Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Campuchia : Dự án Đập ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc là một thảm họa nhân quyền

Các nhóm dân tộc thiểu số và bản địa bị đe dọa, đền bù không thỏa đáng

hrw1

(Bangkok, ngày 10 tháng Tám năm 2021) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định trong bản phúc trình công bố ngày mồng 10 tháng Tám rằng một đập thủy điện quy mô lớn do Trung Quốc đầu tư ở vùng đông bắc Campuchia hoàn thành hồi năm 2018 đã hủy hoại cuộc sống và nguồn mưu sinh của hàng ngàn người dân tộc thiểu số và Bản địa. Đập Hạ Sesan 2, một trong những con đập rộng nhất ở Châu Á, đã nhấn chìm một diện tích lớn ở thượng lưu đoạn giao thủy giữa sông Sesan và Srepok, hai chi lưu của sông Mê Kông.

Bản phúc trình dài 137 trang, có tiêu đề "Ngập nước : Các hậu quả về nhân quyền từ một Dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Campuchia", liệt kê các vi phạm về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa là hậu quả của việc di dời gần 5.000 người trong các hộ gia đình đã sống ở khu vực này nhiều thế hệ, cũng như tác động tới nguồn mưu sinh của hàng chục ngàn người ở thượng lưu và hạ lưu đập. Nhà cầm quyền Campuchia và các lãnh đạo của công ty đầu tư không tham vấn đầy đủ với các cộng đồng bị ảnh hưởng trước khi khởi động dự án và bỏ qua đa số các ý kiến quan ngại của họ. Nhiều người bị đe dọa phải nhận khoản đền bù không thỏa đáng cho phần tài sản và thu nhập bị mất, phải nhận nhà cửa và dịch vụ chất lượng kém ở các khu tái định cư, và không được đào tạo hay hỗ trợ để tìm nguồn mưu sinh mới. Các cộng đồng khác ở thượng lưu và hạ lưu đập cũng bị ảnh hưởng nhưng không nhận được một khoản đền bù hay hỗ trợ nào.     

"Đập Hạ Sesan 2 đã cuốn trôi nguồn mưu sinh của các cộng đồng dân tộc thiểu số và cư dân bản địa, những người từng sống quần cư và đa phần tự cấp tự túc nhờ ngư nghiệp, thu hoạch lâm sản và làm nông", ông John Sifton, giám đốc vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. "Nhà cầm quyền Campuchia cần khẩn cấp xem xét lại công tác đền bù, tái định cư và các biện pháp phục hồi cơ hội mưu sinh của dự án này, và đảm bảo rằng các dự án trong tương lai không phát sinh những vi phạm tương tự".

hrw2

Đập Hạ Sesan 2 đã cuốn trôi nguồn mưu sinh của các cộng đồng dân tộc thiểu số và cư dân bản địa

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã phỏng vấn hơn 60 người gồm các thành viên cộng đồng, lãnh đạo nhóm xã hội dân sự, nhà khoa học và những người khác từng nghiên cứu về dự án ; và đã đọc các công trình nghiên cứu học thuật, hồ sơ kinh doanh và đề án nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ và các nguồn khác.

Con đập là một phần của "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) của chính phủ Trung Quốc, một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ đa quốc gia được khởi xướng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2013. Nhiều dự án trong chương trình này ở Châu Á và các nơi khác đã bị chỉ trích vì thiếu minh bạch, bỏ mặc các mối quan ngại của cộng đồng, và tác động tiêu cực đến môi trường

Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc, một công ty điện lực lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã xây và vận hành con đập. Tập đoàn Hoàng Gia Campuchia và công ty điện thuộc sở hữu nhà nước Việt Nam, EVN, giữ phần hùn nhỏ hơn. Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cung cấp phần lớn vốn đầu tư, được biết có ngân sách khoảng 800 triệu đô la Mỹ.

Chính quyền Campuchia và các lãnh đạo công ty không thực hiện tham vấn đúng nghĩa với các cộng đồng bị ảnh hưởng và không hề có động thái nào để có được "sự đồng thuận tự nguyện, từ trước và trên cơ sở được thông tin đầy đủ" của những người dân Bản địa, như đã quy định trong Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của các dân tộc bản địa.

Những người dân tộc bản địa và các sắc tộc thiểu số khác bị ảnh hưởng từ dự án đập gồm có những người trong các cộng đồng Bunong, Brao, Kuoy, Lao, Jarai, Kreung, Kavet, Tampuan, và Kachok.

Suốt từ năm 2011 đến khi con đập hoàn thành vào năm 2018, các thành viên cộng đồng nói trên đã phản đối và viết nhiều lá thư gửi đến công ty và các quan chức chính quyền, kể cả đến Thủ tướng Hun Sen, nhưng giới chức nhất quyết phớt lờ các mối quan ngại của cộng đồng và từ chối thảo luận các giải pháp thay thế. Một số người phản đối đã bị dọa dẫm, thậm chí bị bắt giam. 

"Công ty không xem xét đến quyền của người bản địa", một dân làng người Bunong nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. "Họ chỉ bảo chúng tôi di dời đi".

"Trong các cuộc tham vấn, họ quyết định mọi thứ cho chúng tôi", một cư dân nói. "Họ không buồn hỏi chúng tôi muốn gì hay cần gì".

Con đập đã gây tác động lớn đến thu nhập ngư nghiệp. Do cản trở nhiều loài cá hoàn thành dòng di cư thiết yếu với quy trình sinh sản, con đập đã khiến sản lượng cá giảm sút nhanh chóng. Các chuyên gia ngư nghiệp và sinh thái đã cho rằng con đập góp phần làm suy giảm sản lượng cá trên toàn hệ thống sông Mê Kông, là nguồn thực phẩm và thu nhập mà hàng chục triệu người ở Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và Lào trông chờ vào.    

"Bây giờ cá còn ít quá", một người đàn ông sống gần con đập nói. "Chúng tôi trước đây vẫn bắt đủ cá để ăn và mang bán, nhưng [giờ đây] ít quá rồi. Nhiều khi chúng tôi còn không có đủ cá để ăn". 

Những người dân đã tái định cư nói rằng sản lượng nông nghiệp cũng giảm sút vì đất ở khu tái định cư không màu mỡ và nhiều sỏi đá hơn, và họ mất thu nhập từ các loại cây ăn trái và lấy hạt ở làng cũ. Chính quyền không đền bù thiệt hại thu nhập từ nấm, cây thuốc và các lâm sản khác được thu hái từ các khu rừng cộng đồng. Khoản đền bù không đủ để giải quyết các mất mát về văn hóa và cơ hội mưu sinh của người Bản địa. Nước giếng ở đa số khu tái định cư bị ô nhiễm và không uống được. 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc không thiết lập bất kỳ một cơ chế khiếu nại hữu hiệu nào để giải quyết các bất đồng hay khiếu nại.

Tính đến năm 2017, hàng trăm cư dân không đồng ý nhận đền bù hoặc tái định cư và chuyển đến các vùng đất bỏ hoang ven hồ chứa do con đập tạo thành. Chính quyền địa phương đã đe dọa và sách nhiễu những người này.  

Chính quyền Campuchia và Trung Quốc cũng như Tập đoàn Hoa Năng dường như không tiến hành đánh giá thực chất lợi ích của dự án so với tác động của nó từ trước khi khởi công. Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc liên tiếp tuyên bố rằng con đập có thể phát ra 1.998 gigawatt giờ điện mỗi năm, khoảng một phần sáu tổng sản lượng điện hàng năm của Campuchia. Tuy nhiên, sản lượng thực tế của con đập dường như chưa được một nửa con số đó, căn cứ theo hồ sơ ước tính thuế thu nhập dự án được công bố.    

