Ngày 16/4/2021, Liên Hiệp Châu Âu (EU) lần đầu đưa ra dự thảo chiến lược về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hướng tới bản chiến lược cụ thể vào tháng 9 năm nay. So sánh với những chiến lược tương tự của các nước Châu Âu trước đó, văn bản của EU có một số khác biệt nhất định.
Ba mục tiêu, sáu phương hướng
EU xác định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện có hai thách thức chính ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của liên minh : cạnh tranh địa chiến lược ngày càng tăng về mọi mặt và tình trạng nhân quyền giảm sút.
Trong bối cảnh đó, chiến lược của EU nhấn mạnh các mục tiêu : (i) đóng góp vì ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực ; (ii) thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhân quyền và luật pháp quốc tế và qua đó (iii) thể hiện vai trò của EU là một đối tác quan trọng với khu vực và là một nhân tố có ảnh hưởng toàn cầu (global actor).
Để đạt được các mục tiêu này, EU đề ra sáu phương hướng.
Thứ nhất, EU hợp tác chặt chẽ với các đối tác khu vực, đặc biệt là qua các kênh đa phương như ASEAN, ASEM, Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương và nhóm các nước Châu Phi, Ca-ri-bê và Thái Bình Dương (ACP)…
Thứ hai, EU ủng hộ các chương trình nghị sự mang tính toàn cầu về môi trường, khí hậu, quản trị đại dương, nhân quyền, nữ quyền và chống Covid-19.
Thứ ba, EU thúc đẩy lợi ích kinh tế và chuỗi cung ứng của EU, đảm bảo công bằng thương mại, tiếp tục thúc đẩy các thỏa thuận với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam…
Thứ tư, EU đóng vai trò quan trọng về an ninh - quốc phòng, đặc biệt trong an ninh biển và với các đối tác đồng quan điểm, tiến tới thiết lập các Khu vực Biển có lợi ích.
Thứ năm, EU đảm bảo kết nối chất lượng cao về kỹ thuật số, giao thông, năng lượng, con người…
Thứ sáu, EU sẽ tăng cường hợp tác với khu vực về nghiên cứu, đổi mới và số hóa.
EU nhấn mạnh chiến lược mang tính "bao trùm" và sẽ được triển khai theo hướng linh hoạt và thực dụng. Điều này cho phép EU và đối tác có không gian để xác định nội hàm hợp tác cụ thể trong từng lĩnh vực.
Dự thảo có nhiều điểm chung với chiến lược của các nước Châu Âu
Chiến lược của EU có nhiều điểm chung với các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước đó của Pháp, Đức, Hà Lan và Anh.
Về tầm nhìn, các chiến lược này thừa nhận tầm quan trọng của khu vực trong bối cảnh cục diện có nhiều thay đổi, dù EU nhắc nhiều đến các thách thức hơn các cơ hội.
Về biện pháp, các chiến lược đều đặt ra phương hướng gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực, đặc biệt là trên biển. An ninh biển được nhấn mạnh và EU đặt ưu tiên này lên hàng đầu trong phương hướng triển khai về an ninh. Ngoài ra, các chiến lược đều nhấn mạnh giá trị dân chủ, tự do và luật quốc tế. EU coi những vấn đề này là mục tiêu thứ hai của chiến lược, chỉ sau hòa bình - ổn định.
Cuối cùng, tất cả các văn bản đều đề cao hợp tác với ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN. EU và ASEAN đều là các tổ chức liên chính phủ nên việc EU tập trung vào kết nối với khu vực thông qua ASEAN, coi ASEAN là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là điều dễ hiểu.
Những khác biệt đáng chú ý
Chiến lược của EU cũng có những khác biệt nhất định so với chiến lược của các nước Châu Âu. Về thời điểm, chiến lược của EU có phần muộn hơn. Pháp, Đức, Hà Lan và Anh đã lần lượt công bố chiến lược với khu vực trong giai đoạn 2019 – 2021, với Anh là nước gần đây nhất (3/2021). Thời điểm tuyên bố muộn có thể do EU phải thống nhất và dung hòa lợi ích của tất cả 27 nước thành viên.
