Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liên minh AUKUS : 12 tàu ngầm và vài bài học cho Pháp

Bên cạnh chủ đề về cuộc khủng hoảng ngoại giao Paris - Alger với bài xã luận "Pháp - Algérie : Giờ của sự thật" ; điều tra Pandora Papers về thiên đường trốn thuế ; muôn mặt cuộc đời chính khách, doanh nhân, chủ câu lạc bộ bóng đá, chủ báo Bernard Tapie ; bóng tối của Trung Quốc phủ lên cuộc trưng cầu dân ý của Tân Calédonie, lãnh thổ hải ngoại Pháp, bài học kinh nghiệm mà Paris phải rút ra sau khủng hoảng tàu ngầm là đề tài Le Monde quan tâm.

phap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 2 từ trái) và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (giữa) trên tàu ngầm HMAS Waller tại căn cứ hải quân Garden Island, Sydney. Ảnh tư liệu chụp ngày 02/05/2018.  AP - Brendan Esposito

Trong bài viết "12 tàu ngầm và vài bài học", chuyên mục Kinh tế, Thời luận của Le Monde nhấn mạnh việc Úc bỗng nhiên hủy hợp đồng tàu ngầm với tập đoàn Pháp Naval Group khẳng định các doanh nghiệp quốc phòng và các lĩnh vực chiến lược khác chưa bao giờ phụ thuộc nhiều đến như thế vào các lực lượng và sự bất ổn chính trị.

Từ năm 1990 đến năm 2000, giai đoạn thế giới đơn cực dưới sự thống lĩnh của Hoa Kỳ và trước khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, nhiều nhà phân tích khẳng định địa kinh tế sẽ vượt trội so với địa chính trị. Thế nhưng, giờ đây mọi chuyện đã khác. Các quan hệ liên minh đã lấy lại được tầm mức quan trọng và địa chính trị được đặt lên trên hết, kể cả giữa các đồng minh. Naval Group là nạn nhân của liên minh AUKUS chứ không phải là nạn nhân của những thất bại đơn thuần về công nghiệp.

Theo Le Monde, rất khó để phát hiện ra kế hoạch B mà 3 nước Úc - Anh - Mỹ giữ tuyệt mật. Pháp đã phải trả giá về việc không muốn nghe lén lãnh đạo các nước đồng minh, nhưng đồng thời do Pháp ít có hoạt động gián điệp kinh tế hơn các nước Anh ngữ. Trong khi đó, Pháp lại thiếu vận động hành lang chính trị cho thương vụ thế kỷ. Những hạn chế nói trên càng thêm nghiêm trọng bởi tại Úc, nhiều quan chức quốc phòng, dân biểu và truyền thông ngay từ đầu đã phản đối gay gắt việc Canberra chọn hợp tác với Pháp.

Paris phẫn nỗ vì Úc, Anh và Mỹ có thái độ "giả dối, hai mặt" và "khinh thường" nước Pháp. Thế nhưng, Paris cũng đã đánh giá quá thấp mối lo ngại ngày càng gia tăng của Canberra trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Le Monde nhấn mạnh là các hợp đồng vũ khí - đôi khi là trong lĩnh vực năng lượng và viễn thông - là tổng hòa các yếu tố chính trị : để thắng các gói thầu lớn, hơn bao giờ hết các nhà sản xuất công nghiệp phải điều chỉnh đề nghị cho phù hợp với khuôn khổ chiến lược mà khách hàng xác định. Dường như việc Úc cuối cùng đã tham gia vào chính sách ngăn chặn Trung Quốc do Washington dẫn đầu và biến việc hiện đại hóa hạm đội thành một phần của một liên minh quân sự - ngoại giao có khả năng bảo vệ tốt hơn cũng là hợp logic, bởi Pháp, một cường quốc tầm trung lo ngại làm mếch lòng Trung Quốc, không thể bảo đảm an ninh cho Úc.

Pháp mắc kẹt giữa tham vọng "tự chủ chiến lược" và sự lệ thuộc vào Mỹ

Nhìn sang La Croix, cũng giống như Libération, báo công giáo hôm nay tập trung vào cuộc điều tra về lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, ngoài ra còn có hồ sơ về "7 năm chiến tranh không lối thoát ở Yemen". Về Châu Á, khi tình hình ở Đài Loan đang căng thẳng với việc Trung Quốc trong 3 ngày đã điều gần 100 máy bay xâm phạm khu vực nhận dạng phòng không của hòn đảo mà Bắc Kinh luôn coi là một tỉnh của Trung Quốc, La Croix đặt câu hỏi "Liệu có phải Trung Quốc muốn khiêu chiến với Đài Loan hay không ?".

Trở lại với quan hệ Paris - Washington cũng đang căng thẳng sau vụ Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm quy ước của Pháp để mua tàu ngầm động cơ hạt nhân của Mỹ, nhân chuyến thăm Paris 3 ngày của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, La Croix giới thiệu bài viết "Pháp - Mỹ : Làm thế nào để dung hòa quyền tự chủ và liên minh ?"

