Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Macron : 100 ngày đầu quyết định

Lãnh đạo phong trào Tiến Bước ! Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp ngày 07/05/2017. Tuy nhiên, khác hẳn với những người tiền nhiệm, Macron không có thời gian xả hơi. Le Figaro số ra hôm nay chú ý đến: "Macron tung đội quân Tiến Bước vào cuộc chiến chiếm lĩnh Quốc Hội", trong lúc tổng thống tân cử sẽ phải công bố danh các ứng cử viên cho cuộc bầu cử Nghị Viện tháng tới, mà nhiều nhà bình luận ví như "vòng 3 bầu cử tổng thống". Le Monde có bài nhận định : "100 ngày quyết định đối với Macron".

macron1

Tổng thống tân cử Emmanuel Macron trên đường tới đọc diễn văn tại Bảo tàng Louvre, sau khi kết quả chính thức được công bố, Paris, 07/05/2017. REUTERS/Philippe Lopez/Pool

Bài viết mở đầu với cuộc đối thoại trong không khí hết sức căng thẳng, sau vòng một cuộc bầu cử, giữa ứng cử viên Macron với nhân viên nhà máy Whirlpool đang sôi sục vì xí nghiệp sắp bị đóng cửa. Phản bác lại ý kiến bàn lùi của cộng sự, khuyên ông không nên dấn thân vào một nơi không an toàn, Emmanuel Macron khẳng định : "Tôi sẽ không bao giờ có được an toàn, bởi đất nước chúng ta hiện nay là như vậy. Nếu nghe lời những người bảo vệ, các vị sẽ chịu chung số phận với Hollande (tức tổng thống tiền nhiệm). Có thể các vị sẽ được an toàn, nhưng về mặt tinh thần, các vị đã chết".

  •  (phần sau)

Tác giả bài viết đồng cảm với tổng thống tân cử, khi điểm lại lịch sử Châu Âu những thập niên gần đây, đó là "đã không có cuộc cải cách đau đớn nào được thực thi với sự đồng thuận". Thủ tướng Anh Thatcher cho đến thủ tướng Đức Schroeder, đều đã phải chống lại các nghiệp đoàn.

Công trường lớn đầu tiên đối với tân tổng thống Macron sẽ là "cuộc chiến chống nạn thất nghiệp, căn bệnh ung thư của xã hội Pháp", mà cho đến nay, đã không có gì làm xoay chuyển được tình trạng này.

Ba cuộc cải cách được coi là "quyết định" đối với Macron, đó là "quốc hữu hóa bảo hiểm thất nghiệp ; cải cách mạnh hệ thống đào tạo nghề, với 15 tỉ euro dự kiến cho người thất nghiệp ; và thứ ba là tăng gấp đôi số lớp tiểu học tại các vùng dân cư khó khăn, với tổng số 120.000 học sinh, đồng nghĩa với việc tăng thêm ít nhất 5.000 giáo viên".

Tác giả dự đoán, để thực thi các cải cách về lao động, tổng thống tương lai sẽ phải đối mặt với sự phản đối hết sức mạnh mẽ từ phía các công đoàn, tuy nhiên ông Macron không có đường lùi.

100 ngày trước mặt sẽ là quyết định. Emmanuel Macron sẽ kết thúc giai đoạn này, hoặc với "đôi cánh bị cắt cụt", hoặc "trở nên mạnh mẽ hơn, với những thành công đầu tiên", để tiếp tục tiến bước, đặc biệt trong các vấn đề Châu Âu.

Tuy nhiên, Le Monde cũng lưu ý, trước hết Macron phải giành được một đa số tại Quốc Hội, nếu không ông sẽ là "một viên tướng không quân". Trong trường hợp giành được đa số, Emmanuel Macron được so sánh là khá giống với tổng thống Nicolas Sarkozy, khi khởi đầu nhiệm kỳ, chỉ có điều nhân vật này đã không làm được gì vào mùa hè năm 2007, và chỉ còn là "một con hổ giấy". "Tổng thống Macron có mùa hè này để chứng minh điều ngược lại".

Vừa phải tiến hành nhanh chóng các cải cách, vừa phải có được một đa số trong Quốc Hội mới, đó là thách thức kép mà Emmanuel Macron phải đối mặt, ngay từ khi chưa chính thức nhận bàn giao quyền lực.

"Bỏ quên đối thoại, cái giá phải trả sẽ rất đắt"

Về các dự định cải cách táo bạo của Emmanuel Macron trong những tháng cầm quyền đầu tiên, xã luận báo công giáo La Croix có bài "Cái giá của đối thoại", nhấn mạnh đến thông điệp mà tổng thống mãn nhiệm François Hollande vừa nhắc nhở trong cuộc họp hội đồng bộ trưởng cuối cùng : "Bỏ quên đối thoại, cái giá phải trả sẽ rất đắt". La Croix cũng nhắc lại cái giá mà chính phủ đảng Xã Hội đã phải trả, khi cho ra bộ luật hợp thức hóa hôn nhân đồng tính, bộ luật bị phản đối dữ dội trong một thời gian dài, đúng vào lúc chính quyền "lẽ ra đã phải tập trung toàn lực cho cuộc chiến vì việc làm". Cuộc chiến dữ dội này lẽ ra đã có thể tránh được, nếu tổng thống và chính phủ lúc đó lắng nghe và đối thoại với những người phản đối.

