Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tác động dài hạn của đại dịch Covid-19 đối với địa chính trị Châu Á là gì ? Vài tuần sau khi khủng hoảng bắt đầu, các dự báo ban đầu nhìn chung lạc quan về chủ nghĩa cơ hội bá quyền của Trung Quốc và bi quan về tương lai vị trí lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Washington chắc chắn sẽ phải trả giá đắt về sinh mạng và uy tín sau những thất bại ban đầu của mình ở trong và ngoài nước, trong khi Bắc Kinh tích cực nỗ lực củng cố các lợi ích ngoại giao sau khi hồi phục từ cú sốc ban đầu ở Vũ Hán. Tuy nhiên, còn quá sớm để dự đoán rằng một cú sốc ngắn hạn đối với nền kinh tế toàn cầu theo cách nào đó sẽ đưa Trung Quốc lên vị trí lãnh đạo khu vực hoặc toàn cầu trong một thời gian dài.

ba1

Ba kịch bản địa chính trị Châu Á sau Covid-19

Trên thực tế, những dự đoán được đưa ra ngay sau các cú sốc bất ngờ đối với hệ thống quốc tế thường là sai. Trong những tuần sau cuộc chiến Waterloo, John Quincy Adams từ London đã cảnh báo rằng thế giới chắc chắn sẽ sụp đổ dưới tay Napoleon, dựa trên các báo cáo trước đó về cuộc chiến từ những người đầu tiên chạy thoát khỏi Bỉ. Sau sự kiện ngày 11/9/2001, trong Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của Mỹ, Chính quyền Bush đã dự đoán rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ nâng cao hợp tác trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu ; Chính quyền Obama đã lặp lại dự đoán này trong Chiến lược an ninh quốc gia sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cũng đã được chứng minh là sai. Trong buổi làm việc với nhân viên Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) sau trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, các chuyên gia cũng cho rằng thảm họa này rất có thể sẽ giúp nhóm khủng bố Jemaah Islamiya củng cố quyền kiểm soát của họ đối với tỉnh Aceh của Indonesia nhưng lại buộc nhóm Những con hổ giải phóng Tamil phải rút về Sri Lanka – và sau đó điều ngược lại đã xảy ra. Khi các nhà phân tích sửng sốt trước những sự kiện bất ngờ xảy ra giữa khủng hoảng, họ có thể dễ dàng quên rằng chiều hướng của các mối quan hệ quốc tế được xác định bởi nhiều biến số không thay đổi.

Các nhà lý luận về quan hệ quốc tế dự đoán về tình hình phân bố quyền lực chủ yếu dựa trên sự kết hợp giữa tài sản kinh tế và quân sự trong nước với vị thế quốc tế. Trong lúc này, khi kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch, Trung Quốc sẽ không thể tự mình vượt qua cú sốc kinh tế đang tác động tới những nước còn lại trên thế giới. Gần một nửa thị trường xuất khẩu của Trung Quốc hiện đang bị đóng cửa vì đại dịch, và sự phục hồi trong nước của chính Trung Quốc cũng đang bị cản trở bởi ngành dịch vụ, vốn chiếm 60% GDP, vẫn trong giai đoạn ngưng trệ. Hơn nữa, Trung Quốc thời hiện đại chưa bao giờ phải đối mặt với một cuộc suy thoái, trong khi bản thân Mỹ đã nhiều lần hồi phục thành công kể từ cuộc Đại suy thoái. Cổ phiếu của Mỹ trên tổng giá trị cổ phiếu toàn cầu thực sự gia tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 (chiếm hơn 50% giá trị cổ phiếu toàn cầu), và USD vẫn là đồng tiền dự trữ thế giới, có mặt trong hơn 90% tổng số giao dịch toàn cầu. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy đại dịch sẽ thay đổi những thực tế cơ bản này, cho dù nền kinh tế toàn cầu tạm thời chịu thua trước những ảnh hưởng của nó.

Về mặt vị thế, sự thiếu hụt lòng tin vào Trung Quốc đã ở mức trầm trọng tại thời điểm trước khi khủng hoảng xảy ra, với kết quả của các cuộc thăm dò mới nhất của Pew được công bố vào tháng 2 cho thấy Trung Quốc đứng sau Mỹ và thậm chí tụt hậu xa hơn so với Nhật Bản ở Châu Á về mức độ ủng hộ. Lòng tin vào Mỹ có thể giảm đáng kể trong các cuộc thăm dò tương lai, nhưng chiến lược thúc đẩy sức mạnh mềm của Trung Quốc thực sự chỉ nhận được lời khen từ các nhà lãnh đạo ở các nước như Tây Ban Nha, Ý, Serbia hay Iran, những nước đã quyết định tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" vì tuyệt vọng về kinh tế, bất bình với các nước láng giềng dân chủ, hay trong một số trường hợp là tình trạng hối lộ mà các nhà phân tích gọi là "sự chiếm đoạt của giới tinh hoa".

Điều đáng chú ý là Tổng thống Putin cũng đang gửi viện trợ và quân đội tới một vài trong số những nước bị ảnh hưởng này, nhưng không một ai nói rằng Nga đột nhiên trở thành bá chủ đầy thiện chí của thế giới. Chiến dịch truyền thông mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm vào Mỹ và các quy tắc dân chủ nói chung không phát huy hiệu quả ở các xã hội cởi mở trên thế giới, và trong thời gian tới sẽ có rất nhiều câu chuyện xoay quanh việc dữ liệu thống kê về tình hình y tế và kinh tế của Trung Quốc không chính xác và bị phóng đại, làm giảm hơn nữa mức độ tín nhiệm đó. Bắc Kinh sẽ tận dung cơ hội để ghi điểm và thậm chí có thể làm tốt ở một số nơi trên thế giới, nhưng vị thế toàn cầu của họ sẽ không vì dịch bệnh mà thay đổi đáng kể trong dài hạn.

Tuy nhiên, cho dù đại dịch chỉ là một biến số trong cấu trúc quan hệ quốc tế của Châu Á, thì đó vẫn là một cú sốc lớn không rõ khi nào mới kết thúc. Còn quá sớm để dự đoán rằng Trung Quốc sẽ thành công trong việc giành quyền bá chủ, nhưng thái độ bằng lòng về vai trò lãnh đạo của Mỹ là điều không được đảm bảo. Các quyết định của ban lãnh đạo, kết quả của cuộc bầu cử Mỹ và việc nghiên cứu thành công vắc-xin có thể làm thay đổi chiều hướng lịch sử theo các cách khác nhau. Hiện tại, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là nắm bắt phạm vi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo 3 kịch bản trong 5 năm tới, được trình bày theo thứ tự khả năng xảy ra dựa trên những gì chúng ta biết lúc này.

Kịch bản thứ nhất : Cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ gia tăng nhưng quan điểm về các nước lớn không thay đổi

Cho dù cuộc khủng hoảng Covid-19 không làm thay đổi đáng kể sức mạnh và những khác biệt về vị thế giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng sắc thái của mối quan hệ giữa hai nước đã thay đổi theo những chiều hướng đáng chú ý. Việc Bắc Kinh chính thức thúc đẩy các thuyết âm mưu nhằm đổ lỗi cho quân đội Mỹ là thủ phạm gây ra đại dịch cũng như tấn công các liên minh và quy tắc dân chủ của Mỹ chỉ càng củng cố quan điểm của giới an ninh quốc gia Mỹ rằng Tập Cận Bình tìm cách giành quyền bá chủ ở Châu Á, gây tổn hại cho Mỹ. Trong khi quan điểm của công chúng Mỹ về Trung Quốc có thể bị lung lay trước những câu chuyện khác nhau về việc Trung Quốc cung cấp trang thiết bị y tế cho các vùng bị ảnh hưởng, giới chức ở Washington vẫn giữ vững nhận định của họ về các ý định của Bắc Kinh. Hiện tại, Chính quyền Mỹ có thể hy vọng Quốc hội ủng hộ việc Mỹ tách khỏi Trung Quốc hoặc đa dạng hóa các nhà cung cấp, không chỉ trong lĩnh vực 5G mà cả trong lĩnh vực thiết bị y tế và dược phẩm. Một chính quyền mới hay các quan chức cấp cao mới trong chính quyền sắp tới của Trump có thể tìm kiếm các cơ chế hợp tác lớn hơn với Trung Quốc để đối phó với dịch Covid-19, nhưng việc thay đổi ấn tượng của công chúng ở cả hai nước trong hơn 2 tháng qua là điều hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những nước còn lại ở Châu Á sẽ ủng hộ việc Washington tăng cường cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh. Thậm chí các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, vốn đã sẵn sàng đối phó với tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Châu Á, ngày càng nghi ngờ rằng Chính quyền Mỹ đơn phương sử dụng thuế quan để chống lại Trung Quốc hay tìm cách ngăn cấm không chỉ việc các công ty Trung Quốc tham gia thị trường 5G (điều mà hầu hết đồng minh của Mỹ ở Châu Á đều ủng hộ) mà cả việc xuất khẩu các linh kiện liên quan cho các công ty của Trung Quốc (điều sẽ phá vỡ các chuỗi cung ứng của các nước đồng minh). Không một đồng minh nào của Mỹ sẵn sàng ủng hộ việc Ngoại trưởng Mike Pompeo khăng khăng yêu cầu G7 đưa ra một thông cáo gọi virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 là "virus Vũ Hán" – một dấu hiệu sớm cho thấy Chính quyền Mỹ không nhận được sự ủng hộ trong việc đổ lỗi cho Trung Quốc và cô lập nước này, ngay cả từ các đồng minh vốn cũng hoài nghi về các ý định của Bắc Kinh. Điều đáng chú ý là NSC đã thành lập một bộ phận để chống lại hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc chứ không phải để phối hợp với các đồng minh trong việc đối phó với dịch bệnh như đã từng làm dưới thời Tổng thống Bush và Tổng thống Obama trong những trường hợp tương tự.

