Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiều Chủ nhật ngày 7/6/2020, Cộng đồng người Việt tự do tổ chức một cuộc biểu tình phản đối Chính phủ tiểu bang Victoria âm thầm ký kết những hợp đồng với Trung Quốc đi ngược lại lợi ích nước Úc.

uc1

Cuộc biểu tình diễn ra trước Quốc hội Victoria với sự tham dự của đại diện các sắc tộc Trung Quốc lục địa, Đài Loan, Tây Tạng, Uyghur (Duy Ngô Nhĩ), Hong Kong và một số người Úc.

Ông Nguyễn Văn Bon, Chủ tịch Cộng đồng Liên bang và Victoria cho biết :

"Cộng đồng đã nhiều lần thông báo đến đồng bào những sai lầm của Chính phủ tiểu bang Victoria, hôm nay luật cho phép chúng ta biểu tình giữ khoảng cách 1,5 m, chúng ta sẽ liên tục biểu tình cho đến khi nào quan điểm của chúng ta được Thủ hiến Daniel Andrews lắng nghe".

Bản Ghi Nhớ với Trung Quốc…

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 10/2018, Thủ hiến Victoria Daniel Andrews âm thầm ký một Bản ghi nhớ với Bắc Kinh đồng ý tham gia chiến lược "Vành đai – Con đường".

Phía Trung Quốc đề nghị ông Andrews giữ bí mật việc ký kết và ông đã nghe theo, vài tuần sau câu chuyện bị tiết lộ buộc ông phải công bố Bản ghi nhớ. Ông Andrews cho biết đây chỉ là bản ghi nhớ giữa 2 Chính phủ không mang tính pháp lý.

Chính phủ Victoria là chính phủ tiểu bang duy nhất tại Úc đã ký kết tham gia "Vành đai – Con đường" đi ngược với chủ trương của Chính phủ Liên bang là cần thận trọng với các khoản đầu tư của Trung Quốc và ngăn những cuộc đấu thầu của Bắc Kinh liên quan đến mạng 5G cũng như mạng lưới điện của Úc.

Cả Chính phủ lẫn Đối lập ở cấp Liên Bang đều lên tiếng phản đối việc Chính phủ Victoria ký kết với Trung Quốc, theo Hiến pháp Úc chỉ có Chính phủ Liên bang mới có quyền ký kết với các Chính phủ nước ngoài.

uc2

Đầu tư tạo công ăn việc làm…

Đến tháng 10/2019, Chính phủ Victoria Daniel Andrews lại âm thầm ký Bản bổ túc, nhưng đến nay vẫn chưa công bố cho Bộ Ngoại giao và Thương Mãi biết về các hợp đồng đã ký kết.

Vào cuối tháng 5/2020, bị báo chí chất vấn, Thủ hiến Andrews xác nhận các hợp đồng lẽ ra đã bắt đầu từ cuối tháng 3/2020 nhưng vì đại dịch nên không thể tiến hành.

Nay tình hình đã tốt hơn nên hai bên tiếp tục thảo luận về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thương mãi tạo công ăn việc làm cho tiểu bang Victoria.

Chính phủ Liên bang, đảng Đối lập tại tiểu bang Victoria và giới truyền thông liên tục đòi hỏi Thủ hiến Daniel Andrews cho công bố các hợp đồng đã ký với Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Lãnh đạo Đối lập tại Victoria, ông Michael O’Brien, tuyên bố sẽ hủy bỏ mọi thỏa thuận "Vành đai – Con đường" nếu ông đắc cử trong lần tranh cử sắp tới năm 2022.

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Úc, một chính phủ tiểu bang thách thức Hiến pháp Úc, thách thức Chính phủ Liên Bang, thách thức chính đảng của họ và thách thức người dân đứng về phía ngoại bang, Trung Quốc, đây là một trường hợp không thể xem thường.

Luật đầu tư mới "an ninh quốc gia"

Thứ sáu tuần rồi 5/6/2020, Thủ tướng Scott Morrison và Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg Úc tuyên bố sẽ cải tổ sâu rộng luật đầu tư ngoại quốc nhằm ngăn chặn các trường hợp ảnh hưởng đến "an ninh quốc gia".

Ông Morrison cho biết muốn đầu tư vào Úc, các công ty ngoại quốc phải theo các điều khoản của Úc, tuân thủ các quy tắc Úc và mang lại lợi ích cho nước Úc.