La Croix đánh giá chuyến thăm Pháp của ngoại trưởng Mỹ, đặc biệt cuộc gặp của hai vị ngoại trưởng Antony Blinken và Jean Yves Le Drian hôm nay là một bước trong lộ trình nhằm "tái lập lòng tin" giữa hai nước sau vụ khủng hoảng tàu ngầm. Công cuộc "hàn gắn" này được cho là sẽ dẫn đến "các hành động cụ thể", nhất là về an ninh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, quốc phòng Châu Âu và cuộc chiến chống khủng bố ở vùng Sahel.

Về phía Pháp, việc Paris bị "hắt hủi" cũng đã để lại một số dấu ấn. Bảy ngày sau khi nhận được đề xuất từ phía Mỹ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới chấp nhận điện đàm với đồng nhiệm Joe Biden hôm 22/09. Theo tuyên bố chung, hai bên sẽ có "các cuộc tham vấn sâu rộng" và hai nguyên thủ sẽ gặp nhau trong tháng 10. Một lần nữa, vấn đề đặt ra cho hai nước là làm thế nào để dung hòa giữa quyền tự chủ và quan hệ liên minh.

La Croix nhận định quan hệ giữa Pháp và Mỹ là mối quan hệ đầy mâu thuẫn, Paris bị mắc kẹt giữa khát vọng về "quyền tự chủ chiến lược" và thực tế là Pháp bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Đối với tổng thống Pháp, AUKUS càng khẳng định Pháp và Châu Âu cần xây dựng một nền quốc phòng tự chủ, để không lệ thuộc vào Mỹ - "một đồng minh ngày càng không đáng tin cậy".

Thế nhưng, chiến dịch Barkhane của Pháp ở Sahel lại cho thấy quân đội Pháp cần đến sự trợ giúp của "người bạn Mỹ" trong nhiều hoạt động, như hậu cần, máy bay trinh sát không người lái, thông tin tình báo và tiếp nhiên liệu trên không. Còn Châu Âu, kể cả Vương quốc Anh, đều không có đủ phương tiện bảo đảm an ninh cho sân bay Kabul, Afghanistan trong đợt di tản vừa qua mà vẫn phải dựa vào Mỹ.

Nhìn từ Washington, điều mà ngoại trưởng Pháp Le Drian tố cáo là "đòn đánh lén" của Mỹ nhắm vào Pháp đơn giản chỉ là cách hành xử "không khéo léo" của Washington, còn Úc thì vẫn được xem là một đối tác theo lẽ tự nhiên của Washington trong chiến lược "ngăn chặn" Trung Quốc. Thêm vào đó, đối với Mỹ, Châu Âu không cần được quan tâm nhiều như Trung Quốc, bởi Bắc Kinh bị Washington xem là ma-cà-rồng "hút máu" nền kinh tế Mỹ. Những người Mỹ từng giận dữ vì Pháp "bỏ rơi" Mỹ trong chiến tranh Iraq 2003 nay lại cảm thấy "hả hê" khi Pháp chịu "vố đau" lần này.

Tự chủ chiến lược quốc phòng : Châu Âu phải tính đến mối ưu tiên của Mỹ

Tương tự như La Croix, báo Le Monde cũng nói đến cuộc gặp của hai vị ngoại trưởng tại Paris. Trong bài viết "Antony Blinken đến Paris để chấm dứt cuộc khủng hoảng tàu ngầm", Le Monde lưu ý đến mối lo ngại của chính quyền Pháp về việc bị Mỹ gạt ra khỏi vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, tâm điểm các căng thẳng với Trung Quốc.

Về quốc phòng Châu Âu, một trong ba chủ đề chính trong trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng Pháp và Mỹ, Le Monde nhắc lại tổng thống Pháp, khi tiếp thủ tướng Hy Lạp tại điện Elysée, lưu ý Châu Âu phải khẳng định quyền tự chủ chiến lược và có tính đến sự phát triển các mối ưu tiên của Mỹ. Ông Macron nhấn mạnh trong hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ tập trung trước hết vào chính mình và có những mối quan tâm chiến lược hướng tới Trung Quốc và Thái Bình Dương, vì thế sẽ là ngây thơ, thậm chí là phạm sai lầm khủng khiếp nếu Châu Âu không biết tự rút ra bài học.

Le Monde nhận định rất có thể ngày mai, tại thượng đỉnh của nguyên thủ 27 nước Châu Âu tại Slovenia, tổng thống Pháp sẽ còn nhấn mạnh đến những điều nói trên.

Châu Âu tìm kiếm chiến lược đương đầu với Trung Quốc

Vẫn về Châu Âu, một ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu - Balkan diễn ra ở Slovenia, báo Le Figaro hôm nay dành hồ sơ chính cho đề tài "Châu Âu tìm kiếm chiến lược chống lại Trung Quốc".

