Chỉ vài tuần trước và sau Tết mà dòng thời sự Việt Nam đã tiếp tục "chảy siết" với vô số vụ việc khiến không khỏi cười ra nước mắt…
Đất nước có bao giờ diễn như thế này chưa ?
Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lì xì cho các nữ công nhân môi trường vào đêm Giao thừa tại đường Thanh Niên © VTC News cung cấp
Đầu tiên là bức ảnh Chủ tịch nước-Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi chúc Tết và lì xì công nhân vệ sinh vào tối 4/2/2019 (30 Tết) tại đường Thanh Niên (Hà Nội). Hành động "đẹp" và "đầy tính nhân văn" này đã nhanh chóng bị nghi ngờ là ngụy dựng, một màn diễn kém chất lượng được dựng tồi bởi đạo diễn dỏm.
Điều khiến dư luận… hể hả là cô "nhân viên môi trường" nhận bao lì xì của ông Trọng lại trông giống như một nhân vật mà chỉ hai ngày trước đó đã đến Đội cảnh sát giao thông số 14 thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Nội nhận lại cái ví bị mất, một hình ảnh thể hiện "nghĩa cử cao đẹp" và "đạo đức liêm khiết" của ngành công an. Mãi đến ngày 12/2, tờ VTC News mới đăng bài "Sự thật về cô gái xuất hiện trong hai bức ảnh dậy sóng dân mạng trước Tết Nguyên đán". Bài báo cho biết cô gái nhận lại ví bị mất tên là Ngô Nhã Phương, trú tại phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, "một nửa sự thật" còn lại - tức danh tánh, chỗ ở và tông tích thật của cô "nhân viên môi trường" - thì vẫn còn nằm trong diện "bí mật đời tư" "chưa được công bố" !
Hình ảnh chị Phương được trao trả lại đồ đạc, tiền bị rơi vào ngày 2/2 (28 Tết âm lịch) © VTC News
Liên quan chuyện "diễn", vài năm gần đây, ngành công an sử dụng rất mạnh "ảnh hưởng truyền thông" để xây dựng hình ảnh và gầy dựng uy tín sau vô số "mất mát" và "tổn thất" uy tín trước những vụ "nhấc chân va chạm" người dân một cách thô bạo và phản cảm. Những cảnh đưa cụ già qua đường, đỡ cụ già ngã té, đưa cụ già chai nước suối liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông… Vấn đề ở chỗ các "đồng chí" làm tuồng kém quá.
Đi lạc đường, cụ bà 83 tuổi được nữ Cảnh sát giao thông đưa về tận nhà - Ảnh An Ninh Thủ Đô
Các "đồng chí" lý ra nên được đào tạo vài khóa vỡ lòng về kỹ năng diễn xuất lẫn kỹ thuật "xây dựng kịch bản". Hầu như tập phim ngắn nào của các "đồng chí" cũng trở thành "bom tấn" trên mạng và được khán giả nhiệt liệt… chỉ trích. Ngôn ngữ của "hệ thống đảng" thường nhắc đến từ "thực chất", "đi vào thực chất", "hành động thực chất"… nhưng các "đồng chí" thay vì "thực chất" vai trò của mình thì lại biến mình thành kẻ xấu dưới mắt người dân rồi sau đó lại diễn vai người tốt một cách rất không "thực chất". Đất nước này cần công an tốt, công an không hối lộ, công an không làm chết dân trong đồn. Đất nước này không cần công an có "nghiệp vụ đóng phim".
Mà nói cho hết thì không chỉ công an. Diễn đang là "xu hướng". Gần như mọi ngành và mọi nhân vật chính quyền đều diễn cả, từ trồng cây, đến cày ruộng, từ vỗ về thiếu nhi đến chăm lo người nghèo. Tại sao "xu hướng" diễn lại "thịnh hành" ? Vì "thực chất" kém quá nên phải diễn, dù diễn dở, diễn gượng, bất chấp diễn bị "lộ" là... diễn !
Đất nước có bao giờ nhảm như thế này chưa ?
"Bắt đầu mùa lễ hội : Tôi tắm mình trong dòng suối nhân văn" – phát biểu của tiến sĩ Trần Hữu Sơn, phó chủ tịch thường trực Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (VOV, 6/2/2019).
