Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong ba ngày 2, 3 và 4/12 vừa qua Quốc hội Châu Âu đã khẩn trương họp bàn và thảo luận việc đặt bút phê chuẩn hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam (EVFTA) được ký kết tại Hà Nội cuối tháng 6 năm nay.

evfta1

Hình minh họa. Dân biểu Maria Arena (trái) và Dân biểu Saskia Bricmont (phải) - Photo by Y Lan

Ba cơ cấu quan trọng của Quốc hội Châu Âu đã họp bàn. Gồm có Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA), và Phân ban Nhân quyền Quốc hội (DROI) họp suốt hai ngày 2 và 3/12, và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội họp ngày 4/12.

Cạnh ba cơ cấu này, hai tổ chức phi chính phủ là Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR), và Đoàn kết Thiên chúa giáo 5 châu (CSW) tổ chức Hội nghị "Nhân quyền & Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam" cũng trong khuôn viên Quốc hội. Một Hội nghị khép kín dành riêng cho các vị dân biểu và quan chức Liên Âu để trình bày quan điểm của xã hội dân sự đối với Hiệp ước.

Hai vấn đề nổi cộm tại cuộc họp của Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu là bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được Hà Nội thông qua cuối tháng 11, và đặc biệt, việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn hôm 21/11.

Bà Maria Arena, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội, mở đầu cuộc thảo luận bằng một thông tin. Bà nói :

"Nhân danh Chủ tịch Phân ban Nhân quyền, tôi có bổn phận chia sẻ các thông tin gửi đến tôi về hiện trạng nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt về tình trạng những người hoạt động bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam. Tôi cần thông báo để quý vị biết rằng ông Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập, bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 21 tháng 11 vừa qua. Đài Quan sát Nhân quyền đã tung lời kêu gọi khẩn – nhất là lời kêu gọi này được báo New York Times chuyển đi. Hôm 10 tháng 11 ông Dũng gửi một Kiến nghị đến các thành viên Quốc hội Châu Âu, yêu cầu "hoãn" phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam khi chính quyền Việt Nam chưa có những cải thiện nhân quyền quan trọng".

"Ông Dũng không là trường hợp độc nhất. Rất nhiều các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền cũng bị bắt vì họ là những người đối thoại với Liên Âu về hai hiệp ước mậu dịch và đầu tư. Ấy chỉ vì họ là thành viên xã hội dân sự, và họ tham gia thảo luận về các hiệp ước EVFTA và IPA".

Dân biểu Bernard Guetta thuộc Đảng Tân Tiến, Pháp, liền cất lời đề nghị :

"Yêu cầu bà Chủ tịch viết thư gửi đến tất cả đại diện các Nhóm chính trị tại Quốc hội về việc ông Phạm Chí Dũng bị bắt vừa qua, cùng với những nhà bất đồng chính kiến khác, để tất cả mọi Dân biểu được thông tin về những vi phạm nhân quyền mới".

evfta2

Hình minh họa. Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom (trái), Bộ trưởng Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Stefan Radu Oprea (giữa) và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chụp hình sau lễ ký EVFTA ở Hà Nội hôm 30/6/2019 AFP

Bà Arena đồng ý và hứa sẽ viết ngay thư gửi đi trong cùng ngày.

Dân biểu Raphael Glucskmann, Phó chủ tịch Phân ban Nhân quyền, thuộc Đảng Xã hội Dân chủ, nhấn mạnh bổn phận của Phân ban Nhân quyền, ông nói :

"Chúng ta buộc phải nhận định rằng, vào lúc chúng ta thảo luận, nhà cầm quyền Việt Nam bắt những người can dự trong tiến trình thảo luận với Liên Âu. Triệu chứng này rất xấu, cho chúng ta thấy điều chúng ta hoài nghi là đúng, và chúng ta cần đặt những điều kiện mạnh mẽ để có thể chấp nhận phê chuẩn Hiệp ước hay không. Chúng ta thuộc Ủy ban Nhân quyền, bổn phận chúng ta là gửi đi một thông điệp rõ ràng, rằng trong khi chúng ta đang thảo luận về hiệp ước, thì Việt Nam lại tiếp tục cư xử như bạo chúa (despote) đối với giới bất đồng chính kiến".

Phê bình Luật Lao động vừa được Hà Nội thông qua, nữ Dân biểu Irina Von Weise thuộc Đảng Tân Tiến, Đức, nói :

"Quý vị nhắc đến Bộ Luật Lao động sửa đổi mà Tổ chức Lao động Thế giới tỏ ý hoan nghênh. Nhưng tôi thì quan tâm đến những điều sửa đổi chẳng thiết thực như chúng ta mong. Điều 172 nói rằng công đoàn do công nhân thiết lập chỉ hợp pháp nếu chịu gia nhập Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam, hoặc chịu đăng ký với nhà cầm quyền. Chúng ta cần nêu câu hỏi về sự độc lập thực sự của loại công đoàn như thế. Ngoài ra, Luật Lao động được thông qua hôm 20 tháng 11, thì một ngày sau, ngày 21 tháng 11 Phạm Chí Dũng bị bắt. Ông không là người duy nhất bị bắt. Theo báo cáo của các tổ chức Phi chính phủ, mà còn có 10 nhà bất đồng chính kiến khác bị bắt hay bị xử án giữa thời gian từ ngày 5 đến ngày 28 tháng 11, bốn trong số người này bị bắt sau khi Luật Lao động thông qua".

"Điều này báo hiệu rằng, trong mọi trường hợp, Việt Nam chẳng chú ý gì đến những thúc ép nhân quyền của Liên Âu. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần suy nghĩ bằng cách nào chúng ta có thể áp lực nhà cầm quyền Việt Nam. Nhóm chính trị chúng tôi sẽ thảo luận việc này để lấy quyết định phê chuẩn hay không hiệp ước EVFTA".

Dân biểu Reinhard Butikofer thuộc Đảng Xanh nêu rõ lập trường của Đảng ông về việc phê chuẩn hiệp ước :

"Tôi xin phép phát biểu nhân danh nhóm Đảng Xanh. Chúng tôi không đồng ý cho việc phê chuẩn Hiệp ước EVFTA vào lúc Việt nam đang mở cuộc đàn áp những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Chúng tôi nghĩ rằng Quốc hội Châu Âu nên lấy quyết định minh bạch về những điều chúng ta thảo luận trước khi nghĩ đến việc phê chuẩn hiệp ước".

Kết thúc cuộc thảo luận, Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu đã đồng thanh thông qua bản Ý kiến chung nêu cao các điều kiện yêu sách : Việt Nam phải sửa đổi Bộ Luật Hình sự, Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, trả tự do cho các tù nhân chính trị trước khi Hiệp ước EVFTA được phê chuẩn. Bản Ý kiến sẽ được công bố trong hai ba ngày tới.

Chúng tôi đã tìm gặp nữ Dân biểu Saskia Bricmont, là Báo cáo viên cho Đảng Xanh về Hiệp ước EVFTA, để hỏi thăm kết quả cuộc thảo luận tại Ủy ban Thương mại (INTA). Bà cho biết :

"Đối với chúng tôi, ngay lúc này, chẳng bao giờ khác - chúng tôi phải áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền cụ thể. Tại cuộc thảo luận của Ủy ban Thương mại Quốc tế, chúng tôi đưa ra năm điều cần sửa đổi để yêu sách nhà cầm quyền Việt Nam chấp thuận như một số trong những cải cách chủ yếu. Chúng tôi yêu cầu tạm ngưng án tử hình, trả tự do cho tù nhân chính trị, sửa đổi bộ Luật Hình sự và Luật An ninh Mạng".

"Cải tiến Luật Hình sự là điều tối quan trọng, vì hiện nay luật cho phép bắt và giam những ai biểu tỏ chính kiến bất đồng với chế độ. Đây là điều trái chống với các quyền tự do biểu đạt và quyền lập hội. Luật Lao động sửa đổi của Việt Nam thật vô nghĩa nếu công nhân không được tự do biểu đạt ý kiến họ. Đó là lý do vì sao cuộc bắt giam Phạm Chí Dũng là tín hiệu xấu, nhà cầm quyền Việt Nam dư biết rằng Liên Âu đang đòi hỏi sự thực thi quyền con người. Tôi không tin lắm Việt Nam chịu nỗ lực thay đổi tình hình nhân quyền".

Ỷ Lan : Nhân thể xin hỏi bà nghĩ sao lời ông Phạm Chí Dũng yêu cầu Liên Âu hoãn phê chuẩn hiệp ước EVFTA cho đến khi nào nhân quyền được cải thiện tại Việt Nam ?

Saskia Bricmont"Chúng tôi đã có một yêu sách hoãn phê chuẩn cho đến khi nào Việt Nam chịu thực thi nhân quyền. Đảng Xanh chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng, Liên Âu không nên phê chuẩn hiệp ước EVFTA cho đến khi nào có sự thực thi nhân quyền cụ thể trong thực tế".

Cuộc thảo luận về Hiệp ước EVFTA hết sức sôi nổi ít khi được thấy. Từ đó câu hỏi đặt ra, là : Phê chuẩn hay không phê chuẩn ? Bao giờ ?

Theo sự thăm dò của chúng tôi, thì vào tháng 2 năm tới, 2020, sẽ có khoá họp khoáng đại bàn cãi lần nữa để lấy quyết định phê chuẩn hay không.

Ỷ Lan thực hiện

Nguồn : RFA, 06/12/2019

Published in Diễn đàn

VCHR tố cáo Việt Nam từ chối 50 khuyến cáo của các quốc gia về cải thiện nhân quyền

Từ ngày 24 tháng 6 đến 12 tháng 7, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc họp khoá thứ 41 để xem xét và thông qua cuộc Kiểm điểm UPR của 14 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Ngày 4 tháng 7 vừa qua là phiên họp xem xét tình trạng nhân quyền do Việt Nam phúc trình hồi tháng Giêng đầu năm nay.

nq1

Toàn cảnh cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra tháng 11/2018 tại Geneve - AFP

Phiên họp để xem xét thông qua ba phần đồng đều. Phần đầu là thuyết trình của Phái đoàn Việt Nam đến từ Hà Nội. Phần tiếp là đóng góp ý kiến của các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền ; và phần cuối cùng là ý kiến của các tổ chức Phi Chính phủ có quy chế tham vấn tại Liên Hiệp Quốc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hoài Trung trình bày tình hình nhân quyền tốt đẹp tại Việt Nam và giải thích vì sao một số trong 291 khuyến cáo của các quốc gia thành viên đưa ra hồi tháng giêng không được Việt Nam đáp ứng. Sau đó, một số quốc gia phát biểu ý kiến. Không hiểu vì lý do gì, phải chăng vì sự lựa chọn thứ tự ghi danh đăng đàn sớm muộn, chúng tôi không thấy ý kiến cất lên của các quốc gia Âu Mỹ. Trái lại các quốc gia lên tiếng, như Trung quốc, Cu ba, Bắc Hàn, Iran, Iraq, Ai Cập, v.v… hầu như đều tỏ lời "khen ngợi" chính sách nhân quyền của Hà Nội.

Phần phát biểu cuối của các tổ chức Phi Chính phủ, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã chọn 11 tổ chức. Về phía người Việt, có Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thuộc Cộng đồng Người Việt Tự do, và 3 tổ chức khác đến từ Hà Nội.

Ngoài 3 tổ chức ấy, hầu hết các tổ chức Phi chính phủ quốc tế đều phê phán sự che giấu tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo.

Tổ chức Đoàn kết Cơ đốc giáo toàn thế giới phát biểu :

"Chúng tôi ghi nhận với sự quan ngại, rằng Việt Nam không chấp nhận một số khuyến cáo nhằm bảo vệ các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Những ai hoạt động bảo vệ tự do tôn giáo hay tín ngưỡng hoặc nhân quyền phổ cập đều bị sách nhiễu, tấn công, bắt bớ, tra tấn và bỏ tù, một số bị chết trong đồn công an".

Tổ chức Liên hiệp Phúc âm thế giới bình luận : 

"Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi cính sách kiểm soát và ngăn chận. Luật Tôn giáo Tín ngưỡng năm 2016 đòi hỏi các cộng đồng tôn giáo phải đăng ký mới được quyền chính thức hoat động. Các tôn giáo đăng ký bị kiểm soát chặt chẽ, trong khi các tôn giáo không đăng ký, kể cả Tin Lành Thiên chúa giáo, Cao Đài, Hoà Hảo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đều bị đàn áp".

