Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Brexit, giai đoạn khó khăn nhất mở màn

Brexit, giai đoạn khó khăn nhất bắt đầu mở ra. Toàn cảnh chính trị Pháp thêm rối ren : "Phát súng khai tử đảng Xã Hội". Quan hệ Paris Bắc Kinh thêm căng thẳng sau vụ một công dân Trung Quốc bị cảnh sát Pháp bắn chết tại nhà.

brexit1

Cờ Liên Hiệp Châu Âu và tháp chuông đồng hồ Big Ben- Luân Đôn. Reuters

29/03/2017, một ngày lịch sử đối với Liên Hiệp Châu Âu và nước Anh. Luân Đôn ký đơn xin ly dị, tựa trên báo La Croix. "Brexit sống ngày đầu tiên- Lá thư đoạn tuyệt" tựa trên báo Libération bên cạnh bức ảnh thủ tướng Theresa May rất nghiêm trang, ký vào bức thư gửi đến 27 thành viên còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu, sau hơn 40 năm "chung sống".

Trong lá thư "đoạn tuyệt" đó, nữ thủ tướng Anh mặc cả với Châu Âu rằng Luân Đôn tiếp tục hợp tác với Bruxelles chống khủng bố với điều kiện phải đạt được một thỏa thuận có lợi cho thương mại của Anh. Tờ báo không ngần ngại chỉ trích bà May "bắt bí" Liên Âu. Le Figaro ghi nhận : Luân Đôn đem vấn đề an ninh ra để đổi lấy một thỏa thuận thương mại có lợi cho nước Anh.

Báo kinh tế Les Echos nói tới giọng điệu "vừa hòa hoãn vừa mang tính đe dọa" trong lá thư dài 6 trang thủ tướng Anh gửi đến lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu và các đối tác.

Thực tế là nước Anh và Liên Âu có hai năm để đàm phán. Le Figaro cho rằng, trong 24 tháng, nước Anh có thể đạt được một thỏa thuận trên phương diện chính trị, nhưng về mặt kinh tế thì đó là điều không tưởng.

Le Monde viết "hai năm là thời gian quá ngắn để hoàn tất thủ tục ly dị. Liên Hiệp Châu Âu đã ký hiệp định tự do mậu dịch song phương với Việt Nam trong thời gian ngắn kỷ lục là 4 năm vậy làm thế nào để trong vỏn vẹn 24 tháng Anh Quốc và 27 nước còn lại trong Liên Âu tìm ra đồng thuận trên hàng trăm, hàng ngàn lĩnh vực khác nhau" ?

Từ nay tới đó, từ ngành hàng không đến quản lý chất thải nguyên tử, từ các hoạt động tài chính đến ngoại giao giữa Luân Đôn và 27 nước còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu trở nên phức tạp hơn nhiều.

Chỉ riêng trong lĩnh vực hàng không, tờ báo nêu câu hỏi : Liệu hãng hàng không giá rẻ EasyJet có phải hủy các chuyến bay Paris-Lisboa hay Berlin-Athens hay không ? Bởi vì tới nay, nhờ thỏa thuận tự do không lưu hiện hành từ cuối những năm 1990 mà các hãng hàng không Anh Quốc được quyền mở tất cả các chuyến bay giữa hai nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Với Brexit, thỏa thuận đó sẽ phải được xét lại. Hậu quả trực tiếp với EasyJet là tất cả các chuyến bay đều phải đáp qua một thành phố trên lãnh thổ Anh.

Một lĩnh vực khác đang lo ngại không kém là ngành công nghiệp sản xuất xe hơi. Các hãng xe Anh đang trong chu kỳ thịnh vượng, gần bằng với thời đại hoàng kim những năm 1970. Thành tích đó có được chủ yếu nhờ thị trường rộng lớn của Liên Hiệp Châu Âu : một nửa số lượng xe ra lò từ vương quốc Anh là để bán cho 27 thành viên khác trong gia đình ; phụ tùng xe hơi phục vụ cho các nhà máy trên xứ sở của Churchill chủ yếu mua của các đối tác Châu Âu với thuế nhập khẩu rất nhẹ. Sau Brexit, mức thuế nhập khẩu đó lập tức quay lại mức 10 %. Đây là thiệt hại không nhỏ cho các hãng xe ở bên kia bờ biển Manche. Ngược lại thì các hãng xe của Pháp, Đức cũng sẽ bị đánh thuế cao hơn khi xuất khẩu xe vào thị trường Anh.

Dù vậy trước mắt, kinh tế Anh kháng cự khá tốt sau cơn bão Brexit, nhưng Le Monde đặt câu hỏi : Hiện tượng này kéo dài được bao lâu ? Trên Les Echos, giáo sư, Robert Skidelsky, đại học Warwick – miền trung nước Anh, nhắc lại rằng, một trong những nét đặc thù của bộ môn kinh tế là các chuyên gia lỗi lạc nhất, những mô hình dự báo tinh vi nhất rất thường đoán sai.

Điều này đã được chứng minh trong trường hợp Brexit, ít ra là kể từ tháng 6/2016 tới nay : Kinh tế Anh không rơi vào vực thẳm như các viện nghiên cứu lo ngại. Trái lại các chỉ số từ tiêu thụ đến đầu tư tại quốc gia này có phần tươi sáng hơn. Riêng một điều các chuyên gia dự báo đúng : đó là đồng bảng Anh mất giá. Trong 9 tháng qua, điều đó có lợi cho khu vực xuất khẩu của Anh. 

Chính trị Pháp : "Phát súng khai tử đảng Xã Hội"

Ba tuần lễ trước bầu cử tổng thống Pháp vòng 1, bàn cơ chính trị Pháp được "sắp đặt lại" sau khi cựu thủ tướng Valls bỏ rơi ứng viên đảng Xã Hội, và dành lá phiếu cho ứng cử viên của phong trào Tiến Bước- En Marche. "Đâm sau lưng chiến sĩ", "sự phản bội", "Phát súng khai tử đảng Xã Hội", sau khi tan vỡ, "đảng Xã Hội nổ tung" … là những cụm từ các tờ báo từ tả sang hữu đều dành để nói về sự kiện này.

Bức hý họa của Plantu trên báo Le Monde vẽ ứng viên đảng Xã Hội Benoit Hamon, lưng cắm đầy dao. Ở xa phía sau, là hình ảnh một Manuel Valls đang cầm một con dao khác, miệng lẩm bẩm : "Tặng cho Hamon nhát dao cuối cùng".

Báo công giáo La Croix trong bài xã luận nói tới "đòn chí tử" đối với một đảng mà từ nhiều năm qua đã bị phân rẽ giữa hai cánh cải tổ và bảo thủ. Gương mặt tiêu biểu cho cánh bảo thủ đó trong hàng ngũ của đảng Xã Hội là ông Hamon.

Le Figaro thiên hữu hài lòng khi thấy đối lập chính của đảng Những Người Cộng Hòa trải qua "cuộc khủng hoảng chết người" vì cảnh "anh em cùng nhà giết nhau". Cựu thủ tướng Valls từng cam kết ủng hộ Benoit Hamon, để rồi nuốt lời hứa. Tờ báo giải thích : thấy trước viễn cảnh thua to vì thất bại ê chề sau 5 năm đảng Xã Hội cầm quyền, cựu thủ tướng Pháp "tìm một lối thoát hiểm".

Libération thiên tả nặng lời phê phán Manuel Valls khi cho rằng, cựu thủ tướng Pháp giờ đây thấy gió xoay chiều, thuận lợi cho ông Macron thì lại muốn bắt kịp con tàu của phong trào En Marche.

Nhà giàu Pháp lo ngại trước bầu cử tổng thống

Trong lúc các ứng cử viên tổng thống Pháp đang lao vào một cuộc chạy đua nước rút trước vòng 1 ngày 23/04/2017, Les Echos chú ý tới mối lo ngại của thành phần cử tri "có của ăn của để".

Giới có tiền tiết kiệm sợ đảng cực hữu với chủ trương bài Châu Âu đắc cử sẽ từ bỏ đồng Euro, để quay lại với đồng Franc xưa kia. Khi đó tiết kiệm của họ bị mất giá. Bên cạnh đó là chính sách thuế khóa của các ứng cử viên cánh tả và cực tả muốn "đánh thuế nhà giàu" cũng là một tai họa. Còn hai ứng viên cánh hữu và độc lập có chương trình tranh cử "khả dĩ" nhất trong mắt giới chủ doanh nghiêp thì nhất, lại chẳng mấy quan tâm đến quyền lợi của những người có khả năng bơm tiền vào guồng máy kinh tế của Pháp.

Căng thẳng Paris – Bắc Kinh ?

Cộng đồng người Hoa tại Paris phẫn nộ sau cái chết của một người đàn ông 56 tuổi, ở quận 19 tối Chủ Nhật vừa qua. Hai tờ báo Pháp, Le MondeLa Croix cùng đặt câu hỏi, liệu có dẫn tới căng thẳng trong quan hệ giữa Paris với Bắc Kinh ?

Le Monde nói tới những điều "không rõ ràng" liên quan đến vụ một công dân Trung Quốc, Lưu Thiệu Nghiêu (Liu Shaoyao) bị cảnh sát Pháp xông vào nhà và bắn chết. Đó là căn cứ vào lời khai của gia đình nạn nhân. Còn theo cảnh sát Pháp, đương sự đã dùng kéo đả thương nhân viên an ninh trước khi bị bắn chết ngay trong căn hộ của ông ta.

Trong ba ngày qua, cộng đồng người Hoa ở Paris liên tục xuống đường đòi công lý. La Croix cũng có một bài báo ngắn về một cộng đồng vừa phẫn nộ vừa không hiểu lối hành xử của nhân viên an ninh Pháp. Nhưng cái chính là sự cố này, đang làm xấu thêm hình ảnh của nước Pháp trong mắt công luận Trung Quốc.

Năm ngoái, một ông thợ may cũng người Hoa ở Aubervilliers, ngoại ô phía bắc Paris, thiệt mạng vì bị kẻ cướp tấn công, du khách Trung Quốc cũng nhiều lần bị cướp giật. Ngoài đe dọa khủng bố, an ninh là một trở ngại với nhiều người Hoa muốn sang Pháp chơi.

Gáo nước lạnh cho xã hội dân sự Trung Quốc

Rất xa Paris, tại xứ sở của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh đang siết chặt gọng kềm với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài làm việc tại Trung Quốc. Thông tín viên của báo Libération tại chỗ ví von : ba tháng sau khi chính thức có hiệu lực, luật gia tăng kiểm soát các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang "thổi một làn gió đại hàn" lên xã hội dân sự Trung Quốc. Chỉ còn 72 trong số khoảng 7.000 tổ chức được giấy phép hoạt động.

Tác giả bài báo lưu ý : về mặt chính thức các tổ chức phi chính phủ vẫn được giấy phép hoạt động, nhưng điều đó không cấm cản họ bị công an theo dõi, nhân viên nhà nước đến khám xét trụ sở văn phòng, tịch thu giấy tờ hay phong tỏa tài khoản ngân hàng…

Một người trong cuộc nói với phóng viên báo Libération : tất cả những hành vi đó nhằm phòng ngừa nổ ra một cuộc cách mạng trên quê hương Mao.

Galaxy S8 lá chủ bài của Samsung

Trong lĩnh vực công nghệ tin học tập đoàn Samsung trình làng điện thoại thông minh đời mới Galaxy S8. Như ghi nhận của tờ Le Figaro, Samsung hy vọng với thành công của Galaxy S8, mọi người sẽ quên đi thất bại ê chề với kiểu điện thoại Note 7 hồi năm ngoái.

Les Echos đăng ảnh lãnh đạo chi nhánh điện thoại thông minh của tập đoàn này tại New York, hai tay cầm hai chiếc S8 ở bên trên là hàng tựa : "Samsung tô điểm lại hình ảnh với smartphone thế hệ mới". Vụ điện thoại Note 7 bị nổ chẳng những đã hủy hoại uy tín của tập đoàn Hàn Quốc này mà còn gây thiệt hại 5 tỷ euro cho Samsung. Tại Châu Âu, muốn sắm Galaxy S8 ta phải đợi đến cuối tháng Tư, giá mỗi chiếc bán ra là 809 euro. 

Chỉ số hạnh phúc

Vẫn báo kinh tế Les Echos giới thiệu một chỉ số mới đo lường mức độ thịnh vượng của một quốc gia. Tới nay chúng ta biết nhiều đến khái niệm tổng sản phẩm nội địa, tiếng Anh là GDP và tiếng Pháp là PIB. Học Viện Kinh Tế Paris - Ecole Economie de Paris vừa đưa ra một khái niệm mới được gọi theo tiếng Pháp là BIB – chữ B đến từ Bonheur, tức là hạnh phúc.

Chỉ số này, bổ sung cho chỉ số tổng sản phẩm nội địa mà các chuyên gia vẫn dùng từ trước tới nay. Đặc biệt trong mùa tranh cử, Học Viện Kinh Tế Paris còn chứng minh rằng, những thành phần bất hạnh trong xã hội có khuynh hướng bỏ phiếu ủng hộ các đảng phái chính trị theo chủ nghĩa cực đoan. Còn số hạnh phục nhất, thì có khuynh hướng ủng hộ các đảng ôn hòa.

Trong cuộc bầu cử ở Pháp lần này, giáo sư Daniel Cohen, đồng tác giả của nghiên cứu nói trên giải thích : nếu giữa hai cử tri cùng tuổi tác, cùng có địa xã hội vị và thu nhập ngang nhau, người có chỉ số hạnh phúc thấp bỏ phiếu cho đảng cực hữu và đây là yếu tố có thể giải thích vì sao các đảng phái dân túy, không chỉ ở Pháp mà cả Châu Âu và ngay tại những quốc gia cởi mở và có đời sống cao, đã từng bước bám rễ vào toàn cảnh chính trị trên Lục Địa Già.

Thanh Hà

Published in Quốc tế