Một sinh viên Úc tại Đại học Queensland ở miền Bắc nước Úc, anh Drew Pavlou, mới bị trường này tạm đuổi học trong hai năm vì đã tổ chức biểu tình ủng hộ phong trào đòi dân chủ của sinh viên Hong Kong và bênh vực người Hồi giáo Uighur bị Trung Quốc trấn áp.
Ông Tập Cận Bình, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (2008-2013) tại Lễ Khánh thành Trường Đông Ý Viện Khổng Tử đầu tiên của Úc tại Đại học RMIT ở Melbourne, ngày 20/6/2010. AFP PHOTO/William WEST
Queensland University- gọi tắt là UQ, là một trong các trường thuộc top 10 của Úc. Theo báo chí địa phương, trường này có nhiều du sinh Trung Quốc và lệ thuộc nặng nề vào nguồn thu nhập này.
UQ bị tố cáo là có quan hệ quá thân thiết với Bắc Kinh khi trao bằng danh dự rồi mời Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Brisbane làm giáo sư thỉnh giảng.
Cuộc biểu tình
Ngày 24/7 năm ngoái, Drew Pavlou, 20 tuổi, tổ chức một cuộc tụ tập nhỏ ở St Lucia, cơ sở chính của Đại học Queensland tại thành phố Brisbane, với sự tham gia của một nhóm từ 15 tới 20 sinh viên. Drew và nhóm bạn muốn đồng hành với sinh viên Hong Kong, phản đối các nỗ lực mà họ cho là phản dân chủ ở Hong Kong, chống đàn áp thiểu số người Uighur ở Tân Cương, và bày tỏ lo ngại về những liên hệ giữa Đại học Queensland với Bắc Kinh.
Trên trang Facebook của mình, Drew cho biết anh và các bạn coi đây là một sinh hoạt bình thường của sinh viên, nên thiếu chuẩn bị, tới giờ chót phải chạy đi mượn cái loa để gây chú ý.
Nhưng những gì xảy ra sau đó, theo lời anh sinh viên này, là ‘một cơn ác mộng’. Ước lượng 200 ‘sinh viên’ thân Trung Quốc - nhiều người lớn tuổi hơn và không có vẻ gì là sinh viên, đã xông vào tấn công, cướp micro, thụi vào đầu và kẹp cổ nhóm sinh viên chỉ định biểu tình trong ôn hòa.
Cảnh sát Brisbane đã huy động một lực lượng đông đảo tới để giải tán đám đông hỗn loạn. Muốn duy trì hòa bình và lo ngại nhóm Pavlou ít người có thể gặp nguy hiểm, cảnh sát khuyên họ rút lui.
Ký giả Shannon Molloy tải một bài báo trên trang tin tức NEWS.Com.Au hôm 24/6/2020, thuật lại các diễn tiến như sau.
Đêm cùng ngày cuộc biểu tình, tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng một bài viết mạnh mẽ đả kích cuộc xung đột ở Đại học Queensland, và công khai tên tuổi kèm theo hình ảnh của Drew Pavlou, gọi anh sinh viên Úc là "một kẻ ly khai". Ở Trung Quốc ly khai là một tội hình sự, có thể bị án tử hình.
Ngày hôm sau, 25/7/2019, Tổng Lãnh sự Trung Quốc ở Brisbane Xu Jie ra thông báo, lặp lại cáo buộc của Hoàn cầu Thời báo, tố cáo "động cơ mờ ám" của các hoạt động chống Trung Quốc ở Đai học Queensland, khen ngợi ‘hành động yêu nước tự phát’ của du sinh Trung Quốc, và tố cáo cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong của nhóm sinh viên của anh Pavlou là "hành vi ly khai chống Trung Quốc".
Drew Pavlou phản bác rằng những lời lẽ của nhà ngoại giao Trung Quốc có tính cách khích động, khiến anh và gia đình anh trở thành mục tiêu bị dọa giết và bị hành hung.
Không lâu sau cuộc biểu tình ngồi, Pavlou bị nhà trường kỷ luật. Pavlou tố cáo ông Tổng Lãnh sự Xu Jie và Đảng Cộng sản Trung Quốc là đã chi phối UQ, dẫn tới việc anh bị đuổi học trong hai năm. Vụ việc này đã gây ra một làn sóng phản đối trong giới sinh viên Úc, gây quan tâm trong giới khoa bảng và một số chính khách ở Canberra. Một luật sư hàng đầu của Úc đã giúp Drew miễn phí để kiện UQ và cả ông Xu Jie.
Giáo sư Tạ Văn Tài là người theo dõi kỹ câu chuyện này, và cũng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc trong các trường đại học ở nước ngoài. Ông dành cho VOA-Việt ngữ cuộc phỏng vấn sau đây.
--------------------
VOA : Thưa Giáo sư có những chi tiết gì mới về câu chuyện của cậu sinh viên Úc ở đại học Queensland, Drew Pavlou, và câu chuyện này nói gì về ảnh hưởng của Trung Quốc ở các trường đại học trên thế giới, kể cả các trường có uy tín nhất ?
Tạ Văn Tài : Biểu tình ngồi như thế đáng lẽ ra chỉ là một chuyện thường, rất nhỏ của sinh viên hành xử quyền tự do biểu thị ý kiến rất truyền thống trong các đại học, thì lạ thay, nó đã trở thành một biến cố chính trị quốc tế ồn ào vì bị Đảng Cộng sản Tàu, qua tổ chức Viện Khổng Tử và Hán Ban là cấp trên của nó, và Tòa Lãnh sự Tàu, với Mặt trận Thống nhất, đã xúi 500 người Tàu, nhiều tuổi, không giống sinh viên, tới xô xát bằng võ lực và áp đảo nhóm nhỏ sinh viên Pavlou, giống như đã dàn cảnh can thiệp năm trước, 2018, tại thành phố Rockingham gần dó -- và như thế là can thiệp thô bỉ vào sinh hoạt tự do dân chủ ở khuôn viên đại học.
Biến cố tại Đại học Queensland này là một thí dụ thêm cho lời nhận xét trong Môt cuộc nghiên cứu của Australian Strategic Policy Institute, rằng Tàu Cộng đã can thiệp vào nhiều lãnh vực cuả đời sống Úc Châu qua Mặt trận Thống nhất (United Front) của họ, và tổ chức dưới quyền là các Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc. Chính tờ Nhân Dân Nhật Báo, từ 2013, đã ghi nhận sự chỉ huy trực tiếp này của Phòng Giáo dục của Tòa Đại sứ Tàu.
Tổng Lãnh sự Tàu là Tiến sĩ Xu, có bằng danh dự do UQ tặng, cũng nhắc lại "tôị ly khai" cuả nhóm Pavlou, tuy phát ngôn của họ về Hong Kong và người Uighur chỉ bàn về nhân quyền, và họ hành xử quyền tự do phát biểu của công dân Ủc trong lãnh thổ Úc. Sau đó, Pavlou lại bị thêm một loạt lời dọa giết, kể cả, theo lời Pavlou, "lời dọa hiếp mẹ tôi trước mặt tôi, rồi giết mẹ và tôi. Thật là man ri mọi rợ".
Anh Pavlou tức giận, không chùn bước, lại tổ chức biểu tình phản đối. Đại học Queensland bèn triệu anh tới một phiên xét xử kỷ luật vào đúng 12 giờ ngày 31/7, đúng vào ngày giờ anh định tổ chức biểu tình. Anh không tới phiên họp, hội đồng kỷ luật, coi như một sự đàn áp và yêu cầu gặp Viện trưởng để bàn về liên hệ của Đại học với Tàu. Anh tranh cử và trúng cử vào Ban Giám hiệu của Đại học với tư cách đại diện sinh viên. Trong phiên họp, họ dọa trục xuất anh và làm hồ sơ 186 trang, nói anh vi phạm kỷ luật.
Sau những quay quắt trên, anh bị trầm cảm. Nhưng rồi anh quyết định xông lên, đấu tranh, đưa cho báo chí chi tiết các giai đoạn trong cuộc đấu tranh của anh, và cách xử tệ của trường đại học. Do đó, có 40.000 chữ ký ủng hộ anh trên các báo New York Times, Wall Street Journal, The Australian. Rồi luật sư nổi danh Tony Morris nhận biện hộ miễn phí cho anh trước Hội đồng Kỷ luật. Khi đến nơi, họ thấy toàn là nhân viên ăn lương của Đại học và chắc chắn sẽ nghe lệnh xử anh có lỗi và đuổi anh khỏi Hội đồng Giám hiệu và không cho anh tốt nghiệp, cho nên anh và luật sư bước ra khỏi phiên họp. Ông viện trưởng buộc phải xét lại vấn đề. Anh và luật sư quyết định kiện lên Tòa Tối cao, đòi bồi thường thiệt hại 3 triệu rưỡi AUD.
Đại học Queensland thảo một văn bản nói về cuộc biểu tình và gửi cho Lãnh sự Tàu xin "review", xem có cần sửa gì không, và chối phắt việc kỷ luật anh Pavlou không phải là căn cứ trên việc anh biểu tình hay lời anh cáo buộc Đại học bị Tàu chi phối. Luật sư Morris mỉa mai : "Chưa bao giờ một đại học độc lập ở Úc Châu lại phải xin lãnh sự ngoại bang coi lại, sửa lại văn bản của mình". Mà lại còn nói quanh là không có vấn đề tự do ngôn luận trong vụ này.
Anh Pavlou nói Queensland University hành hạ anh vì sợ chính phủ Tàu dọn sinh viên Tàu đi nơi khác, do đó sẽ mất lợi nhuận 1 tỷ trong 10 năm tới, trong đó 20% ngân sách đại học do 9.000 sinh viên Tàu đóng tiền.
VOA : Thưa nói tới ảnh hưởng của Trung Quốc tại các trường đại học nước ngoài, xin Giáo sư phác họa một bức tranh toàn cảnh về sự hiện diện của các học viện Khổng Tử trên thế giới. Một số nước phương Tây như Thụy Điển đã đóng cửa hẳn các học viện Khổng Tử. Và chính phủ Úc, chính phủ Mỹ cũng cảnh báo về mối nguy của các học viện này. Xin Giáo sư cho biết ý kiến ?
