Chỉ một ngày sau khi ông bộ trưởng tài chánh của mình tìm cách đẩy đồng đô la xuống giá, Tổng thống Donald Trump đã vội vàng tìm cách đẩy đồng đô la lên với tuyên bố là tối hậu ông thích đồng đô la mạnh. Nhờ vậy sự đổ dốc của đồng đô la tạm thời ngưng.
"Đồng đô la sẽ ngày càng mạnh hơn và mạnh hơn và cuối cùng tôi muốn thấy một đồng đô la mạnh" (Donald Trump) - Ảnh Illustration CNNmoney Thinkstock
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC, tổng thống nói : "Đồng đô la sẽ ngày càng mạnh hơn và mạnh hơn và cuối cùng tôi muốn thấy một đồng đô la mạnh".
Ngay sau khi lời tuyên bố của tổng thống, đồng đô la giảm sự sụt giảm so với các đồng tiền quan trọng khác. Tổng thống cũng nói ông tin là lời nhận xét của Bộ trưởng Steve Mnuchin đã bị trích dẫn ngoài nội dung của nó, và với nền kinh tế Hoa Kỳ đang rất mạnh, thành ra không ai nên nói chuyện về đồng đô la.
Tổng thống nói trong cuộc phỏng vấn ngay sau khi ông đến Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ : "Nó phải là như vậy, nó phải là dựa trên sức mạnh của quốc gia. Chúng ta đang rất tốt cơ mà".
Trong khi đó, một ngày sau khi đẩy đồng đô la tuột dốc với một lời tuyên bố ủng hộ đồng đô la yếu, ông Mnuchin cũng đổi giọng, tìm cách làm giảm nhẹ những nhận xét của ông hôm Thứ Tư, 24 tháng Giêng, về một đồng đô la yếu là "tốt cho chúng tôi khi liên hệ đến mậu dịch và cơ hội", nói là lời nói của ông "thăng bằng và trước sau như một".
Lời tuyên bố đó đã được thị trường coi là đi ra khỏi truyền thống của chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và đã dẫn đến những lời khuyến cáo nhiều khi rất rõ ràng từ các bộ trưởng tài chánh đến các nhân vật trong tài chánh Châu Âu là tổng thống đến Davos để thúc đẩy cho nghị trình "America First" của ông.
Ông Mnuchin nói với báo chí : "Tôi nghĩ lời nhận xét của tôi về đồng đô la thực sự rất rõ hôm qua. Tôi nghĩ nó thực sự thăng bằng và đúng với những gì tôi đã nói trước đó, là chúng tôi không quan ngại đồng đô la ở đâu trong ngắn hạn". Quả là ông bộ trưởng có cái lưỡi không xương.
Thực sự phải nói tình trạng của đồng đô la hiện nay thật khó hiểu.
Trong một hoàn cảnh bình thường, không Trump, các nhà đầu tư luôn giả định là khi một quốc gia có một nền kinh tế đang lên và tăng lãi suất, đồng tiền của quốc gia đó phải tăng mạnh chứ. Và hiện nay, Hoa Kỳ có vẻ có cả hai.
Vào lúc khởi sự của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã nâng dự báo cho tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ từ 2,3 lên 2,7%. Trong khi đó tiền lời cho công trái 10 năm của Hoa Kỳ vượt trên 2,6% và Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (Fed) đã nâng lãi suất năm lần trong nhiệm kỳ của Tiến sĩ Janet Yellen.
Nhưng nay, ngược với mọi logic, đồng đô la đang sụt giá. Một chỉ số theo dõi đồng đô la đối với sáu đồng tiền quốc tế khác cho thấy đồng đô la giảm 10% trong năm 2017, năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Và tuần này đồng đô la lại giảm hơn nữa, xuống thêm 2,6% sau tuyên bố của ông Mnuchin. Tuy ông Mnuchin tìm cách sửa lại những lời nói của ông đã làm các nhà mại bản giật mình, bởi vì tất cả các vị bộ trưởng tài chánh Hoa Kỳ thường cả quyết là họ muốn thấy đồng đô la mạnh.
