Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Cần tiếp tục vận động, kêu gọi các ca sĩ, cầu thủ bóng đá, người có uy tín được xã hội mến mộ… làm từ thiện, ủng hộ người nghèo".

keugoi1

Đồng bào thiểu nghèo nhận hàng từ thiện ăn Tết. RFA

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra kêu gọi vừa nêu, tại cuộc họp hôm 22 tháng 9 năm 2020, để chuẩn bị cho Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2020.

Theo ông Mẫn nói đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nên cần tạo sức lan tỏa trên toàn quốc.

Một cán bộ về hưu, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trao đổi Đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 9 năm 2020, giải thích về hoạt động này :

"Nhiều nhà hảo tâm, cũng như các nghệ sĩ VIP, đã thực hiện cuộc vận động giúp người nghèo có kết quả rất tốt. Cho nên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi các đối tượng ở các địa phương khác, cùng hưởng ứng thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên đối với những nghệ sĩ có uy tín, thì có thể thu hút người ủng hộ, những khán giả ngưỡng mộ, thì sẽ tăng thêm nguồn thu cho qủy xóa đói giảm nghèo hay giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn... ngoài những vấn đề làm thường xuyên mà lâu nay doanh nghiệp đã ủng hộ".

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị cần phải nhấn mạnh những tấm gương điển hình trong lĩnh vực này, để tôn vinh, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp đó trong xã hội.

Trao đổi Đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 9 năm 2020 liên quan vấn đề này, Nhạc sĩ Lê Thiệu hiện sinh sống ở Sài Gòn, nhận định :

"Một xã hội cần các nhóm từ thiện giúp đỡ là một xã hội rất nghèo. Nếu một xã hội phồn vinh, chính phủ lo toàn bộ thì chẳng cần các nhóm từ thiện làm gì nữa. Còn việc kêu gọi ca sĩ, nghệ sĩ và những người có tên tuổi để làm từ thiện nó chỉ là chiêu bài của Mặt trận Tổ quốc, thì đó chỉ là một hình thức cho thấy đảng có quan tâm người nghèo khổ, có kêu gọi giúp dân nghèo. Đó chỉ là hình thức, chứ nội dung thì không có gì, có những nghệ sĩ có tâm thật, nhưng giúp thì cũng như muối bỏ biển, vì người nghèo quá nhiều…".

Theo Nhạc sĩ Lê Thiệu, muốn giúp dân nghèo thật sự, chính phủ phải làm điều gì đó để có một hình thái kinh tế xã hội mới mẻ,, để mọi người đều có việc làm, không ai thất nghiệp, những người già, mồ côi, tàn tật đều có quỹ phúc lợi chăm sóc... chứ kêu gọi giúp đỡ như thế này thì chỉ giống như muối bỏ biển thôi.

Tại sao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại nhấn mạnh kêu gọi ca sĩ, cầu thủ, người nổi tiếng làm từ thiện, giúp người nghèo ?

Một cầu thủ bóng đá thuộc Trung tâm bóng đá ACF ở Hà Nội không muốn nêu tên, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 9 năm 2020, cho biết ý kiến của mình :

"Mình nghĩ chuyện người có... giúp người không có... thì cũng là bình thường, chứ không có gì là đặc biệt quá cả. Cái này thì mình cũng không rõ lắm... Theo quan điểm cá nhân của mình thì cũng công bằng như nhau thôi, chứ không phải chỉ kêu gọi mỗi cầu thủ bóng đá và ca sĩ (làm từ thiện)".

Tuy nhiên, Nhạc sĩ, Ca sĩ Thu Vân khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 9 năm 2020 cho biết, giới hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam thường phải làm theo định hướng của Bộ Chính trị, các chương trình từ thiện đưa ra có hai loại. Ngoài tự nguyện còn có thể có việc bị chính quyền ép buộc :

"Có nghệ sĩ, ca sĩ tự nguyện làm để lấy tiếng, nhưng cũng có người làm từ thiện do bị ép buộc. Ví dụ như họ biết người nghệ sĩ đó có fault (lỗi lầm) gì đó, hay có fault mà họ thấy không vừa lòng, thì hắn sẽ ra một điều kiện... các anh chị em phải làm từ thiện cái này cái kia. Tức là ho ra một cái việc để cho mình làm giống như là đoái công chuộc tội. Còn một số người tự làm để lấy tiếng và được hưởng lợi lộc từ chính quyền, thí dụ có chương trình gì lớn lao, có tiếng trong Việt Nam thì họ sẽ được mời đến hát. Với hình thức này thì bên nào cũng có lợi, dựa vào nhau như vậy".

Việc làm từ thiện, là làm điều tốt, giúp đỡ người khác, thông qua việc quyên góp, hiến tặng vật phẩm, hay giúp đỡ về nhiều mặt khác đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Dù chẳng có công thức bắt buộc nào cho việc làm từ thiện, nhưng tại sao cứ phải là doanh nghiệp, ngôi sao, nghệ sỹ thì phải làm từ thiện... Trong khi cũng có thể có người là đại gia giàu có trong bộ máy chính quyền... Sao không kêu gọi họ làm từ thiện ?

Dưới góc nhìn cá nhân, Nhạc sĩ, Ca sĩ Thu Vân đưa ra nhận định :

"Kêu gọi đảng viên cộng sản thì nói thật, họ không đóng đâu, kêu cũng vô ích à. Vì bọn họ cùng trong chăn ra, nên họ biết con rệp nó ra làm sao rồi. Bây giờ, cán bộ tham nhũng xong họ đâu có để tài sản họ đứng tên, họ đưa cho dòng họ, bà con đứng tên. Không đứng tên thì khi bộ sậu ở trên xuống kêu đóng tiền từ thiện, thì họ nói tôi nghèo đâu có tiền mà đóng, tài sản đó của con cháu tui, của người A, người B... họ sẽ không đóng. Cho nên đừng mơ mà kêu đảng viên cộng sản đóng tiền từ thiện".

keugoi2

Cựu tù nhân chính trị, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và gia đình, trong những ngày qua tham gia phát khẩu trang miễn phí tại Hải Phòng bị chính quyền gây khó khăn đòi tịch thu số khẩu trang dù được mua từ doanh nghiệp có đăng ký. Courtesy FB Nguyễn Xuân Nghĩa

Còn Nhạc sĩ Lê Thiệu, người đã sống trong lòng chế độ cộng sản, xã hội chủ nghĩa 45 năm cho biết, anh rất hiểu lý do vì sao các cán bộ đảng viên giàu có nhưng không bào giờ dám công khai làm từ thiện :

"Tất cả đảng viên cộng sản họ giàu ngút trời, họ giàu bạt ngàn luôn, nhưng không bao giờ dám bỏ tiền ra giúp. Vì sao ? Vì nếu họ giúp thì đồng chí của họ sẽ lấy cớ đó đạp họ, đấu đá họ, đạp họ để giành ghế. Ví dụ như ‘tiền đâu đồng chí giúp’... lương tháng đồng chí 15 - 20 triệu thì tiền đâu đồng chí bỏ ra hàng trăm triệu để giúp ? Chính vì vậy, hầu như 45 năm qua, không một lãnh đạo nào bỏ tiền túi ra công khai giúp dân, chính vì họ sợ. Dù họ có thể âm thầm cúng chùa hàng trăm triệu để hối lộ thần thánh, mua chuộc thánh thần, đó là chuyện bình thường ở Việt Nam, nhưng không bao giờ họ dám giúp công khai".

Tuy nhiên theo nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông, nhà nước có quy định việc làm từ thiện của cán bộ công chức, tùy vào khả năng, tùy địa phương sinh sống :

"Những đối tượng có thu nhập cao thì mức độ quy định cũng cao hơn, còn đối với cán bộ công chức, viên chức thì góp một ngày lương trở lên. Còn những người bình thường thì ở nông thôn mức độ khác, thành thị khác... Tùy thu nhập, khả năng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi mọi tổ chức cá nhân trên toàn quôc tham gia, kể cả người nước ngoài ở Việt Nam nếu có điều kiện tham gia thì rất tốt".

Nhà cầm quyền Việt Nam luôn kêu gọi mọi người dân, không kể là thành phần xã hội nào, chung tay đóng góp làm từ thiện giúp người nghèo, dù giúp đỡ bằng bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên có những người từng lên tiếng cho bất công xã hội, mà trái quan điểm của đảng cộng sản Việt Nam, đến khi làm việc thiện thì lại bị công an sách nhiễu gây khó dễ như trường hợp Anh Bùi Tuấn Lâm hay còn được biết đến là Facebooker Peter Lam Bui, một thành viên của ‘Con đường Việt Nam’, hiện sống ở Đà Nẵng, khi phát những phần quà cho người gặp khó trong dịch Covid-19 thì bị mời lên công an phường.

Không chỉ trường hợp anh Bùi Tuấn Lâm, cũng trong thời gian đó, cựu tù nhân chính trị, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và gia đình, khi tham gia phát khẩu trang miễn phí tại Hải Phòng thì bị chính quyền gây khó khăn đòi tịch thu số khẩu trang dù được mua từ doanh nghiệp có đăng ký.

Hay trường hợp các thành viên nhà xuất bản tự do khi làm từ thiện đều nhận được ánh mắt cảnh giác và câu hỏi "auto" từ công an, dân phòng, chính quyền địa phương như : Anh/chị ở tổ chức nào ? Anh/chị có động cơ, mục đích gì ? Tại sao anh/chị không mang đồ sang bên Mặt trận Tổ quốc hay Ủy ban Nhân dân phường, tập kết ở đấy, tập trung vào đấy, lại tự đi phát ?

Cơ quan chức năng khiến cho, ngay cả những người nhận hàng cứu trợ cũng hoang mang và buộc phải… cảnh giác theo. Với cách làm việc máy móc, đặc biệt đối với người bất đồng chính kiến, chính quyền Việt Nam đã khiến cho nhiều người nghèo mất cơ hội nhận quà cứu trợ.

Nguồn : RFA, 23/09/2020

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn