Trái Đất gồng mình cõng 10 tỉ dân năm 2050
Tính đến ngày 01/11/2018, thế giới có 7,1 tỉ dân. Trong 30 năm nữa, con số này sẽ là 10 tỉ và đến năm 2100 sẽ có khoảng 12 tỉ dân. Các nhà khoa học rung chuông báo động.
Tuần hành của nhóm The Forgotten Solution với trang phục giả cây cối, tham gia phong trào Vùng lên vì Khí hậu/Rise For Climate, 8/9/2018, San Francisco, California. Amy Osborne / AFP
Nhật báo kinh tế Les Echos (13/11/2018), trích số liệu trên trang chủ của Viện Nghiên cứu Dân số Pháp (Ined), theo đó mỗi giây có 2,7 công dân mới, mỗi năm dân số thế giới tăng thêm 89 triệu người (150 triệu sinh ra và 61 triệu người qua đời).
Liệu Trái Đất có đủ sức gánh vác 10 tỉ dân vào năm 2050 ? Ký chung một bài viết trên Le Monde, khoảng 20 nhà khoa học và chủ doanh nghiệp, cùng rung hồi chuông báo động và kêu gọi "kìm hãm mức tăng dân số". Theo họ, đây là nguyên nhân làm đảo lộn môi trường và khí hậu và "kéo hành tinh chúng ta đến thảm họa thực sự". Khuyến cáo được đưa ra là cần tài trợ các chương trình kế hoạch hoá gia đình và tránh thai, đặc biệt là ở Châu Phi.
Dù có nhiều chương trình hành động được khuyến cáo để hạn chế hiện tượng Trái Đất nóng lên (dùng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, ô tô hybrid chạy xăng điện...), nhưng theo hai nhà khoa học Seth Wynes và Kimberly Nicholas, thuộc đại học Lund (Thụy Điển), "bớt một đứa con là giải pháp tốt nhất cho môi trường". Khuyến cáo này từng bị chỉ trích, nhưng một lần nữa lại trở thành chủ đề thời sự sau khi AFP đăng lại một biểu đồ về hiện tượng này nhân dịp khối GIEC công bố một báo cáo mới về biến đổi khí hậu vào tháng 10/2018.
Câu hỏi đặt ra : "Trái Đất có khả năng chứa bao nhiêu người ?". Ngay từ năm 1679, nhà nghiên cứu tiên phong người Hà Lan về sinh học tế bào, Antoni van Leeuwenhoek, cho rằng không quá 13,4 tỉ. Từ đó, nhiều nghiên cứu khác đưa ra số liệu mới : từ vài trăm triệu đến vài chục tỉ. Năm 2017, trong một diễn đàn chung trên tạp chí BioScience, 15.000 nhà khoa học từ 184 nước khẳng định khả năng tiếp nhận của Trái Đất đã đạt đến giới hạn, nhưng không đưa ra con số cụ thể, đồng thời kêu gọi "xác định lâu dài tổng dân số (mà Trái Đất) có thể chịu được".
Thực vậy, một cá nhân tiêu thụ càng nhiều nguồn tài nguyên thì họ chừa lại càng ít cho những người khác. Hiện tại, nhân loại cần đến 1,5 Trái Đất để hưởng được các dịch vụ của thiên nhiên, với mức tiêu thụ hiện nay. Vì vậy, hàng năm, tổ chức Global Footprint Network công bố "ngày vượt giới hạn", có nghĩa là ngày nhân loại đã tiêu thụ hết tài nguyên mà Trái Đất có thể tái tạo trong một năm. Trong thập niên 1970, mốc này là ngày 29/12, đến năm 2018, ngay từ ngày 01/08, nhân loại bắt đầu ăn lạm vào nguồn tài nguyên.
Thay đổi cách sống
Nhà nghiên cứu Jacques Véron, Viện Nghiên cứu Dân số (Ined), nhấn mạnh : "Giảm bớt bất bình đẳng là thách thức lớn nhất của dân số tương lai". Thực vậy, 80 quốc gia thiếu nước, 1/5 dân số thế giới không có nguồn nước sạch và một tỉ con người không đủ ăn.
Một nghiên cứu do tổ chức phi chính phủ Mỹ Union of Concerned Scientists công bố tháng 10/2017 chỉ đích danh 90 công ty chính chuyên sản xuất dầu lửa, khí đốt, than và xi măng gây ra 57% lượng khí CO2 trong khí quyển, một nửa của mức tăng nhiệt độ trên thế giới và khoảng 30% mức tăng của mực nước biển so với năm 1880.
Một nguyên nhân khác được tổ chức Grain công bố là do "các tập đoàn công nghiệp sản xuất thịt và sản phẩm sữa". Theo tổ chức phi chính phủ này, 20 tập đoàn lớn nhất -trong lĩnh vực trên - phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính hơn cả toàn nước Đức cộng lại. Theo khuyến nghị của Grain, "nếu muốn nuôi sống cả hành tinh mà vẫn chống biến đổi khí hậu, thì thế giới phải nhanh chóng đầu tư vào việc chuyển hướng sang các hệ thống cung cấp thực phẩm dựa trên các nhà sản xuất nhỏ, nông nghiệp sinh thái và các chợ địa phương".
Tổng thống Pháp : "Chủ nghĩa dân tộc phản bội lòng yêu nước"
Biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề bất đồng giữa Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ. Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Khí hậu Paris COP 21 để phục vụ cho chính sách "Nước Mỹ trên hết - American First".
Ngoài khí hậu, hai bên bờ Đại Tây Dương còn bất đồng về Iran, Thương Mại, Israel-Palestin, an ninh Châu Âu…, tất cả thể hiện sự co cụm của chính quyền Mỹ, sự khác biệt trong cách nhìn về các giá trị, về chủ nghĩa đa phương và quan hệ quốc tế.
Lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I tại Paris là dịp để tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ sự khác biệt giữa "chủ nghĩa dân tộc" và "tinh thần yêu nước". Ông Macron khẳng định "tinh thần yêu nước đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa dân tộc", "chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội lòng yêu nước".
Theo bài xã luận "Một mặt trận mong manh chống chủ nghĩa dân tộc" của Le Monde, thông điệp này trước hết là nhằm vào những công dân Pháp ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, nhưng cũng trực tiếp nhắm vào tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, chính Châu Âu cũng đang bị chia rẽ và đối đầu với làn sóng dân túy. Một nước Anh muốn rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, chủ yếu vì vấn đề tiếp nhận người nhập cư ; nhiều chính phủ Châu Âu do các đảng dân tộc chủ nghĩa điều hành, hoặc bị suy yếu vì các liên minh mong manh.
Vụ ám sát Khashoggi : Công cụ chiến lược của Ankara để hạ thấp Riyadh
Từ một tháng nay, vụ ám sát nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi trong lãnh sự quán của nước này ở Istanbul trở thành công cụ chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ để làm suy yếu uy tín của vương quốc Hồi giáo này, một trong những đối thủ cạnh tranh của Ankara trong khu vực.
Trong bài viết : "Đối mặt với Riyadh, Erdogan tìm cách trục lợi về vụ Khashoggi", Le Figaro đánh giá đó là "một cuộc chiến truyền thông thực thụ, nếu không phải nhằm loại thái tử kế nghiệp Mohammad bin Salman, thì ít nhất cũng nhằm sỉ nhục người đang điều hành Saudi Arabia". Thậm chí, đây là "cơ hội mơ ước để cố tăng cường ảnh hưởng trong vùng của Thổ Nhĩ Kỳ", theo nhận xét của ông Didier Billion, trợ lý giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS).
Ẩn sau vụ Khashoggi là cuộc chiến quyền lợi giữa hai nước, vốn vẫn tranh giành nhau vị trí thủ lĩnh trong thế giới Hồi giáo : Thổ Nhĩ Kỹ, gần với phong trào Liên hội Huynh đệ Hồi giáo, trong khi vương quốc Saudi Arabia, cái nôi của chủ nghĩa Wahhabi, đi theo con đường chuyên chế.
Vụ ám sát nhà báo Khashoggi cho thấy sự bất lực của Saudi Arabia trong việc nắm rõ tình hình thế giới ngày nay và không có khả năng dự đoán hậu quả do hành động nghiêm trọng đó gây ra. Thêm vào đó, Riyadh chọn nhầm đất để hành động, ra tay ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ, một đối thủ đáng gờm và nhà báo Khashoggi là một người bạn của Thổ Nhĩ Kỳ, sắp kết hôn với một công dân của nước này.
Chiến lược của Ankara đã mang lại hiệu quả sau khi Riyadh, từ bác bỏ, đã phải thừa nhận. Dù hy vọng loại bỏ hoàng thái tử Mohammad bin Salman vẫn xa vời, nhưng, theo trợ lý giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), "Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lợi dụng được tình thế để tước một số khu vực khỏi tầm ảnh hưởng của Saudi Arabia hoặc dỡ bỏ cấm vận đối với Qatar hoặc ngừng cuộc chiến tại Yemen".
Chính phủ Pháp đối mặt với phong trào phản đối tăng thuế xăng dầu
Đây là chủ đề trên trang nhất của hầu hết các nhật báo Pháp. Thứ Bẩy đen tối 17/11, chính phủ sẽ phải đối mặt với sự bất bình của người sử dụng ô tô. Phong trào tự phát, bắt đầu từ lời kêu gọi của một phụ nữ trẻ ở tỉnh Seine-et-Marne, được thể hiện qua chiếc áo phản quang an toàn (gilet jaune) đặt phía trước, dưới kính chắn gió của ô tô.
Vậy "‘Áo gilet vàng’ là ai ?", Libération đặt câu hỏi trên trang nhất cùng với hình ảnh chiếc áo phản quang chiếm trọn trang. Phong trào chặn nhiều trục đường được dự kiến diễn ra trên quy mô lớn, vì vậy, theo Le Figaro : "Đối mặt với áo gilet vàng, tổng thống Macron tìm cách tránh đỡ". Tương tự, Le Monde cũng cho rằng "Phong trào áo gilet vàng khiến chính phủ lo ngại".
Theo chính phủ, tăng thuế xăng dầu nhằm thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm bớt phụ thuộc vào ô tô và sử dụng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể để hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tác động nhất do tăng thuế xăng dầu. Nhật báo kinh tế Les Echos đăng biểu đồ về sự phân chia thuế xăng dầu. Theo thẩm định cho năm 2019, trên tổng số 37 tỉ euro thuế, 17 tỉ sẽ thuộc về Nhà nước, 12,3 tỉ thuốc về các địa phương, 7,2 tỉ dành cho chuyển đổi năng lượng và 1,2 tỉ cho Cơ quan Cơ sở hạ tầng.
Xã luận của Libération lại nhận thấy đằng sau phong trào phản đối này còn là cuộc chiến đấu không gian (thay vì cuộc đấu tranh giai cấp), giữa người dân sống ở ngoại ô, nông thôn với các trung tâm thành phố. Những người sống ở vùng xa có cảm giác bị người thành thị coi thường và bị chính quyền bỏ rơi.
Le Monde cho biết "các nghiệp đoàn tỏ ra ngờ vực và giữ khoảng cách với phong trào phản đối". Tương tự, "Phong trào ngày 17/11 chia rẽ các đảng phái chính trị", theo La Croix. Chỉ riêng phe cực hữu là hùa theo sự bất bình của người dân, theo Libération.
Pháp : "Mỹ phẩm trộn" nằm trong tầm ngắm
Tự chế mỹ phẩm đang là trào lưu mới tại Pháp, theo kiểu "do it yourself". Trước tiên, xuất hiện trên internet, sau đó nhiều điểm bán nguyên liệu bio đã được mở (Aroma-Zone, MyCosmetik, La Compagnie des Sens, Waan…), song song với một số cửa hàng bán máy tự chế tạo mỹ phẩm.
Tuy nhiên, theo nhật báo Les Echos, phong trào tự chế mỹ phẩm (theo hướng dẫn được kèm theo) bắt đầu khiến các nhà sản xuất truyền thống lo ngại, vì những doanh nghiệp cạnh tranh mới không theo các quy định trong ngành này. Theo Cơ quan An toàn Dược phẩm và sản phẩm Y tế Pháp (ANSM), các sản phẩm được bán kèm với cách pha chế, cũng phải tuân thủ quy định về mỹ phẩm, giống như một sản phẩm đã hoàn thiện.
Thu Hằng