Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ảnh hưởng của Nga trong "không gian hậu Liên Xô" bị "thu hẹp" từ khi Moskva xâm chiếm Ukraine. Khác với Belarus, Moldova, Georgia (Gruzia) nghiêng hẳn về phương Tây. Trong vùng nam Caucasus (Kavkaz), Armenia và Azerbaijan bị cuốn hút vào cuộc xung đột vũ trang ở Thượng Karabakh. Vì những lý do khác nhau, Erevan và Baku giữ khoảng cách với Nga.

nga1

Cuộc xâm lược Nga vào lãnh thổ Ukraine đã tạo ra sự bất ổn lớn ở Trung Á không chỉ vì nó làm đảo lộn sự cân bằng chiến lược mà còn vì bầu không khí ngờ vực mà nó đã tạo ra.

Trong bài tham luận mang tựa đề "Tác động từ chiến tranh Ukraine đối với ảnh hưởng của Nga trong khu vực", đăng trên nguyệt san Diplomatie, số tháng 8-9/2024, Pierre Jolicoeur, Học viện Quân sự Hoàng gia Canada, đưa ra những nhận xét như trên trước khi đi đến kết luận : Chiến tranh Ukraine đã mở ra một "cảnh quan mới về địa chính trị trong không gian từng thuộc về Liên Xô cũ". Theo tác giả, chiến tranh Ukraine khiến các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ càng thận trọng trước những tham vọng bá chủ của tổng thống Putin.

Mở đầu bài viết Pierre Jolicoeur nhắc lại điểm cơ bản trong tầm nhìn của Moskva về địa chính trị trong khu vực : Nga là "trung tâm của một khu vực hậu Xô Viết". Khối này gắn kết với nhau vì "bản sắc chung" và trong các tài liệu về chiến lược, Moskva gọi các thành viên trong khối là "những nước lân cận".

Nga kết hợp hai phương tiện để nắm giữ vai trò "trung tâm" trong không gian đó : một là sự hiện diện quân sự và các chương trình hợp tác an ninh. Tiêu biểu nhất là sự hình thành từ 2002 của Tổ Chức Hiệp ước an ninh tập thể (Collective Security Treaty Organization - CSTO, bao gồm 6 quốc gia Nga, Belarus, Armenia, Takijistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Công cụ thứ nhì của Moskva là "o ép, hù dọa bất kỳ một quốc gia nào trong vùng ảnh hưởng này muốn ngả về phía phương Tây".

Trên thực tế khối các quốc gia mà Nga gọi là những "nước lân cận" đó "không hội nhập và gắn kết chặt chẽ" với Moskva như điện Kremlin mong đợi. Chiến tranh Ukraine do Vladimir Putin tiến hành để lộ rõ sự hoài nghi của khối này đối với nước Nga. Theo tác giả, ở những cấp độ khác nhau, mỗi thành viên trong "không gian hậu Liên Xô" có một cách tiếp cận khác đối với nước Nga từ khi lính Nga tràn sang Ukraine.

Belarus và Moldova là hai thái cực 

Belarus và Moldova là hai thái cực. Chiến tranh Ukraine giúp chính quyền Minsk trong tay tổng thống Alexander Lukashenko "hội nhập nhanh hơn với nước Nga về mặt chính trị, kinh tế và quân sự". Trong lúc Chisniau tăng tốc để tách rời khỏi quỹ đạo Putin. Sau cuộc khủng hoảng chính trị mùa hè năm 2020 để cứu vãn chiếc ghế tổng thống của mình, Lukashenko đặt Belarus trong tay Vladimir Putin và trở thành "cái loa phóng thanh" của chủ nhân điện Kremlin. Belarus khẳng định các vùng đất thuộc về Ukraine như Crimea, Luhansk và Donetsk nay thuộc "chủ quyền của Nga". Belarus cũng là nơi mà tổng thống Vladimir Putin gửi gắm vũ khí nguyên tử "không mang tính chiến lược" …

Trái lại, cuộc chiến Ukraine là động lực thúc đẩy Moldova "tách rời khỏi quỹ đạo của Moskva" vì sợ rằng, sau Ukraine, Moldova sẽ là nạn nhân kế tiếp của ông Putin với chiến thuật tương tự ở miền đông Ukraine.

Nữ tổng thống Maia Sandu từ mùa thu 2022 khẳng định Moldova đang phải đối mặt với "một cuộc chiến hỗn hợp" từ phía Nga để ngăn cản Moldova hội nhập vào Liên Hiệp Châu Âu cho dù viễn cảnh Bruxelles kết nạp thêm thành viên mới còn rất xa vời. Chisniau vừa xa lánh nước Nga, vừa ngừng tham gia vào các hoạt động trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (Sodrujestvo Nezavisimykh Gosudarstv – SNG ; Communauté des États indépendants – CEI ; Commonwealth of Independent States - CIS). Tổ chức này bao gồm các thành viên củ của Liên Xô, được thành lập từ năm 1991.

Armenia cay đắng, Azerbaijan "ngư ông đắc lợi"

Chiến tranh Ukraine cũng đang làm thay đổi cân bằng địa chính trị ở Nam Caucasus : Xung đột lại bùng lên ở vùng Thượng Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan tháng 9/2022. Nga, do phải huy động lực lượng trên các mặt trận tại Ukraine, đã không yểm trợ Armenia, thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Erevan đã chỉ trích Moskva "thụ động" trước những tính toán của Baku. Azerbaijan biết rằng về quân sự, Nga không thể làm gì nhiều để giúp "đồng minh" Armenia. Còn về ngoại giao Nga tránh làm phương hại đến bang giao với chính quyền tổng thống Aliev và nhất là đồng minh của Azerbaijan là Thổ Nhĩ Kỳ nếu bảo vệ Armenia trong hồ sơ Thượng Karabakh.

Về phía Baku, quan hệ giữa Azerbaijan và Nga đã được sưởi ấm ngay trước khi Moskva khởi động chiến tranh Ukraine. Cũng nhờ có chiến tranh Ukraine mà quân Nga vắng bóng tại Thượng Karakh. Về kinh tế, dưới tác động của chiến tranh Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu xa lánh năng lượng của Nga nên đã quay sang ve vãn chính quyền Azerbaijan. Bruxelles và Baku năm 2023 đã ký kết một thỏa thuận "quan trọng" về khí đốt.

Là một người thực tế, tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev nắm bắt cơ hội giải quyết dứt điểm xung đột với Armenia ở Thượng Karabakh, đồng thời khẳng định đường lối độc lập hơn với nước Nga của ông Putin.

Georgia và ký ức hồi 2008 bị Nga xâm chiếm

Cũng trong khu vực Nam Caucasus (Kavkaz), chiến tranh Ukraine khơi dậy những ký ức đau đớn về cuộc chiến 5 ngày đêm hồi 2008 khi quân Nga tràn vào lãnh thổ Georgia.16 năm trước đây Moskva từng "thôn tính một phần lãnh thổ của Georgia (Gruzia), công nhận tính độc lập của hai nước Cộng hòa Abkhazia và nam Ossetia". Nhưng như tác giả bài viết trên báo Diplomatie, Pierre Jolicoeur, nhận định : khác với Ukraine hay Moldova, Georgia không được công nhận quy chế "ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu" cho nên Tbilissi chuyển hướng, đả kích phương Tây và giữ "quan hệ tốt" với Moskva…

Đỉnh điểm là tháng 5/2024, noi gương Nga, Georgia cũng thông qua một đạo luật "chống các tác nhân nước ngoài", cho dù vẫn khẳng định nguyện vọng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO.

Trong phần kết luận, Pierre Jolicoeur, Học Viện Quân Sự Hoàng Gia Canada, đánh giá : Sau 2 năm rưỡi chiến tranh Ukraine, ngoại trừ Belarus, phần còn lại trong khối "các nước lân cận" từng thuộc Liên Bang Xô Viết có phần xa lánh Moskva, "tăng cường khả năng phòng thủ và tìm kiếm những điểm tựa khác về an ninh như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Liên Âu". Cùng lúc, sức mạnh quân sự của Nga cũng đã bị cuộc chiến ở Ukraine thách thức : Chiến tranh Ukraine giảm thiểu vai trò của nước Nga trong vị thế "anh cả" bảo đảm an ninh cho các nước "đàn em".

Nhiều nghi vấn liên quan đến vai trò của tổ chức CSTO về an ninh, quốc phòng đang được dấy lên. Các thành viên của Tổ Chức Hiệp ước an ninh tập thể không có chung quan điểm về chiến tranh Ukraine. Cuộc xung đột vũ trang này càng củng cố lo ngại trước những tham vọng bá chủ của nước Nga. Những quốc gia chủ trương một chính sách đối ngoại cân bằng hơn để bớt lệ thuộc vào Moskva lại càng được châm thêm củi lửa. Chính quyền ở Moldova và một phần xã hội ở Georgia nhận thấy rằng xích lại với phương Tây nay là mục tiêu "cấp bách hơn bao giờ hết".   

Thanh Hà

Additional Info

  • Author Pierre Jolicoeur, Thanh Hà
Published in Diễn đàn