Thứ hai, về phạm vi địa lý, EU định nghĩa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khác các nước Châu Âu, cho rằng khu vực trải từ vùng bờ Đông của Châu Phi tới các nước Thái Bình Dương. Trong khi đó, Pháp và Đức tập trung vào vùng biển Châu Á – Thái Bình Dương, Hà Lan khẳng định khu vực kéo dài từ Pakistan đến hết các đảo Thái Bình Dương, còn Anh tập trung vào các vùng quanh Ấn Độ và Trung Quốc. Có thể EU định nghĩa rộng hơn để bao trùm lợi ích của tất cả các nước thành viên.
Thứ ba, về đối tác và đối tượng, EU chỉ nhắc đến Trung Quốc một lần, không phải liên quan lĩnh vực an ninh mà liên quan Thỏa thuận Đầu tư với Trung Quốc. Trong khi đó, các nước Châu Âu liên tục nhắc đến Trung Quốc trong chiến lược của mình theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Pháp nhấn mạnh Trung Quốc là "thách thức ngày một lớn"… Anh coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là "đáng kể nhất", đem lại "thách thức lớn nhất với an ninh kinh tế" Anh. Đức và Hà Lan nhắc đến Trung Quốc bằng những ngôn từ trung lập hơn. Khác biệt này cho thấy các nước nhìn nhận quan hệ với Trung Quốc ở các mức độ khác nhau.
Có thể EU vẫn "ngầm" nhắc đến Trung Quốc vì đề cập nhiều đến cạnh tranh chiến lược, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tuân thủ luật quốc tế và nhân quyền hay cạnh tranh thương mại công bằng… Đây là những vấn đề phương Tây thường chỉ trích Trung Quốc. Ngoài ra, EU nhắc đến các đối tác khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và các nước ASEAN nhưng không nhắc đích danh Trung Quốc. Điều này phần nào cho thấy EU không muốn chỉ trích Trung Quốc trực diện và không muốn để chiến lược khu vực của mình bị coi là một chiến lược chống Trung Quốc.
Thứ tư, về an ninh biển, chiến lược của EU không nhắc đến Biển Đông, có thể vì các nước thành viên EU chưa đạt được đồng thuận liên quan vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, chiến lược của Anh mô tả Biển Đông là một trong các tuyến hàng hải quan trọng trên toàn cầu. Pháp nhắc đến Biển Đông bốn lần, mạnh mẽ khẳng định hành động của Trung Quốc tại đây "gây ra các quan ngại sâu sắc". Hà Lan nhắc đến Biển Đông bảy lần, nhiều hơn Pháp, nhưng không chỉ trích Trung Quốc trực tiếp. Hà Lan cũng đưa ra nhiều đề xuất tăng cường hiện diện tại Biển Đông như tham gia vào quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc với tư cách quan sát viên. Đức nhắc đến Biển Đông hai lần và nhấn mạnh Đức ủng hộ một COC "ràng buộc về pháp lý".
Thứ năm, thay vì các kế hoạch điều tàu chiến đến khu vực như các nước Châu Âu, chiến lược của EU đề ra ba chương trình cụ thể để tăng hiện diện trên biển. Đó là Dự án Tăng cường Hợp tác An ninh trong và với Châu Á (ESIWA), dự án Tuyến đường hàng hải quan trọng Ấn Độ Dương (CRIMARIO) giai đoạn II và kế hoạch thiết lập Khu vực Biển có lợi ích nhằm phối hợp hoạt động của các nước thành viên EU trong khu vực. Các chương trình này ít mang tính quân sự, nhằm đến tăng cường nhận thức và năng lực về biển cho các nước khu vực nhiều hơn.
Văn bản "nhỏ" với ý nghĩa "lớn"
Tuy chưa phải bản chi tiết cuối cùng, văn bản đã thể hiện tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với EU. Thông điệu này càng nổi bật khi EU có truyền thống phản đối các hoạt động an ninh ở quá xa Châu Âu, gần EU có nhiều khu vực biển chiến lược khác như Đại Tây Dương hay Địa Trung Hải và các cơ quan trong EU từng phản đối việc đưa ra một chiến lược chung về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, EU có 27 thành viên với những lợi ích khác nhau nên việc thống nhất được quan điểm đã cho thấy cam kết sâu sắc của EU với khu vực.
