Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hiện nay trên thế giới vẫn còn một số chế độ độc tài ở mức độ khác nhau trong đó có loại chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Chế độ này có nhiều sự giống và khác chế độ độc tài phong kiến là chế độ phổ biến trên thế giới cho đến thế kỷ 20. Nay thử so sánh giữa hai chế độ này.

doctai0

Giống

- Điểm chung quan trọng nhất mang tính chi phối các đặc điểm chế độ độc tài phong kiến và cộng sản toàn trị là nhà cầm quyền không do dân bầu ra mà do chiến thắng quân sự hoặc tranh cướp hoà bình giành được. 

Do nhà cầm quyền không từ dân bầu, không có sự phán xét, giám sát của nhân dân(gồm các cuộc tổng tuyển cử, trưng cầu dân ý, Quốc hội do dân thực sự bầu, báo chí, văn học, nghệ thuật... tự do) nên quan điểm chính trị, phẩm chất, năng lực,trình độ quản lý đất nước của nhà cầm quyền chế độ độc tài là ngẫu nhiên, may rủi. Nhân dân, đất nước có phúc thì gặp được ông vua(phong kiến), nhà lãnh đạo, Tổng bí thư (cộng sản) có tài, vì nước vì dân như vua Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông ở VN, vua Minh Trị ở Nhật, Pyotr Đại đế ở Nga hoặc những ông vua khốn nạn như Trần Dụ Tông, Lê Uy Mục, Lê Chiêu thống...

- Ở chế độ độc tài quyền của vua, nhà lãnh đạo (tổng bí thư hoặc bộ chính trị-vua tập thể" - Lời ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch quốc hội Việt Nam) là trên hết, tất cả các thiết chế xã hội như luật pháp, nguyên tắc, đạo đức... đều dưới ý chí của vua, nhà lãnh đạo. Ông tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói : "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau cương lĩnh đảng" (VnExpress, 2/9/2003).

Thời gian xem xét dự án bauxite tây nguyên "vua tập thể" độc tôn quyết định, nhiều nhân sĩ, trí thức kể cả ông Võ Nguyên Giáp gửi thư can ngăn cũng không được trả lời... Cùng một việc có thể vua, nhà lãnh đạo độc tài bảo đúng hoặc sai, tốt, xấu, tùy ý ("sáng đúng chiều sai, mai lại đúng").

Ở chế độ độc tài luật pháp chỉ cơ bản được vận hành đúng khi nó mang lại lợi ích, lợi thế cho cán bộ, nhà cầm quyền. Ở chế độ phong kiến vua, quan tùy nghi xử dân nên dân ta có câu : "Nén bạc đâm toạc tờ giấy". Ở chế độ cộng sản cũng tương tự. Luật gia Ngô Bá Thành nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật quốc hội từng nói đúng : "Chúng ta có rừng luật nhưng chỉ sài luật rừng". Việc các vụ dân kiện quan chức, chính quyền sai phạm rất khó khăn, hầu hết dây dưa, thua kiện trong khi dân sai phạm nhất là đụng vào chính quyền, quan chức, công an thì pháp luật được thực thi nhanh chóng, án xử nặng... Dân trộm con vịt bị xử tù, quan chức, đại gia trộm, làm thất thoát chục tỷ, trăm tỷ chỉ "nghiêm khắc cảnh cáo, phê bình.".

- Cơ quan truyền thông, các tổ chức mang tính chất dân sự của quốc gia hoàn toàn do vua, nhà cầm quyền độc tài quản lý phán xét, phải hoạt động phụng sự nhà cầm quyền trên hết, người dân không được có cơ quan ngôn luận. Dưới chế độ phong kiến nhân dân chỉ được nhận các thông tin như lời phán, chiếu chỉ, các bài thơ văn ca ngợi vua chúa do các nho sinh, quan lại... sáng tác ca ngợi chế độ, vua, quan.

Dưới chế độ độc tài cộng sản nền truyền thông cũng độc quyền của nhà cầm quyền, được hiện đại hóa như TV, các đài phát thanh, báo in, báo điện tử, loa phường, xóm, đội tuyên truyền viên... chuyển đến từng gia đình, người dân, băng rôn, khẩu hiệu, tượng đài ở khắp nơi tất cả phải tuyên truyền theo định hướng, lợi ích của đảng. Tháng 6/2018 nhà cầm quyền cộng sản còn ra luật an ninh mạng trong đó có những điều ngăn chặn ý kiến trái lợi ích nhà cầm quyền của dân trên mạng Internet. Bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc nhở báo chí chỉ đăng tiêu cực chiếm 10% mặt báo. Tức dù thực tế thế nào thì báo chí của đảng cộng sản cũng chỉ đăng phần rất nhỏ có chọn lọc phụng sự "vua tập thể" để gây cảm giác báo chí phản ánh khách quan cho khán, độc giả.

Chế độ độc tài độc quyền thông tin nên người dân dưới chế độ phong kiến phải dùng văn học dân gian khuyết danh để lên án chế độ như ca dao :

"Con ơi nhớ lấy câu này

Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan...