Đây là lần đầu tiên các nguyên thủ Châu Âu họp kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và từ khi có thông báo bất ngờ về việc Mỹ - Anh - Úc thành lập liên minh AUKUS. Trong lá thư gửi tới 27 nước thành viên, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, kêu gọi các nhà lãnh đạo tham gia vào "một cuộc thảo luận chiến lược về vai trò của Liên Âu trên trường quốc tế", đồng thời bày tỏ nguyện vọng Châu Âu "tự khẳng định mình nhiều hơn và có hiệu quả hơn".

Hôm thứ Bảy, trong bài phát biểu nhân dịp trao giải thưởng Charlemagne cho tổng thống Rumani Klaus Iohannis, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đã tiến xa hơn, bày tỏ mong muốn biến năm 2022 thành "năm quốc phòng Châu Âu". Đến tháng 03/2022, khi Pháp làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp, nhóm 27 nước sẽ phải thông qua "La bàn chiến lược của Liên Âu", được xem như "sách trắng về quốc phòng" của Châu Âu.

27 thành viên Liên Âu sẽ phải đạt được đồng thuận để tiến bước sau bài học rút ra từ các sự kiện đã xảy ra gần đây. Thế nhưng, Le Figaro nhận định điều này diễn ra chậm chạp. Đường lối với Bắc Kinh là rất khác nhau giữa các quốc gia thành viên. Trong khi Litva đã bước vào thế đối đầu với Trung Quốc, thì Hungary vẫn tiếp tục "chơi trò quyến rũ" Bắc Kinh. Thủ tướng Orban Victor bị xem là lãnh đạo chính trị thân Trung Quốc nhất ở Liên Âu.

Vì thế, Châu Âu sẽ không thể có sự đồng thuận để cùng Mỹ chống Trung Quốc. Trong khi thỏa thuận đầu tư Liên Âu và Trung Quốc ký kết hồi tháng 12/2020 vẫn đang bị đình hoãn, một số nước cho rằng có thể đã đến lúc phải tìm cách tái kích hoạt thỏa thuận này. Một cuộc trao đổi giữa chủ tịch Tập Cận Bình và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10.

Thương mại thế giới và sự tăng trưởng trở lại đầy ấn tượng

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Les Echos chạy tựa trang nhất "Sự tăng trưởng trở lại đầy ấn tượng của nền thương mại thế giới", trên nền bức hình chụp từ trên cao một con tàu chất đầy container hàng hóa đang rẽ sóng trên biển.

Trong bài viết "Tăng trưởng mạnh, kinh tế thế giới đã vượt mức trước khủng hoảng" dịch bệnh Covid-19, Les Echos cho biết khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự kiến ​​s tăng 10,8% trong năm 2021 sau khi đã st gim 5,3% vào năm 2020. T chc Thương mi Thế gii (WTO) hôm qua thông báo thương mi hàng hóa toàn cầu chưa bao giờ tốt đến như thế, trong nửa đầu năm 2021, thậm chí đã "vượt đỉnh trước đại dịch" Covid-19. Nhưng Tổ chức Thương mại Thế giới cũng dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ giảm trong những tháng tới, và thương mại hàng hóa thế giới sẽ chỉ đạt mức tăng 4,7% trong năm 2022.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phục hồi hiện tại là không đồng đều. Các nước công nghiệp phát triển đạt kết quả tốt hơn các nước đang phát triển và kém phát triển nhất, chủ yếu là nhờ các nước phát triển có các kế hoạch kích thích tài chính, tiền tệ và các chiến dịch tiêm chủng của các quốc gia phát triển cũng được triển khai tốt hơn các nước còn lại, theo tổng giám đốc WTO. Bà nhấn mạnh là sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận nguồn vac-xin ngừa Covid-19 làm nghiêm trọng thêm sự phân hóa kinh tế giữa các khu vực.

WTO cũng lo ngại là các vấn đề về nguồn cung như tình trạng thiếu chất bán dẫn và việc hàng hóa nhập cảng chậm có thể gây căng thẳng cho các chuỗi cung ứng và ảnh hưởng tới giao thương trong một số lĩnh vực. Một nỗi lo khác là giá hàng hóa sẽ bị đẩy lên cao, do nguy cơ lạm phát đạt đỉnh, sự chậm trễ kéo dài ở cảng, thuế vận chuyển cao hơn, khiến khối lượng giao thương chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Quốc tế

 

Châu Âu không đáng kể so với Mỹ và cần Mỹ hơn là Mỹ cần Châu Âu ? Ai nghĩ như vậy nên nghĩ lại. Liên Hiệp Châu Âu có trọng lượng kinh tế gần bằng Mỹ và là đồng minh của Mỹ trong NATO. Không có Châu Âu thì cũng không thể có NATO. Nếu NATO chao đảo thì đồng Dollar Mỹ cũng khó giữ vai trò đồng tiền dự trữ quốc tế và kinh tế Mỹ sẽ lâm nguy bởi vì ngày nay Mỹ đã chủ yếu trở thành một cường quốc tài chính dựa trên sức mạnh của đồng Dollar. Joe Biden đã rất đúng khi nói rằng đối với Mỹ NATO không chỉ cần thiết mà còn thiêng liêng.