Và, không kể những chi ly của ngôn ngữ, lý do tại sao lời tuyên bố của ông Mnuchin đã khiến mọi người rùng mình là vì nó đã củng cố cho một sự lo ngại ngấm ngầm đã ngày càng gia tăng trong mấy tuần lễ nay.
Sự lo ngại này một phần xuất hiện bởi không ai thực sự hiểu tại sao đồng đô la lại xuống giá. Một số các quan sát viên tìm cách giải thích bằng cách chỉ ra sự gia tăng mới đây cho thâm thủng mậu dịch. Nhưng đó là một viện dẫn không thuyết phục, bởi thâm thủng là chuyện dài của thời đại đâu có phải chuyện mới hôm qua.
Chính sách tiền tệ cũng là một lý do có thể khác : một số nhà đầu tư nghi là Fed có lẽ đã trở thành bồ câu hơn năm nay. Nhưng giải thích đó cũng có vẻ quá yếu. Nói cho cùng, tương đối mà nói thì Fed hiện nay thực sự là diều hâu hơn là bất cứ một ngân hàng trung ương nào khác.
Một thủ phạm có lẽ đúng hơn chính là tổng thống, hay nói cho thật rõ, sự bất ổn sâu xa đã lan tràn bởi lập trường toàn cầu của Hoa Kỳ.
Davos năm nay bao phủ bởi một cảm tưởng lạc quan ngắn hạn về kinh tế. Nhưng dưới cái bề mặt vui vẻ đó cũng có một làn sóng ngầm lo sợ về những nguy cơ trung hạn của gia tăng bảo hộ mậu dịch, một phần bùng nổ vì lập trường chính sách "America First" của tổng thống.
Ông Mnuchin đã cả quyết là những quan ngại đó quá mức. Ông nói với tờ Financial Times : "Chúng tôi không dùng chữ bảo hộ mậu dịch".
Nhưng trong khi đó, ông Wilbur Ross, Bộ trưởng thương mại của Hoa Kỳ, đã dùng một thứ ngôn ngữ hết sức hung hăng để giải thích kế hoạch của Hoa Kỳ tự bảo vệ quyền lợi của mình trên trường quốc tế. Ông nói đến binh sĩ kinh tế Hoa Kỳ đang ra canh rào cản. Và luận điệu đó đã thổi phồng lên những đồn đoán là, tốt nhất thì Washington nay đang lặng lẽ sử dụng đồng tiền yếu để hỗ trợ cho việc thúc đẩy nhanh hơn tăng trưởng kinh tế.
Hơn thế, nó cũng tung ra những quan ngại là, tệ nhất, lập trường của Hoa Kỳ sẽ châm ngòi cho một loạt các cuộc chiến mậu dịch trong những năm tháng tới đây. Và ngay cả nếu sự sợ hãi này là quá mức, quả thật là chính phủ Trump rất không minh bạch về vai trò của Hoa Kỳ như là viên cảnh sát quốc tế. Điều này làm cho các nhà mại bản đặt câu hỏi là liệu Hoa Kỳ còn muốn đóng vai chủ chốt cho trật tự tài chánh toàn cầu hay không.
Ngân hàng trung ương Đức Deutsche Bank trong một bức thư gửi thân chủ tuần này viết : "(Hoa Kỳ) chỉ có thể được giao phó cho việc quản trị đồng tiền bản vị của thế giới nếu quan tâm đến thế giới. Hoa Kỳ đã đơn phương tuyên bố là họ không quan tâm nữa và điều đó sẽ phải trả giá".
Tổng thống Trump là một người vốn là một lãnh tụ không thích dùng chữ "yếu". Đối với ông điều làm ông tự hào là Hoa Kỳ lôi cuốn tiền vốn của thế giới. Nếu có ai trong số các cố vấn kinh tế của ông giải thích cho tổng thống là chính sách của ông thực sự có thể làm hại đến vị thế của Hoa Kỳ làm chủ đồng tiền bản vị của thế giới, thì chắc chắn là ông sẽ hốt hoảng.
Nhưng ngày nào mà những ngôn từ "America First" cứ tiếp tục vang dội từ Washington, và ở Davos, các nhà đầu tư sẽ chú mắt vào đồng đô la.
Đúng, có thể những con số mà tổng thống gọi là "MAGA" (Make America Great Again) của thị trường chứng khoán chiếm hết các tít lớn. Nhưng có lẽ chính đồng đô la mới là con chim yến trong mỏ than ; một chỉ dấu cho sự băn khoăn đang theo chân giới lãnh đạo quốc tế, ngay cả trong bầu không khí lạc quan đến mây xanh ở Davos.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 27/01/2018
Đồng USD được dự báo sẽ mạnh lên trong năm 2017.
Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia đồng bạc xanh mạnh lên báo hiệu những rắc rối mới.
Dự đoán này chủ yếu dựa trên niềm tin rằng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực thi kế hoạch tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Lãi suất cao hơn sẽ khiến việc tích trữ tài sản tính bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn, và nhờ đó thu hút nguồn tiền đổ vào Mỹ.
Đồng USD mạnh lên làm tăng sức mua của người tiêu dùng và giới kinh doanh Mỹ bởi lẽ hàng nhập khẩu sẽ rẻ hơn và chi phí đi du lịch nước ngoài sẽ giảm. Tuy nhiên, đồng USD lại gây phương hại tới các nhà xuất khẩu Mỹ bởi lẽ hàng hóa của Mỹ sẽ kém sức cạnh tranh ở nước ngoài hơn, dẫn đến hệ quả là lợi nhuận công ty giảm và có nguy cơ tác động xấu tới cổ phiếu.
Tại các thị trường mới nổi, đồng USD mạnh có thể tác động tới giá dầu và những tài sản được tính bằng USD, gây áp lực lên những nền kinh tế đang phát triển vốn dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Các công ty và chính phủ ở những thị trường mới nổi sẽ gặp khó khăn hơn nữa trong việc trang trải các khoản vay nợ bằng USD.
Trao đổi với tờ The Wall Street Journal, ông Alan Ruskin, người phụ trách chiến lược ngoại hối của ngân hàng Deutsche Bank, cho biết những kỳ vọng vào các gói kích thích tài chính dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump "đã tiếp thêm sức mạnh tuyệt đối cho đồng USD" và "đây là sự thay đổi quan trọng trong các động lực chính sách".
Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng những đề xuất của ông Trump đối với chi tiêu vào hạ tầng cơ sở và cắt giảm thuế có thể không thu được kết quả như mong muốn. Lịch sử cũng cho thấy những đợt kích thích tài chính trước đây đã tạo những tác động khác nhau lên đồng tiền của Mỹ. Đơn cử như chỉ số ICE Dollar đã tăng hơn 80% trong khoảng năm 1981-1985, nhờ một loạt những biện pháp kích thích tài chính được chính quyền Tổng thống Ronald Reagan thông qua cũng như một loạt đợt tăng lãi suất của FED trong những năm đầu của thập niên 1980.
Trái lại, theo một báo cáo của ngân hàng Deutsche Bank, những khoản giảm thuế dưới thời Tổng thống George W. Bush lại không nâng được giá trị đồng USD vào những năm 2000, do chúng bị đi kèm với cách tiếp cận nới lỏng tiền tệ của FED và các thị trường chứng khoản bất ổn.
Các nhà đầu tư cũng dự đoán FED sẽ theo dõi sát sao những diễn biến của đồng USD và sẽ nâng lãi suất ở tốc độ chậm hơn nếu như sự mạnh lên của đồng bạc xanh có dấu hiệu gây phương hại đến nền kinh tế Mỹ.
Minh Nga(P/v TTXVN tại New York)