Những bức ảnh gợi nhớ thật nhiều về hàng cây cao và bóng mát đã chạy suốt trung tâm Sài Gòn, mà đã bị đốn hạ cho một ước mơ bay cao bay xa về tuyến metro hiện đại Sài Gòn - Suối Tiên. Tôi bồi hồi tìm thấy lại những hình ảnh mà mình loanh quanh ở Sài Gòn vào những ngày đáng nhớ ấy, ngay khi được nhắc bằng những dòng tin cho hay việc hoàn thành được công trình này có lẽ còn xa, vì nợ cũ ngập ngụa mà tiền mới để thi công chẳng biết lấy đâu ra.
Hàng cây cổ thụ không còn trên đường Tôn Đức Thắng
Metro nói đến ở đây, là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km trong đó có 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Dự án được khởi công từ tháng 8.2012, thời gian dự kiến hoàn thành lúc ban đầu là vào năm 2017. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, dự án chính thức ấn định lại thời gian đưa vào sử dụng, có thể là trong năm 2020.
Mà 2020 lại không dễ với tới, nhất là trong tình trạng kinh tế khó khăn, ngân sách cạn kiệt như lúc này.
Ngày ấy, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh hai cụ già đạp xe ra ngồi nhìn tiếng cưa máy gầm rú, hổn hển vật ngã những thớ cây khỏe mạnh. Các cụ im lặng nhưng ánh mắt buồn buồn. Dường như những ánh mắt buồn nhân loại đều như nhau khi phải mất đi điều gì đó, chấp nhận đánh đổi cho tên gọi phát triển, mà có nơi thứ nhận lại là niềm vui, có nơi thứ nhận lại là ngỡ ngàng.
Hàng cây bắt đầu bị hạ xuống vào những ngày hè năm 2014, với những hành động rầm rộ nhằm thuyết phục người Nhật nhanh chóng trao vốn ODA, nhưng cho đến nay metro trung tâm Sài Gòn không có gì ngoài những phần che chắn im lìm chờ thêm tiền cứu nguy rót xuống. Những con đường mở tạm vẫn len lỏi qua lòng thành phố, như một cách tạm bợ đi qua đời sống này, không có chuông rung báo hồi kết thúc.
Tính đến nay thì dự án này đã khiến chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh công khai mắc nợ nhà thầu Nhật khoảng 1.339 tỷ đồng, một cách khó giải thích với nhân dân, nào là tiền phạt cho sự chậm trễ công trình, nào là khúc mắc chi tiêu cho dự án... Và nếu còn con số nào khác nữa, thì chắc chắn, nhân dân không được biết.
Có lúc chính quyền Thành phố trách Trung ương giam vốn ODA không cấp đủ cho dự án, còn có lúc thì Trung ương trách Thành phố tự động điều chỉnh tiền dự án tăng gấp 2,4 lần so với thời điểm ban đầu mà không xin ý kiến thông qua theo quy trình. Người Nhật thì phiền trách về việc ngưng đọng công trình, và nhấn mạnh rằng dù tiền cho vay ODA đã đưa đủ và đúng hạn rồi.
Còn nhân dân dám trách ai ? Họ chỉ biết trách cuộc đời và ông trời đã để đặt họ vào cuộc sống dưới những người lãnh đạo mà họ không mong ước. Những lời nói văn vẻ qua lại của các quan chức không bộc lộ gì rõ hơn lúc này, ngoài ý nghĩa đó là một hệ thống rách việc.
Tiền thì giao đủ, nhưng dự án không xong, nợ phát sinh ngất ngưỡng. Người dân mất cây xanh, mất tiện nghi sinh thái và nay phải phải còng lưng góp sức đóng thuế để trả góp nợ, giúp cho chính quyền. Nghề làm chủ đất nước của người dân Việt Nam sao mà nhọc nhằn quá đỗi.
Năm 2015, khi phản biện về dự án này, tôi từng bị công an mời lên làm việc về thái độ dám chống lại chủ trương lớn của thành phố. Và không phải chỉ có tôi. Nhiều bạn bè tôi cũng bị làm khó dễ. Thậm chí còn bị một đội ngũ cực hữu hãnh tiến gào thét vào mặt "mai mốt khi có metro thì đừng có đặt chân vào nhé". Nghĩ cũng lạ. Khi ăn một cây kem, người ta còn muốn biết thành phần gì trong đó, thì tại sao một công trình hàng ngàn tỷ đồng, xáo động đời sống và bộ mặt của một thành phố triệu người, mà dân chúng không dễ thấy một bản vẽ hay mô hình trưng bày chi tiết để tham khảo. Nhưng nếu yêu cầu được biết thì có thể bị coi là kẻ phá bĩnh trong một ngày hội, mà dù không muốn vẫn phải mất tiền vé tham gia.
Lúc đó, với tư cách là một công dân của Sài Gòn, tôi cùng bạn bè mình chỉ muốn yêu cầu được nhìn thấy một lộ trình hiện thực và khả thi cho việc đánh đổi.
Nhiều năm rồi, và cho đến hôm nay, tôi cũng vẫn đang ngồi chờ hiện thực ấy. Như bài hát của Trịnh Công Sơn "trong căn nhà nhỏ, mẹ vẫn ngồi chờ", tôi và bạn bè mình cũng vẫn ngồi chờ mà chưa thấy nổi một bậc thang một metro. Còn chung quanh mình, các bậc tam cấp vào nhà của các quan chức, cơ ngơi của các đại gia bắt tay làm ăn với chính quyền thì lại ngày càng nhanh chóng vĩ đại vững chắc. Không chỉ metro, khắp nơi trên đất nước này, các dự án cho nhân dân vẫn miệt mài và mông lung bên cạnh những sự phát triển đối nghịch như vậy.
Chắc rồi mọi thứ sẽ đến thôi. Metro rồi sẽ có. Dân tộc này vẫn thường hay gượng được qua mọi khổ nạn và khủng hoảng. Những chiếc vé metro cho đoạn đường đời ấy, đắt đỏ hơn người dân được biết. Đắt hơn, vì trong đó có cả những niềm tin mỏi mòn cùng việc bị buộc phải im lặng. Nhưng cái giá đắt ấy, cũng thật cần thiết. Vì phải trả giá và đi qua, con người mới nhận biết đủ con đường, cũng như mình đã đi cùng với ai.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 09/09/2017 (tuankhanh's blog)