Tổ chức Hành động chung cho Nhân quyền tố cáo : 

"Chúng tôi lấy làm sốc khi chính quyền Việt Nam khước từ các khuyến cáo của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc vì lý do trái chống với tinh thần của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Tinh thần cuộc Kiểm điểm UPR là khuyến khích sự thăng tiến Quyền Con Người bằng sự hợp tác thay vì đối đầu. Thế mà Việt Nam lại tố cáo các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc sử dụng các "thuật ngữ gây tranh cãi" và "sai lầm" hay "không thích hợp", nhưng lại phúc trình sai lạc lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ví dụ như từ chối sửa đổi Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, vì bảo rằng đã được quần chúng đồng tình. Điều này không đúng. Cộng đồng các tôn giáo tại Việt Nam cực lực lên án luật này, nhưng tiếng nói của họ đã bị hận chìm. Việt Nam cũng bác bỏ thời hạn sửa đổi các điều luật, lấy cớ thiếu thời gian. Cớ này chỉ là bịa. Qua ba lần Kiểm điểm UPR, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không ngừng yêu sách Việt Nam tuân thủ các điều được Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị bảo đảm và đưa vào bộ Luật Hình sự Việt Nam. Mười năm trôi qua, các điều luật ở chương "an ninh quốc gia" vẫn còn giữ nguyên".

nq2

Ông Võ Văn Ái phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ngày 4/7/2019 (hàng trước, thứ 2 từ trái qua) -Photo : VCHR Photo : RFA

Ông Võ Văn Ái, nhân danh hai tổ chức Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) nhận xét :

"Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam vô cùng quan ngại trước khoảng cách quá rộng giữa lời tuyên bố của Việt Nam với thực tại kinh khiếp mà người dân Việt phải chịu đựng qua mỗi ngày.

"Việt Nam ngày nay là hình ảnh 130 người tù vì lương thức, một phần ba nhiều hơn năm ngoái ; là đàn áp phổ cập những cuộc biểu tình ôn hoà, qua tay bọn du côn được nhà cầm quyền trả công ; là bách hại tôn giáo hằng ngày ; là những sách nhiễu, bắt bớ, với những án tù nặng nề giáng xuống các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.

"Là sự kiện hằng loạt điều luật bóp nghẹt tự do được thông qua, như Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, Luật An ninh Mạng, Luật Báo chí.

"Trong bối cảnh ấy, dù Việt Nam chấp nhận 241 trên 291 khuyến cáo của các quốc gia trong thế giới đưa ra tại kỳ Kiểm điểm UPR thứ ba. Nhưng với những lời bất đồng cùng sự bác bỏ 50 khuyến cáo, cho thấy Việt Nam quyết tâm loại bỏ quyền dân sự và quyền chính trị dành cho người dân.

"Việt Nam từ khước mọi thảo luận về các điều luật "an ninh quốc gia" là nền móng cho chính sách đàn áp của chính quyền Việt Nam. Việt Nam cũng bác bỏ tất cả các khuyến cáo nhằm bảo vệ các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền hoặc từ khước việc sửa đổi các điều luật trái chống với quyền con người. Cuối cùng và ngược lại những chi được khẳng định, Việt Nam chẳng chịu hợp tác hết lòng với Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Đặc nhiệm Tự do biểu đạt và ngôn luận. Báo cáo viên đã phải chờ đợi từ năm 2002 một lời hồi âm về đề xuất ông muốn đến Việt Nam thăm viếng".

Đặc biệt, ông Ái kết luận : 

"Lời phát biểu của chúng tôi hôm nay xin được cung hiến lên Đức Tăng thống Thích Quảng Độ và tất cả các nhà hoạt động bảo vệ Nhân quyền tại Việt Nam".

Trong phần hồi đáp, Trưởng Phái đoàn Việt Nam, ông Lê Hoài Trung tỏ vẻ bực mình, than phiền rằng : 

"Chúng tôi được nghe một số bình luận [của các tổ chức Phi chính phủ] bóp méo chính sách và tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Khi nghe các bình luận này, tôi lấy làm buồn cho họ. Tôi lấy làm buồn là vì [những tổ chức này] không chịu học tập, họ quá thiên kiến và vô trách nhiệm. Về tự do tôn giáo, tôi bác bỏ tất cả những luận điệu thiên kiến, sai lầm này. Các vị [thuộc tổ chức Phi chính phủ] phải thay đổi thái độ và quan điểm. Các vị không thể nào đóng góp cho nhân quyền trong thế giới nếu cứ vô trách nhiệm và thiên kiến như vậy. Tôi cảm thấy quá buồn cho qúy vị".

