Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đọc báo trong nước thấy có bài báo tựa đề "Hà Nội căng thẳng vì khoan phá bậc tam cấp". Hình ảnh đính kèm cho thấy hàng loạt bậc tam cấp của nhà dân bị đập phá không thương tiếc. Chênh lệch giữa nền nhà và mặt đường có nơi đến một mét. Câu hỏi đặt ra, từ nay người dân ở đây sẽ dùng phương tiện gì để ra khỏi nhà một cách an toàn ?

tamcap1

Hàng loạt bậc tam cấp của nhà dân bị đập phá không thương tiếc

Đây một trường hợp cụ thể về tranh chấp giữa "lý và tình", giữa dân và nhà nước, giữa việc thi hành pháp luật của nhân viên nhà nước và việc bảo vệ quyền lợi của người dân.

Phía bênh vực nhà nước viện lý lẽ nền nhà cao hơn mặt đường, xây tam cấp là phải xây bên trong. Xây lấn bên ngoài bị đập bỏ là đúng.

Vấn đề là cả con đường Xã Đàn, nền nhà trung bình của nhà người dân cao hơn mặt đường. Theo kể lại của dân sống lâu năm ở khu vực, sở dĩ có việc "so le" giữa nền nhà và mặt đường là do việc mặt đường mới làm lại sau này. Không hiểu do bê tông "hao hụt", hay mặt đường bị "trụt", đường mới lại thấp hơn đường cũ.

Lỗi do ai ? Do người dân xây nền nhà cao hay do nhà nước làm đường thấp ?

Dĩ nhiên lỗi là nhà nước. Nếu mặt đường mới có cùng bề cao như mặt đường trước kia, thì người dân đâu có xây tam cấp ?

Bây giờ lại bảo người dân xây tam cấp vào trong. Thử hỏi kiến trúc sư, xây vào trong là xây như thế nào ? Vô phương ! Phải không ?

Đáng lẽ, khi con đường xây xong, nhà nước phải nâng mặt vỉa hè lên cao, cho đồng bộ với nền nhà của dân.

Làm cái gì cũng phải "có tình, có lý". Nhà nước làm sai mà cán bộ quận, phường… không khác chi con người máy rô bô… chỉ biết đập phá.

Bây giờ nhà nước có giải pháp nào để người dân ra khỏi nhà được an toàn ?

tamcap2

Dân Hà Nội chế tạo đủ kiểu bậc tam cấp đối phó

Theo tôi, nếu không thể nâng cao mặt vỉa hè, thì nhà nước phải "nhượng quyền sử dụng vỉa hè" (khoảng 0,8m), sau đó xây dựng trong khoảng diện tích này các bậc tam cấp để người dân có phương tiện (an toàn) ra khỏi nhà. Xây cất thế nào để giữ nét "mỹ quan" cho thành phố là việc của nhà nước.

Việc này xem ra cấp bách, vì an toàn thân thể của người dân bị đe dọa.

*********************

Nham nhở vỉa hè Hà Nội (RFA, 22/03/2017)

Hà Nội đang trong chiến dịch "giành lại vỉa hè cho người đi bộ", trong đó có việc đập bỏ các bậc tam cấp, thềm của các ngôi nhà bị cho là "lấn chiếm".

tamcap3

Nhiều gia đình, cửa hàng phải chọn giải pháp tạm thời như đặt bao cát làm bậc tam cấp. RFA photo

Nhiều người dân tại Hà Nội cũng như nhiều nơi khác tỏ ý đồng tình với chủ trương của chính quyền làm cho vỉa hè thông thoáng, dành lối đi cho khách bộ hành.

Một cụ ông tại thủ đô cho biết ý kiến về chủ trương đó cũng như nêu ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng lâu nay :

‘Giải phóng cái mặt bằng như thế này thì cũng đúng thôi, bởi vì dân tham, dân gian, dân ngu mới làm lấn như thế này. Chứ nhà mình, đất mình có mình không làm, tham lam mới làm lấn ra ngoài. Chứ còn về cán bộ nhà nước, cơ quan nhà nước thì kiểu không có trình độ.’

Ở phố Nguyễn Khuyến, một con phố thoát nước kém, thường xuyên bị ngập sau các cơn mưa, nên người dân phải làm nền nhà cao và phải xây các bậc tam cấp để thuận tiện cho đi lại.

Ở phố Xã Đàn, khi xây dựng con đường mới này, phía thi công đã thông báo cho người dân cốt nền đường cao, nhưng trên thực tế đã hạ thấp cốt nền đường, do đó người dân đã làm nền nhà cao hơn nền đường rất nhiều, phải xây tam cấp để lên xuống.

Đó là 2 ví dụ cho thấy sự bất cập của việc đập phá các bậc tam cấp, khi vấn đề không xuất phát từ "lỗi" của người dân, nhưng họ phải chịu hậu quả.

tamcap4

Vỉa hè bị đập nham nhở. RFA photo

Đây là hình ảnh một cụ ông 85 tuổi và một cụ ông khác đã hơn 90 tuổi trên phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, Hà Nội. Việc đập các bậc tam cấp khiến cho việc đi lại của các cụ trở nên khó khăn. Thêm vào đó, nhiều gia đình có trẻ nhỏ cũng lo ngại chuyện con cháu họ sẽ ngã khi lên xuống.

Nhiều gia đình, cửa hàng phải chọn giải pháp tạm thời như đặt bao cát, kê tạm bậc lên xuống, hay tốn công sửa chữa lại mặt tiền ngôi nhà để có lối lên xuống và có nhiều ngôi nhà đã xây lại tam cấp.