Bao giờ dân nổi can qua

Con vua thất thế lại ra quét chùa"...

Dưới chế độ độc tài cộng sản dân không có cơ quan ngôn luận cũng phải phê phán chế độ bằng ca dao, vè :

"Mỗi người làm việc bằng hai

Để cho cán bộ mua đài, mua xe"...

(thời hợp tác xã)

hoặc :

"Tôn Đản là chợ vua, quan

Nhà thờ của bọn trung gian nịnh thần"...

- Chế độ độc tài phong kiến, cộng sản đều có ý chí tuyệt đối dùng mọi nguồn lực quốc gia, biện pháp, phương tiện để bảo vệ ngai vàng, quyền cai trị. Thời phong kiến ai không quy phục triều đình bị ghép tội "khi quân" nhẹ bị tù đày, nặng tru di tam tộc, dưới chế độ cộng sản những người đòi tự do, dân chủ, bất đồng chính kiến, hăng hái chống Trung Quốc xâm lược, bị gọi là "phản động, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, gây rối trật tự công cộng"... bị khủng bố, sách nhiễu, bắt giam, xử tù rất nặng, con cháu bị ghi lý lịch trả thù.

- Đặc điểm chung của chế độ độc tài là khó có khả năng thích ứng với hoàn cảnh, thời đại nên bị suy thoái, tàn tạ theo thời gian. Ban đầu các thủ lĩnh phong kiến hoặc cộng sản còn tốt, nêu ra, thực thi những chính sách hợp lòng dân nên tập hợp được nhiều người ủng hộ giành được chính quyền. Tuy nhiên, khi đã nắm quyền do chế độ không phải dân bầu, không có lực lượng đối lập, báo chí tư nhân phán xét, cảnh báo chỉ có báo chí độc quyền ca ngợi, pháp luật không dám đụng đến, cấp dưới không dám báo cáo thật với cấp trên... nên lãnh đạo và hệ thống quan chức nhà cầm quyền độc tài thấy mình luôn "anh minh, tài giỏi, quang vinh muôn năm"... muốn làm gì cũng dễ, từ đó bản năng tham lam, lộng hành trong họ "có đất dụng võ". Thời đại trôi qua, nhu cầu ăn chơi, hưởng lạc, giá "mua quan, bán chức" tăng cao dẫn đến mỗi thế hệ quan chức độc tài ngày càng tham nhũng, lưu manh, tàn bạo, sa đọa không thể ngăn cản nổi.

Hãy xem đã bao năm nay đảng cộng sản hô hào chống tham nhũng nhưng càng chống thì tham nhũng càng tăng hoặc "ổn định". Những năm gần đây dù những vụ sai phạm, tham nhũng lớn liên tục bị phá, nhiều quan chức đến cỡ bộ chính trị, tướng soái vào tù nhưng khắp nơi tham nhũng vẫn ngang nhiên lộng hành như "ngày hội" (Dân Trí, 24/10/2018), các vụ cướp phá, phô trương không thể dấu diếm như phá rừng lấy gỗ, khai thác cát, khoáng sản, cưỡng chế cướp bóc đất đai, xây lâu đài, biệt phủ nguy nga... không dứt. Từ đó, uy thế nhà cầm quyền suy yếu dần đến đáy. Khắp nơi người dân không còn nể sợ gì quan chức, chính quyền nữa.

Khác

- Chế độ phong kiến vua có quyền tối cao, mọi quyết định đúng, sai, thành bại do vua chịu. Lãnh thổ, chủ quyền quốc gia gắn chặt với triều đình, nếu nước bị xâm chiếm thì triều đình cũng mất, vua, chúa có thể mất mạng, bị ngoại xâm, phe đối nghịch trừng trị, vì vậy rất nhiều khi vua phải thân chinh cầm gươm ra trận cùng dân đánh đối địch.

- Lãnh đạo chế độ độc tài cộng sản là lãnh đạo tập thể, "vua tập thể". Nếu đất nước phát triển bình thường thì báo chí độc quyền ca ngợi công lao vĩ đại của đảng, chính phủ, tổng bí thư, thủ tướng, bộ trưởng nọ kia... Ngược lại, nếu đường lối, chính sách sai, "suy nước, hại dân", thậm chí để mất lãnh thổ, biển, đảo... thì cũng không ai chịu trách nhiệm. Dân gian tổng kết :

"Mất mùa là tại thiên tai

Được mùa là tại thiên tài đảng ta".

- Sở hữu tài nguyên quốc gia : Chế độ phong kiến sở hữu đất đai, tài nguyên hỗn hợp. Nhà nước, tôn giáo sở hữu đất đai, các quan lại, vua chúa sở hữu điền trang, thái ấp, nhân dân sở hữu thổ cư, ruộng, vườn, ao hồ. Chế độ phong kiến có khả năng lập các điền trang, thái ấp rộng tạo cơ sở để sẩn xuất lớn. Dưới chế độ độc tài cộng sản đảng cộng sản quản lý tất cả tài nguyên, lợi ích quốc gia đất đai, khoáng sản, rừng, biển... Hiến pháp nói "đất đai sở hữu toàn dân" nhưng không người dân nào được phán xét một tấc đất ngoài cán bộ Đảng cộng sản.

- Chế độ độc tài phong kiến khi chiến tranh con cháu vua, chúa hoàng tộc khoẻ mạnh phải trực tiếp ra trận để nêu gương cho quân lính, nếu thua trận thì mất "cả thiên hạ" nhưng ở chế độ cộng sản, con cháu các quan chức hầu hết không phải ra trận, nếu có đi lính thì họ cũng chỉ ở hậu phương hoặc đi học quân sự nọ, kia ở nước ngoài. Tôi đi bộ đội gần 9 năm trong đó 6 năm ở chiến trường đi nhiều đơn vị nhưng không gặp con cháu nào của quan chức từ cấp huyện, tỉnh trở lên....

Tóm lại, do đặc điểm lãnh đạo quốc gia không do dân bầu nên chế độ độc tài dù ở thời đại nào cũng theo quy luật "nhất nguyên" với nhiều sự tương đồng như không có dân chủ, luật pháp không nghiêm, quan chức nắm đặc quyền, đặc lợi chi phối hoạt động xã hội, bộ máy cầm quyền ngày càng tham nhũng, tha hóa... Những điểm khác giữa hai chế độ chỉ là thứ yếu.

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 12/12/2018

Published in Diễn đàn
dimanche, 24 juin 2018 09:22

Nhà nước cai trị

Người dân đã thấy rõ cách giải bài toán của các ông khi dân nổi can qua là : Cùng với những máy bay lên thẳng có gắn đại liên, rốc két túc trực ở sân trước sân sau trụ sở công an huyện, cùng với những ống phóng tên lửa trên vai đội quân công an huyện đông như kiến, đội quân thực dân Đại Hán mặc dân sự ém sẵn ở Bô xít Tây Nguyên, ở Formosa Vũng Áng, ở Vân Đồn, ở Bắc Vân Phong, ở Phú Quốc sẽ bảo đảm cho các ông không phải chui ống cống, bảo đảm cho nhà nước cai trị đầy tội ác của các ông chưa bị ném vào sọt rác lịch sử khi 90 triệu người dân Việt Nam thức tỉnh và can qua nổi lên. Với đạo quân khát máu tanh lòng có mặt thường trực trên đất nước Việt Nam, với trực thăng vũ trang, tên lửa vác vai trang bị tới tận công an cấp huyện, nhà nước cai trị của các ông sẽ tồn tại trên máu dân đổ ra lênh láng khắp đất nước. Các ông đã lấy máu dân giải bài toán về sự tồn tại của nhà nước cộng sản cai trị.

caitri3 (2)

Những máy bay lên thẳng có gắn đại liên, rốc két túc trực ở sân trước sân sau trụ sở công an huyện

Theo chiều dọc thời gian, lịch sử loài người đã có nhà nước nô lệ, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản... Theo chiều ngang không gian trong thời đương đại chúng ta đang sống lại có hai loại hình nhà nước là nhà nước phục vụ và nhà nước cai trị.

Nhà nước phục vụ là nhà nước từ dân, của dân, do dân. Bằng tài trí của mình, người dân tự do ứng cử để được bầu chọn vào vị trí quản lí nhà nước. Bằng lá phiếu thực sự tư do, người dân bầu chọn hiền tài trong dân, tìm ra người tài trí lãnh đạo nhà nước. Nhà nước từ dân, nhà nước lại hướng về dân, phục vụ mọi nhu cầu chính đáng của dân và bảo đảm mọi nhu cầu cho sự hoạt động lành mạnh của một xã hội dân sự. Lợi ích của dân là lí do tồn tại của nhà nước phục vụ. Những lợi ích mang lại cho dân, cho nước là chỉ số về năng lực, hiệu quả của nhà nước phục vụ và người dân căn cứ vào chỉ số đó để tỏ thái độ với nhà nước bằng lá phiếu tín nhiệm, bằng biểu tình, bằng phán quyết của cơ quan dân cử để duy trì hay phế truất nhà nước.

Từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp của nhà nước phục vụ đều tập trung vào việc bảo vệ và nâng cao phẩm giá con người của người dân. Người dân được đưa lên vị trí chủ thể, chủ thể của nhà nước và chủ thể của xã hội. Quan chức nhà nước chỉ là công bộc, là người làm thuê của chủ thể nhân dân. Là hiền tài của dân, nhà nước đó là tinh hoa, là tầm vóc, là khí phách của giống nòi, là đại diện xứng đáng của một giống nòi trước nhân loại. Đó là những nhà nước dân chủ.

Nhà nước cai trị là nhà nước hình thành từ bên ngoài dân áp đặt cho dân. Bằng lừa dối và bạo lực, nhà nước cai trị buộc người dân phải cam chịu sự áp đặt đó. Một thế lực từ bên ngoài dân đã sắp đặt, phân chia cho nhau các vị trí quyền lực nhà nước rồi biến dân thành những rô bốt cầm lá phiếu đi bầu cử theo lập trình, theo cài đặt sẫn của thế lực cầm quyền để hợp thức hóa cho sự cai trị áp đặt. Các chế độ độc tài đều phải thiết lập, duy trì một nhà nước cai trị và nhà nước cai trị ở chế độ độc tài cộng sản là tinh vi nhất, khắc nghiệt nhất, chà đạp lên phẩm giá con người, cả thể xác lẫn tâm hồn, độc ác nhất, man rợ nhất.

Những năm tháng này trong dân gian ta có câu thành ngữ mới khái quát về một đặc tính, một lối hành xử của nhà nước cộng sản cai trị Việt Nam là "hèn với giặc, ác với dân". Những gì đã diễn ra ở Hoàng Sa năm 1974, ở biên giới phía Bắc từ năm 1979, ở Trường Sa năm 1988, ở biển Đông những năm tháng qua đủ để người dân nhận ra tên giặc truyền kiếp của giống nòi Việt Nam, của lịch sử Việt Nam lại đang hiển hiện, lại đang thách thức dân tộc Việt Nam.

Nhưng với nhà nước cộng sản cai trị Việt Nam, một nhà nước của giai cấp vô sản thế giới chứ không phải nhà nước của dân tộc Việt Nam thì tên giặc truyền kiếp đó lại là bạn vàng ý thức hệ của nhà nước cộng sản. Chỉ riêng điều này đã là minh chứng vững chắc, hiển nhiên, đanh thép rằng nhà nước cộng sản từ cốt lõi đến hình hài hoàn toàn không phải nhà nước của giống nòi Việt Nam, đó chỉ là nhà nước cai trị áp đặt cho dân Việt Nam ở một thời đau đớn, tủi nhục nhất của lịch sử Việt Nam mà thôi.

Nhà nước cộng sản chỉ là một nhà nước chiếm đóng, một nhà nước cai trị, như nhà Nam Hán ở thế kỉ thứ nhất, nhà Đông Hán thế kỉ 10, nhà Minh thế kỉ 15 cai trị nước ta. Không phải nhà nước của dân tộc Việt Nam, lợi ích của nhà nước cộng sản cai trị hoàn toàn khác với lợi ích của người dân Việt Nam bị trị.

Vì lợi ích của nhà nước cộng sản, nhà nước cộng sản cai trị Việt Nam đã gây cho dân tộc Việt Nam hết tội ác này đến tội ác khác.

- Tội ác Cải cách ruộng đất.

- Tội ác Nhân Văn – Giai Phẩm.

- Tội ác cắt đôi đất nước, cắt đôi giống nòi rồi đẩy hai nửa giống nòi cùng mang dòng máu Việt của Mẹ Âu Cơ vào cuộc nội chiến đẫm máu.

- Tội ác lùa hàng triệu trí tuệ, tậm hồn Việt Nam không cùng ý thức hệ cộng sản vào tù mút mùa không bản án.

- Tội ác tiêu diệt một nền văn minh công nghiệp, văn minh đô thị, tiêu diệt nền sản xuất công nghiệp hiện đại mang khát vọng dân tộc để rước về một nền công nghiệp lạc hậu với công nghệ phế thải của Trung Quốc, biến đất nước Việt Nam thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc.

- Tội ác đầy đọa, chia rẽ, li tán dân tộc Việt Nam, biến đất nước Việt Nam, đất đầy hoa và trời đầy chim thành một nhà tù khổng lồ, tạo nên dòng người phải trốn bỏ ngục tù cộng sản đi tìm tự do, gây nên thảm họa gần nửa triệu người phải vùi xác đáy biển.

- Tội ác coi dân như kẻ thù, coi mạng sống của dân chỉ như sự sống của con ong, cái kiến, tùy tiện đánh giết dân. Mỗi năm có hàng trăm người dân lương thiện đã bị đánh chết trong đồn công an, trong trại giam.

- Tội ác hủy hoại giá trị đạo đức, văn hóa Việt Nam, làm tha hóa con người Việt Nam, biến đổi con người Việt Nam sáng tạo, trung thực và yêu thương thành con người công cụ, tàn ác và giả dối.

- Tội ác cắt nửa thác Bản Giốc kì vĩ ở Cao Bằng, cắt cả bức tường thành cổng nước sừng sững của lịch sử ở Lạng Sơn dâng cho Trung Quốc.

- Tội ác mang lợi ích của đất nước, của giống nòi đánh đổi lấy lợi ích của đảng cộng sản.

- Tội ác kí những cam kết ràng buộc dân tộc Việt Nam vào thân phận chư hầu của Trung Quốc. Kí những cam kết mở cửa đón Trung Quốc vào ém quân ở những vùng đất chiến lược như dải rừng đầu nguồn rộng lớn ở Tây Bắc, nóc nhà Tây Nguyên, cảng nước sâu Vũng Áng, dải đất ven biển miền Trung.

- Tội ác đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, ngày càng ngập trong bẫy nợ của Trung Quốc...

caitri3 (1)

Không sao kể xiết tội ác của nhà nước cộng sản cai trị suốt hơn nửa thế kỉ qua.

