Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 14 tháng 6 vừa qua, phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ra chỉ thị yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định và chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân ở 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của thảm họa môi trường do Formosa gây ra, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 này.

formosa1

Từ phải qua : Chủ Nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trong buổi họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung. Ảnh chụp tại Hà Nội ngày 30/6/2016. AFP photo

Thời gian chỉ còn lại vỏn vẹn hai tuần lễ, liệu rằng kế hoạch bồi thường của chính phủ có được đảm bảo đúng thời hạn ?

Không muốn đền bù

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An, người từng hướng dẫn bà con ngư dân đệ đơn khiếu kiện lên toà án nhân dân xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để đòi bồi thường thiệt hại cho biết hai tuần lễ hay hai tháng, hay thậm chí hai năm cũng không quan trọng, mà quan trọng là nhà nước Việt Nam có thật sự thực hiện việc đền bù cho người dân hay không ?

"Nếu nhà cầm quyền này muốn đền bù thỏa đáng cho người dân, và đặc biệt là nếu thỏa thuận 500 triệu mỹ kim rồi, mà nhà cầm quyền muốn đưa cho người dân thì không cần đến hai tuần, mà với tôi thì chỉ cần hai ngày là người ta làm được".

Từ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra từ tháng 4 năm 2016 cho đến nay, tin tức về việc bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề về môi trường sống và ngư trường mưu sinh thường xuyên được báo chí trong nước đang tải và cập nhật. Chính xác là từ khi nhà nước Việt Nam chấp nhận số tiền bồi thường từ Formosa là 500 triệu USD vào cuối tháng 6 năm 2016.

4 tỉnh được chính phủ xác định nằm trong diện bồi thường gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên người dân Nghệ An cũng cho rằng họ chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm họa ô nhiễm biển.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ Tài chính cho biết đã chuyển 3.000 tỷ đồng tiền tạm ứng cho 4 tỉnh để thực hiện bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị tác động. Bộ Tài chính lúc đó cho biết số tiền này để tạm ứng trước cho người dân 50% tiền bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.

Theo như chỉ thị của phó Thủ Tướng Trương Hoà Bình, đến ngày 30 tháng 06 này sẽ hết hạn bồi thường.

Bên cạnh đó, vị Phó Thủ tướng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo khắc phục thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên còn yêu cầu không được mở rộng đối tượng, phạm vi những người được nhận bồi thường.

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam bày tỏ :

"Từ ngày 30 tháng 6, 2016 đã nhận được số tiền, thừa nhận sai phạm, rồi họ cũng hẹn với quốc dân là đến tháng 8 sẽ bồi thường, rồi đến tháng 9, tháng 10, tháng 11, rồi hẹn sang tháng 12, rồi hẹn trước lễ Noel, rồi lại hẹn sang Tết cổ truyền của dân tộc…

Cho đến bây giờ thì theo như tôi được biết người ta đã chi trả cho một số nơi trong vòng khoảng 150 triệu mỹ kim, và chỉ có ngần ấy thôi".

Dân vẫn biểu tình

VIETNAM-TAIWAN-ENVIRONMENT-POLLUTION-PROTEST

Người dân biểu tình phản đối Formosa hôm 29/6/2016 tại Hà Nội. AFP photo

Thông báo từ Hội đồng bồi thường của tỉnh Quảng Bình vào ngày 15 tháng 6 nói rằng 62 trên 65 xã trong toàn tỉnh được phê duyệt bồi thường thiệt hại với tổng số tiền trên 2200 tỉ đồng ; và khoản đã giải ngân là trên 2100 tỷ đồng, đạt gần 92%.

Thế nhưng vào ngày 16 tháng 6, theo tin tức của người dân giáo xứ Cồn Sẻ chia sẽ lên mạng xã hội, vào lúc 9h30 sáng, hơn 1500 bà con dưới sự hướng dẫn của linh mục An tôn Nguyễn Thanh Tịnh, đã tuần hành vào UBND xã Quảng Lộc, thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình khiếu nại việc họ chưa nhận được bồi thường.

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với người đại diện thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình để tìm hiểu sự việc liên quan đến bồi thường thiệt hại, thì ông này xin khất lại ngày khác sẽ trả lời vì lý do đang bận.

"Tôi đang bận công việc tí, mai mốt gọi lại nhé. Tôi đang rất bận công việc".

Chúng tôi cũng liên lạc với Linh mục Anton Nguyễn Thanh Tịnh nhưng chưa nhận được hồi âm.

Không minh bạch

Ngày 7 tháng 2, 2017, Bộ Tài chính cho biết vừa tạm cấp 1.680 tỷ đồng tiền bồi thường lần 2 cho các nạn nhân ở 4 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại vì thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra hồi năm ngoái.

Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh nhận 560 tỷ đồng, tỉnh Quảng Bình nhận 760 tỷ đồng, Quảng Trị nhận 160 tỷ đồng và Thừa Thiên Huế nhận 200 tỷ đồng.

Tiếp tục sau đó, ngày 7 tháng 6, tại phiên họp thứ 8 của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết đã tạm cấp 7000 tỷ đồng để bồi thường cho nạn nhân Formosa ở 4 tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua, bao gồm Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Truyền thông trong nước cùng ngày cho biết phiên họp đã công bố báo cáo của các địa phương cho thấy đã giải ngân được gần 4.600 tỷ, tương đương khoảng 65,3% tổng số tạm cấp.

Tuy nhiên, hôm thứ Ba, 13 tháng 6, báo mạng Dân Trí nêu trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Growbest Hà Tĩnh chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, ngay sát khu công nghiệp Formosa, bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng kể từ sau khi thảm họa Formosa xảy ra. Công ty này được chuẩn thuận 9,6 tỷ đồng tiền bồi thường nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào.

Ngay sau đó, không rõ nguyên nhân nào, bài báo đã bị lấy xuống.

Thời gian chỉ còn vỏn vẹn khoảng hai tuần lễ để hoàn thành việc đền bù theo hai quyết định 1880 và 309 do thủ tướng ký và chỉ thị của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình. Không mang nỗi lo lắng và hoang mang như bà con Cồn Sẻ lo sợ không nhận được tiền đền bù khi hết hạn ngày bồi thường, vấn đề linh mục Đặng Hữu Nam quan tâm là liệu quyết định 1880 của Thủ tướng chính phủ có vươn được đến tất cả nạn nhân của vấn nạn ô nhiễm biển hay không ? Vì theo ông, biển sống thì họ sống, biển chết thì họ chết.

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 19/06/2017

Additional Info

  • Author Cát Linh
Published in Diễn đàn