Chiến lược cũng cho thấy hai thay đổi trong cách tiếp cận với khu vực của EU. Thứ nhất, hoạt động của EU tại khu vực trước đây dựa nhiều vào chính sách của một số nước lớn trong EU và ít có sự phối hợp. Với chiến lược này, EU nhấn mạnh phối hợp chung của tất cả các thành viên. EU đã thử nghiệm dự án Phối hợp Hiện diện Hàng hải (được nhắc đến trong văn bản) từ năm 2020 và đã thành công.
Thứ hai, trước đây, EU chủ yếu thúc đẩy công cụ kinh tế và chính trị để tăng cường hợp tác với khu vực. Khu vực cũng nhìn nhận EU chủ yếu như một đối tác kinh tế - chính trị. Với chiến lược này, EU tập trung vào vai trò an ninh nhiều hơn, nhất là an ninh biển (đảm bảo tuyến đường vận chuyển qua biển tự do và rộng mở, tuân thủ luật quốc tế…) và an ninh phi truyền thống (quản trị số, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cướp biển, buôn người…).
Có thể thấy, với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình, EU đã bắt kịp xu hướng quốc tế khi trọng tâm chiến lược toàn cầu đang dồn về khu vực này. Với những định hướng đề ra, EU không chỉ muốn trở thành đối tác hàng đầu của khu vực mà còn muốn khẳng định lại vai trò toàn cầu của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh.
Đỗ Hoàng & Lê Long
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 13/05/2021
Bộ trưởng Quốc phòng và một số vị tướng hàng đầu của quân đội Mỹ tiếp tục cảnh báo cả về sự hung hăng lẫn tham vọng của Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục là trọng tâm trong việc điều chỉnh quan điểm về chiến lược quốc phòng của Mỹ.
Đô đốc Philip Davidson trong lần hội kiến thủ tướng Nhật, Yoshihide Suga, 22/10/2020, tại Tokyo.
***
Quân đội Mỹ vừa tổ chức lễ chia tay Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ (IndoPacom). Theo báo giới Mỹ, trước khi cởi quân phục để về hưu sau 39 năm phục vụ quân đội, trong diễn văn từ biệt đồng đội, Đô đốc Davidson tiếp tục táng thêm đòn cuối cùng vào dã tâm của Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo chính phủ và quân đội Mỹ phải lưu ý đến họa Trung Quốc.
Xin đừng sơ xuất ! Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách thay thế ý tưởng về cởi mở và tự do vốn là nền tảng của trật tự thế giới thành một loại trật tự mới kiểu Trung Quốc. Theo đó, sức mạnh của Trung Quốc quan trọng hơn luật pháp quốc tế ! Trung Quốc đang nỗ lực tiếp cận khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương bằng nhiều cách : cưỡng ép, mua chuộc, hợp tác để chi phối các tổ chức, doanh nghiệp, dân chúng.
Thay thế Đô đốc Davidson là Đô đốc John Aquilino nguyên là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của quân đội Mỹ. Cách nay khoảng hai tuần, vị tướng kế nhiệm Đô đốc Davidson để chỉ huy IndoPacom từng cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng :Số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang tăng nhanh hơn sự mường tượng của nhiều người
Đô đốc Aquilino – tân Tư lệnh IndoPacom, người được dự đoán là có quan niệm cần cứng rắn với Trung Quốc, không thua người tiền nhiệm – từng đề nghị Quốc hội Mỹ, gia tăng mức độ đầu tư cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương(The Pacific Deterrence Initiative – PDS) để kiềm chế tốt hơn nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Trung Quốc(1).
Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với 36 quốc gia đã được Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là trọng tâm chiến lược vì có các hải lộ nhộn nhịp nhất, bao gồm 9/10 hải cảng lớn nhất thế giới và là động lực quan trọng cho kinh tế toàn cầu, do vậy sẽ tạo ra nhiều tác động nhất đến tương lai của Mỹ.
Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng là nơi có 2/3 quốc gia nằm trong nhóm mười quốc gia có sự hiện diện của các lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới và năm quốc gia trong khu vực này có trang bị vũ khí hạt nhân. Năm nay, Mỹ đầu tư 2,2 tỉ Mỹ kim choSáng kiến Răn đe Thái Bình Dương và người ta tin mức đầu tư sẽ lớn hơn vào năm tới.
***
Tham dự lễ tiễn Đô đốc Philip Davidson về hưu có ông Lloyd Austin từng là Đại tướng của quân đội Mỹ. Bốn tháng qua, từ khi được Tổng thống Biden đề cử và Quốc hội Mỹ phê chuẩn làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Austin chỉ phát biểu về những vấn đề thời sự liên quan đến quân đội Mỹ như rút khỏi Afghanistan, ngăn chặn khuynh hướng cực đoan trong quân đội, tổ chức đánh giá lại chiến lược quốc phòng.
Lần đầu tiên, ở lễ tiễn Đô đốc Austin về hưu, tổ chức tại Pearl Harbor - Hawaii (nơi đặt IndoPacom, trung tâm chỉ huy toàn bộ hoạt động của quân đội Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương), ông Austin đề cập đến việc phải có "cách nhìn mới" (new vision) về quốc phòng Mỹ khi quốc gia đối mặt với các đe dọa từ Internet, không gian và những cuộc chiến qui mô lớn hơn.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã đến lúc quân đội Mỹ nên cung cấp các đòn bẩy để giới ngoại giao Mỹ sử dụng nhằm ngăn ngừa xung đột :Quân đội sẽ không đứng ngoài mà sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại để hoạt động ngoại giao có thể tận dụng toàn bộ sức mạnh của xứ sở chúng ta.
Người ta tin rằng, Trung Quốc là lý do để ông Austin chọn Pearl Harbor – Hawaii làm nơi giới thiệu"cách nhìn mới". Dù Austin không đề cập đến Trung Quốc nhưng phát biểu đầu tiên của Austin ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng về chính sách quốc phòng Mỹ rõ ràng là một thông điệp về Trung Quốc và cho Trung Quốc.
Austin lưu ý :Quân đội Mỹ không thể bằng lòng với ý kiến cho rằng đó là đội quân có năng lực nhất và mạnh nhất vì đây là thời điểm những kẻ thù tiềm ẩn đang cố gắng làm suy giảm các lợi thế của chúng ta. Những cuộc chiến sắp tới sẽ rất khác so với những cuộc chiến gần đây. Đó là lý do tất cả chúng ta cần hướng tới ‘cách nhìn mới’ trong việc bảo vệ đất nước của chúng ta.
Trước phát biểu của Austin, một số viên chức quốc phòng và chuyên gia quốc phòng đã từng bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc gia tăng tốc độ hiện đại hóa quân đội, gia tăng nỗ lực chế tạo nhiều loại vũ khí tinh vi trong khi hai thập niên vừa qua, Mỹ chỉ chú ý và tập trung sức lực chống lại các nhóm cực đoan như al-Qaeda ở Afghanistan và gần đây là nhóm IS (Islamic State-Nhà nước Hồi giáo) ở Iraq và Syria.
"Cách nhìn mới" về quốc phòng theo phác họa của Austin là khai thác tối đa lợi thế của các công nghệ mới để xử lý dữ liệu ngay vào thời điểm thu thập và chia sẻ dữ liệu ngay lập tức."Cách nhìn mới" về quốc phòng sẽ là duy trì và gia tăng khả năng răn đe để kẻ thù tiềm ẩn luôn phải thấy rằng, chi phí và rủi ro do gây chiến luôn cao hơn hẳn mọi thức lợi ích mà họ nhắm tới. Để được như vậy, Austin cho rằng, ngoài việc sử dụng các nguồn lực hiện có, phát triển những khả năng mới, quân đội Mỹ còn phải sử dụng tất cả theo phương thức mới trên diện rộng thông qua sự hợp tác với các đồng minh và đối tác song hành với các mục tiêu và nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm ngăn chặn xung đột bùng phát.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/05/2021
Chú thích
Pháp-Úc cảnh báo nguy cơ Bắc Kinh thống trị Ấn Độ-Thái Bình Dương (RFI, 02/05/2018)
Không một quốc gia nào có quyền thống trị khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương : Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã tuyên bố như trên vào hôm nay, 02/05/2018 trong buổi họp báo chung tại Sydney nhân chuyến công du nước Úc của tổng thống Pháp. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng theo hãng tin Pháp AFP, lãnh đạo hai nước đã ám chỉ Bắc Kinh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào các thành viên chính phủ Úc, sân bay Sydney, 01/05/2018PETER PARKS / AFP
Theo AFP, tổng thống Macron đã cho rằng Pháp cũng như Úc, cùng với một quốc gia dân chủ khác trong vùng là Ấn Độ, có trách nhiệm bảo vệ khu vực này khỏi ách "bá quyền", một từ ngữ ám chỉ thế lực ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong vùng.