Ỷ Lan

Nguồn : RFA, 05/07/2019

Published in Diễn đàn

Liên Minh Châu Âu (EU) và Việt Nam vào ngày 4 tháng 3 vừa qua tiến hành vòng đối thoại nhân quyền lần thứ 8 tại Brusells, Bỉ.

Một ngày sau vòng đối thoại, thông tín viên Ỷ Lan của Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn bà Maya Kocijancic, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Liên Âu về Chính sách An ninh, và ông Umberto Gambini, Chánh Văn phòng Dân biểu Quốc hội Âu Châu Ramon Tremosa.

nhanquyen0

Bà Maya Kocijancic, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Liên Âu về Chính sách An ninh

Ỷ Lan : Xin Bà Maya Kocijancic vui lòng cho biết những vấn đề chính yếu được trao đổi qua cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu – Việt Nam hôm thứ hai mồng 4 tháng ba vừa qua ?

Maya Kocijancic : Đúng là cuộc Đối thoại Nhân quyền thường niên Liên Âu – Việt Nam tổ chức hôm qua tại Brussels. Chúng tôi thảo luận rộng rãi trên những vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận, an ninh mạng, án tử hình, môi trường, quyền lao động, hợp tác trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc.

Ỷ Lan : Phái đoàn Việt Nam phản ứng như thế nào trên những vấn đề này ?

Maya Kocijancic : Tôi muốn nhận xét từ những quan điểm khác nhau. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là thiết lập đối thoại thường xuyên, vì sẽ cho ta cơ hội đề cập các trường hợp tù nhân vì lương thức, đồng thời phát hiện các xu hướng. Chúng tôi quan sát thấy một số xu hướng tích cực tại Việt Nam bên cạnh những phát triển tiêu cực. Trên hướng tích cực, 20 năm qua, cải cách và hiện đại hóa đã giúp Việt Nam tiến bộ trong việc xây dựng xã hội phồn thịnh và năng động cũng như cải thiện các lĩnh vực như giáo dục, dịch vụ y tế, làm tiến hóa mục tiêu xã hội và các quyền kinh tế.

Trên mặt khác, chúng tôi nhận thấy một số phát triển tiêu cực về tự do ngôn luận, trên cả hai bình diện trực tuyến và ngoài luồng, tự do hội họp, lập hội, tự do báo chí, và tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Sự phát triển các tự do này rất đáng lo ngại. Ví dụ, một số luật mới thông qua tại Việt Nam làm cản trở việc hành xử các quyền tự do cơ bản. Có những báo cáo cho biết các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bị hăm doạ, tra tấn, bị kết án rất nặng chỉ vì họ sử dụng quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi đã nêu bật các sự kiện này rất rõ ràng. Chúng tôi yêu sách trả tự do cho những nạn nhân này, chúng tôi đòi hỏi việc tiếp cận luật sư bào chữa, hay thân nhân được phép thăm nuôi là tối ư quan trọng. Chúng tôi cho Phái đoàn Việt Nam biết rằng chúng tôi trông chờ họ hành động, giải quyết ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi không chỉ đối thoại mà thôi, mà chúng tôi còn yêu sách áp lực cho nhân quyền tại Việt Nam.

Ỷ Lan : Thưa bà, Liên Âu còn những hành động gì khác liên quan với cuộc đối thoại ?

Maya Kocijancic : Trong cuộc gặp gỡ đối thoại, Phái đoàn Việt Nam có dịp tham quan Quốc hội Châu Âu để thấy tận mắt dân chủ sinh hoạt như thế nào tại Châu Âu. Và trước mọi cuộc đối thoại, chúng tôi luôn luôn tổ chức những cuộc tham vấn với xã hội dân sự tại Châu Âu và tại Việt Nam. Đây là phần chủ yếu của cuộc đối thoại nhân quyền.

Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Maya Kocijancic.

Sau đó, chúng tôi tìm gặp ông Umberto Gambini, Chánh Văn phòng Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa, là người đã ký chung thư với 32 dân biểu đại diện mọi khuynh hướng chính trị kêu gọi Liên Âu thúc đẩy việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi hỏi ông Gambini đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam hiện nay ra sao ?

nhanquyen2

Ông Umberto Gambini, Chánh Văn phòng Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa

Umberto Gambini : Rất vui được trao đổi với chị, xin gửi lời chào nhân dân và bè bạn tại Việt Nam và Châu Á. Liên Âu đang trong tiến trình thương thảo và kết thúc Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam. Là người theo Đảng Tự Do, chúng tôi rất quan tâm đến nhân quyền, tự do tôn giáo và sinh hoạt của các xã hội dân sự, và rất lo âu trước diễn biến tình hình nhân quyền hiện tại. Chúng tôi biết rằng, mọi sự còn cách xa sự hoàn hảo, và chưa được thực hiện nhanh chóng như chúng tôi mong ước. Chúng tôi biết rõ là tự do tôn giáo còn thô thiển, Đức Tăng thống Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục bị quản thúc. Chúng tôi biết Luật mới về An ninh Mạng giới hạn nghiêm trọng tự do ngôn luận trực tuyến và ngoài luồng. Chúng tôi cũng biết các lãnh đạo xã hội dân sự bị cầm tù vì quyền biểu đạt của họ. Đây không phải là con đường thoát cho Đông Nam Á. Chúng tôi tin rằng một nước Việt Nam tự do là một Việt Nam vĩ đại. Chế độ và chính quyền Việt Nam không nên sợ hãi mô thức xã hội đa nguyên. Chúng tôi tin rằng có nhiều vấn nạn cần giải quyết.

Ỷ Lan : Ông cho biết Liên Âu đang trên đường kết thúc Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam, và hiện còn chờ Quốc hội Châu Âu phê chuẩn. Tình hình hiện nay đi đến đâu rồi ?

Umberto Gambini : Như chị biết, nhiệm kỳ các Dân biểu chấm dứt cuối tháng 5 này, sau đó là cuộc bầu cử Quốc hội mới. Vậy là phải chờ Quốc hội mới quyết định phê chuẩn Hiệp ước hay không. Bà Cecilia Malstrom, Ủy viên Thương Mại Liên Âu, rất quan tâm lĩnh vực nhân quyền, đang cố tâm hoàn tất Hiệp ước. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tin tưởng vào bà. Nhưng tất cả tuỳ thuộc vào sự quyết định của Quốc hội mới. Hiệp ước Tự do Mậu dịch sẽ đưa ra Hội đồng Châu Âu, rồi sau đó trình lên Quốc hội Châu Âu khóa mới. Đương nhiên, mọi sự có thể đổi khác, nhưng đó là gì chúng tôi nghe được từ vị Chủ tịch luân phiên Rumania.

Ỷ Lan : Nhưng theo ông, Liên Âu có sẽ quan tâm tới nhân quyền khi lấy quyết định phê chuẫn Hiệp ước hay không ?

Umberto Gambini : Đương nhiên, đương nhiên. Các Hiệp ước Tự do Mậu dịch hiện đại có một chương duy trì nhân quyền. Chương này có tính cách ràng buộc. Cho nên chắc chắn, là Quốc hội sẽ buộc Ủy Ban Châu Âu trách nhiệm việc Việt Nam tôn trọng và thi hành Hiệp ước. Chị biết không, Hiệp ước có thể bị đình chỉ nếu Việt Nam vi phạm nhân quyền. Hãy lấy Cam Bốt làm ví dụ - mới đây Liên Âu vừa đình chỉ thuế quan ưu đãi vì Cam Bốt vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Do đó Việt Nam rất cần nhìn vào những chi vừa xẩy ra cho nước láng giềng. Đây là điều chúng tôi đang vận động áp dụng tại Quốc hội. Hiệp ước đâu phải là một đống chữ mà thôi, còn cả một hậu quả nghiêm trọng nếu người ký Hiệp ước không tôn trọng lời giao ước.

Ỷ Lan : Xin ông câu hỏi chót, Ông nghĩ sao về cuộc Đối thoại nhân quyền Liên Âu – Việt Nam ? Nó có là quá trình lợi ích, hay chỉ là một màn khói cho Việt Nam sử dụng, giả vờ như họ quan tâm tới nhân quyền ?

Umberto Gambini : Chị nghe đây, tôi nghĩ rằng kênh đối thoại nên mở rộng. Như trường hợp Đức Dalai Lama đối thoại với Trung quốc. Dù Trung quốc chẳng phục vụ gì cho Tây Tạng, Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện. Theo tôi, chẳng lợi ích gì khi chấm dứt thương thảo. Nó giống như cuộc sống một cặp vợ chồng, dù có thế nào tôi nghĩ rằng cùng nhau trao đổi vẫn hơn.

Ỷ Lan : Xin cám ơn ông Umberto Gambini.

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu, Brussels

Nguồn : RFA, 06/03/2019

Published in Diễn đàn

Nhân việc Dân biểu Alan Lowenthal thuộc Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos ở Hạ viện Hoa Kỳ chính thức bảo trợ cho Người tù vì lương thức (prisoner of conscience) Tăng thống Thích Quảng Độ, chúng tôi tìm gặp dân biểu để hỏi cụ thể việc bảo trợ này thực hiện ra sao, theo những kế hoạch nào để đạt mục tiêu trả tự do cho vị Tăng thống. Đồng thời qua việc bảo trợ này dân biểu muốn gửi đến Nhà cầm quyền Việt Nam thông điệp gì ? Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây.

tang1

Dân biểu Alan Lowenthal (phải) và Tăng thống Thích Quảng Độ (trái) tại Thanh Minh Thiền Viện năm 2015 - Courtesy of Ỷ Lan

Ỷ Lan : Thưa Dân biểu Alan Lowenthal, ông vừa chính thức bảo trợ Người tù vì lương thức Tăng thống Thích Quảng Độ, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, theo Kế hoạch Bảo vệ Tự do của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Hoa Kỳ. Ông có cảm tưởng như thế nào khi đưa ra quyết định này ?

Alan Lowenthal : Tôi rất, rất vui lòng thấy chúng tôi đang có bước tiến mới cho Tăng thống, Người Tù vì Lương thức. Nay tôi có thể cùng với tất cả các thành viên thuộc Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos vận động trả tự do cho Đức Tăng thống.

Ỷ Lan : Dân biểu vui lòng cho biết tiến trình bảo trợ sẽ thưc hiện ra sao ? Kế hoạch hoạt động như thế nào kể từ khi Tăng thống Thích Quảng Độ chính thức được bảo trợ như Người Tù vì lương thức ?

Alan Lowenthal : Tôi nghĩ rằng việc bảo trợ này chính thức cho phép tiến hành bước thứ hai. Năm 2015, tôi là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ và Phân Ủy ban Châu Á, phái đoàn chúng tôi viếng thăm Việt Nam và tìm cơ hội gặp gỡ Tăng thống tại Thanh Minh Thiền viện nơi ngài bị quản chế. Chúng tôi có cuộc trao đổi dài với ngài, lúc ấy tôi mới nhận thức đến tầm vóc quốc tế của nhà lãnh đạo tôn giáo này, và ý nghĩa kỳ vĩ của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ cho tất cả những ai quan tâm tới tôn giáo bất cứ ở đâu.

Bây giờ, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos chính thức công nhận như Người tù vì lương thức, và chính thức bảo trợ ngài theo Kế hoạch Bảo vệ Tự do, là lúc chúng tôi có thể thực hiện mạnh mẽ. Điều này cho phép chúng tôi hành động chính thức cho ngài Thích Quảng Độ. Ví dụ, tháng trước đây tôi có dịp nói chuyện với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Dan Kritenbrink, tôi đã nêu trường hợp ưu tiên tối hậu cho ngài Thích Quảng Độ. Trong hai tuần lễ tới, Đại sứ sẽ có mặt ở Hoa Thịnh Đốn, tôi sẽ tìm gặp Đại sứ. Việt Nam Caucus của Hạ viện cũng sẽ gặp Đại sứ. Một trong những điều chúng tôi muốn nêu rõ với Đại sứ là vấn nạn Tù nhân vì lương thức, xem Đại sứ có thể làm gì trong cương vị Tân Đại sứ để mang tới thông điệp mạnh mẽ cho nhà cầm quyền Việt Nam. Tuần tới tôi sẽ gặp bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới, bà cũng đã chính thức bảo trợ cho Tăng thống Thích Quảng Độ, để bàn tới một chiến lược hoạt động chung.

