Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có người phê bình rằng bài viết góp ý của tôi với ông Dương Trung Quốc hôm kia, nói về vụ Đồng Tâm, là tôi "cóp-py" ý kiến của bà học giả Monique Chemillier-Gendreau (về yếu tố Estoppel).

congham1

Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng

Nếu ai có đọc tác phẩm "Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa" của bà M. Chemillier-Gendreau thì thấy rằng bà không hề đề cập một giòng chữ nào về "Estoppel" cả. Bà chỉ phản biện ý kiến của một học giả khác, khi người này kết luận rằng công hàm 1958 của Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng viết đã khiến Việt Nam bị "Estoppel". Dầu vậy, ý kiến của bà Chemillier Gendreau cho rằng (vì công hàm này) Việt Nam bị vướng vào "acquiescement".

Ý kiến của bà Chemillier-Gendreau vỏn vẹn chỉ có đôi ba dòng. Hoàn toàn không có cắt nghĩa thế nào là "Estoppel", thế nào là "Acquiescement".

Người này cũng phê bình rằng "Estoppel" và "Acquiescement" chỉ áp dụng cho "công pháp quốc tế" chớ không thể áp dụng cho "dân luật". Điều này hoàn toàn sai.

"Estoppel - mất tố quyền" là một nguyên tắc của "thông luật" của Anh. Còn "Acquiescement - sự đồng thuận" là một "quan điểm" luật học của Pháp. "Estoppel" đã áp dụng trong luật Anh từ thời xa xưa, trước khi "công pháp quốc tế" ra đời. Còn quan điểm luật học "Acquiescement" của Pháp, lấy hứng từ "Estoppel" của Anh, cũng đã áp dụng từ lâu.

Sau đây là bài viết của tôi từ nhiều năm trước, nói về hiệu lực của công hàm 1958 đồng thời phân tích một số ý nghĩa nền tảng của "Acquiescement".

Nếu công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không hiện hữu...

Các viên chức nhà nước cộng sản Việt Nam thường hay nói rằng công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng là "vũ khí tuyên truyền" của Trung Quốc. Thực ra điều này chỉ có thể thuyết phục được các học giả trong nước. Vì không có điều kiện tiếp cận thông tin, hoặc do áp lực của "sổ lương" hay "sổ hưu", do đó các học giả Việt Nam dễ dãi tin theo. Trong lúc các tác phẩm của các học giả, những nhà nghiên cứu quốc tế… những người thân Việt Nam thì cho rằng công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng đã làm yếu đi hồ sơ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Có người trung dung, không thân phe nào, cho rằng Việt Nam đã bị "estopped – forclusion", tức bị mất tố quyền. Phía Trung Quốc, mới đây cũng lên tiếng rằng Việt Nam đã bị "Estoppel" nhưng không biết là vào trường hợp nào ? Theo người viết thì công hàm 1958 đã khiến Việt Nam bị mắc vào trường hợp "estoppel par acquiescement - estoppel by acquiscence".

(Ý nghĩa của thật từ luật học "Estoppel" là thế nào, lý ra phải cần một nhà luật học giàu kinh nghiệm, để có thể giảng nghĩa nói rõ rệt về các "trường phái" Estoppel trên thế giới. Chưa thấy có học giả người Việt nào nói về Estoppel một cách đầy đủ và thuyết phục. Thật đáng tiếc).

Tiểu đoạn này thử đặt giả sử rằng công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng không hề hiện hữu. Ông Phạm Văn Đồng chưa bao giờ ký, và nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chưa bao giờ ra tuyên bố bất kỳ liên quan lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa có bị mất vào Trung Quốc hay không ?

Học giả Monique Chemillier-Gendreau, sau khi phản bác ý kiến một số học giả quốc tế cho rằng công hàm Phạm Văn Đồng khiến Việt Nam bị vướng nguyên tắc "estoppel", đã có ý kiến về việc này :

"Néanmoins, son silence devant l’affirmation de souveraineté chinoise sur les iles peut être interprété comme un acquiescement, et cela autant plus qu’il est renforcé par la déclaration relative aux zones de combat et les articles du Nhan Dan [i]".

Tạm dịch : "dầu vậy, sự im lặng (của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) trước sự khẳng định chủ quyền của Trung Hoa tại các đảo có thể được hiểu như là một sự đồng thuận. Việc này càng được củng cố qua các tuyên bố liên quan đến vùng chiến sự và những bài viết trên báo Nhân Dân."

Thế nào là "sự đồng thuận – acquiescement" và hiệu lực pháp lý của nó như thế nào ?

"Acquiescement" được định nghĩa là "thuật ngữ thuộc quá trình tố tụng chỉ định hành vi qua đó một bên tranh chấp, một cách minh thị hay mặc thị, vô điều kiện hay có điều kiện, chấp nhận một nghĩa vụ hay một yêu cầu của bên kia."

Theo tập quán quốc tế, (thể hiện qua các án lệ của các tòa án quốc tế), ít khi nào một bên bị mắc "acquiescement" chỉ vì một dấu hiệu (ưng thuận) đơn lẻ nào đó. Một "sự đồng thuận – acquiescement" luôn là sự kết tinh của một quá trình logic, một tập hợp những "dấu hiệu" thể hiện trong một thời gian lâu dài, từ đó cấu thành một "lập trường" (một thái độ) của một bên.

Ý kiến của học giả Monique Chemillier-Gendreau, trong bối cảnh phản bác ý nghĩa Việt Nam bị ràng buộc theo nguyên tắc "estoppel", như đã thấy trong câu dẫn trên, Việt Nam đã thể hiện một loạt các hành vi có thể cấu thành yếu tố "đồng thuận".

Sau khi Trung Quốc ra tuyên bố đơn phương về lãnh thổ và hải phận ngày 4 tháng 9 năm 1958 (Tuyên bố này có hình thức "décision [ii] - quyết định" hơn là hình thức "notification [iii]"). Theo tập quán quốc tế, các nước nếu công nhận lập trường này, sẽ gởi công hàm trả lời mang hình thức "reconnaissance [iv] – công nhận". Trường hợp không đồng ý thì gởi công hàm "phản đối – protestation [v]".

Giả sử rằng phía Việt Nam "im lặng", không bày tỏ bất kỳ một hành vi nào liên quan đến tuyên bố của Trung Quốc. (Tức giả sử rằng công hàm Phạm Văn Đồng không hiện hữu).

Theo tập quán quốc tế, thái độ "im lặng" này sẽ được hiểu là sự "đồng ý ám thị - consentement tacite".

Thí dụ trường hợp Trung Quốc ra tuyên bố về vùng "Nhận diện phòng không" ngày 23/11/2013. Tuyên bố này phù hợp với công pháp quốc tế.

Điều 1 của Công ước Chicago 1944 qui định vùng bầu trời phía trên lãnh thổ, lãnh hải và vùng tiếp cận lãnh hải của một quốc gia thì thuộc chủ quyền của quốc gia đó. Tức là trong vòm trời đó, quốc gia có đầy đủ thẩm quyền quốc gia đối với người hay các phương tiện qua lại.

Một quốc gia bất kỳ nếu không lên tiếng phản đối, hay bảo lưu một điều nào đó trong tuyên bố (như chồng lấn vùng không gian, không chấp nhận việc đe dọa sử dụng vũ lực – theo điều 3 của Tuyên bố...) thì tuyên bố này tự động có hiệu lực.

Thì thái độ "im lặng" của Việt Nam sau khi Trung Quốc tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của họ năm 1958, có nghĩa là sự "đồng ý ám thị", một hình thức thụ động của nguyên tắc "acquiescement".