Tạ Văn Tài : Theo môt danh sách các Viện Khổng Tử tôi đã được đọc vào tháng 4/2020, thì vào năm 2017, có khoảng 103 viện Khổng Tử tại các đại học Mỹ, lập nhanh chóng trong nhiều năm từ 2004 đến 2017, nhưng vào tháng 4/2020 chỉ còn 86 - vì 35 viện đã bị đóng cửa, trong đó Viện Khổng Tử tại Đại học Massachusetts, và nhiều viện khác cũng sẽ đóng cửa. Năm 2014, tại Âu Châu, một hội nghị đã nêu chuyện Viện Khổng Tử kiểm duyệt tài liệu, và Hiệp hội Các Giáo sư Đại học Mỹ phát hành một tờ trình, mong muốn các đại học đóng các Viện Khổng Tử hay xét lại các hợp đồng để bảo toàn tự do trong đại học, vì hầu hết các hợp đồng đó có các nhượng bộ bất khả chấp nhận để viện Khổng Tử theo đuổi các mục tiêu và thực hành của chính phủ Tàu, nhất là trong việc tuyển chọn nhân viên, nội dung chương trình học và hạn chế tranh luận. Các đại học cứ lờ các cảnh báo này của các giáo sư. Nhưng trong một năm rưỡi vừa qua, chính phù Mỹ đã có báo động lớn hơn về các hành động can thiệp của chính phủ Tàu, nhất là về tình báo, trong các đại học Mỹ. Giám Đốc FBI nói với một ủy ban Thượng viện mối lo về các Viện Khổng Tử. Nghị sĩ Marco Rubio (Florida) và Ted Cruz (Texas) và dân biểu Moulton của Masachusetts kêu gọi kiểm tra và đóng Viện Khổng Tử. Năm qua, một số đại học đã đóng viện Khổng Tử, vì ít sinh viên ghi danh, ngân sách khiếm hụt và Luật Chuẩn chi Quốc phòng không cho tài trợ các chương trình học chữ Tàu ở những nơi có viện Khổng Tử, trừ khi được đặc cách.
Các nhà lập pháp ở các nước khác cũng bắt đầu hoài nghi Viện Khổng Tử. Thí dụ : Thụy Điển đóng tất cả các viện Khổng Tử, coi như là cơ quan đột nhập nguy hiểm cho an ninh, như ‘con ngựa thành Troa’ thời Thựợng Cổ.
Các Viện Khổng Tử đã thất bại ê chề. Theo tờ South China Morning Post, nhà cầm quyền Trung Quốc gần đây đã từ bỏ thương hiệu Viện Khổng Tử, đổi tên thành Trung tâm Hợp tác và Giáo dục ngôn ngữ, sau khi bị nhiều nước trên thế giới đóng cửa các học viện, và tố cáo các Viện Khổng Tử là công cụ tuyên truyền và tình báo của Bắc Kinh.
VOA : Thưa, Giáo sư Glenn Anthony May của Đại học Oregon nói có 3 đề tài cấm kỵ đối với chính quyền Trung Quốc là 3 T : Taiwan ; Đài Loan, Tibet : Tây Tạng và Tiananmen - biên cố Thiên An Môn. Có lẽ chúng ta có thể thêm một T nữa là các trại tập trung người Uighur ở Tân Cương …Theo Giáo sư tránh né những đề tài "nhạy cảm" đó tác động như thế nào tới tự do học thuật ?
Tạ Văn Tài : Thiết nghĩ nếu các viện Khổng Tử làm đúng tôn chỉ là chỉ dạy ngôn ngữ Trung Quốc, và Học thuyết Khổng Mạnh từ mấy ngàn năm, đề cao các nguyên tắc nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chúng làm tốt đẹp xã hội mấy ngàn năm của Trung quốc, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam, và vẫn được coi là nhân tố xây dựng kinh tế, xã hôi hiện nay cho tốt đẹp hơn trong các nền kinh tế của các nước mệnh danh là Asian tigers (hổ Châu Á) như Đài Loan, Singapore, Hong kong, Đại Hàn thì chuyện các Viện Khổng Tử không bàn đến các vấn đề 3 T hay 4 T nói trên, sẽ không có gì đáng gọi là né tránh các đề tài nhạy cảm, mà phải coi là các vấn đề đó không ở trong sứ mạng đích thực là vinh danh ngôn ngữ và văn minh truyền thống Khổng Mạnh -- mà các đại học danh tiếng vẫn tự thi hành, trước khi có các Viện Khổng Tử do Trung Cộng đem qua với mục tiêu chính trị quá lộ liễu đến chỗ phản tác dụng và ngu xuẩn.
VOA : Thưa sở dĩ Trung Quốc bành trướng được ảnh hưởng trên thế giới là cũng nhờ nền kinh tế phát triển không ngừng trong quá khứ. Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới kinh tế Trung Quốc, xin Giáo sư một nhận định về ảnh hưởng của Trung Quốc trong một thế giới hậu Covid ?