aukus01

Boris Johnson, thủ tướng Australia, Scott Morrison và tổng thống Mỹ, Joe Biden, tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng Sáu. Ảnh : Andrew Parsons / UPI / Rex / Shutterstock

Giữa năm 2020, trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, Joe Biden viết bài "Tại sao Mỹ phải trở lại vai trò lãnh đạo ?" (Why America must lead again ?) trình bày chiến lược quốc tế của ông, trong đó ông cam kết sẽ triệu tập ngay trong năm 2021 một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về dân chủ để thành lập một mặt trận dân chủ thống nhất với mục tiêu thiết lập một trật tự dân chủ trên thế giới và ngăn chặn các chế độ độc tài Trung Quốc và Nga. Sau cuộc triệt thoái khỏi Afghanistan dự định này không còn được nhắc lại. Bây giờ, sau việc thành lập liên minh AUKUS (Australia – United Kingdom – United States) giữa Úc, Anh và Mỹ ngày 15/9/2021 cùng một lúc với việc hủy bỏ hợp đồng chế tạo 12 tầu ngầm giữa Pháp và Úc, có mọi triển vọng là cam kết này sẽ không được thực hiện dù trong năm nay hay trong năm tới.

Điều khó hiểu nhất là tại sao hai sự kiện 1/thành lập AUKUS và 2/Úc hủy bỏ hợp đồng với Pháp để mua tầu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Mỹ lại được công bố cùng một lúc. Hơn nữa Pháp lại không được thông tin trước. Nếu liên minh AUKUS muốn khiêu khích và thách thức Pháp ngay khi vừa chào đời, họ cũng khó làm khác. Hai sự kiện này về bản chất khác nhau ngay cả nếu chúng có liên hệ. Hiệp ước AUKUS là một quyết định chính trị và chiến lược của ba nước trong khi hợp đồng chế tạo 12 tầu ngầm là chuyện riêng giữa Pháp và Úc. Tại sao không chỉ tuyên bố quyết định thành lập liên minh AUKUS rồi một vài tháng sau đó Úc liên lạc với Pháp để đình chỉ hợp đồng giữa hai nước ? Như thế thì sẽ chẳng có gì nghiêm trọng, dù Pháp có buồn, bởi vì hợp đồng này, cũng như mọi hợp đồng, đã quy định sẵn những điều khoản để đình chỉ. Tại sao lại có tình trạng kỳ cục này ? AUKUS có vì thế mà mạnh hơn không ? Ai được gì, ai mất gì ?

BRITAIN-G7-SUMMIT

Cuộc gặp đầu tiên giữa Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhân dịp hội nghị thượng đỉnh G7, tại vịnh Carbis, Anh, vào ngày 12 tháng 6 năm 2021. Ludovic Marin / AFP

Phải chăng Mỹ coi Pháp là không đáng kể ?

Sau hành động vừa qua của Mỹ một số người có thể nghĩ như vậy nhưng không đúng. Pháp dĩ nhiên là yếu hơn Mỹ nhiều nhưng rất đáng kể. Pháp là cường quốc kinh tế thứ năm trên thế giới ngang hàng với Anh và đứng hàng thứ ba trong số những nước xuất khẩu vũ khí, sau Mỹ và Nga. Vũ khí của Pháp chỉ tinh vi sau Mỹ. Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp chỉ thua F35 của Mỹ nhưng lại đa năng hơn và vì thế được ưa chuộng hơn. Về hàng không dân dụng công ty Airbus, trong đó Pháp là tác nhân chính, đã qua mặt công ty Boeing của Mỹ. Pháp cũng là một trong năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Pháp là nước có sức mạnh quân sự vượt trội trong Liên Hiệp Châu Âu và, cùng với Đức, cũng là một trong hai nước đầu tầu có tiếng nói quyết định nhất trong Liên Hiệp này. Pháp cũng rất có quyết tâm. Trong cuộc chiến tranh chống khủng bố trong gần 20 năm qua, một mình Pháp đương đầu với cả một loạt các lực lượng khủng bố, kể cả Al Qaeda và ISIS, ngay tại sào huyệt của chúng trong vùng Trung Phi (Sahel) và trong những năm gần đây gánh chịu nhiều tổn thất hơn so với Mỹ tại Afghanistan. (Cũng nên nhắc lại rằng trong hơn một năm trước khi đơn phương rút khỏi Afghanistan, Mỹ không hề mất một người lính nào tại đây). Sau cùng Pháp hiện diện khá mạnh tại khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương (với các đảo Polynésie, Nouvelle Calédonie, Wallis et Fortuna, Mayotte và La Réunion), khu vực mà Mỹ muốn bảo vệ an ninh khi thành lập liên minh AUKUS. Tóm lại nếu có những đồng minh mà Mỹ cần tranh thủ nhất thì Pháp là một.

Pháp cũng là đồng minh mà Mỹ cần trân trọng nhất. Giữa hai nước có một quan hệ tình cảm không chỉ rất lớn mà phải nói là vô cùng lớn. Hai nước đã từng chiến đấu bên nhau trong hai cuộc thế chiến. Pháp chịu ơn Mỹ rất nhiều nhưng trước đó Mỹ còn mang ơn Pháp nhiều hơn. Năm 1776 khi 13 bang thuộc địa của Anh, với sự khuyến khích của Pháp, tuyên bố độc lập và thành lập Hợp Chủng Quốc Mỹ, quân Anh đã lập tức tấn công. Lúc đó các bang này chỉ có những toán dân quân vừa mới thành lập và họ đã chỉ chống trả được nhờ quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng De La Fayette. Trong trận hải chiến quyết định đầu tháng 9/1781 tại vịnh Chesapeak, hải quân Pháp đã đánh bại hải quân Anh, cô lập và cắt đường tiếp liệu của lục quân Anh, cho phép hai đạo quân của De La Fayette và Washington bao vây đại bản doanh của Anh tại Yorktown buộc quân Anh phải đầu hàng ngày 19/9/1781 và nước Anh phải công nhận nền độc lập của Mỹ. Không phải là quá đáng nếu nói nước Mỹ đã thành lập được nhờ Pháp. Từ đó đến nay trong suốt 240 năm Mỹ và Pháp luôn luôn long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày 19/9 như một ngày lịch sử trọng đại của Mỹ. Năm nay hai bên đang hợp tác chuẩn bị lễ thì ngày biến cố 15/9 xảy đến và Pháp giận dữ tuyên bố hủy bỏ. Hầu hết các nhà bình luận cho rằng Mỹ và Anh đã làm áp lực lên Úc để hủy bỏ hợp đồng với Pháp. Xung khắc giữa Mỹ và Pháp không chỉ tổn thương cho quan hệ đồng minh mà còn là một đổ vỡ tình cảm lớn. Là một chính trị gia lão thành và uyên bác, tổng thống Joe Biden không thể không ý thức được điều này.

aukus03

Aukus : Canh bạc lớn của Úc đối với Mỹ so với Trung Quốc

Nước Úc được gì và mất gì ?

Trái với ý kiến của nhiều người, Pháp không thiệt hại nhiều lắm trong vụ trở mặt này. Úc thiệt hại nhiều nhất. Theo những gì đã được xác nhận thì hợp đồng chế tạo 12 tầu ngầm này, trị giá tổng cộng khoảng 65 tỷ USD và ký kết năm 2016, được thỏa thuận là hoàn toàn thực hiện tại Úc và do người Úc. Vào lúc hợp đồng bị hủy bỏ, trong dự án có 1800 người Úc và 350 người Pháp. Nói chung Pháp chỉ cung cấp kỹ sư và kỹ thuật viên đảm nhiệm việc huấn luyện và chuyển giao kỹ thuật cùng với một vài thiết bị rất đặc biệt. Những đóng góp của Pháp, khoảng 8 tỷ USD cho đến nay, cũng đã được thanh toán và Pháp sẽ còn được bồi thường khoảng 250 triệu USD sau khi hợp đồng bị đình chỉ. Nói chung Pháp bị xúc phạm và mất một hợp đồng lớn, một hợp đồng thế kỷ theo như họ nói, nhưng không thiệt hại. Trái lại Úc mất trắng công lao và số tiền đã chi ra vì những tầu ngầm đang chế tạo dở dang chẳng còn công dụng gì.

Vấn đề của Úc không chỉ dừng lại ở đó. Việc hủy bỏ hợp đồng chế tạo tầu ngầm chạy bằng diesel để mua những tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ đối với Úc là cả một thay đổi có tính chủ thuyết. Cho tới nay chủ thuyết chung của Úc và New Zealand (Tân Tây Lan) là tuyệt đối không chấp nhận sự hiện diện của kỹ thuật nguyên tử, dù là quân sự hay dân sự tại Nam Bán Cầu. Úc và New Zealand đã hợp sức cùng phản đối quyết liệt việc Pháp thử bom nguyên tử tại Polynésie. Năm 1995 một tầu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Pháp vì sự cố kỹ thuật phải vào một cảng của Úc đã bị phản đối rất dữ dội dù không mang một vũ khí nguyên tử nào. Chống nguyên tử cho tới nay gần như là một tôn giáo của Úc và New Zealand. Sự thay đổi đột ngột này chưa được thảo luận và chắc chắn sẽ gây tranh cãi lớn trong chính giới và dư luận Úc. Đặc biệt chính quyền New Zealand đã lập tức tuyên bố sẽ cấm các tầu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử mà Úc sắp mua đi vào hải phận của họ. Quan hệ giữa Úc và New Zealand có thể sẽ căng thẳng. Cũng nên biết là chính việc New Zealand cấm tầu chạy bằng năng lượng nguyên tử trong hải phận của họ đã khiến liên minh ANZUS giữa Mỹ, Úc và New Zealand bế tắc, gần như chết lâm sàng, từ năm 1985.

Dĩ nhiên việc mua tầu ngầm nguyên tử, đặc biệt là theo kỹ thuật của Mỹ, có lợi về mặt quân sự vì tầu có thể chạy suốt đời mà không cần được tiếp tế nhiên liệu như tầu ngầm quy ước, nhưng Úc sẽ chỉ nhận được chiếc tầu ngầm đầu tiên của Mỹ sớm nhất là 15 năm nữa. Lúc đó thế giới đã thay đổi rồi và mối lo ngại Trung Quốc, nguyên nhân chính của hiệp ước AUKUS, có mọi triển vọng không còn đặt ra nữa, hoặc sẽ rất khác.

aukus4

Hoa Kỳ và Liên Âu sẽ mạnh mẽ hơn nếu cùng nhau xây dựng một liên minh công nghệ xuyên Đại Tây Dương

Còn Mỹ thì sao ?

Ngoài việc sắp bán được 8 chiếc tầu ngầm nguyên tử -tầu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử nhưng không trang bị vũ khí nguyên tử- Mỹ coi thành quả chính và quan trọng nhất của hiệp ước AUKUS là xiết chặt hơn nữa quan hệ hợp tác đồng minh với Anh và Úc để đảm bảo an ninh trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy đáng lo ngoại của Trung Quốc. Nhưng đó có thực sự là một thành công không hay chỉ là một quyết định rút lui miễn cưỡng của Mỹ về các nước gần gũi nhất sau khi nhận ra rằng uy tín của mình đã bị sút giảm và hơn nữa chính người Mỹ cũng đang có tâm lý co cụm America First ?

Câu hỏi đáng được đặt ra vì tại khu vực này Mỹ đã có sẵn nhiều liên minh. Ngoài ANZUS bị tê liệt vì chủ thuyết chống nguyên tử của New Zealand còn có liên minh QUAD giữa Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc và liên minh quân sự Ngũ Nhãn (Five Eyes) gồm năm nước nói tiếng Anh là Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Canada. AUKUS là Five Eyes loại trừ Canada và New Zealand. Tại sao không tăng cường sự hơp tác giữa Úc, Anh và Mỹ ngay trong khuôn khổ liên minh này mà lại phải thành lập một liên minh mới không có Canada và New Zealand ? Hơn nữa AUKUS lại ra đời như môt khiêu khích đối với Pháp và Liên Hiệp Châu Âu, khiến NATO mà Joe Biden cho là có tầm quan trọng thiêng liêng (theo chính lời ông Biden) đối với Mỹ đã rã rượi, sau cuộc triệt thoái Afghanistan lại càng tơi bời hơn.

Ngay sau ngày 15/9, một số bạn tôi tại Mỹ nói rằng Mỹ quả thật đã khinh thường Pháp và Pháp có lý do để giận dữ nhưng rồi cuối cùng Pháp cũng như Liên Hiệp Châu Âu cũng không có chọn lựa nào khác hơn là phục tùng Mỹ bởi vì Mỹ quá mạnh. Họ dẫn chứng là Liên Hiệp Châu Âu đã im lặng dù Pháp rất phẫn nộ. Họ lầm bởi vì chỉ vài ngày sau, một thời gian rất ngắn để thảo luận về một lập trường chung giữa 27 nước thành viên, Liên Hiệp Châu Âu đã đồng thanh lên tiếng để bày tỏ sự liên đới với Pháp và phản đối cách hành xử của Mỹ, Anh và Úc. Bà Ursula Von der Leyen, chủ tịch nội các Châu Âu, còn quyết liệt hơn, tuyên bố rằng quan hệ đồng minh Âu Mỹ sẽ chỉ có thể trở lại bình thường sau một thời gian dài ngay cả với một cố gắng thật tình.

Châu Âu không đáng kể so với Mỹ và cần Mỹ hơn là Mỹ cần Châu Âu ? Ai nghĩ như vậy nên nghĩ lại. Liên Hiệp Châu Âu có trọng lượng kinh tế gần bằng Mỹ và là đồng minh của Mỹ trong NATO. Không có Châu Âu thì cũng không thể có NATO. Nếu NATO chao đảo thì đồng Dollar Mỹ cũng khó giữ vai trò đồng tiền dự trữ quốc tế và kinh tế Mỹ sẽ lâm nguy, bởi vì ngày nay Mỹ đã chủ yếu trở thành một cường quốc tài chính dựa trên sức mạnh của đồng Dollar. Joe Biden đã rất đúng khi nói rằng đối với Mỹ, NATO không chỉ cần thiết mà còn thiêng liêng.