Với những tội ác "Trúc Lam Sơn không ghi hết tội" nhưng nhà nước cộng sản cai trị vẫn ngạo ngược tồn tại vì nhà nước cộng sản cai trị vừa vô pháp, vô luân, cai trị bằng bạo lực chà đạp lên pháp luật. Ngang nhiên tước đoạt quyền con người và quyền công dân của người dân. Cho an ninh đến bao vây chặn cửa nhà dân, không cho người dân ra khỏi nhà tham gia những hoạt động bình thường, chính đáng và hợp pháp của công dân. Tùy tiện bắt dân, đánh dân. Trong cuộc biểu tình ôn hòa hợp pháp ngày 10/06/2018 phản đối luật Đặc khu kinh tế và luật An ninh mạng diễn ra rầm rộ từ Bắc đến Nam, hàng ngàn người dân bị bắt giam phi pháp, bị công an nhà nước cộng sản cai trị đánh đòn thù. Công dân trẻ Nguyễn Minh Kha vừa bước vào tuổi 18 ở Phan Rí, Bình Thuận bị đánh đến cận kề cái chết đang phải cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn. Công dân Trịnh Văn Toàn, 32 tuổi bị đánh chấn thương sọ não ở nhà giam dã chiến dựng lên trong sân Tao Đàn, quận Một, Sài Gòn. Vừa cai trị bằng bạo lực vô pháp, vô luân, vừa cai trị bằng tự tạo ra thứ luật pháp phản con người, phản tiến hóa và vô cùng nghiệt ngã với dân.

Nhà nước cộng sản cai trị dành tối đa công sức xây dựng luật pháp tước đoạt những giá trị làm người của người dân, tước đoạt sức mạnh của nhân dân. Tài sản của dân, tài nguyên của nước bị luật hóa thành tài sản riêng của nhóm quyền lực cai trị.

Luật pháp nhà nước cai trị chỉ tập trung vào hai điều :

- Một là, tước đoạt giá trị làm người của người dân mà luật an ninh mạng là dẫn chứng mới nhất, rõ nhất. Tôi sẽ có bài viết riêng về bộ luật mang tên An ninh mạng nhưng thực chất chỉ là bộ luật An ninh đảng. Ở đây chỉ nêu ngay một ý nhỏ là.

Cách mạng công nghiệp và cách mạng tư sản dân quyền thế kỉ 18 đã đánh thức ý thức cá nhân trong mỗi con người thức dậy. Với ý thức cá nhân, con người có mặt trong cuộc đời là những cá thể riêng biệt không còn lẫn lộn trong bầy đàn nữa, là những cái Tôi nhỏ bé nhưng lấp lánh. Cái Tôi có mặt ở hạ tầng xã hội thì ở thượng tầng kiến trúc, pháp luật liền ghi nhận quyền của những cái Tôi cá nhân làm chủ cuộc đời mình và quyền của những cái Tôi công dân làm chủ đất nước mình. Đó là điều đã diễn ra ở những nhà nước phục vụ từ thế kỉ 18. Đến cách mạng công nghệ thông tin cuối thế kỉ 20 đã nâng những cá nhân lên thành những người khổng lồ mang tầm vóc vũ trụ và pháp luật nhà nước phục vụ một lần nữa lại mở rộng quyền của những cá nhân trong không gian vũ trụ mà nền văn minh tin học mở ra.

Đã bước sang thế kỉ 21 nhưng Luật an ninh đảng núp dưới cái tên Luật an ninh mạng của nhà nước cộng sản cai trị Việt Nam vẫn không nhìn nhận những quyền cơ bản của con người, như: Quyền có đời sống riêng, có thế giới riêng của cái Tôi, quyền riêng tư. Quyền tiếp nhận thông tin. Quyền tự do ngôn luận. Quyền có tư tưởng, chính kiến riêng. Quyền tự do công khai bộc lộ tư tưởng chính kiến đó. Quyền làm chủ đất nước. Quyền hạch tội, lên án và phế truất những công bộc được dân trao cho quyền lực nhà nước, được nhận lương cao của dân, được hưởng ơn dày của nước nhưng chỉ làm những việc hại dân, hại nước. Bộ luật hình sự với những điều 79, 88, 258 đã dán băng keo bịt mồm, bưng mắt, dán tai người dân thì nay Luật an ninh đảng núp dưới tên An ninh mạng với những điều 2, 8, 15 lại dán thêm một lớp băng keo đen lên mồm, mắt, tai người dân.

- Hai là, làm luật biến quyền lực của dân thành quyền lực của nhà nước cai trị, biến tài sản của dân, tài nguyên của nước thành tài sản của nhà nước cai trị. Nhà nước cai trị thực chất chỉ là một nhóm lợi ích lớn nhất trong những nhóm lợi ích đối lập với lợi ích nhân dân do nhà nước cai trị tạo ra. Luật pháp nhà nước cai trị không những dành cho nhóm lợi ích cai trị nhiều đặc quyền, đặc lợi mà còn tước đoạt quyền lực của dân, tước đoạt tài nguyên của nước giao cho nhóm lợi ích cai trị.

