sợ mất nước". Việc dừng lại không xem xét tiếp Luật về ba đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc do công luận không yên tâm là một minh chứng. Chủ trương hình thành các đặc khu như một cực phát triển kinh tế mới, thử nghiệm đổi mới thể chế là một chủ trương đúng, nhưng có người lại sợ bị Trung Quốc lợi dụng mà không muốn làm. Họ chỉ mong hai chữ "bình an", giàu lên chẳng để làm gì khi thấy nguy cơ mất mát lớn hơn nhiều.

Có anh bạn tôi khăng khăng rằng "dân mình quá lo xa, nhà nước chắc chắn đã tính toán hết rồi, lãnh đạo gắn với trách nhiệm đã được ghi rõ trong Hiến pháp 2013 rồi, lo làm gì cho mệt". Tôi cũng im lặng không nói gì thêm, nhưng tư duy nhiều hơn. Chẳng phải vô cớ người dân lo lắng khi họ nhìn thấy cách hành xử và các phát ngôn rất vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều lần, từ nhiều năm qua. Rồi cũng cách hành xử ấy tràn lên đất liền thì sao ? Nay, việc người Trung Quốc nắm giữ nhiều khu đất tại những vị trí trọng yếu quốc phòng, tại cả các thành phố lớn, hay dọc ven biển, rừng núi, với các kiểu "đội lốt người Việt", ta hóa giải thế nào ?

Hồi còn trẻ, tôi rất thích đọc truyện dã sử và sách kinh điển Trung Quốc. Những truyện như Tam Quốc, tôi gần như thuộc lòng. Tôi cũng tìm hiểu Tứ thư, Ngũ kinh và rất thích triết lý về quân tử - tiểu nhân của Khổng Tử. Những người lương thiện đều hướng mình thành quân tử, không những không bắt nạt người yếu thế mà còn cưu mang họ. Hình ảnh các hảo hán trong Thủy hử cũng thể hiện tính quân tử của những người hùng bị rơi vào khốn quẫn.

Một lần tới Bắc Kinh, tôi lên ngay Vạn Lý Trường Thành để chiêm ngưỡng tinh thần của di sản. Tới nơi, tôi đã thấy tận mắt hàng chữ Mao Trạch Đông tự tay đề "Bất đáo Trường thành phi hảo hán". Nét chữ khỏe khoắn, khí phách. Người dân Trung Quốc tới đây nghìn nghịt. Nhìn họ, tôi cảm giác như ai cũng muốn trở thành "hảo hán". Tôi cảm thấy nhân dân Trung Quốc thích làm hảo hán, nhưng sao nhà nước của họ lại không muốn ?

Nếu bạn hỏi bất kỳ người phương Tây nào về hình ảnh "đường lưỡi bò" ngang ngược liếm hết Biển Đông thì họ đều nói rằng như thế là trái với công pháp quốc tế về Luật biển. Rồi quân đội Trung Quốc đã đánh úp Hoàng Sa khi Việt Nam đang sơ ý trong nỗ lực thống nhất đất nước, kết thúc cuộc chiến chống ngoại xâm mười nghìn ngày. Rồi cuộc xâm lược trên biển tại Trường Sa với cuộc đấu không cân sức tại Gạc Ma bất tử. Nhất là khi cả thế giới đang đoàn kết chống đại dịch toàn cầu Covid-19 những hôm nay, họ lại khuấy động Biển Đông dậy sóng. Mọi phát ngôn, hành vi của người láng giềng, nếu đem so sánh với triết lý xưa, đều thể hiện cách hành xử kiểu tiểu nhân phi quân tử.

Việt Nam, dù thế nào, vẫn phải kiên trì phát triển, trở thành một quốc gia mạnh về cả kinh tế và quốc phòng. Ta lo ngại là cần thiết, nhưng đừng co mình lại để mong muốn an toàn ngắn hạn. Trong quan hệ kinh tế, kề cận với thị trường một tỷ rưỡi người tiêu dùng là lợi thế lớn, nhưng không cần và không được lệ thuộc. Quốc phòng, nhất là hải quân, đến lúc phải mạnh hơn để đồng hành với ngư dân bám biển. Chúng ta không từ chối đầu tư và hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại Việt Nam, như ta vẫn khuyến khích đầu tư từ mọi nước, nhưng mỗi người Việt nếu nghĩ cho đất nước, sẽ không làm gì khuất tất về pháp luật vì lợi ích riêng mình.

Đang viết bài này, dòng chữ của tôi như chựng lại vì nhớ tới cựu Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến đang hầu tòa bởi những sai lầm trong thực thi trách nhiệm lãnh đạo. Nghĩ mà thấy đượm buồn. Để nhắc nhở dân chúng tự chủ trong mối quan hệ làm ăn với các "thương nhân" Trung Quốc, đừng để họ mượn tên mua đất, bản thân lãnh đạo phải thức tỉnh trách nhiệm gấp nhiều lần.

Đặng Hùng Võ

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường

Nguồn : VnExpress, 20/05/2020

*********************

Đất 'có yếu tố Trung Quốc' hầu hết đã được chuyển nhượng

Tấn Việt, Người Đô Thị, 19/05/2020

Trong số bảy doanh nghiệp có đất ven biển Đà Nẵng mà Bộ Quốc phòng nêu ra, có bốn doanh nghiệp 100% vốn trong nước.

dat2

Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng không thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và cho phép nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân là người nước ngoài. Ảnh : Tấn Việt

Sáng 19/5, Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng đã có thông cáo báo chí, thông tin về việc doanh nghiệp (doanh nghiệp) Trung Quốc đang "núp bóng" mua và thuê đất của UBND Thành phố Đà Nẵng tại các vị trí ven biển.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng, 4/7 doanh nghiệp mà Bộ Quốc phòng nêu ra là doanh nghiệp có 100% vốn trong nước.

Các doanh nghiệp này gồm : Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại, du lịch và dịch vụ Silive Park, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại, du lịch và dịch vụ Hoàng Gia Trung và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại, du lịch và dịch vụ VN Holiday.

Hai doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn Sliver Sea Triệu Nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Golden Wynn Đà Nẵng hiện đã chuyển nhượng hết các lô đất sử dụng trước đây lại cho cá nhân, tổ chức trong nước.

doanh nghiệp còn lại là Công ty Liên doanh du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shoes Hoàng Đạt. doanh nghiệp này được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 2581/GP ngày 21.6.2006 của bộ trưởng Bộ KH&ĐT.

Trên cơ sở giấy phép đầu tư, doanh nghiệp này được thuê 20 ha đất sản xuất, kinh doanh với thời hạn thuê là 50 năm (đến ngày 21.6.2056) để đầu tư khu du lịch và giải trí quốc tế (Casino).

"Riêng đối với việc sử dụng đất của Công ty Liên doanh du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shoes Hoàng Đạt được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục rà soát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài để sớm làm rõ thêm các thông tin phản ảnh của báo chí và dư luận" - Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng cho hay.

Cũng theo Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng, quy định tại các điều 54, 55, 56 Luật Đất đai 2013 thì không được giao đất, cho thuê đất cho cá nhân người nước ngoài. Quy định tại Điều 169 Luật Đất đai 2013 về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không quy định người nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất.

"Thực hiện theo các quy định nêu trên, Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng không thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và cho phép nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân là người nước ngoài" - Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng khẳng định.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng cho rằng để hạn chế tình trạng "núp bóng" theo thông tin báo chí nêu thì cần phải rà soát các luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở…) để đảm tính thống nhất, chặt chẽ trong việc giải quyết các hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài.

Trong công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý hoạt động xây dựng, cần phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật liên quan.

"Đặc biệt là thực hiện lấy ý kiến các bộ, ngành đối với khu vực ven biển, khu vực cần đảm bảo an ninh quốc phòng theo đúng quy định" - thông cáo nêu.

Như đã thông tin, tại văn bản trả lời cử tri Thành phố Hải Phòng, Bộ Quốc phòng cho hay : Từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Thành phố Đà Nẵng có 134 lô, một thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng cũng cho rằng có bảy doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển Đà Nẵng và thuê đất 50 năm.

Tấn Việt

Nguồn : Người Đô Thị, 19/05/2020

Published in Diễn đàn