Thái độ của Canada rất đáng chú ý. Là một thành viên của NATO, đồng thời cũng là nước láng giềng anh em của Mỹ, nhưng Canada đã vắng mặt trong liên minh AUKUS vì gần đây Canada có chính sách đối ngoại gần Liên Hiệp Châu Âu hơn Mỹ. Canada không tham gia AUKUS vì họ không coi Trung Quốc là kẻ thù mà chỉ như một đối tác kinh tế trên đó cần tạo áp lực về những vấn đề nhân quyền. Đó cũng là lập trường của Liên Hiệp Châu Âu. Châu Âu đã lên án các vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh gay gắt hơn cả Mỹ, đồng thời giảm dần quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng không chống Trung Quốc vì tranh giành ảnh hưởng như Mỹ.

Với cuộc triệt thoái khỏi Afghanistan, và bàn giao số phận của 40 triệu người Afghanistan cho một lực lượng dã man công khai phủ nhân dân chủ và nhân quyền như Taliban, Mỹ đã chứng tỏ dân chủ và nhân quyền không phải hay không còn là quan tâm chính của họ. Một số người biện luận rằng Mỹ bỏ Afghanistan là vì muốn chuyển trục về Châu Á – Thái Bình Dương và tập trung lực lượng để đối phó với Trung Quốc. Đó chỉ là một lập luận gượng gạo bởi vì từ vài năm nay Afghanistan không còn là một cố gắng lớn của Mỹ nữa. Vả lại Afghanistan cũng là một nước Châu Á ở ngay trên Đường Tơ Lụa và sát Trung Quốc. Và không có lý do nào có thể biện hộ cho sự coi thường số phận của 40 triệu người Afghanistan đến như thế.

Cuộc đối đầu Mỹ Trung không còn là cuộc đấu tranh dưới ngọn cờ tự do dân chủ nữa mà chỉ là chuyện riêng giữa hai nước để tranh giành địa vị số 1 mà thôi. Người ta có thể nhận xét thái độ lạnh nhạt của cử tọa khi Biden nói tới lý tưởng dân chủ và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong bài diễn văn ngày 21/9/2021 trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Người ta cũng có thể tạm quên đi hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về dân chủ và mặt trận dân chủ thống nhất mà Joe Biden hứa hẹn. Nhưng không vì thế mà phải bi quan. Làn sóng dân chủ vẫn tiếp tục dâng lên bởi vì nó đã trở thành khuynh hướng tự nhiên và tất yếu của thế giới. Dân chủ sẽ thắng không phải nhờ Mỹ mà mặc dù Mỹ.

Dĩ nhiên có sự khác biệt. Mỹ dù sao cũng là một nước dân chủ tôn trọng các quyền con người cơ bản trong khi Trung Quốc là một chế độ độc tài hung bạo. Nếu bắt buộc phải chọn giữa một trong hai phe thì các nước dân chủ vẫn chọn Mỹ chứ không chọn Trung Quốc, nhưng không vì thế mà phải là đồng minh không điều kiện trong mọi trường hợp.

aukus5

Tập Cận Bình thừa hiểu là Trung Quốc đang đứng trước một khủng hoảng kinh tế lớn và không có sức để đọ sức.

Trung Quốc, Covid-19 và chủ nghĩa dân túy

Trở lại với câu hỏi đặt ra ở đầu bài này. Tại sao Mỹ lại chọn, hay đồng ý chọn, công bố cùng một lúc việc thành lập AUKUS và quyết định hủy bỏ hợp đồng Pháp – Úc ? Người ta không thể giải thích một sự vô lý, nhất là khi nó quá vô lý và lại có hại. Người ta chỉ có thể tìm hiểu nguyên nhân. Nguyên nhân đó có nhiều triển vọng là đến từ hai ông thủ tướng dân túy Boris Johnson của Anh và Scott Morisson của Úc với sự hỗ trợ của phong trào dân túy tại Mỹ. Cả hai đều là những lãnh tụ dân túy không khác Donald Trump bao nhiêu, chỉ có điều là chế độ đại nghị tại Anh và Úc không cho phép họ lộng hành như Trump. Bây giờ người ta được biết rằng tất cả đã được chuẩn bị từ đầu năm 2020 trong nhiệm kỳ Donald Trump, cũng như quyết định triệt thoái khỏi Afghanistan. Joe Biden chỉ tiếp tục làm những gì mà Donald Trump đã khởi sự.