Con đập tạo ra rất ít lợi ích về môi trường. Nhiều nghiên cứu học thuật đã chỉ ra rằng khí thải từ quá trình phân hủy của các thực vật do bị chìm trong các hồ chứa nước đập thủy điện thường tương đương với lượng khí nhà kính sinh ra trong quá trình vận hành một nhà máy nhiệt điện chạy dầu hóa thạch thông thường. Một nghiên cứu năm 2017 ước tính rằng dự án có mức thải khí dioxit cacbon tính trên megawatt giờ ngang với một nhà máy điện chạy khí đốt tự nhiên.  

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có viết thư gửi các quan chức chính quyền Trung Quốc và Campuchia và Tập đoàn Hoa Năng vào tháng Ba năm 2020 rồi vào tháng Năm và tháng Bảy năm 2021, tóm tắt các lập luận của mình và yêu cầu phản hồi, nhưng không nhận được hồi âm nào. Một bản "Báo cáo Mức độ bền vững" năm 2020 về con đập do Tập đoàn Hoa Năng đặt hàng và công bố vào tháng Năm năm 2021 ghi nhận nhiều vấn đề về con đập nhưng hạ thấp mức độ nghiêm trọng và kết luận mà không giải thích rõ ràng rằng dự án đã cải thiện cuộc sống của những người dân phải di dời. Bản báo cáo nói trên không bàn về tác động của con đập đối với nguồn mưu sinh của các cộng đồng ở vùng thượng lưu và hạ lưu khu ngập nước. 

hrw3

Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc và chính phủ Campuchia vẫn có thể giải quyết một số thiệt hại do dự án gây ra, chủ yếu bằng cách tiến hành đánh giá lại mức bồi thường và cung cấp thêm các dịch vụ và chương trình đào tạo cho những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi con đập. Chính quyền Trung Quốc và Campuchia cũng nên thực hiện cải tổ một cách hệ thống hơn để tránh những vi phạm trong các dự án tương lai. 

"Chính quyền Trung Quốc cần cải tổ sâu sắc quy trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong chương trình Vành đai và Con đường để ngăn ngừa vi phạm trong các dự án khác triển khai ở các quốc gia như Campuchia, nơi chính quyền có hồ sơ về quá trình lâu dài vi phạm nhân quyền của công dân mình", ông Sifton nói. "Chính phủ Campuchia cần sửa đổi luật pháp để yêu cầu các dự án phát triển phải đánh giá tác động đầy đủ và đặt ra các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngừa vi phạm".

Nguồn : Human Rights Watch, 10/08/2021

__________________

Phúc trình "Ngập nước : Các Hậu quả về Nhân quyền từ một Dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Campuchia"

Phỏng vấn về tác động hủy hoại của Hạ Sesan 2, một trong những con đập rộng nhất Châu Á, đối với vùng Châu thổ sông Mê Kông của Campuchia và đời sống của hàng ngàn người dân có nhà ở khu bị ngập nước

Để đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Campuchia

Để đọc thêm tin, bài của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Trung Quốc

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ :

Ở Washington, DC, John Sifton (tiếng Anh) : +1-646-479-2499 (di động) ; hoặc email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.. ; Twitter : @johnsifton

Ở New York, Yaqiu Wang (tiếng Anh, tiếng Quan thoại) : +1-646-281-1152 ; hoặc email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.. ; Twitter : @Yaqiu

Published in Diễn đàn

Sông Mekong là con sông lớn nhất ở Đông Nam Á và là một trong những con sông lớn trên thế giới. Về độ dài, sông Mekong xếp hàng thứ 12 trên thế giới với dòng chảy kéo dài 4800 km. Sông Mekong khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng và coi là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc) và nó chảy qua lãnh thổ của Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia rồi đổ vào khu vực Đồng bằng sông Cửu long ở miền Nam Việt Nam, và từ đây, nước trên dòng Mekong đổ ra biển Đông.

cuulong1

Hình minh họa. Một ngư dân trên dòng sông Mekong ở Lào hôm 20/9/2019 - AFP

Trung Quốc và Myanmar là hai quốc gia nằm ở thượng nguồn. Khu vực hạ nguồn sông Mekong nơi dòng chảy đi qua các quốc gia Lào, Thái lan, Campuchia và Việt Nam, khu vực này là địa bàn sinh sống của hơn 65 triệu người, hầu hết là cư dân nông nghiệp.

Sông Mekong là tên gọi quốc tế, nó còn được gọi bằng các tên khác. Người Tây Tạng gọi nó là Zachu. Tại Trung Quốc nó được gọi là sông Lan thương, người Lào gọi nó là sông Menam (sông Mẹ), hồ nước ngọt khổng lồ từ Mekong đổ vào Campuchia được người Campuchia gọi là Biển hồ Tongle Sap, đến Việt Nam, theo truyền thuyết xưa, sông Mekong đổ ra biển Đông theo chín cửa biển nên người dân nơi đây ví như chín con rồng, nên được gọi là sông Cửu long.

Sông Mekong giàu tài nguyên thiên nhiên hơn bất kỳ con sông nào khác trên thế giới. Sông Mekong mang trong lòng nó hơn 1500 loài cá nước ngọt khác nhau. Lượng thủy sản đánh bắt hàng năm trên dòng Mekong được tính toán vào khoảng 2 triệu tấn, gấp đôi lượng thủy sản đánh bắt trên biển Bắc.

Các tranh chấp về việc sử dụng nguồn nước quốc tế đang được nảy sinh trên dòng sông Mekong. Đây thực sự là một con sông quốc tế, thế nhưng mỗi một quốc gia ven sông lại có những tính toán riêng cho lợi ích của mình, đặc biệt là các quốc gia thượng nguồn như Trung Quốc. Trong đó các dự án xây các con đập phục vụ các công trình thủy điện ở vùng thượng nguồn luôn ẩn chứa các mối đe dọa cho dân cư vùng hạ nguồn, khi dòng nước bị ngăn lại, khiến cho môi trường thủy sinh bị thay đổi, và cuộc sống người dân phụ thuộc vào con sông này bị ảnh hưởng nặng nề.

Các quốc gia ven sông Mekong đã tích cực phát triển các nhà máy thủy điện trên dòng Mekong, Trung Quốc đã và đang xây 11 nhà máy thủy điện. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang dự định xây thêm 20 con đập trên dòng sông này. Lào đang cho xây dựng đập cho dự án thủy điện Xayaburi và đang có dự án xây 11 nhà máy thủy điện tiếp theo. Dự án xây đập chắn Xayaburi đã bị nhiều quốc gia trên thế giới lên tiếng phản đối vì nó chưa thực hiện nghiên cứu đầy đủ về ảnh hưởng đối với sự biến đổi môi trường và có phương án giải quyết thích hợp, đảm bảo cuộc sống của cư dân vùng ven sông này không bị chịu tác động xấu.

cuulong2

Hình chụp vệ tinh đập Xayaburi trên dòng Mekong ở Lào hôm 24/12/2017 - Reuters

Một số nhà nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân đe doạ nguồn sống ở Đồng bằng sông Cửu long gồm hai nguyên nhân : Tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thuỷ điện, trong đó, ảnh hưởng của các con đập ở thượng nguồn mới là nguyên nhân chính.

Báo cáo đánh giá môi trường của Uỷ hội sông Mekong (MRC) năm 2010 đã nhận định có nhiều thiệt hại kinh tế khi những đập nước trên dòng chính được xây dựng, riêng thiệt hại về lượng thủy sản ước tính khoảng 476 triệu USD mỗi năm, 54% ruộng vườn dọc theo con sông sẽ bị biến mất, thiệt hại về nông nghiệp ước tính khoảng 49,1 triệu USD mỗi năm, chưa kể đến việc ảnh hưởng đến nông nghiệp và đời sống của 20 triệu cư dân nông nghiệp Việt Nam sống dựa vào con sông này sẽ bị ảnh hưởng mà không thể tính toán được thiệt hại là bao nhiêu.

MRC cũng dự báo rằng khu vực hạ lưu Mekong sẽ sụt giảm 40% các đàn cá vào năm 2020, và đến năm 2040 sẽ bị mất khoảng 80% các loài cá nước ngọt ở đây, chủ yếu là do tác động của các đập thuỷ điện ở vùng thượng lưu Mekong, mà các đập này chủ yếu là của Trung Quốc hoặc liên quan đến Trung Quốc.

Nằm ở cuối nguồn của Mekong, Việt Nam là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất khi dòng Mekong bị tác động. Báo chí gần đây đã cho biết 10/13 tỉnh thành ở Đồng bằng Sông Cửu long bị nước mặn xâm nhập do lượng nước ngọt giảm [1]. Trong đó, tỉnh Bến tre mới đây đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp bởi lý do nước mặn xâm nhập địa bàn toàn tỉnh [2].

Một nghiên cứu của Trường đại học Fulbright Việt Nam gần đây cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ thiệt hại mỗi năm 40 tỉ USD nếu không có chính sách thích ứng kịp thời [3].

Trong một cuộc hội thảo năm ngoái tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giới chức chính quyền và các nhà nghiên cứu cho biết sự suy giảm của khu vực này chịu ảnh hưởng bởi các đập thuỷ điện ở thượng nguồn [4].

Còn một nhà nghiên cứu người Mỹ, trong cuốn sách của ông ta "Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng mạnh" cho rằng, Trung Quốc đang tăng cường trữ nước trên các đập thuỷ điện trên đất của họ, tại thượng nguồn Mekong, nhưng không phải vì mục đích lấy điện mà vì muốn tích trữ nước cho tương lai [5]. Việc trữ nước cũng có thể bao gồm các mục đích địa chính trị, trong đó sẽ "trừng phạt" các nước cuối nguồn bằng cách đóng nguồn nước từ trên thượng nguồn lại.

Sự tham lam của các quốc gia thượng nguồn, đặc biệt là Trung Quốc, đã khiến dòng Mekong giảm lượng nước nghiêm trọng. Điều đó sẽ dẫn tới "cái chết trong tương lai" của Đồng bằng sông Cửu long - vốn được coi là vựa lúa của Việt Nam.

Yến Nhi

Nguồn : RFA, 16/01/2020

[1] https://thegioihoinhap.vn/nong-nghiep-4-0/8-13-tinh-thanh-o-dbscl-bi-man-xam-nhap-sau/?fbclid=IwAR1iKUBSE8MAmBteXqSis0HeahGsUWwaDQMFxk3jQ8_KzThzn6NaBWQTPZE

[2] https://tuoitre.vn/nuoc-man-bao-trum-toan-tinh-ben-tre-ban-bo-tinh-huong-khan-cap-20200114135409743.htm?fbclid=IwAR2QQSJlrT3m3uGk_s-3rT_NnD7fGzQojJDN4ta4Bn8KGcMUanKeS8qLO2Y

[3] https://fulbright.edu.vn/vi/dong-bang-song-cuu-long-doi-mat-thiet-hai-hang-chuc-ty-do-moi-nam/?fbclid=IwAR1vn14luqMZszDuILS1UJIKYebRgnomhzsRxoILbKUQJYKQb21CLVEdRvU

[4] https://tuoitre.vn/thuy-dien-thuong-nguon-mekong-lam-giam-90-phu-sa-dbscl-20190618115945503.htm

[5] https://vnexpress.net/the-gioi/chuyen-gia-my-trung-quoc-xay-dap-tren-mekong-khong-de-lay-dien-3993662.html?fbclid=IwAR353o-0aeTddLANf2pPvXTZhdBUssh4QVV7fmzctwE0TBVoecdN3oJGhXU