Theo Luật mới Tổng trưởng Ngân khố được quyền buộc các nhà đầu tư ngoại quốc trước đây phải bán lại các đầu tư cũ, và các đầu tư mới không được tiến hành, nếu bị đánh giá sẽ tạo rủi ro cho "an ninh quốc gia".

Luật đầu tư mới sẽ áp dụng một bài kiểm tra "an ninh quốc gia" cho tất cả các khoản đầu tư ngoại quốc có ảnh hưởng đến công nghệ, viễn thông, năng lượng, dịch vụ và đặc biệt là quốc phòng.

Tổng trưởng Ngân khố đối lập Jim Chalmers đã công khai ủng hộ Luật đầu tư mới, và Dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội để biểu quyết thông qua vào cuối năm 2020.

Theo Luật đầu tư này tất cả các thỏa thuận của Chính phủ Victoria Daniel Andrews sẽ bị duyệt xét và kiểm tra nếu vi phạm đến "an ninh quốc gia" sẽ bị hủy bỏ.

uc3

Trở lại với cuộc biểu tình có 3 quan tâm được nhiều người chia sẻ :

Nợ Chính phủ…

Tường trình Tổng Kiểm toán cho thấy trong năm 2018-19, khoản vay của tiểu bang Victoria đã tăng thêm 13,1 tỷ Úc kim lên 62,9 tỷ Úc kim vào ngày 30/6/2019.

Theo ước tính khoản nợ sẽ tiếp tục tăng thêm 29,7 tỷ Úc kim lên 92,6 tỷ Úc kim vào ngày 30 tháng 6 năm 2023.

Trong tình trạng đại dịch do virus corona gây ra, các khoản nợ sẽ cao hơn ước tính của Tổng Kiểm toán rất nhiều, nếu Chính phủ Andrews vay tiền từ Bắc Kinh thì làm sao tiểu bang Victoria có thể trả lại các khoản nợ này ?

Chính phủ Andrews sẽ bán Cảng thành phố Melbourne, giống như năm 2015 Chính phủ Bắc Úc đã âm thầm bán Cảng thành phố Darwin cho Trung Quốc ?

Nhiều dự án "Vành đai – Con đường" đã trở thành bẫy nợ, khi các quốc gia không đủ khả năng trả lại các khoản vay của họ cho Trung Quốc, năm 2017, Sri Lanka đã phải bàn giao cảng Hambantota cho Bắc Kinh.

Pakistan, Myanmar, Bangladesh, Malaysia và Sierra Leone đã phải thương lượng lại, hủy bỏ hoặc rút khỏi các thỏa thuận "Vành đai – Con đường" do chi phí dự án cao hơn dự tính rất nhiều, làm tăng nợ quốc gia gây thiệt hại kinh tế đến các quốc gia tham dự.

Cuối cùng ai sẽ trả những khoản nợ này, chúng ta hay con của chúng ta sẽ phải trả ?

Ông Andrews và các đồng nghiệp nên ngồi xuống mà suy nghĩ về những gì họ đang làm cho các thế hệ tương lai tại Victoria.

Chớ tin Bắc Kinh…

Mới tuần trước, Bắc Kinh đã thất hứa với Anh và thế giới biểu quyết Luật An ninh Hong Kong, hủy bỏ cam kết sẽ để thành phố này tự trị trong vòng 50 năm cho đến năm 2047.

Mới hai tuần trước, vào ngày 18 tháng 5 năm 2020, tại Hội nghị của Hội đồng Y tế Thế giới, 134 quốc gia trong số 194 thành viên đã ủng hộ Nghị quyết điều tra nguồn gốc của đại dịch toàn cầu và cách các quốc gia giải quyết nạn dịch.

Do Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi mở cuộc điều tra nên Bắc Kinh đã trả thù mặc dù đã vi phạm Thỏa thuận Tự do Thương mãi Úc – Trung họ ký với Úc vào năm 2015.

Bắc Kinh tuyên bố ngừng mua thịt bò từ bốn công ty thịt của Úc, đánh thuế 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc và đe dọa ngừng nhập khẩu than, quặng sắt, rượu vang của Úc.

Thứ sáu 5/6/2020, Bắc Kinh lại tiếp tục gây chiến tranh thương mãi bằng cách khuyến cáo người dân không du lịch Úc không cho con cái sang du học Úc với lý do nước Úc kỳ thị Châu Á.

Điều này hoàn toàn dối trá, đương nhiên xã hội nào cũng có những va chạm giữa các cá nhân có nguồn gốc khác nhau, nhưng Chính phủ và Luật pháp Úc luôn đối xử công bằng với mọi thành viên trong xã hội, chống lại việc kỳ thị chủng tộc.