Boris Johnson là một nhân vật chính trị dân túy hoang tàng nhưng có bản lãnh và kinh nghiệm hơn Trump nhiều, lên được chức vụ thủ tướng Anh nhờ lập trường Brexit, nghĩa là đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng giờ đây lập trường Brexit ngày càng bị đa số người Anh nhìn như một sai lầm không những có hại về mặt kinh tế mà còn đe dọa làm tan vỡ nước Anh với sự ly khai rất có thể sẽ đến của Scotland (Tô Cách Lan). Scott Morisson còn giống Trump hơn nhiều trong ngôn ngữ và hành động. Cũng hung hăng chống di dân, bất chấp môi trường và yêu nhiệt điện than. Cả Johnson và Morisson đều cần một hành động để lấy lòng dân và giữ ghế cho mình. Đây là một dịp để nhận diện thêm một lần nữa bản chất của các lãnh tụ dân túy. Thay vì tìm cách nâng cao dân trí, họ kích thích và khai thác những tình cảm sơ đẳng của quần chúng để tạo ảo tưởng rằng có thể có những giải pháp giản dị cho những vấn đề phức tạp, họ kêu gọi sự kỳ thị thay vì tình liên đới. Phản xạ tự nhiên của các lãnh tụ dân túy là gây sự với các nước khác để tỏ ra mình đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết.

Còn Joe Biden ? Có thể nói tất cả các tổng thống Mỹ từ sau Jimmy Carter đều ít nhiều dân túy, nếu không thì họ đã không thể đắc cử. Và Joe Biden cũng không thể là một ngoại lệ. Tâm lý "Nước Mỹ Trước Hết" America First không phải do Donald Trump tạo ra, nó đã vốn có từ lâu và liên tục mạnh lên, Trump đã triệt để thúc đẩy để lợi dụng nó và đưa nó lên tới đỉnh cao. Joe Biden thừa hưởng một nước Mỹ cực kỳ chia rẽ và phân hóa trong đó tâm lý dân túy đang ngự trị và được Đảng Cộng Hòa khai thác tối đa. Ông phải làm ngay cả những điều mà chính ông biết là sai và có hại. Sau những gì vừa xảy ra quan hệ đồng minh với Châu Âu, cụ thể là khối NATO, bị thương tổn nặng, hình ảnh của nước Mỹ trước thế giới vốn đã xuống cấp sau cuộc triệt thoái khỏi Afghanistan lại càng xấu hơn. Nhưng Joe Biden và Đảng Dân Chủ sẽ không thiệt hại gì bởi vì đa số người Mỹ ít còn quan tâm tới quan hệ quốc tế, ngoài tâm lý chống Trung Quốc. Biden có thể còn được ủng hộ hơn vì đã bán được 8 tầu ngầm nguyên tử và đã lập thêm được một liên minh chống Trung Quốc. Trừ khi ông dần dần tạo cảm tưởng là bất tài và không làm chủ được tình thế.

Nói chung, lý do chính của những gì vừa xảy ra ngày 15/9/2021 –khai sinh ra AUKUS đồng thời chơi xấu Pháp- của cả ba vị lãnh đạo Úc, Anh và Mỹ là kiếm phiếu. Thế giới không chỉ có đe dọa Trung Quốc và đại dịch Covid-19 mà còn có mối nguy dân túy.

Việt Nam có lẽ là một trong những nước hiếm hoi được lợi sau biến cố này. Biển Đông có triển vọng từ nay bớt dậy sóng. Việt Nam là nước có thể mất nhiều nhất với đường lưỡi bò xấc xược của Bắc Kinh nhưng Biển Đông cũng là vùng biển mà Mỹ và cả thế giới không thể nhượng bộ, vì 40% ngoại thương thế giới đi qua đó, điều mà liên minh AUKUS vừa tái khẳng định. Mỹ có thể đã mất rất nhiều cảm tình và uy tín nhưng vẫn được tất cả mọi nước ủng hộ trên Biển Đông bởi vì đó là một bắt buộc. Chiến tranh chắc chắn là điều Trung Quốc không dám muốn và Tập Cận Bình cũng thừa hiểu là Trung Quốc đang đứng trước một khủng hoảng kinh tế lớn trong đó tình trạng nguy ngập hiện nay của tổ hợp Evergrande chỉ là một trong những triệu chứng. Trung Quốc không có sức để đọ sức. Ngay sau đó, trong bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Tập đã xuống giọng hẳn. Ông cam kết Trung Quốc sẽ không xâm lấn hoặc đe dọa bất cứ một quốc gia nào, hơn thế nữa từ nay sẽ tôn trọng luật pháp và trật tự quốc tế. Rất khác với ngôn ngữ ngoại giao chiến lang mới cách đây vài tháng. Trung Quốc đồng thời cũng chính thức xin gia nhập khối CPTPP mà cho tới nay họ vẫn coi là một đối thủ. Nếu quả thực Trung Quốc hiền lành như thế thì còn ai có lý do gì để lo ngại ?

Chúng ta đang ở trong một giai đoạn xáo trộn từng ngày. Không có gì là chắc chắn, kể cả những gì vừa được viết trong bài này. Hơn lúc nào hết thời điểm này đòi hỏi nơi những người quan tâm tới thế giới và đất nước mình một cố gắng theo dõi chăm chú, khách quan, thận trọng, thành thật và khiêm tốn.

Nguyễn Gia Kiểng

(04/10/2021)

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm