Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một vụ việc dân bàn tán xôn xao

Mấy hôm nay, Mạng xã hội xôn xao bàn tán về hành động của Giám đốc Công an Hà Tĩnh đã tự ý tha cho một người đàn ông say rượu đến mức quên cả lối về. Người đàn ông ấy sau khi đi làm xong việc đã uống rượu say bí tỉ và không thể tìm ra lối về nhà sau nhiều lần lạc lối thì gặp chốt công an.

nhanvan1

Đại tá Nguyễn Hồng Phong yêu cầu người đàn ông gọi điện cho người thân đến chở về để đảm bảo an toàn - Ảnh : Cắt từ clip

Tại đó, người thợ nề đã thú nhận uống rượu say đến mức bị "như ma làm" và đã điều khiển xe máy chạy đến 3 vòng loanh quanh vẫn không về được nhà và rồi lại "ma làm" dẫn đến chốt công an đang đo nồng độ cồn. Giám đốc Công an tỉnh đã bắt tay, hỏi han người đàn ông say rượu kia, rồi cảm thông rằng làm thợ nề thì làm sao đủ tiền mà nộp phạt, rồi lệnh cho cấp dưới rằng ông đặc cách không đo nồng độ cồn ông này mà gọi vợ con đến đưa ông ta về nhà.

Và chỉ chờ có vậy, báo chí được dịp tung hô rằng vậy là ông Giám đốc Công an Tỉnh này nhân văn, là cao cả, là thương người, thương dân và đủ mọi lời lẽ tốt đẹp… Theo cách đưa tin của báo chí Việt Nam, thì hành động của Giám đốc Công an Hà Tĩnh là hành động đẹp, chắc lại sẽ nên "viết thành sách" như "ngài cựu Thiếu tướng, Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca" qua vụ tập kích tấn công nhầm cái boongke nhà Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng năm xưa chăng.

Vậy là câu chuyện ấy, đoạn video ấy được đưa lên mạng xã hội và vô vàn lời bàn tán xung quang vụ việc này.

Chiến dịch, phong trào và những vấn nạn sau lời lẽ tốt đẹp

Chắc câu chuyện sẽ cũng chẳng ồn ào đến mức ấy, nếu như không có chuyện Bộ Công an đã và đang phát động phong trào, ra quân khắp cả đất nước kiểm tra gắt gao những người tham gia giao thông để kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Những người tham gia giao thông đều có thể bị bắt dừng xe, thổi vào thiết bị đo nồng độ cồn và ngay lập tức bị bắt giữ, bị phạt rất nặng nếu có nồng độ cồn đo được qua hơi thở.

Việc kiểm tra nồng độ cồn, hạn chế những người say xỉn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là điều được hoan nghênh. Bởi Việt Nam là đất nước đứng đầu thế giới về số người chết hàng năm do tai nạn giao thông là điều nhức nhối, và những năm qua, tai nạn giao thông luôn là nỗi sợ hãi của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng như bao vấn đề khác, phong trào khác được đưa ra với mục đích, ý nghĩa tốt đẹp, thì khi thực hiện, đã ngay lập tức bộc lộ những vấn đề có tính hệ thống, có tính đặc thù của thể chế độc tài. Đó là lợi dụng việc có ý nghĩa tốt đẹp đó, cho những mục đích không mấy tốt đẹp phía sau và hậu quả thì vẫn cứ là người dân chịu.

Phong trào ra quân khắp cả nước đo nồng độ cồn, đã tạo ra một cơn sốc trong xã hội.

Việc đo kiểm tra có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào nếu cơ quan côn an thấy ở đó có khả năng có nhiều con mồi dính bẫy. Từ đường quốc lộ, đường nhánh, đường làng, ngõ xóm, cạnh quán ăn, đường đi ra sau quán nhậu, đường về nhà sau giờ làm việc, nghỉ ngơi.

Mà cái máy của cơ quan công an dùng đo nồng độ cồn thì nó nhạy lắm, nhiều trường hợp người dân đã kêu trời lên rằng chẳng hề có uống bia cũng càng không uống rượu mà cứ bị dính nồng độ cồn. Thế rồi các nhà khoa học lại lên báo giải thích rằng thì là có những loại hoa quả nó lên men nên dù ăn tối hôm trước thì nó cứ lên men và có nồng độ cồn trong người, do vậy khi đo vẫn cứ dính nồng độ cồn như thường.

Người dân hoảng. Vậy thì biết làm sao để có thể an toàn ra đường bây giờ, bất cứ khi nào, chỗ nào công dân cũng có thể trở thành tội phạm, ra đường không bị công an bắt, không bị phạt thì đã là phúc nhà rất lớn, là ơn đảng, ơn bác cao rộng biết nhường nào.

Thậm chí, mới đây, người ta còn phát hiện ra rằng để có máy nhạy hơn mức độ cần thiết, một loạt Cảnh sát giao thông ở tỉnh Hải Dương còn tự sắm và sử dụng máy đo dởm được mua từ ngoài chợ trời đưa vào thổi nồng độ cồn cho chắc, cứ thổi là… dính.

Thế nên, với những thiết bị này, thì chắc chắn 100% và thậm chí hơn 100% dính bẫy.

Và mấy tháng qua, xã hội rối loạn với nạn công an thổi, đo nồng độ cồn. Hàng loạt nhà hàng, quán ăn, quán bia, nhà máy rượu đình đốn, khách khứa đìu hiu, quạnh quẽ mà chỉ biết kêu trời.

Bởi khách đi đường còn chưa biết bất cứ lúc nào cũng có thể bị bắt, bị thổi và đo, để rồi phạt, rồi thu giấy phép lái xe, rồi giữ phương tiện, rồi phạt tiền… đủ mọi hình thức thì nói gì đến các thực khách, càng không nói đến mấy đệ tử lưu linh.

Và hẳn nhiên, cái ngành công nghệ rượu bia Việt Nam với sản lượng bốn tỷ lít bia mỗi năm đứng trước nguy cơ… sập tiệm.

nhanvan2

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, hành vi điều khiển mô tô, xe máy (gồm cả xe máy điện) mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền từ 2-8 triệu đồng. Ngoài ra còn bị tước Giấy phép lái xe từ 10-24 tháng.

Vấn đề là "Thớt có tanh tao, ruồi đổ đến"

Nhưng những vấn nạn xã hội gặp phải khi công an quyết liệt bằng mọi cách bắt bớ với danh nghĩa đo nồng độ cồn đâu có quan trọng, bởi chỉ riêng Hà Nội, thì riêng năm 2023, công an thành phố xử phạt hơn 350 tỷ đồng. Vậy thì cả nước với 64 tỉnh, thành phố, số tiền phạt sẽ là bao nhiêu ngàn tỷ ? Có lẽ chỉ cần đứa trẻ con học lớp 3 cũng tính ra con số khổng lồ này.

Nên nhớ rằng : Ngoài số tiền hàng năm được cấp từ ngân sách nhà nước cho ngành công an cao gấp hàng chục lần các ngành khác, thì công an còn có vô số nguồn thu khác. Chỉ riêng nguồn thu từ số tiền phạt vi phạm Giao thông của người dân mỗi năm cả mấy ngàn tỷ đồng. Nay đến cả hàng ngàn tỷ đồng phạt do vi phạm nồng độ cồn, thì mỗi năm số tiền đổ về cho ngành công an được sử dụng là bao nhiêu.

Riêng Hà Nội, ngoài 350 tỷ đồng nộp phạt chính thức. Số mà Cảnh sát giao thông và người tham gia giao thông "Chia đôi" tiền phạt trên đường là bao nhiêu.

Thế nên, đúng quy luật : "Thớt có tanh tao, ruồi đổ đến" là nguyên tắc mà cha ông ta đã nói từ xưa.

Dưới danh nghĩa phong trào bảo đảm an toàn giao thông, ra quân đo nồng độ cồn, người dân lại lao đao, khốn khổ thêm như bao nhiêu chính sách khác của đảng, của nhà nước xưa nay.