La Croix dẫn lời một chuyên gia về quan hệ xã hội, ông Charles de Froment, theo đó, việc tân tổng thống Macron quyết định tiến hành các cải cách về lao động, thông qua các quyết định của hành pháp (chứ không phải theo luật do Quốc Hội bỏ phiếu), để rút ngắn thời gian cải cách, không hề mâu thuẫn với đối thoại. Chuyên gia Charles de Froment nhận xét : "Chính phủ cần phải đạt được một đồng thuận đủ mạnh về những điểm nền tảng của cuộc cải cách, để chứng minh là việc sử dụng các quyết định của hành pháp không đồng nghĩa với việc chính quyền áp đặt, mà là một phương thức phù hợp để đáp ứng lại tình huống khẩn cấp hiện nay".

Theo báo kinh tế Les Echos, Emmanuel Macron không nhất thiết phải khởi sự với ba cuộc cải cách, vốn gây nhiều phản đối từ phía các nghiệp đoàn, trong đó có cuộc cải cách mức trần đền bù, do việc sa thải không có lý do chính đáng. Mà tân chính phủ nên khai mạc nhiệm kỳ với "một loạt các cải cách xã hội quy mô, vốn đã có được sự ủng hộ của các công đoàn lớn như CFDT, CFTC hay UNSA".

Danh sách ứng viên Quốc Hội : Nỗi đau đầu của đảng Tiến Bước

Bài "Macron khởi sự cuộc tranh cử Nghị Viện" của Le Figaro cho biết trưa nay, tổng thống tân cử công bố danh sách khoảng 450 ứng cử viên của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, thay vì toàn bộ danh sách 577 người như dự kiến. Chưa nói đến các vận động tranh cử trên thực địa, chỉ riêng việc chọn ra được các ứng cử viên trung thành với cương lĩnh của Macron đã là một chủ đề hết sức đau đầu đối với phong trào chính trị Tiến Bước! non trẻ, phong trào vừa được đổi tên thành đảng chính trị Cộng Hòa Tiến Bước.

Hơn 16.000 người gửi hồ sơ đăng ký làm ứng cử viên của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, trong đó có khoản 1.600 người mới trong những ngày gần đây, sau cuộc bỏ phiếu tổng thống vòng hai (7/5). Chọn ai ? Bỏ ai ? Ưu tiên xã hội dân sự, hay giới chính trị chuyên nghiệp, ưu tiên cánh hữu hay cánh tả ? Trường hợp cựu thủ tướng Manuel Valls, đảng Xã Hội, đề nghị được tranh cử dưới màu cờ Tiến Bước, nhưng chưa được chấp thuận, chỉ là một ví dụ.

Xã luận báo Les Echos chỉ ra sự lúng túng của ban lãnh đạo đảng Cộng Hòa Tiến Bước, với tuyên bố "sẽ có hơn 60% ứng cử viên xuất thân từ xã hội dân sự" (theo một phụ trách của Tiến Bước), so với mục tiêu ban đầu chỉ là 50% (theo danh sách 428 ứng cử viên chính thức vừa được công bố, 52% xuất thân xã hội dân sự, chưa từng là đại biểu dân cử).

Trở ngại cụ thể trong lĩnh vực này đó là việc nhiều chính trị gia kỳ cựu của đảng Những người Cộng Hòa (LR) và đảng trung hữu UDI không chấp nhận liên minh với đảng của tổng thống tân cử, với tư cách cá nhân, mà chờ đợi "một thỏa thuận giữa đảng với đảng", điều mà tổng thống tương lai không chấp nhận.

Tiếp theo danh sách ứng cử viên Quốc Hội, ngay sau khi nhận bàn giao quyền lực, tân tổng thống sẽ phải công bố nhân sự quan trọng số một, đó là chức vụ thủ tướng. Bài "Macron, cách điều hành trong bí mật" của Le Monde cho biết cho đến giờ chưa hề có thông tin nào lọt ra bên ngoài về danh tính của người sẽ đảm nhiệm chức vụ rất được trông đợi này. Ngay cả tổng thư ký phong trào Tiến Bước ! Richard Ferrand, được coi là một cộng sự thân thiết, cũng cho biết không có thông tin.

