Cuối tuần trước, khi báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh với Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, bảo rằng, một trong năm khó khăn, thách thức lớn mà thành phố này đang đối diện là phải tiếp đón, làm việc với nhiều đoàn giám sát, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra để giải quyết hàng loạt vụ việc vốn rất phức tạp, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ như : Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Khu Công nghệ cao (quận 9), Dự án Safari (huyện Củ Chi), hai khu đất (8-12 Lê Duẩn và 2-4-6 Hai Bà Trưng) ở quận 1...
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh
Ông Phong bảo rằng, ngoài việc giúp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm để trở nên tốt hơn, chuyện các đoàn giám sát, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra đổ đến liên tục đã "làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức" (1).
Cũng cuối tuần trước, công an Việt Nam đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh từ 2010 đến 2015, vì "vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Trước mắt, ông Tài bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì duyệt bán trái phép công thổ có diện tích 5.000 mét vuông ở địa chỉ 8–12 Lê Duẩn mà thiên hạ ví von là "đất vàng", khiến công quỹ thiệt hại cả trăm tỉ (2).
Ở Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có ông Tài và khu đất ở địa chỉ 8–12 Lê Duẩn bị phù phép, chuyển đổi quyền sở hữu từ công sang tư, gây thiệt hại cho công quỹ. Từ trung tuần tháng 9 đến giờ, công an Việt Nam đã khởi tố ba vụ án liên quan đến quản lý công thổ ở Thành phố Hồ Chí Minh : Ngày 18 tháng 9, ông Nguyễn Hữu Tín (cũng là cựu Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh từ 2011 đến 2015), ông Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), ông Trương Văn Út (một Phó phòng của Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Thanh Chương (Trưởng phòng Đô thị của Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) cùng bị khởi tố vì duyệt bán một số công thổ, cũng thuộc loại "đất vàng" cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") (3).
Ngày 8 tháng 11, ngoài ông Tín, ông Kiệt, ông Út, ông Chương bị khởi tố thêm một lần nữa vì "vi phạm các qui định về quản lý đất đai", còn có thêm ông Lê Văn Thanh (Phó Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) góp mặt trong danh sách các bị can, bị cáo buộc đã tham gia chuyển hóa công thổ, công thự ở địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng, cũng thuộc loại "đất vàng" thành sở hữu tư nhân (4). Tính ra, ông Tài là Phó Chủ tịch thứ hai của Thành phố Hồ Chí Minh bị khởi tố vì hoán chuyển công thổ, công thự từ "sở hữu toàn dân" thành sở hữu tư nhân với giá rẻ. Trong vụ bán rẻ "đất vàng" ở địa chỉ 8–12 Lê Duẩn, vừa có thêm ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư quận 2 (cựu Trưởng phòng Quy hoạch và sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) bị tống giam (5).
Người ta dự đoán, số cựu viên chức và viên chức đương nhiệm trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh bị khởi tố, tống giam sẽ còn gia tăng vì chuyện bán rẻ công thổ, công thự ở thành phố này từng là một phong trào mà mức độ phổ biến, sôi nổi chẳng khác gì phong trào… "học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và "xây dựng đảng bộ, trong sạch, vững mạnh", luôn luôn được khẳng định là "đánh giá, quy hoạch, bố trí đúng cán bộ, phát huy nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu" (6).
Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền đường ngay trung tâm quận 1 được cho là của Tập đoàn Vạn Thịnh. Ảnh : Zing.vn
Chẳng riêng gì Thành phố Hồ Chí Minh, chuyện giao công thổ, công thự cho các doanh nghiệp nhà nước từ trung ương đến địa phương để làm nền tảng cho "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", sau đó những doanh nghiệp nhà nước này vẽ ra hàng lô, hàng lốc dự án, dựa vào đó dựng lên các liên doanh, biến công thổ, công thự thành tài sản của liên doanh, rồi những cổ đông đại diện cho nhà nước chủ động "chuyển nhượng" phần của mình cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước hoặc các tập đoàn ngoại quốc với giá rẻ,… phổ biến trên toàn Việt Nam. Cho dù tình trạng này kéo dài trong hàng chục năm nhưng tới cuối năm ngoái, Bộ Tài chính mới tuyên bố… bắt đầu nghiên cứu để soạn thảo, đệ trình cho chính phủ ban hành một nghị định nhằm ngăn chặn tình trạng này khi tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (7).