Tạ Văn Tài : Sự khỏa lấp, giấu diếm về nguồn gốc Trung Quốc của COVID 19, nhất là điêu ngoa nói Covid-19 là do phái đoàn quân đôị Mỹ hay do Âu Châu đem qua Tàu, là ngược lại các sư kiện lịch sử của diễn tiến lây lan, mà chính các bác sĩ ở Wuhan đã báo cho đồng nghiệp ở Đài Loan trước khi họ bị chính quyền và công an địa phương bịt miệng, bắt bớ -- là bằng chứng về sự dối trá cuả Tàu, chậm trễ báo động cho các nước, nay là nạn nhân của đại dịch. Những nước khác không tin Tàu nữa, do đó ảnh hưởng Tàu sẽ giảm sụt. Trước đây, họ cũng đã thấy sự kìm kẹp bằng cái bẫy vay nợ của chủ trương "một vành đai, một con đường" rồi. Một thí dụ : Tổng thống Duterte bỏ bản án Tòa Luật Biển cho Phi chiến thắng, vì muốn nịnh Tàu mà chẳng thu được lợi gì, nay lại lơ là với Tàu, quay lại Mỹ.
VOA : Thưa Giáo sư, các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, có một chiến lược hay chính sách nào có phối hợp để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ?
Tạ Văn Tài : Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố bỏ Thoả ước TPP, thì vẫn để cho cấp dưới tiếp tục xác nhận quyền lợi Mỹ trên Biển Đông và Hoa Đông, vả lại các nước còn lại của TPP đã ký một Thỏa ước sửa đổi không có Mỹ, gọi là Comprehensive and Progressive Agreement for Transpacific Partnership (CPTPP) ký taị Santiago năm 2018. Trump nói sẽ quay lại TPP, nhưng lại do dự. Lại có việc đưa ra Kế hoạch Quad (4 đại cường.)
Riêng Hoa kỳ có 2018 National Defense Strategy đặt ưu tiên chống Trung Quốc. Ngoài ra, có văn bản US Strategic Approach to the People's Republic of China [Tiếp cận Chiến lược của Mỹ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], nhằm bảo vệ an ninh, các giá trị dân chủ, nhân quyền, tài sản trí tuệ, và quyền lợi kinh tế chống các thách đố của Trung quốc. đối thủ chính của Mỹ.
Qúy vị vừa nghe cuộc phỏng vấn với Luật sư Tạ Văn Tài, Tiến sĩ Chính trị học, nguyên Giáo sư Đại học Luật Harvard. VOA-Việt ngữ xin chân thành cảm ơn Giáo sư đã dành cho VOA cuộc phỏng vấn này.
Nhật Bản chuẩn bị sang trang thời đại Heisei - Bình Thành, để bước vào triều đại Reiwa- Lệnh Hòa, một khi hoàng thái tử Naruhito lên ngôi vào đầu tháng 5/2019. Khác với các đời tiên đế, nên hiệu của hoàng đế thứ 126 của xứ hoa anh đào được chọn từ một bài thơ cổ của Nhật, chứ không được trích từ điển tích của Trung Hoa.
Nhật Bản : Hoàng thái tử Naruhito (trái) và Nhật hoàng Akihito (P) nhân buổi chúc mừng đầu năm 2019. Kazuhiro NOGI / AFP
Một triều đại mới sắp mở ra tại Nhật Bản. Điện thoại thông minh, bạn đồng hành vượt hàng rào kiểm duyệt của Bắc Triều Tiên. Dân Bồ Đào Nha mệt mỏi trước nếp sống ngông cuồng của nữ hoàng nhạc Pop, Madonna. Pháp dự trù tạo 150.000 việc làm nhờ tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 : Tokyo, Bình Nhưỡng, Lisboa và Paris là bốn chặng dừng trong tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 06/04/2019.
Ý nghĩa chính trị của việc chọn niên hiệu cho hoàng đế
Tại kinh đô Nhật Bản giáo sư Vũ Đăng Khuê trở lại với sự kiện được chú ý nhất trong tuần tại xứ hoa anh đào : hôm 01/04/2019, thủ tướng Shinzo Abe thông báo niên hiệu cho một thời kỳ sắp mở ra khi hoàng thái tử Naruhito lên ngôi thay cha là Nhật hoàng Akihito.
Sau đúng 30 năm trị vì, lấy niên hiệu là Heisei – Bình Thành, hoàng đế Akihito, 85 tuổi, sẽ thoái vị vào cuối tháng 4/2019, nhường ngôi lại cho đông cung thái tử. Naruhito ngày 01/05/2019 sẽ trở thành vị hoàng đế thứ 126 của một triều đại với 2.600 năm lịch sử. Trả lời RFI giáo sư Vũ Đăng Khuê từ Tokyo giải thích thêm về ý nghĩa và nguồn gốc của hai chữ "Lệnh Hòa" :
Vũ Đăng Khuê : "Hai chữ Reiwa được trích từ bốn câu thơ của quyển thứ 32 tác phẩm Vạn Diệp Tập. Đây là tuyển tập thơ cổ xưa nhất của Nhật, gồm hàng vạn, những bài thơ của Thiên Hoàng, của các bậc cung phi, quan chức, binh sĩ, dân thường và thậm chí là cả thơ của người ăn mày nữa. Bài thơ theo chữ Hán :
Sơ xuân Lệnh nguyệt,
Khí thục phong Hòa,
Mai kình tiền phấn bạt,
Lan bội hậu hương huân
Dịch :
Tiết đầu Xuân làm cho trăng trong, khí thuận
Hoa mai nẩy mầm vươn chồi,
Hoa lan tựa như ngọc sáng,
Kiêu hãnh ngát hương thơm".
Có nhiều giải thích cho việc chọn niên hiệu là Lệnh Hòa, nhưng theo tôi, giải thích hay nhất đã được thủ tướng Shinzo Abe đưa ra. Ông nói : "Văn hóa được nuôi dưỡng khi mọi người đối xử với nhau bằng tình cảm đẹp xuất phát từ trái tim. Đó chính là ý nghĩa của niên hiệu mới, hy vọng muôn dân đạt được những khát vọng của mình như những bông hoa nở rộ sau một mùa đông khắc nghiệt".
RFI : Khác với truyền thống trên xứ hoa anh đào, khác với vua cha, lần này niên hiệu của Nhật hoàng tương lại đã không được trích từ một điển tích hay kinh thi của Trung Hoa, vậy phải chăng cử chỉ này còn bao hàm một ý nghĩa chính trị nữa ?
Vũ Đăng Khuê : Trước kia Thiên Hoàng luôn chọn niên hiệu, nhưng từ năm 1979 thì đây là công việc của chính phủ. Lần đầu tiên mà chính quyền Tokyo chọn niên hiệu cho hoàng đế là khi Akihito lên ngôi thay vua cha năm 1989 và niên hiệu được chọn là Heisei – Bình Thành. Văn hóa Nhật ảnh hưởng nhiều từ văn hóa cổ điển Trung Hoa.
Trước đây các niên hiệu luôn được chọn từ những quyển Kinh Thi của Trung Hoa. Nhưng qua việc chọn lựa này, mình có thể hiểu rằng Nhật Bản muốn thoát dần ảnh hưởng của văn học cổ điển Trung Hoa. Thủ tướng Abe lưu ý : "Tôi hy vọng lịch sử, truyền thống, văn hóa và thiên nhiên của đất nước Nhật Bản sẽ được trao lại cho các thế hệ kế tiếp. Một cuộc thăm dò sau đó của một tờ báo lớn tại Tokyo cho thấy 88 % người Nhật thích việc chọn lựa này. Điều này cho thấy, một cách gián tiếp người Nhật không muốn ảnh hưởng của Trung Hoa vào việc chọn niên hiệu cho Nhật hoàng".
Ứng dụng điện thoại để vượt tường lửa Bắc Triều Tiên
Sau Tokyo, thông tín viên Frédéric Ojardias của đài RFI đưa chúng ta đến với cộng đồng người dùng điện thoại thông minh, họ đã tìm ra cách để vượt hàng rào kiểm duyệt của chế độ. Tại quốc gia còn khép kín ở Đông Bắc Á này, muốn xem được video ngoại quốc bị cấm phát hành, chỉ cần gài một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ứng dụng đó là gì, Frédéric Ojardias nói rõ hơn :
Frédéric Ojardias : Ứng dụng này cho phép người sử dụng không bị phát hiện khi họ muốn xem video bị chính phủ cấm. Một nguồn tin Bắc Triều Tiên từ tờ báo Daily NK cho biết như trên. Đây là tờ báo có một mạng lưới phong phú cung cấp tin thông từ Bắc Triều Tiên. Ứng dụng này được tải một cách không hợp pháp, nhưng lại rất phổ biến trong giới sinh viên, bởi vì họ khát thông tin, nhất là tin quốc tế.
Cần biết thêm là tại Bắc Triều Tiên các đồ dùng điện tử, từ điện thoại đến máy tính bảng, hay máy vi tính đều có trang bị một bộ phận cho phép chính quyền theo dõi người sử dụng, để xem họ truy cập và đọc những tài liệu nào. Chỉ có phim và tài liệu được giấy phép của nhà nước được quyền lưu hành và trên một số máy, người ta thậm chí còn biết rõ được là những tài liệu đó đã qua tay những ai.
Làm thế nào để qua mặt các nhà kiểm duyệt Bắc Triều Tiên ?
Frédéric Ojardias : Trang mạng của Daily NK giải thích ứng dụng đó giữ lại vết tích của từng hồ sơ, nhưng đó chỉ là những dấu vết tạm thời. Ứng dụng này cho phép người dùng giấu và xóa luôn những tài liệu mà họ đã tìm đọc hoạc tải về. Nhân viên kiểm soát điện thoại di động do vậy không thể biết là người sử dụng đã truy cập vào những địa chỉ nào, đọc những gì, xem những gì. Tuy nhiên, theo một nguồn tin được tờ báo này trích dẫn, chính quyền đã phát hiện ứng dụng nói trên và đang tìm cách ngăn chận ứng dụng được phổ biến.
Hơn nữa, ứng dụng cho phép vượt rào kiểm duyệt của nhà nước Bắc Triều Tiên không hoạt động được trên tất cả các loại điện thoại đang lưu hành ở đây. Những kiểu điện thoại đời mới cấm tải tài liệu từ máy vi tính, chính là để ngăn ngừa tài liệu cấm đó được phát tán rộng rãi. Rõ ràng là chính quyền và người dân đang lao vào một cuộc chạy đua về mặt công nghệ để thoát lưới kiểm duyệt.
Vi phạm luật kiểm duyệt của Bắc Triều Tiên bị phạt nặng
Frédéric Ojardias : Đúng như vậy. Chính quyền có thể tịch thu điện thoại hay phạt tiền và thậm chí là bắt giam hoặc đưa vào trại cải tạo những ai vi phạm luật. Trên nguyên tắc "bất kỳ một ai" phát tán video, hình ảnh, sách vở hay nhạc... nước ngoài đều có thể bị tù một năm. Trong tháng này 7 thanh niên Bắc Triều Tiên đã bị bắt vì nghe nhạc của ban BTS Hàn Quốc. Việc một số chuyên gia tin học Bắc Triều Tiên cho ra đời ứng dụng để thoát lưới kiểm duyệt của nhà nước cho thấy người dân nước này thèm khát được tiếp cận những tài liệu cấm kỵ. Đây là một trong những thí dụ cho thấy bắt đầu có một sự phản kháng nảy sinh ngay từ bên trong Bắc Triều Tiên.
Madonna và Bồ Đào Nha : cơm không lành, canh không ngọt
Nhìn sang Bồ Đào Nha, nữ hoàng nhạc Pop người Mỹ, Madonna phải chăng bắt đầu chán Lisboa sau mấy năm dọn về ở hẳn thành phố này ? Mọi việc bắt nguồn từ cuối tháng 3/2019 khi Madonna đòi đem một con ngựa vào bên trong một tòa lâu đài cổ kính, viên ngọc trong số những quần thể kiến trúc và văn hóa của Bồ Đào Nha. Thông tín viên Marie-Line Darcy từ thủ đô Lisboa giải thích thêm :
Marie-Line Darcy : "Madonna cần đưa một con ngựa vào phòng khách của tòa lâu đài Quinta nova da Assunção để thực hiện video clip cho đĩa hát mới, dự trù ra mắt công chúng vào mùa hè năm nay. Madonna đã ký hợp đồng thuê toàn bộ quần thể kiến trúc này và đã bắt đầu thực hiện quay phim. Nhưng tòa thị chính ở Sintra, quản lý lâu đài Quinta, đặt điều kiện với nữ danh ca người Mỹ là tuyệt đối không mang thú vật vào bên trong tòa nhà.
Đây là một tòa lâu đài cổ thế kỷ thứ 19, sàn nhà có từ thời nguyên thủy khi tòa lâu đài được kiến thiết. Sàn đó không chịu nổi sức nặng của một con ngựa dạo qua dạo lại trong phòng khách và sàn nhà có thể bị sập hay bị hư hại. Dường như là Madonna đã tảng lờ trước quyết định đó của tòa thị chính. Nhưng rốt cuộc cô không được như ý. Madonna nổi dóa, trút cơn thịnh nộ lên nhà quản lý và giận luôn cả Bồ Đào Nha. Cô chỉ trích quốc gia này "vô ơn bạc nghĩa".
Từ năm 2017 Madonna đến ở hẳn Lisboa khiến báo chí nói nhiều đến cô và đến quốc gia Châu Âu này. Nhưng dường như nữ hoàng sân khấu người Mỹ không chỉ để lại những tiếng thơm tại đây : Marie-Line Darcy : Bồ Đào Nha thực sự hãnh diện khi Madonna về ở hẳn Lisboa. Hào quang và cách sống sa hoa, ồn ào của cô khiến mọi người đều phải chú ý đến quốc gia này. Đó là chưa kể, khi thì cô muốn tậu một tòa nhà nguy nga như cung điện ở ven biển, lúc lại muốn mua một doanh trại đồ sộ khoảng hơn 7 triệu euro.
Nhưng rốt cuộc, Madonna lại chọn Lisboa, để cho cậu quý tử là David đi học ở trưởng dậy bóng đá Benfica. Cũng phải nói thêm là ngay cả sứ quán Pháp ở Lisboa từng trải thảm đỏ đón các con của Madonna khi chúng ghi danh học trường trung học Pháp ở đây. Tòa đô chính cũng ưu tiên dành cho nữ danh ca Mỹ nhiều chỗ đậu xe cho đoàn tùy tùng của cô và sự kiện này đã khiến công luận Bồ Đào Nha hết sức bất bình. Nhưng đổi lại, Madona thường xuyên đăng ảnh cô trên đường phố Lisboa, ca ngợi vẻ đẹp quyến rũ của thành phố...
Một trong những lý do Madonna sang Bồ Đào Nha ở hẳn phải chăng là để tránh thuế ?
Marie-Line Darcy : Khó mà biết rõ được điều này. Có thể là cô được cấp thẻ visa vàng có hiệu lực hai năm, nhưng đổi lại thì Madonna đầu tư tối thiểu là 500.000 euro vào Bồ Đào Nha. Cũng có thể là cô yêu cầu được giảm thuế, đây là một điều khoản ưu đãi chính quyền Lisboa luôn dành cho giới nghệ sĩ ... Nhưng cũng có thể đơn giản là giá quay phim và thuê phim trường ở đây thấp hơn so với nhiều nơi khác.
Có điều, đòi hỏi quá đáng của Madonna muốn đưa ngựa vào bên trong tòa lâu đài cổ ỏ Sintra xảy ra vào lúc mà công luận ở đây đang chán ngán trước tình cảnh ngày càng có nhiều ngôi nhà sang trọng dành cho du khách, trong khi đó chính người dân Bồ Đào Nha lại bị trục xuất vì không đóng kịp tiền thuê nhà. Cấm Madonna mang ngựa vào bên trong tòa lâu đài ở Sintra, thị trưởng thành phố nhỏ này nói "không phải có tiền là mua tiên cũng được" và công luận tán đồng quyết định này.
Olympic Paris 2024 và 150.000 việc làm trên đất Pháp
Tại Paris, trong tuần Ủy Ban Tổ Chức Thế Vận Hội (Cojo) công bố một công trình nghiên cứu cho thấy Thế Vận Hội Paris 2024 đem lại công ăn việc làm cho 150.000 người. Riêng ba lĩnh vực gồm xây dựng, du lịch và khâu tổ chức chờ đợi thu vào 5 tỷ euro, ngành xây dựng chẳng hạn tạo công việc làm cho gần 12.000 người lao động ; 78.000 người sẽ phụ trách các khâu từ tổ chức sự kiện đến an ninh, quản lý rác thải đến giao thông ; 60.000 nhân viên phục vụ trong các ngành khách sạn và nhà hàng... Ngoài ra, Olympic Paris sẽ còn phải tuyển thêm từ 50.000 đến 70.000 tình nguyện viên để phục vụ cho sự kiện thể thao quan trọng nhất toàn cầu.
Điểm đáng nói là phía Pháp nhấn mạnh dành ưu tiên cho những người học việc ở Pháp, cho tầng lớp lao động trẻ, và dành ưu tiên các hợp đồng cho các hãng Pháp. Ban tổ chức Paris 2024 đề ra mục tiêu, bên cạnh lễ hội thể thao, Olympic tổ chức trên đất Pháp lần này còn phải là một sân chơi công bằng, bất luận lớn hay nhỏ, các doanh nghiệp đều có cơ hội tham gia như nhau !
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 06/04/2019
Năm 2006 cũng là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức APEC, Việt Nam đã cố gắng cải thiện về nhân quyền và được Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách những nước vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, gọi tắt là CPC. Việc ra khỏi CPC trước thềm APEC 2006 như một cách thể hiện cởi mở của Việt Nam với các nước tiến bộ trên thế giới thay cho lời chào thân thiện.
Công trường thi công nhà ga Bến Thành đang thi công. Ảnh quochoi.com
Hơn 10 năm sau, Việt Nam tổ chức APEC lần thứ hai. Trái với những gì họ đã làm ở năm 2006, việc bắt bớ người bất đồng chính kiến nhiều hơn bao giờ hết và mức án cũng nặng nề hơn bao giờ hết. Đặc biệt trong số những người bị bắt giữ có rất nhiều phụ nữ. Vài tháng trước mật vụ Việt Nam còn thực hiện một cuộc bắt cóc trắng trợn bằng vũ lực đối với một quan chức Việt Nam, vị quan chức này bỏ trốn sang Đức với lý do bị thanh trừng phe phái. Việc bắt cóc ngay tại thủ đô Berlin của Đức khiến dư luận Đức phẫn nộ, ngay trong bối cảnh nước Đức đang vào sự kiện chính trị quan trọng là bầu cử chính phủ mới.
Những hành động trấn áp nhân quyền trắng trợn của chính phủ Việt Nam xảy ra trước thềm APEC 2017 không thể nói là vô tình, rõ ràng nó có thông điệp muốn gửi đến các cường quốc sẽ họp tại Việt Nam rằng, các nước đừng áp đặt hay đòi hỏi nhân quyền với Việt Nam.
Đi xa hơn nữa, thông điệp này còn muốn nói rằng quan điểm ngoại giao Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 không còn theo đuổi đường lối đu dây giữa các cường quốc tiến bộ và Trung Quốc nữa. Thay vào đó là quan điểm đối ngoại gắn chặt quan hệ mật thiết với Trung Quốc và coi mối quan hệ với các nước phương Tây chỉ là có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao. Bằng chứng trước kia Việt Nam tốn nhiều công xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Đức, nhưng chỉ vụ bắt cóc một quan chức tép riu như Trịnh Xuân Thanh mà Việt Nam không thèm đếm xỉa tới phản ứng của Đức khi nước này đình chỉ quan hệ dối tác chiến lược với Việt Nam.
Chỉ sau vài ngày hạ bệ được bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, một bản tin cho biết lãnh sự quán Trung Quốc đã tìm được điểm mở lãnh sự sau gần 2 năm dưới thời bí thư Nguyễn Xuân Anh không tìm được địa điểm. Việc tìm được địa điểm và cách thông báo đầy vẻ đắc thắng của bản tin làm người ta không thể không đặt câu hỏi liệu việc hạ bệ chính khách trẻ Nguyễn Xuân Anh có liên quan gì đến bàn tay của thế lực thân Trung Quốc trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam hay không ? Việc Trung Quốc là nước duy nhất có lãnh sự quán ở thành phố Đà Nẵng có phải như một báo hiệu cắm cờ chiến thắng đã chiếm lĩnh được thành phố quan trọng chiến lược quân sự như Đà Nẵng hay không ?
Một công bố mới của Đà Nẵng ngay sau khi thay bí thư là công bố về kế hoạch làm tàu điện tuyến Đà Nẵng - Hội An trị giá hơn 600 triệu USD. Những vùng đất đẹp ở Hội An bây giờ đều nằm trong tay những nhà đầu tư Trung Quốc, tuyến tàu điện mà Đà Nẵng định làm này nhằm phục vụ những nhà đầu tư Trung Quốc đã ém sẵn ở đó là điều hiển nhiên, vì những kẻ được lợi nhiều nhất của tuyến tàu điện này đương nhiên là những kẻ có cơ sở hạ tầng tại điểm đến. Thêm một điều đáng lưu ý là nguồn vốn làm dự án này được nói chung chung là tiền ngân sách, tiền ODA và tiền từ một số nhà đầu tư trong và ngoài nước. Không nói rõ nhà đầu tư nào của nước ngoài và đơn vị thi công, giải pháp công nghệ của nước nào.
Việt Nam đang có hai thành phố làm tàu điện là Hà Nội và Đà Nẵng, ở Hà Nội do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận, ở thành phố Hồ Chí Minh thì một bản tin mới đây cho biết Trung Quốc đang quyết tâm hất Nhật ra khỏi dự án tại nơi này và thay thế (1).
Bài có đoạn : "Thông tin từ Sichuan Daily tiết lộ rằng, Tập đoàn cục 6 Trung Quốc đã lên kế hoạch cụ thể, giúp phía Việt Nam thanh lý toàn bộ hợp đồng với nhà thầu Sumitomo Nhật. Sau đó sẽ thay thế nhà thầu Sumitomo hoàn thành dự án theo đúng bản thiết kế cũ với chi phí thấp hơn và đảm bảo sử dụng công nghệ tốt nhất của Trung Quốc.''
Tập đoàn cục 6 Trung Quốc cũng chính là tập đoàn đang làm tàu điện tại Hà Nội. Tập đoàn này đã ngỏ ý được tham gia dự án tàu điện ngầm ở Thành phố Hồ Chí Minh từ trước, nhưng lãnh đạo thành phố thời trước đều gạt bỏ đề nghị này và để cho người Nhật thực hiện. Tuy nhiên thì tình hình hiện nay vì nhiều nguyên nhân khó có thể bác bỏ đề nghị tham gia của Tập đoàn cục 6 Trung Quốc với dự án tàu điện ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhất là chú ý trường hợp tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã lâu không xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, Trọng đã có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 19 tháng 10 vừa qua để răn de thành phố này đã yếu kém trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tư tưởng cục bộ. Nguyễn Phú Trọng ra lệnh cho thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phải khẩn trương xin ý kiến và chấp hành những chỉ đạo của của chính phủ trong mọi vấn đề lớn của thành phố.
Với thực tế như trên, mặc dù lãnh đạo mới của Đà Nẵng mập mờ không nói rõ, nhưng dư luận có thể nhận định được dự án tàu điện Đà Nẵng - Hội An sẽ nằm trong tay người Trung Quốc. Hơn 600 triệu USD đi vay rồi cho người Trung Quốc thi công, có việc cho nhà thầu Trung Quốc, tuyến đường làm người được lợi nhiều nhất từ nó cũng chính là những nhà đầu tư bất đông sản Trung Quốc. Nhân dân Đà Nẵng và nhân dân Việt Nam được hưởng lợi là bao từ dự án này, trong khi họ phải gánh món nợ hơn 600 triệu USD mà chính phủ đã bay để làm dự án ?
Dự án tàu điện Đà Nẵng - Hội An được công bố cùng thời điểm công bố lãnh sự quán Trung Quốc có mặt tại Đà Nẵng, trước thềm APEC không khác gì một tuyên bố mạnh mẽ của Trung Quốc rằng họ đã kiểm soát được thành phố này cũng như nắm trong tay tất cả lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng cộng sản Việt Nam. Những gì mà các nước khác tác động đến Việt Nam nếu bất lợi cho Trung Quốc hiển nhiên sẽ là việc làm vô ích và phí hoài công sức.
Không như APEC 2006, thậm chí còn trái ngược hoàn toàn khi đàn áp dữ dội những người đấu tranh ôn hòa, khủng bố sự dân chủ một cách dã man và trắng trợn, song song với việc để ảnh hưởng Trung Quốc ngày càng lớn trên đất nước và thiếu thiện chí khi triển khai quan hệ ngoại giao với phương Tây. Tất cả điều đó cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam đã trở lại con đường độc tài, làm tay sai cho Trung Quốc một cách chìm sâu hơn, như họ thường gọi là quan hệ bền vững hơn.
Cho dù có được một mạng lưới truyền thông và tác động được nhiều những tay bồi bút, cũng như đàn áp triệt để những người bất đồng chính kiến, bôi xấu những người Việt Nam yêu nước có tinh thần chống ảnh hưởng thâm nhập của Trung Quốc vào Việt Nam.
Nhưng bộ mặt bán nước của bè lũ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc dù có tinh vi đến mấy cũng không thể nào lừa dối được hàng triệu người dân Việt Nam.
Người Buôn Gió
Nguồn : fb. nguoibuongio1972, 21/10/2017
(1) http://quochoi.org/trung-quoc-quyet-tam-thay-nhat-hoan-thanh-du-an-metro-tp-hcm.html