Nay ngài đã được chính thức công nhận như Người Tù vì lương thức, Hạ viện sẽ có cơ hội tập họp quanh ngài, bởi vì ngài là một cá nhân độc đáo. Trả tự do cho ngài là điều nhân đạo phải thực hiện ngoài những vấn đề chính trị khác. Tôi không hiểu vì sao nhà cầm quyền Việt Nam lại sợ hãi ngài đến thế.

Tăng thống Thích Quảng Độ năm nay 90 tuổi ; nhân dân trên khắp địa cầu ngưỡng mộ và âu lo cho ngài. Đã đến lúc nên hành động theo đường lối từ bi. Chúng tôi đã có một số kế hoạch sẽ thực hiện. Một Nghị quyết đã được Dân biểu Randy Hultgreen đệ nạp Hạ viện, đề nghị tổ chức một "Ngày Tù nhân vì lương thức" trên toàn quốc, tôi tin rằng Tăng thống sẽ là gương mặt trung tâm cho ngày này - đương nhiên không chỉ có một người, vì chúng tôi quan tâm cho nhiều Tù nhân vì lương thức - nhưng Tăng thống chiếm một không gian duy nhất.

Ỷ Lan : Dân biểu bảo trợ Tăng thống vào lúc Việt Nam mở những cuộc đàn áp mạnh nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến tôn giáo và chính trị cũng như những nhà hoạt động nhân quyền. Riêng trong tháng này đã có một loạt xử án bất công với những án tù 12 đến 15 năm. Như ông đã từng nói, Tăng thống Thích Quảng Độ là biểu tượng cho phong trào đang lên, đòi hỏi tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Như vậy khi bảo trợ cho Đức Tăng thống, phải chăng ông muốn gửi một thông điệp đến nhà cầm quyền Cộng sản ?

Alan Lowenthal : Tuyệt đối là như vậy. Đây là Thông điệp cho việc ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi đã từng thấy những cuộc đàn áp khi lên khi xuống tại Việt Nam. Khi tôi có mặt tại Việt Nam năm 2015, chúng tôi thảo luận với Việt Nam về việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thế là trong một thời gian ngắn, Việt Nam giảm thiểu các cuộc bắt bớ, rồi trả tự do cho một vài tù nhân. Lý do hiển nhiên là họ muốn có quan hệ tốt với Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Hoa Kỳ và Hạ viện, trong quan hệ với Việt Nam, nhận thức ra điều này. Như chị nói, đang có những cuộc đàn áp lớn đối với các nhà hoạt động nhân quyền, những ai đòi hỏi tự do cá nhân và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đáng tiếc không chỉ ở Việt Nam thôi đâu - tại Campuchia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, chúng tôi thấy rõ những kiểm soát độc đoán, và sự gia tăng của chính quyền chống dân chủ. Nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam đang bị kẹt giữa sự mong ước Hoa Kỳ tăng trưởng viện trợ kinh tế, đồng thời lại muốn quyết liệt đàn áp giới bất đồng chính kiến. Thì đây là lúc để nói thẳng rằng :

Nếu quý vị muốn viện trợ kinh tế gia tăng, quý vị phải tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo.

Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng tốt đẹp nhất Hoa Kỳ có thể mang lại là như thế. Chúng ta phải có chung một lịch trình bao gồm hai vấn đề kinh tế và nhân quyền. Nhân quyền phải là ưu tiên tối cao. Hiện nay điều này chưa xẩy ra, nhưng tôi nghĩ rằng sự kiện bảo trợ Tăng thống Thích Quảng Độ là một bước tiến nâng cao sự giải quyết vấn nạn, và cũng là nâng cao sự giải quyết những hiểm nguy đang xẩy ra trong thực tế ở Đông Nam Á với hiện tượng xa lìa dân chủ.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Alan Lowenthal.

Ỷ Lan thực hiện

Nguồn : RFA, 16/04/2018

Published in Diễn đàn