Mặc dù sự bất hòa giữa Mỹ và các đồng minh không dẫn tới việc các nền dân chủ lớn như Nhật Bản hay Canada đứng về phía Trung Quốc, nhưng điều đó sẽ đẩy các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á vào tình thế khó xử. Một cuộc khảo sát mới của CSIS về giới tinh hoa chiến lược ở Đông Nam Á cho thấy mối quan tâm hàng đầu của họ trong lĩnh vực an ninh trước khi dịch bệnh xuất hiện là tình trạng cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Các nước như Indonesia và Việt Nam muốn tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế với Mỹ và coi đó như tấm lá chắn bảo vệ trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược này sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu các hành động của Trung Quốc có phần đáng ngờ và thiếu minh bạch. Sắc thái mới trong quan hệ Mỹ-Trung khiến điều này trở nên vô cùng khó khăn. Kết quả cuối cùng sẽ là sự bế tắc trong việc thiết lập vị thế ở Châu Á. Tuy nhiên, sự bất ổn và sự không chắc chắn ở mức độ nhất định của Mỹ về ý định của các nước lớn có thể khiến Trung Quốc dễ dàng làm xói mòn các mối quan hệ có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ và các đồng minh của nước này.

Kịch bản thứ hai : Mỹ khôi phục vị trí lãnh đạo và xây dựng thể chế đa phương

Một thực tế quan trọng đã bị Chính quyền Mỹ bỏ qua trong cuộc khủng hoảng hiện nay là vai trò lãnh đạo của Mỹ luôn xoay quanh việc xây dựng các thể chế hợp tác và cung cấp hàng hóa công chứ không chỉ việc đánh bại các nước theo chủ nghĩa xét lại hay có tham vọng bá quyền. Cho đến nay, Mỹ hầu như chưa thể hiện vai trò lãnh đạo khu vực trong bối cảnh này – trái ngược với việc Chính quyền Bush thành lập nhóm Bộ Tứ bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc để xử lý cuộc khủng hoảng sóng thần năm 2004 hay việc Chính quyền Bush và Chính quyền Obama thành lập nhóm G20 để ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ và cải thiện quan hệ hợp tác sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các thể chế khu vực ở Châu Á thường xuất hiện sau các cuộc khủng hoảng (chẳng hạn như các Cuộc đàm phán 6 bên được tổ chức vào năm 2003 sau khi Triều Tiên vi phạm Thỏa thuận khung hay Sáng kiến Thượng Hải – mà không có sự tham gia của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998). Cả Bắc Kinh và Washington đều chưa có bất kỳ động thái nào nhằm thúc đẩy một cấu trúc thể chế liên Á mới để đối phó với đại dịch hay tác động kinh tế của nó. Tuy nhiên, cấu trúc hiệu quả nhất sẽ là cấu trúc bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc và đòi hỏi giữa hai nước phải có chung một mục đích nào đó. Điều này chẳng những không khiến Mỹ trở nên yếu ớt trong mắt đồng minh và đối tác mà còn cho họ thấy rằng Mỹ đang củng cố các liên minh và thể chế vốn là mục tiêu của chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc. Mỹ giành chiến thắng bằng việc lãnh đạo chứ không phải là đổ lỗi.

Mặc dù chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Chính quyền Mỹ đã mang lại một khuôn khổ hữu ích cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc thông qua việc liên kết một cách cởi mở và toàn diện với các đồng minh và đối tác dân chủ, nhưng chiến lược này luôn bị phá hoại bởi tính bốc đồng gắn liền với quan điểm "Nước Mỹ trước tiên" của Trump, được thể hiện ở việc chính quyền của ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc trả gấp 5 lần chi phí cho binh lính Mỹ đóng quân ở hai nước này. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy Quốc hội và công chúng Mỹ đang đề cao giá trị của các liên minh và cam kết đa phương. Hơn nữa, các đồng minh then chốt của Mỹ như Nhật Bản và Úc vẫn thừa nhận vai trò lãnh đạo và uy tín của Mỹ, ngay cả khi Nhà Trắng không làm vậy, và họ chắc chắn sẽ âm thầm vận động Mỹ bắt tay xây dựng các mô hình hợp tác mới trong thời gian tới. Mặc dù đôi khi có nhắc đến "Kế hoạch B", nhưng Nhật Bản và Úc vẫn muốn định hình chính sách của Mỹ hơn là xây dựng chính sách ngoại giao độc lập của riêng họ mà không có vai trò của Mỹ.

Có thể hình dung một loạt cam kết ngoại giao hiệu quả trong tương lai, bao gồm cả nỗ lực chung của các nước trong việc thông qua diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương xây dựng các tiêu chuẩn cho việc phân tích chính xác các dữ liệu thống kê về tình hình y tế và kinh tế khu vực, một kho dự trữ thiết bị y tế chiến lược có thể so sánh với kho dự trữ xăng dầu chiến lược được xây dựng sau các cú sốc dầu mỏ năm 1973, hay một trung tâm kiểm soát dịch bệnh khu vực ở Singapore. Cũng có thể hình dung một nỗ lực hiệu quả hơn nhằm kết nối các liên minh song phương trong khu vực để đối phó với khủng hoảng – thay vì để các cuộc tranh cãi hiện nay giữa Tokyo và Seoul về lệnh cấm đi lại và thiết bị y tế tiếp diễn. Mỹ có truyền thống làm việc với các đồng minh sau khủng hoảng để giảm bớt các rào cản đối với dòng chảy thương mại, thông tin và công nghệ. Theo quan điểm của Schumpeter, các đời chính quyền Mỹ kế tiếp nhau thường có khả năng củng cố cấu trúc xuyên Thái Bình Dương sau khi bị phá vỡ bởi các cuộc khủng hoảng tài chính, tự nhiên hay đại dịch ở khu vực. Mặc dù bản năng này không được thể hiện rõ trong phản ứng hiện nay của Nhà Trắng – điều có thể hiểu được khi xét tới tác động bất ngờ của đại dịch – nhưng nó đã ăn sâu vào máu của các thành viên Quốc hội và cộng đồng chính sách đối ngoại và có thể sẽ được bộc lộ trong thời gian tới.

Kịch bản thứ ba : Hòa bình kiểu Trung Quốc ?

Mặc dù về cơ bản sự phân bố quyền lực trên thế giới không thay đổi vì đại dịch Covid-19, và Trung Quốc phải đối mặt với một loạt trở ngại về vật chất và tư tưởng của chính mình, nhưng vẫn có một kịch bản mà trong đó cuộc khủng hoảng khiến vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thể chế quốc tế suy yếu nhanh hơn, có lẽ là vì những cú sốc khác do biến đổi khí hậu hay những sự kiện bất ngờ xảy ra gây hậu quả trầm trọng như khủng bố mạng cùng những sai lầm của ban lãnh đạo. Đây không phải là kịch bản mà trong đó Trung Quốc sẽ làm lu mờ Mỹ một cách hòa bình như Mỹ đã làm với Anh một thế kỷ trước. Nhiều khả năng đó sẽ là một kịch bản mà trong đó các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại trong khu vực sẽ củng cố vị thế của họ, gây tổn hại cho các cường quốc ở vị trí trung tâm : Trung Quốc ở Châu Á, Nga ở Trung Âu và Đông Âu, Iran ở vùng Vịnh – tình trạng được miêu tả trong cuốn "By all measures short of war" (Các phương thức chiến tranh, Nhà xuất bản Đại học Yale, 2017) thể hiện cái nhìn sâu sắc của tác giả Tom Wright. Bá quyền Mỹ sẽ sụp đổ không phải vì những động thái thúc đẩy sức mạnh mềm mà các nhà phân tích cho rằng đã chứng kiến hiện nay mà vì các cường quốc xét lại trong khu vực có thể can dự vào những hành vi ép buộc mà không phải chịu hậu quả.

Đó là một viễn cảnh u ám cho dù khó có thể trở thành hiện thực. Cách tốt nhất để tránh kịch bản này là nắm bắt những yếu tố tốt nhất trong hai kịch bản đầu : nâng cao hiểu biết về cuộc cạnh tranh chiến lược và chủ động phối hợp với các đồng minh để xây dựng các quy tắc có tính đến Trung Quốc nhưng kìm hãm tham vọng bá quyền của nước này.

Michael Jonathan Green

Nguyên tác : Geopolitical Scenarios for Asia after Covid-19, CSIS, 31/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 02/05/2020

Michael Jonathan Green là phó chủ tịch cấp cao về Châu Á và Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Trường Dịch vụ Đối ngoại Edmund A. Walsh tại Đại học Georgetown.

Additional Info

  • Author Michael J. Green, Minh Anh
Published in Diễn đàn