Cuộc khủng hoảng Covid-19 có lẽ không phải là thời điểm bước ngoặt cho các nền kinh tế và chính trị như những gì mà nhiều người lập luận. Thay vì đưa thế giới vào một hướng đi khác biệt, nhiều khả năng cuộc khủng hoảng này lại củng cố và bảo vệ những xu hướng vốn đã tồn tại.
Các cuộc khủng hoảng thường xảy ra theo 2 biến thể : có những cuộc khủng hoảng chúng ta không thể chuẩn bị trước bởi không ai tiên đoán được chúng, và có những cuộc khủng hoảng mà lẽ ra chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng vì thực tế là chúng đã được dự báo. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) được xếp vào loại thứ 2, cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu như thế nào đi chăng nữa để trốn tránh trách nhiệm trước thảm họa lan rộng này. Mặc dù virus Corona vốn dĩ là loại virus mới và thời điểm bùng phát hiện nay không thể dự liệu trước, nhưng các chuyên gia đã nhận biết rõ ràng rằng một đại dịch theo dạng thức này có thể sẽ xảy ra.
Dịch SARS, MERS, H1N1 và các đợt bùng phát bệnh dịch khác đã đưa ra rất nhiều lời cảnh báo. Cách đây 15 năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã sửa đổi và nâng cấp khuôn khổ ứng phó dịch bệnh toàn cầu, trong đó cố gắng khắc phục những thiếu sót đã được nhận ra trong cách thức ứng phó toàn cầu trước đợt bùng phát dịch SARS xảy ra hồi năm 2003.
Năm 2016, Ngân hàng Thế giới thành lập Chương trình Tài chính Khẩn cấp cho Đại dịch nhằm cung cấp viện trợ cho các nước thu nhập thấp trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế xuyên biên giới. Chỉ vài tháng trước khi Covid-19 xuất hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, một báo cáo của chính phủ Mỹ đã cảnh báo chính quyền Trump về khả năng xảy ra một đại dịch cúm với cấp độ như dịch cúm đã xảy ra 100 trước, từng khiến khoảng 50 triệu người tử vong trên thế giới.
Giống như biến đổi khí hậu, Covid-19 là một cuộc khủng hoảng chực chờ xảy ra. Cách ứng phó của Mỹ thì đặc biệt tệ hại. Trong nhiều tuần, Trump đã xem thường tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Đến khi số ca lây nhiễm và nhập viện bắt đầu tăng nhanh, nước này mới tự nhận thấy sự thiếu thốn nghiêm trọng các dụng cụ như bộ xét nghiệm, khẩu trang, máy thở và các nguồn cung y tế khác.
Mỹ đã không yêu cầu các bộ xét nghiệm sẵn có của WHO mà cũng không thể kịp thời sản xuất những bộ xét nghiệm đáng tin cậy. Trump đã từ chối sử dụng thẩm quyền của ông để trưng thu các nguồn cung y tế từ các nhà sản xuất tư nhân, do đó buộc các bệnh viện và các cơ quan nhà nước phải tranh giành và cạnh tranh với nhau để đảm bảo nguồn cung.
Châu Âu cũng đang trả giá đắt cho sự chậm trễ trong xét nghiệm và áp dụng phong tỏa, với việc Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Anh đang chịu tổn thất lớn. Một số nước Đông Á đã ứng phó hiệu quả hơn. Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong có vẻ đã kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh thông qua sự kết hợp các biện pháp xét nghiệm, truy vết và cách ly nghiêm ngặt.
Những tương phản đáng chú ý cũng nổi lên ngay bên trong các nước. Ở miền Bắc Ý vùng Veneto đã làm tốt hơn nhiều so với vùng Lombardy kế bên, phần lớn là nhờ vào việc xét nghiệm toàn diện hơn và sớm áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại. Tại Mỹ, các bang nằm liền kề nhau là Kentucky và Tennessee đã thông báo các trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 chỉ cách nhau một ngày. Đến cuối tháng 3, số ca nhiễm tại bang Kentucky chỉ bằng 1/4 số ca nhiễm tại bang Tennenesse, do bang này đã hành động nhanh chóng hơn để tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa mọi dịch vụ tiện ích công cộng.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này phần lớn đã xảy ra theo những cách thức mà người ta có thể tiên đoán được dựa trên mô hình quản trị phổ biến ở các nước khác nhau. Cách tiếp cận kém cỏi, vụng về, tự cao tự đại của Trump trong việc kiểm soát cuộc khủng hoảng không hề gây ngạc nhiên, bởi nó vốn luôn gây tai hại. Tương tự, vị Tổng thống kiêu ngạo của Brazil, Jair Bolsonaro, đã tiếp tục hạ thấp những mối rủi ro này.
Mặt khác, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều chính phủ ứng phó nhanh nhạy và hiệu quả hơn chính trong lúc họ vẫn giữ được lòng tin của dân chúng, như ở Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.
Cách ứng phó của Trung Quốc vốn mang đặc trưng điển hình của nước này : trấn áp thông tin liên quan sự lây lan của virus, thắt chặt kiểm soát xã hội, và huy động đại trà các nguồn lực một khi mối đe dọa trở nên rõ ràng. Trong khi đó, Turkmenistan cấm sử dụng cụm từ "virus Corona" cũng như cấm đeo khẩu trang nơi công cộng. Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban đã lợi dụng cuộc khủng hoảng nhằm củng cố mạng lưới quyền lực của bản thân, thông qua việc giải tán Quốc hội sau khi đã tự trao cho mình quyền lực đặc biệt không giới hạn trong tình trạng khẩn cấp hiện nay.
Có vẻ như cuộc khủng hoảng này đã làm nổi rõ những đặc điểm chi phối chính trị mỗi nước. Trên thực tế, các nước đang cường điệu hóa mô hình của mình. Điều này cho thấy có lẽ cuộc khủng hoảng này không phải là thời điểm bước ngoặt cho các nền chính trị và kinh tế như những gì mà nhiều người lập luận. Thay vì đưa thế giới vào một hướng đi khác biệt, nhiều khả năng cuộc khủng hoảng này lại củng cố và bảo vệ những xu hướng vốn đã tồn tại.
Tóm lại, Covid-19 có lẽ không làm thay đổi - chưa nói tới là làm đảo ngược - các xu hướng tồn tại từ trước khủng hoảng. Chủ nghĩa tự do mới sẽ tiếp tục dần dần đi tới hồi kết. Xu hướng toàn cầu hóa thái quá sẽ vẫn ở thế "phòng thủ" trong khi các nhà nước độc lập giành lại không gian chính trị. Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục hục hặc, đấu đá nhau. Và cuộc chiến giữa các nhà đầu sỏ chính trị, những người theo chủ nghĩa dân túy độc đoán, và những người theo xu hướng quốc tế tự do tại các quốc gia sẽ mãnh liệt hơn, trong khi phái tả sẽ gắng hết sức để vạch ra được một chương trình có thể thu hút đa số cử tri.
Dani Rodrik
Nguyên tác : Will Covid-19 Remake the World ?, Project Syndicate, 06/04/2020
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 23/04/2020
Dani Rodrik, Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Bài viết được đăng trên Project Syndicate