Trong những ngày giáp tết thông thường hoa quả cũng như những vật phẩm tràn đầy màu sắc sẽ xuất hiện như chung vui niềm vui của những ngày nghỉ ngơi sau một năm đầy nhọc nhằn vì cơm áo. Thế nhưng trộn lẫn vào đó không ít những mảnh đời đối diện với cái tết không những thấm đẫm mồ hôi mà đôi khi cả những giọt nước mắt không rơi ra được.
Bức ảnh gây xót xa cho hàng ngàn người là một người đàn ông tuổi trung niên, với khuôn mặt gầy gò khắc khổ. Ông ngồi bên cạnh chiếc xe đạp, trước mặt là một chú chó con được đặt trên một tấm khăn nhỏ bé. Chú chó thản nhiên nhìn người qua kẻ lại còn chủ của nó hình như quá lạc lõng trước khung cảnh giáp tết.
Nếu Chị Dậu có sống lại cũng phải ngậm ngùi cho người đàn ông này.
Năm 1937, qua tác phẩm Tắt đèn, Ngô Tất Tố dựng nên hình tượng chị Dậu bán một ổ chó và đứa con bé bỏng đề cứu chồng nhằm lên án chế độ cường hào ác bá ở nông thôn miền Bắc, hơn 80 năm sau hình ảnh ấy được lập lại trong đời sống thường nhật của người dân. Lần này là một người đàn ông ngồi bán chú chó con giữa chợ có thể đề mua một cân gạo hay một món đồ nào đó chứ không phải là đề kiềm tiền cứu người thân của mình như chị Dậu trước đây, nhưng nỗi xót xa có lẽ gấp đôi vì sau bằng ấy năm đất nước vẫn còn những mảnh đời khốn khó như vậy thì làm sao người chứng kiến có thể nhẫn tâm quay đầu về hướng khác.
Người ta chưa kịp lau khô nước mắt cảm thương hình ảnh người đàn ông bất hạnh kia thì một bức ảnh khác làm cho không ít người choáng váng.
Bức ảnh cho thấy một phụ nữ có thai chạy một chiếc gắn máy thản nhiên cán lên nia hoa quả của một bà cụ bán hàng rong trước cửa tiệm của cô ta. Cô ta nổi tiếng đến nổi báo chí tới ngay hiện trường và phát hiện tên cô ta là Phạm Khánh Hằng, còn rất trẻ và đã lẫn trốn sau khi có hành động bất nhân đã nói.
Hình ảnh chiếc xe tương phản rõ rệt cái nia nghèo khổ của bà cụ đã làm cư dân mạng nổi trận lôi đình. Không biết bao nhiêu là phẫn nộ cho tính cách vô nhân của người phụ nữ chủ nhân chiếc xe và cửa hàng kinh doanh của cô ta. Người ta hô hào tới tận nơi để dằn mặt người phụ nữ vô nhân đạo này. Có người đòi đốt cả cửa hàng của cô ta… nhưng không thấy ai lên tiếng tìm cho được bà cụ nạn nhân đề chia sẻ vài chục ngàn cho bà có cái mà mang về cho con cháu trong những ngày giáp tết.
Chủ shop quần áo vít ga xe máy cán mẹt hoa quả của người bán hàng rong
Mọi người bận rộn với sự nóng giận nên quên mất phận người của bà cụ nào có thua gì thân phận của người đàn ông gầy gò bán chó ở Nghệ An ?
Người ta réo tên Hà Nội ra mà lên án cho cách ứng xử thô bạo và vô văn hóa. Người ta suýt xoa tiếc nuối cho một nếp Tràng An thanh lịch ngày nào nhưng không ai nhớ mình đang sống ở đâu và tại sao cái văn hóa ấy ngày một tụt dần tỷ lệ thuận với những đại gia cùng tư sản đỏ nổi lên khuynh đảo cả xã hội vốn không thiếu chữ tâm trong đối nhân xử thế.
Từ "Tắt đèn" tới nay đã 83 năm. Trong khoảng thời gian dằng dặc đó biết bao là biến thiên của cuộc sống nhưng biến thiên lớn nhất vẫn là cái trôi tuột ý thức con người với nhau. Người đàn bà thản nhiên cán lên sự sống của người khác là hình ảnh man rợ của thời kỳ đồ đá, rất khó tìm thấy trong xã hội loài người hôm nay. Vậy mà nó vẫn xảy ra, vẫn ngang nhiên xảy ra trước hàng triệu người. Như vậy chúng ta phải đánh giá lại xã hội mà chúng ta đang sống hay đánh giá lại chính bản thân chúng ta, những kẻ vô tâm đang chơi trò lịch lãm ?
Một hình ảnh không kém thương tâm khác đã và đang xảy ra trên khắp đất nước này. Chiều giáp tết, một nông dân tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh mang những chậu quất kiểng ra bán bị công an, dân phòng tịch thu hết đem về cơ quan. Người nông dân cầm dao leo lên xe chặt gãy hết những nhánh quất mà anh và gia đình tốn không biết bao nhiêu công sức để mong rằng có tấm áo mới cho con ngày tết nay đã tan thành mây khói dưới sự bạc ác của người thi hành công vụ.
Người dân chứng kiến những mảnh đời đói rách tưởng cũng quá đủ cho lòng lân mẫn của họ, nhưng sự cảm thương ấy đôi khi bị vò nát vì những bức ảnh khác từ khuôn mặt trơ trẽn của những người đang điều hành quốc gia, những cán bộ trên thượng tầng, những ngôi sao đỏ trong bầu trời chính trị độc tôn.
Khi ông Nguyễn Thiện Nhân đi dọn rác để chụp ảnh không biết gia đình ông có ai bị tịch thu những cây quất kiểng hay bị người nào đó chạy xe cán lên trên cái nia hoa quả hoặc thậm chí có ai mang một chú chó con ra bán kiếm tiền mua áo cho con hay không ?
Chắc chắn là không, vì với cương vị của ông hiện nay ông không cho phép điều ấy xảy ra cho gia đình mình. Thế nhưng chính ông đã cho phép những mảnh đời đói rách bất công và đầy nước mắt ấy sống trong mớ quyền uy mà ông và những người như ông đang thụ hưởng.
Thay vì chạy sang Thủ Thiêm đề hàn huyên với người dân, cho dù chỉ là diễn, thì vẫn hay hơn cách diễn mà Đinh La Thăng đã làm gần như rập khuôn với ông ngày hôm nay.
Rác không thể hốt khi bản thân ông còn đầy rác trong tâm hồn.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 21/01/2020 (canhco's blog)