Hiến pháp 2013 với Điều 4 : Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội đã tước đoạt quyền lực của dân là tự do bầu chọn lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, giao quyền lực đó cho đảng cộng sản, nhóm lợi ích lớn nhất trong nhà nước cai trị. Điều 53 : Đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lí đã tước đoạt quyền sở hữu tài sản đất đai của người dân, giao tài sản lớn nhất của người dân là đất đai cho nhóm lợi ích cai trị.

Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc cho thấy nhà nước cai trị đã xây dựng cả những bộ luật mang tài nguyên đất đai lãnh thổ của nước ra đánh đổi lấy sự bảo đảm từ nhà nước thực dân chủ nợ Đại Hán cho sự tồn tại của nhà nước cộng sản cai trị Việt Nam.

Cách mạng công nghệ liên tiếp diễn ra với nhịp độ ngày càng gấp gáp, dồn dập. Hoạt động sản xuất kinh doanh cũng biến động không ngừng đòi hỏi sự nhạy bén, thích ứng không ngừng của nhà sản xuất kinh doanh. Trong sự biến đổi đó, những nhà đầu tư công nghiệp thực sự, chỉ nhằm lợi nhuận kinh tế không cần thời gian thuê đất 70 năm, 99 năm.

Chỉ kinh doanh bất động sản hoặc núp bóng kinh doanh nhằm mưu đồ đất đai lãnh thổ mới cần thời gian thuê đất lâu dài để thay sắc tộc, thay dòng máu, thay màu cờ mảnh đất thuê. Chỉ có khát vọng đất đai, lãnh thổ mới cần đến quyền chuyển nhượng, quyền kế thừa mảnh đất thuê. Chỉ có đầu óc thực dân mới cần mảnh đất thuê 99 năm cùng với quyền chuyển nhượng, kế thừa. Đáp ứng mọi đòi hỏi về mưu đồ đất đai, lãnh thổ của thực dân chủ nợ Đại Hán, Luật đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân phong, Phú Quốc thực chất chỉ là văn bản hợp thức hóa việc cắt đất dâng nhượng cho thực dân chủ nợ Đại Hán mà thôi.

Chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ lịch sử từ giữa thế kỉ trước. Ngày nay với sự trổi dậy của nhà nước Đại Hán, trong túi đã rủng rỉnh đồng tiền, trong dạ luôn thèm khát đất đai, lãnh thổ và trong đầu luôn thôi thúc ý chí cai trị thiên hạ thì cũng là lúc trỗi dậy một nhà nước thực dân kiểu mới, nhà nước thực dân chủ nợ Đại Hán.

Không những là con nợ kinh tế mà với cam kết Thành Đô 1990, Nhà nước cộng sản cai trị Việt Nam còn là con nợ chính trị của nhà nước thực dân chủ nợ Đại Hán. Làm ra cả một bộ luật mở đặc khu kinh tế ở ba vùng đất đẹp, ba vùng đất hiểm Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc không phải từ đòi hỏi của nền kinh tế Việt Nam mà chỉ là sự vâng lời trước đòi hỏi của  nhà nước chủ nợ thực dân Đại Hán, là văn bản thế chấp của con nợ với chủ nợ mà thôi.

caitri3 (1)

Vân Đồn (Quảng Ninh) nhìn từ trên cao (Ảnh Lã Nghĩa Hiếu)

Những nhà đầu tư thực sự vì mục đích kinh tế cũng không chọn chốn tù túng Vân Đồn, không chọn nơi đã quá chen chúc, quá chật chội và quá đắt đỏ là Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc chỉ có hai giá trị nổi trội là :

- Giá trị nổi trội dễ thấy của Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là kinh tế du lịch. Đó là nơi rừng thẳm, núi biếc soi bóng xuống biển cả hùng vĩ. Nơi lung linh thơ mộng của núi non gặp hùng tráng, kì vĩ của biển cả.

Đang là thời của du lịch. Thời của những dòng người bất tận đi khám phá vẻ đẹp tư nhiên của thế giới và khám phá vẻ đẹp dân dã ở những nền văn hóa của loài người. Ngành du lịch đang là thời thượng và biết khai thác du lịch bền vững thì Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo siêu hạng. Chỉ làm kinh tế du lịch thì không cần đặc khu kinh tế, càng không cần thời gian thuê đất 70 năm, 99 năm. Nhưng mượn cớ đầu tư kinh doanh để làm chủ mảnh đất chiến lược mới cần đặc khu. Mượn cớ du lịch để di dân chiếm đất mới cần được quyền chuyển nhượng, quyền kế thừa mảnh đất thuê, mới cần thời gian thuê đất 70 năm, 99 năm. Càng lâu càng tốt. Càng lâu càng nhiều cứt trâu hóa bùn.

- Nhưng giá trị lớn nhất, đặc biệt nhất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là giá trị quân sự, giá trị quốc phòng. Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thực sự là những yếu huyệt trong phòng thủ đất nước với Việt Nam. Nhưng cũng là những đầu cầu đổ bộ của quân xâm lược thôn tính Việt Nam. Khi đó Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ là những cứ điểm quân sự liên kêt với Tây Nguyên, với Vũng Áng, Hà Tĩnh mà Trung Quốc đã làm chủ, liên kết với căn cứ tàu ngầm hat nhân Du Lâm trên đảo Hải Nam, liên kết với hạm đội Nam Hải ngoài biển Đông, liên kết với căn cứ quân sự trên bãi Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, liên kết với căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thì cả dải đất Việt Nam đã nằm gọn trong bàn tay thép Trung Quốc.

Trước mắt, đó là chỗ dựa, là điểm tựa cho nhà nước cộng sản cai trị Việt Nam đang đi sâu vào con đường chống lại giống nòi Việt Nam. Đó là sức mạnh bạo lực nhà nước Trung Quốc đàn anh có mặt thường trực tại chỗ bảo đảm cho sự tồn tại của nhà nước cộng sản cai trị Việt Nam trước sức mạnh bão táp của người dân đang cuồn cuộn nổi lên chống bè lũ bán nước và cướp mước, giành lại sự toàn vẹn lãnh thổ cho nước, giành lại giá trị làm người cho người dân. Đến lúc nhà nước cộng sản cai trị Việt Nam phải run rảy và công khai núp dưới họng súng Trung Quốc để tồn tại thì nhà nước đó cũng chỉ còn là chính quyền quận, huyện của nhà nước Đại Hán mà thôi.

Có ý thức dân tộc và lòng yêu nước thì không khi nào mang giá trị quân sự, mang thế hiểm về phòng thủ đất nước ra kinh doanh. Mượn cớ làm kinh tế mở toang những yếu huyệt trong thế trận phòng thủ đất nước cho nước ngoài vào chiếm đóng lâu dài 70 năm, 99 năm, như cách nói của một ngài đương nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội là: đón phượng hoàng vào làm tổ! Vâng, phượng hoàng vào làm tổ ở đó, có mặt ở đó để bảo lãnh cho lũ chim sẻ, chim ri tại chỗ phá nát dải đất hình chữ S.

"Xin khẳng định với cô bác, các anh chị cử tri là không bao giờ có chuyện bán đất cho nước ngoài". Ông đại biểu quốc hội của tỉnh Đồng Nai và là trưởng ban tuyên giáo của đảng cộng sản, Võ Văn Thưởng véo von với người dân Biên Hòa sáng ngày 20/06/2018 như vậy. Cũng như ông bộ trưởng bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì soạn thảo Dự luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trợn mắt, gân cổ cãi trước quốc hội khóa 13 kì họp thứ năm rằng trong luật không có một từ Trung Quốc nào mà bảo luật mở cửa đón Trung Quốc chỉ là suy diễn. Trong luật cũng không có từ bán đất nào, và ông trưởng ban tuyên giáo cứ mạnh miệng : "không bao giờ có chuyện bán đất cho nước ngoài".

Vâng, các ông không bán đất. Các ông chỉ đón sự có mặt của sức mạnh Trung Quốc vào đất nước Việt Nam bảo lãnh cho sự sống còn của đảng các ông, bảo lãnh cho nhà nước cai trị của các ông mãi mãi nô dịch người dân Việt Nam mà thôi. Nhưng khi nhà nước cai trị của các ông làm xong nhiệm vụ là đàn áp, tù đày, bắn giết, đánh phá tan tác sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam thì lúc đó nhà nước cai trị của các ông cũng hết vai trò lịch sử. Nhà nước Đại Hán sẽ loại các ông khỏi vị trí nhà nước, đưa các ông về thân phận bù nhìn tay sai cấp khu, cấp vùng và nhà nước Đại Hán sẽ trực tiếp cai trị giống nòi Việt Nam như họ đang cai trị Tây Tạng, Tân Cương.

Khi đó các ông sẽ phải kí giao kèo bán sỉ cả đất nước Việt Nam gấm hoa cho Trung Quốc chứ các ông không bán lẻ từng mảnh đất. Thời kì cắt từng mảnh đất, nửa thác Bản Giốc, cả bức tường thành cổng nước ở Lạng Sơn, bãi đá Gạc Ma ở biển Đông ra bán lẻ đã qua lâu rồi. Bán như vậy vừa lộ liễu, bị nguyền rủa đời đời kiếp kiếp, vừa không thành tấm thành món. Buôn bán cò con quá, không xứng với thế hệ cai trị đều có bằng giáo sư, tiến sĩ như các ông. Hơn nữa kẻ mua đất đã là thực dân chủ nợ của thế giới rồi, kẻ mua đã nắm trọn đất nước Việt Nam và đã là chủ nợ cả về kinh tế và chính trị nhà nước cai trị của các ông rồi, chủ nợ thực dân Đại Hán cũng không cần mua bán cò con với các ông nữa.

Vì sự tồn tại của một đảng chính trị, một nhà nước cai trị đã gây quá nhiều nợ máu với dân, đã là rác thải của lịch sử, vì ý chí quyết duy trì một nhà nước cai trị trung cổ với hơn 90 triệu dân Lạc Việt và vì run sợ trước sự cựa quậy thức tỉnh của người dân, các ông đã cả gan lấy tiền thuế nghèo của dân mua máy bay lên thẳng vũ trang, mua tên lửa vác vai trang bị cho công an cấp huyện chống lại sự nổi dậy giành quyền làm chủ đất nước của người dân thì việc các ông đón đội quân thực dân Đại Hán mặc thường phục vào ém sẵn ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cũng là tất yếu.

Người dân đã thấy rõ cách giải bài toán của các ông khi dân nổi can qua là: Cùng với những máy bay lên thẳng có gắn đại liên, rốc két túc trực ở sân trước sân sau trụ sở công an huyện, cùng với những ống phóng tên lửa trên vai đội quân công an huyện đông như kiến, đội quân thực dân Đại Hán mặc dân sự ém sẵn ở Bô xít Tây Nguyên, ở Formosa Vũng Áng, ở Vân Đồn, ở Bắc Vân Phong, ở Phú Quốc sẽ bảo đảm cho các ông không phải chui ống cống, bảo đảm cho nhà nước cai trị đầy tội ác của các ông chưa bị ném vào sọt rác lịch sử khi 90 triệu người dân Việt Nam thức tỉnh và can qua nổi lên. Với đạo quân khác máu tanh lòng có mặt thường trực trên đất nước Việt Nam, với trực thăng vũ trang, tên lửa vác vai trang bị tới tận công an cấp huyện, nhà nước cai trị của các ông sẽ tồn tại trên máu dân đổ ra lênh láng khắp đất nước. Các ông đã lấy máu dân giải bài toán về sự tồn tại của nhà nước cộng sản cai trị.

Cam kết Thành Đô 1990 cũng không mang từng mảnh đất Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ra bán lẻ mà mang cả đất nước Việt Nam, cả giống nòi Việt Nam ra thế thấp để nhận sự bảo lãnh của sức mạnh bạo lực nhà nước Trung Quốc cho sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nm, cho sự tồn tại của nhà nước cộng sản cai trị Việt Nam. Luật mở cửa đón Trung Quốc vào Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cũng chỉ là một bước đi theo lộ trình mà cam kết Thành Đô 1990 đã vạch từ gần 30 năm trước mà thôi.

Dù lịch sử chọn lối đi bất ngờ đến đâu, dù nhà nước cộng sản cai trị Việt Nam có chống lại nhân dân, chống lại qui luật của lịch sử hung hãn điên cuồng đến đâu cũng không tránh được cái kết thúc tất yếu : Hơn 90 triệu người dân Việt Nam thức tỉnh đứng lên giành lại quyền làm chủ đất nước Việt Nam thân yêu của mình.

Người dân không thể cam chịu mãi. Những gì diễn ra trong hai ngày chủ nhật 10/06/2018 và 17/06/2018 ở Hà Nội, Sài Gòn, Bình Thuận cho người dân nhận ra rõ ràng rằng nhà nước cộng sản cai trị đã coi 90 triệu người dân Việt Nam như kẻ thù, như tội phạm. Công an nhà nước cộng sản cai trị rải đầy trung tâm thành phố Sài Gòn, nơi thường diễn ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, biểu tình phản đối nhà nước cộng sản hèn với giặc, ác với dân. Biểu tình là quyền hợp pháp của công dân nhưng công an cộng sản đã tùy tiện bắt bất cứ người dân nào đi trên đường, ngồi trong quán cà phê. Bắt giữ thô bạo như bắt con vật xổng chuồng đưa về nơi giam giữ, xét hỏi, tra tấn dã man, vu cho tội tham gia biểu tình phản đối luật đặc khu kinh tế, luật an ninh mạng. Nhà nước cộng sản đã hiện nguyên hình chỉ là một lực lượng chiếm đóng tàn bạo. 

Càng gây tội ác với dân là càng gần đến ngày tàn ô nhục của một nhà nước cai trị chống lại nhân dân, càng gần đến ngày người dân điểm mặt, tính số tội ác của từng tên tội đồ với nhân dân, với lịch sử Việt Nam : Những tên đã rước thảm họa cộng sản về tàn sát giống nòi Việt Nam. Những tên áp đặt và duy trì học thuyết cộng sản quái thai, học thuyết tiêu diệt tầng lớp thượng lưu, tiêu diệt những người giầu có của cải, giầu có trí tuệ, đưa những người kém cỏi không tự nuôi nổi mình phải cam phận nghèo đói từ đời này sang đời khác lên địa vị thống trị xã hội.

Nhờ có cộng sản, những kẻ tầm thường leo tót lên vị trí vai vế trong nhà nước cộng sản cai trị. Vì vậy họ đã không từ một tội ác nào để duy trì nhà nước cộng sản cai trị. Cả tội ác bán nước, rước giặc về, dâng đất nước cho giặc để giữ được chiếc ghế cai trị của họ, họ cũng không từ.

Phạm Đình Trọng

(24/06/2018)

Published in Diễn đàn