Published in Diễn đàn

Ngày 29/08/2019, Lào công bố một con đập mới ở phía Bắc đất nước. Đập Sayaburi có công xuất 1,3 gigawatt nằm trên dòng sông Mekong chảy theo chiều dài đất nước. Trong nỗ lực trở thành "bình ắc-quy của Đông Nam Á", Lào có kế hoạch xây dựng gần 100 con đập giống như vậy vào năm 2020, có khả năng xuất khẩu 2/3 năng lượng tạo ra từ thủy điện. Nhiều con đập được Trung Quốc tài trợ và hỗ trợ trực tiếp. Nhưng các con đập đe dọa sẽ làm nghẹt một dòng sông vốn đã bị tắc nghẽn từ trước. Khi đập Sayaburi bắt đầu hoạt động, mực nước sông Mekong đã giảm xuống 1,5 m, mức thấp nhất trong một thế kỷ. Các báo cáo từ nước láng giềng Thái Lan cho biết các bãi cát nhô ra đường thủy và các con kênh bị cạn nước.

lao1

Vị trí của một con đập trên một nhánh sông Mê Kông ở phía bắc Lào, tháng 12 năm 2018, Serge Ponomarev / Thời báo New York / Redux

Sông Mekong là một động mạch trọng yếu ở Đông Nam Á. Các hoạt động gây ảnh hưởng đến dòng nước tác động đến toàn khu vực và các con đập ở Lào chỉ là một trong những yếu tố hiện đang gây áp lực lên hệ sinh thái của dòng sông. Sông Mekong chảy qua 6 quốc gia, từ cao nguyên Tây Tạng đến Biển Đông và đây là ngành thủy sản nội địa có năng suất cao nhất thế giới, trị giá 17 tỷ USD mỗi năm. Khoảng 60 triệu người sống trong lưu vực sông Mekong, và 80% trong số họ phụ thuộc vào dòng sông để kiếm thực phẩm và sinh kế.

Khí hậu biến đổi trở thành mối đe dọa lớn và ngày càng tăng đối với cuộc sống và sinh kế trên sông. Theo một số nghiên cứu, 2/3 băng hà trên dãy núi Himalaya cung cấp nước cho sông Mekong có thể biến mất vào cuối thế kỷ. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng đường chuyển dịch của lốc xoáy nhiệt đới đang thay đổi lưu vực sông Mekong không thể đảo ngược : với các hình thái mưa bị xáo trộn, khu vực này dễ bị hạn hán hơn. Các hình thái khí hậu biến đổi làm trầm trọng thêm các vấn đề khác trên sông, như mất trầm tích, tăng độ mặn và sói mòn bờ sông.

Phát triển mạnh cơ sở hạ tầng trên sông Mekong sẽ khiến ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu tệ hại hơn. Nhưng Trung Quốc có nhiều dự án như vậy trong đầu. Trong biên giới của chính mình, Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 10 con đập lớn trên thân chính của dòng sông. Những con đập này bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến ngư nghiệp, bờ sông và trang trại ở hạ lưu. Giờ đây, Bắc Kinh đang góp phần thúc đẩy việc xây dựng các con đập ở Lào và Campuchia, biến sông Mekong thành đấu trường lớn để phô trương các lợi ích của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Các cộng đồng phụ thuộc vào dòng sông Mekong thấy mình ở cạnh những sức mạnh dường như không thể hiểu được : hậu quả của biến đổi khí hậu, tham vọng địa chính trị của Trung Quốc và sự thờ ơ của chính phủ của họ. Mặc dù cơ hội rất thấp, nhiều rủi hơn may, cư dân ở lưu vực sông Mekong đang khai triển các cách để bảo vệ sinh kế của họ và canh giữ dòng sông khỏi bị hủy hoại.

Trung Quốc dòm ngó sông Mekong

Từ năm 1995, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã hợp tác quản lý dòng sông và các nguồn tài nguyên của nó, thông qua một tổ chức liên chính phủ có tên là Ủy ban sông Mekong (Mekong River Commission – MRC). Ít nhất trong khả năng hùng biện, các quốc gia thành viên MRC đã chấp thuận nguyên tắc quản lý sông Mekong vỉ lợi ích tốt nhất của khu vực và tính bền vững sinh thái của nó. Năm 2010, MRC đã đề nghị một lệnh cấm 10 năm đối với các đập thủy điện lớn trên sông.

Nhưng MRC không có quyền ép buộc thực thi các khuyến nghị của riêng mình. Lào, quốc gia nghèo hơn các quốc gia láng giềng, đã tìm cách phát triển với kế hoạch thu hút đầu tư, chủ yếu từ Trung Quốc. Xây dựng đập là một phần của việc phát triển thủy điện với quy mô lớn do Trung Quốc hậu thuẫn.

Năm 2015, Trung Quốc thành lập một tổ chức đối thủ với MRC và đã làm lu mờ nó một cách rất hiệu quả. Khung hợp tác Langcang-Mekong (Langcang-Mekong Cooperation Framework – LMC), được bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị mô tả một cách thích đáng, không phải như "một cửa hàng nói chuyện mà là cái xe ủi đất", có nhiệm vụ vượt ra khỏi dòng sông. Nó phù hợp với dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu đầy tham vọng của Trung Quốc, được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đầu tư của Bắc Kinh vào khu vực này phản ảnh thêm mong muốn tạo ra các tuyến vận chuyển mới, nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào một điểm hàng hải duy nhất trong việc nhập khẩu phần lớn dầu hỏa của họ : eo biển Malacca - dưới sự tuần tra và kiểm soát của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ.

Là chủ nợ, Trung Quốc kiểm soát đáng kể nền chính trị và kinh tế các quốc gia trên sông Mekong

Là nhà đầu tư đồng thời là chủ nợ, Trung Quốc kiểm soát đáng kể nền chính trị và kinh tế các quốc gia trên sông Mekong. Các tổ chức quốc tế cảnh báo rằng Lào có nguy cơ cao về tình trạng nợ nần nhờ vay Trung Quốc, với tỷ lệ nợ công dự báo sẽ lên tới 70% GDP. Mỗi năm, hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo LMC đưa ra các chi tiêu đáng kể. Trung Quốc hứa cho vay và trợ cấp 12 tỷ USD trong năm 2018. Dự án ký kết bao gồm một tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc – Lào, sẽ kết nối Côn Minh ở phía tây nam tỉnh Vân Nam Trung Quốc đến Singapore. Trung Quốc cũng hỗ trợ xây dựng các đặc khu kinh tế, chẳng hạn như Sihanoukville ở Campuchia và Savan-Seno ở Lào mà nhiều người địa phương khinh bỉ coi là những khu vực sa đọa của Trung Quốc.

Các quốc gia dọc theo con sông tìm đến các đối thủ và các cường quốc trong khu vực như một hàng rào chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc. Những quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Úc và Hoa Kỳ đã đưa ra ít nhất 13 sáng kiến có tính cạnh tranh ở lưu vực sông Mekong. Mục đích là để hỗ trợ hội nhập kinh tế khu vực và thiết lập dần dần các dự án có tiêu chuẩn quốc tế cao hơn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng cho đến nay, họ chưa là gì cả so với quy mô và tiến độ mở rộng của Trung Quốc trên sông Mekong.


lao2

Không ảnh trên sông Mê Kông trong đợt hạn hán nghiêm trọng ở Thái Lan, tháng 7 năm 2019 - Tân Hoa Xã / Eyevine / Redux

Tự lực cánh sinh

Những người sống ở lưu vực sông Mekong đã phải gánh chịu một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Với những con đập lớn xuất hiện trong năm tới, những cộng đồng này có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn hơn nữa : mực nước sẽ dâng cao thất thường, lũ lụt bất ngờ và hệ sinh thái sông sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Đối với những cư dân bảo vệ môi trường, họ có nguy cơ phải đối mặt với sự thù địch của chính phủ.