Năm 2020 Trung Quốc đã che dấu dịch bệnh xảy ra ở Vũ Hán, tạo ra đại dịch toàn cầu làm chết hằng trăm ngàn người, ảnh hưởng đến kinh tế hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy không bao giờ có thể tin được Trung Quốc, nhưng không biết vì lý do gì ông Andrews và các đồng nghiệp không nhận ra điều này.

Giữ giá trị Úc…

Trung Quốc không phải là một quốc gia tự do, Đảng cộng sản Trung Quốc có toàn quyền làm bất cứ điều gì cho dù nó bất lợi cho người dân.

Thật không may, ông Andrews và các đồng nghiệp đã lắng nghe những người cộng sản Bắc Kinh, thích nghi với các giá trị độc tài của họ, không tham khảo rộng rãi và giữ bí mật chi tiết ký kết với Trung Quốc.

Úc là một quốc gia coi trọng các giá trị dân chủ, Chính phủ phải liêm chính và minh bạch mọi chính sách, mọi việc làm, vì thế Chính phủ Victoria không thể tách riêng, cấu kết với Trung Quốc đi ngược lại các giá trị và quyền lợi chung của nước Úc.

Đã đến lúc, ông Andrews phải cho người Úc biết, các thỏa thuận ông đã ký kết với nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.

Tiếp tục biểu tình…

Cuộc biểu tình chống việc làm sai trái của Chính phủ Daniel Andrews rất cần thiết, nó bảo vệ cho quyền lợi nước Úc và tránh nợ nần cho các thế hệ tương lai.

Vì thế người Việt và các cộng đồng sắc tộc sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi ông Andrews biết lắng nghe tiếng nói của cử tri và của người dân.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 8/6/2020

Nguyễn Quang Duy

Additional Info

  • Author Nguyễn Quang Duy
Published in Diễn đàn

Khi cuộc chiến tranh thương mại bùng phát, ảnh hưởng của Trung Quốc trở nên mờ nhạt dần

Bắc Kinh từng toan tính dựa vào đồng minh kinh doanh và chính trị để giúp họ đạt được những mụcc đích. Giờ đây nhiều đồng minh cũ của Trung Quốc đã quay mặt đi.

china1

Dây chuyền lắp ráp xe hơi ở Chiết Giang Trung Quốc.

Trung Quốc thường làm đạt được điều họ muốn. Tại Washington, trên Phố Wall và trong các phòng họp của các đại công ty, trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã sử dụng lợi thế nước lớn và những sự hứa hẹn để dập tắt sự phản đối và tưởng thưởng cho những ai giúp họ trỗi dậy.

Những ngày đó nay có thể sắp kết thúc.

Trong khi Trung Quốc vật lộn với cuộc thương chiến của Tổng thống Trump, một Trung Quốc bão hoà và chồng chất nợ nần bỗng ngộ rađược rằng họ không còn có sức hấp dẫn như đã từng có trong quá khứ. Thành viên của cả hai đảng chính trị ở Hoa Kỳ đều ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Một số đồng minh kinh doanh cũ của Trung Quốc nay đã đứng sang một bên hoặc thậm chí còn cổ vũ cho chính quyền Trump.

Trung Quốc vẫn có thể thắng thế trong cuộc chiến tranh thương mại. Nhưng độ dài và mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột thương mại này phản ánh một nhận thức ngày càng tăng rằng Trung Quốc không còn giữ được lời hứa vốn đã từng làm say mê các chính trị gia và các nhà doanh nghiệp Mỹ.

Ker Gibbs, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải cho biết nhiều công ty Mỹ có hoạt động kinh doanh lớn, có lợi nhuận tại Trung Quốc không muốn phải trả thuế quan đắt đỏ và lo ngại rằng Hoa Kỳ đang chống lại công chúng Trung Quốc. Nhưng nhiều doanh nghiệp cũng với một quy mô kinh doanh và lợi nhuận như thế lại bực bội trước những hạn chế, trói buộc mà Trung Quốc vẫn duy trì lâu nay đối với các công ty nước ngoài. "Chúng ta đang nhìn vào việc Trung Quốc bành trướng ra thị trường toàn cầu và nói, ‘Hãy đợi một chút, tại sao chúng ta không thể làm điều đó tại đây (tại Trung Quốc) ?’", ông Ker Gibbs nói tiếp.