Cứ mỗi lần có phong trào, có chính sách mới, người dân lại trả giá bằng chính mạng sống của mình chứ không chỉ là chuyện tiền bạc. Trước đây, chỉ vì cái lệnh đội mũ bảo hiểm mà biết bao mạng người đã ra đi oan ức và khuất tất bằng nhiều hình thức, từ nhiều nơi, ở nhiều lứa tuổi… Thì những ngày gần đây, hàng loạt vụ án được khởi tố bắt đầu từ cái lệnh "đo nồng độ cồn". Từ đó, hàng loạt các vụ "thanh niên thông chốt" – nghĩa là bỏ chạy thục mạng khi gặp đội Cảnh sát giao thôngT đang đo nồng độ cồn. Thế rồi nhiều cảnh sát đứng chặn đường đã bị những người tham gia giao thông đâm trọng thương vì không làm chủ được tốc độ. Và hẳn nhiên là được vào tù vì… chống người thi hành công vụ. Còn dân lại đổ tiền ra để thăm hỏi, để tặng thưởng, để thăng quân hàm cho các cán bộ, chiến sĩ công an cảm tử dám xông ra bất chấp nguy hiểm chặn đầu phương tiện giao thông để bắt bằng được đo nồng độ cồn.

Phải nói kỹ như vậy về việc đo nồng độ cồn đang phát triển rầm rộ hiện nay tại Việt Nam, để thấy được việc làm của ông Giám đốc Công an Hà Tĩnh vừa qua để lại dư âm trên mạng không phải là sự ngẫu nhiên.

nhanvan0

Ở Việt Nam hiện nay, Đảng cộng sản đứng trên Hiến pháp và Luật pháp

Nhân văn, thương dân, cao cả… bằng cách vi phạm luật pháp ?

Hành động của Giám đốc Công an Hà Tĩnh tự ý điều hành cấp dưới tha cho người đàn ông say rượu điều khiển xe máy ấy, dù được đám báo chí tán tụng lên mây xanh, thì người ta vẫn chỉ ra rằng : Với hành động ấy, Giám đốc Công an tỉnh này đã ngang nhiên đạp lên những quy định của luật pháp.

Bởi trong tất cả các văn bản luật pháp, không hề có văn bản nào cho phép Giám đốc Công an được phép đặc cách tha cho bất cứ ai vi phạm hành chính, vi phạm luật pháp. Dù là Giám đốc Công an tỉnh, thì ông ta cũng chỉ là một công dân, cũng là một người có trách nhiệm thi hành đúng luật pháp yêu cầu theo những chức năng, nhiệm vụ được nhà nước giao phó phù hợp luật pháp, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật nghiêm minh.

Trong khi đó, chính quyền đang hò hét "Việt Nam là Nhà nước Pháp quyền". Mà Nhà nước Pháp quyền thì không có bất cứ cá nhân, Giám đốc, hay Chủ tịch nào được bỏ qua những quy định luật pháp.

Thế nên, việc Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh tự ý "tha" cho người sau khi đã say rượu còn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là việc dẫm đạp lên quy định pháp luật. Đó là sự tùy tiện, tự cho mình cái quyền hành muốn bóp méo, sử dụng luật pháp tùy thích. Đó là điều tối kỵ khi xây dựng nhà nước pháp quyền.

Những lời giải thích của Giám đốc Công an Hà Tĩnh về việc tha cho ông này như : vì ông ta "thật thà, chất phác và lương thiện" là không đủ cơ sở về luật pháp. Vậy hóa ra những người khác khi vi phạm bị phạt, bị tước bằng lái, chỉ vì uống một vài lon bia đều là những kẻ không thật thà và lương thiện cả hay sao ?

Việc Giám đốc Công an Hà Tĩnh lý giải rằng vì ông ta nghèo càng thiếu tính thuyết phục. Bởi trong hàng trăm ngàn người bị phạt, bị tước bằng lái, bị giữ phương tiện, thì có được mấy người giàu… như Công an ?

Diễn, hay là căn bệnh của thói độc tài ?

Nhiều người cho rằng đây chỉ là hành động "diễn lấy tiếng" mà thôi. Bởi những thắc mắc được đưa ra là liệu có sự ngẫu nhiên khi ông thợ nề này lạc đường do say rượu đến mức quên cả lối về lại gặp lúc Giám đốc Công an Tỉnh có mặt ở đó. Vậy nếu không có mặt Giám đốc Công an thì nhà ông ta gặp họa lớn rồi không ? Bởi làm thợ nề tiền đâu mà nộp phạt ?

Và người ta còn chỉ ra rằng : Ông ta say đến mức chạy đi chạy lại đến 3 lần vẫn không biết lối về, nhưng khi gặp Giám đốc Công an thì nói năng lưu loát, bấm điện thoại nhoay nhoáy, thậm chí nhớ rất rõ nick name của vợ là "Đó rách ngáng trộ" và còn giải thích ý nghĩa chữ này cho ông Giám đốc nói giọng Bắc rất rõ ràng…

Điều này cũng có cơ sở, bởi người ta đã thấy quá nhiều những vở diễn của ngành công an như trả lại tài sản nhặt được, đưa cụ già qua đường, đưa học sinh muộn giờ thi… mà nhiều khi hậu trường bị lộ cho thấy trường quay được chuẩn bị công phu nhưng vẫn chưa kỹ lắm.

Cũng có người cho rằng đây là sự bột phát thiếu suy nghĩ hoặc hành động này dân gian hay gọi là "Chơi ngu lấy tiếng" mà bị hố chứ bình thường suy nghĩ chín chắn chẳng ai làm vậy trước bàn dân thiên hạ để công khai ra cho dân chúng họ cười.

Nguồn gốc là ở thói độc tài

Việc làm của Giám đốc Công an Hà Tĩnh có vẻ không giống ai, không giống các quan chức nhà nước xưa nay khi mà cán bộ cấp cao lại còn biết đến người dân lao động nghèo khổ không đủ tiền nộp phạt để mà tha. Là một cán bộ hành xử hoàn toàn trái pháp luật mà lại biện minh rằng như vậy là nhân văn, là tử tế… Hóa ra là luật pháp ở đất nước này nếu thi hành đúng thì thiếu nhân văn, không tử tế sao ?

Và nhiều người đặt câu hỏi : Lẽ nào làm đến Giám đốc Công an một tỉnh mà ông ta không biết điều mình làm là vi phạm luật pháp nghiêm trọng, lại còn làm gương cho biết bao nhiêu người khác coi luật pháp chỉ là mớ giẻ rách và tự hành động theo ý thích của mình, miễn là có quyền ?

Thế nhưng, ngẫm lại thì điều đó chẳng có gì lạ trong nhà nước độc tài cộng sản.

Chẳng cần lấy ví dụ xa xôi mà lấy ngay cá nhân Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, người đứng đầu việc hò hét Xây dựng Nhà nước Pháp quyền, rồi đủ mọi lời lẽ hô hào về luật pháp, về nguyên tắc… lại là người dẫn đầu việc xé bỏ mọi quy định, luật lệ, điều lệ để cố ngồi lỳ lại chiếc ghế quyền lực của mình cho đến nay trong đảng, đó là một điển hình của việc ngồi xổm lên điều lệ đảng.

Nguyễn Phú Trọng thậm chí ngang nhiên kể chuyện cán bộ cao cấp của đảng vác cả valy tiền đô la đến Ban Kiểm tra Trung ương để hối lộ, những ông ta đã cho đem về mà không báo ngay lập tức cho bên luật pháp bắt tại chỗ hành vi hối lộ.

Thậm chí mới đây, Nguyễn Phú Trọng còn ngang nhiên rằng : "Anh nào đã trót nhúng chàm thì rửa tay đi, nộp lại tiền hoặc xin nghỉ đi thì tôi tha, hoặc xử nhẹ"… để nói về việc bắt bớ, xử lý đống quan tham đã là "số không nhỏ" trong đảng hiện nay.

Và ông ta không hề trả lời được câu : Ai cho ông ta cái quyền ấy ?