Các quốc gia Đông Nam Á có lịch sử thù hằn và hình sự hóa hoạt động môi trường. Năm ngoái, một đoạn của đập Xe Pian Xe Namnoy còn đang xây dựng ở Lào sụp đổ, gây lũ lụt nghiêm trọng ở một số ngôi làng khiến nhiều người mất mạng. Chính phủ Lào đã phản ứng bằng cách trấn áp các phóng viên. Cùng năm đó, tại Việt Nam, một sự cố tràn hóa chất đã giết chết số lượng cá khổng lồ khiến ngư dân phản đối. Một tòa án Việt Nam đã kết án blogger Hoàng Đức Bình 14 năm tù vì phát trực tiếp hành động của họ. Năm 2018, ở phía đông bắc Campuchia, quân đội đã giết chết 3 người "bảo vệ rừng" - một công nhân bảo tồn rừng, một nhân viên bảo vệ rừng và một sĩ quan quân cảnh - để trả đũa việc bắt giữ các thiết bị của những người khai thác gỗ bất hợp pháp, buôn lậu gỗ vào Việt Nam, cấu kết với lực lượng an ninh.

Mùa Thu năm ngoái, trên bờ sông Mekong ở miền bắc Thái Lan, một nhà hoạt động nói với tôi rằng cô không còn hy vọng dòng sông sẽ được cứu. Cô và cư dân đã nhìn thấy những khúc sông bị hư hại không thể khắc phục do nổ mìn và nạo vét để vận chuyển thương mại ; dân làng đã chứng kiến nước cuốn trôi những khu vườn trồng cây ăn trái theo mùa bên sông của họ khi Trung Quốc xả đập bất ngờ. Thay vào đó, cuộc đấu tranh của cô trở thành cuộc chiến cho nhân phẩm : "Để nói với cháu tôi rằng tôi đã đấu tranh vì tương lai của chúng".

Năng lượng tuyệt vời

Trên bờ sông Mekong gần Chiang Khong ở miền bắc Thái Lan, tôi đã ghé thăm một địa điểm được dự định xây dựng đặc khu kinh tế - nay đã hủy bỏ vì bị địa phương phản đối kịch liệt. Nếu được xây dựng, sự phát triển sẽ phá hủy một vùng đất ngập nước vẫn được sử dụng làm nguồn cá, cây tre và các tài nguyên thiên nhiên khác. Người dân nói rằng chính phủ Thái Lan và các nhà hoạch định phát triển đã không tham khảo ý kiến cộng đồng cũng như không tiến hành đánh giá môi trường trước khi thiết lập khu vực và chào đón các nhà đầu tư tiềm năng Trung Quốc.

Một tương lai tốt hơn cho lưu vực sông Mekong có thể nằm ở các nguồn năng lượng khác ngoài thủy điện.

Ví dụ, ở Thái Lan, block-chain-enable real-time peer-to-peer (chương trình giao dịch ngang hàng thời gian thực kích hoạt theo chuỗi khối) đã chứng minh tiềm năng cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời, giúp trao đổi năng lượng dư thừa trên lưới điện, giảm chi phí năng lượng và tối đa hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Tại Myanmar, các lưới quang điện mặt trời siêu nhỏ đang giúp tiếp cận năng lượng sạch và cơ hội kinh tế cho người nghèo.

Những sáng kiến lén lút (under-the- radar) như vậy - được một liên minh gồm các diễn viên cứng đầu lãnh đạo, từ các nhà hoạt động ven sông phản đối những con đập lớn đến các cơ quan phát triển và các doanh nghiệp tư nhân – đưa ra nhiều phương án thay thế cho các dự án điện tập trung lớn. Các hệ thống năng lượng hiện đại trong khu vực có thể khử carbon và phi tập trung.

Sam Geall

Ngun tác : Troubles on the Mekong, Foreign Affairs, 07/11/2019

Hoàng Thủy Ngữ chuyển ngữ

(08/11/2019)

Published in Diễn đàn