Cơn suy thoái kinh tế của Trung Quốc, điều có thể kìm hãm sự tăng trưởng toàn cầu, là một lý do chính khiến ảnh hưởng của nó bị suy giảm. Nhưng cũng còn có nhiều những yếu tố khác. Các khoản nợ nần to vật vã của đất nước này, vốn được chồng chất qua nhiều năm do cho vay để sử dụng vào việc thúc đẩy tăng trưởng, đã hạn chế các giải pháp của nó. Nếu Trung Quốc trả đũa mạnh mẽ Hoa Kỳ bằng cách phá giá tiền tệ hoặc đóng cửa các nhà máy quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, thì các động thái này có thể sẽ gây tác dụng ngược lại và gây tổn thương cho sự giàu có mới phất của chính Trung Quốc.

Trrong vài năm qua, các doanh nghiệp nước ngoài đã nhận ra rằng Trung Quốc ngày càng kém hấp dẫn hơn khi sản xuất hoặc bán sản phẩm của họ tại Trung Quốc vì những hạn chế nặng nề đối với các doanh nghiệp nước ngoài, các đối thủ cạnh tranh trong nước mạnh hơn và chi phí ngày càng tăng. Từ năm ngoái, biểu thuế quan mới của ông Trump đã mang lại cho nhiều doanh nghiệp một lý do cuối cùng để tìm kiếm một nơi kinh doanh khác. Hãy gọi nó là một chuỗi cung ứng ABC bất kỳ nào đó ở "bất cứ nơi nào, ngoài Trung Quốc".

Hôm thứ Tư, Kelly A. Kramer, giám đốc tài chính của Cisco, một nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn, đã nói với các nhà đầu tư rằng công ty đã "giảm thiểu rất, rất nhiều" sự hiện diện tại Trung Quốc vì biểu thuế quan mới.

Mùa thu năm ngoái, Morey, một công ty ở gần Chicago chuyên sản xuất các thiết bị điện tử nồi đồng cối đá cho máy ủi và các thiết bị ngoài trời khác, buộc phải miễn cưỡng trả nhiều tiền hơn cho các bảng mạch được sản xuất tại Trung Quốc sau khi ông Trump áp thuế 10% đối với số lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ trị giá 200 tỷ USD mỗi năm.

Với mức thuế hiện tăng lên đến 25%, các giám đốc của Morey đã bắt đầu nói chuyện với các nhà cung cấp tại Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore.

Ông George Whittier, chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty, nói rằng "Tôi đã nghĩ rằng đây là một vấn đề ngắn hạn và rồi mọi việc sẽ qua đi, và tôi không nghĩ rằng quý vị có thể suy nghĩ một cách có lý hơn về điều đó".

Trung Quốc có nhiều lợi thế. Đối với Apple, Boeing, General Motors, Starbucks và các tập đoàn lớn khác, Trung Quốc vẫn là một nguồn mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ. Trung Quốc có thể sử dụng nguồn sức mạnh tài chính đáng kể và sự kiểm soát của chính quyền đối với các đòn bẩy kinh tế quan trọng để chống chọi với một cuộc xung đột thương mại kéo dài, trong khi các cơ quan truyền thông nhà nước giúp ngăn chặn sự bất mãn tại quốc nội.

china2

Trung Quốc có nhiều lợi thế, vì vẫn là một nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Apple, Boeing, General Motors, Starbucks và các tập đoàn lớn khác. CreditRoman Pilipey / EPA, thông qua Shutterstock

Các quan chức và chuyên gia Trung Quốc nói rằng quốc gia này vẫn có thể đứng vững trước áp lực của phương Tây. Thậm chí ngay cả một số người ủng hộ các chính sách theo định hướng thị trường hơn nói rằng Bắc Kinh cần phải đưa ra quyết định riêng ngay bây giờ thay vì bị trói buộc vào một hiệp định thương mại với Washington. Ông Zhu Ning, một nhà kinh tế của Đại học Thanh Hoa nói rằng "Trung Quốc nên tập trung vào công cuộc cải cách để giải quyết một số vấn đề gây tranh cãi trong chiến tranh thương mại hiện nay". 

Tuy nhiên, Trung Quốc đã mất đi một số sự vênh vang và hấp dẫn vốn đã từng mở ra rất nhiều cánh cửa ở Washington và trên Phố Wall.

Trung Quốc từ lâu đã sử dụng kích cỡ khổng lồ (của quy mô dân số và diện tích) và tiềm năng phát triển như cây gậy và củ cà rốt. Các công ty hoạt động kinh doanh theo các quy tắc, luật lệ của Trung Quốc có thể có được quyền tiếp cận vào một thị trường to lớn gồm hơn một tỷ người đang ngày càng giàu có và hăm hở chi tiêu. Các công ty không hoạt động kinh doanh theo các quy tắc, luật lệ của Trung Quốc có thể bị loại khỏi vòng chiến.

Trung Quốc đã làm được những việc như thế. G.M. và các công ty khác được yêu cầu phải tiếp nhận các đối tác liên doanh bản địa, trong khi vẫn biết rằng họ đang huấn luyện, đào tạo ra các đối thủ cạnh tranh trong tương lai. General Electric đã bán một đầu máy diesel hoàn chỉnh từ Erie, Pennsylvania, sang cho Trung Quốc, sau đó dạy cho người Trung Quốc biết cách tự chế tạo. Apple kiểm duyệt App Store tại Trung Quốc. Khi Google phản đối chế độ kiểm duyệt và bị hacking, phần lớn các hoạt động của nó bị hạn chế.

Sau đó, tại Washington, các doanh nghiệp đã trợ giúp Trung Quốc. Khi Trung Quốc muốn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, một câu lạc bộ thương mại toàn cầu, họ đã tranh thủ sự giúp đỡ của Phố Wall. Các doanh nghiệp đã giúp thuyết phục các tổng thống Mỹ kế tiếp không trừng phạt Trung Quốc vì thao túng tiền tệ, thậm chí ngay cả khi Bắc Kinh đã thao túng tiền tệ. Họ đã có những nỗ lực để chống lại việc tăng thuế.

Trung Quốc vẫn còn quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp, nhưng động lực thì đã thay đổi. Nó vẫn phát triển với tốc độ mà các nước phát triển khác phải ghen tị. Nhưng nền kinh tế đã chậm lại đáng kể so với tỷ lệ gần đây nhất là năm 2010 vượt trên 10% một năm. Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, chính quyền Trung Quốc đã mạnh tay hơn trong kinh doanh, yêu cầu các công ty nước ngoài phải củng cố các mối quan hệ với đảng cộng sản Trung Quốc và yêu cầu được quyền tiếp cận các dữ liệu.

Mua ít hơn từ Mỹ

Các chính sách của Bắc Kinh đã giúp Trung Quốc tự chủ hơn, vì hàng hóa sản xuất được nhập khẩu từ Hoa Kỳ chiếm ngày càng ít sản lượng kinh tế chung của Trung Quốc.

china3

Bảng phân bổ hàng quý các khoản đóng góp nhập khẩu của Mỹ cho GDP Trung Quốc.

Lưu ý : Tất cả các số liệu cho Trung Quốc bao gồm Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. Nguồn: Brad Setser tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại

Giờ đây, Bắc Kinh chẳng có mấy phương cách để chống lại Hoa Kỳ. Thành công to lớn của Hoa Kỳ trong việc nuôi dưỡng các ngành công nghiệp bản địa của riêng mình, điều mà đã giúp nền kinh tế Trung Quốc gia tăng chuỗi giá trị, đã làm giảm việc nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, đã khiến cho Trung Quốc có ít mặt hàng hơn để áp thuế.

Một thập kỷ trước, Trung Quốc đã mua những chiếc xe Jeep được sản xuất tại Michigan của Chrysler, đã mua máy ủi và các thiết bị xây dựng khác được sản xuất tại Illinois của hãng Caterpillar và động cơ diesel khổng lồ được sản xuất tại Indiana của Cummins. Giờ đây, Chrysler đang sản xuất xe jeep tại Trường Sa và Quảng Châu. Công ty Caterpillar sản xuất thiết bị xây dựng ở Từ Châu. Và Cummins chế tạo động cơ tại các nhà máy ở Bắc Kinh, Trùng Khánh, Hợp Phì, Liễu Châu, Tây An và Tương Dương.

Ông Brad Setser, một quan chức Bộ Tài chính trong chính quyền Obama, hiện là chuyên gia kinh tế tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho biết rằng "Trung Quốc đã hành động rất hiệu quả trong việc chèn ép các hàng hóa chế tạo nhập khẩu ra khỏi thị trường Trung Quốc".

Nhập khẩu của Trung Quốc từ Hoa Kỳ hiện nay chủ yếu rơi vào bốn chủng loại lớn : máy bay Boeing từ Tiểu bang Washington ; các linh kiện bán dẫn, chủ yếu từ các nhà máy Intel ở Oregon ; nông sản và năng lượng từ Đại vành đai nông nghiệp và tiểu bang Texas ; và xe thể thao đa dụng mang thương hiệu Đức từ Nam Carolina và Alabama. Mặc dù Trung Quốc vẫn còn có thể làm rung chuyển hệ thống chính trị của Mỹ nếu có một sự trả đũa gay gắt nào đó gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc có ít cơ hội hơn để nhắm tới các tiểu bang còn dao động trong hoạt động bầu cử và làm tổn thương cơ hội tái đắc cử của ông Trump vào năm tới.

Việc áp dụng biểu thuế quan trả đũa đối với những ngành này cũng có thể tạo ra những bất lợi lớn. Trung Quốc cần những con chip này để nâng cấp công nghệ của họ. Việc nhắm mục tiêu vào hãng sản xuất máy bay Boeing sẽ gây ra việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuỷen hướng sang Airbus, điều này sẽ giúp nhà sản xuất máy bay châu u này có thêm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh. Về nông nghiệp, Trung Quốc vẫn không trồng đủ đậu nành để đáp ứng nhu cầu của họ, vì vậy mức thuế cao hơn đối với các loại cây nông nghiệp của Mỹ có thể chỉ đơn giản là khiến cho giá lương thực cao hơn mà thôi.

Trung Quốc cũng đã bộc lộ những khả năng dễ bị tổn thương một cách đáng ngạc nhiên, như sự phụ thuộc vào công nghệ và phần mềm bán dẫn của Mỹ. Năm ngoái, khi Hoa Kỳ, trong một thời gian ngắn, cấm vận các công ty Mỹ bán công nghệ cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc ZTE vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Bắc Hàn, ZTE đã phải dừng hoạt động.

Hôm thứ Hai, một bài báo trang nhất của tờ Nhân dân nhật báo với một bút danh phát đi tín hiệu cho thấy những vị trí có thẩm quyền trong các quan hệ quốc tế đã cho biết rằng "Cuộc cọ sát thương mại này cũng là một cơn mưa lạnh khiến chúng ta nhận thấy một cách rõ ràng hơn những khiếm khuyết mang tính cấu trúc của chúng ta". 

Ngoài những biện pháp về thuế quan, Trung Quốc vẫn còn có nhiều những lựa chọn khác, nhưng chúng cũng có những khiếm khuyết riêng của chúng.

Trung Quốc có thể bán phần lớn trong số 1,3 nghìn tỷ đô la nợ của Kho bạc Hoa Kỳ mà Trung Quốc đang nắm giữ. Điều đó có thể tạm thời đẩy lãi suất của Mỹ tăng lên. Nhưng nó sẽ tạo ra một gánh nặng cho Trung Quốc với những tổn thất lớn. Bắc Kinh sẽ phải tìm một nơi nào đó khác để găm tiền lại. Những thương vụ bán tháo ra rước đây của Trung Quốc, được thực hiện chủ yếu để tăng giá đồng tiền họ vào năm 2015 và đầu năm 2016, đã không có ảnh hưởng gì nhiều đến thị trường trái phiếu.

Một lựa chọn khác là Trung Quốc sẽ để đồng tiền của mình trượt giá so với đồng đô la, khiến cho hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ hơn ở nước ngoài và bù đắp vào các tổn thất do thuế quan của Mỹ. Những điều đó có thể khiến chính quyền Trump áp đặt một biểu thuế quan cao hơn nữa. Nó cũng có thể mời gọi các quốc gia khác phá giá đồng tiền của họ, điều mà sẽ gây ra một cuộc chiến tiền tệ phải trả giá đắt. Và sự mất giá của đồng tiền Trung Quốc có thể khiến các hộ gia đình Trung Quốc chuyển các khoản tiền tiết kiệm của họ ra khỏi Trung Quốc.

Trung Quốc có thể trấn áp các nhà máy thuộc sở hữu của Mỹ tại Trung Quốc hoặc những nhà máy quan trọng đối với chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ. Những điều đó có thể dẫn đến việc ngày càng có nhiều những công ty đa quốc gia hơn tính đến việc chuyển các cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc.