Tổng thống Pháp tuyên bố : "Điều quan trọng là phải bảo vệ sự phát triển dựa trên các quy tắc của luật pháp trong toàn vùng... và duy trì thế cân bằng cần thiết trong khu vực… Điều quan trọng với bối cảnh mới hiện nay là không nên có một thế lực bá quyền nào".
Về phía Úc, thủ tướng Turnbull đã gọi Pháp là một "cường quốc Thái Bình Dương" và cho biết là ông hoan nghênh sự vươn lên về mặt kinh tế cũng như nguồn đầu tư của Trung Quốc, nhưng kêu gọi tất cả các bên cùng hợp tác ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Theo ông Turnbull, điểm thiết yếu là mọi bên phải tuân thủ "một nguyên tắc của luật pháp theo đó sức mạnh không phải là lẽ phải, cá lớn không thể nuốt cá bé, cá bé không thể nuốt tôm tép".
Đối với thủ tướng Úc, chính nguyên tắc luật pháp đó là điều mà Canberra và Paris đang tìm cách duy trì trong toàn khu vực.
Theo AFP, tuyên bố của hai lãnh đạo Pháp Úc được đưa ra vào lúc các nước trong vùng ngày càng lo ngại về đà vươn lên của một nước Trung Quốc càng lúc càng quyết đoán.
Pháp có một số lãnh thổ là hải đảo ở Thái Bình Dương, còn Úc thì ngày càng cảnh giác trước việc Bắc Kinh vươn tầm ảnh hưởng xuống khu vực Nam Thái Bình Dương, điều có thể phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực.
Láng giềng của Úc là New Zealand cũng đã bày tỏ nỗi "lo âu chiến lược", một thuật ngữ ngoại giao dùng để chỉ sự quan ngại trước ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại các đảo quốc trong khu vực.
Vào tháng trước, báo chí Úc đã loan tin về việc Trung Quốc muốn thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài tại Vanuatu, điều đã bị Bắc Kinh phủ nhận
Theo ước tính của viện nghiên cứu Úc Lowy, trong giai đoạn 2006-2016, Trung Quốc đã tài trợ 1,78 tỷ đô la, bao gồm các khoản vay ưu đãi, cho các quốc gia nhỏ ở vùng Thái Bình Dương.
Nhân chuyến công du của tổng thống Pháp, hai nước đã một loạt thỏa thuận trong các lãnh vực từ hợp tác công nghiệp quốc phòng, cho đến phát triển công nghệ để khai thác năng lượng mặt trời và bảo vệ các rạn san hô.
Tổng thống Pháp sẽ rời Úc vào ngày mai, 03/05 để qua Tân Đảo, Nouvelle Calédonie, một vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Thái Bình Dương.
Trọng Nghĩa
******************
Philippines lần đầu trang bị hỏa tiễn cho tàu chiến (RFI, 02/05/2018)
Quân đội Philippines hôm nay 02/05/2018 loan báo đã mua hệ thống hỏa tiễn đầu tiên để trang bị cho chiến hạm, nhằm tăng cường năng lực răn đe trên Biển Đông, trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa quân đội.
Một tàu chiến của Philippines đậu gần tổng hành dinh quân đội, Manila, ngày 11/12/2011. Reuters/Philippine Navy Handout
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Arsenio Andolong cho biết, hỏa tiễn Spike ER do Israel chế tạo đã được lắp đặt vào các tàu chiến do Philippines tự đóng, được gọi là tàu tấn công đa năng. Tuy nhiên chưa rõ bao giờ hệ thống hỏa tiễn địa-địa tầm ngắn và địa-không sẽ được đưa vào hoạt động.
Một chỉ huy cấp cao của hải quân nói với Reuters, lực lượng tuần duyên Philippines trên Biển Đông giờ đây đã mạnh hơn. Sĩ quan giấu tên này nói : "Đây sẽ là phương tiện răn đe vì lần này chúng tôi có được một loại vũ khí đáng tin cậy, có thể đánh thẳng vào mục tiêu dù đó là tàu nhỏ hay tàu lớn".
Loại tên lửa mới mua có tầm bắn 8 km. Manila đã chi ra tổng cộng 11,6 triệu đô la để mua về, các hệ thống này sẽ được lắp đặt cho ba chiếc tàu thuộc đội tàu cơ động. Các chiến hạm khác của Philippines trong đó có hai chiếc do Hàn Quốc đóng, được trang bị hỏa tiễn tầm xa.
Theo Reuters, Philippines dành ngân sách 125 tỉ peso (2,41 tỉ đô la) trong 5 năm tới để mua chiến hạm, chiến đấu cơ, trực thăng, phi cơ trinh sát, máy bay không người lái và các hệ thống radar.
Thụy My
**************************
Philippines mua tên lửa từ Israel sử dụng cho tàu tuần tra Biển Đông (RFA, 02/05/2018)
Philippines vừa hoàn tất việc mua những hệ thống tên lửa trên tàu đầu tiên của mình để gia tăng khả năng đánh chặn trên biển của quân đội nước này. Giới quân đội và hải quân Philippines cho biết tin này hôm 2/5.
Philippines đã chi trả hơn 11 triệu đô la cho Israel để mua hệ thống tên lửa Spike ER trang bị cho tàu chiến.
Tên lửa Spike ER do Israel sản xuất là hệ thống tên lửa tầm ngắn đất đối đắt và đất đối không. Các tên lửa này sẽ được lắp trên các tàu pháo hạm sản xuất trong nước. Hiện vẫn chưa rõ bao giờ thì các giàn tên lửa này sẽ đi vào hoạt động.
Reuters trích lời một giới chức hải quân Philippines cho biết giờ đây hải quân Philipines sẽ được trang bị tốt hơn cho việc tuần tra Biển Đông và các vùng nước có cướp biển.
Philippines cho hay nước này đã trả hơn 11 triệu đô la cho hệ thống tên lửa này.
Pháp muốn tăng cường hiện diện ở Vùng Ấn Độ Dương (RFI, 24/11/2017)
Là một quốc gia đang kiểm soát nhiều lãnh thổ ở cả Ấn Độ Dương lẫn Nam Thái Bình Dương, Pháp đang muốn tăng cường hiện diện ở cả hai vùng biển này trong bối cảnh những hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt tại Biển Đông, đang gây lo ngại cho cả thế giới.
Tại Vùng Ấn Độ Dương hiện nay, ngoài La Réunion, với dân số 850 ngàn, Pháp còn có tỉnh hải ngoại Mayotte với 215 ngàn dân. Getty Images/hemis/Jean-Pierre Degas
Vùng Ấn Độ Dương là một khu vực rất rộng lớn, có thể được chia thành 5 tiểu vùng : Trung Đông và vùng Vịnh, Hồng Hải và Đông Bắc Phi, Tây Phi và Châu Phi hạ Sahara, Nam Á, Đông Nam Á- Châu Đại Dương.
Tại Vùng Ấn Độ Dương hiện nay, Pháp kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn bất cứ quốc gia nào khác. Từ các đảo đang quản lý, Pháp hiện có một vùng đặc quyền kinh tế rộng tới hơn 2.600 km2. Ngoài La Réunion, với dân số 850 ngàn, Pháp còn có một tỉnh hải ngoại khác là Mayotte với 215 ngàn dân.
Bên cạnh hai đảo có người sinh sống nói trên, Pháp còn kiểm soát quần đảo Kerguelen, bán đảo Crozet, các đảo St Paul và Amsterdam và nhiều đảo nhỏ khác nằm gần Madagascar. Những đảo này không có người sống thường xuyên, nhưng các nhà khoa học và nhà nghiên cứu của Pháp thay phiên nhau đến đây làm việc. Tại vùng Nam Thái Bình Dương, Pháp cũng có nhiều lãnh thổ hải ngoại (Nouvelle-Calédonie, Polynésie française, Wallis-et-Futuna…).