Tuy nhiên, theo Le Monde, vị tổng thống trẻ tuổi đang điều hành chính phủ với phong cách tập trung quyền lực vào cá nhân, giống như tỉ phú người Mỹ Elon Musk. Theo một số nhà quan sát, chính phong cách này đã mang lại thắng lợi cho lãnh đạo Tiến Bước !, và rất có khả năng trong tương lai, chính phủ Macron cũng sẽ được điều hành theo phong cách này.

Đưa cử tri FN trở lại đối thoại

Nhằm giải tỏa không khí căng thẳng hậu bầu cử tổng thống, báo Libération dẫn ý kiến của nhà triết học Myriam Revault d’Allones : "Cần khẩn cấp đưa 10,6 triệu cử tri bầu cho Mặt Trận Quốc Gia (FN), trở lại với cuộc chơi cộng hòa". Theo chuyên gia về các vấn đề đạo lý và chính trị Pháp, "không thể nào có được nền dân chủ, nếu không có niềm tin vào đối thoại", một niềm tin vốn bị hủy diệt trong thời gian tranh cử, do sự đối đầu khốc liệt giữa các ứng cử viên, mà cuộc tranh luận, gần như biến thành một cuộc cãi vã, giữa ứng cử viên Mặt Trận Quốc Gia và Emmanuel Macron là một ví dụ tiêu biểu. Bà Le Pen đã tỏ ra hung bạo đến mức mà "khả năng đối thoại gần như bị hủy hoại, cho dù ông Macron đã thành công cứu vãn lại một phần nào nội dung".

Nhà triết học Pháp cũng nhấn mạnh đến một nguy cơ lớn đe dọa các nền dân chủ, đó là việc các công dân "chỉ tham gia với tư cách cử tri. Sau khi thực hiện việc đi bầu, họ lại quên đi vai trò của mình trong thời gian giữa hai cuộc bầu cử".

Mỹ : Trump chìm trong bê bối

Về thời sự nước Mỹ, việc tổng thống Donald Trump đột ngột phế truất lãnh đạo cơ quan điều tra FBI James Comey được báo chí Pháp đặc biệt chú ý. Báo Libération có bài "Một bê bối có thể so với vụ Watergate ?". Giám đốc FBI trước khi bị sa thải đang chủ trì cuộc điều tra về những nghi vấn có sự dính líu giữa ê kíp của ứng cử viên Trump với chính quyền Nga trong thời gian tranh cử.

Theo Les Echos, vụ việc này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng của chế độ nhà nước pháp quyền tại Mỹ, bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy tổng thống đương nhiệm đang lạm quyền, can thiệp vào lĩnh vực tư pháp. Vẫn theo báo kinh tế Pháp, các điều tra về can dự của Nga vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vẫn đang tiếp tục mở rộng. Cho đến nay, có tổng cộng năm ủy ban của Hạ Viện và Thượng Viện Mỹ can dự vào vấn đề này.

Trong khi đó, chính quyền Trump chìm trong các đấu đá nội bộ. Cố vấn an ninh của tổng thống, ông McMaster, người vừa được bổ nhiệm hồi tháng 2, để thay thế Michael Flynn, buộc phải từ chức do các quan hệ mờ ám với Nga. Theo Le Figaro, nay đến lượt tướng McMaster nay lại bị mất lòng tổng thống Trump. Theo Bloomberg, viên cố vấn ngày càng ít xuất hiện ở Nhà Trắng.

Lý do là vì ông ta hiện đang bị phe cánh của cố vấn Steven Bannon đồng loạt bôi nhọ. McMaster bị phe Bannon tố cáo là có chủ trương đẩy mạnh can dự của Hoa Kỳ ở nước ngoài, cụ thể là ở Syria, trong lúc chính sách của tổng thống Trump là "Nước Mỹ trước hết".

Năng lượng sinh khối tại Pháp : Mọi điều kiện đều hội đủ

Trong lĩnh vực môi trường, Libération có một phóng sự "Năng lượng sinh khối tại Pháp : Mọi điều kiện đều hội đủ" giới thiệu về tiềm năng của năng lượng sinh khối, một loại hình năng lượng tái tạo ít được nói đến hơn nhiều so với các năng lượng như điện gió, điện mặt trời. Hiện tại, năng lượng sinh khối mới chỉ chiếm có 0,05% tổng khí đốt. Tuy nhiên, với tỉ lệ tăng trưởng hiện nay là 146% /năm, loại năng lượng này được coi là rất có triển vọng. Dự kiến đến 2050, 56% khí đốt, thậm chí 73%, tùy theo tính toán, sẽ là năng lượng sinh khối.

Văn phòng tư vấn Solagro còn nghiên cứu khả năng phấn đấu 100% khí đốt tại Pháp vào năm 2050 là bắt nguồn từ năng lượng tái tạo. Đây được coi là điều khả thi, vì kể từ năm 2020-2030, người ta có thể sản xuất đại trà điện sinh khối từ gỗ hay vi tảo (tức loài tảo siêu nhỏ).

Trọng Thành

Published in Quốc tế