Quả thật, ông ta chẳng có bất cứ một văn bản nào trao cho mình cái quyền lực ấy để tự ý muốn tha ai thì tha, muốn bắt ai trong xã hội, trong hệ thống nhà nước, khi chỉ là một anh đảng trưởng.

Nhưng, anh ta lớn tiếng đặt ra quy định ấy, chỉ đơn giản vì ông ta có nhà tù, có súng đạn và nhung nhúc công an.

Và đó là cách hành xử tùy tiện bất chấp luật pháp của những kẻ độc tài, toàn trị và thiếu hiểu biết.

Đó cũng là một trong vô vàn triệu chứng của căn bệnh độc tài không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới.

Và cái khẩu hiệu Nhà nước Pháp quyền, chỉ là sự hài hước, sự nhạo báng cả 100 triệu người dân Việt Nam mà thôi.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 22/01/2024

Additional Info

  • Author JB Nguyễn Hữu Vinh
Published in Diễn đàn

Chính trị nước Mỹ luôn ảnh hưởng đến chính trị thế giới và luôn ảnh hưởng mạnh đến chính trị Việt Nam.

Tổng thống Trump người đứng đầu nước Mỹ lại liên tục thay đổi cách hành sử và thay đổi thành phần nhân sự trong chính quyền, đến độ có người cho rằng ông đã trở thành một nhà độc tài.

Thực hư thế nào về vai trò của Tổng thống Mỹ, về hệ thống phân quyền và liệu Tổng thống Trump có thể trở thành độc tài hay không ?

trump1

Tổng thống Trump có thể trở thành độc tài hay không ?

Tổng thống Trump thắng cử…

Mỹ là một quốc gia dân chủ kiểu mẫu, mọi công dân Mỹ có quyền tự do chính trị bao gồm quyền tự do tham gia mọi khuynh hướng, mọi đảng chính trị, quyền tự do ứng cử và bầu cử.

Để thắng cử ông Trump phải vượt trội 16 ứng cử viên đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton đại diện cho đảng Dân chủ.

Ông Trump phải công khai tranh luận và minh bạch hầu như mọi quan điểm chính trị, mọi điều về cá nhân, về cá tính, mọi hứa hẹn và phải thuyết phục được dân Mỹ đi bầu và bầu cho đảng Cộng hòa.

Không riêng ông Trump, mọi ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều phải trải qua quá trình tuyển cử hết sức khắc khe để được dân Mỹ ban cho cơ hội đứng đầu nước Mỹ.

Nếu ông Trump không thỏa mãn nguyện vọng cử tri, người Mỹ sẽ tước dần quyền lực ông.

Bằng ngược lại người dân sẽ ban thêm cho ông quyền lực để ông trở thành một Tổng thống mạnh thực hiện được các chính sách ông đề ra. Đó chính là hệ thống chính trị dân chủ kiểu Mỹ.

Tổng thống Trump điều hành hành pháp…

Hiến pháp trao quyền hành pháp cho Tổng thống, muốn điều hành tốt việc đầu tiên mọi tân tổng thống phải ổn định hành pháp.

Điển hình là cựu Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, đã công khai bất đồng với chính sách của ông Trump và đã xin từ chức vài tháng sau khi ông Trump nhậm chức.

Mỗi tân Tổng thống cần đến vài ngàn các thành viên nội các, các chức vụ lãnh đạo hành chánh, các đại sứ để bổ nhiệm vào các chức vụ.

Những người được bổ nhiệm giữ vai trò chuyên môn, đồng thời với vai trò chính trị điều hành việc hành chánh, nên đều có thể được xem như các "chính trị gia".

Muốn bổ nhiệm hay sa thải một thành viên chính quyền, Tổng thống phải đưa ra và phải được Thượng viện chấp thuận.

Nhiều người được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vẫn chưa hết nhiệm kỳ hay được Tổng thống Trump lưu nhiệm.

Tổng thống Mỹ có thể bổ nhiệm người có chuyên môn và khả năng không cùng chung đảng chính trị hay khuynh hướng chính trị, miễn là khi các vị được bổ nhiệm không đi ngược với chính sách quốc gia.

Các công chức Mỹ đều độc lập với chính trị. Họ lại có quyền từ chối thi hành công vụ nếu họ chứng minh công việc được giao mâu thuẫn với lợi ích cá nhân hay lợi ích công cộng (conflict of interest).

Mặc dù Chính quyền liên bang đảm nhận trách nhiệm rộng lớn hơn trong những lĩnh vực như y tế, giáo dục, phúc lợi, giao thông, gia cư và phát triển đô thị.

Các Chính quyền tiểu bang lại độc lập với chính quyền liên bang và lại là định chế có ảnh hưởng lớn nhất trên đời sống hằng ngày của người dân Mỹ.

Đa số các tiểu bang lại có một hệ thống hành pháp với nhiều thành viên của ngành hành pháp được người dân trực tiếp bầu lên.

Những vị dân cử này hoàn toàn độc lập với cả liên bang lẫn tiểu bang, họ không chịu sự kiềm chế hay chi phối của ngay cả Thống đốc, và Thống đốc cũng không thể bãi chức họ.

Vì thế Tổng thống Mỹ thường chỉ giữ vai trò chính yếu về mặt đối ngoại, quân sự và thương mãi quốc tế, vai trò đối nội được phân chia cho các dân cử thuộc chính phủ tiểu bang.

Muốn trở thành một Tổng thống ở vị thế lãnh đạo mạnh một Tổng thống không những cần thuyết phục cử tri Mỹ mà còn cần thuyết phục cả hệ thống hành chánh từ liên bang xuống đến tiểu bang.

Với cách phân quyền này quyền lực hành chánh sẽ không bao giờ có thể tập trung vào cá nhân Tổng thống, ông ta không bao giờ có thể trở nên độc tài.

Quốc hội Hoa Kỳ

Quốc hội giữ vai trò kiểm tra và giám sát Tổng thống và công việc Hành Pháp.

Ở Mỹ quyền lực Quốc hội được chia sẻ giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Một Tổng thống Mỹ chỉ có thể được xem là một lãnh đạo mạnh khi đảng của ông nắm cả Lưỡng viện Quốc hội.

Hệ thống chính trị Mỹ lại cho phép các dân biểu và nghị sĩ quốc hội quyền công khai "bất đồng chính kiến" với Tổng thống có cùng một đảng.

Điển hình là cố Thượng nghị sĩ John McCain cùng đảng Cộng hòa nhưng thường xuyên có quan điểm đối ngược với Tổng thống Trump.

Vì thế mặc dầu đảng Cộng hòa kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện như hiện nay, nhưng không phải mọi chính sách Tổng thống Trump đưa ra đều được Quốc hội thông qua.

Đầu năm nay mặc dù Hạ viện đã bỏ phiếu thuận 230-197 dự luật ngân quỹ cho năm 2018, nhưng lại không được thông qua ở Thượng viện với tỷ lệ 50-49.

Điều đáng nói là có năm đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại dự luật, trong khi đó lại có năm đảng viên Dân chủ ủng hộ thông qua.

Các Dân biểu hay Nghị sĩ thường có khuynh hướng thông qua ngân sách khi nhận thấy ngân sách có lợi cho Quận hay Tiểu bang mình đại diện.

Kết quả là đúng kỷ niệm 1 năm ông Trump nhậm chức ngày 20/8/2018 chính phủ Hoa Kỳ đã phải đóng cửa trong vòng 3 ngày. Hàng trăm ngàn nhân viên liên bang phải nghỉ phép không lương.

Chính phủ chỉ mở cửa lại khi đảng Cộng hòa chấp nhận một số thương lượng để có đủ 60 nghị sĩ thông qua đạo luật về ngân sách.

Chính trị Hoa Kỳ là thế !!!

Ngược lại trong trò chơi chính trị Tổng thống Trump nhiều lần "đe dọa" sẵn sàng chấp nhận việc chính phủ đóng cửa để Quốc hội phải đồng ý thông qua ngân sách.

Truất phế Tổng thống

Quốc hội còn nắm giữ đặc quyền luận tội và truất phế Tổng thống.

Thủ tục luận tội khá dễ dàng chỉ cần một dân biểu đưa cáo trạng cho Ủy ban tư pháp Hạ viện. Nếu được đa số ủy viên của Ủy ban tư pháp đồng ý, quyết định sẽ đưa ra Hạ viện biểu quyết.

Khi đa số Hạ viện đồng ý truất phế, một ủy ban truất phế được thành lập để đưa quyết định lên Thượng viện.

Thượng viện sẽ mở một phiên tòa và nếu 2/3 Thượng nghị sĩ đồng ý thì thủ tục truất phế sẽ được tiến hành.

Tổng thống Andrew Johnson và Tổng thống Bill Clinton đã bị Hạ viện luận tội nhưng không ai bị Thượng viện truất phế. Còn Tổng thống Richard Nixon xin từ chức trước khi bị Hạ viện luận tội.

Bất cứ điều gì Tổng thống Trump đã, đang và sẽ làm nếu vi phạm luật pháp Hoa Kỳ đều có thể bị Hạ viện mang ra luận tội. Và nếu đảng Cộng hòa không còn chiếm đa số ở Hạ viện và đa số trong Ủy ban tư pháp Hạ viện như hiện nay thì việc luận tội Tổng thống Trump nhiều cơ hội sẽ có thể xảy ra.

Chính trị Hoa Kỳ cũng là thế !!!

Trò chơi chính trị là con dao hai lưỡi ngay cả khi ông Trump bị Hạ viện luận tội mà cử tri vẫn yêu mến và ủng hộ ông thì sẽ ảnh hưởng rất nặng đến uy tín của đảng Dân chủ.

Bởi thế việc đe dọa đưa Tổng thống ra luận tội thường được đem ra hù dọa làm mất uy tín chính trị nhau hơn là thực sự xảy ra.

Điểm tích cực là các Tổng thống luôn cân nhắc mọi quyết định trong công vụ để không xảy ra lạm quyền như Tổng thống Andrew Johnson hay bê bối như Tổng thống Richard Nixon và Tổng thống Bill Clinton.

Tư pháp và Tối cao Pháp viện

Tối cao Pháp viện giữ quyền lực cao nhất về tư pháp trong Chính phủ Hoa Kỳ, có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, tuyên bố các đạo luật liên bang, đạo luật tiểu bang là vi hiến, hoặc tuyên bố các hoạt động của hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến.

Tối cao Pháp Viện gồm chín thẩm phán được bổ nhiệm trọn đời bởi Tổng thống và được phê chuẩn bởi Thượng viện. Một thẩm phán được bầu làm chánh án. Chánh án John Roberts và 4 thẩm phán khác thuộc cánh bảo thủ ủng hộ đường lối của ông Trump.

Trong trường hợp Tổng thống bị Quốc hội luận tội và truất phế, Chánh án Tối cao Pháp Viện sẽ là Chủ tịch ủy ban truất phế.

Tổng thống Trump trong vòng chưa tới 2 năm đã bổ nhiệm được hai thẩm phán là các ông Neil Gorsuch và ông Brett Kavanaugh.

Việc thẩm phán Brett Kavanaugh được Quốc hội chấp nhận là 1 thắng lợi lớn giúp ông Trump vận động các cử tri bảo thủ tích cực đi bầu và bầu cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử giữa kỳ vào ngày 6 tháng 11 sắp tới.

Vận động hành lang

Tại Hoa Kỳ việc vận động nhằm ảnh hưởng các chính sách của chính phủ là việc làm công khai và hợp pháp.

Điển hình là chính sách trừng phạt thương mãi một số công ty sẽ được hưởng lợi trong khi nhiều công ty khác bị thiệt hại. Các công ty bị thiệt hại sẽ tìm cách vận động hành lang để giảm thiểu thiệt hại cho công ty mình.

Chiến tranh thương mãi Mỹ - Trung có lợi cho một số tiểu bang nhưng lại bất lợi cho một số tiểu bang khác, nhất là các tiểu bang sản xuất và xuất cảng nông nghiệp và các tiểu bang có hải cảng trực tiếp xuất nhập cảng.

Tổng thống Trump sử dụng 2 đạo luật có sẵn trong việc trừng phạt thương mãi Bắc Kinh.

Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act 1962) về an ninh quốc gia và Mục 301 Đạo luật Thương mại năm 1974 (Trade Act 1974) về trả đũa những hành vi thương mại không công bằng của nước khác.

Nếu đảng Dân chủ kiểm soát được Quốc hội, họ có thể ra những đạo luật mới để giới hạn khả năng trừng phạt thương mãi của Tổng thống Trump.

Vì thế không lạ gì khi các công ty bị thiệt hại do chiến tranh thương mãi (và có thể cả nước ngoài) đang đổ tiền tài trợ cho các ứng cử viên dân biểu và nghị sĩ mà họ tin rằng khi thắng cử sẽ có thể xoay chuyển thế cờ giới hạn quyền hạn của Tổng thống Trump.

Đệ tứ quyền

Chính Phủ Hoa Kỳ hoàn toàn không có cơ quan truyền thông riêng. Các cơ quan truyền thông như VOA, RFA,… nhận ngân sách chính phủ nhưng đều là các cơ quan truyền thông độc lập. Các cơ quan truyền thông khác đều là cơ quan truyền thông tư nhân.

Chi phí nặng nhất trong việc tranh cử là chi phí truyền thông quảng cáo. Ứng cử viên nào vận động được nhiều tài trợ thì có nhiều tiền để quảng cáo tranh cử và nhiều cơ hội hơn để thắng cử.

Tổng thống Trump lại có một "lịch sử" khác thường là khi ra tranh cử không chịu chi tiền quảng cáo và thường xuyên "đối chọi" với truyền thông.

Đương nhiên cách hành sử của ông Trump càng "khiêu khích" giới truyền thông để ý đến ông và tìm mọi cách để giảm thiểu quyền lực của ông.

Thế lãnh đạo mạnh

Nói tóm lại quyền lực của Tổng thống Mỹ do cử tri ban cho và nếu họ không thực hiện lời họ đã hứa thì cử tri sẽ lấy lại nên không Tổng thống nào có thể trở nên độc tài.

Tổng thống Trump đã thực hiện được hầu hết những điều ông hứa khi ra tranh cử như cắt giảm thuế, tạo thêm công ăn việc làm, giúp tăng lương, tiêu diệt khủng bố ISIS, trừng phạt thương mãi Bắc Kinh, bảo vệ Biển Đông.

Những điều ông không làm được là do quyền lực của ông bị Quốc hội giới hạn.

Tổng thống Trump thực hiện được các điều ông đã hứa một phần là nhờ bản tính cương quyết và cứng rắn nhưng khôn khéo trong việc đàm phán chính trị và ngoại giao.

Phần khác là nhờ Tổng thống Trump lãnh đạo Hoa Kỳ trong thế mạnh khi cả Hạ viện lẫn Thượng viện đều do đảng Cộng hòa nắm giữ và Tối cao Pháp viện nay thuộc cánh bảo thủ.

Liệu Tổng thống Trump có còn tiếp tục lãnh đạo Hoa Kỳ trong thế mạnh hoàn toàn tùy thuộc và cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 06/11/2018 sắp tới đây.

Có giữ được thế lãnh đạo mạnh Tổng thống Trump mới có thể tiếp tục bao vây Trung Quốc về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự và ý thức hệ.

Có thay đổi được ý thức hệ của tầng lớp lãnh đạo Bắc Kinh mới mong tránh khỏi việc thị trường thương mãi bị bóp méo, bán phá giá, đánh cắp bản quyền, ép các công ty Hoa Kỳ chuyển giao tài sản trí tuệ, và hạn chế tiền lương và các quyền lao động công nhân, bành trướng tại Biển Đông và ra thế giới.

Đồng thời thế giới sẽ có tự do, dân chủ và nhân quyền hơn.

Cử tri Mỹ sẽ quyết định tương lai nước Mỹ và tương lai thế giới trong cuộc bầu cử sắp tới.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi, 16/10/2018

Published in Diễn đàn