Trên đảo La Réunion, Pháp có một trung đội thủy quân lục chiến, cùng với chiến đấu cơ và những thiết bị quân sự khác. Bên cạnh căn cứ của Mỹ trên Diego Garcia nằm ở phía bắc La Réunion, đây chính là sự hiện diện quân sự duy nhất của phương Tây trong vùng này.
Ngoài đơn vị quân đội đóng trên đảo La Réunion, ở khu vực nam Ấn Độ Dương, Paris còn có một căn cứ quân sự ở Djibouti, thuộc địa cũ của Pháp và một đội lính lê dương trên đảo Mayotte. Pháp cũng duy trì một căn cứ hải quân ở Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập, với 700 quân, cùng với các chiến hạm và phi cơ.
Cho tới gần đây, sự hiện diện quân sự của Pháp ở Ấn Độ Dương chủ yếu được sử dụng cho những hoạt động chống cướp biển, trợ giúp nhân đạo, cứu hộ thiên tai, nghiên cứu khí hậu và hỗ trợ Hoa Kỳ trong các chiến dịch quân sự ở vùng Trung Đông. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây ở Vùng Ấn Độ Dương gia tăng, đặc biệt là do tranh chấp Biển Đông, nước Pháp càng muốn khẳng định vai trò của mình ở vùng này.
Theo trang mạng Asia Times, trong chiều hướng đó, gần đây Paris đề nghị mở các cuộc tuần tra thường xuyên của Liên Hiệp Châu Âu để bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Vào tháng 12/2016, chính phủ Pháp cũng đã ra một tuyên bố cho rằng, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này đã làm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng trong vùng. Paris còn khẳng định rằng những hành động "đơn phương" của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể đe dọa an ninh hàng hải và hàng không trong vùng này. Hiện giờ, vì sợ đụng chạm đến Trung Quốc, ngoài Anh Quốc, chưa có thành viên nào khác của Liên Hiệp Châu Âu tỏ ý định tham gia tuần tra chung ở Biển Đông theo đề nghị của Pháp.
Asia Times cũng nhắc lại rằng, tuy không xem Trung Quốc là một đối thủ, bộ Quốc Phòng Pháp, trong một báo cáo được công bố vào năm 2016, đã nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược "quan trọng" với Ấn Độ và Úc, cũng như quan hệ đối tác "đặc biệt" với Nhật Bản, tức là những quốc gia có chung mục tiêu ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Báo cáo nói trên dĩ nhiên cũng nhắc lại mối quan hệ đồng minh truyền thống rất vững chắc giữa Pháp với Hoa Kỳ, siêu cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Thanh Phương
*********************
Úc muốn Mỹ tiếp tục can dự với Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương (VOA, 23/11/2017)
Chính phủ Úc đã công bố sách trắng quốc phòng hôm 23/11, trong đó cảnh báo rằng Mỹ chớ nên dừng can dự vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời nói hàm ý rằng Australia sẽ phải chịu thêm trách nhiệm về an ninh và ổn định kinh tế để làm đối trọng với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.
Chính phủ của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vừa ra sách trắng quốc phòng
Chính quyền Canberra nói 'những thách thức quốc tế chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả khi quốc gia giàu có nhất, sáng tạo nhất và mạnh nhất thế giới tham gia vào việc giải quyết chúng'.
Sách trắng được công bố chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump hoàn thành chuyến Á du kéo dài 12 ngày, đến 5 nước, trong đó ông dự hai hội nghị thượng đỉnh khu vực tập trung bàn về Triều Tiên và thương mại.
Brad Glosserman, giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm về Chiến lược Xây dựng Quy định thuộc Đại học Tama đặt ở Tokyo, nói với VOA rằng sách trắng phản ánh cách Australia đang chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ có quan điểm thay đổi về an ninh, và một Trung Quốc đang trỗi dậy. Ông nói Trung Quốc giờ đây có những quan điểm khác biệt về bản chất và cấu trúc của hê thống quốc tế và khu vực.