Một số hành vi khác củng cố thái độ "đồng thuận" của Việt Nam (về chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa), điều này học giả Monique Chemillier-Gendreau đã nhắc tới. Đó là các bài viết trên báo Nhân Dân vào thập niên 60 nhìn nhận vùng biển Hoàng Sa (mà Đệ thất hạm đội của Mỹ đang hoạt động) thuộc về Trung Quốc. Hoặc các bản đồ do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1960 (trên đó quần đảo Nam Sa – tức Trường Sa - được đánh dấu là lãnh thổ Trung Quốc). Hay bản đồ do Cục Bản đồ Việt Nam xuất bản năm 1972, trong đó quần đảo Nam Sa được chú thích bằng tiếng Hoa, chứ không phải bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng Pháp.

Thái độ khác, quan trọng hơn cả là sự "im lặng" của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào tháng giêng năm 1974 khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm lăng Hoàng Sa của Việt Nam.

Hành vi xâm lăng của Trường Sa đòi hỏi các bên Việt Nam phải có một thái độ dứt khoát. Phía Việt Nam Cộng Hòa đã có hành động quyết liệt, sử dụng quyền "tự vệ chính đáng" để bảo vệ lãnh thổ bằng vũ lực, sau đó bằng những tuyên bố tố cáo hành vi Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế. Các hành vi này đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa cũng như vùng biển chung quanh.

Sự im lặng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được hiểu là "đồng ý ám thị" hành vi của Trung Quốc là chính đáng. Mặt khác, các bên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam từ chối ký tên vào bản tuyên bố phản đối Trung Quốc do phía Việt Nam Cộng Hòa đề nghị.

Các điều này kết tinh, đồng thời củng cố, yếu tố "acquiescement - đồng thuận" của Việt Nam về các đòi hỏi về danh nghĩa chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Các án lệ, kết quả phán quyết dựa trên thái độ "đồng thuận – acquiescement" của một bên có rất nhiều. Các trường hợp nổi tiếng như phán quyết của Trọng tài Max Huber trong vụ tranh chấp các đảo Palmas (l'acquiescement de l'Espagne) năm 1934. Vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Bỉ và Hòa Lan (CIJ 20 juin 1959). Tranh chấp Thái-Miên về ngôi đền Préah-Vihéar (CIJ 15 juin 1962). Vụ Barcelona, phán quyết CIJ ngày 24-7-1964. Hay phán quyết ngày 22/12/1965 tranh chấp Pháp-Hoa Kỳ...

Tức là, có hay không có công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, hoặc là công hàm này có hiệu lực hay không có hiệu lực, các tranh cãi của các học giả Việt Nam sẽ không làm thay đổi cốt lõi của vấn đề : Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã nhìn nhận những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Tức là, người đã nằm trong quan tài và nắp áo quan đã đóng lại. Tranh cãi về công hàm Phạm Văn Đồng tương tự việc có cần đóng đinh hay không đóng đinh nắp quan tài.

Vấn đề đáng lẽ phải là : có ai kiểm soát rằng người trong hòm có thật sự chết hay chưa ? Hay là có phương pháp nào để cứu sống người trong hòm hay không ?

Một thực tế pháp lý cần phải được phản biện bằng các lý lẽ, chứng cứ pháp lý, chứ không thể phản biện bằng những lý lẽ sai (do bóp méo dữ kiện lịch sử, pháp lý) hay bằng thái độ đà điểu.

Phải nhìn nhận thực tế "pháp lý" này để "mở đường" khác cho Việt Nam hầu thoát khỏi bế tắc do giàn khoan 981 đem lại trên thềm lục địa Việt Nam.

Và đó là vấn đề mà người viết sẽ trình bày trong bài sắp tới.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 18/06/2017

[i] Monique Chemillier-Gendreau, sđd, tr 123.

[ii] Nguyen Quoc Dinh, Patrick Daillier, Mathias Forteau, Alain Pellet - Doit International Public, L.G.D.J, 8e Edition, đoạn 242, tr 405

[iii] Doit International Public , sđd, đoạn 242, tr 405.

[iv] Doit International Public , sđd, đoạn 237, tr 396.

[v] Doit International Public , sđd, đoạn 237, tr 396-397.

Additional Info

  • Author Trương Nhân Tuấn
Published in Diễn đàn