Từ giờ tới đó, chắc chắn vàng của toàn dân sẽ tiếp tục được bán đổ, bán tháo như bán bèo.
***
Ông Phong bị rất nhiều người chỉ trích sau khi cảnh báo, tình trạng các đoàn giám sát, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra đổ đến liên tục "làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức" ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Rõ ràng không có các đoàn giám sát, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra thì không có chuyện hai tháng rưỡi khởi tố ba vụ án, hàng chục viên chức trở thành bị can và danh sách bị can, bị cáo sẽ không chỉ chừng đó.
Song lõi của vấn đề không nằm ở chỗ sẽ có bao nhiêu "cán bộ, công chức" ở Thành phố Hồ Chí Minh bị truy cứu trách nhiệm hình sự và sẽ bị trừng trị ra sao, nghiêm khắc đến cỡ nào. Điều đáng bận tâm nhất là tại sao những "cán bộ, công chức" ấy hành xử chẳng khác gì âm binh nhưng vẫn có thể tự tung, tự tác như giữa chốn không người suốt một thời gian rất dài ?
Vì lẽ gì mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không hành động dù oán thán vang trời, dậy đất và dư luận đã nói xa, nói gần về âm binh tác oai, tác quái trong nhiều năm ?
Những Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao, Dự án Safari đã sinh chuyện lùm xùm từ đầu thập niên 2000. Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thật sự lành mạnh, từ trung ương đến địa phương có những "cán bộ, công chức" đúng nghĩa thì không có chuyện những khu "đất vàng" ở hai địa chỉ 8-12 Lê Duẩn và 2-4-6 Hai Bà Trưng,… bị bán rẻ, dân chúng không căm giận đến mức như hiện nay.
Cứ ngẫm sẽ thấy, trong những scandal liên quan đến Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao, Dự án Safari, hai khu đất ở 8-12 Lê Duẩn và 2-4-6 Hai Bà Trưng… sự năng động hiển hiện rất rõ ràng suốt từ đầu đến cuối, song đó là sự năng động của... âm binh và không thể tìm thấy bóng dáng của "cán bộ, công chức".
Những đoàn giám sát, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra chỉ đổ đến Thành phố Hồ Chí Minh để trị một số âm binh sau khi tương quan giữa thế và lực trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã thay đổi. Những hệ thống này có "cán bộ, công chức" không ? Nếu có thì tại sao hàng chục năm qua những "cán bộ, công chức" này đã không làm gì cả mà còn nhận là "đồng chí, đồng đội" với các âm binh ?
Đừng chỉ nhìn Thành phố Hồ Chí Minh, hãy nhìn rộng hơn. Cuối năm ngoái, Quốc hội Việt Nam công bố ước đoán, trong mười năm, từ 2006 đến 2016, tham nhũng gây ra thiệt hại khoảng 60.000 tỉ nhưng chỉ thu hồi được khoảng 4.500 tỉ (8). Đó là lý do cả cộng đồng quốc tế lẫn các chuyên gia trong và ngoài nước hối thúc Việt Nam nên nhanh chóng thông qua Luật Phòng chống tham nhũng mới.
Sau ba năm hết nâng lên rồi lại đặt xuống, tháng trước, Việt Nam có Luật Phòng chống tham nhũng mới, so với luật cũ thì chẳng có gì mới. Việc gạt bỏ tất cả các đề nghị xử lý những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc các tài sản mà họ có, từ chối công bố tờ khai tài sản của những viên chức trong diện bị buộc phải kê khai tài sản có khác gì dung dưỡng, phát triển âm binh ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/12/2018
Chú thích :
(7) https://viettimes.vn/bo-tai-chinh-tim-giai-phap-ngan-dnnn-ban-dat-vang-voi-gia-re-113836.html