Người dân cho rằng, chính quyền quyết định việc đập bỏ các bậc tam cấp đã không xét đến điều kiện sinh sống, lý do vì sao người dân xây các bậc tam cấp. Mặt khác, họ cho rằng, việc đập các bậc tam cấp thì người đi bộ không có ảnh hưởng gì, khi có chỗ vẫn phải đi xuống lòng đường hoặc đi bộ không liên quan đến chỗ bị đập bỏ.

Một anh trung niên cho biết phần phải phá bỏ thềm tam cấp nhà anh này không chiếm diện tích vỉa hè là bao :

‘Đập vào cỡ khoảng tầm 50 phân’.

Các con phố của Hà Nội không có quy hoạch đồng nhất theo thời gian, cũng không có quy chuẩn chung cho vỉa hè hay nền đường, và càng không có quy định chi tiết cho xây dựng nhà dân. Mặt khác, nhiều người phản ánh, tệ tham nhũng cũng góp phần tạo nên cái "trật tự xây dựng" lộn xộn ở nhiều con phố.

Nhiều người dân nói rằng, "đẹp mắt mình phải thuận mắt người" và chính quyền làm gì cũng nên "hợp lòng dân", chứ không thể đập phá một cách ồ ạt như hiện nay.

Sau khi đập phá những bậc tam cấp bị cho là "lấn chiếm", các con phố trở nên nhếch nhác, ngổn ngang với những đống phế thải chưa được dọn đi, những ống nước thải lộ thiên, rò rỉ và sự nham nhở của cửa các ngôi nhà.

********************

Hà Nội : Căng thẳng khoan, phá bậc tam cấp (VietnamNet, 15/03/2017)

Nhiều hộ dân trên đường Xã Đàn cho rằng việc tháo dỡ bậc tam cấp là không hợp lý. Tuy nhiên, có người cũng nhận xét : Nền nhà cao hơn thì xây tam cấp vào trong, không nên lấn chiếm vỉa hè. Việc xử lý là đúng.

Hôm nay, lực lượng chức năng quận Đống Đa (Hà Nội) tiếp tục xuống đường khoan, đục một loạt bậc tam cấp của các hộ dân được cho lấn chiếm vỉa hè. 

Ông Trịnh Văn Vượng (chủ nhà 247 Xã Đàn) nói : "Trước khi phá dỡ vỉa hè phường phải có trách nhiệm đo đạc lại, đất lấn chiếm đến đâu mới tháo dỡ đến đó, không nên nói dỡ là dỡ".

Việc phá dỡ bậc tam cấp tại một số nhà (phường Nam Đồng) phải tạm dừng để xác minh thêm các hồ sơ liên quan.

tamcap5

Vỉa hè thuộc tuyến đường này rộng khoảng 9m

Ông Trịnh Văn Vượng (chủ nhà 247 Xã Đàn) cho rằng : "Trước khi phá dỡ vỉa hè phường phải đo đạc lại, đất lấn chiếm đến đâu mới tháo dỡ đến đó".

tamcap6

Bậc tam cấp nhà ông Vượng được ông lý giải là chưa lấn vỉa hè nên phường không được dỡ

Tại phường Phương Liên

Ông Vũ Tiến Lộc, Phó chủ tịch UBND phường cho biết, nếu không phải đất của các hộ dân thì buộc phải trả lại cho phường. Còn đối với các hộ có mặt nền nhà cao hơn mặt đường thì người dân phải tự làm bậc đi lên trong phạm vi thuộc phần đất của nhà đó, không được lấn ra vỉa hè.

Cũng có người dân nhận xét : Nền nhà cao hơn thì xây tam cấp vào trong, không nên lấn chiếm vỉa hè. Việc xử lý là đúng.

Số nhà 157 Xã Đàn lấn chiếm vỉa hè khoảng 20m2. Cán bộ địa chính UBND phường Phương Liên đã gửi thông báo nhưng mới gửi đến người thuê nhà, chưa gửi đến tay chủ nhà nên một vài ngày tới sẽ gửi lại thông báo tới chủ nhà. 

Chủ nhà phải cam kết tự tháo dỡ trong thời gian nhất định, hết thời hạn nếu chủ nhà không tự tháo dỡ hoàn trả mặt bằng thì cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế và lập biên bản.

tamcap7

Số nhà 157 Xã Đàn lấn chiếm vỉa hè khoảng 20m2

Ông Phạm Ngọc Cần (208 Xã Đàn) cho biết gia đình ông làm nhà từ năm 2006, được xác định cốt nhà rõ ràng và chấp hành nghiêm chỉnh. Khi đường Xã Đàn mở rộng, phần đường thấp hơn rất nhiều so với nhà khiến ông phải tạo thêm bậc tam cấp để thuận tiện việc di chuyển.

tamcap8

Nền nhà cách mặt đường cả mét

Ông cũng cho biết thêm, các hộ dân ở đây chưa nhận được thông báo sẽ phá bậc cửa.

"Ít nhất phải báo trước cho chúng tôi mấy ngày để không bất ngờ" - lời ông Cần.

tamcap9

Sau khi đập phá những bậc tam cấp bị cho là "lấn chiếm", các con phố trở nên nhếch nhác, ngổn ngang với những đống phế thải chưa được dọn đi.

Ông Phạm Lê Sứt (chủ nhà 210, Xã Đàn) cho biết : Đường Xã Đàn làm từ 2005, khi làm đường các hộ dân ở đây, đã tự nguyện hiến đất, nhưng vì đường cao hơn nhà nên các hộ dân phải xin cốt đường. Đường hạ xuống 19cm, nhà thì lại cao lên, người dân ở đây phải xây thêm bậc thềm để trẻ em và người già đi lại.

Trần Thường - Nhị Tiến - Phạm Hải

Additional Info

  • Author Trương Nhân Tuấn
Published in Diễn đàn