Nói đến lễ hội, đất nước không "tắm" nổi trong "dòng suối nhân văn". "Nhân văn" nào ở đây ? Lễ hội bây giờ là dịp buôn thần bán thánh, là dịp phơi bày các hành vi kém văn hóa, là thời điểm để người ta thể hiện bản năng sống còn, và cả "niềm tin". Ngày 3/2/2019, dư luận đã "choáng" với bài báo VietnamNet : "Dân ơn Đảng ! Đảng ơn Dân !". "Có ở quốc gia nào mà nhân dân tin tưởng, nghĩa tình với đảng cầm quyền như ở Việt Nam ?...
Không biết tự thời nào, người dân, thành thói quen, cất lời là "ơn Đảng, ơn Chính phủ". Được mùa, sắm thêm con trâu cày, "ơn Đảng, ơn Chính phủ". Có con đỗ đại học, có công ăn việc làm, "ơn Đảng, ơn Chính phủ". Sinh thêm con, đẻ thêm cháu, cũng không quên "ơn Đảng, ơn Chính phủ". Có thêm cây cầu, đoạn đường, con đập, mái trường, người dân cởi lòng ngợi ca Đảng, "Đảng tốt thật"… Bài báo viết. Tuy nhiên, khi đất nước "hân hoan bước vào mùa lễ hội" thì mới thấy, với dân, chẳng có Đảng nào ở đây.
Tranh cổ động : "Nhờ ơn Đảng ta, có hạnh phúc - ấm no, bản - làng đổi mới". Nguyễn Anh Minh (Vĩnh Phúc)
Người ta mê ông Thần Tài ; bứt lông lợn để "lấy hên", đập nhau vỡ đầu để giành "phết" ; giật manh chiếu ở sân đình với ước vọng sinh con trai… Phó giáo sư-tiến sĩ khoa học Phan Đình Tân còn cho biết, "Có người lợi dụng lễ hội để ẩu đả, trả thù…".
Lễ hội còn cho thấy một sự xả tràn ẩn uất xã hội, những ẩn uất dồn nén được dịp "mở van" hết cỡ, tương tự sự "vỡ òa" của chiến thắng bóng đá. Như bóng đá, lễ hội cũng được làm rùm beng, để người dân quên đi những thực trạng đất nước.
Lễ hội là lá bài mị dân. Tuy nhiên, cũng từ lễ hội người ta mới thấy khái niệm niềm tin đang khủng hoảng như thế nào. Người dân đang tin gì ? Điều gì mới thật sự đáng gọi là "niềm tin" và "một bộ phận không nhỏ người dân" đang tin vào lông lợn, vào thần linh, hay tin vào chính quyền, vào "ơn Đảng" ?
Đất nước có bao giờ loạn như thế này không ?
Ngày 10/01/2019, Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (Vietnam Expressway Corporation - VEC) ra quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV với nội dung cấm hai xe mang biển số 51A-558.50 và 51G-772.56 được phép chạy trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, với lý do "hai phương tiện này đã có hành vi cố tình dừng xe ở trước trạm thu phí, không thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên trạm, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực". Dư luận phản ứng dữ dội trước quyết định này và giới luật sư cũng cho biết đây là một quyết định phạm luật.
Có bao nhiêu điều trái khuấy phạm luật diễn ra hàng ngày ở Việt Nam và có bao nhiêu chuyện phạm luật được diễn dịch bằng những lấp liếm chẳng hạn vụ hai công an An Giang nhậu xỉn đánh dân vào ngày 6/2/2019 (mùng hai Tết) đã được miêu tả là "trên tay có cầm một vật giống gậy sắt" (Đất Việt 12/02/2019) ?
Đất nước có bao giờ loạn đến mức này ? Điều đáng nói là bi kịch loạn trong xã hội Việt Nam sẽ không kết thúc. Điều đáng nói nhất là chẳng ai biết đất nước sẽ tiến đến đâu nhưng mọi người đều có thể hình dung nó lùi như thế nào…
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 13/02/2019
Từ tháng Giêng, nhìn tới một năm phía trước, một chút vui mùa xuân chẳng thể đắp đổi trống rỗng trong lòng người, khi mà sau lưng, một năm cũ đi qua với quá nhiều nỗi buồn, tuyệt vọng. Có thể nói rằng đây là tuyệt vọng chứ không phải thất vọng, bởi đối với nhân dân, không có tuyệt vọng nào lớn hơn nỗi tuyệt vọng bị bỏ rơi, lúc đó nhân dân chỉ còn là một tập hợp bất an và vô định, vẫn sống, vẫn tồn tại, vẫn làm việc nhưng là sự sinh hoạt của một sinh thể nhân dân trống rỗng, vô hồn, hay nói cách khác là sinh thể cận diệt vong đang hiện hữu.
Nhân dân như hàng triệu tế bào kết tạo thành cơ thể quốc gia, song hành đó là những tế bào ung thư bên cạnh, có thể làm chết đi tế bào sạch của cơ thể quốc gia bất kỳ lúc nào
Tại sao tôi phải dùng chữ nghe có vẻ đao to búa lớn như vậy ? Vì lẽ, tôi đã chọn lựa rất kĩ khi dùng đến chữ "cận diệt vong" khi nói về dân tộc mình, về đất nước mình và về tương lai của mình cũng như tương lai đồng bào tôi. Vì lẽ, hiện tại, điều đáng sợ nhất đang xảy ra trên đất nước này, đó là nhân dân như hàng triệu tế bào kết tạo thành cơ thể quốc gia, song hành đó là những tế bào ung thư bên cạnh, có thể làm chết đi tế bào sạch của cơ thể quốc gia bất kỳ lúc nào.
Và vấn đề diệt vong ở thế kỉ 21 này cũng không giống sự diệt vong của những quốc gia từng tồn tại trên mặt đất một cách cường thịnh để rồi mất dấu như Phù Nam, Chăm Pa… Sự diệt vong ở đây không mang ý nghĩa đó, bởi thời đại của dân chủ và thế giới phẵng, mọi sự có mặt và biến mất của một cộng đồng không chỉ đơn thuần là quan hệ song phương giữa quốc gia xâm chiếm với quốc gia bị xâm chiếm như đã từng xảy ra trong lịch sử. Mà sự diệt vong ở đây được hiểu theo nghĩa cái chết từ từ, chết dần chết mòn trong sự phong tỏa của đối phương một cách có bài bản xét theo chiều kích đa phương.
Một Tây Tạng bị diệt vong, hiện tại, xét về nhân chủng học, dân tộc Tây Tạng vẫn còn tồn tại, nhưng xét về mặt xã hội học và chính trị học, rõ ràng dân tộc Tây Tạng đã chính thức bị diệt vong dưới bàn tay Trung Cộng. Bởi mọi giá trị văn hóa, giá trị tự do và giá trị tối thiểu của nhân phẩm đều bị chà đạp bởi Trung Quốc, sự tồn tại của Tây Tạng là sự tồn tại dưới một bàn tay áp đặt, khống chế, không thể nào bứt thoát ra được.
Và, với một dân tộc nói chung, một con người nói riêng đã được thụ đắc những tiến bộ của văn minh nhân loại, đã thấu hiểu giá trị con người trong nền văn hóa cởi mở của nhân loại, không có gì đáng sợ hơn đối với họ là mất quyền tự do, mất quyền làm người và bất lực đứng nhìn văn minh, văn hóa của mình bị ngoại bang đốt cháy, đập bỏ từng ngày, từng giờ. Đó là chưa muốn nói đến hằng ngày, người ta phải chứng kiến đồng tộc, đồng bào của mình phải đổ máu, đau đớn…
Một dân tộc như vậy, trong góc nhìn của thế giới tự do và văn minh, đương nhiênn đã bị mất dấu về mặt xã hội, chính trị và thậm chí cả về mặt dân tộc học. Bởi một dân tộc bị xóa bỏ căn cước văn hóa và bị ruồng bố chính trị, ruồng bố văn hóa bởi dân tộc khác từng ngày, từng giờ, từng phút, tiếng nói của dân tộc bị lấy mất, bản sắc của dân tộc bị cắt bỏ và quyền giữ căn cước dân tộc cũng bị tước đoạt, xem như dân tộc đó đã chính thức diệt vong !
Điều này khác hẳn với thời trung cổ, thời mà khái niệm văn hóa, chính trị hay dân tộc học còn mờ nhạt. Và nếu mang Tây Tạng ra để so sánh với Việt Nam, có những dấu hiệu mà Việt Nam hiện tại rất giống với Tây Tạng khi đất nước này bị Trung Quốc manh nha xâm lược. Tiến trình xâm lược cũng bắt đầu từ việc thâm nhập kinh tế, lấn chiếm về địa lý và di dân sang Tây Tạng một cách có chủ ý. Kết quả cuối cùng mà nhà nước Cộng sản Trung Quốc đạt được là dân tộc Tây Tạng bị diệt vong vì mất căn cước văn hóa dưới bàn tay của họ.