Vấn đề nan giải đối với Trung Quốc là cuộc chiến thương mại càng kéo dài bao nhiêu thì càng có nhiều những công ty quyết định đầu tư ở những chỗ khác bấy nhiêu. Bấy lâu nay, ở Trung Quốc, chính trị quốc nội dường như quan trọng hơn chính trị ở hải ngoại, với việc giới lãnh đạo và công chúng phản ứng giận dữ với những gì được miêu tả ở Trung Quốc là những yêu cầu quá quắt của Mỹ.

"Chúng tôi có sự tự tin và khả năng chịu đựng mọi rủi ro và tác động bên ngoài", hôm thứ Năm, Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã cho biết như vậy.

Keith Bradsher

Nguyên tác : As Trade War Rages, China’s Sway Over the U.S, The New York Times, 17/05/2019.

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 24/06/2019

Published in Diễn đàn
lundi, 17 décembre 2018 08:43

Ai sợ ảnh hưởng của Trung Quốc ?

Trên thực tế, điều đáng chú ý nhất không phải là thành công của những nỗ lực của Trung Quốc trong việc quảng bá ảnh hưởng ra nước ngoài, mà là những cố gắng này được thể hiện một cách dễ dàng. Miêu tả những cố gắng đó như mối đe dọa thực sự đối với các chế độ dân chủ thế giới, không chỉ là phản bội lại tình trạng bất an của chính phương Tây, mà còn mang lại cho Trung Quốc nhiều uy tín hơn mức họ đáng được hưởng.

so1

Khách du lịch tham quan Phố Đông, Thượng Hải - Ảnh minh họa

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phương Tây đã đầu tư một lượng lớn nguồn lực nhằm thúc đẩy quá trình tự do hóa chính trị ở Trung Quốc, trong đó có các chương trình nhằm thúc đẩy chế độ pháp quyền, xã hội dân sự, minh bạch và trách nhiệm của chính phủ. Kết quả thật đáng thất vọng. Chẳng những không trở nên dân chủ hơn, gần đây Trung Quốc đã đi thụt lùi để trở về với chế độ độc đoán cứng rắn. Và hiện nay, họ đang đầu tư nguồn lực nhằm đưa một số thiết chế chính trị của mình vào các chế độ dân chủ trên thế giới.

Quá trình thâm nhập từ từ ảnh hưởng của Trung Quốc vào phương Tây là chủ đề của các báo cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các công trình nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu (think-tank), và đã lôi kéo được sự quan tâm các chính trị gia cao cấp, như Phó Tổng thống Mĩ, Mike Pence, và cựu Thủ tướng Úc, Malcolm Turnbull. Họ khẳng định rằng "các chiến dịch tạo ảnh hưởng" của Trung Quốc bao gồm thiết lập các mối quan hệ với các chính trị gia phương Tây, thành lập Viện Khổng Tử trên khắp thế giới nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, bành trướng các mạng lưới tuyên truyền chính thức của Trung Quốc ra toàn thế giới, và tài trợ cho các cơ quan nghiên cứu và trao đổi các chương trình với những cơ quan này.

Các chế độ dân chủ tự do phương Tây phải làm sao trước việc Trung Quốc đang hành động tương tự như các nước phương Tây, trong khi tìm cách lợi dụng sự cởi mở của phương Tây nhằm thúc đẩy các mục tiêu về tư tưởng và địa chính trị của nước này ?

Trước hết, các nhà lãnh đạo và các tổ chức phương Tây nên phân biệt giữa các hoạt động do nhà nước tài trợ và việc trao đổi văn hóa, dân sự và giáo dục chính đáng, các bên cùng có lợi giữa các công dân và tổ chức tư nhân.

Chắc chắn là, chiến dịch phức tạp của Đảng Cộng sản Trung Quốc – chú tâm vào việc vô hiệu hóa những lời phản đối chính sách và quyền lực của họ, ở cả trong và ngoài Trung Quốc - thường dựa vào những công dân bình thường. Những người hoạt động riêng lẻ này cũng được khuyến khích, tuy không chính thức, trong việc ủng hộ nhà cầm quyền Trung Quốc bằng cách cư xử theo tinh thần của Đảng cộng sản Trung Quốc. Kết quả là, ngay cả những hoạt động dường như độc lập hoặc riêng tư cũng có thể mang lại những rủi ro về chính trị và uy tín cho các tổ chức phương Tây. Các tổ chức này có thể bị cáo buộc là "người ra bán ảnh hưởng" giúp Trung Quốc.

Nhưng như thế không có nghĩa là các tổ chức ở phương Tây phải từ chối thẳng thừng tất cả các cơ hội hợp tác với các tổ chức và người dân Trung Quốc. Cách tiếp cận như vậy không chỉ khiến các tổ chức và người dân phương Tây bỏ lỡ những cơ hội có giá trị ; và sẽ củng cố sức mạnh của Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc kiểm soát luồng thông tin, thao túng dư luận và định hình những câu chuyện được lưu hành trong dân chúng.

Cho nên, trong khi phương Tây phải cảnh giác, thì cũng không nên phản ứng thái quá. Ví dụ, các tổ chức văn hóa hoặc nghiên cứu ở phương Tây phải rất thận trọng, nếu không nói là phải từ chối thẳng thừng, những khoản tài trợ từ các doanh nghiệp nhà nước, vì nó có thể làm tổn hại danh tiếng của người nhận hoặc hạn chế quyền tự do của tổ chức này. Nhưng món quà từ một doanh nhân giàu có người Trung Quốc thì phải được hoan nghênh, với điều kiện là phải minh bạch và không có những yêu cầu có ảnh hưởng xấu tới nhiệm vụ của người nhận.

Trên thực tế, minh bạch là một trong những cơ chế hiệu quả nhất trong việc bảo vệ các tiến trình dân chủ phương Tây trước những hoạt động nhằm tạo ảnh hưởng của Trung Quốc. Ví dụ, công khai hóa về nguồn gốc và điều kiện tài trợ cho các chính trị gia, các đảng chính trị, các tổ chức dân sự và nghiên cứu, cũng như tỉ lệ vốn sở hữu tài sản trong các phương tiện truyền thông đại chúng, sẽ làm tạo ra thêm khó khăn cho chính phủ Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng thông qua những người tưởng chừng như hoạt động độc lập. Một bộ quy tắc ứng xử chung trong giao dịch với Trung Quốc cũng sẽ giúp đảm bảo rằng các giá trị dân chủ luôn luôn được duy trì trong bất kì thỏa thuận hay hợp tác nào.

Nêu cao những giá trị này cũng có nghĩa là các chính phủ phương Tây phải cẩn thận nhằm tránh một kiểu phản ứng thái quá khác : coi Hoa kiều là mục tiêu. Do Trung Quốc đã lợi dụng cộng đồng Hoa kiều trong một thời gian dài nhằm giành cho bằng được các lợi ích kinh tế và chính trị, một số người ở phương Tây có xu hướng nghi ngờ tất cả Hoa kiều, biến họ thành đối tượng phân biệt đối xử và thậm chí coi họ là đối tương phải bị giám sát.

Nhưng, ví dụ, để cho Hoa kiều bị quấy rối, đe dọa hoặc trừng phạt vì họ thực thi các quyền dân sự và chính trị của mình - bằng những khoản tài trợ mang tính chính trị hoặc lên tiếng về những vấn đề quan trọng với họ, trong đó có những vấn đề liên quan đến Trung Quốc - sẽ là bất công nghiêm trọng. Đấy cũng là thất bại về mặt chiến lược : Sức mạnh mềm nhưng mãnh liệt của các giá trị dân chủ mà phương Tây tuyên bố bảo vệ là bức tường thành bảo vệ hiệu quả nhất trong cuộc đấu tranh chống lại các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc.

Các thiết chế của phương Tây, nhờ nền tảng là các giá trị tự do dân chủ, có sức sống dẻo dai không gì so sánh được. Chế độ độc đoán khó mà có thể lật đổ được, dù có diễn ra bao nhiêu cuộc trao đổi văn hóa hoặc chế độ này có thiết lập bao nhiêu viện ngôn ngữ thì cũng thế mà thôi. Trên thực tế, điều đáng chú ý nhất không phải là thành công của những nỗ lực của Trung Quốc trong việc quảng bá ảnh hưởng ra nước ngoài, mà là những cố gắng này được thể hiện một cách dễ dàng. Miêu tả những cố gắng đó như mối đe dọa thực sự đối với các chế độ dân chủ thế giới, không chỉ là phản bội lại tình trạng bất an của chính phương Tây, mà còn mang lại cho Trung Quốc nhiều uy tín hơn mức họ đáng được hưởng.

Bùi Mẫn Hân là giáo sư về quản trị ở Claremont McKenna College và là tác giả cuốn Chủ nghĩa tư bản thân hữu Trung Quốc.

Minxin Pei

Nguyên tác : Who’s Afraid of China’s Influence ?, Project Syndicate, 12/12/2018

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn : VNTB, 17/12/2018

Published in Diễn đàn