Việt Nam hiện tại thì sao ? Người Trung Quốc xuất hiện khắp đất nước, họ thả sức đi tìm đất để mua trên lãnh thổ Việt Nam giống như ra chợ mua con gà, con ngỗng. Biển Việt Nam chết dần chết mòn dưới bàn tay Trung Quốc ; Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, hai vựa lúa lớn nhất Việt Nam chết cạn và nhiễm mặn cũng bởi bàn tay Trung Quốc ; Phần lớn tuổi trẻ Việt Nam chết trong đồng nhân dân tệ dễ dãi do các đầu sỏ người Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, những nơi nào có người Trungg Quốc ở, chắc chắn nơi đó có sự phát triển khá mạnh mẽ và đáng sợ các tệ nạn xã hội mà cầm đầu các băng nhóm vẫn là những ông trùm người Trung Quốc.
Và đáng sợ nhất, đó là kẻ nắm quyền tối cao của hệ thống chính trị Việt Nam hiện tại đã chính thức ký 15 văn kiện, mà trong đó có đến 14 văn kiện vượt ngoài quyền hạn của ông ta bởi nó liên quan đến sinh mệnh và tương lai quốc gia, dân tộc. Lẽ ra, trước khi ký các văn kiện này, phải có một cuộc trưng cầu dân ý để lấy kết quả từ nhân dân và đi đến quyết định, nhưng không, Nguyễn Phú Trọng đã tự đi, tự ký, tự động cho mình cái quyền quyết định sự sống còn của dân tộc.
Đương nhiên, nếu nhìn từ góc độ truyền thông nhà nước và hệ thống tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam, có vẻ như sự ký đấm của Nguyễn Phú Trọng chẳng can hệ gì cho mấy tới tương lai dân tộc, thậm chí còn mang lại lợi ích cho dân tộc về kinh tế, chính trị… Nhưng bản chất sâu xa của việc ký 15 văn kiện này lại hoàn toàn trái ngược với những gì các phương tiện truyền thông đã nói. Nó cho thấy một lần nữa, nhà nước Cộng sản Trung Quốc đã thành công trong kế hoạch xóa bỏ căn cước văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Từ việc thao túng kinh tế, phổ biến văn hóa Trung Hoa như một thứ "văn hóa mẹ", "văn hóa gốc" cho đến xoa đầu chính trị cấp trung ương, vỗ béo hệ thống thuộc quyền từ trung ương tới địa phương và đảm bảo hệ thống thuộc quyền này làm việc một cách nhịp nhàng nhất để hợp thức hóa ông chủ Trung Quốc trên đất Việt, tẩy não và nhuộm đen màu sắc tâm lý chuộng Trung Quốc, coi trọng, tôn sùng Trung Quốc thông qua các hoạt động mê tín dị đoan, các loại hàng hóa phổ dụng, các gói đầu tư và mọi thứ hoạt động mua bán, kể cả mua bán đất đai và con người với Trung Quốc…
Cuối cùng, người Việt Nam vốn dĩ đã thiếu màu sắc trên căn cước văn hóa sẽ nhanh chóng bị mờ nhạt và mất dấu căn cước. Một khi mất dấu căn cước văn hóa, điều đó cũng đồng nghĩa với diệt vong !
Tháng Giêng, đầu năm, tự dưng thấy chạnh buồn vì thêm một năm mới mà mọi tháng kế tiếp sẽ là những ẩn số chứa đầy mối họa. Bởi Tết năm ngoái, tôi nhìn thấy người Trung Quốc ăn Tết ở Việt Nam nhiều hơn năm kia, tôi đã sợ. Và Tết năm nay, đi đâu cũng gặp người Trung Quốc, nhiều hơn năm ngoái. Một dự cảm chẳng yên lành cho đất nước, chẳng biết rồi một năm nữa sẽ ra sao, khi Nguyễn Phú Trọng đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc và cái bắt tay của ông ta đạp lên mọi quyền lợi, mọi nỗi đau của nhân dân.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA tiếng Việt, 01/02/2017
(VietTuSaiGon's blog)